Trang chủ    Quốc tế    Nâng cao chất lượng giảng dạy tại Học viện Chính trị và Hành chính quốc gia Lào
Thứ ba, 04 Tháng 7 2023 07:41
577 Lượt xem

Nâng cao chất lượng giảng dạy tại Học viện Chính trị và Hành chính quốc gia Lào

(LLCT) - Nâng cao chất lượng giảng dạy tại Học viện Chính trị và Hành chính quốc gia Lào đáp ứng yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ trong bối cảnh mới của công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước là một yêu cầu cấp thiết hiện nay. Từ thực trạng giảng dạy tại Học viện Chính trị và Hành chính quốc gia Lào, bài viết đề xuất một số giải pháp nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng giảng dạy tại Học viện.

Học viện Chính trị và Hành chính quốc gia Lào - Ảnh: IT

1. Yêu cầu nâng cao chất lượng giảng dạy tại Học viện Chính trị và Hành chính quốc gia Lào hiện nay

Nâng cao chất lượng giảng dạy ở các cơ sở giáo dục nói chung, ở các cơ sở đào tạo bồi dưỡng lý luận chính trị nói riêng - trong đó có Học viện Chính trị và Hành chính quốc gia (CTHCQG) Lào, là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu để xây dựng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân (CHDCND) Lào. Cùng với quá trình đổi mới, giai đoạn hiện nay đang đặt ra những yêu cầu mới đối với công tác này, cụ thể:

Một là, nâng cao chất lượng giảng dạy nhằm đáp ứng yêu cầu mới trong công tác xây dựng đội ngũ cán bộ thuộc hệ thống chính trị

Từ khi thành lập và nhất là khi trở thành chính đảng cầm quyền và lãnh đạo đất nước đến nay, Đảng Nhân dân Cách mạng (NDCM) Lào luôn xác định: “Cán bộ là vấn đề cốt lõi của mọi công việc, họ là vốn quý báu của Đảng, của dân, họ là người quyết định kết quả thực hiện các chính sách của Đảng và pháp luật, quy định của Nhà nước. Nói chung, dù ở lĩnh vực công tác nào, tốt hay yếu, chậm hay nhanh, hiệu quả hay không đều do cán bộ là người quyết định”(1).

Đối với Nhà nước CHDCND Lào, trong bối cảnh nhất nguyên chính trị, Đảng NDCM Lào - là đảng lãnh đạo, cầm quyền, càng đặt ra yêu cầu cao trong quá trình đào tạo đội ngũ cán bộ cho Đảng. Không những vậy, bối cảnh mới đang đặt ra những yêu cầu rất cao đối với công tác xây dựng đội ngũ cán bộ của hệ thống chính trị để bảo đảm mục tiêu độc lập, dân chủ, thống nhất và thịnh vượng của đất nước cũng như hội nhập quốc tế.

Thực tiễn ở CHDCND Lào đặt ra yêu cầu ngày càng cao đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý cho Đảng và Nhà nước. Từ đó đặt ra yêu cầu mới hệ thống trường Đảng của Lào. Đại hội X của Đảng NDCM Lào (năm 2016) đã nhấn mạnh: “Đổi mới công tác xây dựng, bồi dưỡng, nâng cao đội ngũ cán bộ trong hệ thống trường Đảng, lấy nâng cao chất lượng, kiến thức lãnh đạo, tổ chức thực hiện là chính (không chạy theo số lượng, không chạy theo bằng cấp), khẩn trương đổi mới chương trình, nâng ngạch giảng viên, thay đổi phương pháp giảng dạy, quan tâm đến việc xét tuyển chỉ tiêu theo đúng kế hoạch và chỉ tiêu từng vị trí việc làm”(2).

Như vậy, việc nâng cao chất lượng giảng dạy là chìa khóa để công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của hệ thống chính trị đáp ứng được yêu cầu của bối cảnh mới ở nước CHDCND Lào hiện nay.

Hai là, nâng cao chất lượng giảng dạy nhằm đáp ứng yêu cầu cải cách, hoàn thiện bộ máy các cơ quan trong hệ thống chính trị

Học viện CTHCQG Lào trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng NDCM Lào, là một cơ sở giáo dục đặc biệt - cơ sở giáo dục về lý luận và tư tưởng chính trị. Học viện có nhiệm vụ đào tạo đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp chiến lược và lãnh đạo cao cấp về lý luận chính trị, chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Cayxỏn Phômvihẳn, nền tảng và lịch sử của Đảng, của dân tộc, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; bồi dưỡng cao cấp lý luận chính trị cho đội ngũ giáo viên giảng dạy lý luận chính trị trong hệ thống trường đảng và các cơ sở giáo dục khác…

Các học viên tại Học viện đều là đảng viên Đảng NDCM Lào, đa số là cán bộ, công chức đang đương chức, hoặc đã được quy hoạch vào các chức vụ trung cấp, cao cấp của các tổ chức đảng, đoàn thể ở thủ đô Viêng Chăn và các địa phương trên cả nước. Với vị trí và vai trò quan trọng như vậy, trong những năm qua, Học viện CTHCQG Lào luôn chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, viên chức có trình độ, năng lực, có phong cách làm việc khoa học. 

Trong giai đoạn hiện nay, cùng với nhiệm vụ của công cuộc cải cách hành chính, để đáp ứng yêu cầu mới về hoàn thiện bộ máy các cơ quan trong hệ thống chính trị, Nhà nước CHDCND Lào đã đặt ra yêu cầu mới đối với năng lực, trình độ của cán bộ, đó là, “Một người đảm nhận được nhiều công việc trong cơ quan, đơn vị” - nội dung này đã được Đảng và Chính phủ Lào nhiều lần nhấn mạnh.

Quá trình cải cách, hoàn thiện bộ máy các cơ quan trong hệ thống chính trị tại nước CHDCND Lào hiện đang cắt giảm khá lớn số lượng cán bộ, công chức. Điều này đòi hỏi phải từng bước xây dựng được đội ngũ cán bộ có năng lực chuyên sâu, đa năng trong thực hiện nhiệm vụ. Mặt khác, những tác động của tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong nước cũng đặt ra những yêu cầu ngày càng khắt khe hơn về đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp cũng như phong cách làm việc khoa học, dân chủ, gần dân, thân dân.

Như vậy, các yêu cầu trên đã và đang trực tiếp tác động đến công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý chất lượng cao nhằm phục vụ quá trình cải cách, hoàn thiện bộ máy các cơ quan trong hệ thống chính trị tại nước CHDCND Lào. Có được đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý chất lượng cao chính là căn cứ, nền tảng cho việc thực hiện thành công các mục tiêu trong Kế hoạch phát triển 5 năm lần thứ IX (2021 - 2025) của Đảng NDCM Lào, cũng như mục tiêu phát triển bền vững và đưa đất nước Lào ra khỏi danh sách các nước kém phát triển trong cuối thập niên này.

Ba là, nâng cao chất lượng giảng dạy góp phần nâng cao năng lực thực thi chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của đội ngũ cán bộ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới

Nhận thức rõ sự cấp thiết cần thực hiện tốt công tác xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, Đảng NDCM Lào đã và đang tiếp tục có những bước đột phá mới trong công tác phát triển nguồn nhân lực, quyết tâm thực hiện một cách đồng bộ, có hiệu quả; coi việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, có ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình phát triển đất nước, vận mệnh của dân tộc cũng như sự tồn vong của chế độ.

Học viện CTHCQG Lào là trung tâm quốc gia trong công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao trong hệ thống chính trị, trang bị cho đội ngũ cán bộ năng lực thực thi chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật trong thực tiễn. 

Trong giai đoạn hội nhập quốc tế hiện nay, có nhiều hoạt động đầu tư, trao đổi giữa Lào với các tổ chức, cá nhân nước ngoài ở tất cả các cấp, do vậy, đòi hỏi đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ nguồn cần được đào tạo bài bản để thực hiện đúng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nhằm bảo đảm sự tăng trưởng kinh tế. Điều này chỉ có thể được thực hiện hiệu quả khi công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Học viện CTHCQG Lào được nâng cao về chất lượng.   Quá trình cải cách, hoàn thiện bộ máy các cơ quan trong hệ thống chính trị tại nước CHDCND Lào hiện đang cắt giảm khá lớn số lượng cán bộ, công chức. Điều này đòi hỏi phải từng bước xây dựng được đội ngũ cán bộ có năng lực chuyên sâu, đa năng trong thực hiện nhiệm vụ. Mặt khác, những tác động của tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong nước cũng đặt ra những yêu cầu ngày càng khắt khe hơn về đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp cũng như phong cách làm việc khoa học, dân chủ, gần dân, thân dân.

Bốn là, nâng cao chất lượng giảng dạy nhằm đáp ứng sự thay đổi nhanh chóng cũng như cạnh tranh tri thức ngày càng sâu rộng của hoạt động giáo dục 

Nền giáo dục trên thế giới hiện nay được thúc đẩy bởi sự phát triển của tiến bộ khoa học công nghệ, từng bước bảo đảm sự thuận tiện trong tiếp nhận tri thức trên toàn thế giới. Giảng viên của bất kỳ quốc gia nào trên thế giới nói chung, cũng như của nước CHDCND Lào và Học viện CTHCQG Lào nói riêng, đang chịu những áp lực không nhỏ trong giảng dạy. Nguyên nhân bởi, bất kỳ một cá nhân nào cũng có cơ hội tiếp nhận tri thức về triết học, về chính trị học, về quản lý nhà nước, về pháp luật, tâm lý học cũng như các ngành học quan trọng khác của thế giới qua nhiều kênh, nhiều hình thức tiếp cận.  Do vậy, đội ngũ giảng viên của Học viện CTHCQG Lào phải thực sự có trình độ cao, bản lĩnh, lập trường vững vàng, mẫu mực, có khả năng truyền đạt kiến thức, khả năng phân tích, khả năng nghiên cứu, khả năng thuyết trình… ở trình độ cao để nâng cao chất lượng giảng dạy, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ của hệ thống chính trị có năng lực, trình độ cũng như có khả năng làm việc trong môi trường quốc tế.

Vì thế, Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện CTHCQG Lào cần quan tâm nâng cao chất lượng công tác xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, giảng viên, gồm: nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, kiến thức, năng lực và phương pháp giảng dạy, truyền đạt kiến thức cũng như làm việc thực tiễn… để hoàn thành sứ mệnh vẻ vang của mình, thực sự là những người truyền lửa giàu năng lực trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý cho các cấp, các ngành trung ương và địa phương.

2. Thực trạng chất lượng giảng dạy tại Học viện Chính trị và Hành chính quốc gia Lào 

Chất lượng giảng dạy tại Học viện CTHCQG Lào phụ thuộc vào nhiều yếu tố như chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên, việc tổ chức dạy và học, việc quản lý học viên trong quá trình học tập, nghiên cứu… Những năm qua, chất lượng giảng dạy tại Học viện CTHCQG Lào đã từng bước được nâng cao, góp phần to lớn vào quá trình xây dựng đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị của nước CHDCND Lào. Cụ thể: 

Thứ nhất, bảo đảm đầy đủ và chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên có năng lực, trình độ và phẩm chất đạo đức

Học viện CTHCQG Lào hiện có 12 vụ và tương đương cấp vụ, 38 đơn vị trực thuộc với 234 cán bộ, giảng viên, trong đó có 104 cán bộ, giảng viên nữ. Số giảng viên trực tiếp giảng dạy là 71, trong đó có 27 giảng viên nữ.

Việc nâng cao chất lượng giảng dạy tại Học viện CTHCQG Lào phụ thuộc lớn vào chất lượng của các cán bộ, giảng viên trong toàn Học viện. Nhận thức được vấn đề này, trong giai đoạn vừa qua, Học viện CTHCQG Lào đã đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên, tạo mọi điều kiện thuận lợi để nâng cao trình độ, năng lực bảo đảm về số lượng, chất lượng qua đó đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ giảng dạy.

Hiện Học viện CTHCQG Lào có 1 phó giáo sư, 24 tiến sĩ, 73 thạc sĩ, 129 cử nhân, 4 cao cấp lý luận chính trị, số còn lại có trình độ trung cấp và sơ cấp. Đặc biệt, để giúp đội ngũ cán bộ, giảng viên tại Học viện CTHCQG Lào bổ sung kiến thức thực tiễn, Học viện đã luân chuyển, điều động 3 cán bộ, giảng viên về cơ sở.

Học viện cũng chú trọng việc tuyển chọn cán bộ, giảng viên cử đi đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn các chuyên ngành ở cả trong và ngoài nước. Có 8 cán bộ, giảng viên được cử đi nâng cao trình độ ở trong nước; 15 cán bộ, giảng viên được cử đi nâng cao trình độ ở nước ngoài. Học viện CTHCQG Lào cũng tạo điều kiện để đội ngũ cán bộ, giảng viên tham gia vào các hoạt động khoa học, trao đổi kinh nghiệm trong nước và ngoài nước(3). 100% cán bộ, giảng viên được đánh giá hoàn thành xuất sắc và tốt nhiệm vụ được giao, đóng góp tích cực vào sự phát triển của Học viện. 

Tuy vậy, việc xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên kế cận có năng lực, trình độ cao cần tiếp tục được chú trọng hơn nữa, đặc biệt là trong nâng cao năng lực nghiên cứu, khả năng làm việc trong môi trường quốc tế. 

Học viện CTHCQG Lào luôn xác định phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, chính trị - tư tưởng của cán bộ, giảng viên là gốc, là ưu tiên hàng đầu trong hoạt động tổ chức lãnh đạo - chỉ đạo. Đội ngũ cán bộ, giảng viên đã thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật của Học viện; kiên quyết chống tham nhũng; chống tư tưởng thờ ơ, chống mê tín dị đoan, lợi dụng tôn giáo làm những việc trái với đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; sống giản dị, yêu nước, chuyên tâm vào công việc, luôn hành động vì lợi ích chung, đồng thời tổ chức, thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, nghị quyết của Đảng ủy Học viện.

Thứ hai, thực hiện nghiêm chỉnh giảng dạy, nghiên cứu

Những năm qua, Vụ Quản lý đào đạo và các khoa trong Học viện CTHCQG Lào nghiêm chỉnh thực hiện kế hoạch công tác giảng dạy, nghiên cứu. Năm học 2020 - 2021, Học viện đã tổ chức được 16.651 tiết lên lớp, thảo luận, giải đáp thắc mắc cho học viên, trong đó có 12.879 tiết học trong Học viện và 3.772 tiết ngoài Học viện. Học viện đã tổ chức biên soạn được 9 cuốn giáo trình, hoàn thành xây dựng chương trình 3 cấp (chương trình sơ cấp, chương trình trung cấp và chương trình cao cấp). Cán bộ, giảng viên của Học viện đã hướng dẫn học viên thực hiện được 486 luận văn, 113 bài báo khoa học, 19 bài báo đăng tạp chí. Bên cạnh đó, Học viện CTHCQG Lào đã tổ chức thành công các khóa đào tạo cao cấp lý luận chính trị, mỗi khóa 5 tháng. Trong đó, khóa 25 có 55 học viên và khóa 26 có 53 học viên và khóa 27 có 55 học viên(4)

Học viện CTHCQG Lào đã tổ chức thành công các khóa tập huấn, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị. Tiêu biểu là, đã tổ chức thành công 3 đợt tập huấn bí thư huyện, với 148 người tham gia, trong đó có 20 nữ; 3 đợt tập huấn kinh doanh với 128 người tham gia, trong đó có 11 nữ.

Những năm qua, đội ngũ cán bộ, giảng viên đã đầu tư nhiều công sức và thời gian vào đổi mới nội dung giảng dạy, bảo đảm tính cập nhật với thực tiễn quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng như của thế giới; chú trọng vận dụng các phương pháp giảng dạy tiên tiến, lấy người học là trung tâm, cũng như đề cao tính định hướng của giảng viên đối với quá trình tự học của học viên. Đồng thời, Học viện đầu tư cải thiện điều kiện cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật hỗ trợ giảng dạy như: hệ thống thư viện hiện đại, hệ thống học liệu, tài liệu…; đã xây dựng một hệ thống cơ sở vật chất hoàn chỉnh gồm: khu làm việc, ký túc xá, phòng ăn, nhà hàng, thư viện, phòng họp, câu lạc bộ, phòng học và phòng tập thể thao.

Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện CTHCQG Lào đã thường xuyên quan tâm lãnh đạo nâng cao chất lượng giảng dạy và nghiên cứu khoa học của đội ngũ cán bộ, giảng viên. Năm 2021 - 2022, cán bộ, giảng viên của Học viện đã hoàn thành 9 chuyên đề lớn và 46 chuyên đề nhỏ; thực hiện thành công các hoạt động nghiên khoa học 4 bên, đó là: Học viện CTHCQG Lào, Viện Khoa học kinh tế - xã hội quốc gia Lào; Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội (Việt Nam) gồm 16 chuyên đề. Đồng thời, đã bổ sung chương trình 27 môn học, xây dựng và phát triển thành công chương trình lý luận chính trị 3 cấp (cao cấp, trung cấp và sơ cấp); đăng tải trên Tạp chí lý luận cấp Học viện được 99 bài và phổ biến các bài báo trong Học viện được 138 bài”(5)

Tuy đã đạt được một số kết quả quan trọng trên, song để công tác dạy và học đáp ứng tốt yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ trong bối cảnh mới, đòi hỏi Học viện CTHCQG Lào cần tiếp tục tạo điều kiện về cơ chế, chính sách để đội ngũ giảng viên yên tâm công tác, có nhiều cống hiến hơn nữa cho hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học. Từng bước nâng cao chất lượng giảng dạy, nghiên cứu gắn với thực tiễn, giải quyết các vấn đề thực tiễn của đất nước, để nội dung giảng dạy thiết thực, hữu ích đối với đội ngũ học viên là cán bộ lãnh đạo, quản lý tham gia các chương trình đào tạo. Học viện cần tiếp tục khích lệ, phát huy tính tích cực, chủ động của học viên trong quá trình học tập để mỗi học viên tự nâng cao năng lực, trình độ nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.

Thứ ba, chú trọng, quan tâm công tác quản lý học viên trong quá trình học tập, nghiên cứu

Trong những năm gần đây, công tác quản lý học viên tại Học viện CTHCQG Lào đã được chú trọng tăng cường. Các phòng chức năng, khoa đào tạo đã tổ chức tập huấn để học viên nắm rõ các quy định, quy chế đối với học viên tại Học viện. Đồng thời, đã cử giảng viên chủ nhiệm lớp, cố vấn học tập để tham mưu, giúp Học viện quản lý và hỗ trợ học viên. Ban Quản lý học viên cũng thường xuyên theo dõi, kiểm tra việc báo cáo hàng tuần, hàng tháng của học viên ở tất cả các hệ thống, từ đó đã kịp thời giải quyết tốt các tình huống nảy sinh, khuyến khích học viên lên lớp thường xuyên, tránh nghỉ học không phép cũng như quan tâm đến quá trình học tập, nghiên cứu tại Học viện.

Việc tổ chức học tập của học viên các hệ lớp tại Học viện CTHCQG Lào đã phù hợp với chương trình đào tạo trên cơ sở quy định của Luật Giáo dục. Một năm học chia làm 2 học kỳ, mỗi học kỳ dài 5 tháng, học kỳ kéo dài ít nhất 20 tuần và một tuần không quá 35 giờ. Thực tế, mỗi lớp học 16 tuần, ôn tập kiểm tra 2 tuần, nghỉ học kỳ 1 tuần, một tuần học 5 ngày (từ thứ Hai đến thứ Sáu). Mặt khác, bảo đảm một ngày học 7 tiếng và một tiếng học 50 phút, 10 phút nghỉ giải lao. Đối với mô hình tổ chức lớp học đều được lên lịch 2 tuần một lần, lên lớp nghe giảng, tổ chức hội thảo với chia tổ, nghiên cứu tại thư viện, tự học, thi viết, thi vấn đáp và thi thực hành, viết báo cáo khóa học, tham quan học tập tại Thủ đô Viêng Chăn và các tỉnh theo chương trình của từng khối lớp quy định. 

Việc tổ chức dạy và học tại Học viện CTHCQG Lào đã có sự chuyển đổi căn bản, sử dụng hình thức dạy - học lấy học viên làm trung tâm, tạo nhiều cơ hội cho học viên thảo luận, trao đổi bài học với giảng viên, giúp học viên hiểu về nguyên tắc, chính sách, kế hoạch, các quy định của Nhà nước và đã thành công trên nhiều phương diện công tác, đưa các chỉ thị, nghị quyết vào cuộc sống.

Trong công tác đào tạo, bồi dưỡng vẫn còn tồn tại một số hạn chế: vẫn còn một số học viên chưa nhận thức đúng về việc học tập lý luận chính trị; việc tự học, tự nghiên cứu, tham gia hội thảo… chưa được học viên quan tâm đúng mức, dẫn tới chưa đạt được kết quả như mong đợi. Bên cạnh đó, giáo trình, tài liệu phục vụ cho mỗi khóa học chưa được đầy đủ, điều đó cũng làm hạn chế quá trình học tập của học viên. 

Thứ tư, bảo đảm gắn kết quả giảng dạy với yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng

Giai đoạn vừa qua, công tác học tập, kiểm tra hết môn, cuối khóa và bảo vệ khóa luận cuối khóa tại Học viện CTHCQG Lào đã được quan tâm hơn. Trong năm học 2021 - 2022, số học viên được nhận bằng tốt nghiệp là 288, trong đó có 76 học viên nữ. Lớp cao cấp lý luận 5 tháng khóa 30 có 110 học viên, trong đó đạt hạng A có 25 học viên chiếm 45%, hạng B+ 30 học viên chiếm 55%. Lớp cao cấp khóa 19 có 60 học viên tốt nghiệp, trong đó có 32 học viên đạt hạng A, chiếm 53,33% và hạng B+ 28 học viên chiếm 56,73%. 

Hai lớp đào tạo cử nhân khóa 24 có 118 học viên, trong đó 8 học viên tốt nghiệp hạng A chiếm 6,84%, 109 học viên đạt hạng B+ chiếm 93,16%.

Tổng kết năm học 2021 - 2022, Học viện CTHCQG Lào có 44 giảng viên được xếp loại xuất sắc chiếm 60,27%; trong đó xếp hạng I có 30 giảng viên, hạng II 10 giảng viên, hạng III 4 giảng viên. 100% giảng viên đã hoàn thành nhiệm vụ giảng dạy, nghiên cứu theo kế hoạch đề ra. Đội ngũ cán bộ, giảng viên đã tham gia 19.766 giờ hội thảo tổ chức ở Học viện, ở các cơ quan, cơ sở giáo dục trong và ngoài nước về nhiều lĩnh vực, trong đó tập trung nhất là luận giải, bổ sung các vấn đề lý luận, tăng 1.084 giờ (5,48%) so với năm 2021 (18.682 giờ).

Tuy vậy, trong những năm tới, Học viện CTHCQG Lào cần tiếp tục cần đổi mới chương trình giảng dạy, gắn kết quả giảng dạy với yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị của Lào, nhằm trang bị cho học viên các kiến thức, kỹ năng cơ bản nhất để có thể vận dụng tối đa vào thực tiễn công việc. Qua đó công tác giảng dạy trực tiếp góp phần tăng cường hiệu quả làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức cũng như góp phần tiếp tục củng cố mối quan hệ giữa cán bộ với nhân dân.

3. Giải pháp nâng cao chất lượng giảng dạy tại Học viện Chính trị và Hành chính quốc gia Lào

Trong bối cảnh toàn Đảng, toàn hệ thống chính trị, toàn quân và toàn dân đang nỗ lực phấn đấu đưa nước Lào thoát khỏi nhóm các nước kém phát triển để chính thức tham gia nhóm các nước đang phát triển, đặt ra yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có năng lực chuyên sâu, đa năng trong thực hiện nhiệm vụ. Vì vậy, cần có các giải pháp hiệu quả để nâng cao chất lượng giảng dạy tại Học viện CTHCQG Lào những năm tới, trong đó trọng tâm là: 

Thứ nhất, cần nâng cao năng lực, trình độ cũng như phương pháp giảng dạy, nghiên cứu của đội ngũ giảng viên tại Học viện CTHCQG Lào phù hợp với tình hình thực tế và xu thế phát triển của công nghệ thông tin. Từ đó từng bước xây dựng đội ngũ giảng viên Học viện ngày càng phát triển về số lượng, chất lượng được bảo đảm, có khả năng làm việc trong môi trường quốc tế. Cần cải thiện cơ chế phối hợp, tăng cường mở rộng, tạo điều kiện thuận lợi cho giảng viên Học viện trong giảng dạy, cũng như nâng cao đời sống của đội ngũ giảng viên để họ yên tâm công tác, cũng như nghiên cứu khoa học, triển khai tốt các nhiệm vụ của Học viện.

Thứ hai, Học viện CTHCQG Lào cần tạo điều kiện cho giảng viên tham gia các khóa bồi dưỡng trong và ngoài nước về phương pháp giảng dạy hiện đại, phù hợp với người học, cũng như tăng cường hướng dẫn sử dụng các phương tiện giảng dạy hiện đại. Đồng thời, Học viện CTHCQG Lào cần tăng cường công tác quản lý giáo trình, nội dung bài giảng qua việc yêu cầu giảng viên đưa các vấn đề mới vào giờ giảng để làm bài học tình huống, thảo luận, nghiên cứu trong lớp học, hoặc đưa thành nội dung tham luận hội thảo để làm rõ những vấn đề chính, tìm ra các giải pháp và câu trả lời. Đây là giải pháp cốt lõi nhằm nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý, phục vụ công cuộc phát triển đất nước.

Thứ ba, từng bước tăng nguồn ngân sách phục vụ cho công tác nghiên cứu, xây dựng, sửa đổi giáo trình giảng dạy tại Học viện CTHCQG Lào. Học viện CTHCQG Lào cần quan tâm đến chất lượng nghiên cứu khoa học của đội ngũ giảng viên, học viên các khóa phù hợp với yêu cầu, vị trí, vai trò, chức năng của Học viện, nhất là trong vấn đề bảo vệ và phát triển nền tảng tư tưởng của Đảng NDCM Lào trong giai đoạn mới. Cần tạo điều kiện để các giảng viên tham gia viết bài hội thảo khoa học do các cơ quan và địa phương tổ chức cũng như tiếp tục tăng cường hợp tác về nghiên cứu khoa học với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các viện nghiên cứu khác của Việt Nam. 

Thứ tư, trong thời gian tới Học viện CTHCQG Lào cần tăng cường phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương Đảng xây dựng kế hoạch thành lập trung tâm quản lý, đào tạo cán bộ. Từ đó, tạo điều kiện để trung tâm này đi vào hoạt động, thực hiện vai trò tuyển chọn các học viên thi vào để có được các cán bộ ở cấp trung ương hoặc địa phương phù hợp với chương trình giảng dạy và định hướng trong công tác xây dựng đội ngũ cán bộ của Đảng NDCM Lào. Trong đó, trung tâm này cần có đại diện cán bộ giảng dạy giàu kinh nghiệm, đã tốt nghiệp ở trong và ngoài Học viện, tham gia tuyển chọn những người sẽ vào học tại Học viện CTHCQG Lào. 

Mặt khác, Học viện CTHCQG Lào cũng cần quán triệt nghiêm những nội dung mà Nghị quyết số 72/BCTC, ngày 14-5-2019 về Quy chế học tập lý luận chính trị và Quy chế số 01/BBTW, ngày 15-5-2019 về việc cấp chứng chỉ lý luận chính trị cho học viên. Như vậy, giảng dạy, bồi dưỡng cán bộ được nâng cao về chất lượng, công tác xây dựng đội ngũ cán bộ trên cả nước thực sự đi vào nề nếp. 

Thứ năm, cần chú ý quản lý, thực hiện nghiêm túc nội quy quản lý giảng dạy, sinh hoạt đối với cả giảng viên và học viên trong Học viện CTHCQG Lào. Trong đó, cần quan tâm việc thực hiện nội quy của giảng viên, bao gồm nội quy lớp học, nội quy thi, quy định bảo vệ; giấy khen tốt nghiệp và tuyên dương giảng viên dạy giỏi. Đối với nội quy học viên, cần chú ý việc thực hiện nghiêm quy chế ra vào Học viện, thực hiện nội quy kiểm tra học viên, quy trình khen thưởng học viên.

Giai đoạn vừa qua, Học viện CTHCQG Lào đã chú trọng việc bảo đảm chất lượng giảng dạy, đáp ứng yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ trong bối cảnh mới của công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Những thành tựu này đã góp phần không nhỏ đến quá trình bồi dưỡng, đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cho hệ thống chính trị của nước CHDCND Lào, chất lượng nguồn nhân lực, phục vụ quá trình đổi mới đất nước.

_________________

Ngày nhận bài: 3-5-2023; Ngày bình duyệt: 4-5-2023; Ngày duyệt đăng: 4-7-2023. 

 

(1) Học viện CTHCQG Lào: Tài liệu sử dụng cho Lớp tập huấn cán bộ tổ chức năm 2022, Viêng Chăn, 2022, tr.1.

(2) Đảng NDCM Lào: Văn kiện lần thứ X của Đảng NDCM Lào, Nxb Quốc gia, Viêng Chăn, 2016, tr.70.

(3) Học viện CTHCQG Lào, Bài tổng kết tổ chức kế hoạch năm 2022 và phương hướng năm 2023 của Vụ Tổ chức - Cán bộ, Học vin Chính trị và Hành chính quốc gia Lào, Viêng Chăn, 2023, tr.6.

(4) Học viện CTHCQG Lào, Bài tổng kết đánh giá tổ chức kế hoạch phát triển Học viện Chính và Hành chính quốc gia Lào năm 2020 và kế hoạch năm 2021 của Vụ Quản lý giảng dạy, Viêng Chăn, 2021, tr.8.

(5) Học viện CTHCQG Lào, Bài tổng kết tổ chức thực hiện kế hoạch năm 2021 và phương hướng kế hoạch năm 2022 của Học vin Chính trị và Hành chính quốc gia Lào, Viêng Chăn, 2021, tr.7-9.

ThS PHOUVONE SITHONTHONGDAM

Nghiên cứu sinh Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền