Trang chủ    Quốc tế    Hợp tác Việt Nam - Campuchia trong lĩnh vực y tế từ năm 1991 tới nay
Thứ bảy, 08 Tháng 7 2023 08:38
827 Lượt xem

Hợp tác Việt Nam - Campuchia trong lĩnh vực y tế từ năm 1991 tới nay

(LLCT) - Cách đây hơn 55 năm, ngày 24-6-1967, Việt Nam - Campuchia chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Đây là sự kiện trọng đại, đánh dấu trang sử mới trong quan hệ của hai nước. Trong đó, hợp tác về y tế luôn giữ một vị trí, vai trò quan trọng và ngày càng được đẩy mạnh, góp phần quan trọng vào công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, nâng cao đời sống nhân dân của hai nước. Bài viết phân tích yếu tố thúc đẩy, kết quả và triển vọng hợp tác giữa Việt Nam - Campuchia trong lĩnh vực y tế.

Việt Nam hỗ trợ vật tư, thiết bị y tế giúp Campuchia ứng phó dịch Covid-19, tháng 5-2021 - Ảnh: vietnamplus.vn

1. Yếu tố thúc đẩy hợp tác Việt Nam - Campuchia trong lĩnh vực y tế

Y tế được biết đến là hoạt động liên quan tới chăm sóc sức khỏe cộng đồng như: khám, chữa bệnh, phòng chống bệnh tật, dịch bệnh,… nhằm bảo đảm sức khỏe cho con người lao động, học tập và bảo đảm chất lượng cuộc sống. Do vậy, y tế luôn là một lĩnh vực quan trọng, không thể thiếu của mọi quốc gia, dân tộc. 

Kế thừa, phát triển những quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về con người, trong tiến trình xây dựng và phát triển đất nước, Đảng Cộng ta khẳng định: nguồn lực quý báu nhất, có vai trò quyết định nhất là con người; nhân tố con người chính là nguồn sức mạnh nội sinh và chăm lo hạnh phúc cho con người là mục tiêu phấn đấu cao nhất của chế độ ta(1). Nghị quyết số 04 -NQ/HNTW ngày 14-1-1993, Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VII) về những vấn đề cấp bách của sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, khẳng định quan điểm: “sức khoẻ là vốn quý nhất của mỗi con người và của toàn xã hội, là nhân tố quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy chúng ta phấn đấu để mọi người đều được quan tâm chăm sóc sức khoẻ. Việc chăm sóc sức khỏe và giải quyết các vấn đề bệnh tật cần phải theo quan điểm dự phòng tích cực và chủ động”(2).

Đảng và Nhà nước ta đã có chính sách quan tâm đặc biệt ngành y tế và tăng cường đầu tư các nguồn lực, hợp tác quốc tế để bảo đảm nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân. Qua đó, khẳng định tính ưu việt của chế độ XHCN ở Việt Nam.

Tiếp theo tinh thần đó, Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25-20-2017, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới, tiếp tục khẳng định: Đầu tư cho bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân là đầu tư cho phát triển. Chủ động, tích cực hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong lĩnh vực y tế. Việt Nam cần tích cực tham gia giải quyết các vấn đề y tế khu vực và toàn cầu. Từ đó, nâng cao vai trò, vị thế quốc tế của y học Việt Nam(3).

Trong thực tế thời kỳ đổi mới, ngành y tế Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức về nguồn lực cho đầu tư, phát triển, đặc biệt là sự bùng phát các loại dịch bệnh mới, nguy hiểm với những diễn biến phức tạp, khó lường trong khi năng lực của hệ thống y tế Việt Nam còn những hạn chế nhất định. Các dịch bệnh bùng phát làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống kinh tế, xã hội và sự phát triển bền vững của quốc gia. Như đại dịch Covid-19 bùng phát vào cuối năm 2019 tại Trung Quốc, đã nhanh chóng lan ra toàn cầu, trong đó có Việt Nam, khiến hàng triệu người trên thế giới nhiễm bệnh và tử vong, nhiều hoạt động kinh tế bị đóng băng. Bối cảnh đó đã đặt ra yêu cầu cấp bách buộc Việt Nam và các nước phải cùng nhau hợp tác để ứng phó với những thách thức chung. 

Trong bối cảnh hiện nay, không một quốc gia nào có thể phát triển, tồn tại biệt lập an toàn mà không có sự hợp tác, gắn kết, đặc biệt khi bùng phát dịch bệnh lại càng cần thiết có sự phối hợp về y tế giữa các nước. Các dịch bệnh truyền nhiễm đe dọa tới “môi trường sinh tồn và phát triển của cộng đồng xã hội và công dân của mỗi quốc gia trong mối quan hệ chặt chẽ với khu vực và thế giới”(4)

Việt Nam - Campuchia là hai nước láng giềng có trên một nghìn km đường biên giới chung. Các hoạt động giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội giữa hai nước diễn ra sôi động nhất là tại các khu vực biên giới. Do vậy, khi các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm xuất hiện khả năng lây nhiễm qua biên giới giữa hai nước là rất cao. Việc hợp tác quốc tế về y tế trở thành yêu cầu bắt buộc đối Việt Nam - Campuchia, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển đất nước, bảo đảm an sinh xã hội của nhân dân hai nước.

2. Kết quả hợp tác Việt Nam - Campuchia trong lĩnh vực Y tế

Triển khai đường lối đối ngoại từ năm 1986 tới nay, bên cạnh chủ trương đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại, Việt Nam luôn đặc biệt chú trọng thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác cùng có lợi với các nước láng giềng. Quan điểm này đã được Đảng ta khẳng định từ sớm. Đại hội VI của Đảng (tháng 12-1986), khẳng định: “Không ngừng củng cố và phát triển liên minh đặc biệt với hai nước Lào và Campuchia, coi đó là nghĩ vụ quốc tế thiêng liêng, là nhiệm vụ có tầm quan trọng chiến lược gắn liền với lợi ích sống còn của độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội của ba nước anh em trên bán đảo Đông Dương”(5)

Trong quan hệ đối với Campuchia, Việt Nam xác định phương châm hợp tác là: “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bề vững lâu dài”(6).

Quan hệ hợp tác Việt Nam - Campuchia đã được đẩy mạnh toàn diện trên nhiều lĩnh vực, đạt được nhiều thành tựu và dần đi vào chiều sâu. Trong đó, hợp tác về Y tế là một nội dung quan trọng được hai bên tích cực thúc đẩy, điều này được thể hiện qua nhiều lần trong quá trình đẩy lùi các bệnh dịch truyền nhiễm nguy hiểm, như: Dịch SARS năm 2002-2004Đại dịch cúm H1N1 năm 2009; Dịch MERS năm 2012Dịch bệnh Ebola tại châu Phi năm 2014Bùng phát virus Zika năm 2015-2016Đại dịch Covid-19 năm 2019...

  Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát, lây lan trên toàn cầu và gây ra hậu quả nghiêm trọng, mặc dù, Việt Nam - Campuchia đều là nước có nguồn lực hạn chế nhưng với tinh thần tương thân tương ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau trong khó khăn, hai nước đã hỗ trợ nhau kịp thời, hiệu quả trong công tác phòng chống đại dịch. Điều đó thể hiện tính nhất quán trong chính sách đối ngoại của Việt Nam - Campuchia, đó là sự ưu tiên trong quan hệ với các nước láng giềng. Nhờ vậy, đại dịch Covid-19 ở Việt Nam - Campuchia đã được kiểm soát hiệu quả, góp phần quan trọng vào quá trình khôi phục và phát triển kinh tế của mỗi nước. 

Thứ nhất, về trao đổi nguồn nhân lực trong lĩnh vực y tế

Trước năm 1991, mặc dù Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do hậu quả chiến tranh để lại và chính sách bao vây về kinh tế, cô lập về chính trị của Mỹ, nhưng nhiều nội dung về hợp tác y tế giữa Việt Nam - Campuchia đã được triển khai. Đặc biệt, “Việt Nam đã viện trợ không hoàn lại hàng trăm tấn thuốc chữa bệnh cho nhân dân Campuchia”(7). Điều đó thể hiện tầm quan trọng của Campuchia trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Từ năm 1991, hợp tác Việt Nam và Campuchia đã được chính phủ hai nước tích cực triển khai toàn diện trên nhiều lĩnh vực, ở nhiều cấp độ. Do vậy, hợp tác về y tế có điều kiện thuận lợi để mở rộng. Nhiều nội dung hợp tác đã được hên bên chú trọng thúc đẩy như: trao đổi chia sẻ thông tin y tế; hợp tác trong đào tạo cán bộ y, bác sĩ; giúp đỡ nhau trong một số vấn đề y tế cộng đồng v.v..

Việt Nam - Campuchia là quốc gia đang tiến hành CNH, HĐH, khôi phục đất nước sau nhiều năm bị chiến tranh tàn phá. nguồn lực nói chung cho phát triển kinh tế, xã hội của hai nước còn hạn chế, đặc biệt là khu vực các tỉnh biên giới. Do vậy, với tinh thần đồng chí, đồng đội giúp bạn như giúp mình, trong những năm qua Việt Nam đã thường xuyên tiếp nhận khám chữa bệnh cho nhiều người dân Campuchia tại các cơ sở y tế trên tuyến biên giới, “Trung bình hàng năm có khoảng 3500 lượt bệnh nhân Campuchia sang chữa tại các cơ sở y tế Việt Nam với mức phí như bệnh nhân Việt Nam”(8)

Tuy nhiên, các bệnh nhân Campuchia sang Việt Nam khám, chữa bệnh chủ yếu mang tính tự phát, lại bất đồng ngôn ngữ và nguồn kinh phí hỗ trợ việc miễn giảm viện phí cho công dân nước bạn còn hạn chế, nên công tác này còn gặp nhiều khó khăn.

Để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong hợp tác y tế giữa hai nước, đáp ứng yêu cầu cấp bách từ thực tiễn, trong Thông cáo chung về Hội nghị Hợp tác và Phát triển các tỉnh biên giới Việt Nam - Campuchia lần thứ sáu diễn ra tại Campuchia (từ ngày 02 đến ngày 03-8-2010) nêu rõ: “Việt Nam sẵn sàng tiếp nhận khám chữa bệnh cho nhân dân Campuchia như người dân Việt Nam và cử cán bộ y tế sang khám, chữa bệnh cho nhân dân Campuchia ở các khu vực biên giới; Việt Nam tiếp tục hỗ trợ thuốc men, trang thiết bị y tế và đào tạo cán bộ y tế cho các tỉnh biên giới của Campuchia. Về phía Campuchia hoan nghênh doanh nghiệp Việt Nam hợp tác với doanh nghệp tư nhân Campuchia đầu tư xây dựng bệnh viện tại Campuchia”(9). Sự kiện này đã đánh dấu bước phát triển mới trong hợp tác y tế của hai nước. Y tế trở thành một trong những lĩnh vực quan trọng trong ưu tiên hợp tác giữa hai nước nhằm nâng cao chất lượng, năng lực khám chữa bệnh cho các cơ sở y tế, nhất là khu vực biên giới, đồng thời tạo điều kiện cho hợp tác song phương giữa các cơ sở, đơn vị y tế của Việt Nam với các đơn vị, cơ sở y tế Campuchia.

Năm 2010, Bệnh viện Chợ Rẫy - Phnôm Pênh đã được khởi công xây dựng và đi vào hoạt động năm 2014 không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân Campuchia khám, chưa bệnh mà còn đánh dấu bước tiến trong hợp tác y tế giữa hai nước. Bệnh viện Chợ Rẫy - Phnôm Pênh còn có ý nghĩa quan trọng trong việc củng cố tình hữu nghị, hợp tác lâu bền giữa Việt Nam và Campuchia, là bằng chứng lịch sử cho mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước. 

Thứ hai, về đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực y tế

Năm 1982, Đại học Y Thái Bình đã tiếp nhận đào tạo bác sĩ cho Campuchia(10). Sau hơn 40 năm thực hiện nhiệm vụ đào tạo quốc tế, Đại học Y Thái Bình đã đào tạo 597 bác sĩ cho nước bạn Campuchia (11). Ngoài Đại học Y Thái Bình, Đại học Y Hà Nội, Đại học Dược Hà Nội và Đại học Dược Thành phố Hồ Chí Minh cũng tham gia đào tạo bác sĩ cho nước bạn. Với những kết quả đạt được, công tác đào tạo nguồn nhân lực đã có những đóng góp quan trọng vào hợp tác y tế giữa Việt Nam - Campuchia những năm qua, đồng thời góp phần quan trọng trong việc củng cố, vun đắp tình đoàn kết lâu dài, hữu nghị truyền thống giữa hai nước.

Thứ ba, trong lĩnh vực y tế dự phòng

Hai bên đã có sự phối hợp chặt chẽ trong công tác kiểm dịch tại các khu vực biên giới, cửa khẩu hai nước. Nhờ vậy, trong các lần bùng phát bệnh dịch tại hai nước đã hạn chế được sự lây lan giữa hai nước. Trước những diễn biến phức tạp của các loại dịch bệnh truyền nhiễm, để hạn chế tối đa tình trạng bệnh dịch lây lan qua biên giới, năm 2006, Việt Nam và Campuchia đã ký kết Hiệp định kiểm dịch y tế biên giới, nhằm bảo vệ sức khỏe cho người dân, tạo điều kiện cho việc đi chuyển qua biên giới và ngăn chặn sự lây lan của các loại bệnh dịch truyền nhiễm trên cơ sở các quy định của Điều lệ Y tế quốc tế (năm 2005). Thực hiện Hiệp định hợp tác y tế giữa Việt Nam - Campuchia được củng cố và đi vào chiều sâu. Hai bên đã thường xuyên chia sẻ thông tin về các bệnh dịch truyền nhiễm nguy hiểm. Qua đó, chủ động chuẩn bị phương án để ngăn chặn, phòng ngừa, “đặc biệt đã ngăn chặn triệt để bệnh sốt xuất huyết, sốt rét, bệnh tả, cúm H5N1 và cúm A/H1N1”(12)

Cuối tháng 01-2020, Việt Nam và Campuchia đều ghi nhận những ca nhiễm Covid-19 đầu tiên. Trước sự diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, hai nước đã có sự chia sẻ thông tin liên tục, kiểm soát biên giới chặt chẽ và có sự hỗ trợ cần thiết nhằm hạn chế tối đa sự lây lan của dịch bệnh. 

Đầu năm 2020, sau khi Đại dịch Covid-19 lây lan, bùng phát trên toàn cầu đã làm cho hệ thống y tế của nhiều quốc gia rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng. Các loại vật tư y tế như: quần áo bảo hộ, găng tay và đặc biệt là khẩu trang y tế khan hiếm, làm cho công tác phòng, chống dịch của các nước gặp rất nhiều khó khăn. Trong bối cảnh đó, Việt Nam đã liên tiếp thực hiện hỗ trợ Campuchia với tinh thần giúp bạn như giúp mình. 

Tháng 04-2020, Việt Nam đã tặng Campuchia nhiều vật tư, thiết bị y tế, gồm hệ thống xét nghiệm và sinh phẩm xét nghiệm Covid-19, quần áo bảo hộ, khẩu trang y tế, khẩu trang kháng khuẩn và các khoản hỗ trợ tài chính trị giá 500 nghìn USD.  Sau đó, trước sự diễn biến phức tạp của Đại dịch Covid-19 tại Campuchia, ngày 20-5-2021, Việt Nam tiếp tục trao tặng vật tư, thiết bị y tế, gồm 800 máy thở, 2 triệu khẩu trang y tế và 300 nghìn khẩu trang N95 cho Campuchia để ứng phó với Đại dịch Covid-19(13). Qua đó, góp phần vào công tác chống dịch của Campuchia đạt nhiều kết quả tích cực, dịch bệnh dần được kiểm soát.

Ở chiều ngược lại, sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát tại Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam trở thành một điểm nóng về dịch bệnh. Ngày 17-07-2021, Campuchia “thông báo tặng 1 triệu khẩu trang thường, 100.000 khẩu trang N95, 100 máy tạo ôxy và 200.000 USD hỗ trợ Việt Nam ngăn chặn đại dịch COVID-19”(14). Hội Chữ Thập đỏ Campuchia và Hội Hữu nghị Campuchia - Việt Nam cũng đã gửi tặng hàng chục nghìn USD để giúp Việt Nam chống dịch. Đặc biệt, để góp phần giúp Việt Nam nhanh chóng kiểm soát Đại dịch Covid-19, ngày 29-10-2021, Campuchia đã trao tặng 200.000 liều vaccine Vero Cell cho Việt Nam(15). Ngoài ra, hợp tác Việt Nam - Campuchia trong phòng, chống Đại dịch Covid-19 còn được thông qua các cơ chế hợp tác của ASEAN. 

Như vậy, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát, lây lan trên toàn cầu và gây ra hậu quả nghiêm trọng, mặc dù, Việt Nam - Campuchia đều là nước có nguồn lực hạn chế nhưng với tinh thần tương thân tương ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau trong khó khăn, hai nước đã hỗ trợ nhau kịp thời, hiệu quả trong công tác phòng chống đại dịch. Điều đó thể hiện tính nhất quán trong chính sách đối ngoại của Việt Nam - Campuchia, đó là sự ưu tiên trong quan hệ với các nước láng giềng. Nhờ vậy, đại dịch Covid-19 ở Việt Nam - Campuchia đã được kiểm soát hiệu quả, góp phần quan trọng vào quá trình khôi phục và phát triển kinh tế của mỗi nước. 

3. Triển vọng hợp tác Việt Nam - Campuchia trong lĩnh vực y tế 

Sau khi Hiệp định Hòa bình toàn diện Campuchia được ký tháng 10-1991, quan hệ Việt Nam - Campuchia tiếp tục có những bước phát triển mới, mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước ngày càng được củng cố, phát triển. Hợp tác Việt Nam - Campuchia ngày càng được mở rộng và đạt được nhiều thành tựu, mở ra nhiều triển vọng, tiềm năng hợp tác giữa hai nước còn rất lớn, điều này đòi hỏi sự quyết tâm từ cả hai quốc gia. Trong đó, hợp tác trong lĩnh vực y tế cần được quan tâm thúc đẩy hơn nữa giữa, đây là một trong những lĩnh vực đầy triển vọng:

Năm 2015, Cộng Đồng ASEAN chính thức được thành lập với 03 trụ cột chính là: Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN (APSC), Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN (ASCC). Đây là dấu mốc quan trọng trong tiến trình liên kết của các quốc gia ở khu vực Đông Nam Á, thể hiện quyết tâm xây dựng ASEAN thành khu vực hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng. Đây là một động lực quan trọng thúc đẩy hợp tác giữa các nước ASEAN nói chung, trong đó có quan hệ Việt Nam - Campuchia lên nấc thang mới. Điều đó tạo điều kiện cho hợp tác y tế giữa hai nước tiếp tục phát triển, mở rộng, tăng cường hợp tác trong lĩnh vực y tế sẽ giúp hai nước khắc phục những hạn chế, yếu kém của hệ thống y tế nước mình tại các khu vực biên giới. Điều này, góp phần quan trọng bảo đảm an sinh xã hội cho người dân và đảm bảo an ninh khu vực biên giới, tạo điều kiện cho hai nước thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực khác như: kinh tế, thương mại, giáo dục - đào tạo, du lịch...

Cùng với quá trình giao lưu, hội nhập quốc tế là sự xuất hiện ngày càng nhiều các loại bệnh dịch truyền nhiễm. Nên hợp tác quốc tế trong lĩnh vực y tế đã và đang trở thành xu thế tất yếu, là một chủ đề trọng tâm được các nước thảo luận trong các diễn đàn hợp tác song phương, đa phương. Sự xuất hiện, bùng phát và lây nhiễm Đại dịch Covid-19 cho thấy không một quốc gia nào thật sự an toàn trong một thế giới bất ổn. Do vậy, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực y tế nói chung, trong phòng, chống các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nói riêng ngày càng trở nên cấp thiết, là chìa khóa bảo đảm sự phát triển ổn định, thịnh vượng của nhân loại. Việt Nam - Campuchia là những quốc gia đang phát triển có nguồn lực hạn chế, nên nhu cầu về hợp tác quốc tế trong ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển bền vững của hai nước.

Hợp tác trong đào tạo cán bộ ngành y tế đã được hai nước Việt Nam - Campuchia triển khai nhiều năm. Tuy nhiên, số lượng lưu học sinh trong ngành y tế giữa hai nước còn ít, chưa tương xứng với tiềm năng. Do vậy, hợp tác trong đào tạo cán bộ ngành y tế cần được chính phủ hai nước tích cực thúc đẩy, triển khai trong thời gian tới, hứa hẹn nhiều tiềm năng, triển vọng trong hợp tác Y tế giữa Việt Nam - Campuchia trong thời gian tới.

Với tinh thần “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài”, quan hệ Việt Nam - Campuchia luôn được Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước vun đắp, dần đi vào chiều sâu. Đây là cơ sở nền tảng quan trọng để hợp tác giữa hai nước tiếp tục phát triển trên cơ sở hai bên cùng có lợi. Y tế là một trong những lĩnh vực quan trọng trong hợp tác Việt Nam - Campuchia, góp phần quan trọng bảo đảm an sinh xã hội, bảo đảm an ninh ở khu vực biên giới Việt Nam - Campuchia. 

_________________

Ngày nhận bài: 16-3-2023; Ngày bình duyệt: 19-3-2023; Ngày duyệt đăng: 4-7-2023.

 

(1) Xem: Quan điểm của Đảng về phát huy nhân tố con người trong phát triển đất nướchttps://www.xaydungdang.org.vn/dien-dan/quan-diem-cua-dang-ve-phat-huy-nhan-to-con-nguoi-trong-phat-trien-dat-nuoc-12380, truy cập ngày 15-05-2023.

(2) ĐCSVN: Văn kiện Đảng toàn tập, t.52, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, tr.523.

(3) Xem: Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25-10-2017, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc ​và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới.

(4) Tạ Ngọc Tấn: An ninh quốc gia những vấn đề an ninh phi truyền thống, Nxb Chính trị - Hành chính, Hà Nội, 2013, tr.5.

(5) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb Sự Thật, Hà Nội, 1987, tr.214.

(6) Sơn Ninh - Như Ngọc: Hợp tác Việt Nam - Campuchiahttps://special.nhandan.vn/hoptac_vietnam_campuchia/index.html, truy cập ngày 12-02-2023.

(7), (8), (9), (10), (12) Trần Xuân Hiệp: 50 năm quan hệ Việt Nam - Campuchia thành tựu và triển vọng, Nxb Thông tin và Truyền thông, Hà Nội, 2018, tr.196,197, 198, 205, 208.

(11) Lễ trao bằng tốt nghiệp cho các lưu học sinh nước CHDCND Lào, Vương quốc Campuchia và Cộng hòa Mô-dăm-bích năm 2022http://tbump.edu.vn/index.php/vi/news/Tin-tuc-hoat-dong/Le-trao-bang-tot-nghiep-cho-cac-luu-hoc-sinh-nuoc-CHDCND-Lao-Vuong-quoc-Campuchia-va-Cong-hoa-Mo-dam-bich-nam-2022-1471.html, Truy cập ngày 22-02-2023.

(13) BNG: Việt Nam tiếp tục hỗ trợ Campuchia ứng phó dịch COVID-19https://baochinhphu.vn/viet-nam-tiep-tuc-ho-tro-campuchia-ung-pho-dich-covid-19-102292669.htm, Truy cập ngày 22-02-2023.

(14) Song Minh: Campuchia hỗ trợ Việt Nam phòng, chống dịch Covid-19https://laodong.vn/thoi-su/campuchia-ho-tro-viet-nam-phong-chong-dich-covid-19-931589.ldo, Truy cập ngày 22-02-2023.

(15) BNG: Chính phủ Campuchia tặng Việt Nam 200.000 liều vaccine phòng COVID-19https://baochinhphu.vn/chinh-phu-campuchia-tang-viet-nam-200000-lieu-vaccine-phong-covid-19-102303050.htm, Truy cập ngày 22-02-2023.

ThS NGUYỄN VĂN SƠN 

Viện Quan hệ quốc tế,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền