Trang chủ    Quốc tế    Vai trò của Việt Nam trong hợp tác ASEAN - Nhật Bản trên Biển Đông
Chủ nhật, 05 Tháng 11 2023 14:54
1168 Lượt xem

Vai trò của Việt Nam trong hợp tác ASEAN - Nhật Bản trên Biển Đông

ThS NCS TRẦN THỊ THÁI
Viện Khoa học Xã hội vùng Trung Bộ,
Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

ThS TRẦN KIM LOAN
Đại học Quốc gia Hà Nội 

(LLCT) - Bằng cách dựa trên các mối quan hệ lịch sử, Việt Nam đóng góp trong Hợp tác ASEAN - Nhật Bản trên Biển Đông. Bài viết tập trung làm rõ vai trò chủ động và mang tính xây dựng của Việt Nam trong sự hợp tác của ASEAN - Nhật Bản để duy trì ổn định và an ninh ở Biển Đông, hướng tới sự hòa bình và thịnh vượng trong khu vực. Bài viết là kết quả nghiên cứu của đề tài: "Biển Việt Nam phục vụ mục tiêu bảo vệ Tổ quốc và phát triển đất nước", do Văn phòng Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam là cơ quan chủ trì.
 

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và các đại biểu dự Tọa đàm '"SEAN-Nhật Bản: Nhìn lại chặng đường đã qua và hướng tới 50 năm Quan hệ đối tác" tại đầu cầu Hà Nội - Ảnh: IT

Trong những năm gần đây, vấn đề Biển Đông là tâm điểm của khu vực Đông Á với nhiều lợi ích đan xen phức tạp và ngày càng tác động mạnh mẽ đến Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Là thành viên chủ chốt của ASEAN, Việt Nam đã đóng vai trò trung tâm trong việc thúc đẩy hợp tác khu vực và định hình động lực của khu vực. Việt Nam - Nhật Bản đang có quan hệ hợp tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á. Trải qua gần 5 thập kỷ, ASEAN và Nhật Bản cũng đã xây dựng mối quan hệ hợp tác trải rộng trên nhiều lĩnh vực và trở thành những đối tác tin cậy của nhau.

1. Mối quan hệ ASEAN - Nhật Bản từ 1973 đến nay

Trải qua gần nửa thế kỷ từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao 1973 - 2023, mối quan hệ giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Nhật Bản ngày càng được tăng cường, từng bước trở nên vững bền. Trong mối quan hệ hợp tác đó, kể từ khi trở  thành thành viên chính thức vào năm 1995, Việt Nam giữ một vai trò quan trọng và đóng góp tích cực trong hợp tác ASEAN - Nhật Bản, đặc biệt trong hợp tác kinh tế và thương mại. Nội dung này được thể hiện trong Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản (AJCEP), ký kết tháng 4-2008. AJCEP là một thỏa thuận toàn diện, bao gồm các lĩnh vực quan trọng như thương mại hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và hợp tác kinh tế. Đặc biệt, AJCEP đã góp phần tăng cường mối quan hệ kinh tế giữa ASEAN và Nhật Bản, tạo ra một thị trường lớn hơn và hiệu quả hơn, mang đến nhiều cơ hội hơn cho cả hai bên trong khu vực này...

Việt Nam trở thành cửa ngõ xuất nhập khẩu thương mại cho không chỉ các nước ASEAN mà còn cho các quốc gia khác. Cùng với sự phát triển quan hệ ngoại giao chặt chẽ giữa Việt Nam và Nhật Bản qua các thời kỳ, từ quan hệ “Đối tác tin cậy, ổn định lâu dài” năm 2002, đến “Đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á” năm 2009, đến “Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á” năm 2014, đến năm 2015, nhân chuyến thăm Nhật Bản của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, hai quốc gia đã ra Tuyên bố về “Tầm nhìn chung quan hệ Việt Nam - Nhật Bản”, Việt Nam ngày càng giữ vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy và duy trì hợp tác ASEAN - Nhật Bản.

Việt Nam đã tham gia tích cực vào các cuộc đàm phán thương mại quốc tế, đặc biệt là việc Việt Nam, Nhật Bản tham gia ký Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) tháng 3-2018, một văn kiện thương mại có hiệu lực ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương với khoảng 500 triệu dân, giá trị đóng góp khoảng 14% GDP của thế giới và khoảng 15% thương mại toàn cầu. Điều này đã giúp Việt Nam và Nhật Bản tận dụng các thị trường mới và cơ hội xuất khẩu, bảo đảm tiếp tục duy trì và thúc đẩy hiệp định khu vực này sau khi Hoa Kỳ rút lui, giữ cho cơ hội thương mại và đầu tư vẫn nở rộ.

Quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Nhật Bản được tăng cường, thúc đẩy hợp tác trong nhiều lĩnh vực, từ kinh tế đến an ninh và quốc phòng, xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển kinh tế tại Việt Nam.

Về vấn đề an ninh Biển Đông, vị trí chiến lược của Việt Nam trên Biển Đông là một trong những yếu tố quan trọng, định hình vai trò của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế. Với hơn 3.200 km bờ biển ven Biển Đông, Việt Nam nằm ở trung tâm của một trong những tuyến đường hàng hải quan trọng nhất thế giới, nơi hàng tỷ tấn hàng hóa qua lại mỗi năm. Biển Đông là một trong những khu vực có nguy cơ xung đột cao nhất thế giới, do sự tranh chấp chủ quyền và tài nguyên. Vị trí của Việt Nam giữa các quốc gia có lợi ích cạnh tranh trên Biển Đông như Trung Quốc, Philíppin, và Malaixia đã đặt nước ta vào vị thế quan trọng trong việc thúc đẩy hòa bình, ổn định và giải quyết tranh chấp theo luật pháp quốc tế.

Với vị trí biển rộng lớn và lợi ích kinh tế, Việt Nam đã thúc đẩy việc phát triển kinh tế và hợp tác với các nước khác trên Biển Đông. Đặc biệt, quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa được coi là tài sản quốc gia quan trọng và là dấu hiệu rõ nét về quyền chủ quyền của Việt Nam trên biển. Vị trí chiến lược của Việt Nam trên Biển Đông không chỉ ảnh hưởng đến sự ổn định và an ninh trong khu vực, mà còn là yếu tố quyết định định hình quan hệ và vai trò của Việt Nam trong hợp tác quốc tế, đặc biệt trong khuôn khổ hợp tác ASEAN - Nhật Bản trên Biển Đông.

Trong những lần làm Chủ tịch ASEAN vào các năm 1998, 2010, 2020, Việt Nam đã đóng góp mạnh mẽ vào việc thúc đẩy hòa bình, ổn định và phát triển bền vững trên Biển Đông thông qua vai trò lãnh đạo. Ngoài ra, vào tháng 7 - 2012, Việt Nam đã đóng vai trò chủ trì trong việc thúc đẩy và đàm phán Tuyên bố ASEAN về Biển Đông. Tuyên bố này là một cơ sở quan trọng để bảo đảm hòa bình, ổn định và tuân thủ luật pháp quốc tế trên Biển Đông, và những điều này đã được thông qua trong Hội nghị Cấp cao ASEAN tại Phnôm Pênh, Campuchia năm 2021.

Năm 2020, Việt Nam chủ trì cuộc họp Thượng đỉnh ASEAN, trong đó đã thảo luận về các vấn đề quan trọng như an ninh và hợp tác trong lĩnh vực biển, đặc biệt là việc thúc đẩy đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) - nhân tố quan trọng bảo đảm an ninh, ổn định cho khu vực. COC nhằm mục tiêu đặt ra các quy tắc và nguyên tắc cơ bản để ổn định tình hình và giải quyết tranh chấp trên Biển Đông. Tháng 11-2022, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết ASEAN và Trung Quốc "đang tiến hành vòng rà soát thứ hai văn bản đàm phán đơn nhất dự thảo COC".

Sự hợp tác chặt chẽ giữa Việt Nam và Nhật Bản với tư cách quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng, trong khung hợp tác ASEAN - Nhật Bản trên Biển Đông đã đóng góp đáng kể vào thúc đẩy ổn định và phát triển của khu vực này. Việt Nam và Nhật Bản đã cùng hợp tác trong các dự án quốc tế về quản lý tài nguyên biển và bảo vệ môi trường Biển Đông. Ví dụ, dự án Hợp tác đặc biệt Biển Đông - Việt Nam do Nhật Bản tài trợ đã giúp cải thiện quản lý và bảo vệ môi trường biển, hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực chấp pháp trên biển, bao gồm cả phần cứng (như tàu tuần tra) và phần mềm (huấn luyện) thông qua nguồn hỗ trợ ODA và chương trình mới về hỗ trợ quốc phòng trong khuôn khổ mục tiêu Định hướng chương trình quốc phòng quốc gia (NDPG) mà Nhật Bản đưa vào thực hiện từ năm 2010.

Hợp tác trong lĩnh vực an ninh quốc phòng còn là đòn bẩy để tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực khác, góp phần tạo dựng lòng tin giữa hai quốc gia, đưa mối quan hệ hai nước phát triển cả về bề rộng và chiều sâu. Trong chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Nhật Bản năm 2015, đã có hai trong sáu văn kiện được thông qua về hợp tác trong lĩnh vực giữ gìn hòa bình Liên hợp quốc, Cảnh sát biển Việt Nam và Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản thiết lập quan hệ phối hợp nhằm phòng chống tội phạm xuyên quốc gia và phát triển hợp tác chung.

Việt Nam luôn ủng hộ và thúc đẩy việc tuân thủ luật pháp quốc tế trong giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông. Trong bản thông cáo ngày 12-7-2016 về phản ứng của Việt Nam trước phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế về việc “bác bỏ yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc ở Biển Đông”, trong phán quyết về vụ Philíppin kiện Trung Quốc về quyền lịch sử và “đường chín đoạn”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết Việt Nam hoan nghênh việc Tòa trọng tài đã đưa ra phán quyết cuối cùng này, đồng thời “Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, bao gồm các tiến trình ngoại giao và pháp lý, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực theo quy định của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, tôn trọng nguyên tắc thượng tôn pháp luật trên các vùng biển và đại dương”(1).

Thông qua tuyên bố và sự ủng hộ vụ kiện này, Việt Nam đã minh chứng cam kết của mình đối với quy tắc luật pháp quốc tế và sự mong muốn giải quyết tranh chấp bằng cách hòa bình và dưới tầm nhìn của một quốc gia tuân thủ luật pháp thay vì dựa vào sức mạnh quân sự. Điều này đã thể hiện vai trò quan trọng của Việt Nam trong việc thúc đẩy quy tắc luật pháp và ổn định trong khu vực Biển Đông.

Trong năm 2020, trước những khó khăn bởi đại dịch Covid-19, Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc trọng trách của năm Chủ tịch ASEAN, đó là: ASEAN đã ra được Tuyên bố chung của Hội nghị Cấp cao lần thứ 37: “Tuyên bố Tầm nhìn của các nhà lãnh đạo ASEAN về một Cộng đồng ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng: vượt lên các thách thức và duy trì tăng trưởng”.

Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) được ký kết giữa 10 nước thành viên ASEAN cùng với Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, New Zealand và Ôxtrâylia vào tháng 11 - 2020. Hiệp định RCEP sau khi có hiệu lực đầy đủ, sẽ tạo thành “một thị trường với quy mô 2,2 tỷ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% dân số thế giới, GDP tương ứng khoảng 26,2 nghìn tỷ USD, tương đương khoảng 30% GDP toàn cầu và trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất trên thế giới xét về quy mô dân số”(2).

Hiệp định RCEP được ký kết là minh chứng về uy tín của Việt Nam trong việc điều phối, dẫn dắt, phát huy các khuôn khổ hợp tác, từ chủ động hội nhập đến thành viên tích cực, có trách nhiệm cùng các nước ASEAN duy trì và phát huy vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực.

Hội nghị Cấp cao ASEAN - Nhật Bản lần thứ 26 họp vào tháng 9 - 2023 đã thông qua Tuyên bố chung thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện ASEAN - Nhật Bản, đánh dấu mốc phát triển mới nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ. Nhật Bản là đối tác thương mại lớn thứ tư và đối tác đầu tư lớn thứ hai của ASEAN.

Là thành viên chủ chốt của ASEAN, Việt Nam đã đóng vai trò trung tâm trong việc thúc đẩy hợp tác khu vực và định hình động lực của khu vực. Việt Nam - Nhật Bản đang có quan hệ hợp tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á. Trải qua gần 5 thập kỷ, ASEAN và Nhật Bản cũng đã xây dựng mối quan hệ hợp tác trải rộng trên nhiều lĩnh vực và trở thành những đối tác tin cậy của nhau.

Đề cập đến vị trí của Việt Nam trong chính sách đối ngoại nói chung của Nhật Bản và chiến lược “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mở và tự do” nói riêng, cũng như vai trò của Việt Nam trong hợp tác ASEAN - Nhật Bản, trong bài phát biểu vào tháng 3-2023, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam đã nhấn mạnh rằng, Việt Nam là quốc gia “rất quan trọng” trong ASEAN đối với Nhật Bản: về đầu tư, theo khảo sát mới nhất của Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), tỷ lệ các công ty Nhật Bản sẵn sàng mở rộng hoạt động đầu tư tại Việt Nam cao nhất trong các nước ASEAN; về hoạt động giao lưu nhân dân khá nổi bật giữa hai nước, trong đó có du lịch. Đại sứ Kiya Masahiko cho hay, ASEAN và Nhật Bản đã nhất trí chọn năm 2023 là Năm hợp tác và hữu nghị ASEAN - Nhật Bản. Hội nghị cấp cao kỷ niệm vào tháng 12-2023 sẽ là sự kiện mang tính bước ngoặt quan trọng trong quan hệ ASEAN - Nhật Bản với một tuyên bố chung được mong đợi về các kế hoạch hành động tương lai. 

Như vậy, Việt Nam đóng góp quan trọng trong hợp tác ASEAN - Nhật Bản trên Biển Đông và có tính toàn diện, góp phần duy trì ổn định và an ninh trong khu vực, thể hiện qua những bước hành động và cam kết cụ thể:

Một là, Việt Nam hỗ trợ vững chắc cho quy tắc quốc tế và hòa bình thông qua thể hiện cam kết đối với quy tắc quốc tế và ủng hộ hòa bình trên Biển Đông. Việt Nam tích cực tham gia vào các cuộc đối thoại và đàm phán đa phương về Biển Đông tại các diễn đàn quan trọng như ARF và ASEAN + 3, cùng với sự tham gia của Nhật Bản. Qua các cuộc đối thoại này, Việt Nam đã bày tỏ quan điểm tôn trọng luật pháp quốc tế và ủng hộ giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, hợp tác và trên cơ sở luật pháp quốc tế. Điều này giúp tạo ra môi trường ổn định và an toàn trong khu vực Biển Đông.

Hai là, tăng cường hợp tác kinh tế và đầu tư: Thay thế nhiên liệu hóa thạch (than, dầu) bằng nhiên liệu sạch hơn như khí đốt hóa lỏng, hydro xanh, amoniac xanh; phát triển năng lượng tái tạo, sinh khối, điện hạt nhân; xây dựng hệ thống truyền tải năng lượng thông minh… Các doanh nghiệp hàng đầu của Nhật Bản sẵn sàng tham gia tích cực vào những dự án chuyển đổi năng lượng của Việt Nam. Hợp tác này không chỉ giúp Việt Nam thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo mà còn giúp giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ môi trường biển. Việc tăng cường hợp tác kinh tế và đầu tư trên Biển Đông không chỉ đem lại lợi ích kinh tế cho Việt Nam và Nhật Bản mà còn góp phần thúc đẩy hòa bình, ổn định và phát triển bền vững trong khu vực.

Ba là, Việt Nam đã tham gia tích cực vào các nỗ lực nhằm giải quyết các tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông một cách hòa bình và công bằng. Qua việc hợp tác với Nhật Bản và các quốc gia ASEAN, Việt Nam đã tìm kiếm các giải pháp đối thoại và thương lượng, thể hiện sự kiên trì và sẵn lòng hòa giải để duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực. Trong buổi họp giữa Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio năm 2023, hai nhà lãnh đạo đã nhấn mạnh tầm quan trọng của an ninh hàng hải và hàng không, giải quyết bất đồng bằng biện pháp hòa bình dựa trên luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982; thúc đẩy việc thực hiện DOC và hoàn thiện COC ở Biển Đông một cách hiệu quả.

Bốn là, tôn trọng quyền lợi chủ quyền và luật pháp quốc tế: Việt Nam luôn đề cao nguyên tắc tôn trọng quyền lợi chủ quyền và tuân thủ luật pháp quốc tế trong các hoạt động trên Biển Đông. Điều đó được thể hiện rõ trong việc Việt Nam thực hiện Hiệp định về thương mại tự do ASEAN - Nhật Bản (AJCEP) một cách có trách nhiệm và đáp ứng đúng các yêu cầu quốc tế về thương mại và đầu tư. Qua đó, Việt Nam đã thể hiện ý chí xây dựng môi trường hợp tác với các quốc gia trong khu vực và cộng đồng quốc tế để duy trì ổn định và an ninh trên Biển Đông.

2. Thách thức, cơ hội và định hướng tương lai

Biển Đông được biết đến như một trung tâm tranh chấp phức tạp, với nhiều bên tranh chấp và lợi ích của các cường quốc đang gắn liền. Các nhà nghiên cứu và quan sát quốc tế xác định rằng, một trong những khó khăn lớn nhất của việc tìm giải pháp là vấn đề chủ quyền, quy chế đảo và chủ nghĩa dân tộc.

Vấn đề chủ quyền là điều kiện quan trọng để giải quyết tranh chấp biển đảo. Các bên tranh chấp thường cam kết giải quyết tranh chấp dựa trên luật quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982, nhưng hiện tại chưa có cơ chế cụ thể để giải quyết tranh chấp chủ quyền đối với các đảo ngoài khơi. Sự phân định về các vùng biển chỉ có thể xảy ra sau khi các tranh chấp về chủ quyền đối với các đảo và đá ngầm đã được giải quyết. Trong quá trình này, các quốc gia đã đưa ra hai loại yêu sách chủ quyền: chiếm đóng thực tế và quyền phát hiện địa lý, và đề xuất việc áp dụng luật biển mới để xác định chủ quyền. Việc định rõ tiêu chí áp dụng vẫn đang trong quá trình thảo luận.

Tuy nhiên, từ góc độ chủ quyền, không có quốc gia nào có thể ép buộc quốc gia khác từ bỏ yêu sách và lập luận của họ. Để thúc đẩy quá trình giải quyết, cần có một bên thứ ba đánh giá khách quan lập trường của các bên, nhưng hiện nay khu vực Đông Nam Á chưa có truyền thống viện dẫn đến sự can dự của các cơ quan tài phán quốc tế, mặc dù đã có các quyết định về tranh chấp đảo giữa các quốc gia trong khu vực.

Quy chế đảo đá cũng là một thách thức hiện nay, với sự thiếu hụt pháp lý và quản lý, việc giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình và công bằng trở nên khó khăn. Các định nghĩa về đảo và đá dẫn tới sự khác biệt về quy chế. Vấn đề làm thế nào để xác định một đảo đáp ứng các yêu cầu của luật biển, và liệu những cơ sở nhân tạo trên các đá có được xem là đáp ứng đủ các yêu cầu hay không? Tất cả những vấn đề này cần được giải quyết một cách cụ thể và minh bạch.

Tư tưởng dân tộc cũng đóng một vai trò quan trọng trong tranh chấp biển đảo ở châu Á. Tư tưởng dân tộc đã thấm sâu trong tâm trí nhiều thế hệ, và sự kích động từ chủ nghĩa dân tộc có thể làm gia tăng căng thẳng. Các hoạt động phản đối từ các lực lượng chính trị đối lập, như trong trường hợp Philíppin là ví dụ điển hình. Sự cạnh tranh trong ngư nghiệp, đặc biệt là giữa các ngư dân, cũng tạo thêm mâu thuẫn.

Tuy nhiên, trong các thách thức cũng có những cơ hội. Việc tìm kiếm cách thức hợp tác và duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực đã trở nên khả thi hơn với sự nỗ lực của các bên liên quan. Các nước trong khu vực ngày càng nhận ra rằng hợp tác là cần thiết để phát triển và duy trì trật tự. Việc tìm kiếm sự hỗ trợ từ các quốc gia khác, như sự hỗ trợ của Nhật Bản đối với các nước ven biển, cũng có thể giúp tăng cường năng lực và thế mạnh trong việc đàm phán và giải quyết tranh chấp.

Tầm nhìn và chiến lược tương lai của việc hợp tác giữa các quốc gia, đặc biệt là Việt Nam và Nhật Bản, là rất quan trọng. Hai nước đều có lợi ích trong việc duy trì hòa bình và ổn định, bảo vệ chủ quyền và lợi ích trên biển. Cần thiết để tận dụng tối đa sự ủng hộ và hợp tác từ Nhật Bản, và việc thể hiện một quan điểm rõ ràng, nhất quán trong vấn đề Biển Đông có thể tạo ra tầm nhìn chung cho cả khu vực, đóng góp vào hòa bình và phát triển của khu vực châu Á - Thái Bình Dương và cả thế giới.

Hợp tác giữa Việt Nam với Nhật Bản và hợp tác ASEAN - Nhật Bản không chỉ ảnh hưởng đến hai quốc gia mà còn đóng góp vào hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực châu Á - Thái Bình Dương và thế giới. Tổng thư ký ASEAN Kao Kim Hourn đã đánh giá cao những đóng góp của Việt Nam trong thời gian này: "Kể từ khi gia nhập ASEAN, tôi nghĩ Việt Nam luôn đóng góp tích cực và quan trọng cho ASEAN. Việt Nam không chỉ thể hiện tinh thần tích cực trong vai trò nước chủ tịch, Ban Thư ký hay đối tác đối thoại, mà còn là một thành viên ảnh hưởng tích cực trong các diễn đàn quốc tế, luôn hướng đến lợi ích của các quốc gia ASEAN"(3).

Những năm gần đây, Nhật Bản đã nâng cao vai trò của mình trong việc đặt ra các vấn đề liên quan đến tranh chấp tại Biển Đông trong các hoạt động ngoại giao và hỗ trợ tăng cường năng lực cho các quốc gia ven biển. Đối với Nhật Bản, tham gia giải quyết các mâu thuẫn ở Biển Đông không chỉ ảnh hưởng đến vùng Biển Đông mà còn tác động tới tình hình Biển Hoa Đông và thậm chí là trật tự biển toàn cầu. Nhật Bản đã hợp tác chặt chẽ với đồng minh và đối tác trong khu vực, thể hiện sự thống nhất trong hoạt động ngoại giao tại các diễn đàn quốc tế. Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng đẩy mạnh việc hỗ trợ năng lực pháp lý biển cho các nước ven biển.

Với tư cách là một quốc gia có vị trí quan trọng tại Biển Đông, Việt Nam đã nhận được sự hỗ trợ quan trọng từ Nhật Bản. Triển vọng hợp tác giữa hai quốc gia sẽ tiếp tục mở rộng, đặc biệt khi cả hai đồng tình và hiểu rõ về chính sách và nhu cầu của nhau.

Tầm nhìn và chiến lược tương lai: Chính sách Biển Đông của cả Việt Nam và Nhật Bản là rõ ràng và nhất quán. Quan điểm của Việt Nam trong vấn đề Biển Đông là duy trì hòa bình, ổn định, bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không; bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, giải quyết bất đồng bằng các biện pháp hòa bình, thông qua đối thoại, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS), tiếp tục nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế.

Nhật Bản có lợi ích, duy trì chính sách hỗ trợ năng lực chấp pháp biển cho các nước trong khu vực. Để bảo đảm lợi ích của mình tại Biển Đông, Nhật Bản gắn lợi ích với nguyên tắc “duy trì trật tự toàn cầu dựa trên luật lệ”, duy trì một khu vực “Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và mở”.

Các nước ven biển trong ASEAN, đặc biệt là các nước có xung đột liên quan như Việt Nam, được Nhật bản đặt trọng tâm hỗ trợ xây dựng năng lực chấp pháp biển nhằm giúp các nước này tăng cường khả năng chấp pháp trên biển.

Trong khu vực, sự tôn trọng luật lệ trong việc giải quyết tranh chấp ở Biển Đông cũng có ý nghĩa liên thông đối với tranh chấp ở Biển Hoa Đông giữa Nhật và Trung Quốc. Nhật Bản đã triển khai hoạt động can dự của mình đối với các tranh chấp trên Biển Đông trên các mặt như ngoại giao, pháp lý và sự hiện diện quân sự cũng như hỗ trợ năng lực cho các nước trong khu vực.

Việt Nam có nhiều lợi ích tương ứng với Nhật Bản. Do đó, việc tranh thủ tối đa sự hỗ trợ của Nhật Bản là rất cần thiết cho việc bảo vệ chủ quyền và các lợi ích trên biển của Việt Nam.

_________________

Ngày nhận bài: 26-9-2023; Ngày bình duyệt: 29 -9-2023; Ngày duyệt đăng: 03-10-2023.

(1) Bộ Ngoại giao Việt Nam, 2016.

(2) AN: Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực có hiệu lực từ ngày 01/01/2022, https://dangcongsan.vn/, ngày 9-11-2021.

(3) Những dấu ấn nổi bật của Việt Nam trong 28 năm gia nhập ASEAN, https://www.vietnamplus.vn/, ngày 28-7-2023.

Tài liệu tham khảo

1. Ban Thư ký ASEAN: “The Charter ASEAN” (Tạm dịch: Hiến chương ASEAN), https://asean.org/wp-content/uploads/images/archive/publications/ASEAN-Charter.pdf, tháng 1-2008.

2. Centre for international law: “1992 ASEAN Declaration on the South China Sea” (Tạm dịch: “Tuyên bố ASEAN về Biển Đông năm 1992”), https://cil.nus.edu.sg/wp-content/uploads/2019/02/1992-ASEAN-Declaration-on-the-South-China-Sea-1.pdf, ngày 22-7-1992.

3. Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).

4. Hà Minh Hồng: Chủ quyền Việt Nam Trên Biển Đông, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2020.

5. Kei Koga. Japan’s strategic interests in the South China Sea: beyond the horizon? Issue: 1, Volume 72, Page Numbers 16-30, Publication Date:  2017, Publication Name:  Australian Journal of International Affairs.

6. Nguyễn Hồng Thao: Biển Đông - Ba giai đoạn, bốn thách thức, hai cách tiếp cận khu vực và một niềm tin, Tạp chí Thời đại mới, số 20, tháng 11-2010.

7. Sovereignty over Pedra Branca/Pulau Batu Puteh, Middle Rocks and South Ledge (Malaysia/Singapore). International Court of Justice. https://www.icj-cij.org/case/130.

8. Sovereignty over Pulau Ligitan and Pulau Sipadan (Indonesia/Malaysia). International Court of Justice. https://www.icj-cij.org/case/102.   

9. Toàn cảnh chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Thủ tướng Phạm Minh Chính, https://vov.vn/chinh-tri/toan-canh-chuyen-tham-chinh-thuc-nhat-ban-cua-thu-tuong-pham-minh-chinh-907406.vov

10. Trần Công Trục: Tranh chấp Biển Đông: Pháp lý và thực tiễn, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022.

11. Truyền thông Nhật Bản: Xây dựng kỷ nguyên mới Nhật Bản - Việt Nam qua đầu tư tư nhân, https://vov.vn/chinh-tri/truyen-thong-nhat-ban-xay-dung-ky-nguyen-moi-nhat-ban-viet-nam-qua-dau-tu-tu-nhan-post1027878.vov

12. Việt Nam là quốc gia rất quan trọng trong ASEAN đối với Nhật Bản https://tcnn.vn/news/detail/57339/Viet-Nam-la-quoc-gia-rat-quan-trong-trong-ASEAN-doi-voi-Nhat-Ban.html.

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền