Trang chủ    Quốc tế    Điểm nhấn tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 51 và các hội nghị khác liên quan
Thứ tư, 05 Tháng 9 2018 15:22
1848 Lượt xem

Điểm nhấn tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 51 và các hội nghị khác liên quan

(LLCT) - Từ ngày 1 đến ngày 4-8-2018 tại Singapore đã diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 51 và các hội nghị khác liên quan (Hội nghị). Hội nghị tập trung trao đổi về việc xây dựng Cộng đồng ASEAN; tìm kiếm các giải pháp hữu hiệu nhằm tăng cường sự đoàn kết, thống nhất và duy trì vai trò trung tâm của ASEAN, thúc đẩy quan hệ với các đối tác. Vấn đề Biển Đông trở thành một trong những chủ đề “nóng” thu hút sự quan tâm của dư luận quốc tế. Đoàn Việt Nam đã tích cực, chủ động tham gia và có những đóng góp thiết thực vào thành công chung, được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.

Dưới sự chủ trì của Singapore, nước Chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2018, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 51 và các hội nghị khác liên quan đã diễn ra từ ngày 1 đến ngày 4-8-2018 tại Singapore. Tham dự Hội nghị có Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, Tổng thư ký ASEAN Lim Jock Hoi, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và đối tác, cũng như nhiều quan chức cấp cao và phóng viên quốc tế. Sau 4 ngày làm việc, Hội nghị đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, tạo dấu ấn quan trọng và được coi là bước chuẩn bị cho Hội nghị Cấp cao ASEAN 33 và các hội nghị khác liên quan vào cuối năm. Những điểm nhấn quan trọng tại Hội nghị được thể hiện trên các nội dung sau:

1. Đoàn kết, thống nhất và phát triển nội khối là ưu tiên thúc đẩy hàng đầu

Với chủ đề xuyên suốt năm 2018 “Một ASEAN tự cường và sáng tạo”, ASEAN hướng đến việc thảo luận nhằm tìm ra các giải pháp góp phần tăng cường sự đoàn kết, thống nhất; nâng cao năng lực và chủ động tham gia vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Do đó, Hội nghị lần này đã tập trung trao đổi về các định hướng xây dựng Cộng đồng ASEAN; triển khai các Kế hoạch xây dựng Cộng đồng; cũng như tìm kiếm các giải pháp hữu hiệu nhằm góp phần tăng cường sự kết nối, đoàn kết và thịnh vượng ASEAN; đồng thời không ngừng mở rộng và tranh thủ các đối tác, đặc biệt là các đối tác lớn để hỗ trợ phát triển nội khối trong tương lai.

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 51 (AMM 51) đã diễn ra vào ngày 2-8-2018 và đạt được những kết quả quan trọng. Bộ trưởng Ngoại giao các nước thành viên ASEAN đã nhất trí nhiều vấn đề mang tính định hướng phát triển ổn định cho tầm nhìn dài hạn của ASEAN đến năm 2025; nhấn mạnh tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế, phát triển cả trong nội khối cũng như với các đối tác của mình; và thông qua Thông cáo chung vào phiên bế mạc AMM 51. Cụ thể, sau quá trình thảo luận nghiêm túc, Hội nghị đi đến thống nhất cần tiếp tục nỗ lực cho việc đảm bảo thực hiện hiệu quả Tầm nhìn ASEAN 2025 cũng các kế hoạch tổng thể xây dựng 3 trụ cột của Cộng đồng ASEAN (Cộng đồng Chính trị - An ninh, Cộng đồng Kinh tế và Cộng đồng Văn hóa -Xã hội), từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các thành viên trong nội khối (đây là một trong những “rào cản” của quá trình xây dựng Cộng đồng ASEAN), Kế hoạch tổng thể Kết nối ASEAN gắn với các Kế hoạch phát triển tiểu vùng và Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN với các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp quốc đến 2030, triển khai công tác thu hẹp khoảng cách phát triển, đổi mới và sáng tạo để tận dụng các tiến bộ của công nghệ mới từ Cách mạng công nghiệp 4.0 như phát triển kinh tế số, hình thành Mạng lưới các thành phố thông minh ASEAN, số hóa dữ liệu. Hội nghị đề cập cần tiếp tục giữ vững sự đoàn kết, thống nhất, tự lực, tự cường và nâng cao vai trò chủ đạo, khẳng định uy tín và vị thế của ASEAN trong các vấn đề liên quan đến hòa bình và an ninh khu vực; phát huy các nguyên tắc chuẩn mực chung và tăng cường các công cụ, cơ chế đối thoại và hợp tác để ứng phó, phản ứng kịp thời đối với các vấn đề nóng, thách thức nổi lên gần đây, trong đó có việc bày tỏ tình đoàn kết, hữu nghị và hỗ trợ Lào sau sự cố vỡ đập thủy điện Xepian - Xe Nam Noy vừa qua bằng các hoạt động trợ giúp cụ thể của Trung tâm Điều phối hỗ trợ nhân đạo ASEAN-AHA.

2. Quan hệ đối ngoại tiếp tục được đề cao, tăng cường và tranh thủ trong phát triển nội khối

Hội nghị đã tập trung trao đổi về việc tăng cường quan hệ với các đối tác, nhưng cần duy trì vai trò “trung tâm” của ASEAN trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực diễn biến hết sức phức tạp hiện nay. Cụ thể là bàn thảo và đề ra các biện pháp nhằm tăng cường quan hệ cùng có lợi với các đối tác, tìm giải pháp để ứng phó kịp thời trước các vấn đề nổi lên tại khu vực, nghiên cứu để góp phần đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động của các diễn đàn, hội nghị do ASEAN “dẫn dắt” như Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Cấp Cao Đông Á (EAS)...

Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 51 (AMM 51), các nhà lãnh đạo đã ghi nhận hợp tác giữa ASEAN và các đối tác tiếp tục có những bước phát triển tích cực, đồng thời nhất trí cần nâng tầm mối quan hệ phát triển sâu rộng hơn nữa trong thời gian tới. Cùng với đó, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN + 3 đã bàn về sự cần thiết cùng hợp tác đối phó với chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch (xu hướng này ngày càng bộ lộ rõ nét); nhất trí sớm hoàn tất Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), đảm bảo về thời gian và theo đúng cam kết đề ra; tái khẳng định vai trò của ASEAN + 3 trong thúc đẩy hòa bình, ổn định, an ninh khu vực; ghi nhận những kết quả đạt được trong triển khai Kế hoạch Công tác ASEAN + 3 (2018 - 2022) và các khuyến nghị Nhóm Tầm nhìn Đông Á (EAVG); nhấn mạnh sự ủng hộ và thể hiện rõ quyết tâm trong thúc đẩy hệ thống thương mại đa phương, cũng như sớm kết thúc đàm phán để đi đến việc ký kết RCEP thời gian tới, tiếp tục triển khai Sáng kiến Chiềng Mai (CMIM), cũng như thúc đẩy các cơ chế hợp tác tài chính đa phương khác; bày tỏ sự hài lòng về những chuyển biến tích cực, tín hiệu tốt trong vấn đề Triều Tiên thời gian gần đây, nhất là sau Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên vào ngày 12-6-2018 tại Singapore.

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Cấp cao Đông Á (EAS FMM) tiếp tục khẳng định Cấp cao Đông Á (EAS) là hội nghị trao đổi về các vấn đề chính trị và kinh tế mang tầm chiến lược, với mục tiêu chính là góp phần thúc đẩy hòa bình, ổn định, an ninh và thịnh vượng ở khu vực. EAS FMM lần này đã bày tỏ sự đồng tình ủng hộ việc thông qua Kế hoạch Hành động Manila; nhất trí tăng cường hợp tác hiệu quả, đặc biệt là trong các lĩnh vực về môi trường, năng lượng, giáo dục, tài chính, y tế, quản lý thảm họa, thiên tai, kết nối kinh tế, an ninh lương thực, hàng hải…

Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) lần này khẳng định ARF luôn đóng vai trò là một trong những diễn đàn quan trọng để đối thoại, bàn thảo nhằm tìm ra các giải pháp tăng cường hợp tác trên lĩnh vực chính trị, an ninh, xây dựng lòng tin và thực hiện ngoại giao phòng ngừa ở khu vực. ARF đã kiểm điểm lại hoạt động của mình trong năm qua, ghi nhận các hoạt động đã được triển khai, trong đó có các hội thảo, khóa đào tạo, huấn luyện về công tác phòng, chống khủng bố và biện pháp đấu tranh với các loại tội phạm xuyên quốc gia, hoạt động cứu trợ thảm họa, đảm bảo môi trường an ninh biển, chống phổ biến vũ khí hạt nhân, giải trừ quân bị, đối phó với các thách thức liên quan đến vấn đề an ninh mạng; nhất trí tiếp tục thực hiện các biện pháp xây dựng lòng tin cùng với việc thực hiện ngoại giao phòng ngừa, triển khai hiệu quả Kế hoạch Hành động Hà Nội thực hiện Tầm nhìn ARF 2020; thông qua Tuyên bố ARF về hợp tác cứu trợ thảm họa; danh mục các hoạt động của ARF (2018 - 2019) và Kế hoạch Công tác ARF về an ninh biển và về cứu trợ thảm họa (2018 - 2020) …

3. Vấn đề Biển Đông là một trong những chủ đề “nóng” và luôn thu hút được sự quan tâm của dư luận quốc tế

Cùng với những vấn đề nóng khác (vấn đề hạt nhân Triều Tiên, vấn đề cạnh tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc, vấn đề chống khủng bố, vấn đề tội phạm xuyên quốc gia…), vấn đề Biển Đông luôn được các diễn đàn, hội nghị quan tâm trao đổi, trong đó nhấn mạnh đến việc tìm kiếm các giải pháp nhằm nâng cao năng lực của chính bản thân ASEAN trong ứng phó với các thách thức nổi lên; cũng như đẩy mạnh tiến trình xây dựng, hoàn thiện và yêu cầu các bên cần tuân thủ nghiêm túc các quy tắc, chuẩn mực ứng xử đã đề ra ở khu vực, cũng như tôn trọng luật pháp quốc tế.

Đáng lưu ý, Hội nghị đã nhấn mạnh tầm quan trọng của trật tự quốc tế; bày tỏ quan ngại về những vấn đề nóng, thách thức nổi lên như khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, an ninh, an toàn hàng hải, an ninh mạng, thảm họa, thiên tai; tái khẳng định tầm quan trọng trong duy trì môi trường hòa bình, an ninh, tự do hàng hải, hàng không tại Biển Đông; giải quyết các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế và Công ước về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982); không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực; không cải tạo và quân sự hóa ở Biển Đông; thực thi đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (DOC), đồng thời đẩy mạnh đàm phán để sớm đi đến thống nhất và ký kết Bộ Quy tắc ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (COC).

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Singapore nêu rõ, ASEAN và Trung Quốc đã đạt được sự thống nhất về một dự thảo đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (COC). Đây là tín hiệu tích cực cho quá trình đàm phán hướng đến việc thống nhất và ký kết COC trong thời gian tới dù biết rằng vẫn còn không ít những “chông gai” phía trước.

Giới phân tích đánh giá Singapore đã chủ trì tổ chức thành công Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 51 và các hội nghị khác liên quan với kết quả cuối cùng là ra bản Thông cáo chung. Tuy nhiên, ASEAN vẫn còn rất nhiều việc phải làm, đặc biệt trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực được dự báo sẽ tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp và khó lường.

Một số học giả cho rằng, việc hướng tới thực hiện Tầm nhìn về “Một ASEAN tự cường và sáng tạo” là cần thiết bởi ASEAN đang đứng trước các thách thức nổi lên, đặc biệt là các vấn đề về an ninh phi truyền thống. Nguyên tắc “đồng thuận” của ASEAN sẽ là “rào cản” trong nhiều vấn đề, nhất là vấn đề Biển Đông. Chính vì thế, ASEAN cần tập trung xây dựng một cộng đồng kết nối, đoàn kết và thống nhất, đồng thời tăng cường và tận dụng tối đa tiềm lực trong quan hệ với các đối tác lớn của mình thời gian tới. 

4. Việt Nam có những đóng góp thiết thực vào thành công chung của Hội nghị

Việt Nam tiếp tục thể hiện là thành viên “tích cực, chủ động và có trách nhiệm”. Trong Hội nghị lần này, Đoàn Việt Nam do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu tham dự và có những đóng góp hiệu quả. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Binh Minh đã phát biểu hoan nghênh các nỗ lực hợp tác ASEAN + 3 về kết nối số, thương mại điện tử, đô thị hóa thông minh nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, ứng phó với thảm họa, thiên tai và dịch bệnh; khẳng định Việt Nam tiếp tục tham gia tích cực vào các hoạt động để đóng góp cho hòa bình, ổn định và hợp tác ở khu vực; cho rằng ASEAN cần tập trung và phát huy mọi nguồn lực để triển khai đầy đủ Kế hoạch Hành động Manila; ủng hộ Cấp cao Đông Á (EAS) 13 ra Tuyên bố về hợp tác ứng phó với các vấn đề quốc tế nổi lên; đề nghị ARF cần tiếp tục thực hiện hiệu quả Kế hoạch Hành động Hà Nội, tiếp tục có những đổi mới để linh hoạt thích ứng trong tình hình mới; thông báo các sáng kiến của Việt Nam đăng cai Hội thảo ARF lần 2 về “Tăng cường hợp tác giữa các lực lượng thực thi pháp luật trên biển” và Hội thảo ARF về “Vận dụng Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển 1982 và các công cụ pháp lý quốc tế nhằm ứng phó với các thách thức trên biển”.

Bên cạnh đó, Đoàn Việt Nam còn chủ động tham gia vào các hoạt động chung khác; tích cực nêu lên sáng kiến nhằm nâng cao đoàn kết, kết nối, đẩy mạnh hợp tác trong nội khối, tăng cường quan hệ giữa ASEAN với các đối tác; tham gia thảo luận hiệu quả trên tinh thần xây dựng và vì lợi ích chung trong tìm kiếm các giải pháp nhằm góp phần đem lại hòa bình, ổn định và thịnh vượng khu vực. Một số đề xuất của Việt Nam đã được ASEAN tiếp thu và hiện thực hóa vào các văn bản của diễn đàn, hội nghị. Những đóng góp thiết thực  của Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.

Tài liệu tham khảo:

1. Bùi Quốc Khánh:“Cạnh tranh chiến lược giữa Trung Quốc và Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương”, Tạp chí Cộng sản, số 909 (7-2018).

2. Lê Thị Hải Yến:“Chính trị quốc tế đương đại: Xu thế và vấn đề”, Tạp chí Cộng sản, số 909 (7-2018).

3.Http://baoquocte.vn/hoi-nghi-amm-51-cac-nuoc-dong-a-tang-cuong-hop-tac-trong-linh-vuc-hang-hai-75503.html

4.Http://www.nhandan.com.vn/thegioi/asean/item/37178602-hoi-nghi-cac-quan-chuc-cao-cap-asean-som-asean.html

5.Http://www.tapchicongsan.org.vn/Home/Doi-ngoai-va-hoi-nhap/2018/51778/Hoi-nghi-AMM-51-Tang-cuong-hop-tac-trong-va-ngoai-khoi.aspx

6.Https://vtv.vn/trong-nuoc/viet-nam-tham-du-hoi-nghi-amm-51-tren-tinh-than-chu-dong-20180805223640684.htm.

7.Https://www.straitstimes.com/opinion/a-south-china-sea-code-of-conduct-has-become-a-holy-grail

8.Http://www.thejakartapost.com/news/2018/08/02/asean-foreign-ministers-meeting-kicks-off-amid-rising-protectionism.html

ThPhạm Thanh Bằng

Bộ Ngoại giao

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền