Trang chủ    Quốc tế    Thực hiện pháp luật về sử dụng ngân sách nhà nước ở Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào hiện nay
Thứ ba, 30 Tháng 10 2018 08:36
1520 Lượt xem

Thực hiện pháp luật về sử dụng ngân sách nhà nước ở Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào hiện nay

(LLCT) - Trong những năm qua, việc thực hiện pháp luật về NSNN ở CHDCND Lào  có nhiều đổi mới, tiến bộ. Tuy vậy, do chủ thể thực hiện đa dạng, phân cấp chưa rõ; phương thức thực hiện chưa xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức sử dụng NSNN, chưa đi sâu đánh giá và có giải pháp bảo đảm hiệu quả sử dụng NSNN v.v.. nên thực hiện pháp luật về sử dụng NSNN vẫn còn bất cập, hạn chế. Để bảo đảm thực hiện pháp luật về sử dụng NSNN cần có sự nhận thức thống nhất về vai trò, hiệu quả sử dụng NSNN trong hệ thống chính trị, hoàn thiện pháp luật về sử dụng NSNN, nâng cao ý thức, phẩm chất và nhận thức của cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị, bảo đảm ứng dụng công nghệ hiện đại, kinh phí, trang thiết bị trong quản lý sử dụng NSNN, cũng như tuyên truyền, giáo dục pháp luật về NSNN; sơ kết, tổng kết báo cáo thường xuyên về sử dụng NSNN, đẩy mạnh các hoạt động giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, xử lý vi phạm trong thực hiện pháp luật về sử dụng NSNN.

Thực hiện pháp luật về sử dụng ngân sách nhà nước là hoạt động của các chủ thể có thẩm quyền sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN) thực hiện quy định của pháp luật về dự toán chi, phân bổ, cấp phát, quyết toán và kiểm tra, thanh tra, kiểm toán việc sử dụng ngân sách nhà nước bảo đảm việc sử dụng NSNN tiết kiệm, công bằng, minh bạch và có hiệu quả.

1. Các quy định của pháp luật về sử dụng ngân sách nhà nước

Thực hiện pháp luật về sử dụng NSNN có những đặc điểm nổi bật về chủ thể, phương thức thực hiện cũng như hiệu quả thực hiện pháp luật về sử dụng ngân sách nhà nước.

a. Quy định về chủ thể thực hiện pháp luật về sử dụng ngân sách nhà nước

Thực hiện pháp luật về sử dụng NSNN là hoạt động tiến hành bởi hai nhóm chủ thể: nhóm chủ thể đại diện cho nhà nước thực hiện việc quản lý, cấp phát, thanh toán, kiểm soát các khoản chi NSNN - nhóm chủ thể quản lý sử dụng NSNN - và nhóm chủ thể sử dụng NSNN.

Nhóm chủ thể quản lý sử dụng NSNNbao gồm các cơ quan đại diện cho nhà nước thực thi quyền hạn có liên quan đến việc xuất quỹ NSNN cho các mục tiêu đã được phê duyệt. Nhóm chủ thể này bao gồm Bộ Tài chính, sở tài chính - vật giá tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, phòng tài chính quận, huyện, thị xã thuộc tỉnh, thành phố (sau này gọi là cơ quan Tài chính), sở kế hoạch và đầu tư, kho bạc nhà nước.

Đặc điểm pháp lý của nhóm chủ thể này là pháp luật quy định cho các cơ quan này những quyền hạn nhất định trong việc kiểm soát, thanh toán ngân sách. Chẳng hạn, cơ quan tài chính có quyền kiểm tra việc thực hiện chi tiêu, có quyền tạm dừng các khoản chi vượt nguồn cho phép hoặc sai chính sách, chế độ, tiêu chuẩn, có quyền yêu cầu điều chỉnh dự toán nhiệm vụ chi của các đơn vị sử dụng ngân sách để bảo đảm thực hiện ngân sách đúng mục tiêu, tiến độ quy định. Kho bạc nhà nước các cấp trong quá trình kiểm soát, thanh toán có quyền từ chối thanh toán đối với các khoản chi ngân sách không đủ điều kiện chi theo quy định, hoặc tạm dừng thanh toán theo yêu cầu của cơ quan tài chính, kiểm tra, giám sát việc sử dụng tài khoản chi tiền gửi của các đơn vị sử dụng NSNN.

Về nghĩa vụ pháp lý của nhóm chủ thể này, pháp luật quy định những nhiệm vụ cụ thể bảo đảm thực thi quyền thẩm định, cấp phát NSNN. Cụ thể, cơ quan tài chính có nhiệm vụ bảo đảm, bố trí nguồn để đáp ứng các yêu cầu chi, trong đó có việc huy động các nguồn vay tạm thời để bảo đảm nguồn chi theo quy định của pháp luật, kiểm tra giám sát việc thực hiện chi tiêu và sử dụng NSNN ở các đơn vị sử dụng ngân sách, phát hiện và xử lý kịp thời các khoản chi vượt nguồn, chi sai chế độ. Kho bạc nhà nước có trách nhiệm thực hiện việc kiểm soát chi theo đúng quy định của luật NSNN; bảo đảm các khoản chi được kiểm soát chặt chẽ, đủ điều kiện chi; bảo đảm thanh toán, chi trả NSNN một cách kịp thời. Trong một số trường hợp, pháp luật quy định cho cơ quan kiểm soát chi được quyền tạm cấp kinh phí cho đơn vị sử dụng NSNN khi khoản chi chưa có dự toán được giao, đặc biệt là những khoản chi liên quan đến chính sách an sinh xã hội (lương hưu, trợ cấp người có công, v.v..) để bảo đảm thanh toán kịp thời cho các đối tượng hưởng thụ.

Nhóm chủ thể sử dụng ngân sách nhà nước rất đa dạng. Ngoài các cơ quan, đơn vị, tổ chức thường xuyên được nhà nước cấp kinh phí hoạt động, kinh phí sự nghiệp, còn có những đơn vị không có quan hệ ngân sách thường xuyên nhưng được nhà nước hỗ trợ kinh phí hoặc thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể do Nhà nước giao như doanh nghiệp, hiệp hội, v.v..

Nhóm chủ thể sử dụng NSNNđược pháp luật xác định gồm những chủ thể cơ bản sau:

+ Các cơ quan nhà nước, các đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị - xã hội (gọi chung là các đơn vị dự toán) được Nhà nước cấp kinh phí hoạt động.

+ Các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội được NSNN hỗ trợ kinh phí hoạt động thường xuyên.

+ Các đơn vị sự nghiệp kinh tế, giáo dục, y tế, v.v.. bao gồm ba loại hình: đơn vị tự bảo đảm toàn bộ kinh phí hoạt động; đơn vị tự bảo đảm một phần kinh phí hoạt động; đơn vị được Nhà nước cấp toàn bộ kinh phí hoạt động. Tùy từng loại hình đơn vị sự nghiệp mà pháp luật quy định mức độ tự chủ đối với các khoản chi thường xuyên của NSNN là khác nhau.

+ Các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế, các tổ chức tài chính của Nhà nước được ngân sách hỗ trợ kinh tế.

Pháp luật về sử dụng ngân sách nhà nước quy định nghĩa vụ của các đơn vị sử dụng ngân sách cụ thể như: Chấp hành đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức và chi tiêu trong phạm vi dự toán được cấp có thẩm quyền giao; quản lý, sử dụng ngân sách đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả; cung cấp hoặc giải trình cho cơ quan kiểm soát chi về hồ sơ, chứng từ chi tiêu NSNN theo quy định; thực hiện thu hồi giảm chi NSNN hoặc thu hồi nộp NSNN đối với những khoản chi vi phạm quy định về chi NSNN theo quy định của cơ quan có thẩm quyền. Về quyền của các nhóm chủ thể này, Luật Ngân sách nhà nước không quy định cụ thể mà chỉ ghi nhận có tính chất chung: Thủ trưởng các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước quản lý, sử dụng NSNN theo đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức trong phạm vi dự toán được giao.

Việc phân loại các nhóm chủ thể quản lý, sử dụng nguồn ngân sách có ý nghĩa xác định địa vị pháp lý của từng loại đơn vị trong quá trình thực hiện pháp luật về sử dụng NSNN. Theo đó, các đơn vị sử dụng ngân sách phải có trách nhiệm chấp hành các quy định về điều kiện chi ngân sách, quy định về trình tự thủ tục chi; chấp hành các quy định về hóa đơn, chứng từ chi tiêu ngân sách.

b. Quy định về phương thức thực hiện pháp luật về sử dụng ngân sách nhà nước

Phương thức thực hiện pháp luật về sử dụng NSNN là cách thức, biện pháp được sử dụng trong quá trình thực hiện pháp luật về sử dụng NSNN. Trong quá trình thực hiện pháp luật về sử dụng NSNN phải tuân theo phương thức sau đây:

Thứ nhất, việc sử dụng ngân sách phải tuân theo một quy trình cụ thể, rõ ràng, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm soát một cách chính xác nhất các khoản chi tiêu. Mặt khác, việc điều chỉnh bằng pháp luật đối với hoạt động kiểm soát chi ngân sách cũng góp phần bảo đảm tính minh bạch, tạo điều kiện cho các đơn vị sử dụng ngân sách nắm rõ được quy trình kiểm soát chi mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ tiến hành để họ chuẩn bị đầy đủ các điều kiện hỗ trợ trong quá trình thực hiện sử dụng NSNN, từ khâu lập dự toán, cấp phát ngân sách, thực hiện chi đến khâu cung cấp thông tin, báo cáo, quyết toán chi NSNN.

Thứ hai, ngân sách Trung ương và ngân sách mỗi cấp chính quyền địa phương được phân định nguồn thu và nhiệm vụ chi cụ thể, bảo đảm cho ngân sách Trung ương giữ vai trò chủ đạo, ngân sách địa phương thực hiện nhiệm vụ được giao, tăng cường nguồn lực cho ngân sách xã hội. Theo đó, việc phân định rõ ràng ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương cần quán triệt chủ trương: nguồn thu của ngân sách Trung ương phải bảo đảm thực hiện những nhiệm vụ chiến lược quan trọng của quốc gia, nguồn thu của ngân sách địa phương phải xác định sao cho địa phương chủ động thực hiện những nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội trong phạm vi quản lý của địa phương mình. Việc phân định nguồn thu này thể hiện được vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương và tính tự chủ, sáng tạo của ngân sách địa phương. Tính chủ động của ngân sách địa phương thể hiện ở việc phân định nguồn thu cụ thể địa phương có kế hoạch thu chi phù hợp với địa phương mình; đồng thời, phát huy hết tiềm năng nguồn thu đặc thù tại địa bàn.

Thứ ba, nhiệm vụ chi ngân sách cấp nào thì do ngân sách cấp đó bảo đảm thực hiện. Mỗi cấp phải tự đảm đương nhiệm vụ sử dụng ngân sách của mình. Tuy nhiên, trong trường hợp khó khăn về thu ngân sách thì ngân sách trung ương có thể hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật, tạo mối liên hệ chặt chẽ giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương. Quan hệ giữa ngân sách cấp trên với cấp dưới thể hiện qua việc phân chia một số khoản thu và điều tiết, bổ sung kinh phí. Mục đích cuối cùng là để bảo đảm công bằng, phát triển cân đối giữa các vùng, các địa phương, có những khoản thu được phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương. Ủy ban Thường vụ Quốc hội là cơ quan có thẩm quyền quyết định bổ sung ngân sách cấp trên cho ngân sách cấp dưới, để hỗ trợ các địa phương thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội trên địa bàn theo phương thức bổ sung cân đối thu chi và bổ sung có mục tiêu.

Hiện nay ở CHDCND Lào, cùng với sự phát triển không ngừng của các hoạt động kinh tế - xã hội, hoạt động sử dụng NSNN cũng ngày càng đa dạng, phức tạp hơn. Điều này đòi hỏi Nhà nước cần có những phương thức thích hợp bảo đảm thực hiện có hiệu quả pháp luật về sử dụng NSNN. Chẳng hạn, pháp luật về sử dụng NSNN phải xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong sử dụng NSNN bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm, chống lãng phí, thất thoát. Phải có tiêu chí cụ thể đánh giá thế nào là sử dụng NSNN hiệu quả, tiết kiệm, thế nào là lãng phí, thất thoát. Thực tế pháp luật về sử dụng NSNN ở CHDCND Lào chưa cụ thể hóa được những tiêu chí này nên rất khó đánh giá(1).

c. Quy định về bảo đảm hiệu quả trong thực hiện pháp luật về sử dụng ngân sách nhà nước

Sử dụng NSNN đúng pháp luật nhưng không gắn với hiệu quả sử dụng ngân sách thì không thể nói là thực hiện tốt pháp luật về sử dụng ngân sách. Điều này xuất phát từ thực tế, nhiều khi các đơn vị hưởng thụ kinh phí NSNN thường có tư tưởng tìm mọi cách sử dụng hết số kinh phí được cấp để khỏi phải trả lại nhà nước, bất luận việc chi tiêu đó có cần thiết và hiệu quả hay không. Các đơn vị này không quan tâm đến việc chấp hành đúng mục đích, đối tượng, dự toán được duyệt, kết quả công việc, mà chỉ quan tâm hoàn thiện hồ sơ đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức, để chứng minh tính hợp pháp, hợp lý của các khoản chi, v.v..

Trong điều kiện mở cửa, hội nhập với nền tài chính khu vực và thế giới, hệ thống pháp luật về NSNN của quốc gia và thực hiện pháp luật về sử dụng NSNN cần phải được hoàn thiện cho phù hợp với các cam kết hội nhập; đồng thời, bảo đảm kỷ cương quản lý tài chính nhà nước và sử dụng vốn nhà nước đúng mục đích, mang lại hiệu quả cao. Để đạt được yêu cầu này, Nhà nước cần phải có một cơ chế thực hiện kiểm tra, kiểm soát các khoản chi của NSNN. Do tính đặc thù của sử dụng NSNN mang tính chất “không hoàn trả trực tiếp” nên người sử dụng kinh phí nhà nước cấp, thường có xu hướng sử dụng thiếu cân nhắc, không tính toán đến tính hiệu quả của nguồn vốn đầu tư. Bên cạnh đó, về phía Nhà nước, cái mà Nhà nước đòi hỏi người sử dụng ngân sách “hoàn trả” cho Nhà nước chính là “kết quả công việc” đã được Nhà nước giao cho. Vì vậy, để bảo đảm rằng việc trả tiền của Nhà nước tương xứng với cái mà nhà nước được nhận, tức là “kết quả công việc” do các đơn vị thụ hưởng thực hiện thì Nhà nước phải thể chế hóa bằng các quy định cụ thể của pháp luật và phải theo dõi, kiểm tra, đánh giá thường xuyên trong quá trình thực hiện mới bảo đảm hiệu quả của việc sử dụng NSNN.

Hiệu quả thực hiện pháp luật về sử dụng NSNN luôn luôn gắn với hiệu quả sử dụng NSNN. Tuy vậy, trong thực tế ở CHDCND Lào không phải cơ quan, tổ chức sử dụng NSNN nào cũng nhận thức như vậy. Thông thường đơn vị sử dụng NSNN nộp hồ sơ, cố gò theo các quy định của pháp luật về sử dụng NSNN, còn hiệu quả như thế nào chưa được quan tâm đầy đủ. Hoạt động kiểm tra, thanh tra, kiểm toán cũng chủ yếu xem xét có đúng quy định của pháp luật không, dễ bỏ qua việc đánh giá hiệu quả thực hiện pháp luật sử dụng NSNN. Chính vì vậy, ở CHDCND Lào hiện nay cần quan tâm đầy đủ hơn đến yêu cầu bảo đảm hiệu quả thực hiện pháp luật về sử dụng NSNN(2).

2. Bảo đảm thực hiện pháp luật về sử dụng ngân sách nhà nước

Pháp luật về sử dụng NSNN được ban hành, tuy nhiên để bảo đảm thực hiện các quy định của pháp luật về sử dụng NSNN, về mặt lý luận, cần có những điều kiện sau đây(3):

Một là, điều kiện về chính trị

Điều kiện về chính trị bảo đảm thực hiện pháp luật về sử dụng NSNN trước hết là đường lối, chính sách, quan điểm của Đảng cầm quyền về xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN, bảo đảm nhà nước tổ chức, hoạt động theo pháp luật và quản lý xã hội bằng pháp luật, bảo đảm tính thượng tôn pháp luật trong đời sống nhà nước và xã hội. Gắn với yêu cầu này là quan điểm, chủ trương của Đảng về thực hiện pháp luật, tăng cường pháp chế XHCN trong tổ chức hoạt động của bộ máy nhà nước cũng như quản lý các lĩnh vực đời sống xã hội. Trong điều kiện Đảng cầm quyền lãnh đạo nhà nước và xã hội, đường lối, quan điểm của Đảng về xây dựng chế độ dân chủ, xây dựng nhà nước pháp quyền, xây dựng và thực hiện pháp luật, tăng cường pháp chế XHCN là bảo đảm về chính trị cho việc thực hiện pháp luật trên các lĩnh vực nói chung và trong thực hiện pháp luật về NSNN nói riêng. Mặt khác, đường lối, chủ trương, tư tưởng, quan điểm của Đảng về thực hiện pháp luật được quán triệt, vận dụng trong toàn bộ hệ thống chính trị, nhất là trong bộ máy nhà nước bảo đảm cho việc thực hiện pháp luật nói chung và thực hiện pháp luật về sử dụng NSNN nói riêng. Nhận thức của cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị, trong bộ máy nhà nước đối với các yêu cầu trong thực hiện pháp luật về sử dụng NSNN bảo đảm cho pháp luật về sử dụng NSNN được thực hiện trong thực tế.

Hai là, điều kiện về pháp lý

Bảo đảm thực hiện pháp luật về sử dụng NSNN trước hết đòi hỏi pháp luật về sử dụng NSNN phải là hệ thống hoàn chỉnh, đồng bộ, chất lượng cao, ổn định tương đối. Yêu cầu hoàn chỉnh, đồng bộ của các quy định về sử dụng NSNN đòi hỏi phải đầy đủ các quy định liên quan đến sử dụng NSNN, bao gồm các dự toán chi; quy trình, thủ tục thẩm định phê duyệt dự toán chi; quy định về phân bổ, cấp phép NSNN; về kế toán, kiểm toán, quyết toán NSNN; về thanh tra, kiểm tra việc sử dụng NSNN. Ngoài ra còn các yêu cầu sử dụng NSNN tiết kiệm, chống lãng phí, thất thoát; sử dụng có hiệu quả NSNN v.v.. Hơn nữa, yêu cầu này còn đòi hỏi trong các quy định về sử dụng NSNN không chồng chéo, mâu thuẫn gây khó khăn trong quá trình thực hiện.

Yêu cầu chất lượng cao của pháp luật về sử dụng NSNN đòi hỏi các quy định về sử dụng NSNN phải cụ thể, rõ ràng, chặt chẽ. Chẳng hạn các quy trình, thủ tục thẩm định, phê duyệt và dự toán chi phải quy định rõ cấp nào có thẩm quyền phê duyệt, thời hạn phê duyệt, các nội dung cần có trong dự toán v.v.. Yêu cầu sử dụng NSNN tiết kiệm, chống lãng phí phải có các tiêu chí cụ thể để có thể đánh giá việc sử dụng có tiết kiệm không? Có lãng phí không? Yêu cầu sử dụng NSNN có hiệu quả cũng cần có những tiêu chí cụ thể mới có căn cứ để đánh giá.

Yêu cầu ổn định tương đối của pháp luật về sử dụng NSNN đòi hỏi các quy định của pháp luật về sử dụng NSNN phải ổn định trong thời hạn đủ lớn để thực hiện đồng bộ, thống nhất trên phạm vi toàn quốc. Đành rằng đời sống kinh tế - xã hội luôn luôn phát triển, pháp luật luôn luôn phải điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội nhưng nếu cứ điều chỉnh liên tục trong một thời hạn quá ngắn, không ổn định cũng sẽ gây nhiều khó khăn cho việc thực hiện pháp luật về sử dụng NSNN.

Điều kiện về pháp lý trong thực hiện pháp luật về sử dụng NSNN còn đòi hỏi phải có hướng dẫn cụ thể đối với từng hoạt động trong sử dụng NSNN bởi vì pháp luật về sử dụng NSNN không thể bao quát hết các tình huống, các sự kiện, các công việc phát sinh trong thực tế. Trong những trường hợp này các chủ thể sử dụng NSNN không thể tùy tiện vận dụng. Để có cơ sở thực hiện phải có các văn bản hướng dẫn cụ thể mới bảo đảm thực hiện pháp luật về sử dụng NSNN đồng bộ, thống nhất trong thực tiễn.

Ba là, điều kiện về năng lực, phẩm chất và nhận thức của cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị

Chủ thể sử dụng NSNN là các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong hệ thống chính trị, vì thế việc sử dụng NSNN như thế nào phụ thuộc vào năng lực, phẩm chất và nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, đảng viên làm việc trong các cơ quan, tổ chức của hệ thống chính trị về NSNN và sử dụng NSNN.

Đội ngũ cán bộ, công chức, đảng viên làm việc trong hệ thống chính trị có năng lực chuyên môn tốt sẽ nắm vững được quy định của pháp luật về sử dụng NSNN đối với từng hoạt động đòi hỏi có chuyên môn, nghiệp vụ; việc hoạch định, xây dựng dự án chi ngân sách sẽ phù hợp hơn với yêu cầu của pháp luật, với thực tế, góp phần sử dụng NSNN hiệu quả hơn. Hơn nữa, nếu có năng lực thì việc thẩm định, phê duyệt, kiểm tra, thanh toán, kiểm toán, kế toán, quyết toán việc sử dụng NSNN cũng chính xác hơn, đầy đủ hơn, không phải làm đi làm lại nhiều lần, bảo đảm độ tin cậy cao trong các hoạt động này.

Phẩm chất chính trị, đạo đức của đội ngũ cán bộ, công chức, đảng viên trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị có sử dụng NSNN cũng là điều kiện cơ bản bảo đảm cho các quy định của pháp luật về sử dụng ngân sách nhà nước được thực hiện tốt. Phẩm chất chính trị, đạo đức của đội ngũ cán bộ, công chức, đảng viên bảo đảm cho các quy định của pháp luật về sử dụng NSNN được thực hiện đúng đắn, chính xác, phòng, chống được các hành vi gian dối, kê khai khống để trục lợi hoặc rút ruột ngân sách, tham ô tài sản của nhà nước và nhân dân, sử dụng ngân sách tùy tiện, lãng phí v.v.. Phẩm chất chính trị, đạo đức của đội ngũ cán bộ, công chức, đảng viên trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng NSNN không những bảo đảm cho họ thực hiện đúng quy định của pháp luật về sử dụng NSNN mà còn bảo đảm cho họ có dũng khí, bản lĩnh đấu tranh với những hành vi sai trái trong sử dụng NSNN.

Về nhận thức, do tác động của cơ chế tập trung bao cấp, đến nay cán bộ, công chức ở CHDCND Lào vẫn còn nhận thức cho rằng mọi việc đều do NSNN chu cấp, có NSNN bảo đảm. Nếp nghĩ bao cấp đó dẫn đến tình trạng miễn là hồ sơ cấp phát, thanh quyết toán đủ các mục theo quy định là được, không tính đến hiệu quả sử dụng NSNN, không đắn đo, cân nhắc tiết kiệm từng đồng NSNN. Phải làm chuyển biến nhận thức của cán bộ, công chức, đảng viên trong sử dụng NSNN, xác định đây là tài sản của nhân dân, do nhân dân đóng góp, phải biết quý trọng, sử dụng có hiệu quả từng đồng NSNN, phải biết xót xa, căm phẫn với những hành vi tham nhũng, lãng phí NSNN. Tạo nên chuyển biến trong nhận thức như vậy mới bảo đảm thực hiện pháp luật về sử dụng NSNN.

Trong thực tế, ở các bộ, ngành, địa phương, còn không ít cán bộ hạn chế về điều này. Do đó cần nhiều nỗ lực trong đào tạo, bồi dưỡng cả về chuyên môn, đạo đức và ý thức chính trị cho cán bộ để thực hiện tốt Luật Ngân sách nhà nước.

Bốn là, điều kiện về kinh tế

Điều kiện về kinh tế trong thực hiện pháp luật về sử dụng NSNN là cơ sở vật chất, trang thiết bị, kinh phí phục vụ cho các hoạt động sử dụng NSNN, đó là các hoạt động dự toán chi, thẩm định, xét duyệt, dự toán chi NSNN, phân bổ NSNN; kế toán, kiểm toán, quyết toán NSNN; quản lý, kiểm tra, thanh tra việc sử dụng NSNN. Những hoạt động này đòi hỏi Nhà nước phải trang bị cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, kinh phí đủ bảo đảm cho các hoạt động này nhanh chóng, chính xác, đúng quy định của pháp luật.

Thực tế ở CHDCND Lào những năm qua cho thấy, có lúc, có nơi các hoạt động này còn làm thủ công, các dữ liệu không đáng tin cậy, số liệu còn vênh nhau v.v.. mà nguyên nhân một phần là do trang thiết bị còn thiếu, chưa kết nối gắn các cơ quan chức năng với nhau, kinh phí phục vụ các hoạt động này còn hạn hẹp, không tránh khỏi ảnh hưởng đến chất lượng của việc thực hiện quy định của pháp luật về sử dụng NSNN.

Năm là, điều kiện về tổ chức thực hiện pháp luật về sử dụng ngân sách nhà nước

Trước hết, tổ chức thực hiện pháp luật về sử dụng NSNN đòi hỏi phải tiến hành các hoạt động phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật về sử dụng NSNN cho các chủ thể sử dụng NSNN. Thực tế cho thấy, không phải ai cũng nắm vững các quy định của pháp luật về sử dụng NSNN trong điều kiện các quy định này lại thường xuyên có những điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung. Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về sử dụng NSNN không chỉ bảo đảm cho các chủ thể nắm vững pháp luật để thực hiện đúng các yêu cầu của pháp luật trên lĩnh vực này mà còn giáo dục ý thức thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, sử dụng có hiệu quả NSNN, coi NSNN là tài sản của đất nước, của nhân dân, phải giữ gìn, bảo vệ, không được trục lợi, không được coi là “tiền chùa”, tùy tiện trong sử dụng.

Tổ chức thực hiện pháp luật về sử dụng NSNN đòi hỏi các chủ thể sử dụng NSNN phải thường xuyên báo cáo về tình hình thực hiện NSNN để cơ quan có thẩm quyền kịp thời chấn chỉnh hoạt động này bảo đảm cho việc sử dụng NSNN đúng quy định của pháp luật, tiết kiệm, chống thất thoát, lãng phí.

Tổ chức thực hiện pháp luật còn đòi hỏi các chủ thể thực hiện pháp luật về sử dụng NSNN phải định kỳ sơ kết, tổng kết việc thực hiện pháp luật trên lĩnh vực này, qua đó rút ra những ưu điểm, hạn chế và nguyên nhân, xác định các bài học kinh nghiệm để kịp thời điều chỉnh, sửa đổi hoạt động thực hiện pháp luật về sử dụng NSNN.

Trong tổ chức thực hiện pháp luật về sử dụng NSNN ở CHDCND Lào hiện nay, vấn đề bức xúc đặt ra là các hoạt động giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, xử lý vi phạm trong thực hiện pháp luật về sử dụng NSNN chưa được quan tâm đúng mức, có lúc có nơi còn biểu hiện hời hợt, nể nang, “dĩ hòa vi quý”, thiếu nghiêm minh. Để đảm bảo thực hiện pháp luật về sử dụng NSNN ở CHDCND Lào hiện nay cần phải quan tâm đẩy mạnh bảo đảm hiệu lực, hiệu quả các hoạt động giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, xử lý các vi phạm trong thực hiện pháp luật về sử dụng NSNN. Thực hiện tốt các hoạt động này là yêu cầu cấp bách hiện nay, bảo đảm kỷ cương trong thực hiện pháp luật về sử dụng NSNN.

_____________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 7-2018

Tài liệu tham khảo:

1. Xem: Luật Ngân sách nhà nước, Nxb Quốc gia, Viêng Chăn, 2006.

2. WB Lao PDR Office: Lao PDR Economic Moniton, May 2011, Update, p.i.

3. SAYO Lao Magazine:30th year of Lao, VientaneJanuary, No.16, 2016.

 

Phokham Sayasone

Nghiên cứu sinh Lào

tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền