Trang chủ    Quốc tế    Châu Phi:Tiềm năng và thách thức
Thứ tư, 29 Tháng 8 2018 16:15
16816 Lượt xem

Châu Phi:Tiềm năng và thách thức

(LLCT) - Châu Phi - lục địa tiềm năng của thế giới, có diện tích đất đai rộng lớn, mầu mỡ với các nguồn dự trữ dầu khí, phát triển địa nhiệt điện, thủy điện, phong điệnvà năng lượng mặt trời; nguồn lao động dồi dào. Tuy nhiên, châu Phi vẫn đang là khu vực chậm phát triển nhất thế giới, với những vấn nạn tham nhũng, khủng bố, nghèo đói, bệnh tật và nạn di cư…Do vậy, đòi hỏi sự nỗ lực của  chính phủ các quốc gia châu Phivàcộng đồng quốc tế chung taygiải quyết.

1. Châu Phi - lục địa tiềm năng của thế giới

Châu Phi là châu lục đứng thứ hai trên thế giới về dân số (sau châu Á), với 1.269.115.167người (số liệungày 17-7-2018),chiếm 16,41% dân số thế giới; diện tích 30.221.532 km2, chiếm 20,4% tổng diện tích đất đai của trái đất.

Châu Phi có nhiều tiềm năng về phát triển năng lượng tái tạo, tài nguyên, khoáng sản, đất đai, nguồn lao động,... Các loại khoáng sản có trữ lượng lớn là vàng, kim cương, uran, đồng, photpho, dầu mỏ. Vàng tập trung nhiều nhất ở Cộng hòa Nam Phi, Namibia, Zimbabwe, Gana, Tandania, Kenia. Kim cương ở Nam Phi, Namibia, Angola và Daia. Vùng Trung Phi có nhiều mỏ đa kim, trong đó có đồng, thiếc, kẽm, coban, uran và vonfram. Vùng núi Atlat ở Bắc Phi có các mỏ đa kim, coban, molypden, chì và kẽm. Dầu mỏ tập trung nhiều ở các nước Bắc Phi (Algieria, Libya, Ai Cập), ngoài ra còn có ở Nigieria, Congo, Angola, Mozambique, Tandania. Than đá tập trung ở Nam Phi, Daia, Madagaxca. Khu vực Nam Sahara có tiềm năng lớn cho phát triển năng lượng tái tạo, nhất là năng lượng mặt trời.

Diện tích đất chưa sử dụng ở châu Philớn nhất thế giới. Theo số liệu của Tổ chức Nông Lương Liên Hợp quốc(FAO), diện tích đất trồng của châu lục này là khoảng 1 tỷ ha, trong khi diện tích đất nông nghiệp hiện nay được sử dụng mới chỉ là 210 triệu ha; có khoảng 600 triệu ha đất có thể canh tác đang bị bỏ hoang, chiếm khoảng 60% diện tích canh tác của toàn thế  giới. Đất châu Phi thích hợp cho sản xuất cacao, cafe, cọ dầu và cây lương thực (lúa mỳ, ngô...).

Châu Phi sở hữu nguồn lao động dồi dào. Độ tuổi trung bình ở khu vực châu Phi rất trẻ, chỉ là 19 tuổi(1). Theo nghiên cứu mới đây của Liên Hợp quốc,dân số châu Phi trong độ tuổi lao động từ 25 đến 59 tuổi ước tính sẽ đạt đến 1 tỷ người vào năm 2050. Trong 35 năm nữa, phần đáng kể số dân trong độ tuổi lao động của toàn thế giới sẽ thuộc về châu Phi, và con số này có thể tăng lên gấp đôi, chiếm 1/4 lực lượng lao động tiềm năng của toàn thế giới.Cũng theo thống kê của Liên Hợp quốc, hiện châu Phi chiếm 18% thanh thiếu niên trên thế giới, ước tính sẽ tăng lên 33% năm 2050 và 45% năm 2100(2).

Châu Phi hiện là thị trường rất lớn về lương thực, thực phẩm.Mỗi năm, châu Phi chi hơn 7 tỷ USD cho nhập khẩu gạo để đảm bảo an ninh lương thực. Năm 2017, kim ngạch nhập khẩu nông sản, thực phẩm của các nước châu Phi là 38 tỷ USDvà ước tính tăng lên 110 tỷ USD vào năm 2025(3), trong đó, các mặt hàng như gạo, thủy sản, cà phê,sản phẩm dệt may, giày dép các loại, hạt tiêu là những mặt hàng có nhu cầu cao.

Kinh tế của châu Phi đã tăng trưởng trở lại trong những năm gần đây, năm 2017 là 2,9%, dự báo năm 2018 là 3,5%(4). Báo cáo tại Hội nghị về châu Phi do FAO tổ chức tháng 2-2018cho thấy, kinh tế châu Phi đang có sự cải thiện, với thị trường lương thực và nông nghiệp ước tính lên tới 1.000 tỷ USD vào năm 2030(5). Đầu tư nước ngoài vào châu Phi ngày càng tăng, trong đó, Trung Quốc là đối tác kinh tế, thương mại và đầu tư lớn nhất. Kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và châu Phi lên đến 220 tỷ USD (vượt Mỹ). Quy mô đầu tư của Trung Quốc ước tính lên tới gần 3.000 dự án ở gần 60 quốc gia châu Phi, với tổng số vốn đầu tư đạt khoảng 95 tỷ USD(6). Mỹ là đối tác thương mại thứ hai ở châu Phi. Trong nhiều năm, Mỹviện trợ cho chương trình phát triển và chống khủng bốở khu vực này, nhưng từ năm 2017,Mỹđã cắt giảm viện trợ phát triển đối với các nướcEthiopia,Uganda Rwanda,Tanzania, Kenya, Nam Sudan và Burundi. Năm 2018, Mỹcắt giảm viện trợ cho quân đội các nước châu Phi trong cuộc chiến chống khủng bố, khi nước này điều chỉnh Chiến lược quốc phòngnhằm đối phó với các mối đe dọa truyền thống ngày càng lớn hơn.

Ấn Độ rất quan tâm về vấn đề kinh tế, thương mại và đầu tư, cùng với các mục tiêu mở rộng hơn quan hệ địa chính trị ở lục địa này. Ấn Độ đang tăng cường nhập khẩu dầu mỏ từ châu Phi, hiện chiếm khoảng 17% và dự kiến sẽ tăng lên 25% trong thời gian tới. Kim ngạch thương mại hàng năm giữa Ấn Độ với châu Phi đạt 75 tỷ USD(7).

Châu Philà không gian chiến lược có ý nghĩa quan trọng đối với lợi ích quốc gia của Pháp.Các công ty lớn của Pháp như tập đoàn BollorE, Total và Orange duy trì sự hiện diện rộng lớn tại các nước châu Phi.

Nga cũng đang dần tăng cường ảnh hưởng của mình ở châu lụcnày. Các khoản đầu tư chủ chốt thuộc lĩnh vực dầu khí và năng lượng hạt nhân với các công ty lớn như Gazprom, Lukoil và Rosatom. Nga là nhà cung cấp vũ khí lớn cho châu Phi và đóng góp nhiều binh lính cho các đơn vị gìn giữ hòa bình của Liên Hợp quốcở châu Phi.

Việt Nam cũng gia tăng sự hiện diện thương mại và đầu tư tại các quốc gia châu Phi. Kim ngạch hai chiều trong 10 năm trở lại đây đã có mức tăng trưởng đáng kể. Năm 2017, Việt Nam đã xuất khẩu gạo đến khoảng 150 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó thị trường châu Phi chiếm 14,93%. Tập đoàn Viettel đã đầu tư tại 4 quốc gia châu PhigồmMozambique, Cameroon, Burundi, Tanzania. Các thị trường nàytiếp tục có sức tăng trưởng mạnh mẽ. Nổi bật là Viettel Cameroon tăng 103%, Viettel Mozambique tăng 79,03%(8). Nhiều chuyên gia cho rằng, tăng cường khai thác thị trường châu Philà hướng đi chiến lược và có ý nghĩa quan trọng về lâu dài.

2. Thách thức và những vấn nạn không dễ giải quyết

Châu Phi là lục địa tiềm năng, nhưng cũng đang ẩn chứa những thách thức và là nơi tập trung của những vấn nạn lớn của thế giới như tham nhũng, các cuộc xung đột, khủng bố, bạo lực, đói nghèo, bệnh tật và nạn di cư.

Tham nhũng là một vấn nạn lớn nhất của châu Phi. Theo ông S.Ngwenya Tổng Thư ký Khối thị trường chung Đông và Nam Phi (COMESA), tham nhũng trong nhiều lĩnh vực, nhất là khu vực công, đã và đang cản trở các chính sách vĩ mô của nhiều quốc gia châu Phi trong phát triển đất nước. Đây là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm cho quá trình công nghiệp hóa không thành công tại châu lục này trong hơn 40 năm qua. Trong những năm gần đây, đầu tư nước ngoài vào châu Phi không ngừng tăng, với giá trị đầu tư ước tính hàng trăm tỷ USD mỗi năm. Thế nhưng, đầu tư càng tăng thì tham nhũng càng nhiều. Theo Tổ chức Minh bạch Quốc tế, hiện nay châu Phi có tỷ lệ tham nhũng cao nhất thế giới, đang góp phần làm chậm quá trình phát triển kinh tế, xã hội và làm gia tăng nghèo đói tại nhiều quốc gia ở châu lục này. Báo cáo của Ngân hàng Phát triển châu Phi (AfDB) cũng cho biết, mỗi năm châu lục này ước tính thiệt hại khoảng 148 tỷ USD do tham nhũng gây ra(9).

Châu Phi đang đứng trước các thách thức về an ninh nhưcác điểm nóngởNam Sudan, cuộc xung đột kéo dài nhiều thập kỷ giữa Ethiopia và Eritrea, tình trạng bất ổn tại Cameroon, Libya, Zimbabwe,Cộng hòa Dân chủ Congo, Cộng hòa Trung phi, Somalia; các mối đe dọa khủng bốdiễn ra ở khắp mọi nơi.

Nội chiến Nam Sudan đã kéo dài 5 năm, khiến hàng chục nghìn người dân thiệt mạng và gây ra cuộc khủng hoảng di dân lớn nhất tại châu Phi. Mặc dù đã có cuộc gặp giữa Tổng thống Salva Kiir với lãnh đạo phe nổi dậy Riek Machar tháng 6 vừa qua nhưng không đạt kết quả, khiến những hy vọng chấm dứt cuộc nội chiến tại quốc gia này gặp nhiều cản trở. Cuộc chiến không đội trời chunggiữa Ethiopia và Eritreakéo dài hai thập kỷ,làm hơn 80 nghìn người thiệt mạng và hàng chục nghìn người phải tị nạn, tuy Hiệp định hòa bình đã được ký kết từ tháng 12-2000, nhưng tình hình căng thẳng giữa haiquốc gia vẫn còn âm ỉ, có nguy cơ bùng phát thành cuộc xung đột vũ trang bất cứ lúc nào.

Libyahiện vẫn chìm trong bạo lực, hỗn loạn và chia rẽ chính trị bất chấp thỏa thuận đạt được năm 2015.Ởquốc gia này vẫn tồn tại haichính quyền với các lực lượng vũ trang riêng, gồm Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya (GNA) hoạt động tại Tripoli do Thủ tướng Fayez al-Sarraj lãnh đạo và một chính quyền đối lập của Tướng Khalifa Haftar tại miền Đông. Cameroon cũng rơi vào tình trạng bất ổn khi cộng đồng nói tiếng Anh tại hai tỉnh Southwest Region và Northwest Region thúc đẩy những nỗ lực đòi độc lập. Xung đột giữa lực lượng chính phủ và các nhóm ủng hộ ly khai khiến hàng chục người thiệt mạng,hàng nghìn người phải lánh nạn tại Nigeria…

Theo phát biểu của Ngoại trưởng Morocco Nasser Bouritatại Hội nghị Liên minh Chống khủng bố quốc tế diễn ra tại thủ đô Rabat của Morocco ngày 27-6, châu Phi là địa bàn có hơn 10 nghìn phần tử khủng bố của Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và Al-Qaeda ở Bắc Phi(10).

Đói nghèobệnh tậtvẫn đeo đẳng châu Phi.Mặcdù, kinh tế châu Phi tăng trưởng nhưng không đồng đều và nợ công tăng đến 50% GDP ở gần một nửa các quốc gia vùng hạ Sahara, khiến cho các nước châu Phi chưa thoát khỏi cảnh nghèo đói. 10 nước nghèo nhất thế giới năm 2017 đều thuộc “Lục địa đen”. Thu nhập bình quân đầu ngườichỉ từ 656 USDđến 1.350 USD(riêng Ethiopia có mức thu nhập bình quân đầu người 1.995 USD)(11).Nigeria - quốc gia đông dân nhất châu Phi và lànước nghèo nhất thế giới. Theo báo cáo của Viện Brookings, Nigeria có 87 triệu người sống dưới mức nghèo khổ cùng cực.

Nhiều quốc gia châu Phi chịu ảnh hưởng nặng nề của các dịch bệnh bởi tại đây điều kiện về vệ sinh, y tế thiếu thốn, nghèo nàn, lạc hậu. Chi phí y tế trung bình ở châu Phi chưa đến 100 USD/người/năm (tại Mỹ, con số này lên đến gần 9.000 USD). Các loại bệnh dịch tràn lan ở châu Phi, đặc biệt là khu vực Tây Phi như: HIV/AIDS, Ebola, sốt rét, viêm màng não, dịch tả, lao,... Tuổi thọ trung bình ở châu Phi cũng thấp nhất trên thế giới, trung bình chỉ là 60. Nền giáo dục châu Phi chậm phát triển. Ngoài một số quốc gia có nền giáo dục phát triển như Nam Phi, Kenya, Ai Cập, Senegal, Ghana, Uganda, hiện vẫn còn hơn 30 triệu trẻ em ở tiểu vùng Sahara chưa được đến trường.

Cuộc khủng hoảng di cưđang là một thách thức lớn đối với châu Phi. Theo Tổ chức di cư quốc tế (IOM), gần 160.000 người đã gặp nguy hiểm khivượt biển đến châu Âu trong năm 2017 và gần 3.000 người đã bỏ mạng hoặc mất tích trên đường tìm đến miền đất hứa(12).Chỉ tính từ đầu năm đến ngày 30-5-2018, đã có 32.080 người đã đến châu Âu bằng đường biển và 660 người đã thiệt mạng khi đang trên đường vượt biên.

Châu Phi là nơi các cường quốc như Mỹ, Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Pháp và Nhật Bản tranh giành ảnh hưởng. Sự cạnh tranh này vừa tạo ra điều kiện thuận lợi, nhưng cũng đặt ra những thách thức cho khu vực cả về kinh tế, chính trị, an ninh, quân sự.

Xu hướng Trung Quốc hóa đặc khu kinh tế ở châu Phicũng đáng đượcchú ý. Kể từ năm 2006, Trung Quốc bắt đầu xuất khẩu mô hình đặc khu của mình sang các nước châu Phi. Các đặc khu ở Ethiopia và Mauritius do 100% người Trung Quốclàm chủ sở hữu. Các đặc khu ở các nước còn lại thì mang hình thức hợp tác với các đối tác của nước sở tại nhưng đối tác của nước sở tại chỉ chiếm tỷ lệ sở hữu rất ít. Chẳng hạn, đặc khu Ogon của Nigeria, đối tác trong nước chỉ sở hữu có 18%, đặc khu Suez của Ai Cập,người Ai Cập chỉ sở hữu 20%(13).Sức cạnh tranh của doanh nghiệp Trung Quốc khiến nhiều ngành nghề của châu Phi có nguy cơ bị phá sản,các quốc gia châu Phi có thể bị rơi vào “bẫy nợ”. Theo các chuyên gia tài chính,đầu tư của Trung Quốc vào châu Phi có thể thúc đẩy nợ trên lục địa đen và tạo ra các nền kinh tế “hoàn toàn phụ thuộc”vào Trung Quốc.

Mỹ,NgavàTrung Quốc hiện là nhữngđối thủ cạnh tranh hàng đầu về xuất khẩu vũ khí sang châu Phi.Những vũ khí này đã được sử dụng trong các cuộc xung đột ở Cộng hòa Dân chủ Congo, Bờ Biển Ngà, Sudan và Somalia.Trung Quốc cũng đã mở căn cứ quân sự tại hải ngoại đầu tiên ở Djibouti, nằm trên Vịnh Aden gần Biển Đỏ-nơi vốn đã có một căn cứ quân sự Mỹvà các cơ sở quân sự của Pháp, Italia,Nhật Bản.

3. Những vấn đề đang được các nước quan tâm

(1) Hướng tới thiết lập một thị trường chung, kết nối cơ sở hạ tầng và công nghệ để phát triển kinh tế. Theo đó, Hiệp định thiết lập Khu vực thương mại tự do châu Phi(AfCFTA) đã được 44/55 nước thành viên ký kết ngày 21-3-2018 sau 2 năm đàm phán. Với thỏa thuận này, châu Phi trở thành khu vực mậu dịch tự do lớn nhất về số nước tham gia kể từ khi thành lập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Khối AfCFTA có thể tạo ra một thị trường châu Phi hơn 1,2 tỷ người với GDP 2,5 nghìn tỷ USD. Theo đó, các nước thành viên AfCFTA cam kết sẽ bãi bỏ thuế đối với hơn 90% các mặt hàng trong tương lai.

Theo lãnh đạo các nước thành viên Liên minh châu Phi (AU), AfCFTA được xây dựng nhằm tạo ra một thị trường duy nhất tại châu Phi cho hàng hóa và dịch vụ với sự tự do lưu chuyển của dòng vốn đầu tư và kinh doanh. Theo AU, việc này sẽ mở đường thúc đẩy cho việc thành lập Liên minh hải quan vào năm 2022 và Cộng đồng kinh tế châu Phi vào năm 2028.

Việc xây dựng Khu vực mậu dịch tự do là một trong những dự án trọng điểm của Lịch trình 2063 của AU,trong đó vạch ra tầm nhìn mới về phát triển lục địa cho 5 thập kỷ tiếp theo dựa trên sự tăng trưởng cho mọi người và sự phát triển bền vững. Khu vực tự do mậu dịch này thống nhất các FTA khu vực khác của châu Phi bao gồm thị trường chung Đông và Nam Phi (COMESA), Cộng đồng Đông Phi (CAE), Cộng đồng phát triển miền Nam châu Phi (SADC), Cộng đồng kinh tế các quốc gia Trung Phi (CEEAC), Cộng đồng kinh tếcác quốc gia Tây Phi (CEDEAO), Liên minh Maghreb Ả rập và Cộng đồng các quốc gia nằm trên bờ và trong sa mạc Sahara.Hội đồng Kinh tế AU ước tính thỏa thuận thành lập AfCFTA sẽ tăng gấp đôi lượng giao dịch thương mại nội lục địa.

(2) Thúc đẩy quan hệ nội khốivà chống tham nhũng. Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 30 của AU tháng 1-2018 tại thủ đô Addis Ababa (Ethiopia),đã đề cập rất nhiều vấn đề, trong đó nhấn mạnh sự cần thiết phải nhổ tận gốc nạn tham nhũng và chống nghèo đói ở châu Phi. Hội nghị đã ra lời kêugọi “tăng cường sự thống nhất của châu Phi và chống tham nhũng”.

Nhiệm vụ cấp bách đối với chính phủ các nước châu Phi là đẩy mạnh chiến dịch phòng chống tham nhũng trên quy mô lớn, ở cả cấp quốc gia và khu vực. Có như vậy mới huy động được các nguồn lực của đất nước, xã hội để phát triển, nhất là thiết lập các ngành công nghiệp mũi nhọn có tính cạnh tranh cao, mang lại nhiều lợi ích kinh tế và thúc đẩy liên kết khu vực trong lĩnh vực quan trọng này. Đặc biệt cần đề cao tính minh bạch, kiểm soát và trách nhiệm giải trình để đẩy mạnh phát triển kinh tế, thương mại và đầu tư, hướng tới dịch chuyển từ các nước có thu nhập thấp sang thu nhập trung bình trong tương lai gần.

(3) Giải quyết các điểm nóng của khu vực.Lãnh đạo các nước thành viên AU đã cùng nhau xem xét tiến trình hòa bình tại các điểm nóng như Nam Sudan, các kế hoạch hòa giải cho cuộc xung đột kéo dài nhiều thập kỷ giữa Ethiopia và Eritrea, các cuộc bầu cử sắp tới tại Cameroon, Mali, Zimbabwe và Cộng hòa Dân chủ Congo. Tháng 6 vừa qua, đoàn đại biểu cấp cao Eritrea có chuyến thăm lịch sử Ethiopia. Đây là những tín hiệu tích cực, là cơ hội lịch sử để chấm dứt hai thập kỷ xung đột và đối đầu giữa hai quốc gia này. Tổng thống Nam Sudan và thủ lĩnh phe đối lập cũng đã gặp nhau tại thủ đô Addis Ababa của Ethiopia nhằm chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài 5 năm qua. Sáng kiến thành lập lực lượng chung của nhóm 5 nước Sahel -“G5 Sahel,” gồm Burkina Faso, Chad, Mali, Mauritania và Niger, với nhiệm vụ chống lại các nhóm vũ trang hoạt động bất hợp pháp tại khu vực Sahel rộng lớn cũng sẽ được tập trung thúc đẩy việc thực hiện.

(4) Khắc phục vấn nạnngười di cư. Đây cũng là vấn đềđang được các nước châu Phi, Liên minh châu Âu và cộng đồng quốc tế nỗ lực giải quyết. Giải pháp “chìa khóa” cho vấn đề người di cư được xác định là hội nhập khu vực, ký kết Hiệp định thiết lập Khu vực thương mại tự do châu Phi (AfCFTA), cùng sự tự do đi lại của người dân và lưu thông hàng hóa.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh EU - châu Phi tháng 11-2017, các bên cũng đã đề xuất các vấn đề liên quan đến giáo dục, đầu tư cho thanh niên và phát triển kinh tế nhằm ngăn chặn dòng người di cư từ khu vực các nước châu Phi vào châu Âu và điều chỉnh chính sách nhập cư của các quốc gia châu Âu. Các thành viên EU đã đạt được thỏa thuận về người di cư. Theo đó, gánh nặng người di cư được chia sẻ rộng rãi giữa các quốc gia thành viên; các nước sẽ thiết lập các trung tâm xử lý di dân “có kiểm soát” ở châu Âu. Những người xin tị nạn chính đáng sẽ được tiếp nhận và “những người di cư bất thường” sẽ được trả lại. EU cũng sẽ xem xét thiết lập các trung tâm di cư ở bên ngoài châu Âu, có thể là ở các quốc gia Bắc Phi, nhằm dẹp tan các tổ chức buôn người từ những nước này sang châu Âu.

(5) Coi trọng hơn tính“độc lập”, tự chủvề kinh tế. Do hiệu quả từ đầu tư nước ngoài (nhất là các nước lớn)mang lại chưa đủ lớn, nhưng lại kèm thêm các yếu tố chính trị, quốc phòng,khiếnchâu Phi có nguy cơ trở thànhnơi phụ thuộc vào nước ngoài. Vì vậy, chính phủ các nước châu Phi đang tìm cách tạo những rào cản với loại hình đầu tư ồ ạtnày.

(6) Tăng cường quan hệ với Liên Hợp quốcvà các tổ chức quốc tế. Đây cũng là định hướng rất quan trọng nhằm tăng cường biện pháp giải quyết các vấn đề ở châu Phi. Tổng Thư ký Liên Hợp quốc A.Guterres khẳng định quan hệ giữa Liên Hợp quốc và AU là “quan hệ đối tác quan trọng nhất” và “hợp tác với AU là một yếu tố chiến lược cơ bản để Liên Hợp quốccó thể hoàn thành nhiệm vụ của mình”. Ông cũng cam kết rằng Liên Hợp quốc sẽ tiếp tục hỗ trợ châu Phi. Trên thực tế, Liên Hợp quốc và AU đã ký kết một thỏa thuận về tăng cường phát triển ở châu Phi. Theo đó, trong thời gian tới, hai tổ chức quốc tế sẽ tập trung thúc đẩy quan hệ trên các lĩnh vực chung như hòa bình, an ninh, phát triển và nhân quyền. Các tổ chức quốc tế như FAO, WHO, UNICEF... luôn dẫn đầu những nỗ lực quốc tế để đẩy lùi nạn đói, nâng cao hiệu quả của việc sản xuất lương thực và nông sản, huy động các nguồn lực và nghiên cứu, ứng phó quốc tế đối với dịch bệnh, tình trạng trẻ em thất học,bị bạo lực, ngược đãi, bị tuyển dụng, ép buộc làm binh lính ở châu Phi.  

Như vậy, mặc dù là lục địa đầy tiềm năng và có sự phát triển vượt bậc trong thời gian qua, nhưng cho đến nay châu Phi vẫn là khu vực chậm phát triển nhất thế giới, với những thách thức và vấn nạn không dễ gì giải quyết. Sự nỗ lực của lãnh đạo và nhân dân mỗi nước, cộng đồng các quốc gia châu Phi, cũng như sự chung tay của các nước lớn, các tổ chức quốc tế và cả cộng đồng quốc tế là những giải pháp hữu hiệu nhằm thay đổi diện mạo các quốc gia châu Phi thành một điểm sáng, niềm tự hào và niềm tin của người dân nơi đây.

_________________

(1) https://danso.org: Dân số châu Phi, 17-7-2018.

(2) http://www.tapchicongsan.org.vn: Châu Phi - lục địa tiềm năng của thế giới, 14-7-2013.

(3) http://congthuong.vn: Châu Phi, Trung Đông - Thị trường tiềm năng cho xuất khẩu thực phẩm Việt, 19-12-2017.

(4) http://baoquocte.vn: 7 cơ hội của châu Phi, 18-3-2018.

(5) http://hanoimoi.com.vn: Thách thức của châu Phi, 25-2-2018.

(6) http://bnews.vn: Trung Quốc - đối tác lớn nhất của châu Phi, 17-4-2017.

(7) http://bnews.vn: Ấn Độ tăng cường cạnh tranh với Trung Quốc tại châu Phi,20-4-2017.

(8) http://dantri.com.vn: Viettel thu về Việt Nam 1,3 tỷ USD từ đầu tư nước ngoài, 4-5-2018.

(9) http://tapchicongsan.org.vn: Châu Phi nỗ lực hành động để hình thành thị trường chung, 30-1-2018.

(10) https://anninhthudo.vn: Hơn 10.000 phần tử khủng bố IS ẩn nấp tại châu Phi, 28-6-2018.

(11) https://baomoi.com: 10 quốc gia nghèo nhất thế giới năm 2017, 14-12-2017.

(12) http://baoquocte.vn:600 người di cư châu Phi được cứu gần Tây Ban Nha, 19-11-2017.

(13) https://www.24h.com.vn: Ảm đạm đặc khu châu Phi,11-6-2018.

Nguyễn Nhâm

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền