Trang chủ    Quốc tế    Hợp tác Việt Nam - Ôxtrâylia về hỗ trợ nâng cao hiệu quả quản trị quốc gia trong hội nhập quốc tế
Thứ tư, 13 Tháng 12 2023 09:33
2578 Lượt xem

Hợp tác Việt Nam - Ôxtrâylia về hỗ trợ nâng cao hiệu quả quản trị quốc gia trong hội nhập quốc tế

PGS, TS THÁI VĂN LONG
 
Viện Quan hệ quốc tế,
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 (LLCT) - Thế giới đang có nhiều biến động nhanh chóng, phức tạp và khó lường, đặt ra nhiều thách thức đối với sự phát triển kinh tế toàn cầu cũng như từng quốc gia. Trong bối cảnh hiện nay, để xây dựng một nền quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả, Việt Nam cần tận dụng, khai thác, phát triển tốt những quan hệ hiện có, các đối tác chiến lược. Việc đẩy mạnh, nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược với Ôxtrâylia sẽ là giải pháp hỗ trợ đắc lực cho chủ trương nâng cao hiệu quả quản trị quốc gia của Việt Nam trong hội nhập và phát triển.
    

Lễ trao đổi Văn kiện hợp tác Việt Nam - Ôxtrâylia - Ảnh: VGP

Đại hội XIII của Đảng nhận định: “Thế và lực của đất nước sau 35 năm đổi mới đã lớn mạnh hơn nhiều cả về quy mô và sức cạnh tranh của nền kinh tế; tình hình chính trị - xã hội, kinh tế vĩ mô ổn định, niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp và xã hội tăng lên; tính tự chủ được cải thiện; tích lũy và nâng cao năng lực quản trị nhà nước, điều hành phát triển kinh tế - xã hội; uy tín, vị thế đất nước ngày càng được củng cố trên trường quốc tế”(1). Đồng thời, trước bối cảnh thế giới đang biến động nhanh chóng, phức tạp, khó lường; tác động sâu sắc, mạnh mẽ từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến quá trình hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, cùng ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đặt ra yêu cầu cho mỗi quốc gia, dân tộc cần sớm kiến tạo một nền quản trị quốc gia thích ứng, hiệu quả. Do đó, Đảng ta xác định: “Đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả”(2) là yêu cầu khách quan, tất yếu, là tiền đề quan trọng để tận dụng thời cơ từ quá trình hội nhập quốc tế phục vụ công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN.
1. Những yêu cầu, đòi hỏi từ thực tiễn phải đổi mới quản trị quốc gia
Những biến động nhanh chóng, phức tạp và khó lường của tình hình thế giới hiện nay do nhiều nguyên nhân đem lại, đồng thời là kết quả trực tiếp từ sự điều chỉnh chiến lược của các nước lớn. Các cường quốc vừa hợp tác, thỏa hiệp, vừa cạnh tranh, kiềm chế nhau quyết liệt, tranh giành vị thế và lợi ích gây ra những biến động phức tạp tại nhiều khu vực cũng như trong mỗi quốc gia. Những mâu thuẫn, bất đồng không thể giải quyết được bằng đối thoại, đàm phán đã diễn ra dưới những hình thức mới, gay gắt hơn như: chiến tranh kinh tế, chiến tranh mạng, các hoạt động can thiệp, lật đổ, bất tuân dân sự, tranh chấp chủ quyền, lãnh thổ, tài nguyên...
Với toàn cầu hóa, kinh tế thông qua hợp tác phát triển nhanh hơn, thế giới giàu có hơn, nhưng hiện nay thế giới đang dần bị phân tách thành từng khối nhỏ. Cuộc chiến tại Ucraina làm quá trình toàn cầu hóa chững lại. Vấn đề đầu tư, dòng vốn, thương mại, logistics... bị cấm vận, trừng phạt của Mỹ và phương Tây làm kinh tế toàn cầu phức tạp hơn.
Những vấn đề toàn cầu và an ninh phi truyền thống như: lương thực, năng lượng, nguồn nước, tài chính, mạng, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, v.v.. đang ngày càng diễn biến nghiêm trọng. Chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa cường quyền nước lớn, chủ nghĩa thực dụng gia tăng mạnh mẽ trong quan hệ quốc tế. Luật pháp quốc tế và các thể chế đa phương toàn cầu đứng trước những thách thức lớn. Bối cảnh trên đem lại nhiều thách thức cho sự phát triển kinh tế toàn cầu cũng như từng quốc gia.
Thách thức mang tính toàn cầu
Tình hình kinh tế, chính trị thế giới trong những năm gần đây trải qua nhiều biến cố khó lường: chiến tranh thương mại Mỹ - Trung; đại dịch Covid-19; xung đột Nga - Ucraina... khiến giao lưu kinh tế toàn cầu gián đoạn, kinh tế thế giới suy thoái, chậm phục hồi.
Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, nhất là trên lĩnh vực kinh tế, gây biến động các chuỗi cung ứng toàn cầu: Chuỗi cung ứng chuyển dịnh trong cùng khu vực địa lý sang các nước láng giềng lân cận nhằm hạn chế phụ thuộc, giảm bớt rủi ro từ các đòn trừng phạt, chiến tranh thương mại giữa các nền kinh tế. Chuỗi cung ứng chuyển dịch do áp lực cạnh tranh giữa các nền kinh tế khi gắn với bí mật công nghệ, tạo nên giá trị gia tăng cao, gây ảnh hưởng an ninh quốc gia. Chuỗi cung ứng được tái cơ cấu, sắp xếp lại, đa dạng mạng lưới các nhà cung cấp còn nhằm phân tán rủi ro. Như vậy, những chuyển dịch chuỗi cung ứng đều nhằm cấu trúc lại theo hướng tối ưu hóa sản xuất, giảm chi phí, gia tăng lợi nhuận, giảm thiểu rủi ro từ xung đột vũ trang và chiến tranh thương mại.
Toàn cầu hóa kinh tế 4.0 hiện nay đang chậm lại. Chủ nghĩa dân tộc và bài ngoại trỗi dậy, kiềm chế nhau, đồng thời kích hoạt chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch quay trở lại, làm thương mại, trao đổi kinh tế toàn cầu gián đoạn, nền quản trị toàn cầu dựa trên các quy tắc của hệ thống quốc tế bị thách thức nghiêm trọng. Thực tế, việc các nước lớn áp dụng rộng rãi chính sách bảo hộ mậu dịch, thông qua nhiều công cụ mới như hàng rào kỹ thuật, chiến tranh thương mại, cấm vận công nghệ cao,... đã cản trở quá trình lưu thông hàng hóa, cản trở luồng vốn đầu tư, ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của kinh tế toàn cầu.
Cạnh tranh chiến lược nước lớn, chiến tranh thương mại, trừng phạt kinh tế tạo nên sự co cụm thành từng khối hợp tác lớn. Các nước lớn, các trung tâm kinh tế như: Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ... đang xây dựng kế hoạch bảo đảm tự chủ kinh tế, không còn ủng hộ toàn cầu hóa hay tự do thương mại một cách vô điều kiện như trước. Vấn đề địa kinh tế đang trở thành mối quan tâm hàng đầu trong hợp tác phát triển hiện nay, bởi sẽ tránh được những rủi ro từ đứt gãy chuỗi cung ứng khi các đối tác nằm gần nhau. Các chuyên gia của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) nhận định, trong thời gian tới, nhiều khối kinh tế lớn sẽ hình thành với những tiêu chuẩn khác nhau và hạn chế giao thương với nhau, điều này sẽ là thảm họa cho kinh tế toàn cầu(3). Tuy nhiên, chính sự năng động của các khối cũng sẽ trở thành xu hướng vận động phát triển của kinh tế thế giới trong tương lai, tạo nên sự đa dạng, đa cực mới.
Hợp tác kinh tế quốc tế chuyển mạnh sang ưu tiên hợp tác giữa các quốc gia thân thiện để tránh các yếu tố chính trị tác động đến kinh doanh. Do đó, chủ đề thảo luận của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) năm nay (từ ngày 16 đến ngày 20-1 tại Davos - Thụy Sĩ) là “hợp tác trong một thế giới phân mảnh”. Các thành viên đã tập trung bàn thảo về giải pháp khắc phục sự phân mảnh và suy giảm lòng tin đang gia tăng ở tất cả các cấp độ. Đây là những gợi ý thiết thực cho các quốc gia như Việt Nam trong hợp tác kinh tế, hoạch định, triển khai chiến lược hội nhập, phát triển trong thế giới đầy biến động này.
Thách thức nội tại nền kinh tế Việt Nam
Các doanh nghiệp Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn. Mặc dù doanh nghiệp Việt Nam tạo ra trên 60% GDP nhưng 98% trong số đó là doanh nghiệp vừa và nhỏ, chủ yếu huy động vốn cho sản xuất qua kênh tín dụng ngân hàng. Thậm chí, các doanh nghiệp này vẫn đang “tự bơi”, trong bối cảnh sụt giảm đơn hàng và sức ép gia tăng lãi suất trên phạm vi toàn cầu(4).
Phải xem xét, đánh giá thận trọng dòng vốn FDI. Trước những động thái dịch chuyển chuỗi cung ứng hiện nay, giới chuyên gia kinh tế đưa ra dự báo về dòng vốn FDI sẽ dồn về Việt Nam, nhằm khai thác thế mạnh của các FTA mà Việt Nam tham gia. Song chúng ta cần nhận thức rõ, khi hoạt động sản xuất từ vốn FDI tại Việt Nam chỉ là lắp ráp thành phẩm rồi tái xuất thì giá trị gia tăng cùng thu nhập của lao động Việt Nam không nhiều, mà thực lợi thu được sẽ là các nhà đầu tư nước ngoài.
Một số hạn chế về thị trường lao động Việt Nam
Theo báo cáo của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), trình độ học vấn, chuyên môn kỹ thuật của lao động Việt Nam còn thấp. Tỷ lệ lao động không có trình độ chiếm 72,5%, trong đó lao động có trình độ sơ cấp là 6,8%; trình độ trung cấp là 4,3%; cao đẳng là 3,7%; đại học trở lên là 12,5%(5). Đây là một trong những nguyên nhân khiến JICA xếp Việt Nam là một trong những quốc gia có năng suất lao động thấp trong khu vực.
Còn nhiều bất cập trong môi trường pháp lý và thể chế
Mặc dù thể chế và môi trường pháp lý ở Việt Nam hiện nay khá đầy đủ, nhưng trong từng nội dung cụ thể còn nhiều bất cập. Thí dụ như, chưa xóa bỏ, xử lý kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật không còn phù hợp, một số văn bản, quy định còn có những biểu hiện vì lợi ích ngành, lợi ích nhóm. Vẫn còn tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức trong bộ máy quản lý nhà nước chưa đề cao tinh thần trách nhiệm, chậm triển khai thực hiện các chính sách, giải pháp, còn vô cảm với những khó khăn của doanh nghiệp và người dân. Đây chính là điểm nghẽn, cản trở quá trình thực hiện các chính sách phát triển kinh tế cũng như hoạt động của doanh nghiệp.
2. Chủ trương của Đảng và Nhà nước về xây dựng nền quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả
Để hóa giải những thách thức đến từ những biến động phức tạp, khó lường của tình hình, một trong những giải pháp là đổi mới quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả. Trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, lần đầu tiên, thuật ngữ “quản trị quốc gia” được đề cập. Điều này thể hiện bước phát triển trong nhận thức lý luận cũng như trong thực tiễn lãnh đạo xây dựng và phát triển đất nước của Đảng. Quản trị quốc gia về bản chất là quá trình ra quyết định và tổ chức thực hiện quyết định để giải quyết các vấn đề chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường nhằm bảo đảm cho quốc gia đó phát triển bền vững, đúng mục tiêu đề ra.
Hoạt động quản lý nhà nước đã liên tục được điều chỉnh toàn diện, sâu rộng, tạo nên sự chuyển biến trong nhận thức, tư duy về quản trị quốc gia trong quá trình đổi mới, hội nhập quốc tế của Việt Nam. Chúng ta đã chuyển tư duy quản trị từ chỗ Nhà nước có vị thế tuyệt đối, tập trung, chỉ huy, mệnh lệnh, kế hoạch từ trên xuống chuyển dần sang quản trị bằng thể chế, luật pháp, chính sách, chiến lược, quy hoạch, v.v.. và các công cụ vĩ mô khác. Tuy nhiên, đây mới chỉ là bước đầu chuyển từ “quản lý” sang “quản trị” nên còn không ít hạn chế, bất cập: “Năng lực xây dựng thể chế còn hạn chế; chất lượng luật pháp và chính sách trên một số lĩnh vực còn thấp”(6). “Việc tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách về phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ còn hạn chế, thiếu thể chế về tài chính, chuyển giao, ứng dụng, phát triển khoa học và công nghệ, nhất là công nghệ cao; thiếu giải pháp đồng bộ và sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành và địa phương”(7), nên hiệu lực, hiệu quả của quản trị quốc gia còn chưa được như mong muốn.
Từ nhận thức và thực tiễn triển khai quản trị quốc gia trong những năm qua, nhất là để giải quyết những thách thức đến từ những biến động phức tạp, khó lường của thế giới và khu vực, Đảng Cộng sản Việt Nam đã chủ trương xây dựng nền “quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả”, coi đây là một nguyên tắc có tính nền tảng cho tổ chức và hoạt động của toàn bộ hệ thống chính trị cũng như định hướng nhận thức và hành động của người dân, doanh nghiệp và các chủ thể xã hội khác.
Để xây dựng thành công nền quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, bên cạnh việc đòi hỏi các chủ thể Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức, doanh nghiệp, doanh nhân, nhân dân phải nỗ lực, cố gắng đổi mới từ nhận thức tới hành động trên cơ sở tuân thủ luật pháp và cơ chế kinh tế thị trường định hướng XHCN cũng như nguyên tắc tự quản, tự nguyện của các tổ chức và người dân và cần tận dụng, khai thác, phát triển tốt các mối quan hệ hiện có, trong đó có quan hệ với Ôxtrâylia - quốc gia có nền kinh tế thịnh vượng với thu nhập bình quân đầu người cao, được xếp hạng thứ ba thế giới về chỉ số phát triển con người.
Những năm qua, Ôxtrâylia đã tiến hành cải cách hành chính (CCHC) mạnh mẽ mà trọng tâm là cải cách nền công vụ, được thể hiện qua các chương trình cải cách từng giai đoạn, theo mỗi lĩnh vực. Cụ thể, vào tháng 9-2009, Thủ tướng Ôxtrâylia thành lập một nhóm tư vấn để xem xét, đánh giá lại nền hành chính và xây dựng, phát triển một kế hoạch cải cách. Kế hoạch cải cách này được đánh giá là tương đương với một số nền hành chính tốt nhất thế giới, nó hướng tới bảo đảm vì lợi ích lâu dài của Chính phủ và người dân, khuyến khích thông tin phản hồi từ công chúng, liên kết tốt hơn với các bên liên quan và trách nhiệm của công dân, nâng cao năng lực nguồn nhân lực trong nền công vụ để đạt những mục tiêu chiến lược phát triển bền vững. Đây chính là điều mà Việt Nam cần nghiên cứu, hợp tác, học hỏi từ Ôxtrâylia để nâng cao hiệu quả quản trị quốc gia trong hội nhập và phát triển.
3. Ôxtrâylia hỗ trợ nâng cao hiệu quả quản trị quốc gia trong hội nhập và phát triển
Ôxtrâylia thiết lập quan hệ với Việt Nam ngay sau khi Hiệp định Paris được ký kết năm 1973. Ngày 26-2-2023 đánh dấu tròn 50 năm Việt Nam và Ôxtrâylia thiết lập quan hệ ngoại giao. Qua 50 năm phát triển, nhất là khi hai nước trở thành Đối tác chiến lược vào năm 2018, quan hệ Việt Nam - Ôxtrâylia đã chuyển sang giai đoạn mới, toàn diện và đạt nhiều thành tựu ấn tượng.
Trước tình hình thế giới, khu vực có những diễn biến nhanh, phức tạp, tác động mạnh đến công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế của Việt Nam, Đại hội XIII của Đảng đã lựa chọn đổi mới quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả là một trong những giải pháp đưa công cuộc xây dựng đất nước, hội nhập quốc tế đến thành công. Để làm được điều này, Việt Nam cần tận dụng, khai thác, phát triển tốt các mối quan hệ hợp tác quốc tế, trong đó có hợp tác chiến lược Việt Nam - Ôxtrâylia. Trong chuyến thăm Ôxtrâylia, phát biểu tại Melbourne ngày 03-12-2022, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định: “quan hệ bền chặt giữa Việt Nam và Ôxtrâylia sẽ tiếp tục là nhân tố bất biến để hai nước vượt qua và chiến thắng những vạn biến khó lường tại khu vực và thế giới”(8). Với tinh thần đó, trong thời gian tới, hai nước cần tiếp tục duy trì, củng cố khuôn khổ quan hệ hợp tác song phương ổn định, bền vững, triển khai các cơ chế hợp tác đã định hình, đồng thời đề xuất những cơ chế hợp tác mới trên tất cả các kênh. Qua hợp tác, Ôxtrâylia có thể hỗ trợ nâng cao hiệu quả quản trị quốc gia của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực.
Trong những năm tới để tận dụng, khai thác, phát triển tốt mối quan hệ Việt Nam - Ôxtrâylia trong hỗ trợ nâng cao hiệu quả quản trị quốc gia, Việt Nam cần phối hợp triển khai hợp tác với những nội dung chính sau:
Thứ nhất, kế thừa, phát huy những thành tựu hợp tác trên các lĩnh vực giữa Việt Nam và Ôxtrâylia 50 năm qua, chúng ta cần chú trọng ưu tiên hợp tác về chuyển đổi số, ứng phó biến đổi khí hậu và chuỗi cung ứng bền vững. Ngoài ra cần đề xuất thiết lập thêm các cơ chế hợp tác mới về những lĩnh vực mà quản trị quốc gia của Việt Nam còn hạn chế như: hỗ trợ Việt Nam trong cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử, lao động qua đào tạo, an ninh mạng, thực thi pháp luật, v.v..
Thứ hai, cần đưa đầu tư trở thành lĩnh vực quan tâm chung của cả hai nước, không chỉ của hai chính phủ mà đặc biệt phải là của doanh nghiệp, mới có thể phát huy cao nhất sự bổ sung về kinh tế giữa hai bên. Đặc biệt, hợp tác giữa hai nước phải luôn hướng tới việc cùng nhau giải quyết những thách thức từ các phương diện kinh tế, an ninh, môi trường,... đóng góp vào các lộ trình phát triển của Việt Nam, nhất là mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao và giảm phát thải ròng bằng 0. Việt Nam cần chú trọng quảng bá các lợi thế của địa phương trong tổng thể chiến lược phát triển các vùng kinh tế - xã hội đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045 như đã xác định trong sáu nghị quyết của Bộ Chính trị cũng như các Chương trình hành động của Chính phủ đã thông qua trong năm 2022.
Thứ ba, thế và lực sau gần 40 năm đổi mới, hội nhập, cùng vai trò và vị thế quốc tế của Việt Nam ngày càng nâng cao, do đó chúng ta có thể phối hợp với Ôxtrâylia triển khai từng bước cơ chế hợp tác ba bên với một nước đang phát triển tại khu vực. Trước hết, Việt Nam và Ôxtrâylia phát triển quan hệ cùng có lợi với Đông Nam Á, đặc biệt là các nước tại tiểu vùng Mekong, cũng như các quốc đảo ở Nam Thái Bình Dương trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình, an ninh biên giới, thực thi pháp luật... nhằm chống nạn buôn người, buôn lậu ma túy và nhiều loại tội phạm xuyên quốc gia khác.
Thứ tư, Việt Nam và Ôxtrâylia cần cải thiện và tăng cường mối quan hệ giao lưu nhân dân, tập trung thúc đẩy quan hệ trong nhiều lĩnh vực như giáo dục, du lịch, thể thao, ứng phó với biến đổi khí hậu...
Thứ năm, cần phát huy hơn nữa các mối quan hệ và liên kết giữa nhân dân hai nước, cùng đông đảo người Ôxtrâylia gốc Việt trong việc thúc đẩy tình hữu nghị và hiểu biết giữa người dân Việt Nam và Ôxtrâylia.
Hiện nay, Ôxtrâylia đang nổi lên như một trong những thị trường giáo dục nước ngoài hàng đầu cho sinh viên Việt Nam. Theo Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Ôxtrâylia tại Việt Nam Andrew Goledzinowski, hiện có khoảng 80.000 đến 100.000 cựu sinh viên Việt Nam đã học tập tại Ôxtrâylia và trở về Việt Nam khởi nghiệp trong nhiều lĩnh vực(9). Một nguồn lực bên ngoài không thể thiếu đối với sự phát triển đất nước mà Việt Nam cần thúc đẩy hơn nữa là: các thế hệ lưu học sinh, sinh viên, hội đoàn trí thức, doanh nghiệp Việt Nam được chính quyền và người dân Ôxtrâylia đánh giá cao.
Như vậy, xây dựng nền quản trị quốc gia theo hướng hiện đại là yêu cầu tất yếu khách quan trong điều kiện thế giới đầy biến động, phức tạp, khó lường hiện nay. Đây là chủ trương, giải pháp đúng đắn của Đảng, Nhà nước Việt Nam trong chiến lược phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN, hội nhập quốc tế sâu rộng với sự tác động sâu sắc của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Trong thời gian tới, việc đẩy mạnh, nâng tầm quan hệ đối tác chiến lược với Ôxtrâylia sẽ là nhân tố có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện chủ trương nâng cao hiệu quả quản trị quốc gia của Việt Nam trong hội nhập và phát triển, tạo tiền đề cho việc củng cố niềm tin cũng như những nỗ lực chung nhằm mang lại lợi ích to lớn cho người dân của hai nước, góp phần vào sự ổn định, hòa bình và thịnh vượng của khu vực cũng như toàn thế giới.

_________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 545 (tháng 7-2023)Ngày nhận bài: 15-6-2023; Ngày bình duyệt: 9-7-2023; Ngày duyệt đăng: 24-7-2023.

(1) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.II, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.90.
(2), (6), (7) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.203, 80, 83.
(3), (4), (5) Dẫn theo: Nguyễn Lân Bích:“Chủ động xoay chuyển tình thế biến thách thức thành cơ hội phát triển”, https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn, truy cập ngày 02-02-2023.
(8) Dẫn theo: Khánh Lan:“Quan hệ Việt Nam - Ôxtrâylia tiếp tục phát triển mạnh mẽ, đi vào chiều sâu và thực chất”, https://dangcongsan.vn, truy cập ngày 24-01-2023.
(9) Xem: “50 năm quan hệ Việt Nam - Ôxtrâylia: Triển vọng nâng quan hệ hai nước lên tầm cao mới”, https://www.qdnd.vn, truy cập ngày 26-02-2023.

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền