Trang chủ    Quốc tế    Quá trình xây dựng Khu kinh tế xuyên biên giới Việt Nam - Lào, kết quả, kinh nghiệm và kiến nghị chính sách
Thứ tư, 20 Tháng 12 2023 16:39
5375 Lượt xem

Quá trình xây dựng Khu kinh tế xuyên biên giới Việt Nam - Lào, kết quả, kinh nghiệm và kiến nghị chính sách

TS THÁI THỊ HỒNG MINH
 
Trường Chính trị Lê Duẩn tỉnh Quảng Trị

 (LLCT) - Khu kinh tế xuyên biên giới (CBEZ), trong đó có CBEZ Việt Nam - Lào là đề tài được các nhà nghiên cứu và hoạch định chính sách ở Việt Nam và các nước chung biên giới quan tâm nghiên cứu và triển khai. Bài viết này đưa ra các mô hình hợp tác biên giới và phân tích thực trạng phát triển Khu kinh tế - thương mại hai bên cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị, Việt Nam) - Đensavẳn (Savẳnnakhet, Lào), từ đó rút ra kinh nghiệm, khuyến nghị các chính sách cho Việt Nam và Lào để xây dựng CBEZ Việt Nam - Lào hướng đến tạo thuận lợi cho thương mại, phát huy lợi thế so sánh của các địa phương vùng biên giới và thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực biên giới
 

Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo (Việt Nam) và Cửa khẩu Quốc tế Đensavẳn (Lào). Ảnh: Hưng Thơ.

1. Đặt vấn đề

Các khu kinh tế xuyên biên giới (CBEZ) đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy hợp tác phát triển kinh tế các quốc gia chung đường biên giới. Mô hình Khu kinh tế xuyên biên giới đã áp dụng thành công tại nhiều quốc gia, song chưa được triển khai thực tế ở Việt Nam. Trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào, Việt Nam có 15 cửa khẩu quốc tế và cửa khẩu quốc gia giáp Lào; trong đó, có 8 cặp cửa khẩu quốc tế(1).

Mô hình CBEZ Hà Tĩnh (Việt Nam) - Bolykhamxay (Lào) được đưa ra theo đề xuất của tỉnh Hà Tĩnh vào năm 2011 - 2012, tuy nhiên không triển khai được do phương án đề xuất chưa phù hợp. Việc nghiên cứu thí điểm xây dựng CBEZ Lao Bảo - Đensavẳn là chủ trương đã được Bộ Chính trị hai Đảng thống nhất tại cuộc hội đàm ngày 07-01-1997, với nội dung “Hoàn tất quy chế chợ đường biên và khu vực thương mại tự do Lao Bảo - Đensavẳn”, “giao cho Chính phủ và Ủy ban hợp tác hai nước phối hợp nghiên cứu và sớm ban hành các cơ chế, chính sách về vay vốn ưu đãi, miễn giảm thuế, hỗ trợ chi phí nghiên cứu cho một số dự án… nhằm tạo môi trường pháp lý và động lực thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa các doanh nghiệp của hai nước”. Nội dung này cũng được xác định tại Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 03-11-2022 của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045: “Đẩy mạnh hợp tác kinh tế qua các cửa khẩu trong vùng gắn với Hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC). Nghiên cứu thí điểm mô hình khu kinh tế cửa khẩu qua biên giới trên EWEC”. Tại chuyến thăm và làm việc của Đoàn lãnh đạo tỉnh Quảng Trị tại tỉnh Savannakhet (từ ngày 17 đến ngày 19-02-2022): “Hai bên thống nhất phối hợp nghiên cứu các cơ chế, chính sách đặc thù trình Bộ Chính trị, Chính phủ hai nước cho thí điểm xây dựng khu kinh tế - thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Đensavẳn” (Biên bản nội dung phiên làm việc chính thức giữa đoàn lãnh đạo hai tỉnh Savannakhet và Quảng Trị ngày 18-02-2022). Bài viết đưa ra kinh nghiệm các mô hình; đồng thời, phân tích thực trạng phát triển Khu kinh tế - thương mại hai bên cửa khẩu Lao Bảo (Việt Nam) - Đensavẳn (Lào). Từ đó, rút ra kinh nghiệm cho hai nước Lào và Việt Nam trong xây dựng CBEZ.

2. Kinh nghiệm các mô hình CBEZ

Khu kinh tế xuyên biên giới (CBEZ) có nhiều định nghĩa khác nhau, song đều có đặc điểm chung là khu kinh tế đi qua khu vực xuyên quốc gia và sử dụng phương thức bình đẳng và có các chính sách ưu đãi thống nhất nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế song phương. CBEZ được định nghĩa rộng hơn là khu hợp tác kinh tế hướng tới thuận lợi hóa thương mại và đầu tư và yếu tố quan trọng là có sự hợp tác, hài hòa chính sách giữa hai quốc gia chung biên giới. Theo đó, CBEZ có thể là một khu chung giữa hai quốc gia, trong đó có cơ quan điều hành, có chính sách chung và cũng có thể là hai khu riêng biệt, nhưng được quy hoạch dựa trên lợi thế của cả hai bên và có sự hợp tác, hài hòa về chính sách giữa hai bên. Dưới đây là một số kinh nghiệm thực tiễn về CBEZ.

i) Kinh nghiệm mô hình “Hai nước, một khu” CBEZ Trung Quốc - Lào

Biên giới Lào và Trung Quốc có chiều dài 423km với 4 cặp cửa khẩu được ký kết giữa hai bên; trong đó, cặp cửa khẩu Mohan (Trung Quốc) - Boten (Lào) là cặp cửa khẩu cấp quốc gia duy nhất đã thúc đẩy hoạt động trao đổi kinh tế thương mại quốc tế và giao lưu nhân dân hai nước. Chính phủ Trung Quốc và Lào đã ký kết Hiệp định khung về CBEZ Mohan - Boten (năm 2010) và chia thành Khu trung tâm và Khu hỗ trợ với các khu chức năng, bao gồm: khu dịch vụ kho bãi và logistics, khu dịch vụ thương mại du lịch, khu gia công, khu hoàn thuế và khu dịch vụ tổng hợp.

Chính phủ Trung Quốc đã chính thức phê chuẩn CBEZ Mohan - Boten là một trong ba CBEZ của tỉnh Vân Nam (năm 2011). Theo đó, tỉnh Vân Nam đã đưa thị trấn Mohan vào quy hoạch khu hợp tác kinh tế với tổng diện tích là 803 km2. CBEZ Mohan - Boten chủ yếu do Trung Quốc lập kế hoạch, cấp vốn, tiến hành xây dựng hạ tầng, lập cơ chế hợp tác và cơ chế quản lý vận hành. Cách thức xây dựng: các khu kinh tế mang tính đối xứng nhau (phía Lào xây dựng Đặc khu Kinh tế Boten; phía Trung Quốc xây dựng Khu thí điểm mở cửa phát triển trọng điểm Mãnh Lạp (Mohan) của tỉnh Vân Nam); mô hình quản lý: hai nước Trung Quốc - Lào thống nhất thử nghiệm mô hình “một khu hai nước, lần lượt quản lý, hiệp đồng thống nhất, mô hình đa tiểu khu”.

ii) Kinh nghiệm mô hình “hai nước, hai khu” Trung Quốc - Việt Nam

Tháng 5-2015, Trung Quốc gửi dự thảo Thỏa thuận khung cho Việt Nam; trong đó, đề xuất “lưỡng quốc nhất khu”, “lùi quản lý từ Tuyến 1 (đường biên giới) về Tuyến 2 (sau biên giới)”... Mô hình này là ý tưởng đề xuất của Trung Quốc và đang đàm phán với nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, cụ thể đang được nghiên cứu tại các CBEZ Hà Khẩu (Trung Quốc) - Lào Cai (Việt Nam); Đông Hưng (Trung Quốc) - Móng Cái (Việt Nam); Bằng Tường (Trung Quốc) - Đồng Đăng (Việt Nam) và được khởi động từ năm 2006 - 2007.

Năm 2017, Việt Nam đã gửi dự thảo Thỏa thuận khung cho phía Trung Quốc; trong đó, theo nguyên tắc: (i) Thực hiện mô hình hai quốc gia hai khu có vị trí liền kề; (ii) Tiến hành thí điểm trước khi nhân rộng mô hình này.

Qua các vòng đàm phán, hai bên hoàn thiện mô hình theo nguyên tắc chung: xác định Khu hợp tác kinh tế qua biên giới Việt Nam - Trung Quốc tổ hợp thành từ hai khu riêng biệt (01 của Việt Nam, 01 của Trung Quốc); mỗi quốc gia xây dựng và tự vận hành CBEZ của mình đối xứng nhau qua đường biên trên nguyên tắc giữ nguyên đường biên và lực lượng kiểm tra, kiểm soát đường biên, không hòa hai khu thành một, không điều hành chung. Tuy nhiên, đến nay việc lựa chọn địa điểm tiến hành thí điểm và cách thức triển khai mô hình vẫn chưa đạt được thỏa thuận.

Đối với Thỏa thuận xây dựng CBEZ Trà Lĩnh - Long Bang được tỉnh Cao Bằng (Việt Nam) và tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) ký kết ngày 02-11-2007 tại Trung Quốc. Ngày 11-3-2014, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã ký kết Quyết định số 20/2014/QĐ-TTg về thành lập Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Cao Bằng với tổng diện tích tự nhiên hơn 30.130 ha, trong đó, cửa khẩu Trà Lĩnh sẽ trở thành trung tâm của Khu kinh tế cửa khẩu Cao Bằng. Ngày 26-4-2016, Thỏa thuận giữa Thành ủy thành phố Bách Sắc, Quảng Tây và UBND tỉnh Cao Bằng về việc hợp tác xây dựng CBEZ Trà Lĩnh - Long Bang đã được ký kết theo mô hình hai khu riêng biệt trên lãnh thổ hai nước, có sự thỏa thuận về cơ chế, bảo đảm tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước, bảo đảm tính tương thích về cơ sở hạ tầng cứng và hạ tầng mềm giữa hai bên. Hai bên thống nhất sẽ tự thiết kế, xây dựng, phát triển, quản lý, khai thác Khu kinh tế biên giới Trà Lĩnh - Long Bang trên phạm vi lãnh thổ của mình; thỏa thuận để quy hoạch từng phân khu chức năng và cơ sở hạ tầng hai bên tương thích với nhau; xây dựng một cơ chế tương đồng về quản lý thương mại và dịch vụ, kiểm dịch hàng hóa.

iii) Một số mô hình thực tiễn khác: Tại châu Âu, việc thành lập các khu vực qua biên giới châu Âu được hình thành từ sau Hiệp định Madrit năm 1980 với sự phê chuẩn của 20 quốc gia thành viên về hợp tác xuyên biên giới do Hội đồng châu Âu ban hành như các CBEZ Meuse Rhine (Đức - Hà Lan), Oresurd (Đan Mạch - Thụy Điển),... Nhằm thúc đẩy hợp tác qua biên giới, EU đã hoạch định và thực thi Chính sách láng giềng châu Âu (ENP) và các nước trong khu vực ký kết nhiều thỏa ước về hợp tác qua biên giới (CBC).

3. Thực trạng phát triển Khu kinh tế - thương mại hai bên cửa khẩu Lao Bảo (Việt Nam) - Đensavẳn (Lào)

Trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào, hiện chỉ duy nhất khu vực Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo và Đensavẳn đã thành lập 02 khu kinh tế đối xứng nhau: Khu Kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo (từ năm 1998) và Khu Thương mại biên giới Đensavẳn (từ năm 2002). Đến nay, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn nhiều hạn chế và cần phải nghiên cứu để thí điểm áp dụng các cơ chế, chính sách “chung”, “xuyên biên giới” tạo động lực mới, hấp dẫn, thu hút doanh nghiệp đầu tư.

Thực trạng phát triển Khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo (Việt Nam)

Ngày 12-11-1998, Chính phủ Việt Nam đã thành lập Khu vực khuyến khích phát triển kinh tế và thương mại Lao Bảo (gọi tắt là Khu Thương mại Lao Bảo) theo Quyết định số 219/1998/QĐ-TTg. Ngày 12-01-2005, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế Khu Kinh tế - Thương mại đặc biệt Lao Bảo theo Quyết định số 11/2005/QĐ-TTg thay thế Quyết định số 219/1998/QĐ-TTg, do Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Quảng Trị quản lý.

Đây là mô hình kinh tế được hoạt động theo một Quy chế riêng thông qua việc áp dụng thí điểm cơ chế, chính sách ưu đãi ở mức cao nhất theo quy định của luật pháp Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia, tạo điều kiện hấp dẫn để thu hút đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh.

Với Quyết định số 11/2005/QĐ-TTg, Khu kinh tế - thương mại đặc biệt Lao Bảo được xem là một “khu phi thuế quan đặc biệt” có dân cư sinh sống, không có hàng rào cứng ngăn cách; quan hệ trao đổi hàng hóa, dịch vụ giữa khu vực và thị trường trong nước là quan hệ xuất khẩu, nhập khẩu; được hưởng cơ chế, chính sách ưu đãi đối với khu phi thuế quan và cơ chế, chính sách ưu đãi áp dụng cho khu kinh tế nằm trên địa bàn cấp huyện thuộc vùng có điều kiện kinh tế khó khăn. Khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo đã được Chính phủ Việt Nam xác định là một trong 08 khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm được ưu tiên đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước.

Về quy mô và đầu tư cơ sở hạ tầng: Khu kinh tế - thương mại đặc biệt Lao Bảo bao gồm 05 xã và 2 thị trấn thuộc huyện miền núi Hướng Hóa có tổng diện tích 15.804 ha, phân bố dọc theo Quốc lộ 9 với chiều dài 25 km, dân số năm 1998 khoảng 29.000 người (chiếm 50% dân số toàn huyện). Khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo đã thu hút gần 1.700 tỷ đồng đầu tư vào hạ tầng.

Về thu hút đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh: Đã có 57 dự án sản xuất kinh doanh đang hoạt động, 12 dự án đang triển khai xây dựng tại địa bàn Khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo, trong đó có các doanh nghiệp FDI như Công ty Cao su Camel, Công ty sản xuất nước giải khát Super Horse (Thái Lan). Hoạt động kinh doanh thương mại dịch vụ phát triển mạnh với hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng miễn thuế, chợ biên giới. Trong một thời gian dài khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo là địa chỉ thu hút khách tham quan mua sắm. Lưu lượng hàng hóa xuất nhập khẩu, người và phương tiện xuất nhập cảnh ra vào ngày càng tăng, thúc đẩy hoạt động giao thương trên tuyến EWEC qua cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, tăng thu ngân sách, giải quyết việc làm, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và lan tỏa đến các khu vực khác.

Biểu đồ 1: Số liệu hàng hóa xuất khẩu và nhập khẩu tại Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo và Đensavẳn giai đoạn 2010 - 2022

Nguồn: Tổng hợp số liệu từ báo cáo hàng năm giai đoạn 2010 - 2022 của Chi cục Hải quan cửa khẩu Lao Bảo

Thực trạng phát triển Khu thương mại biên giới Đen-sa-vẳn (Lào)

Khu thương mại biên giới Đensavẳn được thành lập theo Quyết định số 25/TTg, ngày 25-3-2002 của Thủ tướng Chính phủ Lào. Ban Quản lý Khu thương mại biên giới Đensavẳn do Tỉnh trưởng Savannakhet quyết định thành lập trực thuộc tỉnh. Tỉnh Savannakhet đã xây dựng trạm kiểm soát ra vào Khu thương mại biên giới trên tuyến Quốc lộ 9 tại Bản Đông, cách cửa khẩu Đensavẳn 20km; ban đầu phương tiện qua trạm đều được kiểm tra nhưng sau đó không duy trì việc kiểm tra.

Về công tác quy hoạch và đầu tư kết cấu hạ tầng: Ban Quản lý Khu kinh tế Savannakhet quy hoạch khoảng 1.700 ha, chủ yếu là các vùng đất trống, không có dân cư. Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Savannakhet đã bàn giao cho tỉnh Savannakhet khu vực cửa khẩu Đensavẳn (khoảng 07 ha) trực tiếp quản lý để xây dựng các hạng mục công trình phục vụ các cơ quan làm nhiệm vụ tại cửa khẩu (Công an, Hải quan…). Kết cấu hạ tầng đã được đầu tư bao gồm nhà làm việc của Hải quan, Công an và một số cơ quan làm nhiệm vụ tại cửa khẩu, trạm kiểm soát tại Bản Đông. Do khó khăn về nguồn vốn ngân sách nhà nước nên các công trình kết cấu chưa đáp ứng nhu cầu.

Về thu hút đầu tư của doanh nghiệp: Tính đến nay, đã có 22 dự án đăng ký đầu tư tại Khu thương mại biên giới Đensavẳn của các doanh nghiệp Lào, Trung Quốc, Campuchia, Thái Lan, Xinhgapo và Việt Nam… trong các lĩnh vực: xây dựng chợ, dịch vụ ngân hàng, thương mại xuất nhập khẩu, sản xuất săm lốp xe máy, sản xuất caosu, dịch vụ logistics, nước uống, luyện kim, du lịch, điện mặt trời… Tuy nhiên, do những khó khăn về hạ tầng, lao động… nên đã có 08 trong 22 dự án đăng ký đầu tư dừng triển khai. Quy mô dự án nhỏ, vốn đầu tư ít.

Hạn chế trong phát triển Khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo và Khu thương mại biên giới Đensavẳn:

Thu hút đầu tư của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp đầu tư không nhiều và chủ yếu tập trung vào hoạt động thương mại, nhất là lĩnh vực xuất nhập khẩu; các dự án sản xuất gia công, chế biến quy mô nhỏ lẻ. Nguyên nhân của hạn chế là: (i) Các cơ chế, chính sách của Chính phủ Việt Nam và Lào áp dụng tại Khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo và Khu thương mại biên giới Đensavẳn chưa có nhiều ưu tiên, ưu đãi đặc biệt thu hút các nhà đầu tư, nhất là trong lĩnh vực dịch vụ logistics và sản xuất, chế biến, gia công; (ii) Chính sách của Chính phủ Việt Nam đối với Khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo có nhiều thay đổi, làm ảnh hưởng tâm lý ngại đầu tư vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh; (iii) Thiếu cơ chế ưu tiên, tạo thuận lợi trong vay vốn, thủ tục đầu tư… cho doanh nghiệp Việt Nam sang đầu tư tại Khu thương mại biên giới Đensavẳn (Lào); (iv) Thiếu cơ chế ưu tiên, tạo thuận lợi về thủ tục xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh tại cặp cửa khẩu quốc tế Lao Bảo - Đensavẳn đối với hàng hóa, phương tiện vận tải phục vụ các dự án sản xuất kinh doanh trong Khu thương mại biên giới Đensavẳn và Khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo.

4. Một số hàm ý chính sách

Qua kinh nghiệm một số mô hình CBEZ tại các quốc gia chung biên giới với Việt Nam, các quốc gia châu Âu và thực trạng phát triển Khu kinh tế - thương mại hai bên cửa khẩu Lao Bảo - Đensavẳn, nhất là những hạn chế bước đầu trong quá trình phát triển của hai khu kinh tế; bước đầu rút ra kinh nghiệm, khuyến nghị chính sách đối với Việt Nam và Lào để xây dựng CBEZ Việt Nam - Lào hướng đến tạo thuận lợi cho thương mại, phát huy lợi thế so sánh của các địa phương vùng biên giới và thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực biên giới.

Thứ nhất, Chính phủ hai nước Việt Nam - Lào xây dựng khung chính sách, chương trình hợp tác về CBEZ căn cứ trên nguyên tắc sử dụng phương thức bình đẳng và có các chính sách ưu đãi thống nhất nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế song phương. Theo đó, cần tuân thủ tôn trọng lợi ích giữa các quốc gia; hướng đến xây dựng biên giới an ninh, an toàn, giữ vững chủ quyền biên giới lãnh thổ, nhất là phát huy mối quan hệ hữu nghị đặt biệt Việt Nam - Lào. Các quan điểm, chính sách và chương trình hợp tác phải điều chỉnh qua từng thời kỳ, phù hợp với pháp luật hai nước, mục tiêu hợp tác, tình hình thực tiễn của thương mại biên giới giữa hai nước Việt Nam - Lào, bối cảnh trong nước và quốc tế.

Thứ hai, mô hình CBEZ Việt Nam - Lào đưa ra phải được thí điểm, đánh giá, tổng kết và rút kinh nghiệm, hoàn thiện trước khi nhân rộng; đồng thời, Chính phủ hai nước dựa vào thế mạnh từng vùng biên giới, từng địa phương để hoạch định chính sách phù hợp thực tiễn và xây dựng các CBEZ nhằm tận dụng tối đa ưu thế của hai nước. Lựa chọn thí điểm những cặp cửa khẩu quốc tế trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào đã có chủ trương thống nhất thực hiện thí điểm như CBEZ Lao Bảo - Đensavẳn, theo hướng chung đối xứng về quy mô trên lãnh thổ hai nước theo mô hình Hai nước hai khu, có sự thống nhất về cơ chế, chính sách; kết nối về chính sách (kết nối mềm) và hạ tầng (kết nối cứng) và mỗi bên tự chịu trách nhiệm xây dựng và quản lý CBEZ trên phạm vi lãnh thổ của mình. Hàng rào cứng sử dụng bảo đảm cách ly hoạt động bên trong và bên ngoài tại một số khu vực như khu phi thuế quan, cảng cạn (ICD), khu vực kho bãi hàng hóa chờ kiểm hóa, khu công nghiệp; và thực thi các chính sách ưu đãi chung, thu hút đầu tư, thống nhất về thuế, thủ tục hải quan,…

Thứ ba, Chính phủ hai nước Việt Nam và Lào nghiên cứu áp dụng thương mại không giấy tờ xuyên biên giới, tạo thuận lợi thương mại quốc gia theo Hiệp định khu vực đầu tiên dành riêng cho thương mại không cần giấy tờ xuyên biên giới được cho là Hiệp định một cửa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, được ký kết năm 2005 bởi 10 thành viên ASEAN, bao gồm Việt Nam. Mô hình kiểm tra “một cửa, một điểm dừng” (SWI/SSI) là một trong những ứng dụng hài hòa hóa, hiện đại hóa trong quản lý thủ tục hải quan cũng cần được cân nhắc tiếp tục áp dụng nhằm tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động thương mại quốc tế của CBEZ khi được hình thành. Mô hình SWI/SSI đã thực hiện thí điểm duy nhất trên thế giới tại cặp Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo - Đensavẳn với hơn 17 năm. Để mô hình SWI/SSI nhất quán tạo thuận lợi, cần tiến hành các nghiên cứu, đánh giá tổng kết mô hình thí điểm và áp dụng đồng bộ các cửa khẩu đường bộ biên giới Việt Nam - Lào.

Thứ tư, Chính phủ hai nước Việt Nam và Lào áp dụng thí điểm một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về thủ tục đầu tư, thủ tục vay vốn, tiêu thụ hàng hóa do cư dân hai bên biên giới sản xuất, sử dụng lao động là người nước ngoài, các ưu đãi liên quan đến thuế theo mức thuế suất có lợi nhất cho các doanh nghiệp, đúng quy định pháp luật của hai nước. Huy động nguồn vốn đầu tư hiệu quả cho CBEZ Lao Bảo - Đensanvẳn trong điều kiện khó khăn về ngân sách nhà nước của Việt Nam và Lào; trong đó, huy động các nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng chủ yếu từ nguồn của doanh nghiệp đầu tư và kinh doanh kết cấu hạ tầng.

_________________

Ngày nhận: 17-12-2023; Ngày bình duyệt: 19-12-2023; Ngày duyệt đăng: 20-12-2023.

(1) Bao gồm: Cửa khẩu Tây Trang (Điện Biên, Việt Nam) và Pang Hốc (Phông Sa Lỳ, Lào); Na Mèo (Thanh Hóa, Việt Nam) và Nậm Sôi (Hủa Phăn, Lào); Nậm Cắn (Nghệ An, Việt Nam) và Nậm Cắn (Xiêng Khoảng, Lào); Cầu Treo (Hà Tĩnh, Việt Nam) và Nậm Phao (Bo Ly Khăm Xay); Cha Lo (Quảng Bình, Việt Nam) và Na Phậu (Khâm Muồn, Lào); Lao Bảo (Quảng Trị, Việt Nam) và Đen Sa Vẳn (Savẳnnakhẹt, Lào); La Lay (Quảng Trị, Việt Nam) và La Lay (Sả Lạ Văn, Lào); Bờ Y (Kon Tum, Việt Nam) và Phu Cưa (Ắt Tạ Pư, Lào).

Tài liệu tham khảo

1. Thỏa thuận về kế hoạch hợp tác giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào năm 2023, Việt Nam.

2. “Luận cứ khoa học cho sự hình thành và phát triển các khu kinh tế xuyên biên giới ở Việt Nam”, Đề tài nghiên cứu cấp nhà nước mã số KX.01/09-16-20 do Nguyễn Anh Thu làm chủ nhiệm.

3. Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 03-11-2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

4. Biên bản nội dung phiên làm việc chính thức giữa đoàn công tác cấp cao 02 tỉnh Savannakhet và Quảng Trị, ngày 18-02-2022, Việt Nam.

5. Https://Asean.org/our-communities/economic-community/asean-single-window.

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền