Trang chủ    Quốc tế    Quản lý xã hội trong xây dựng nông thôn mới ở Lào (Qua thực tiễn tỉnh Bolikhamxay)
Thứ ba, 04 Tháng 7 2023 13:40
543 Lượt xem

Quản lý xã hội trong xây dựng nông thôn mới ở Lào (Qua thực tiễn tỉnh Bolikhamxay)

(LLCT) - Thời gian qua, quản lý xã hội (QLXH) trong xây dựng nông thôn mới (XDNTM) ở Lào nói chung, tỉnh Bolikhamxay nói riêng bước đầu đạt được nhữngkết quả quan trọng, tác động tích cực tới xây dựng và phát triển nông thôn. Tuy nhiên, qua thực tế khảo sát 500 cán bộ lãnh đạo quản lý và người dân tại 6 huyện của tỉnh Bolikhamxay năm 2021 về QLXH trong XDNTM trên địa bàn tỉnh cho thấy còn nhiều rào cản, bất cập trong công tác này. Trên cơ sở phân tích làm rõ những động lực thúc đẩy, các rào cản đối với QLXH trong XDNTM từ phương diện thể chế, cơ chế chính sách cũng như đặc điểm, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, bài viết đề xuất một số giải pháp phù hợp nhằm phát huy hiệu quả QLXH trong XDNTM ở Lào nói chung, ở tỉnh Bolikhamxay nói riêng.

Khu dân cư ở thị trấn Lak Sao, huyện Khamkeuth, tỉnh Bolikhamxay, Lào - Ảnh: IT

1. Các yếu tố động lực thúc đẩy hoạt động quản lý xã hội trong xây dựng nông thôn mới

Một là, phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn là một trong những chủ trương của Đảng và Nhà nước Lào, trong đó, mục tiêu lớn, quan trọng hiện nay là thực hiện tốt chương trình XDNTM. Đảng và Nhà nước Lào đã ban hành nhiều nghị quyết, văn bản quy phạm pháp luật triển khai thực hiện XDNTM. Quá trình thực hiện cho thấy, chủ trương của Đảng, hệ thống chính sách pháp luật của Nhà nước đang ngày càng hoàn thiện khá đồng bộ và là các công cụ pháp lý trong QLXH ở nông thôn thời gian qua. Điều đó có tác động tích cực đến QLXH trong XDNTM trên địa bàn tỉnh Bolikhamxay cũng như trên cả nước Lào.

Hai là, sự vào cuộc quyết liệt của các chủ thể QLXH trong hoạt động XDNTM. Đây là động lực quan trọng tạo bước chuyển biến rõ nét trong quá trình XDNTM ở tỉnh. Các chủ thể quản lý XDNTM bao gồm: cấp ủy đảng; chính quyền; Mặt trận Lào xây dựng đất nước; các tổ chức chính trị - xã hội; Ban chỉ đạo XDNTM; Ban giám sát cộng đồng; Ban Quản lý XDNTM; Ban phát triển thôn; Ban thanh tra nhân dân; Tổ chức kinh tế, doanh nghiệp trên địa bàn; Tổ chức xã hội, tự nguyện trên địa bàn; cá nhân người dân; Hộ gia đình. Các chủ thể này được phát huy đã tạo sự thống nhất cao trong nhận thức và hành động, cũng như có nhiều điều kiện thuận lợi trong quá trình triển khai, phối hợp thực hiện. Việc phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị đã nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động XDNTM, tạo động lực quan trọng giúp tỉnh Bolikhamxay có những bước chuyển mạnh mẽ trong hoạt động XDNTM.

Ba là, việc thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Bolikhamxay đã phát huy vai trò tự quản của cộng đồng, tính tích cực chính trị của công dân. Hiện nay, quan hệ cộng đồng và cá nhân ở nông thôn là quan hệ mang tính trực tiếp với Nhà n­ước, với thể chế chính trị dân chủ nhân dân được thể chế hóa; cá nhân được tạo điều kiện phát triển và khẳng định. Cơ chế thực hiện dân chủ trong XDNTM có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc thúc đẩy QLXH trong XDNTM ở tỉnh. Hoạt động tự quản không chỉ trợ giúp, bổ sung cho các cấp chính quyền địa phương trong QLXH mà còn tạo bước chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của mọi người dân về pháp luật, góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện quy chế ở cơ sở cũng như nâng cao chất lượng tự quản của cộng đồng dân cư.

Bốn là, việc xây dựng và thực hiện quy ước của cộng đồng nông thôn thời gian qua có ý nghĩa thiết thực với hoạt động QLXH tại cơ sở, góp phần đưa chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống, qua đó nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, phát huy và mở rộng dân chủ tại cơ sở; đồng thời bảo tồn, phát huy truyền thống văn hóa các bộ tộc Lào, và mặt khác, hình thành những giá trị, chuẩn mực xã hội tương đối phù hợp với truyền thống, bản sắc của địa phương. Qua khảo sát cho thấy, việc thực hiện các quy ước đã góp phần quan trọng bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội tại cơ sở; phát huy quyền tự do, dân chủ, khuyến khích, tạo điều kiện để người dân thực hiện tốt các quyền và nghĩa vụ; đồng thời giúp họ tham gia, giám sát hoạt động XDNTM.

Năm là, khảo sát cho thấy, các cơ quan, tổ chức xã hội đã có những vai trò cụ thể trong XDNTM, nổi bật là: (1) bảo vệ lợi ích và quyền lợi hợp pháp, chính đáng của cộng đồng và cá nhân; (2) đoàn kết, tập hợp người dân nhằm phát huy dân chủ trong đời sống xã hội; (3) tham gia nâng cao trình độ, năng lực, phát triển giáo dục của cộng đồng và cá nhân; (4) góp phần tích cực trong bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa truyền thống và đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí; (5) tham gia, góp phần chăm sóc sức khỏe người dân và phát triển thể lực; (6) góp phần quan trọng vào phát triển tình cảm, đời sống tinh thần của cộng đồng.

Sáu là, ảnh hưởng của nhu cầu, niềm tin trong xã hội đối với chương trình XDNTM là một chỉ số tác động tích cực đối với QLXH ở nông thôn tỉnh Bolikhamxay. Chương trình mục tiêu của quốc gia trong thực hiện XDNTM là chương trình lớn, có liên quan trực tiếp đến tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. XDNTM là quá trình phổ biến và xây dựng niềm tin cho người dân nông thôn về nhu cầu, khả năng, cách thức và mục tiêu phát triển toàn diện, bền vững và phù hợp với từng cộng đồng. Khi có niềm tin vào chương trình XDNTM, người dân sẽ tự giác, tích cực tự nguyện tham gia trực tiếp vào các hoạt động XDNTM.

Bảy là, trình độ học vấn, kinh nghiệm quản lý, tính tích cực chính trị của đội ngũ cán bộ cấp cơ sở, điều kiện kinh tế khá giả của hộ gia đình của cán bộ, đảng viên là yếu tố có tác động tích cực đến QLXH trong XDNTM. Khảo sát cho thấy, trình độ học vấn, kinh nghiệm quản lý, tính tích cực chính trị của đội ngũ cán bộ, đảng viên đang ngày càng được nâng cao. Cán bộ, đảng viên chính là cầu nối quan trọng trong mối quan hệ giữa chính sách XDNTM của Đảng, Nhà nước với người dân nông thôn.

Tám là, tính cộng đồng ở nông thôn cao hơn so với ở khu vực đô thị. Hầu hết các bản có sự gắn bó chặt chẽ với nhau, là những cộng đồng dân cư tồn tại lâu đời về cách thức sản xuất - kinh doanh, văn hóa, kinh tế, xã hội, phong tục, tập quán, huyết thống,... Các mối quan hệ trong phạm vi cộng đồng nông thôn thường được điều chỉnh bằng các quy định khác nhau (luật tục, tập quán, phong tục,...) và các thiết chế khác nhau (quỹ, hội, tổ chức xã hội, thôn/làng, họ mạc,...), có tính phi chính thức/ chính thức, trong đó phải kể đến những thiết chế và quy định do các thành viên trong cộng đồng lập ra như hội, quỹ... Do vậy, khả năng áp dụng QLXH ở nông thôn sẽ thuận lợi hơn so với đô thị trên các phương diện khác nhau của đời sống xã hội.

2. Các yếu tố rào cản đối với hoạt động quản lý xã hội trong xây dựng nông thôn mới

Một là, những bất cập, hạn chế của hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến QLXH trong XDNTM hiện vẫn là rào cản đối với QLXH trong XDNTM ở Bolikhamxay. Khảo sát cho thấy, có 67,2% ý kiến cho rằng, những quy định cụ thể về “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” mới chỉ mang tính phổ biến thông tin chung chứ chưa có quy định cụ thể trong thực hiện dân chủ và chưa thực sự “thẩm thấu” vào các quy định của bản với đặc điểm riêng của từng cộng đồng dân cư. 

Hai , yếu kém trong nhận thức, tư duy, tâm lý, thói quen và trình độ chuyên môn học vấn… của các chủ thể QLXH ở nông thôn trong XDNTM có ảnh hưởng trực tiếp, làm hạn chế hiệu quả, chất lượng và hiệu lực QLXH. Khảo sát cho thấy, tại một số địa phương, không ít quần chúng nhân dân và cán bộ, đảng viên quen với lối tư duy chủ quan, tùy tiện, manh mún mà dẫn đến việc quy hoạch, xây dựng và phát triển nông thôn thiếu tính hệ thống, thiếu tính liên kết.   Phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn là một trong những chủ trương của Đảng và Nhà nước Lào, trong đó, mục tiêu lớn, quan trọng hiện nay là thực hiện tốt chương trình XDNTM. Đảng và Nhà nước Lào đã ban hành nhiều nghị quyết, văn bản quy phạm pháp luật triển khai thực hiện XDNTM. Quá trình thực hiện cho thấy, chủ trương của Đảng, hệ thống chính sách pháp luật của Nhà nước đang ngày càng hoàn thiện khá đồng bộ và là các công cụ pháp lý trong QLXH ở nông thôn thời gian qua.

Ba là, thiếu sự cam kết chính trị đối với phương thức QLXH trong XDNTM. Có 66% ý kiến khảo sát cho rằng, phương thức QLXH trong XDNTM mặc dù đã có những kết quả nhất định, tuy nhiên vẫn còn thiếu cam kết chính trị, chưa thực sự lan tỏa, phát huy hiệu lực, hiệu quả trong thực tiễn ở nông thôn.Qua khảo sát nhận thấy, những dấu hiệu về sự cam kết chính trị còn chưa đủ mạnh và có tính pháp lý cao đối với phương thức QLXH. Ở không ít địa phương, cấp ủy đảng làm thay chính quyền, chính quyền làm thay người dân. Trong khi đó, ở một số thôn, bản còn tồn tại tình trạng quy ước của bản chưa thống nhất với pháp luật của Nhà nước. Trong nhiều quy ước làng còn có quy định việc xử phạt trái pháp luật hoặc hạn chế quyền công dân, quyền con người.

Mặc khác, trong hoạt động của bộ máy chính quyền địa phương hiện nay, mặc dù đã có những thay đổi nhất định, tuy nhiên sự ảnh hưởng của văn hóa hành chính, quan liêu bao cấp còn khá nặng nề. Những tác động tiêu cực từ tệ nạn quan liêu, tham nhũng ở nông thôn cũng đang là một nhân tố cản trở phương thức QLXH trong XDNTM dẫn đến phương thức QLXH, mà trong đó bao hàm sự tham gia của nhân dân trở nên hình thức, các phản hồi thông tin và kênh thông tin liên quan đến quá trình XDNTM bị trì hoãn, méo mó và không cân xứng ở không ít địa phương.

Một số địa phương còn có tư tưởng cục bộ, bè phái tập tục. Đây là một trong những nguyên nhân khiến cho một số quy định, chính sách pháp luật liên quan đến XDNTM đi vào thực tế đời sống còn chậm hoặc bị khúc xạ.

Mặt trái của dân chủ cộng đồng dân cư tự quản và tính tự trị cộng đồng hiện cũng gây cản trở đối với việc triển khai phương thức QLXH trong XDNTM. Khảo sát cho thấy, có 67,1% ý kiến cho rằng, tính chất tự trị của bản hiện nay đang tạo thành thứ “di sản” tinh thần tồn tại dai dẳng và ảnh hưởng không nhỏ tới các nỗ lực hiện đại hóa.

Bốn là, tình trạng “ưa thành tích” trong XDNTM khiến một số địa phương, trong hoạt động XDNTM đã bỏ qua một số nguyên tắc, quy định, nội dung, thậm chí coi nhẹ chất lượng, hiệu quả các công trình, hạng mục trong XDNTM với mong muốn đi đầu về thời gian hoàn thành cũng như số lượng các tiêu chí XDNTM. Khảo sát cho thấy, có 45,2% số người trả lời đây là rào cản rất lớn đối với QLXH trong XDNTM, trong đó có 30,4% đánh giá bệnh “ưa thành tích” là rào cản lớn và 14,8% đánh giá ở mức độ vừa phải.

Năm là, những hệ quả tiêu cực của quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực nông thôn trong những năm qua là yếu tố tạo nên rào cản đối với QLXH ở nông thôn trong XDNTM ở Bolikhamxay. Sự phát triển của nền kinh tế thị trường đã làm nảy sinh nan giải các vấn đề xã hội ở nông thôn như: tình trạng thiếu việc làm, phân hóa giàu - nghèo, mất đoàn kết, xung đột xã hội, ô nhiễm và suy thoái môi trường có chiều hướng gia tăng; chưa chú trọng xây dựng phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc; tội phạm ở nông thôn có chiều hướng gia tăng, tệ nạn cờ bạc, ma túy, mại dâm, tình trạng bạo hành gia đình ở nông thôn còn diễn biến phức tạp.

Khảo sát cho thấy, có 71,8% ý kiến khẳng định có biểu hiện xung đột lợi ích, giá trị xã hội và cơ hội phát triển giữa các nhóm dân cư trong cộng đồng. Trong XDNTM ở Bolikhamxay có tình trạng xung đột giữa các nhóm xã hội theo mức độ đóng góp của hộ gia đình. Những gia đình đóng góp ít, hoặc không có đóng góp có thể không có tiếng nói trong cộng đồng. Thậm chí có vụ việc gây rạn nứt quan hệ dòng họ, gia đình… ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự tại địa phương. Tình trạng này tạo nên sự phức tạp, khó khăn trong QLXH ở nông thôn.

Sáu là, mặc dù đã có những biến chuyển tích cực, tuy nhiên cơ sở xã hội của hoạt động QLXH trong quá trình XDNTM ở tỉnh Bolikhamxay còn nhiều hạn chế, như thông tin liên lạc, hệ thống internet chưa đáp ứng được yêu cầu và không đồng đều giữa các cộng đồng. Số liệu khảo sát thực tế cho thấy, có 72,6% ý kiến được hỏi thừa nhận khó khăn về tiếp cận thông tin liên quan đến vấn đề QLXH ở nông thôn. Trong khi đó, quản lý theo mô hình truyền thống, như tập trung quyền lực, quyền lực một chiều vẫn còn đang đậm nét trong không ít cá nhân và tổ chức công quyền ở khu vực nông thôn.

3. Giải pháp thúc đẩy quản lý xã hội trong xây dựng nông thôn mới

Thứ nhất, nhóm giải pháp về hoàn thiện các thể chế, chính sách liên quan trực tiếp đến quản lý xã hội ở vùng nông thôn, gồm: “(1) cần thống nhất trong hành động và nhận thức của toàn xã hội, nhất là hệ thống chính trị các cấp về tầm quan trọng, vai trò của thể chế trong QLXH; (2) hoàn thiện hệ thống thể chế phát triển xã hội theo hướng tạo cơ chế cho chính quyền địa phương cấp cơ sở chủ động sắp xếp nguồn lực, xác định mục tiêu phát triển xã hội; đồng thời, tạo điều kiện cho các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, cá nhân tham gia QLXH một cách thiết thực, hiệu quả; (3) hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật về nhiệm vụ, chức năng của hệ thống chính trị cấp cơ sở ở khu vực nông thôn trong xây XDNTM; (4) thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở trong XDNTM; (5) tăng cường công khai, minh bạch và công bằng trong đánh giá vai trò thực thi QLXH qua hoạt động XDNTM của cấp cơ sở; (6) thiết lập hệ thống chế độ tự quản ở vùng nông thôn có sự điều chỉnh và quản lý của luật pháp; (7) xây dựng quan hệ trách nhiệm và cơ chế phối hợp giữa các bản nhằm mục đích tăng cường tính hiệu lực, hiệu quả của hoạt động QLXH trong XDNTM; (8) tích cực vận động tuyên truyền và hoàn thiện những cơ chế tham gia hoạt động QLXH ở vùng nông thôn.

Thứ hai, nhóm giải pháp liên quan trực tiếp đến các chủ thể tham gia hoạt động QLXH trong XDNTM, gồm: (1) nâng cao hơn nữa năng lực lãnh đạo và định hướng của tổ chức cơ sở đảng trong QLXH ở nông thôn; (2) tích cực đổi mới hoạt động, tổ chức của UBND, HĐND hướng đến vai trò thực hiện tốt các chức năng hoạt động QLXH ở nông thôn; (3) đổi mới hoạt động và tổ chức của các tổ chức chính trị - xã hội và Mặt trận nhằm mục đích phát huy hơn nữa vai trò của những chủ thể này trong hoạt động QLXH ở nông thôn; (4) xây dựng lực lượng cán bộ chuyên trách và đội ngũ cán bộ, công chức ở cấp cơ sở đáp ứng yêu cầu hoạt động QLXH ở nông thôn; (5) nâng cao hơn nữa hiệu quả, năng lực hoạt động của Ban Giám sát cộng đồng; Ban Phát triển thôn - các cá nhân và tổ chức giữ chức vụ trong QLXH của bản; (6) đổi mới phương thức hoạt động và kiện toàn tổ chức của các tổ chức xã hội tại khu vực dân cư (những tổ chức được thành lập bởi chương trình XDNTM và tổ chức vốn có của cộng đồng) nhằm mục đích phát huy hơn nữa vai trò chủ thể trong QLXH ở nông thôn; (7) phát huy vai trò và nâng cao năng lực của cộng đồng dân cư trong QLXH ở nông thôn; (8) nâng cao nhận thức về tầm quan trọng, vai trò của việc thực hiện hoạt động QLXH ở nông thôn cho các chủ thể tham gia QLXH ở nông thôn; (9) nâng cao hiệu quả trong hoạt động hiệp đồng, phối hợp giữa các chủ thể trong hoạt động QLXH XDNTM.

Thứ ba, nhóm giải pháp liên quan trực tiếp đến các phương tiện/công cụ trong QLXH ở khu vực nông thôn, gồm: (1) tăng cường hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật và các nội dung liên quan đến QLXH trong XDNTM; (2) tiếp tục phát huy vai trò của quy ước, quy định trong QLXH ở nông thôn nhằm thúc đẩy phương thức QLXH; (3) đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến về quy ước, vai trò của pháp luật trong hoạt động QLXH ở nông thôn; (4) tăng cường giải quyết dứt điểm mối quan hệ trực tiếp giữa quản lý và hình thức tự quản (giữa quy ước, luật tục và luật pháp); (5) thực hiện công tác kết hợp giữa pháp luật và đạo đức trong QLXH ở nông thôn; (6) xây dựng văn hóa tham gia hoạt động QLXH ở nông thôn đối với các chủ thể tham gia; (7) bảo đảm các điều kiện trang thiết bị, cơ sở vật chất, công cụ cho hoạt động QLXH ở nông thôn; (8) phát huy hiệu quả vai trò của công tác thi đua - khen thưởng trong hoạt động QLXH đối với XDNTM.

_________________

Ngày nhận bài: 16-5-2023; Ngày bình duyệt: 20-6-2023; Ngày duyệt đăng: 4-7-2023.

NCS KANHA SENTHAMMAVONG

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền