Trang chủ    Quốc tế    Vai trò của nhà nước và sự tham gia của người dântrong phong trào Làng mới ở Hàn Quốc
Thứ tư, 26 Tháng 9 2018 15:36
2129 Lượt xem

Vai trò của nhà nước và sự tham gia của người dântrong phong trào Làng mới ở Hàn Quốc

(LLCT) - Phong trào Làng mới ở Hàn Quốc được bắt đầu vào thập niên 70 thế kỷ XX đã làm thay đổi một cách cơ bản đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa và xã hội ở nông thôn Hàn Quốc. Thực tiễn cho thấy, việc thực hiện đúng vai trò tổ chức, động viên của Nhà nước và phát huy đầy đủ tính tự chủ cùng sự tham gia của người dân là một nhân tố cơ bản bảo đảm cho sự thành công của phong trào này. Bài viết phân tích vai trò tổ chức, động viên của Nhà nước và sự tham gia của người dân trong Phong trào Làng mới ở Hàn Quốc.

Để cải thiện điều kiện sống và sản xuất vùng nông thôn, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người nông dân và thu hẹp khoảng cách phát triển giữa nông thôn và thành thị, tháng 4-1970, Chính phủ Hàn Quốc quyết định triển khai thực hiện Phong trào Làng mới (PTLM) trên phạm vi toàn quốc. Với ba nhiệm vụ chủ yếu là: thay đổi nhận thức, nâng cao trình độ văn hóa cho người nông dân; phát triển xã hội và phát triển kinh tế, trải qua các giai đoạn khác nhau, PTLM đã làm thay đổi một cách cơ bản diện mạo nông thôn Hàn Quốc, cải thiện điều kiện sống và sản xuất của người nông dân. Chính việc định vị một cách hợp lý vai trò tổ chức, động viên của Nhà nước và phát huy đầy đủ sự tham gia của người dân là nhân tố chủ yếu bảo đảm cho sự thành công của phong trào này.

Đến nay, các nhà nghiên cứu về PTLM vẫn có các quan điểm khác nhau về việc Nhà nước hay là xã hội (người dân) giữ vai trò trung tâm trong PTLM ở Hàn Quốc. Xung quanh vấn đề này có ba quan điểm chủ yếu: Quan điểm thứ nhất cho rằng, Nhà nước giữ vai trò trung tâm trong PTLM. Theo quan điểm này, PTLM là kết quả của sự tổ chức, động viên từ trên xuống dưới của Nhà nước, gắn liền với vai trò lãnh đạo của Tổng thống, sự hỗ trợ tài chính và các biện pháp khác của Nhà nước. Quan điểm thứ hai cho rằng,chính xã hội và người dân là người giữ vai trò trung tâm trong PTLM. Theo quan điểm này, sự tham gia của cư dân thôn, làng (tham gia vào quá trình lựa chọn dự án, xây dựng dự án, giám sát, đóng góp các nguồn lực, quản lý dự án...) là một bảo đảm quan trọng cho sự thành công của PTLM.Quan điểm thứ ba cho rằng, sự thành công của PTLM là kết quả của sự hợp tác có hiệu quả giữa Nhà nước và người dân, là kết quả của sự tổ chức, động viên từ trên xuống của Nhà nước và sự tham gia, hưởng ứng tích cực của người dân. Trong những năm gần đây, nhiều nghiên cứu nghiêng về quan điểm thứ ba. Điều này được thể hiện đầy đủ trong  PTLM, nhưng có sự khác nhau về mức độ trong từng giai đoạn của PTLM.

1. Giai đoạn đầu của phong trào làng mới: Thí điểm mang tính thăm dò của Nhà nước và sự hưởng ứng tích cực, hiệu quả của người dân

Ngày 20-4-1970, tại buổi làm việc với các quan chức Chính phủ, Tổng thống Hàn Quốc là Park Chung Hee đã nêu ý tưởng về việc triển khai PTLM; đồng thời nhấn mạnh trách nhiệm của chính quyền và tinh thần tự lực tự cường của người nông dân trong việc cải thiện điều kiện sống của chính họ(1).Từ tháng 11-1970, Chính phủ Hàn Quốc đã cung cấp xi măng miễn phí cho tất cả 33.267 thôn, làng trên toàn quốc; bình quân mỗi làng được cấp miễn phí 335 bao xi măng. Chính phủ quy định số lượng xi măng nói trên chỉ được phép sử dụng vào việc xây dựng và cải thiện các công trình công cộng, phúc lợi của làng, mà không được sử dụng vào việc riêng của các gia đình và cá nhân. Để hướng dẫn người dân sử dụng hiệu quả xi măng, Chính phủ đã đưa ra 10 dự án tham khảo, còn việc sử dụng xi măng cho những dự án cụ thể như thế nào là do người dân quyết định, chính quyền không “quyết định thay”(2).

Theo In Rib Beak và một số nhà nghiên cứu khác, từ thực tế triển khai các dự án phát triển nông thôn trước đó, Chính phủ Hàn Quốc không kỳ vọng rằng kế hoạch cung cấp xi măng nhằm xây dựng làng mới lần này sẽ mang lại hiệu quả cao. Tuy nhiên, trái ngược lại, chương trình đã thành công ngoài sự mong đợi của Chính phủ(3).Trong năm thứ nhất, đã có hơn 16 nghìn làng của Hàn Quốc hưởng ứng tích cực chủ trương này và đạt được hiệu quả tốt(4).Giá trị xi măng mà Chính phủ cung cấp cho các làng vào khoảng 4,1 tỷ won, nhưng giá trị mà các dự án do người dân hoàn thành đã lên tới 12,2 tỷ won(5). Người dân tích cực hưởng ứng chương trình PTLM, trên cơ sở đó tạo ra giá trị lớn hơn nhiều so với giá trị đầu tư ban đầu của Chính phủ. Đồng thời, có thể thấy, ngay từ đầu, PTLM không phải là một chính sách triển khai đồng loạt với quy mô lớn, mà được bắt đầu thông qua việc thăm dò ở dự án cụ thể, triển khai mang tính thí điểm. Điều này được thể hiện rất rõ qua cách hỗ trợ và đầu tư của Chính phủ. Theo Park Chun Hwan, ở giai đoạn đầu của PTLM, trong số các dự án xây dựng thì người dân đặt ưu tiên hơn cả cho các dự án cải thiện hệ thống đường thôn, làng. Đối với người dân, xi măng do Chính phủ cung cấp là nguồn lực khan hiếm và để cải thiện hệ thống đường làng, nếu chỉ dừng lại ở việc cung cấp xi măng là chưa đủ. Do đó, bắt đầu từ năm 1972, đối với các làng thực hiện tốt, Chính phủ đã cung cấp thép và bổ sung số lượng xi măng nhất định đểngười dân xây dựng, hoàn thiện hệ thống đường và các dự án khác ở thôn, làng.

2. Giai đoạn mở rộng của phong trào làng mới: Vai trò của Nhà nước được tăng cường và tính tự chủ, sự tham gia của người dân được nâng cao

Thứ nhất,sự tăng cường về năng lực tổ chức và động viên của Nhà nước được thể hiện ở một số phương diện sau:

Một là, Nhà nước đề ra kế hoạch đầu tư, hỗ trợ có sự khác nhau đối với mỗi làng. Trong giai đoạn đầu của PTLM, Chính phủ có sự đầu tư, hỗ trợ giống nhau đối với các làng, bất kể quy mô làng lớn hay nhỏ, nhân khẩu nhiều hay ít. Khi gần một nửa số làng đạt kết quả tốt, Chính phủ bắt đầu áp dụng chính sách hỗ trợ và đầu tư khác nhau. Theo đó, Chính phủ căn cứ vào kết quả thực hiện năm thứ nhất của mỗi làng để quyết định mức hỗ trợ và đầu tư trong năm thứ hai. Trong năm thứ nhất, nếu làng nào thực hiện tốt, Chính phủ sẽ dành sự hỗ trợ và đầu tư lớn hơn; còn đối với làng thực hiện không tốt; sự tham gia, hưởng ứng của người dân không tích cực thì Chính phủ sẽ ngừng hỗ trợ và đầu tư. Chính sách đầu tư và hỗ trợ có sự phân biệt giữa các làng có tác dụng thúc đẩy các làng chưa tích cực phải nỗ lực,tích cực hơn, đồng thời khích lệ các làng đã thực hiện tốt tiếp tục duy trì thành công của PTLM. Để xác định cụ thể mức đầu tư đối với mỗi làng, trong năm thứ ba của PTLM (năm 1972), Chính phủ dựa trên các tiêu chí nhất định (Xem bảng 1) để phân loại các làng thành ba loại: làng cơ sở; làng tự lực và làng tự lập. Đến năm 1976, hầu như tất cả các làng đều thoát khỏi làng cơ sở; đến năm 1979 đã có 97% số làng trở thành làng tự lập(6).

Hai là, sự chỉ đạo của Tổng thống và thiết lập hệ thống tổ chức bộ máy từ Trung ương đến địa phương. Các nhà nghiên cứu đều đặc biệt nhấn mạnh vai trò của Tổng thống Park Chung Heetrong PTLM ở Hàn Quốc. Theo Park Chun Hwan, quyết tâm thực hiện hiện đại hóa nông thôn truyền thống của Tổng thống Park Chung Heelà sức mạnh chủ yếu nhất tạo nên khí thế của PTLM(7). Trong các hội nghị đánh giá kinh tế hàng tháng, Tổng thống Park Chung Heeđều nêu lên hai trường hợp thành công của nông dân trong PTLM. Điều này vừa có tác dụng khích lệ, cổ vũ đối vớingườinông dân, vừa cung cấp thông tincho đội ngũ cán bộvềnhững kinh nghiệm củangườinông dân trong việc cải thiện chất lượng cuộc sốngcủa họ. Ngoài sự chỉ đạo trực tiếp của Tổng thống, Hàn Quốc đã giao cho Bộ Nội vụ là cơ quan chịu trách nhiệm chính trong việc tổ chức, triển khai PTLM. Từ năm 1972, Hàn Quốc đã thành lập Ủy ban Thúc đẩy PTLM từ Trung ương đến địa phương. Trong đó, Chủ nhiệm Ủy ban Thúc đẩy PTLM ở Trung ương do Bộ trưởng Bộ Nội vụ đảm nhiệm, các thành viên khác là thứ trưởng các Bộ, ngành có liên quan. Ủy ban này chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch dài hạn, trung hạn và hằng năm cho PTLM; giải quyết các khó khăn, vướng mắc mà PTLM gặp phải và đánh giá hiệu quả của PTLM(8).

Bên cạnh đó, Chính phủ Hàn Quốc cũng đặc biệt nhấn mạnh vai trò của đội ngũ cán bộ, công chức đối với PTLM. Theo đó, Chính phủ giao cho cục trưởng và trưởng phòng của Bộ Nội vụ phụ trách, giúp đỡ 1 tỉnh trong PTLM; giám đốc sở và trưởng phòng cấp tỉnh phụ trách, giúp đỡ 1 huyện/quận, mỗi công chức ở cấp xã và cấp huyện phải liên hệ và giúp đỡ 4 làng trong PTLM. Chính phủ thực hiện chế độ thưởng, phạt rõ ràng đối với công chức cấp xã và huyện trong việc hỗ trợ, giúp đỡ các làng trong PTLM. Cụ thể, nếu thực hiện tốt, công chức đó sẽ được khen thưởng và bổ nhiệm lên vị trí cao hơn, nếu thực hiện không tốt sẽ phải điều chuyển đến miền núi, hải đảo làm việc. Có thể nói, việc thủ trưởng cơ quan hành chính các cấp đồng thời là Chủ nhiệm của Ủy ban Thúc đẩy PTLM và việc giao trách nhiệm cụ thể cho đội ngũ công chức trong PTLM có tác dụng tạo ra áp lực trong nội bộ hệ thống hành chính, thúc đẩy phát huy tốt hơn vai trò của đội ngũ công chức trong PTLM.

Ba là, thiết lập cơ sở đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cho PTLM.Do ý thức tự chủ của người nông dân còn chưa cao nên ngoài việc tăng cường công tác chỉ đạo của bộ máy hành chính, Nhà nước còn tiến hành bồi dưỡng kiến thức cho người dân. Bên cạnh đó, để phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ lãnh đạo trong PTLM, Chính phủ Hàn Quốc đã thành lập Viện Nghiên cứu và Bồi dưỡng Phong trào Làng mới Trung ương - cơ quan bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cho PTLM. Mục tiêu bồi dưỡng cán bộ của Viện là: bồi dưỡng người lãnh đạo trình độ cao, đầu tư toàn tâm toàn lực cho PTLM; tăng cường tính tự lực, tự chủ của phong trào; hình thành bầu không khí “chăm chỉ, tự lực và hợp tác” của người nông dân. Khác với các loại hình bồi dưỡng thông thường, việc bồi dưỡng đội ngũ lãnh đạo cho PTLM ở các làng nhấn mạnh tính thực tiễn của nội dung bồi dưỡng, thông qua phương pháp thảo luận nhóm, lắng nghe các trường hợp nông dân thành công chia sẻ kinh nghiệm để nâng cao năng lực tổ chức PTLM ở mỗi làng cho các lãnh đạo làng mới.

Như vậy, có thể thấy vai trò của Nhà nước trong giai đoạn mở rộng của PTLMđược thể hiện chủ yếu ở một số phương diện như:đề ra kế hoạch hỗ trợ khác nhau đối với mỗi làng để thúc đẩy tính cạnh tranh và tính tích cực của mỗi làng trong PTLM; thông qua việc thiết lập bộ máy tổ chức từ Trung ương đến địa phương để tăng cường sự chỉ đạo đối với PTLM; coi trọng bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo để người lãnh đạo PTLM có thể “truyền cảm hứng” cho người dân và thu hút sự tham gia của người dân trong PTLM.

Thứ hai, sự tham gia của người dân trong giai đoạn mở rộng của PTLMđược đẩy mạnh hơn. Sự gia tăng vai trò và năng lực tổ chức, động viên của Nhà nước không hề làm suy giảmnăng lực tự chủ và sự tham gia của người dân, mà trái lạicòntăng lên một rõ rệt. Năng lực tự chủ và sự tham gia của người dânđược thể hiện ở một số khía cạnh chủ yếusau:

Một là, hình thành hệ thống tổ chức bộ máy triển khai PTLM ở cấp thôn, làng. Trong PTLM ở Hàn Quốc, Nhà nước không chủ trương việc mỗi làng dựa vào hệ thống quản trị chính thức vốn có của làng (thôn trưởng, làng trưởng) để tổ chức và thúc đẩy PTLM, mà khuyến khích mỗi làng tự mình thành lập nên Ủy ban Phát triển làng (VDC). Ủy ban Phát triển làng cókhoảng 10 thành viên. Ủy ban này chịu trách nhiệm tiếp nhận nguồn lực hỗ trợ từ Nhà nước và người dân để quyết định việc sử dụng nguồn lực này vào dự án cụ thể nào. Thành phần của Ủy ban Phát triển làng bao gồm: (1) 2 người lãnh đạo xây dựng làng mới (gồm 1 nam, 1 nữ do người dân lựa chọn, là những người quản lý và trực tiếp thúc đẩy các dự án làng mới); (2) làng trưởng hay thôn trưởng. Làng trưởng hay thôn trưởng ở Hàn Quốc là thiết chế tồn tại từ lâu, được xem là người đại diện chính thức của làng, thực hiện vai trò cầu nối giữa chính quyền địa phương với người dân ở làng; (3) một số người cao tuổi của làng nhằm phát huy uy tín của họ trong PTLM; (4) một số nông dân ưu tú, có mong muốn đóng góp cho sự phát triển của làng. Do quy mô mỗi làng ở Hàn Quốc thường dưới 80 hộ dân nên Ủy ban Phát triển làng giữ vai trò rất quan trọng trong PTLM. Ủy ban này thực hiện các chức năng như điều tiết các mâu thuẫn của người dân, phát huy sự hợp tác và tham gia của người dân đối với các dự án xây dựng làng mới.

Ủy ban Phát triển làng là bộ máy lãnh đạo PTLM của làng, nó không làm thay chức năng và công việc của một số tổ chức tự nguyện truyền thống do người dân lập nên, như Hội Bảo vệ rừng, Hội Phát triển Nông nghiệp, Hội thúc đẩy sản xuất... Trái lại, Ủy ban này còn đưa các tổ chức này vào mạng lưới tổ chức triển khai PTLM, tạo điều kiện, phối hợp và phát huy vai trò của các tổ chức này trong PTLM. Ngoài ra, do xuất phát từ nhu cầu của PTLM, Ủy ban Phát triển Làng còn thành lập thêm một số tổ chức mới, như Hội Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Giám sát, Tín dụng phát triển làng, từ đó đưa tất cả các cư dân trong thôn vào trong hệ thống tổ chức của PTLM.­

Hai là, sự tham gia của người dân trong quá trình triển khai các dự án làng mới.PTLM ở Hàn Quốc được thúc đẩy chủ yếu thông qua việc triển khai các dự án làng mới. Bên cạnhsự chỉ đạo ở mức độ nhất định của Nhà nước, việc triển khai, thực hiện các dự án này chủ yếu do cấp làng phụ trách, Nhà nước dành cho cư dân cấp làng quyền lựa chọn, thực thi, giám sát và quản lý các dự án trên cơ sở căn cứ vào nhu cầu thực tế của họ. Để người dân có thể bày tỏnhu cầu, lợi ích và mong muốn của mình, mỗi làng đều tổ chức hội nghị toàn thể cư dân để bất cứ cư dân nào cũng có quyềntham gia. Những ý kiến, kiến nghị và kết quả thảo luận của cư dân tại hội nghị được Ủy ban Phát triển làng tổng hợp, báo cáo lên trên phê duyệt. Sau khi được phê duyệt, các dự án mà người dân lựa chọn sẽ được triển khai thông qua sự thúc đẩy của hai lãnh đạo làng mới và sự tham gia rộng rãi của người dân. Khác với làng trưởng hoặc thôn trưởng có tư cách đại diện chính thức, việc tham gia lãnh đạo PTLM của hai lãnh đạo làng mới là hoàn toàn tự nguyện, họ không nhận được bất cứ lương hay phụ cấp nào từ Chính phủ.

Lãnh đạo làng mới gồm 1 nam, 1nữ, trong đó lãnh đạo nam do Đại hội cư dân làng bầu ra, còn lãnh đạo nữ thường là Chủ tịch Hội phụ nữ làng. Thông thường, những người có năng lực, có tác phong dân chủ được người dân suy tôn, bầu ra làm người lãnh đạo làng mới. Trong quá trình lãnh đạo PTLM, nếu người lãnh đạo không dựa trên phương thức dân chủ và minh bạch để triển khai nhiệm vụ, họ sẽ gặp phải sự phản đối và phê bình của người dân. Bên cạnh tham gia thảo luận, lựa chọn và triển khai dự án, người dân còn tiến hànhgiám sát quá trình triển khai dự án và quản lý dự án sau khi hoàn thành. Có thể nói, trong quá trình triển khai các dự án làng mới, người dân đã tham gia rất tích cực, họ không chỉ đưa raý kiến, mà còn đóng gópvào tất cả các khâu của quá trình triển dự án và quản lý dự án.

Ba là, sự đóng góp nguồn lực của người dân đối với các dự án làng mới.Trong năm đầu tiên của PTLM, Nhà nước chỉ đầu tư 4,1 tỷ won, nhưng giá trịcác dự án do người dân ở các làng hoàn thành đã đạt tới 12,2 tỷ. Điều này có nghĩa là, trong quá trình triển khai các dự án làng mới, ngoài nguồn lực đầu tư của Nhà nước, sự đóng góp nguồn lực của người dân là tương đối lớn. Sự tham gia đóng góp của người dân chủ yếu được thể hiện ở ba phương diệnsau:

(1) Đóng góp ngày công và sức lao động. Bảng dưới đây cho thấy mức độ đóng góp về sức lao động hoặc ngày công của người dân trong PTLM. Tính bình quân, mức độ đóng góp ngày công của mỗi làng và hộ gia đình tương ứng là 795 ngày và 13 ngày.

(2) Hiến đất để thực hiện các dự án công cộng. Từ thập niên 50 thế kỷ XX, sau khi Hàn Quốc thực hiện cải cách ruộng đất thì đất đai thuộc sở hữu của hộ gia đình nông dân. Trong PTLM, việc cải tạo và mở rộng các tuyến đường làng đòi hỏi diện tích đất đáng kể; một mét đường trong làng được cải tạo cần người dân hiến 2,1m2 diện tích đất. Theo Bộ Nội vụ Hàn Quốc, năm 1972, bình quân mỗi làng đã hiến 680m2 đất để phục vụ cho việc cải tạo và mở rộng các tuyến đường trong làng.

(3)Đóng góp về tài chính. Nguồn lực tài chính phục vụ cho PTLM chủ yếu đến từ ngân sách Nhà nước và sự đóng góp của người dân. Nhìn chung, trong thập niên 70 của thế kỷ XX, mức đóng góp tài chính của người dân tăng nhanh hơn nhiều so với sự đầu tư tài chính của Nhà nước. Điều này một mặt phản ánh quyết tâm của người nông dân trong việc cải thiện điều kiện sống và sản xuất, mặt khác cũng làm cho số nợ của hộ gia đình nông dân tăng lên nhanh chóng.

Có thể nói, sự đóng góp của người dân trong PTLM là rất lớn. Chính sức hấp dẫn của PTLM đối với việc cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống đã tạo ra sự tự nguyện đóng góp của người dân, đây chính là nhân tố quan trọng bảo đảm cho sự thành công của PTLM.

3. Giai đoạn cuối của PTLM: Tính tự chủ của người dân được duy trì, phát triển; sự hỗ trợ của Nhà nước giảm dần

 Sau gần 10 năm thực hiện PTLM, tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội của nông thôn Hàn Quốc có bước phát triển rất lớn, chất lượng cuộc sống và tính tự chủ của người dân được nâng lên rõ rệt. PTLM cũng làm thay đổi tư duy, quan niệm;xác lập và phát huy tinh thần “chăm chỉ, tự lực và hợp tác” của người nông dân. Theo kết quả điều tra của Park K - H (1980) có 85% nông dân cho rằng chất lượng cuộc sống của họ tốt hơn. Còn theo thống kê của Moon S - O, đến năm 1979, số người tham gia vào PTLM tăng lên 31,3 triệu, cao gấp 5 lần so với năm 1971. Chính sự thay đổi về chất trong năng lực tự chủ của người dân đã tạo cơ sở để Nhà nước chuyển đổi phương thức “lãnh đạo” đối với PTLM. Theo đó, tháng 12 năm 1980, Hàn Quốc đã thông qua Luật Tổ chức Phong trào Làng mới, trong đó nhấn mạnh việc phát huy vai trò chủ đạo của các tổ chức của người dân (tổ chức xã hội) trong phong trào này. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng thay đổi phương thức hỗ trợ trong PTLM theo hướng chuyển từ hỗ trợ, đầu tư nguồn lực trực tiếp sang cung cấp kinh phí cho các đoàn thể xã hội trong PTLM. Nhìn chung, trong giai đoạn cuối, sự tham gia động viên của Nhà nước đối với PTLM từng bước nhường chỗ cho vai trò tự quản của người dân và các tổ chức của người dân.

Nghiên cứu PTLM ở Hàn Quốc cho thấy, trên cơ sở sự đồng thuận về mục tiêu chính sách giữa Nhà nước và người dân, cần “định vị” đúng vai trò tổ chức và động viên của Nhà nước trong PTLM. Nhà nước thực hiện vai trò tổ chức, động viên nhưng không có nghĩa là Nhà nước “làm thay dân”, “Nhà nước làm tất cả”. Nhà nước cần quan tâm bồi dưỡng, phát huy năng lực tự chủ và sự tham gia của người dân. Trongthúc đẩy phát triển nông thôn, Nhà nước không thể lấy sức mạnh cưỡng chế đơn phương và phương thức tư duy đơn giản làm nền tảng, mà phải lấy việc bồi dưỡng, phát huy năng lực tự chủ và sự tham gia của người dân làm định hướng cơ bản. Thông qua sự tổ chức và động viên của Nhà nước để thúc đẩy tự chủ xã hội và sự tham gia của người dân, kết hợp chặt chẽ giữa sự động viên của Nhà nước và sự tham gia của người dân là chìa khóa thành côngPTLM ở Hàn Quốc.

________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 6-2018           

(1), (7) Park Chun Hwan:Phong trào Làng mới Hàn Quốc - con đường hiện đại hóa nông thôn Hàn Quốc thập niên 70 thế kỷ XX, Nxb Nông nghiệp Trung Quốc, 2005, tr.44, 75.

(2) Lee M-G: Industrial Growth and South Korea Rural Area, Seoul National University Press (in Korean), 1984.

(3) In Rib Beak, Pan Suk Kim & Soo Chul Lee: Contributions of Saemaul Undong in Korea for Regional Development and Welfare Improvement in Less Developed Countries,  Public Administration and Development,2012, p.32.

(4) Lý Thủy Sơn: “Phong trào Làng mới ở Hàn Quốc”, Tạp chí Kinh tế Nông thôn Trung Quốc, số 5, 1996.

(5) Park Sub and Lee Hang: Korean State and Its Agrarians: A Political and Social Condition for Saemaul Movement, Korean Political Sciense Review 31 (3), 1997.

(6) Ministry of Internal Affair: “10 year history of Saemaul Undong” (Data Volume), 1980, p.22.

(8) The National Council of Saemaul Undong Movement in Korea: “Saemul Undong, in Korea”, p.37.

 

TS Nguyễn Trọng Bình

Học viện Chính trị khu vực IV

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền