Trang chủ    Quốc tế    Tập đoàn Điện lực quốc gia Lào thực hiện trách nhiệm xã hội trong điều kiện hội nhập quốc tế
Thứ tư, 13 Tháng 12 2023 10:39
459 Lượt xem

Tập đoàn Điện lực quốc gia Lào thực hiện trách nhiệm xã hội trong điều kiện hội nhập quốc tế

ThS OUTHONE SINGDALA
NCS Viện Kinh tế chính trị
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

(LLCT) - Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp là cam kết của doanh nghiệp trong việc đóng góp vào sự phát triển bền vững, thông qua các hoạt động nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người lao động, cộng đồng và toàn xã hội. Bài viết làm rõ những nội dung căn bản về trách nhiệm xã hội của Tập đoàn Điện lực quốc gia Lào trong điều kiện hội nhập quốc tế, từ đó nêu lên những thành tựu đã đạt được và đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện trách nhiệm xã hội của Tập đoàn trong thời gian tới.

Các nhân viên của Tập đoàn Điện lực quốc gia Lào làm việc ở Viêng Chăn - Ảnh: rfa.org.

1. Tập đoàn Điện lực quốc gia Lào và việc thực hiện trách nhiệm xã hội hiện nay

Khái quát về Tập đoàn Điện lực quốc gia Lào

Tập đoàn Điện lực quốc gia Lào (Electricite Du Laos, viết tắt là EDL) là doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực năng lượng, được thành lập ngày 18-12-1961, có tiền thân từ một nhà máy điện quy mô nhỏ, sản xuất năng lượng bằng động cơ diesel.

Hiện tại EDL có tổng công suất hơn 6.373 MW, với 43 nhà máy thủy điện, hơn 55.000 km đường truyền tải điện và 74 trạm điện năng(1). EDL có 19 chi nhánh ở các tỉnh, thành trên cả nước, riêng thủ đô Viêng Chăn có 2 chi nhánh và mỗi tỉnh đều có 1 chi nhánh của EDL nhằm cung cấp, sửa chữa, quản lý, điều hành việc cung ứng điện khách hàng.

Hiện tại EDL hoạt động dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Năng lượng và Mỏ - với vai trò chủ thể đại diện và Bộ Tài chính - với vai trò chủ thể nắm cổ phần đại diện cho Chính phủ.

EDL có chức năng chính sau: Thực hiện chỉ đạo của Đảng và Chính phủ, phát huy và tổ chức thực hiện đường lối, chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội quốc gia về năng lượng; đầu tư phát triển sản xuất để cung cấp điện theo nhu cầu sử dụng trong nước; quản lý và bảo hành quá trình sản xuất, hệ thống truyền tải và hệ thống phân phối điện thường xuyên, ổn định và hiệu quả cao; xuất nhập khẩu điện năng và phát triển hệ thống mạng lưới điện cũng như tiến hành sản xuất, kinh doanh và phân phối điện; quản lý các doanh nghiệp, các công ty chi nhánh của Tập đoàn Điện lực quốc gia Lào; bồi dưỡng, nâng cao trình độ, đào tạo xây dựng đội ngũ cán bộ có chuyên môn cao, có phẩm chất đạo đức tốt đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của EDL..

EDL đang phấn đấu trở thành doanh nghiệp nhà nước vững mạnh, được các bên liên quan tin tưởng, thực hiện 3 nhiệm vụ chính: 1) Tham gia phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; 2) Cung cấp điện cho nhân dân, khách hành tiêu dùng trong nước và nước ngoài một cách nhanh chóng, đầy đủ, ổn định; xây dựng và lắp đặt thiết bị thủy điện, hệ thống truyền tải điện, trạm biến áp, hệ thống phân phối điện, dịch vụ bảo dưỡng hệ thống sản xuất, truyền tải và phân phối điện; 3) Kinh doanh hiệu lực, hiệu quả nhằm đưa ngành điện trở thành ngành mũi nhọn trong phát triển kinh tế - xã hội, đem lại nguồn thu cho đất nước, đồng thời khuyến khích phát triển ngành điện đi đôi với tạo việc làm cho nhân dân các dân tộc Lào, sử dụng điện với giá hợp lý.

Về phương hướng, nhiệm vụ tổng thể trong sự nghiệp phát triển, EDL hướng tới thực hiện khẩu hiệu: “Nâng cao thu nhập, tiết giảm chi phí, phân phối điện có chất lượng”(2).

Trách nhiệm xã hội của Tập đoàn Điện lực quốc gia Lào được thể hiện qua chuỗi hoạt động gắn với quá trình sản xuất kinh doanh của Tập đoàn nhằm đóng góp vào công cuộc phát triển kinh tế, giải quyết việc làm cho người lao động, thực hiện phúc lợi, an sinh xã hội và bảo vệ môi trường trong điều kiện hội nhập quốc tế của nước Cộng hòa dân chủ nhân dân (CHDCND) Lào, qua đó góp phần thực hiện sứ mệnh bảo vệ, xây dựng đất nước hòa bình, độc lập, thống nhất và thịnh vượng.

Với vị thế tập đoàn nhà nước lớn nhất, hoạt động trong lĩnh vực quan trọng nhất của đời sống kinh tế - xã hội tại nước CHDCND Lào, EDL có trách nhiệm thực hiện các hoạt động xã hội trong tiến trình hội nhập quốc tế. Đặc biệt là trong bối cảnh trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp gắn chặt với mục tiêu, giá trị mà doanh nghiệp theo đuổi và song hành với mục tiêu, giá trị chung của xã hội. Đây được xem là cam kết của doanh nghiệp nhằm đóng góp vào sự phát triển kinh tế, xã hội và môi trường.

Việc thực hiện trách nhiệm xã hội trong tiến trình hội nhập quốc tế của Tập đoàn Điện lực quốc gia Lào có ý nghĩa vô cùng quan trọng, cụ thể như sau:

Thứ nhất, thực hiện trách nhiệm xã hội là xu thế tất yếu, mang tính toàn cầu đối với các doanh nghiệp trên thế giới, trong đó có EDL. Việc EDL thực hiện trách nhiệm xã hội theo các tiêu chuẩn quốc tế chính là điều kiện, là cơ hội để EDL hội nhập quốc tế, tham gia vào các thị trường phân phối điện ở phạm vi quốc tế. Điều này đòi hỏi EDL phải đáp ứng được các tiêu chí về trách nhiệm xã hội quy định tại các bộ tiêu chuẩn như: ISO 26000 - Bộ tiêu chuẩn quốc tế khuyến nghị các doanh nghiệp/ tổ chức nên làm gì để thể hiện trách nhiệm với xã hội; Hướng dẫn của OECD về thẩm định hành vi kinh doanh có trách nhiệm - cung cấp các nguyên tắc và tiêu chuẩn cho các doanh nghiệp hoạt động trên phạm vi quốc tế về cách xử lý các vấn đề như lao động, môi trường và quyền của người tiêu dùng.

Trong nguyên tắc hợp tác xã hội toàn cầu, Liên hợp quốc - kêu gọi các doanh nghiệp hợp tác với Liên hợp quốc để thúc đẩy các vấn đề về nhân quyền, lao động, môi trường và chống tham nhũng. Tiêu chuẩn B-Lab - yêu cầu các doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chuẩn về hoạt động xã hội và môi trường, trách nhiệm giải trình và tính minh bạch; Sáng kiến báo cáo toàn cầu (GRI) - công cụ đo đếm, công bố, giải trình và cam kết trách nhiệm của doanh nghiệp đối với các bên có liên quan về hoạt động phát triển bền vững.

Thứ hai, thực hiện trách nhiệm xã hội giúp EDL tăng khả năng cạnh tranh và hội nhập quốc tế. Thông qua việc thực hiện trách nhiệm xã hội, EDL không chỉ khẳng định tính nhân văn của doanh nghiệp mà còn làm cho doanh nghiệp được hưởng lợi qua công tác truyền thông, quảng bá, tài trợ, hỗ trợ, ủng hộ... Từ đó, EDL gắn các mục tiêu phát triển doanh nghiệp với các cam kết lâu dài về cân bằng lợi ích của doanh nghiệp với sự phát triển xã hội nhằm góp phần thiết thực vào công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước.

Thứ ba, việc thực hiện trách nhiệm xã hội của EDL góp phần nâng cao chất lượng thương hiệu, uy tín và mở rộng quan hệ hợp tác của doanh nghiệp. EDL thực hiện trách nhiệm xã hội một cách đầy đủ, bài bản không chỉ góp phần nâng cao uy tín của EDL ở trong và ngoài nước, mà qua đó, giúp EDL dễ dàng thu hút khách hàng, đối tác và các nhà đầu tư tiềm năng từ các nước trên thế giới. Ngoài ra, việc thực hiện trách nhiệm xã hội có hiệu quả cũng giúp EDL mở rộng quan hệ hợp tác với các tổ chức quốc tế và doanh nghiệp nước ngoài, mở ra những cơ hội mới để phát triển kinh doanh bền vững.

Thứ tư, thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp giúp EDL giảm rủi ro pháp lý có liên quan đến quy định của tư pháp quốc tế. Việc EDL thực hiện đầy đủ, hiệu quả trách nhiệm xã hội qua việc tuân thủ các quy định pháp luật của nước CHDCND Lào có liên quan, như Luật Doanh nghiệp năm 2013, Luật Bảo vệ môi trường năm 2013, Luật Lao động năm 2013, Luật Dân sự năm 2016, Luật Điện lực năm 2017, Luật Nước và Tài nguyên nước năm 2017, Luật Điều ước và Hiệp định quốc tế năm 2017, Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2019 và các văn bản pháp lý chính thức đối với các bên hữu quan sẽ là cơ sở quan trọng để EDL đáp ứng các quy định và tiêu chuẩn thương mại quốc tế, làm giảm rủi ro pháp lý và thương mại trong quá trình hoạt động của mình. Từ đó, giúp EDL nâng cao năng lực cạnh tranh trên trường quốc tế và trong khu vực ASEAN - nơi tập trung phần lớn hoạt động mua, bán điện và hợp tác của EDL.

2. Thực trạng thực hiện trách nhiệm xã hội của Tập đoàn Điện lực quốc gia Lào

Giai đoạn 2016 - 2023, EDL đã đạt được những thành tựu rất lớn trong thực hiện trách nhiệm xã hội. Cụ thể như sau:

Một là, trách nhiệm xã hội của EDL trong công cuộc phát triển kinh tế đất nước

Từ năm 2016 đến năm 2023, EDL đã tập trung sản xuất, cung cấp điện phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế của đất nước. EDL đã xây dựng và đang thực hiện quy hoạch phát triển ngành điện lực cả nước, trong đó có tổng số 262 dự án với tổng công suất lắp đặt là 19.124 MW. Hiện đã có 32 dự án đi vào sản xuất, 17 dự án đang trong giai đoạn phê duyệt thiết kế và xây dựng, 34 dự án đang trong giai đoạn ký kết hợp đồng phát triển dự án, 111 dự án đã được phê duyệt, nghiên cứu khả thi và 28 dự án đang trong giai đoạn biên bản ghi nhớ(3).

EDL đã hoàn thành các dự án xây dựng thủy điện Nậm Kan 3, dự án thủy điện Xeset 3. EDL liên doanh với IPP&SPP hoàn thiện các dự án như: dự án thủy điện Nam Ou 2, 5 và 6. Khởi công dự án xây dựng Thủy điện Nậm Chiến, tổ máy mở rộng thủy điện Nậm Ngừm 1 Tổ máy số 7-8. Các dự án thủy điện do EDL làm chủ đầu tư như: thủy điện Nam Hinboun, thủy điện Nam Chian, dự án mở rộng tổ máy 7 - 8 thủy điện Nậm Ngừm 1 và thủy điện Nậm Ngừm 3.

EDL đã hoàn thành xây dựng công trình điện nông thôn ở các dự án được triển khai như công trình điện nông thôn, hệ thống đường dây 115 kV, hệ thống đường dây 230 kV, TBA 115/22 kV, TBA 22 Kv… qua đó góp phần phát triển hệ thống truyền tải điện trong toàn quốc. EDL đã được cấp giấy chứng nhận Hệ thống quản lý tiêu chuẩn chất lượng nội bộ ISO 9001:2015.

EDL là một trong những đơn vị chủ lực sản xuất, cung cấp điện năng cho đất nước Lào, góp phần quan trọng vào thúc đẩy nền kinh tế của đất nước. Sản lượng điện do EDL sản xuất ngày càng có chiều hướng gia tăng. Năm 2016, EDL sản xuất được 1.968 Gwh, đến năm 2023 EDL đã sản xuất được 3.552 Gwh điện.

Đặc biệt, hai giai đoạn: 2016 - 2017 (từ 1.968 Gwh đến 2.848 Gwh, tăng từ 8,44% đến 12,21%) và 2020 - 2023 (từ 2.821 Gwh đến 3.552 Gwh, tăng từ 12,09% đến 15,23%)(4) là khoảng thời gian EDL có tốc độ và tỷ lệ tăng trưởng nhanh nhất. Cụ thể thấy qua biểu đồ sau đây:

Bên cạnh đó, trong các nước ASEAN, CHDCND Lào là bên đầu tiên khởi xướng việc bán điện tích hợp thông qua các quốc gia tại khu vực. Năm 2021, EDL và Keppel Infrastruture Holdings đã ký thỏa thuận hợp tác cung cấp điện cho Xinhgapo bắt đầu từ năm 2022. Nhờ đó trong hai năm: 2022 và 2023 EDL đã cung cấp 800 MW (trong đó 300 MW vào mùa khô và 100 MW vào mùa mưa/năm) điện cho Xinhgapo thông qua hệ thống trung chuyển truyền tải điện qua Thái Lan(5).

Hai là, trách nhiệm xã hội của EDL trong giải quyết việc làm cho người lao động

Trong thời gian qua, EDL đã chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao, tiến hành đồng bộ, nhất quán ở tất cả các chi nhánh của EDL trên cả nước. EDL đã tổ chức được 195 khóa đào tạo, bồi dưỡng, thu hút 2.817 lượt người lao động tham gia nhằm đáp ứng các yêu cầu nhiệm vụ mới. Có thể thấy (qua biểu đồ dưới), công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao của EDL đã được đầu tư ở nhiều lĩnh vực khác nhau nhằm giúp cho EDL có đủ nhân lực triển khai chiến lược, kế hoạch hoạt động trong bối cảnh mới:

Ngoài ra, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao, cũng như nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại EDL, hàng năm Trung tâm Đào tạo EDL (EDL Training Center) thuộc Cục Quản lý nhân sự, đã đào tạo nguồn nhân lực cho EDL. Trong đó, năm 2016 đã đào tạo về vận hành trạm biến áp từ hệ thống đường dây phía Bắc cho 35 nhân viên; đào tạo cách sử dụng công tơ số cho 24 nhân viên EDL chi nhánh Thủ đô Viêng Chăn; đào tạo kỹ thuật điện viễn thông 11 nhân viên kỹ thuật cho Huawei. Đặc biệt, EDL đã triển khai dự án tăng cường đào tạo kỹ thuật và dạy nghề cho: 168 sinh viên về xây dựng, điện động cơ, 72 thợ điện về hệ thống mạng 22/0.4, 24 thợ hàn kim loại, 15 người thiết kế điện bằng AutoCAD, 15 người được đào tạo sử dụng tin học văn phòng, 30 người được tham gia chương trình đào tạo thiết kế đồ họa Google Sketch Up(6).

Ba là, trách nhiệm xã hội của EDL trong việc thực hiện phúc lợi, an sinh xã hội trong nước

Trong giai đoạn vừa qua, EDL đã triển khai chính sách miễn phí lắp đặt điện đối với hộ dân có thu nhập thấp hoặc hộ dân ở vùng sâu, vùng xa; giúp các hộ dân kéo đường dây điện đến từng nhà qua dự án P2P (Power to the Poor) góp phần thực hiện xóa đói, giảm nghèo. Nhờ đó đã góp phần giúp 98% hộ gia đình trên toàn quốc được tiếp cận lưới điện để nâng cao chất lượng đời sống và sản xuất, kinh doanh.

EDL đã ủng hộ 500 chiếc chăn cho bộ đội đang đóng quân tại tỉnh Hủa Phăn, trị giá 15 triệu kíp(7). Đặc biệt, EDL đã hỗ trợ cho người lao động của chính EDL thông qua việc bảo đảm chi trả đầy đủ tiền lương, cũng như bảo đảm cán bộ, nhân viên có được mức lương cạnh tranh so với thị trường. Ngoài ra, EDL cũng thực hiện các chế độ chính sách về bảo hiểm cho cán bộ, nhân viên và chế độ thăm hỏi, động viên người nhà của cán bộ, nhân viên (khi đau ốm, sinh con, qua đời); hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng ở trong và ngoài nước cho cán bộ, nhân viên của EDL nhằm khuyến khích cán bộ, nhân viên tích cực học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để có nhiều cống hiến tích cực hơn cho sự phát triển của Tập đoàn.

EDL chú trọng thực hiện công tác bố trí tái định cư cho người dân chịu ảnh hưởng từ các dự án xây dựng thủy điện trên cả nước (dự án IPP). Đến nay EDL đã hoàn thành 22 dự án IPP tại 15 tỉnh, 37 huyện, 222 thôn, 11.717 ngôi nhà với tổng trị giá 888,65 triệu USD. EDL cũng đã cấp học bổng cho học sinh vùng chịu ảnh hưởng của dự án IPP (Dự án Nam U giai đoạn II (Nam U 1, 3, 4 và 7), Nam Theon 1, Ser Pong 1 và Nam Kong 1) với tổng số 63 suất học bổng (34 suất học bổng trong nước và 29 suất học bổng nước ngoài) trị giá 2,5 tỷ kíp(8).

EDL chú trọng thực hiện trách nhiệm xã hội thông qua việc giám sát công tác phát triển cộng đồng, khuyến khích sử dụng quỹ phát triển cộng đồng tại 9 dự án ở 7 tỉnh, với 14 hoạt động như: xây dựng và cải thiện hệ thống nước, làm đường nhựa, dự án xây dựng lưới điện 22/0,4kV, Dự án xây dựng Trường Trung học Somboun, dự án xây dựng trường mẫu giáo, xây dựng văn phòng gia đình và lắp đặt máy biến áp 100 kVA 3 pha, xây dựng hệ thống điện đô thị, lắp đặt máy bơm nước, lắp đặt các lưới điện trung thế, hạ thế và máy biến áp, tổng vốn khoảng 64 tỷ kíp; xây dựng đường dân sinh, hệ thống cấp nước sinh hoạt, văn phòng điều phối, nhà vệ sinh, ủng hộ 77 triệu kíp và sữa với tổng giá trị 78,8 triệu kíp cho Ban phụ trách tiếp nhận quyên góp của Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội giúp đỡ đồng bào vào năm 2019 khi các tỉnh miền Trung và miền Nam xảy ra lũ lụt(9).

Trong thời gian bùng phát Covid-19, EDL đã chia sẻ khó khăn với người dân Lào qua việc hỗ trợ giá điện với tỷ lệ giảm so với giá gốc từ 2 - 35%, bình quân khoảng 6%, tổng cộng hơn 300 tỷ kíp/năm. Ngoài ra, có chính sách hoãn thanh toán tiền điện đối với khu vực dân cư từ 7 - 30 ngày thông thường xuống 7 - 45 ngày. Đặc biệt, EDL đã có chính sách giảm 15% chi phí tiền điện cho nơi ở của các bác sĩ đang làm công tác chống dịch Covid-19, phối hợp với Bộ Y tế và các bệnh viện tuyến tỉnh để có thể thực hiện chính sách này trong thực tiễn(10).

Mặt khác, EDL cũng đã tổ chức kiểm tra tình trạng thực tế của đồng hồ đo điện tại từng hộ gia đình có nghi vấn để hoàn thiện, chỉnh sửa cho chính xác nhằm không làm mất quyền lợi của cả nhà cung cấp và người sử dụng điện(11).

Bốn là, trách nhiệm xã hội của Tập đoàn Điện lực quốc gia Lào trong bảo vệ môi trường

Các dự án của EDL đều được xem xét đến khía cạnh trách nhiệm về môi trường và xã hội, quan tâm đến sự tham gia của người dân và chính quyền địa phương, phát triển sinh kế bền vững gắn với môi trường tự nhiên thông qua Quy hoạch quản lý và giám sát môi trường - xã hội. EDL đã thực hiện các chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng tập trung vào sự cần thiết của phát triển thủy điện, xây dựng đường dây tải điện và dịch vụ phân phối cho người dân. Tại các dự án điện khí hóa nông thôn, các hội nghị tập huấn về sử dụng điện an toàn, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả điện trong sinh hoạt cũng được tổ chức cho người tiêu dùng.

EDL đã phối hợp với Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tổ chức truyền thông về việc sử dụng điện đúng kỹ thuật và tiết kiệm; không bật các thiết bị điện khi đang ẩm ướt hoặc ở những nơi ẩm ướt, không buộc vật nuôi vào cột điện và không được bắn chim mắc vào đường dây điện gây đứt dây điện, nguy hiểm đến tính mạng. Ngoài ra, phương thức thanh toán tiền điện qua hệ thống ngân hàng vừa nhanh chóng, tiện lợi, vừa đảm bảo an toàn cũng đã được EDL giới thiệu tới người dân(12). Nhờ đó, giúp nhân dân hiểu biết rõ về việc sử dụng điện đúng cách, đúng kỹ thuật, tiết kiệm cũng như có cơ hội trao đổi kiến thức, kinh nghiệm sử dụng các thiết bị điện trong gia đình.

EDL còn đóng góp ý kiến về môi trường và xã hội thông qua Báo cáo đánh giá tác động môi trường, Báo cáo đánh giá tác động xã hội cho các bộ, ngành liên quan như Bộ tài nguyên và môi trường, Bộ năng lượng và mỏ, Bộ Kế hoạch và đầu tư về nhiều dự án trên cả nước như Nam Theun 2, Theun Hinboun Extension, Nam Mang 1, Hongsa Power, Nậm Ngừm 2, Nậm Ngừm 5, Nam Lik 1, Nậm Lik 1/2, Nam U 1, 3, 4, 7 và Nậm U 6, Nậm Neng 2, Nậm Pha, Sekhman, Xayaburi, Nam Tha 1, Nam Neng 1, Don Sahong. Đồng thời, EDL cũng tham gia các cuộc họp kỹ thuật, điều phối các đơn vị khu vực công và các nhà phát triển dự án về việc sử dụng ngân sách và giải quyết các tác động môi trường và xã hội theo chỉ đạo của Bộ Năng lượng và Mỏ và các cấp.

Hạn chế, khó khăn của Tập đoàn Điện lực quốc gia Lào trong thực hiện trách nhiệm xã hội:

Một là, tuy EDL có nhiều tiềm năng trong sản xuất điện để phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu nhưng hiện nay EDL còn gặp khó khăn trên nhiều mặt như thiếu vốn đầu tư và đầu tư còn dàn trải, nhân lực, trình độ kỹ thuật của EDL chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Điều này đặt ra yêu cầu cần có sự lãnh đạo sâu sát hơn từ Đảng NDCM Lào đối với Đảng bộ EDL cũng như sự chỉ đạo, quản lý từ Chính phủ và các cơ quan có liên quan đến hoạt động của EDL, qua đó giúp EDL xây dựng được chiến lược phát triển rõ ràng hơn, hoạt động hiệu quả hơn và có thêm nhiều hoạt động thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.

Hai là, hiện nay tại nước CHDCND Lào vẫn chưa có hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trực tiếp điều chỉnh các vấn đề thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp cũng như chưa có cơ quan quản lý về vấn đề nàyi. Điều này dẫn đến những khó khăn, hạn chế trong công tác thống kê, chỉ đạo, lãnh đạo từ các cơ quan quản lý đối với doanh nghiệp trong thực hiện trách nhiệm xã hội. Hạn chế này đặt ra yêu cầu cấp thiết: cần xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật nhằm điều chỉnh các hoạt động có liên quan đến việc thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp nói chung và của EDL nói riêng.

Ba là, trong thực tiễn sản xuất và truyền tải điện trên cả nước của EDL đôi khi vẫn còn chậm trễ, đặc biệt là khi thiên tai làm ảnh hưởng đến hệ thống truyền tải và phân phối điện trên diện rộng đến các địa phương vùng sâu, vùng xa. Điều này gây ra tình trạng thất thoát điện. Năm 2016 tỷ lệ thất thoát điện là 13,41%, tăng so với năm 2015: 3,21%. Từ năm 2017 đến năm 2023, tỷ lệ điện thất thoát được cải thiện, song vẫn khá cao với mức 12,75% năm 2017, 11,3% năm 2023(13).

Bốn là, dịch vụ lắp đặt điện còn chậm trễ, gây bức xúc trong xã hội và người sử dụng, đòi hỏi EDL phải khẩn trương giải quyết dứt điểm, phù hợp. Tuy đã có phương án cải tiến cách thức làm việc, cung cấp dịch vụ lắp đặt điện phục vụ nhân dân trong thời gian ngắn giảm từ 6 bước xuống 3 bước và từ 134 ngày xuống còn 50 ngày, song theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới năm 2019, chỉ số phụ về lắp đặt điện của Lào đứng thứ 155 trên thế giới và đứng cuối trong khối ASEAN (Mianma xếp thứ 149 và Campuchia xếp thứ 136)(14).

Năm là, ngân sách dành cho trách nhiệm xã hội còn ít vì vốn vay để đầu tư cơ sở hạ tầng rất lớn, ảnh hưởng tới lãi suất hằng năm của EDL. Do vậy, EDL cần chú trọng gắn việc thực hiện trách nhiệm xã hội với kế hoạch hoạt động hàng năm của Tập đoàn. Bên cạnh đó, nhận thức của cán bộ, nhân viên của EDL nói chung cũng như của nhân dân nói riêng về thực hiện trách nhiệm xã hội còn chưa cao do vậy EDL chưa thực sự huy động hiệu quả sự đóng góp của các bên vào công tác này.

3. Giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện trách nhiệm xã hội của Tập đoàn Điện lực quốc gia Lào trong tiến trình hội nhập quốc tế

Trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả thực hiện trách nhiệm xã hội của EDL trong điều kiện hội nhập quốc tế, cần tập trung thực hiện các giải pháp sau đây:

Thứ nhất, Đảng NDCM Lào đề ra các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế kịp thời, phù hợp với tình hình thực tiễn nhằm tạo môi trường ổn định cho sự phát triển kinh tế cho các doanh nghiệp trong nước cũng như EDL..

Đảng NDCM Lào cần xác định những nguyên tắc, quy định chung trong hoạt động kinh doanh, bảo đảm sự đồng thuận, thống nhất trong toàn bộ nền kinh tế. Trên cơ sở căn cứ chính trị, pháp lý đó các doanh nghiệp của Lào nói chung và EDL nói riêng xây dựng chiến lược, kế hoạch dài hạn để hoạt động trong môi trường ổn định và phát triển, từ đó thêm nhiều đóng góp, nâng cao hiệu quả thực hiện trách nhiệm xã hội. Đảng NDCM Lào cần quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo EDL thực hiện trách nhiệm xã hội vì EDL là một trong những tập đoàn trọng điểm của đất nước do vậy EDL cần tiếp tục là đơn vị đi đầu trong thực hiện trách nhiệm xã hội để làm gương cũng như tạo dựng được văn hóa cho các doanh nghiệp trong việc gắn quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh với việc thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.

Thực hiện trách nhiệm xã hội của EDL không chỉ bao gồm việc báo cáo tài chính, kinh doanh có lợi nhuận mà còn cùng hệ thống chính trị và nhân dân cả nước đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường. Do vậy, Đảng NDCM Lào tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, thúc đẩy EDL thực hiện trách nhiệm xã hội thông qua việc khuyến khích các hoạt động xã hội tích cực như tạo việc làm, tham gia đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đầu tư vào các dự án cộng đồng và tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường.

Thứ hai, Chính phủ nước CHDCND Lào chú trọng lãnh đạo Bộ Năng lượng và Mỏ phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng các dự án luật, các văn bản quy phạm pháp luật hoàn thiện khung pháp lý về thực hiện trách nhiệm xã hội của EDL ở tất cả các mặt hoạt động. Khung pháp lý này phải phải bảo đảm sự đầy đủ, rõ ràng, toàn diện, khả thi để tạo hành lang pháp lý vững chắc, giúp EDL có căn cứ để triển khai các hoạt động, chương trình xã hội trong thời gian tới.

EDL cũng cần tham mưu cho Chính phủ nghiên cứu, phấn đấu trở thành thành viên của các công ước quốc tế, các thỏa thuận quốc tế cũng như các hiệp định quốc tế về thực hiện trách nhiệm xã hội nhằm xây dựng hình ảnh nước CHDCND Lào có trách nhiệm đối với các vấn đề xã hội, môi trường. Việc hoàn thiện các quy định pháp luật về thực hiện trách nhiệm xã hội của EDL cần chú trọng tới các nội dung liên quan đến trách nhiệm thực hiện, các yêu cầu cần thực hiện cũng như tiêu chí đánh giá thực hiện trách nhiệm xã hội. Bên cạnh đó cần có quy định cụ thể liên quan đến cơ quan thực hiện công tác giám sát, kiểm tra thường xuyên để bảo đảm rằng, EDL đang thực hiện đúng các nghĩa vụ, trách nhiệm xã hội của mình. Tuy vậy, việc hoàn thiện các quy định pháp lý về thực hiện trách nhiệm xã hội của EDL cần có sự nỗ lực phối hợp từ Chính phủ, xã hội và khu vực tư nhân để thiết lập các hướng dẫn và tiêu chuẩn rõ ràng, tăng tính minh bạch và trách nhiệm giải trình.

Thứ ba, EDL cần quán triệt và đưa vào kế hoạch hành động, kế hoạch sản xuất kinh doanh hàng năm những vấn đề trọng tâm đã được kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa IX đề ra trong Chiến lược quốc gia về bảo vệ tài nguyên và môi trường đến năm 2040, cũng như Chiến lược bảo vệ và sử dụng tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên mỏ, tài nguyên nước đến năm 2035 theo hướng tăng trưởng xanh.

Đây là những vấn đề trọng tâm đã được rất nhiều đại biểu Quốc hội - đại biểu thay mặt cho quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân tại 18 khu vực bầu cử đã đóng góp, nhận xét, phản biện trong thời gian vừa qua. Từ đó EDL sẽ thực hiện trách nhiệm xã hội theo đúng với các quy định của pháp luật cũng như mong muốn của nhân dân cả nước. Quan trọng hơn, việc đóng góp cũng như thực hiện thành công các công việc của mình trong thời gian tới gắn với những chiến lược lớn của Đảng NDCM Lào đã đề ra sẽ góp phần củng cố niềm tin, sự ủng hộ của các cấp, các ngành cũng như nhân dân về vấn đề quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên.

Thứ tư, EDL cần huy động được sự tham gia, đóng góp trực tiếp cũng như gián tiếp từ các tầng lớp nhân dân trên cả 18 tỉnh, thành của Lào vào quá trình, kế hoạch nâng cao hiệu quả thực hiện trách nhiệm xã hội trong điều kiện hội nhập quốc tế trong thời gian tới. Giải pháp này đem lại hiệu quả cho nhân dân cả nước, nhất là nhân dân các dân tộc thiểu số sinh sống ở các tỉnh vùng sâu vùng xa cũng như các tỉnh có địa hình phức tạp, đời sống còn nhiều khó khăn nhưng lại là nơi tập trung nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên quan trọng của đất nước như tài nguyên khoáng sản, tài nguyên nước, tài nguyên rừng.

Do vậy, EDL cần chú trọng thực hiện công tác tuyên truyền, truyền thông, hỗ trợ sinh kế, việc làm, nâng cao dân trí cho cộng đồng nhân dân các dân tộc tại khu vực này. Ngoài ra, EDL cần chú trọng công tác tuyên truyền đến nhân dân trên cả nước về việc cần phải tham gia, phát huy trách nhiệm, nghĩa vụ của mình cùng với cán bộ, nhân viên của EDL trong thực hiện trách nhiệm xã hội.

Thứ năm, EDL cần tiếp tục tăng cường hợp tác với các tập đoàn điện lực của các quốc gia láng giềng như Việt Nam, Thái Lan, Trung Quốc cũng như các đối tác quan trọng như Hàn Quốc, Nhật Bản, Lucxămbua, Inđônêxia. Qua đó thực hiện các hội thảo khoa học nhằm trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, phân phối, chăm sóc khách hàng, áp dụng khoa học công nghệ mới của các tập đoàn điện lực nói chung cũng như thực tiễn thực hiện trách nhiệm xã hội. Qua đó EDL sẽ có được những bài học hữu ích để có thể nghiên cứu, áp dụng cũng như triển khai đồng bộ ở các địa phương trên cả nước. Ngoài ra, quá trình tăng cường hợp tác này cũng là một kênh quan trọng góp phần giúp cho EDL có được cơ hội nhằm truyền thông đến các tập đoàn nước ngoài, các cơ quan truyền thông về thực tiễn, những thành tựu, đóng góp của EDL đối với các vấn đề xã hội trong nước cũng như trong khu vực ASEAN.

EDL là tập đoàn trọng điểm của Nhà nước CHDCND Lào,  điều này được thể hiện rõ nét trong những đóng góp vào việc thực hiện trách nhiệm xã hội, đóng góp vào công cuộc phát triển kinh tế, giải quyết việc làm cho người lao động, thực hiện phúc lợi, an sinh xã hội và bảo vệ môi trường. Những đóng góp này không chỉ giúp ích cho xã hội mà còn gián tiếp là tấm gương cho các tập đoàn, công ty, cá nhân khác ở trong và ngoài nước có được những minh chứng điển hình trong gắn các hoạt động của doanh nghiệp với sự phát triển bền vững của xã hội. Tuy vậy, EDL cũng cần nhìn nhận rõ các hạn chế của mình để đề ta và thực hiện tốt các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện trách nhiệm xã hội trong điều kiện hội nhập quốc tế.

_________________

Ngày nhận bài: 8-9-2023;Ngày bình duyệt:9-12-2023; Ngày duyệt đăng:12-12-2023.

(1) Thông tấn xã Lào:Lễ bàn giao chức vụ Giám đốc Tập đoàn Điện lực quốc gia Lào giữa Giám đốc cũ và Giám đốc mới, https://kpl.gov.la/detail.aspx?id=52865, truy cập ngày 1-9-2023.

(2) Quyết định số 22/CP của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức Ban cải cách Tập đoàn điện lực quốc gia Lào, Văn phòng Chính phủ, Thủ đô Viêng Chăn, 2016.

(3) Tập đoàn Điện lực quốc gia Lào:Khái quát về Tập đoàn Điện lực quốc gia Lào, http://edl.com.la/faqs/answer.php?id=19, truy cập ngày 10-4-2023.

(4) Electricite Du Laos:Annual Report 2016-2023, Vientinane Capital, Lao PDR.

(5) Thanuthong, Ketsana:45 năm đóng góp vào sự nghiệp phát triển đất nước của Tập đoàn điện lực quốc gia Lào,https://kpl.gov.la/detail.aspx?id=55399, truy cập ngày 20-8-2023.

(6) Electricite Du Laos(2017): Annual Report 2016, Vientinane Capital, Lao PDR, p.21.

(7)Thông tấn xã Lào: Tập đoàn điện lực quốc gia Lào ủng hộ chăn chống rét co bộ đội tỉnh Hủa Phăn, https://kpl.gov.la/detail.aspx?id=21892, truy cập ngày 20-8-2023.

(8), (9) Manithon-Aaykham:Điện lực Lào góp sức đồng bào lũ lụt,https://kpl.gov.la/detail.aspx?id=48828, truy cập ngày 15-5-2023.

(10) Sunphasavan Sixanamungkhun:Trách nhiệm xã hội của Tập đoàn Điện lực quốc gia Lào đối với xã hội nhằm giảm tác động của COVID-19, https://kpl.gov.la/detail.aspx?id=52394, truy cập ngày 21-8-2023.

(11) Thông tấn xã Lào: Tập đoàn điện lực quốc gia Lào thể hiện trách nhiệm qua việc giải trình về dư luận trong đối với giá điện cao bất thường, https://kpl.gov.la/detail.aspx?id=13530, truy cập ngày 5-8-2023.

(12) Thông tấn xã Lào:Tập đoàn điện lực quốc gia Làophối hợp vớiBộ Văn hóa thể thao và Du lịch truyền thông về việc sử dụng điện đúng kỹ thuật và tiết kiệm,https://kpl.gov.la/detail.aspx?id=18559, truy cập ngày 5-8-2023.

(13) Electricite Du Laos: Annual Report 2022, Vientinane Capital, Lao PDR,2023,p.5.

(14) Kita: Tập đoàn điện lực quốc gia Lào rút ngắn thời gian cung cấp dịch vụ lắp đặt điện phục vụ nhân dân,https://kpl.gov.la/detail.aspx?id=43210, truy cập ngày 12-8-2023.

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền