Trang chủ    Quốc tế    Nước Nga trong “kỷ nguyên Putin”: Những thành tựu và vấn đề còn tồn tại
Thứ tư, 26 Tháng 9 2018 15:26
8967 Lượt xem

Nước Nga trong “kỷ nguyên Putin”: Những thành tựu và vấn đề còn tồn tại

(LLCT) - “Kỷ nguyên Putin” khởi đầu từ ngày 31-12-1999, khi Thủ tướng V.Putin bước chân vào Điện Kremlin để điều hành đất nước đến nay. Việc đắc cử Tổng thống Liên bang Nga trong cuộc bầu cử ngày 18-3-2018 với số phiếu tín nhiệm cao nhất trong tất cả các kỳ bầu cử tổng thống Nga (76,66%) đã cho ông Putin thêm 6 năm chèo lái con tàu Nga, nghĩa là tới năm 2024, nước Nga sẽ tròn ¼ thế kỷ sống trong “kỷ nguyên Putin”. Trong 18 năm qua, nước Nga đã đạt được nhiều thành tựu, song còn nhiều vấn đề cần phải giải quyết.

1. Nước Nga 10 năm đầu sau khi độc lập: Những sai lầm và cái giá phải trả

Ngày 12-6-1990, Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết Liên bang Nga tuyên bố độc lập, tách khỏi Liên Xô. Tháng 12-1991, Liên bang Xô viết giải thể. Là quốc gia trụ cột, lớn mạnh nhất trong Liên bang Xô viết (gồm 15 nước), Nga bước ra vũ đài quốc tế với tên gọi “Liên bang Nga” và tư cách “quốc gia kế tục Liên Xô”, được hiểu là kế thừa những quyền lợi của Liên Xô trong quan hệ quốc tế (tiếp quản chiếc ghế Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc, đại sứ và đại sứ quán của Liên Xô ở nước ngoài,...) và nghĩa vụ (trả các khoản nợ nước ngoài, thực thi các hiệp định, hiệp ước quốc tế mà Liên Xô đã ký,...). Nhưng nước Nga từ đó suy giảm sức mạnh đến mức vào cuối thập niên 90 của thế kỷ XX rơi vào hàng các nước kém phát triển trên thế giới, mà nguyên nhân chủ yếu là do giới cầm quyền Nga đứng đầu là B.Eltsin đã phạm quá nhiều sai lầm cả trong đường lối, chính sách đối nội lẫn đối ngoại. Về chính trị đối nội, nước Nga thiếu một chủ thuyết phát triển quốc gia đúng đắn và một hệ thống chính trị hoàn chỉnh cho nước Nga “hậu Xô viết” vận hành, để đất nước rơi vào cảnh hỗn loạn, bất đồng sâu sắc giữa các nhánh quyền lực. Trong 10 năm cầm quyền, Tổng thống Eltsin đã thay tới 6, riêng 2 năm 1998-1999 có tới 4 lần thay đổi Thủ tướng chính phủ. Đặc biệt, bắt nguồn từ chính sách “đa nguyên đa đảng”, “dân chủ hóa”, “công khai hóa” được thực thi thời Liên Xô dưới sự lãnh đạo của Gorbachev tiến hành “cải tổ”, mà ở nước Nga có tới hàng trăm đảng phái mọc lên như “nấm sau mưa”, tranh giành quyền lực với nhau gay gắt. Chủ nghĩa ly khai, khủng bố, các loại tội phạm, các trào lưu tư tưởng dân tộc cực đoan nổi lên, cuộc nội chiến Chechnya kéo dài, đó là bức tranh chưa đầy đủ về sự chia rẽ, hỗn loạn, bất ổn và bất an của nước Nga trong suốt thập niên 90 của thế kỷ XX.

Trên lĩnh vực kinh tế, bị chi phối bởi tư tưởng nóng vội của chủ nghĩa cấp tiến, ê kíp cầm quyền của Tổng thống Eltsin đã hoạch định và thực thi cái gọi là “Chương trình kinh tế 500 ngày” và “Liệu pháp sốc”, mà nội dung cơ bản là tư nhân hóa nhanh chóng và ồ ạt tài sản quốc gia Nga, với hy vọng rằng chỉ trong một thời gian ngắn (500 ngày) là phục hưng được kinh tế Nga. Song hậu quả của các chương trình này là đã phá nát nước Nga: một mặt, nền kinh tế đất nước rơi vào suy thoái trầm trọng, luôn “đi dưới đường ngầm” (tăng trưởng GDP nhiều năm liền luôn ở số âm); mặt khác, làm xuất hiện giới chủ vô cùng giàu có và lũng đoạn đời sống chính trị Nga, biến nước Nga thành chủ nghĩa tư bản thân hữu, biến thể tồi tệ nhất của chủ nghĩa tư bản. Khi nhìn vào thực trạng nước Nga “hậu Xô viết”, một học giả phương Tây nhận xét: “Nga có xu hướng tồn tại như một chính thể đa nguyên với nền dân chủ và luật pháp yếu kém, một xã hội dân sự mới phôi thai, một nền kinh tế dựa trên khai thác nguyên liệu thô và một dân số bần cùng hóa”(1).

Về đối ngoại, cũng do bị những tư tưởng của chủ nghĩa cấp tiến chi phối, chính quyền của Tổng thống Eltsin đã phạm nhiều sai lầm, nhất là trong những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, thể hiện ở chính sách đối ngoại được gọi là “định hướng Đại Tây Dương”. Đây là một chính sách phiến diện, ngả theo Mỹ và các nước tư bản phát triển Phương Tây một cách thái quá, với ảo tưởng rằng Mỹ và thế giới phương Tây nói chung sẽ giang tay chào đón Nga “trở về với nền văn minh Bắc bán cầu..., trở lại liên minh với các cường quốc phương Tây”(2). Trong khi đó, Nga không dành đủ sự quan tâm đến việc thúc đẩy hay cài đặt lại quan hệ với các nước vốn cùng nằm trong ngôi nhà chung Liên Xô cũ cũng như các nước “bạn bè truyền thống”. Hậu quả là, dù có thể lúc đó Mỹ và các nước phát triển phương Tây không coi Nga là kẻ thù, nhưng cũng không coi Nga là đồng minh, là “bạn bè”, trái lại, Nga bị các nước này lấn át, xem thường, coi là “đối tác lép vế”, luôn đặt Nga vào “sự đã rồi”. Ngay cả khi Tổng thống B.Eltsin ngày 3-1-1993 ký với Mỹ Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược giai đoạn 2 (START-2) (trước đó, tháng 3-1991, Tổng thống Liên Xô  M.Gorbachev đã giải thể Tổ chức Hiệp ước Vácsava, ngày 31-7-1991 ký với Mỹ Hiệp ước START-1), với rất nhiều điều khoản thua thiệt cũng như nhượng bộ Mỹ trong nhiều vấn đề quốc tế liên quan trực tiếp đến lợi ích an ninh quốc gia Nga, Mỹ vẫn luôn xem nhẹ, thậm chí phớt lờ lợi ích của Nga. Mặt khác, Nga gần như mất hết bạn bè, đồng minh cũng như đối tác tin cậy. Trong một thế giới mà xu thế khu vực hóa, toàn cầu hóa đang gia tăng cả về chiều rộng lẫn bề sâu, tình trạng không có kẻ thù nhưng cũng chẳng có đồng minh và bị cô lập trên trường quốc tế là một nguy cơ lớn đối với Nga. Trong nửa sau thập niên 90, cho dù chính quyền Tổng thống Eltsin đã điều chỉnh chính sách đối ngoại từ “định hướng Đại Tây Dương” sang “định hướng  Âu - Á”, nhưng kết quả đạt được vẫn rất hạn chế.

Tóm lại, sau 10 năm độc lập, chủ yếu do những sai lầm của chính quyền Elsin, mà cả sức mạnh cứng lẫn sức mạnh mềm, sức mạnh quốc gia tổng hợp cũng như vị thế, vai trò trên trường quốc tế của nước Nga suy giảm nghiêm trọng. Đó cũng là “di sản” mà Tổng thống Eltsin để lại cho quyền Tổng thống V.Putin vào ngày 31-12-1999 - thời khắc “chuyển giao lịch sử” của nước Nga.

2. Những thành tựu, thành công của nước Nga trong “kỷ nguyên Putin”

Vực dậy nước Nga từ đống đổ nát là một nhiệm vụ quá nặng nề đối với quyền Tổng thống Putin. Nhưng có thể nói, tố chất lãnh tụ của quyền Tổng thống đã được thể hiện ngay trong ngày đầu tiên cầm quyền 1-1-2000, khi ông quyết định lên một chiếc máy bay dã chiến, bay từ thủ đô Moskva đến vùng lãnh thổ Chechnya để úy lạo, chúc mừng các tướng sĩ đang chiến đấu tại đây nhân dịp năm mới 2000 và quan trọng hơn là cùng họ hạ quyết tâm tiêu diệt tận gốc các lực lượng ly khai và khủng bố Chechnya, những kẻ vốn từ lâu đã có sự hậu thuẫn của các thế lực bên ngoài. Chỉ sau mấy tháng, cuộc chiến này đã thành công, uy tín của V.Putin lên cao, để rồi trong cuộc bầu cử tổng thống diễn ra ngày 26-3-2000, V.Putin đã giành thắng lợi trước 9 ứng viên tổng thống khác và ngày 7-5-2000 chính thức trở thành Tổng thống thứ hai của Liên bang Nga. Từ đó đến nay, nước Nga dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Putin (trong giai đoạn 8-5-2008 đến 7-5-2012 là Thủ tướng) đã gặt hái được rất nhiều thành tựu, thành công.

Về chính trị - tư tưởng: ngay từ đầu, Tổng thống V.Putin đã hạ quyết tâm  đưa nước Nga thoát khỏi cuộc suy thoái, khủng hoảng toàn diện, song vấn đề then chốt, vừa cấp bách, vừa lâu dài là phải xác định rõ ràng và đúng đắn con đường phát triển của nước Nga. Tổng thống Putin và ê kíp cầm quyền mới cho rằng, con đường phát triển duy nhất đúng cho nước Nga không phải là đoạn tuyệt với quá khứ và thực hiện chủ nghĩa tư bản mô thức phương Tây, mà Nga phải đi một con đường phù hợp với truyền thống, lịch sử, giá trị riêng có của Nga với tư cách là một cường quốc Âu - Á, và triết lý phát triển của nước Nga là: phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết thống nhất xã hội; xây dựng một nhà nước trung ương hùng mạnh, tập trung quyền lực cao; một “nền dân chủ có thể kiểm soát”; một “nền kinh tế thị trường định hướng xã hội”; nâng cao đời sống của nhân dân; bảo đảm an ninh quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ; cải thiện vị thế nước Nga trên trường quốc tế với tính cách là một cường quốc. Có thể nói, tư duy về triết lý phát triển nước Nga như vậy đã kế thừa phần nào đó từ lịch sử và truyền thống của nước Nga và của cả Liên Xô. Tổng thống Putin cũng chủ trương giữ nguyên thiết chế chính trị đa đảng, nhưng hệ thống chính trị đa đảng đó phải được điều tiết một cách chặt chẽ, hoạt động theo những nguyên tắc nhất định, nhất là phải sao cho hiệu quả hơn. Một trong những bước đi đầu tiên của Tổng thống Putin trong việc chấn chỉnh, cải cách hệ thống chính trị là đưa ra các điều kiện để hạn chế bớt số lượng đảng phái quá nhiều đang hoạt động trên chính trường Nga, và quan trọng hơn là xây dựng hệ thống chính trị đa đảng theo cách tăng cường sức mạnh, vai trò và ảnh hưởng cho các đảng lớn, trong số đó có các đảng đối lập đủ mạnh trên chính trường, có một số ghế không quá ít trong Đuma quốc gia Nga, có tính cạnh tranh cao, đồng thời nhất thiết phải có một hoặc một số đảng mạnh, “thân chính quyền” hoặc “của chính quyền”, đóng được vai trò hậu thuẫn, ủng hộ đường hướng, kế hoạch phát triển đất nước của chính quyền nói chung, của Tổng thống nói riêng. Kết quả của những cải cách chính trị là nước Nga thời Putin đã chấm dứt cục diện chính trị hỗn loạn thời Eltsin, trật tự hiến pháp và không gian pháp lý chung đã được phục hồi và củng cố. Đồng thời, Nhà nước Nga đã có những sửa đổi căn bản bộ máy quản lý, tập trung nhiều quyền lực hơn cho chính quyền trung ương, đồng thời quyền lực của các vùng, các tỉnh tự trị ở các địa phương được phân định rõ ràng, nhiều chức năng kinh tế, xã hội được chuyển giao cho các vùng và các địa phương. Chính phủ Nga cũng ngày càng mạnh tay hơn trong việc sử dụng các công cụ của Nhà nước để thiết lập trật tự, kỷ cương và chống tham nhũng,... Thành tựu nổi bật là Nga đã bảo đảm được sự ổn định chính trị, vừa ngăn không để xảy ra “cách mạng sắc màu”, vừa không bị “cách mạng sắc màu” ở một số nước SNG khác tác động tiêu cực đến đời sống chính trị của đất nước.

Về kinh tế - xã hội:Trong thập niên đầu của thế kỷ XXI, do giá dầu thế giới tăng rất cao cộng với những chính sách cải cách kinh tế hiệu quả theo mô thức kinh tế thị trường định hướng xã hội, nền kinh tế Nga nhanh chóng phục hồi một cách ngoạn mục, nhiều chỉ số kinh tế có bước tiến vượt bậc. Cho dù những năm gần đây giá dầu giảm mạnh, nhất là việc phải gánh chịu hàng loạt biện pháp trừng phạt nghiệt ngã của Mỹ và phương Tây liên quan đến vấn đề Krưm và Ukraina, kinh tế Nga gặp khá nhiều khó khăn, tốc độ tăng trưởng chậm lại, nhưng nước Nga đã chẳng những không lâm vào khủng hoảng, mà còn đạt được những thành tựu kinh tế nhất định. Có thể nêu lên một số so sánh như sau: Năm 1999, GDP theo ngang giá sức mua (PPP) của Nga là 2.059 tỷ USD, năm 2016 lên 3.745 tỷ USD, đứng thứ 6 thế giới; năm 1999, GDP/người theo PPP của Nga là 9.899 USD, năm 2017 tăng gần 3 lần, lên 27.900 USD. Năm 2000, Nga chỉ có 12 tỷ USD dự trữ ngoại hối, năm 2017 đã tăng lên 378 tỷ USD; nợ công từ 69,1% GDP giảm xuống còn 3,1% năm 2016; nợ nước ngoài từ  138 tỷ USD năm 1999 (78% GDP) xuống còn 54, 881 tỷ USD năm 2014 (8,4% GDP); lạm phát giảm từ 20,2% năm 2000 xuống 2,5% năm 2017; tỷ lệ thất nghiệp giảm từ 10,6% năm 2000 xuống 5,2% năm 2017. Một thành tựu kinh tế rất đáng tự hào là sự phát triển ngoạn mục của ngành nông nghiệp Nga. Nếu năm 2000, sản lượng ngũ cốc của Nga là 64,5 triệu tấn, thì năm 2017 tăng lên 140 triệu tấn và từ năm 2016, Nga trở thành nước xuất khẩu ngũ cốc lớn nhất thế giới, năm 2017 xuất khẩu 45 triệu tấn ngũ cốc(3). Mặc dù vẫn xếp sau ngành năng lượng, nhưng nông nghiệp Nga đã vượt qua xuất khẩu vũ khí để trở thành ngành xuất khẩu lớn thứ hai về giá trị.

Kinh tế phục hồi đã tạo điều kiện cho chính quyền của Tổng thống Putin thực hiện các chính sách xã hội tích cực như xây dựng, sửa chữa hạ tầng cơ sở, trường học, bệnh viện, tăng lương cho người lao động và lương hưu,v.v., nghĩa là làm cải thiện rõ rệt đời sống nhân dân lao động Nga. Trong 18 năm cầm quyền của Tổng thống Putin, thu nhập thực tế của dân Nga đã tăng gần 3 lần, còn tỷ lệ đói nghèo giảm một nửa. Đặc biệt, Nga đã chặn được đà suy giảm dân số kéo dài rất nhiều năm (nhất là trong thập niên 90) bằng nhiều chính sách xã hội, trong đó có các chính sách, các biện pháp khuyến khích sinh con, chẳng hạn năm 2007 ban hành sắc luật nâng mức trợ cấp nghỉ thai sản; mỗi bà mẹ sinh con thứ hai trở đi sẽ được nhận số tiền trị giá tới 10.650 USD. Tuổi thọ bình quân của người Nga đã tăng thêm gần 7 năm, năm 2017 là 72,6; chỉ số phát triển con người (HDI) tăng từ 0,691 năm 2000 lên 0,788 năm 2017 (từ vị trí 62 lên vị trí 55 của thế giới). Đặc biệt, Tổng thống Putin rất biết cách khơi dậy lòng yêu nước và niềm tự hào dân tộc vốn rất mạnh mẽ trong nhân dân Nga. Hệ quả chung là lòng tin của đông đảo người dân Nga, nhất là giới trẻ, vào chính quyền, đặc biệt là vào cá nhân Tổng thống Putin nhiều năm nay liên tục tăng rất cao.

Về quân sự - quốc phòng:công lao to lớn của Tổng thống Putin là đã khơi thông và nâng cao rõ rệt sức mạnh truyền thống, sức chiến đấu của lực lượng vũ trang Nga. Một chương trình cải cách sâu rộng và hiện đại hóa toàn diện lực lượng vũ trang đã được đưa ra và thực thi hiệu quả, biến quân đội Nga từ chỗ lạc hậu, yếu kém, bạc nhược, rệu rã thời Eltsin thành lực lượng chính quy, hiện đại, có tầm ảnh hưởng lớn trên thế giới. Với vị thế là cường quốc quân sự hùng mạnh thứ hai thế giới (sau Mỹ), Nga hiện đủ sức ngăn chặn các nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia, bảo đảm sự ổn định, thế cân bằng chiến lược và sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Các tổ hợp công nghiệp quân sự - quốc phòng Nga được phục hồi và phát triển theo cơ chế kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Nhờ đó, Nga trở thành nhà xuất khẩu vũ khí hàng đầu và có uy tín nhất thế giới (Nga xuất khẩu vũ khí tới 65 nước, đã ký Hiệp định hợp tác kỹ thuật - quân sự với 89 nước).  Trong Thông điệp Liên bang đọc ngày 1-3-2018, Tổng thống Putin đã giới thiệu các loại vũ khí mới, hiện đại, thậm chí chưa có ở bất cứ nước nào và tự hào tuyên bố: “Ở Nga đã chế tạo được những thiết bị bay không người lái, có thể bay rất xa, xuyên lục địa. Đây thực sự là điều kỳ diệu”(4).

Về đối ngoại: Điều nhận thấy rõ nhất là nước Nga dưới thời Putin đã thực sự giành lại vị thế cường quốc hàng đầu thế giới. Kinh tế phục hồi và tăng trưởng, nguồn tài nguyên thiên nhiên hùng hậu, cộng với những lợi thế truyền thống (cường quốc hạt nhân, vị trí Uỷ viên thường trực Hội đồng Bảo an, ảnh hưởng chính trị,...) đã tạo cơ sở cho Tổng thống Putin thực hiện chính sách đối ngoại của một cường quốc theo cách riêng của mình. Đó là một chính sách đối ngoại nổi tiếng thực dụng, được hiểu là biết cách sử dụng triệt để các lợi thế hiện có của nước Nga phục vụ cho các mục tiêu mang đậm tính hiện thực, đó là bảo vệ lợi ích quốc gia và nâng cao vai trò, vị thế của nước Nga trên trường quốc tế. Trên thực tế, bằng chính sách đối ngoại được hiểu theo nghĩa như trên, Nga ngày càng tỏ rõ vai trò quan trọng của mình trong các công việc quốc tế. Thông qua ngoại giao đa phương và song phương, các diễn đàn, các tổ chức quốc tế, Nga tích cực tìm giải pháp giải quyết các “hồ sơ nóng” trên thế giới và các vấn đề quốc tế quan trọng. Nga đặc biệt đề cao vai trò của Liên Hợp quốc nói chung, của Hội đồng Bảo an nói riêng trong giải quyết các vấn đề quốc tế. Nga mạnh mẽ lên án những động thái gây căng thẳng, sự ngờ vực lẫn nhau trong quan hệ quốc tế, kiên trì đấu tranh chống lại ý đồ thiết lập trật tự thế giới đơn cực do một siêu cường hoặc một nhóm nước lớn phát triển chi phối, ủng hộ việc xây dựng một trật tự thế giới đa cực, đa trung tâm, công bằng và bình đẳng hơn. Trong hoạt động thực tiễn, dấu ấn nổi bật là từ tháng 9-2015, Nga chủ động và tích cực tham gia để rồi giành thắng lợi vượt bậc trong cuộc chiến chống khủng bố tại Syri; có nhiều công lao trong việc cùng nhóm P5+1 đạt được Thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2016; gia tăng rõ rệt vai trò và tầm ảnh hưởng tại khu vực Trung Đông.

Nga cũng ngày càng mở rộng ảnh hưởng, sự hiện diện về chính trị và kinh tế ở châu Á - Thái Bình Dương, châu Phi và khu vực Mỹ Latinh. Nga còn có những động thái rất tích cực như xoá nợ cho những nước nghèo nhất (riêng năm 2006 Nga tuyên bố xóa khoản nợ hơn 550 triệu USD cho 6 nước nghèo nhất ở châu Phi). Quan hệ hợp tác giữa Nga và các đối tác lớn như Trung Quốc, Ấn Độ được nâng lên tầm cao mới về chất. Với Mỹ và các nước lớn Châu Âu, mặc dù còn đó những bất đồng, nhưng dù muốn hay không thì những nước này cũng không thể qua mặt Nga trong nhiều vấn đề quốc tế quan trọng như chống khủng bố quốc tế. Điều đáng nói nữa là trên thực tế, Nga đã đóng được vai trò quan trọng trong việc kiềm chế bớt chính sách đơn phương của Mỹ.

Tóm lại,những thành tựu mà nước Nga đạt được sau 18 năm cầm quyền của Tổng thống V.Putin là rất lớn, lớn đến mức đông đảo người dân Nga mong muốn những chính sách của Tổng thống được tiếp tục, thậm chí mới đây một số nghị sĩ Nga còn đề xuất sửa đổi Hiến pháp để Putin có thể làm tổng thống sau năm 2024. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, thành công không thể phủ nhận, nước Nga qua 18 năm cầm quyền của Tổng thống Putin vẫn đứng trước nhiều thách thức và nguy cơ, còn đó những vấn đề chưa giải quyết được cũng như những mục tiêu, những nhiệm vụ đang dang dở.

3. Những thách thức và nguy cơ đối với nước Nga

Về kinh tế, Nga chưa khắc phục được tình trạng mất cân đối của cơ cấu kinh tế, thu ngân sách còn phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu nhiên, nguyên liệu. Nhìn chung, kinh tế Nga phát triển chưa bền vững, khả năng cạnh tranh của các ngành sản xuất trong nước chưa cao, môi trường đầu tư, kinh doanh cũng chưa thuận lợi. Thêm vào đó, chính sách trừng phạt và mang tính thù địch của các nước phương Tây đối với Nga vẫn dường như không có điểm dừng, không thể không tác động tiêu cực đến kinh tế Nga. Tổng thống Putin nhấn mạnh: “Mối đe dọa và kẻ thù lớn nhất của chúng ta lúc này chính là thực tế rằng chúng ta đang tụt hậu...”(5). Nhưng khắc phục nguy cơ tụt hậu đã và đang là một bài toán hóc búa đối với nước Nga.

Về chính trị - xã hội,nước Nga vẫn đứng trước khá nhiều vấn đề nan giải. Đó là chưa đẩy lùi được nguồn gốc gây căng thẳng, bất ổn và bất an xã hội, như nạn quan liêu, tham nhũng; chủ nghĩa khủng bố, tư tưởng bài ngoại và chủ nghĩa dân tộc cực đoan tiếp tục gia tăng. Chênh lệch giàu nghèo cũng ngày càng tăng, số người nghèo vẫn còn chiếm tỷ lệ cao. An ninh xã hội và cá nhân chưa được đảm bảo vững chắc khi các phần tử khủng bố và các loại tội phạm vẫn hoạt động mạnh. Về chính trị, sự chia rẽ, nhất là sự thờ ơ về chính trị của công chúng đã làm cho đa số các chính đảng và phong trào chính trị ở Nga không có được cơ sở xã hội sâu rộng, vững chắc. Có thể nói rằng phần lớn các chính đảng ở nước Nga hiện nay không phải là những tổ chức đại diện cho lợi ích của quần chúng lao động Nga.

Trên trường quốc tế,mặc dù nước Nga thời Putin đã gia tăng ảnh hưởng và có nhiều nỗ lực giải quyết không ít vấn đề chính trị - an ninh thế giới, nhưng chưa đẩy lùi được nguy cơ bị cô lập trên trường quốc tế. Với Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) và một số nước SNG nói riêng, chính sách của Nga chưa thật hiệu quả và xem ra chưa đủ hấp dẫn để tạo động lực gắn kết chặt chẽ các nước thành viên thành một khối vững chắc. Thêm vào đó, quan hệ giữa Nga và những nước như Grudia, nhất là Ukraina có lẽ còn rất lâu mới được cải thiện, điều này đang và sẽ kéo theo nhiều hệ lụy rất bất lợi cho Nga trong quan hệ quốc tế. Ở hướng châu Âu - Đại Tây Dương, những nhân tố gây căng thẳng từ bên ngoài biên giới nước Nga vẫn không ngừng gia tăng. Nga đang trong tình trạng gần như đối đầu trong quan hệ với Mỹ và NATO, EU xung quanh những bất đồng về hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ, về vấn đề Ukraina, Grudia, Syri, hoặc về những cáo buộc của Mỹ và EU về vấn đề dân chủ, nhân quyền của Nga, v.v.. Ngoài ra, NATO không ngừng mở rộng đến sát biên giới nước Nga trong bối cảnh gia tăng sự mất lòng tin với nhau cũng đặt ra cho nước Nga những thách thức lớn về an ninh. Ở hướng châu Á - Thái Bình Dương, dù vai trò và ảnh hưởng của Nga đã tăng lên, nhưng chưa tương xứng với tầm vóc hiện có của nước Nga. Vị thế, vai trò của Nga trong các tổ chức, các diễn đàn của khu vực và liên khu vực như APEC, ARF, ASEM,... chưa nổi trội. Hơn nữa, thẳng thắn mà nói, so với Liên Xô trước đây, sức lan toả của văn hoá, hệ giá trị quốc gia, chính sách và ảnh hưởng chính trị  của quốc gia - những giá trị mà Joseph Nye Jr gọi là “soft power” (sức mạnh mềm) của Nga  hạn chế hơn rất nhiều.

Tóm lại, sau 18 năm của “kỷ nguyên Putin”‚ Liên bang Nga đã thay đổi về chất, hồi sinh mạnh mẽ, nâng cao rõ rệt sức mạnh quốc gia tổng hợp, tạo dựng được cơ sở hiện thực để từ đó có một tầm vóc mới, một vị thế, vai trò mới trên trường quốc tế với tư cách một cường quốc thế giới. Tuy nhiên, vẫn còn đó những thách thức và nguy cơ, những vấn đề nổi cộm. Cùng với đó là một thế giới luôn chứa đầy những biến động dữ dội, nên sáu năm cầm quyền sắp tới là chặng đường nhiều khó khăn của Tổng thống Putin, khi ông phải gánh vác những trọng trách nặng nề, đó là: giải quyết thấu đáo những vấn đề chính trị nội bộ, chuẩn bị lực lượng kế cận; bảo đảm an ninh; thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, nâng cao tiềm lực kinh tế; cải thiện đời sống quần chúng nhân dân, nâng cao tuổi thọ; xử lý các vấn đề đối ngoại với các nước phương Tây, củng cố và nâng cao vị thế của Nga trên trường quốc tế. Để Liên bang Nga có thể tạo lập những kỳ tích mới trên con đường phát triển đã được xác định, chỉ vài giờ sau khi nhậm chức, Tổng thống Putin đã ký ban hành Sắc lệnh mang tên“Đường lối quốc gia và mục tiêu cho sự phát triển của Liên bang Nga đến năm 2024”. Có người gọi đây là chiến lược “Nước Nga trên hết”, vì văn kiện này tập trung vào chương trình nghị sự đối nội: phát triển kinh tế - xã hội (trở thành 1 trong 5 nền kinh tế mạnh nhất thế giới, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn mức trung bình của thế giới, giữ vững sự ổn định của kinh tế vĩ mô, không để lạm phát vượt mức 4%/năm, nâng tuổi thọ trung bình lên 78 tuổi, cải thiện điều kiện nhà ở, đưa Nga thành nơi đáng sống,...), trong khi chủ trương cắt giảm ngân sách quốc phòng. Chúng ta hy vọng rằng nước Nga dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Tổng thống V.Putin  sẽ phát triển thái bình, thịnh trị, có vai trò lớn hơn trong việc thiết lập một trật tự thế giới công bằng, dân chủ cho tất cả các quốc gia dân tộc, dù lớn hay nhỏ, mạnh hay yếu, giàu hay nghèo.

________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 6-2018           

(1) Thông tấn xã Việt Nam: “Nga: Sự suy thoái theo đường xoáy ốc”, Tin tham khảo chủ nhật,15-11-1998.

(2) B.Enxin: Những ghi chép của Tổng thống,Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.300.

(3) Đất nước đã thay đổi như thế nào sau 18 năm cầm quyền của Tổng thống Putin, https://cont.ws

(4) Nước Nga sẽ ra sao thời Putin 4.0?, https://soha.vn.

(5) V.Putin - Từ tổng thống tạm quyền đến người bảo vệ nước Nga, https://vnexpress.net.

 

PGS, TS Hà Mỹ Hương

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền