Trang chủ    Quốc tế    Chiến lược ngoại giao kinh tế của Nhật Bản với ASEAN trong hai thập niên đầu thế kỷ XXI
Thứ tư, 26 Tháng 9 2018 15:38
7340 Lượt xem

Chiến lược ngoại giao kinh tế của Nhật Bản với ASEAN trong hai thập niên đầu thế kỷ XXI

(LLCT) - Chính sách ngoại giao kinh tế của Nhật Bản đối với ASEAN thế kỷ XXI được xây dựng nhằm hướng đến ba mục tiêu cụ thể: vực dậy nền kinh tế Nhật Bản, khắc phục tình trạng thiếu hụt tài nguyên thiên nhiên, bảo đảm Nhật Bản không bị gạt ra bên lề cuộc chơi hội nhập kinh tế trong khu vực. Chính sách này đã được triển khai toàn diện cả trên lĩnh vực đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI và viện trợ phát triển chính thức ODA. Kết quả tích cực từ chiến lược ngoại giao kinh tế với ASEAN của Nhật Bản là do cường quốc này rất coi trọng vai trò “hạt nhân” trung tâm trong các cơ chế hợp tác và cấu trúc khu vực của ASEAN.

Nhật Bản là một trong số ít các cường quốc thành công với chính sách ngoại giao kinh tế khôn khéo và hiệu quả. Từ “kẻ bại trận” sau chiến tranh thế giới thứ II, chỉ trong một thời gian ngắn, chưa đầy 20 năm, Nhật Bản đã vượt Đức, trở thành siêu cường tài chính số 1 với trữ lượng vàng và ngoại tệ gấp 3 lần Mỹ, trở thành cường quốc về kinh tế và khoa học - công nghệ, một trong ba trung tâm kinh tế tài chính lớn nhất thế giới. Góp phần không nhỏ vào “sự phát triển thần kỳ Nhật Bản” là chính sách ngoại giao kinh tế, ngoại giao ODA, rất nổi tiếng trong tổng thể chiến lược đối ngoại của quốc gia này. Đối tượng mà ngoại giao kinh tế Nhật Bản hướng tới là các quốc gia đang phát triển, các quốc gia vừa và nhỏ trong khu vực, có nhu cầu lớn về vốn, kinh nghiệm và thành tựu khoa học. ASEAN là một trong những mục tiêu đó thông qua Luận thuyết “Quay trở lại châu Á”, mà hạt nhân là chiến lược “ngoại giao kinh tế”, vốn đã được tượng hình từ rất sớm trong lịch sử chính trường Nhật Bản. Chính sách ngoại giao kinh tế của Nhật Bản đối với ASEAN trong hai thập niên đầu thế kỷ XXI là minh chứng cụ thể.

“Ngoại giao kinh tế” được mô tả là sự hình thành và thúc đẩy các chính sách liên quan đến sản xuất, di chuyển, trao đổi hàng hóa, dịch vụ, lao động và đầu tư với các nước/các khu vực khác. Ngoại giao kinh tế có thể hoạt động theo hai cấp độ (song phương và đa phương). Nói cách khác, “ngoại giao kinh tế” là ngoại giao bảo vệ và thúc đẩy lợi ích kinh tế quốc gia, là phương tiện để cạnh tranh và hợp tác trong quan hệ quốc tế. Ngay từ sau chiến tranh thế giới thứ II, Chính phủ Nhật Bản đã có kế hoạch xây dựng chiến lược ngoại giao kinh tế. Thủ tướng Shigeru Yoshida (1946-1947, 1948-1954) - vị Thủ tướng đầu tiên của Nhật Bản sau chiến tranh, ủng hộ phát triển yếu tố kinh tế trong hoạt động ngoại giao, gây ảnh hưởng với các quốc gia khu vực qua bồi thường thiệt hại chiến tranh; dựa vào quan hệ thương mại và viện trợ ODA đối với từng quốc gia thành viên ASEAN để phát triển mối quan hệ với toàn khu vực. Kế thừa quan điểm này, hướng ưu tiên triển khai chính sách ASEAN của Nhật Bản thế kỷ XXI vẫn dựa trên cơ sở thúc đẩy ngoại giao kinh tế, kết hợp cùng ngoại giao văn hóa, tạo thế và lực cho ngoại giao chính trị, khẳng định vị thế và uy tín Nhật Bản trên trường quốc tế.

1. Mục tiêu chính sách ngoại giao kinh tế của Nhật Bản đối với ASEAN

Ngoài mục tiêu hàng đầu nhằm nâng cao vị thế chính trị tương xứng với tiềm năng kinh tế, chính sách ngoại giao kinh tế của Nhật Bản đối với ASEAN còn hướng đến những mục tiêu cụ thể sau:

Thứ nhất, vực dậy nền kinh tế Nhật Bản đang trong giai đoạn khủng hoảng kéo dài.Cuộc khủng hoảng tài chính châu Á (1997-1998), tiếp theo là cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu khởi nguồn từ nước Mỹ cuối năm 2008 đến nay tác động lên nền kinh tế Nhật Bản: sự suy giảm tốc độ tăng trưởng GDP, tình trạng phá sản của các công ty và nạn thất nghiệp gia tăng nhanh chóng... Tăng trưởng sản lượng chậm, chi tiêu công gia tăng, một phần do dân số già, đã đẩy tổng nợ công của Nhật Bản lên tới hơn 200% GDP, gia tăng lo ngại về tính bền vững tài chính, làm giảm tiềm năng tăng trưởng kinh tế. Kinh tế Nhật tụt xuống vị trí thứ 3 trên thế giới, sau Mỹ và Trung Quốc vào tháng 8-2010. Thêm vào đó, tháng 3-2011, trận động đất cường độ mạnh 9,0 độ Richter, kéo theo là thảm họa sóng thần cao 13m, cũng gây ảnh hưởng không nhỏ lên kinh tế Nhật Bản - vốn đang phải vật lộn với việc giải quyết các tàn dư của cuộc suy thoái. Chính phủ Nhật Bản đã cắt giảm khoảng 20% ODA để dành tiền tái thiết đất nước. Theo đó, Viện trợ phát triển chính thức (ODA) của Nhật cho các quốc gia khác giảm khoảng 570 tỷ Yên (gần 7 tỷ USD) trong năm 2011(1).

Ngược lại với Nhật Bản, cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật đã làm thay đổi cơ bản các nền kinh tế lạc hậu và phụ thuộc của nhiều nước thành viên ASEAN, từ chỗ lệ thuộc vào phương Tây chuyển sang tự nghiên cứu và phát triển các kỹ thuật công nghệ thích ứng. Sự mở rộng cơ hội thương mại và đầu tư tại các nước có nền kinh tế mới chuyển đổi của ASEAN (như Việt Nam, Campuchia...) đã và đang tạo ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Nhật Bản. Các nền kinh tế này sẽ giúp Nhật Bản đổi mới công nghệ, gia tăng xuất khẩu sản phẩm có hàm lượng chất xám cao bằng cách chuyển một bộ phận nhà máy có công nghệ vừa phải ra nước ngoài và đóng vai trò là nhà cung cấp linh kiện, dây chuyền sản xuất hiện đại cho việc lắp ráp, sản xuất hàng xuất khẩu tại nước đó. Đây sẽ là thị trường hấp dẫn cho các nhà xuất khẩu Nhật Bản với hơn 600 triệu dân, trong khi chi phí lao động ở khu vực này thấp hơn so với Trung Quốc và đang khát khao thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài để cải thiện cơ sở hạ tầng vốn yếu kém. Đây là cơ hội lớn để Nhật Bản thực hiện mục tiêu ngăn chặn tình trạng suy thoái kéo dài gần hai thập kỷ của nền kinh tế thứ ba thế giới.

Thứ hai,khắc phục tình trạng thiếu hụt tài nguyên thiên nhiên trong sản xuất kinh doanh của Nhật Bản. Nhật Bản từ xưa vốn được biết đến là quốc gia nghèo tài nguyên thiên nhiên. Các khoáng sản phục vụ cho sự phát triển quốc gia, như: quặng sắt, đồng đỏ, kẽm, chì, bạc và các tài nguyên năng lượng quan trọng như dầu mỏ và than đá đều phải nhập khẩu. Hơn nữa, là một quốc đảo nằm trên “Vành đai lửa Thái Bình Dương”, lãnh thổ Nhật Bản nằm trên đường đứt gãy của các tầng kiến tạo địa chất, do đó Nhật Bản thường xuyên hứng chịu những trận động đất và hoạt động phun trào của núi lửa. Sớm nhận thức được những khó khăn, Nhật Bản luôn có xu hướng tìm kiếm và hợp tác với các quốc gia có tiềm năng về nguồn dự trữ tài nguyên, nhiên liệu phong phú, đặc biệt là dầu mỏ. Không chỉ có nguồn tài nguyên rừng, tài nguyên khoáng sản trên đất liền rất phong phú, các vùng biển đi qua lãnh thổ các nước thành viên ASEAN như Biển Đông còn sở hữu lượng thủy hải sản và dầu khí lớn so với thế giới. Hầu hết các quốc gia ASEAN đều là những nước khai thác và sản xuất dầu khí từ biển, như: Việt Nam, Malaysia, Indonesia, Brunei, Thái Lan... trong đó Indonesia là thành viên của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa - OPEC. Ngoài ra, theo các chuyên gia, khu vực biển Hoàng Sa và Trường Sa còn chứa đựng một lượng tài nguyên mới, đó là khí đốt đóng băng, hay còn gọi là “băng cháy”. Do vậy, ASEAN trở thành một ưu tiên trọng tâm trong chiến lược hợp tác bổ sung thiếu hụt về tài nguyên cho nền kinh tế Nhật Bản.

Thứ ba, bảo đảm Nhật Bản không bị gạt ra bên lề cuộc chơi hội nhập kinh tế trong khu vực. Bước sang thế kỷ XXI, châu Á - Thái Bình Dương (CA-TBD) được coi là “trung tâm tăng trưởng mới” của thế giới. Đây là nơi chứng kiến quá trình hội nhập kinh tế diễn ra sôi động với nhiều hoạt động thương mại và đầu tư mạnh mẽ giữa các nước trong và ngoài khu vực. Trong đó, ASEAN hiện đang được xem là một tổ chức khu vực có mức độ hội nhập kinh tế cao nhất giữa các nước đang phát triển, đã chính thức trở thành Cộng đồng ASEAN vào tháng 12-2015. Lấy ASEAN làm “trung tâm”, nhiều khung thỏa thuận mới cũng đã được hình thành dựa trên nền tảng của ASEAN+, như: ASEAN+1, ASEAN+3, ASEAN+6, CEPEA (Đối tác kinh tế toàn diện Đông Á), RCEP (Hiệp định đối tác Kinh tế toàn diện khu vực), đặc biệt là Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương - CPTPP. Với việc tạo ra một trong những khối tự do thương mại lớn nhất thế giới trải dài trên cả châu Á, châu Mỹ và châu Đại Dương với thị trường lên tới 463 triệu dân, GDP khoảng 10 nghìn tỷ USD, chiếm 1/7 tỷ lệ thương mại toàn cầu, có thể thấy CPTPP có một quy mô không hề nhỏ. Trước bối cảnh Trung Quốc đẩy mạnh hơn nữa các nghị trình mà họ ưu tiên, như: RCEP, FTAAP (Khu vực Thương mại tự do CA-TBD), AIIB (Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á) và Sáng kiến Một vành đai, Một con đường (OBOR), Nhật Bản đã rất khôn khéo khi biết tận dụng vị trí tiên phong trong việc dẫn dắt CPTPP sau khi Mỹ rời khỏi. Hiện nay, Nhật Bản là cường quốc kinh tế duy nhất tại CA-TBD tham gia cùng lúc khuôn khổ của cả hai Hiệp định kinh tế lớn là RCEP và CPTPP. Với việc cùng lúc tham gia đàm phán nhiều hiệp định thương mại quan trọng khác như FTA Nhật-EU, FTA 3 bên Trung-Nhật-Hàn (CJK-FTA), Nhật Bản hy vọng có thể đảm nhận sứ mệnh trở thành “cầu nối” giữa các khu vực kinh tế lớn của thế giới như Đông Nam Á, châu Âu, CA-TBD và Mỹ. Trong một thế giới đang chứng kiến sự hồi sinh của chủ nghĩa bảo hộ thì những Hiệp định như CPTPP hay RCEP thực sự có ý nghĩa quan trọng. Muốn phát triển và khắc phục tình trạng suy thoái kéo dài quá lâu của nền kinh tế, Nhật Bản cần tham gia tích cực nhất vào các cơ chế hợp tác đa phương đầy năng động và hiệu quả này.

2. Thực tế triển khai chính sách ngoại giao kinh tế của Nhật Bản với ASEAN

Với những mục tiêu cụ thể trên, chính sách ngoại giao kinh tế của Nhật Bản đã được triển khai với ASEAN dưới nhiều hình thức và đạt được những kết quả khả quan. Trong vòng 10 năm qua, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Nhật Bản vào ASEAN đã tăng gấp 10 lần và kim ngạch thương mại hai chiều ASEAN-Nhật Bản tăng 2,4 lần.Nếu như năm 2009, Nhật Bản chiếm khoảng 10,5% thương mại và 13,4% trong đầu tư của ASEAN(2), thì đến năm 2011, Nhật Bản đã là đối tác thương mại lớn thứ hai của ASEAN, với khối lượng thương mại trị giá 273,34 tỷ USD, trong khi đầu tư FDI từ Nhật Bản đạt 15,25 tỷ USD cùng năm(3). Riêng trong năm 2013 kỷ niệm 40 năm quan hệ ASEAN - Nhật Bản, Nhật Bản đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ ba của ASEAN, sau Trung Quốc và EU, với kim ngạch thương mại hai chiều lên tới gần 241 tỷ USD, chiếm 9,6% tổng thương mại ASEAN. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ Nhật Bản vào ASEAN đạt gần 23 tỷ USD, trở thành nguồn vốn FDI lớn thứ hai vào ASEAN, và chiếm 18,7% tổng mức FDI vào ASEAN cùng năm(4). Năm 2014, Nhật Bản vẫn là đối tác thương mại lớn thứ 3 của ASEAN và là nhà đầu tư trực tiếp FDI lớn nhất của ASEAN; thương mại hai chiều đạt 229,1 triệu USD, chiếm 9,1% tổng thương mại của ASEAN; FDI đạt 13,4 tỷ USD, chiếm 9,8% tổng dòng vốn FDI vào ASEAN. Năm 2015, thương mại hai chiều ASEAN - Nhật Bản đạt 239,4 tỷ USD, chiếm 10,5% tổng thương mại của ASEAN, FDI đạt 17,4 tỷ USD chiếm 14,5% tổng vốn FDI của ASEAN(5). Với tổng số hàng hóa thương mại đạt 201,9 tỷ USD, FDI lên đến 11,5 tỷ USD, trong năm 2016, Nhật Bản trở thành đối tác thương mại lớn thứ 4 và nguồn cung cấp FDI lớn thứ hai của ASEAN(6).

Kết quả đó do những đóng góp, hỗ trợ cả về kinh phí và vật lực của Chính phủ Nhật Bản đối với sự phát triển của ASEAN dưới dạng các gói tài trợ lớn. Trong Hội nghị Cấp cao ASEAN - Nhật Bản lần thứ 9 tại Kuala Lumpur, Malaysia, tháng 12 - 2005, Thủ tướng Koizumi đã cam kết cung cấp viện trợ tài chính mới với số tiền 7,5 tỷ Yên (tương đương 70 triệu USD) trong mục tiêu hỗ trợ hội nhập ASEAN thông qua Quỹ ADF (Asian Development Fund) và các quỹ hợp tác ASEAN - Nhật Bản. Đặc biệt, tháng 3 - 2006, Quỹ Hội nhập Nhật Bản - ASEAN (Japan - ASEAN Intergration Fund, JAIF) được thành lập. JAIF có nhiều đóng góp cho quan hệ hợp tác ASEAN - Nhật Bản thông qua những khoản hỗ trợ về kinh tế cũng như những dự án đầu tư cụ thể trên nhiều lĩnh vực nhằm bảo đảm việc thực hiện các hoạt động hợp tác giữa hai bên. Hội nghị cấp cao ASEAN - Nhật Bản lần thứ 10 diễn ra tại Cebu, Philippines, tháng 1-2007, Chính phủ Nhật Bản trợ cấp 52 triệu USD giúp thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN thông qua việc thúc đẩy quan hệ đối tác kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản. Bên cạnh “Tuyên bố 5 Nguyên tắc” khẳng định tầm quan trọng của mối quan hệ với ASEAN, ngày 14-12-2013, tại Hội nghị Cấp cao Kỷ niệm 40 năm quan hệ Đối thoại ASEAN - Nhật Bản (1973-2013) tổ chức tại Tokyo, Thủ tướng Shinzo Abe nhấn mạnh: “Cùng với ASEAN, tôi muốn xây dựng tương lai của châu Á, nơi luật pháp, chứ không phải quyền lực, quy tắc và những con người làm việc chăm chỉ sẽ được tặng thưởng, điều này sẽ tạo ra một xã hội thịnh vượng với sự tôn trọng lẫn nhau”(7). Cụ thể hóa tuyên bố trên, Thủ tướng Nhật Bản cam kết cung cấp 2 nghìn tỷ Yên (tương đương 20 tỷ USD) cho các dự án kết nối và thu hẹp khoảng cách ở ASEAN trong thời gian 5 năm; gia hạn và cấp thêm 100 triệu USD cho Quỹ Liên kết ASEAN - Nhật Bản; cấp 300 tỷ Yên cho hợp tác và hỗ trợ ASEAN nâng cao năng lực quản lý và ứng phó với thiên tai(8); tăng cường hợp tác kinh tế - thương mại và đầu tư hướng tới mục tiêu tăng gấp đôi các dòng thương mại và đầu tư hai bên vào năm 2022; sớm hoàn tất và ký kết các hiệp định thương mại, dịch vụ và đầu tư, tiến tới hình thành Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN - Nhật Bản toàn diện.

Cùng chung mục đích của ngoại giao kinh tế, “Hiến chương ODA” tiếp cận những khía cạnh mang tính hòa bình và nhân văn hơn, giúp Nhật Bản có được những lợi ích và sức mạnh mềm gây ảnh hưởng sâu rộng. Thông điệp của Thủ tướng Koizumi gửi tới Hội nghị Bộ trưởng về Sáng kiến Phát triển ở Đông Á (IDEA) ngày 12-8-2002, tại Tokyo, có đoạn: “ODA đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo ra cơ sở cho sự phát triển kinh tế. Nhật Bản đã tích cực cung cấp ODA cho các nước Đông Á, đặc biệt là các nước ASEAN. Chúng ta có thể khiêm tốn tự hào rằng Nhật Bản đã đóng góp đáng kể vào sự ổn định và thịnh vượng ở Đông Á”(9). Chia sẻ quan điểm trên của Thủ tướng Koizumi, “Tuyên bố Tokyo về quan hệ đối tác ASEAN - Nhật Bản năng động và bền vững trong thiên niên kỷ mới”, được ký tại Hội nghị cấp cao kỷ niệm 30 năm quan hệ ASEAN-Nhật Bản (tháng 12-2003), một lần nữa ghi nhận giá trị của ODA Nhật Bản: “Chúng tôi đánh giá cao những đóng góp quan trọng của Nhật Bản để phát triển kinh tế và thịnh vượng của các nước ASEAN trong ba thập kỷ qua, trong hỗ trợ phát triển chính thức đặc biệt của Nhật Bản (ODA) cho ASEAN”(10). “Ngoại giao ODA” đã được phát triển ở Nhật Bản từ năm 1954. Mỗi năm, ngân sách của Nhật Bản dành cho “ngoại giao ODA” khoảng hơn 10 tỷ USD và luôn là nước viện trợ ODA song phương lớn nhất tại khoảng 47 nước trong tổng số 150 nước được nhận viện trợ. Nhật Bản thi hành chính sách viện trợ ODA đối với ASEAN không kèm theo nhiều điều kiện khắt khe. Về cơ bản, viện trợ ODA dựa trên những nguyên tắc như: nguyên tắc không sử dụng sai mục đích viện trợ, không viện trợ cho quân sự, chống tham nhũng... Bên cạnh đó, ODA của Nhật Bản không đặt ra các điều khoản đi kèm mang tính chất áp đặt về mặt chính trị, do đó tạo nên tâm lý dễ tiếp nhận đối với các đối tác nhận viện trợ. Điều này tạo ra nhiều cơ hội để gia tăng các hoạt động viện trợ, đồng thời góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế trên cả hai khía cạnh song phương và đa phương giữa Nhật Bản và các quốc gia ASEAN.

Chính sách ngoại giao ODA càng biểu hiện rõ nét hơn trong nhiệm kỳ tiếp theo của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Ngoại trưởng Fumio Kishida đã gọi “ngoại giao ODA” là một trong những công cụ phát triển kinh tế hàng đầu của Nhật Bản: “Chúng tôi sẽ sử dụng ODA một cách chiến lược và hiệu quả”(11). Chính phủ đã phối hợp rất chặt chẽ với các khu vực kinh tế tư nhân, nhằm tối đa hóa hiệu quả hỗ trợ phát triển nước ngoài của Nhật Bản. Đánh dấu lễ kỷ niệm 60 năm bắt đầu viện trợ chính thức (ODA) của Nhật Bản, trong bài phát biểu với nhan đề “Chiến lược phát triển ODA: Tương lai của thế giới và tương lai của Nhật Bản” ngày 28-3-2014, Ngoại trưởng Kishida nhấn mạnh về tầm nhìn ODA trong tương lai, “như một công cụ quan trọng nhất cho ngành ngoại giao Nhật Bản”, đồng thời giới thiệu những tính năng cơ bản của ODA Nhật Bản: (1) Tính năng hỗ trợ cho các nỗ lực tự lực, là một khái niệm tạo thành nền tảng cho sự trợ giúp của Nhật Bản; (2) Tính năng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững; (3) Tính năng đảm bảo an ninh con người, hợp tác để mọi người có thể sống trong phẩm giá, thực hiện mong muốn và không sợ hãi(12). Bài phát biểu nhấn mạnh đến những kết quả đáng kể của ODA Nhật Bản trong 30 năm qua, tỷ lệ người sống dưới 1 USD/ngày đã giảm từ 52% xuống còn 20% trên toàn thế giới, tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh cũng giảm hơn 45%(13). “Tất nhiên, những kết quả này cũng thể hiện những nỗ lực của các nước đang phát triển. Song, tôi cảm thấy tự hào rằng ODA Nhật Bản đóng góp đáng kể cho những kết quả này”(14). Có thể nói, Nhật Bản đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định và thịnh vượng của thế giới theo chính sách “Đóng góp tiên phong vào hòa bình” dựa trên nguyên tắc hợp tác quốc tế thông qua hợp tác phi quân sự bằng phương tiện ODA.

Kết hợp với chính sách kinh tế Abenomics, “ngoại giao ODA” được sử dụng như một bước đi quan trọng giúp các công ty Nhật Bản giành lợi thế trong những bản hợp đồng, giao dịch ở nước ngoài. Trong năm 2013, các công ty Nhật đã thu được khoảng 9 nghìn tỷ Yên lợi nhuận (tương đương khoảng 88,2 tỷ USD), tăng gấp ba lần so với năm 2012. Về bản chất, mục tiêu chiến lược ngoại giao kinh tế - ngoại giao ODA là mở rộng thị trường, sử dụng nguồn tài nguyên của các nước khác, duy trì chế độ thương mại và thanh toán có lợi cho các công ty của mình, đồng thời tạo ra những lợi thế  cạnh tranh với các đối thủ. Trong số 5 nước ASEAN thuộc tiểu vùng sông Mêkông, trừ Thái Lan, bốn nước: Campuchia, Lào, Việt Nam, Myanma còn đang ở trình độ kinh tế thấp kém. Việc Nhật Bản viện trợ phát triển cho các nước này đã thể hiện vai trò của một nước lớn có trách nhiệm, có khả năng về vốn, công nghệ, kỹ thuật, một đối tác đáng tin cậy trong khu vực. Sách xanh ngoại giaocủa Nhật Bản năm 2013 xác định: “Sự phát triển kinh tế của khu vực Tiểu vùng sông Mêkông (bao gồm 5 quốc gia: Campuchia, Lào, Myanma, Thái Lan, Việt Nam) sẽ góp phần thu hẹp khoảng cách giàu nghèo trong khu vực ASEAN, đóng góp vào sự ổn định và phát triển của toàn ASEAN và cả khu vực Đông Á. Nhật Bản đã sớm nhận thức được rằng, đây là một khu vực trọng yếu trong hợp tác kinh tế...”(15). Các nền kinh tế này sẽ giúp Nhật Bản đổi mới công nghệ, gia tăng xuất khẩu sản phẩm có hàm lượng chất xám cao bằng cách chuyển một bộ phận nhà máy có công nghệ vừa phải ra nước ngoài và đóng vai trò là nhà cung cấp linh kiện, dây chuyền sản xuất hiện đại cho việc lắp ráp, sản xuất hàng xuất khẩu tại nước đó. Khi thực hiện viện trợ ODA để giúp các nước Tiểu vùng Mêkông hoàn thiện kết cấu hạ tầng, xây dựng luật pháp đồng bộ, hải quan thông thoáng, Nhật Bản cũng được hưởng lợi từ việc đầu tư kinh doanh và xuất khẩu, và xa hơn nữa, thông qua các nước này, tạo được một mũi liên thông đến Ấn Độ ở Tây Á.

Viện trợ ODA của Nhật Bản cho Tiểu vùng Mêkông được định hình từ thập niên 1990, nhưng đến năm 2000 Nhật Bản mới xây dựng “Kế hoạch viện trợ cho từng quốc gia riêng biệt” nằm trong Kế hoạch mạng lưới ODA mới đầu thế kỷ XXI. Trong đó, kế hoạch viện trợ cho Việt Nam được xác lập tháng 6-2000, sửa đổi vào tháng 9-2004 và sửa đổi lần thứ hai vào tháng 7-2009; kế hoạch viện trợ cho Campuchia xác lập tháng 1-2002, với Lào là tháng 7-2006(16). Năm 2016, Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ ODA cho Việt Nam trị giá 11 tỷ Yên (bao gồm viện trợ không hoàn lại và ODA vốn vay), nâng số ODA Nhật Bản dành cho Việt Nam lên 2.800 tỷ Yên, là nhà tài trợ ODA song phương lớn nhất Việt Nam(17). Cùng với đó, Nhật Bản cũng nhấn mạnh sẽ ưu tiên thực hiện viện trợ ODA theo 2 hướng: Viện trợ đối với hợp tác Nam - Nam và viện trợ xuyên biên giới. Từ năm 2011-2015, tổng nguồn vốn ODA của Nhật Bản giành cho Campuchia là hơn 84 tỷ Yên(18). Nguồn vốn ODA của Nhật Bản chủ yếu tập trung vào các dự án phát triển hạ tầng giao thông, điện nước, y tế, giáo dục, cải thiện nguồn lực và rà phá bom mìn. Tháng 12-2016, Nhật đã ký hợp đồng viện trợ không hoàn lại hơn 330 nghìn USD (tương đương 33 triệu Yên) để triển khai bốn dự án về y tế, thuỷ lợi, nông nghiệp và xây dựng lại một số tỉnh của Campuchia. Cũng trong giai đoạn 2011-2015, tổng nguồn vốn ODA của Nhật Bản lần lượt dành cho Myanmar là 74 tỷ Yên(19); Lào là 74,5 tỷ Yên(20) và Thái Lan hơn 252 tỷ Yên(21). Trên thực tế, khu vực Mêkông là một trong những thị trường giàu tiềm năng để Nhật Bản, thông qua ODA, xuất khẩu công nghệ xây dựng cơ sở hạ tầng và điện hạt nhân, đem lại sức sống mới cho các công ty sau một thời gian dài nền kinh tế nước này rơi vào khủng hoảng. Trong bối cảnh gia tăng cạnh tranh, kết hợp với xu thế liên kết khu vực, nhất là sự trỗi dậy của Trung Quốc như “một công xưởng thế giới”, thì sự bổ sung giữa nền kinh tế Nhật Bản với các nền kinh tế trên có ý nghĩa quan trọng trong tổng thể chiến lược phát triển kinh tế mới của “đất nước mặt trời mọc”.

________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 6-2018           

(1) Ministry of Foreigns Affairs of Japan, Japan’s Official Development Assistance White Paper 2011: Japan’s International Cooperation, http://www.mofa.go.jp

(2) ASEAN, Chairman’s Statement of the 13th ASEAN-Japan Summit, HaNoi, 29 October 2010 http://asean.org

(3) ASEAN, Chairman’s Statement of the 15th ASEAN-JAPAN Summit, “ASEAN: One Community, One Destiny”, Phnom Penh, Cambodia, 19 November 2012, http://www.asean.org

(4) ASEAN, Chairman’s Statement of the 17th Summit, 12 November 2014, Nay Pyi Taw, Myanmar, http://www.asean.org

(5) ASEAN, Chairman’s Statement of the 19th ASEAN-Japan Summit, “Turning Vision into Reality for a Dynamic ASEAN Community”, 7 September 2016, Vientiane, Lao, http://asean.org

(6) ASEAN, Chairman’s Statement of the 20th ASEAN-Japan Summit, “Partnering for Change, Engaging the World”, 13 November 2017, Manila, Philippines, http://asean.org

(7), (8) ASEAN, Joint Statement of the 16th ASEAN-Japan Commemorative Summit, “Hand in handm facing regional and global challenges”, Tokyo, Japan, December 2013, http://www.asean.org

(9) Ministry of Foreigns Affairs of Japan (2002), Message from Prime Minister of Japan, Junichiro Koizumi to the Initiative for Development in East Asia (IDEA) Ministerial Meeting http://www.mofa.go.jp

(10) ASEAN (2003), Tokyo Declaration for the dynamic and enduring ASEAN-JAPAN Partnership in the new millennium, Tokyo,http://asean.org

(11) “Abenomics Vs. The Deflation Monster”, Bloomberg Briefs, tháng 7/2014.

(12), (13), (14) Ministry of Foreigns Affairs of Japan (2014), ODA Policy Speech by H.E. Mr. Fumio Kishida, Minister for Foreign Affairs of Japan “An Evolving ODA: For the World’s Future and Japan’s Future”,  http://www.mofa.go.jp, 19-3-2018

(15) Ministry of Foreigns Affairs of Japan (2013), Diplomatic Bluebook 2001, Tokyo, Japan, http://www.mofa.go.jp

(16), (20) Bộ Ngoại giao Nhật Bản,  ODA Databook for Lao.

(17) Bộ Ngoại giao Nhật Bản, ODA Databook for Việt Nam, http://www.mofa.go.jp

(18) Bộ Ngoại giao Nhật Bản, ODA Databook for Cambodia, http://www.mofa.go.jp

(19) Bộ Ngoại giao Nhật Bản, ODA Databook for Myanmar, http://www.mofa.go.jp

(21) Bộ Ngoại giao Nhật Bản, ODA Databook for Thailand, http://www.mofa.go.jp

 

ThS Ngô Phương Anh

NCS Đại học Khoa học xã hội và nhân văn,

Đại học Quốc gia Hà Nội

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền