Trang chủ    Quốc tế    Thành tựu 50 năm quan hệ Việt Nam - Malaixia
Thứ sáu, 28 Tháng 7 2023 11:00
564 Lượt xem

Thành tựu 50 năm quan hệ Việt Nam - Malaixia

(LLCT) - Sau 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (30/3/1973 - 30/3/2023), quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Malaixia đã đạt được nhiều thành tựu trên các lĩnh vực, đặc biệt là hai nước đã thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược năm 2015. Là hai thành viên của ASEAN, sự vận động tích cực trong quan hệ Việt Nam - Malaixia góp phần vào việc duy trì hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực Đông Nam Á. Bài viết làm rõ những thành tựu trong quan hệ Việt Nam - Malaixia trên các lĩnh vực chính trị - ngoại giao, kinh tế, an ninh - quốc phòng, gợi mở hàm ý chính sách nhằm thúc đẩy quan hệ hai nước ngày càng phát triển.

Dự án Nhà máy Nhiệt điện Duyên hải 2 do Công ty TNHH Janakuasa Việt Nam (thuộc Công ty TNHH Janakuasa, Malaixia) làm chủ đầu tư và PECC 2 là đơn vị tư vấn quản lý dự án - Ảnh: evn.com.vn

Mối bang giao giữa Việt Nam và Malaixia đã có từ nhiều thế kỷ trước. Quan hệ trao đổi buôn bán đã được cư dân hai nước tiến hành từ thế kỷ XV(1). Tuy nhiên, cho đến trước năm 1973, quan hệ giữa Việt Nam và Malaixia gặp nhiều trở ngại.

Từ năm 1972, Malaixia bắt đầu thăm dò khả năng phát triển quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Sau khi Hiệp định Pari được ký kết (tháng 1-1973), Việt Nam đã tích cực triển khai các chính sách thúc đẩy quan hệ song phương với các nước ASEAN, trong đó, Malaixia là nước đầu tiên và Malaixia cũng đã xúc tiến lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Ngày 30-3-1973, Việt Nam và Malaixia đã tuyên bố chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, mở ra chương mới trong quan hệ giữa hai nước, đặc biệt là từ sau năm 1975.

1. Những điểm nổi bật trong quan hệ Việt Nam - Malaixia 50 năm qua

Trên lĩnh vực chính trị - ngoại giao

Trong giai đoạn 1973-1978, Việt Nam và Malaixia thiết lập đại sứ quán ở Thủ đô của hai nước từ năm 1976; các chuyến thăm của lãnh đạo Việt Nam tới Malaixia có: Thứ trưởng Ngoại giao Phan Hiền (tháng 7-1976), Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh (tháng 1-1978), Thủ tướng Phạm Văn Đồng (tháng 10-1978). Tháng 3-1978, phía Malaixia cũng có chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Ngoại giao Rithaudden và đoàn công ty cao su Malaixia. Ngày 15-10-1978, hai nước đã ra Thông cáo chung về các nguyên tắc chỉ đạo quan hệ chung sống hòa bình, tạo tiền đề cho những bước phát triển tốt đẹp, đặt nền móng cho sự hiểu biết và mối quan hệ hữu nghị, hợp tác trên cơ sở đôi bên cùng có lợi.

Giai đoạn 1979-1991, do vấn đề Campuchia, quan hệ hai nước giảm xuống mức thấp nhất. Dù Chính phủ Malaixia thực hiện cấm vận với Việt Nam nhưng quan hệ thương mại giữa hai bên vẫn diễn ra không chính thức, khi các công ty tư nhân vẫn duy trì việc xuất nhập khẩu hàng hóa. Tháng 7-1990, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp thăm chính thức Malaixia. Trong chuyến thăm, Malaixia khẳng định giúp Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất dầu và cao su, đào tạo giúp Việt Nam 40 chuyên gia trong lĩnh vực sản xuất xăng dầu; hãng hàng không Malaixia hoạt động trở lại tại Thành phố Hồ Chí Minh (từ năm 1990)(2)

Giai đoạn 1991-2000, dưới tác động của cục diện thế giới và khu vực, quan hệ Việt Nam - Malaixia đã có sự chuyển biến tích cực về chất trên cả phương diện song phương và trong khuôn khổ ASEAN.

Hai bên đã tích cực trao đổi đoàn cấp cao. Về phía Việt Nam, Thủ tướng Võ Văn Kiệt thăm Malaixia ba lần (tháng 1-1992, tháng 7-1992 và tháng 5-1994); Tổng Bí thư Đỗ Mười thăm chính thức Malaixia (tháng 3-1994) với mục đích thúc đẩy hợp tác song phương kênh đối ngoại đảng, thiết lập mối quan hệ giữa Đảng ta với đảng cầm quyền Malaixia và vận động bạn ủng hộ Việt Nam gia nhập ASEAN(3); Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh và Chủ tịch nước Trần Đức Lương thăm Malaixia vào tháng 9-1996 và tháng 3-1998; Thủ tướng Phan Văn Khải dự Hội nghị APEC tại Malaixia (tháng 11-1998).

Về phía Malaixia, có các đoàn cấp cao thăm Việt Nam của Thủ tướng Malaixia Mahathir (tháng 4-1992, tháng 3-1996 và tháng 12-1998); Quốc vương Malaixia (tháng 12-1995), Tổng thư ký Đảng Liên minh Quốc gia Thống nhất Mã Lai -UMNO (tháng 7-1995), Tổng tham mưu trưởng quân đội Malaixia (tháng 4-2000)... Sau các chuyến thăm, hai nước đã ký kết 11 hiệp định hợp tác và các biên bản ghi nhớ, gồm:  Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư (năm 1992); Hiệp định Hàng hải (năm 1992); Hiệp định Hợp tác kinh tế, khoa học - kỹ thuật (năm 1992); Hiệp định Hợp tác bưu điện và viễn thông (năm 1992); Hiệp định Thương mại (năm 1992); Hiệp định Thanh toán song phương giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ngân hàng quốc gia Malaixia (tháng 3-1993); Hiệp định Hợp tác khoa học, công nghệ và môi trường (tháng 12-1993); Hiệp định Hợp tác du lịch (tháng 4-1994); Hiệp định Hợp tác văn hóa (tháng 3-1995); Hiệp định Tránh đánh thuế hai lần (tháng 9-1995); Biên bản ghi nhớ về thông tin (tháng 7-1995); Biên bản ghi nhớ về việc Malaixia viện trợ cho Việt Nam 1,72 triệu RM (tương đương 700.000 USD) để phát triển ngành cao su; thỏa thuận thăm dò, khai thác dầu khí ở vùng chồng lấn giữa hai nước.

Trong những năm cuối thế kỷ XX, quan hệ giữa hai nước đã diễn ra tốt đẹp, xóa dần những trở ngại trước đây. Tháng 2-1994, hai nước đã thành lập Hội hữu nghị Việt Nam - Malaixia và Malaixia - Việt Nam. Năm 1995, Malaixia là nước đầu tiên giới thiệu Việt Nam vào ASEAN, Thủ tướng Malaixia đã nhấn mạnh rằng “sự khác biệt về chế độ chính trị không phải là trở ngại cho việc Việt Nam gia nhập ASEAN”(4).

Giai đoạn từ 2001 đến nay: quan hệ Việt Nam - Malaixia tiếp tục có những bước tiến mới.

Về phía Việt Nam, có các chuyến thăm Malaixia của Thủ tướng Phan Văn Khải (tháng 4-2004); Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An (tháng 12-2002); Chủ tịch nước Trần Đức Lương dự Hội nghị cấp cao Không liên kết (tháng 2-2003); Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Độc lập của Malaixia (tháng 9-2007); Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (tháng 9-2011); Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan dự Hội nghị Thượng đỉnh Toàn cầu lần thứ 23 (tháng 6-2013); Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình (tháng 7-2017).

Về phía Malaixia, Quốc vương Muhamad V thăm cấp nhà nước tới Việt Nam hai lần (tháng 3-2009 và tháng 9-2013); Thủ tướng Najib Tun Razak sang thăm Việt Nam (tháng 4-2014); Phó Chủ tịch Đảng Liên minh Quốc gia Thống nhất Mã Lai (UMNO) - Phó Thủ tướng Bin Hamidi sang thăm Việt Nam (tháng 5-2014); Bộ trưởng Ngoại giao Anifah Aman (tháng 7-2017); Thủ tướng Najib Tun Razak sang Việt Nam tham dự Tuần lễ cấp cao APEC 2017 (tháng 11-2017); Phó Thủ tướng Wan Azizah Wan Ismail thăm Việt Nam và dự Hội nghị Bộ trưởng Phụ nữ ASEAN lần thứ ba (tháng 10-2018); Thủ tướng Mahathir Mohamad thăm Việt Nam (tháng 8-2019); Bộ trưởng Ngoại giao Saifuddin Abdullah thăm Việt Nam (tháng 3-2022)...

Thông qua các chuyến thăm cấp cao, hai nước đã ký “Tuyên bố chung về khuôn khổ hợp tác toàn diện trong thế kỷ XXI” (tháng 4-2004), thảo luận về nguyên tắc đưa quan hệ phát triển lên tầm Đối tác chiến lược (tháng 9-2011); Thông qua Chương trình Hành động triển khai Đối tác Chiến lược (tháng 3-2017). Đặc biệt, ngày 7-8-2015, nhân chuyến thăm cấp cao của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tới Malaixia, hai nước đã ký kết Tuyên bố chung về khuôn khổ Đối tác chiến lược Việt Nam - Malaixia. Cho tới nay, Việt Nam là đối tác chiến lược duy nhất của Malaixia trong ASEAN(5).

Trong thời gian điễn ra đại dịch Covid-19, mặc dù có những trở ngại do áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, Việt Nam và Malaixia vẫn nỗ lực duy trì các hoạt động tiếp xúc cấp cao theo hình thức cả trực tuyến và trực tiếp. Nổi bật là các cuộc điện đàm về hợp tác đối phó dịch bệnh... Từ ngày 20 đến ngày 22-3-2022, Thủ tướng Dato Sri Ismail đã thăm Việt Nam. Đây là chuyến thăm chính thức Việt Nam đầu tiên của Thủ tướng Ismail kể từ khi nhậm chức (tháng 8-2021) trong bối cảnh hai nước mở cửa hướng tới sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19. Sau cuộc hội đàm, Thủ tướng hai nước đã chứng kiến lễ trao đổi bốn văn kiện hợp tác, gồm: Bản ghi nhớ giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Malaixia về tuyển dụng, việc làm và hồi hương lao động (thay cho Bản ghi nhớ từ năm 2015); Bản ghi nhớ giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Malaixia về hợp tác pháp luật; Thỏa thuận hợp tác giữa Thông tấn xã Việt Nam và Thông tấn xã quốc gia Malaixia; Ý định thư về hợp tác đào tạo giữa Học viện Ngoại giao hai nước.

Có thể nói, việc chính thức nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược Việt Nam - Malaixia năm 2015 đã trở thành một dấu mốc lịch sử, đưa mối quan hệ hai nước lên tầm cao mới, “mở ra một kỷ nguyên mới trong quan hệ giữa hai nước”(6) như lời Thủ tướng Malaixia Najib Rajak. Ngoài ra, việc nâng cấp quan hệ Đối tác chiến lược vừa thể hiện mức độ phát triển sâu rộng của quan hệ hai nước, thể hiện sự tin tưởng chính trị cao; đồng thời mở ra trang mới cho hợp tác toàn diện trên nhiều lĩnh vực.

Để cụ thể hóa Tuyên bố chung về khuôn khổ Đối tác Chiến lược Việt Nam-Malaixia, ngày 4-4-2016 tại Hà Nội, hai nước đã tổ chức Đối thoại chiến lược quan chức cấp cao (SOSD) lần thứ nhất. Tháng 4-2021, Đối thoại Chiến lược quan chức cấp cao lần thứ hai được tổ chức theo hình thức trực tuyến.

Vấn đề Biển Đông là mối quan tâm chung của Việt Nam và Malaixia vì hai nước vẫn còn tồn tại một vùng chồng lấn thềm lục địa. Đây là khu vực chồng lấn có diện tích khoảng 2.800km2, nhưng có tiềm năng về dầu khí(7). Xuất phát từ nhu cầu khai thác dầu khí phục vụ phát triển, ngày 05-6-1992, tại cuộc đàm phán cấp Thứ trưởng Ngoại giao ở Kuala Lampur, hai bên đã ký Bản ghi nhớ về hợp tác thăm dò khai thác chung vùng chồng lấn. Hai bên đồng ý tạm gác vấn đề phân định thềm lục địa để hợp tác cùng thăm dò và khai thác dầu khí trong khu vực.

Đến năm 1997, những thùng dầu đầu tiên khai thác từ vùng chồng lấn đã được xuất khẩu và lợi nhuận bắt đầu được chia đều cho hai bên theo đúng thỏa thuận. Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo hai nước đều cam kết phối hợp chặt chẽ, trên tinh thần xây dựng Biển Đông thành khu vực hòa bình, hữu nghị, tự do hàng không, hàng hải, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật biển năm 1982 (UNCLOS).

Trên các diễn đàn đa phương, Việt Nam và Malaixia thể hiện mối quan hệ tin cậy và gắn bó. Hai nước ủng hộ lẫn nhau và hợp tác tích cực tại các diễn đàn khu vực, quốc tế như Liên hợp quốc, ASEAN, Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC). Hai nước cùng chia sẻ quan điểm về vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc an ninh khu vực, tái khẳng định ủng hộ việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và thúc đẩy việc đàm phán một Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả và thực chất. Hai nước cam kết tăng cường phối hợp trong việc xây dựng Cộng đồng ASEAN, nhất là khi Malaixia đảm nhiệm vai trò Chủ tịch thường trực Nhóm đặc trách cấp cao về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau năm 2025. Malaixia ủng hộ Việt Nam trong vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020 và thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021. Việt Nam ủng hộ Malaixia trở thành thành viên của Tổ chức hàng hải quốc tế (IMO) và Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2022-2024.

Trên lĩnh vực kinh tế

Về thương mại song phương   

Trên nền tảng quan hệ chính trị - ngoại giao tốt đẹp, quan hệ thương mại song phương được thúc đẩy, trở thành điểm sáng trong quan hệ hai nước.

Ngày 20-4-1992, Việt Nam và Malaixia đã ký “Hiệp định về Hợp tác kinh tế, khoa học và kỹ thuật” nhằm mở rộng và tăng cường hợp tác song phương trên cơ sở bền vững và lâu dài. Hiện thực hóa hiệp định, tháng 9-1995, hai nước đã thành lập “Ủy ban hỗn hợp Việt Nam - Malaixia về hợp tác kinh tế, khoa học - kỹ thuật” và tổ chức phiên họp đầu tiên ở Malaixia. Cho đến nay đã có thêm năm phiên họp được diễn ra: phiên họp thứ hai tại Hà Nội (tháng 2-1996); phiên thứ ba tại Thủ đô Kuala Lumpur (tháng 3-2002); phiên họp thứ tư (tháng 3-2006) tại Hà Nội; phiên họp thứ năm tại Hà Nội (tháng 7-2017) và phiên họp thứ sáu (tháng 11-2021) diễn ra theo hình thức trực tuyến. Các phiên họp do Bộ trưởng Ngoại giao hai nước chủ trì.

Thập niên 90 thế kỷ XX đã đánh dấu bước phát triển mạnh mẽ của quan hệ thương mại hai nước thể hiện qua sự tăng tiến vượt bậc của tổng giá trị thương mại.

Theo bảng trên, kim ngạch hai chiều tăng hơn 37 lần trong vòng 10 năm (1991-2001), từ 21,5 triệu USD lên 808,5 triệu USD.

Giá trị tổng kim ngạch thương mại hai chiều đã tăng cao. Đặc biệt, trong giai đoạn 2009 - 2012 đạt tốc độ tăng trưởng trung bình 24%/năm. Từ năm 2016, Malaixia là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam trong ASEAN(9). Năm 2021, dù chịu ảnh hưởng của tác động từ đại dịch Covid-19, tổng kim ngạch thương mại hai nước vẫn đạt 12,5 tỷ USD, tăng 25,3% so với năm 2020. Trong chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Malaixia (tháng 3-2022), hai bên nhất trí nâng kim ngạch thương mại hai chiều theo hướng ổn định, lên 18 tỷ USD vào năm 2025 và 25 tỷ USD vào năm 2030(10). Năm 2022, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 12 của Malaixia trên bình diện toàn cầu và là đối tác lớn thứ tư trong ASEAN sau Xinhgapo, Inđônêxia và Thái Lan(11).

Cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu của hai nước có thể hỗ trợ nhau, như Việt Nam có thể xuất khẩu gạo sang Malaixia. Khối lượng gạo Malaixia nhập từ Việt Nam là khoảng hơn một triệu tấn/năm và Việt Nam có thể khai thác tốt thị trường ổn định của Malaixia cho nông nghiệp với các sản phẩm như hạt điều, cà phê, tiêu, thủy sản... Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Malaixia là dầu thô, gạo, cà phê, hải sản, dầu mỡ động, thực vật, thép, thiết bị điện tử... Việt Nam chủ yếu nhập khẩu sắt thép, xăng dầu, dầu mỡ động, thực vật, chất dẻo nguyên liệu, máy móc thiết bị, máy vi tính và sản phẩm điện tử...

Về quan hệ đầu tư

Malaixia đầu tư sang Việt Nam từ đầu những năm 1990, trở thành một trong những quốc gia đầu tiên xúc tiến đầu tư vào Việt Nam. Năm 1990, Malaixia chỉ có một dự án đầu tư về sản xuất tăm nhang với số vốn 100.000 USD thì năm 1995 đã có 12 dự án với số vốn là 96 triệu USD. Tới tháng 5-2000, tổng số vốn đầu tư của Malaixia là 1 tỷ USD cho 84 dự án tại Việt Nam. Năm 2012, Malaixia đầu tư vào Việt Nam hơn 400 dự án với tổng số vốn đăng ký lên đến 10 tỷ USD.

Năm 2015, Malaixia có 523 dự án còn hiệu lực với tổng số vốn là 13,4 tỷ USD. Tháng 12-2017, có 600 dự án của Malaixia đầu tư vào Việt Nam trị giá 12,2 tỷ USD(12). Tính đến tháng 2-2023, Malaixia đã đầu tư vào 32/63 tỉnh, thành của Việt Nam với 710 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký 13,08 tỷ USD(13). Các doanh nghiệp Malaixia đầu tư vào Việt Nam chủ yếu là các lĩnh vực dầu khí, ô tô, công nghiệp sản xuất, chăm sóc sức khỏe, dịch vụ tài chính, đầu tư và phát triển bất động sản, phân phối hàng hóa... Malaixia là nhà đầu tư lớn thứ ba trong ASEAN tại Việt Nam (sau Xinhgapo và Thái Lan), đứng thứ 10/142 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

Việt Nam đầu tư sang Malaixia: năm 2013, Việt Nam có 10 dự án đầu tư sang Malaixia với tổng vốn 745,6 triệu USD. Tính đến tháng 3-2022, Việt Nam có 21 dự án đầu tư còn hiệu lực sang Malaixia với tổng vốn đăng ký đạt 853 triệu USD, đứng thứ 9/78 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam(14).

Hai bên còn là thành viên của nhiều tổ chức, diễn đàn, hiệp định thương mại tự do (FTA) quan trọng ở khu vực (Hiệp định thương mại tự do của ASEAN với các nước, Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện Khu vực - RCEP, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương - CPTPP...). Do đó, tiềm năng để hai nước hợp tác thương mại và đầu tư còn rất lớn.

Trên lĩnh vực an ninh - quốc phòng

Về lĩnh vực quốc phòng

Hợp tác quốc phòng luôn được lãnh đạo hai nước quan tâm với nhiều chuyến thăm của lãnh đạo Bộ Quốc phòng, các cuộc điện đàm, hai bên tăng cường hợp tác trao đổi đoàn, giao lưu, đào tạo, trao đổi kinh nghiệm giữa các quân, binh chủng.

Từ năm 1998, hai nước đã mở văn phòng Tùy viên quốc phòng tại Đại sứ quán mỗi nước. Năm 2008, Việt Nam và Malaixia đã ký Bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng song phương, tạo tiền đề để tàu quân sự hai nước ghé thăm nhau. Về phía Malaixia, Hải quân Hoàng gia đã tổ chức các chuyến thăm cho sĩ quan, thủy thủ đến Việt Nam. Có thể kể đến như: chuyến thăm của hai tàu KD Pendekar và KD Perkasa (từ ngày 22 đến 24-3-2007); chuyến thăm của tàu Hải quân KD Perak và KD Perdana (từ ngày 2-10 đến ngày 5-10-2009); chuyến thăm của hai tàu KD Terengganu và KD Perdana (từ ngày 7-10 đến 10-10-2011).

Về phía Việt Nam, chuyến thăm đầu tiên của tàu Hải quân Việt Nam HQ-375 và HQ-376 cùng hơn 90 sĩ quan và chiến sĩ Bộ Tư lệnh Vùng 4 tới Malaixia từ ngày 14 -10 đến 17-10-2009. Tàu hộ vệ tên lửa 011- Đinh Tiên Hoàng sang Malaixia tham gia triển lãm hàng hải và hàng không quốc tế Langkawi tổ chức từ ngày 21 đến 25-3-2017. Đây là lần đầu tiên Việt Nam cử tàu Hải quân tham dự sự kiện. Điều này thể hiện thiện chí tăng cường quan hệ với Quân đội và Hải quân Malaixia, ủng hộ các sự kiện do Hải quân Malaixia tổ chức, đồng thời củng cố và tăng cường mối quan hệ hợp tác hữu nghị với Hải quân các nước ASEAN và trong khu vực. Các hoạt động trên đã giúp củng cố mối quan hệ giữa hải quân Việt Nam và Malaixia.

Về lĩnh vực an ninh

Bộ Công an Việt Nam và Bộ Nội vụ Malaixia chính thức thiết lập quan hệ hợp tác vào tháng 4-1994. Năm 1998, Tổng cục Tình báo, Bộ Công an đã thiết lập quan hệ hợp tác với Cơ quan Tình báo Malaixia. Hai bên duy trì trao đổi đoàn cấp cao. Tháng 10-2015, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang sang thăm Malaixia và tiến hành hội đàm với Đoàn đại biểu cấp cao Bộ Nội vụ Malaixia do Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ Malaixia Ahmad Zahid Hamidi làm Trưởng đoàn. Hai bên đã ký kết Hiệp định giữa hai chính phủ về hợp tác phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia. Việt Nam là nước đầu tiên trong ASEAN mà Malaixia ký kết Hiệp định về hợp tác trong đấu tranh phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia, tạo hành lang pháp lý để thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa lực lượng công an hai nước phát triển lên tầm cao mới. Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cũng sang thăm Malaixia (tháng 6-2016 và tháng 2-2020) và có các buổi hội đàm với Bộ Nội vụ Malaixia.

Tại các cuộc hội đàm, hai bên xác định an ninh là một trong những “trụ cột” của quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Malaixia. Trong bối cảnh tình hình mới, hai nước tiếp tục phối hợp phòng, chống các loại tội phạm qua các kênh cả song phương và đa phương, qua cơ chế của

Interpol hay ASEANpol..., chia sẻ thông tin về bảo đảm an ninh mạng, tội phạm công nghệ cao, phối hợp bảo đảm an ninh trên biển và hợp tác trong lĩnh vực nâng cao năng lực cán bộ thực thi pháp luật của hai nước.

2. Một số khuyến nghị thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Malaixia

Việt Nam và Malaixia có nhiều nét tương đồng. Cả hai nước đều coi trọng vai trò, vị thế của nhau tại khu vực, cùng chung tầm nhìn về tăng cường hợp tác nội khối, hợp tác liên khu vực; cùng nỗ lực xây dựng Cộng đồng ASEAN đoàn kết, vững mạnh và hợp tác chặt chẽ duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và phát triển ở khu vực. Điều này là nền tảng để mối quan hệ hai nước ngày càng được củng cố và phát triển.

Trải qua 50 năm, mối quan hệ Việt Nam - Malaixia ngày càng được tăng cường, củng cố lòng tin và ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn đa phương. Quan hệ Việt Nam và Malaixia đang “đơm hoa kết trái”, song hai nước cần tiếp tục thiết lập các cơ chế đối thoại, tham vấn và thực hiện thường xuyên hơn để thúc đẩy triển khai hiệu quả các nội dung hợp tác trong khuôn khổ các Bản ghi nhớ hợp tác song phương đã được ký kết.

Thứ nhất, Ủy ban Hợp tác kinh tế, khoa học, kỹ thuật giữa hai nước cần tổ chức thường xuyên và đều đặn hơn. Trong Biên bản ký kết thành lập ủy ban chung này, hai nước không đề cập đến việc tổ chức thường niên, thường xuyên. Từ năm 1995, hai nước mới tổ chức được sáu phiên họp (1995, 1996, 2002, 2006, 2017, 2021), trong đó phiên họp thứ tư và thứ năm cách nhau 11 năm (2006-2017). Trong bối cảnh tình hình khu vực và quốc tế có những diễn biến nhanh chóng, phức tạp, cạnh tranh nước lớn ngày càng gay gắt, việc tiến hành các cuộc trao đổi thường xuyên sẽ tốt hơn cho hai nước trong việc ứng phó với những thay đổi.

Thứ hai, trên lĩnh vực hợp tác quốc phòng - an ninh, hai nước cần những hoạt động thiết thực hơn để cụ thể hóa những thỏa thuận đã ký kết. Việt Nam và Malaixia có những thỏa thuận hợp tác quốc phòng - an ninh được thiết lập nhưng chưa họp lần nào như: “Đối thoại Chính sách quốc phòng cấp thứ trưởng” và Nhóm làm việc chung hợp tác quốc phòng song phương cấp cục trưởng Cục Đối ngoại (ký năm 2008 giữa Bộ Quốc phòng hai nước); Nhóm công tác phòng chống tội phạm xuyên quốc gia cấp thứ trưởng thuộc Hiệp định phòng chống tội phạm xuyên quốc gia (ký tháng 10-2015 giữa Bộ Công an Việt Nam và Bộ Nội vụ Malaixia). Hoặc có nhóm công tác hải quân cấp Tư lệnh Hải quân, được thành lập trong khuôn khổ Thỏa thuận hợp tác giữa hai Bộ Quốc phòng năm 2008, đã họp phiên đầu tiên vào tháng 11-2010 tại Việt Nam. Hiện tại, Bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng giữa hai nước đã hết hạn vào năm 2018 cũng đang chờ được ký kết để tạo ra khuôn khổ hợp tác có cấu trúc và tập trung hơn giữa hai bộ quốc phòng.

Như vậy, qua nửa thế kỷ, quan hệ Việt Nam - Malaixia đã đạt được nhiều bước tiến đáng ghi nhận. Mặc dù vẫn không tránh khỏi những thời điểm khó khăn và nhiều yếu tố thách thức, nhưng với quan hệ bang giao truyền thống và lịch sử giao thương lâu đời cùng các đặc điểm tương đồng về địa lý, văn hóa, phong tục, tập quán, quan điểm phát triển, Việt Nam - Malaixia có đủ cơ sở để tăng cường hơn nữa sự hợp tác trên các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, kinh tế, thương mại, đầu tư và khoa học kỹ thuật. Quan hệ Việt Nam - Malaixia phát triển tốt đẹp cả chiều rộng và chiều sâu sẽ đem lại lợi ích chung cho nhân dân hai nước vì mục tiêu hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới. Hành trang tích lũy từ nửa thế kỷ qua, cùng những điều kiện hợp tác thuận lợi là tiền đề và xung lực để Việt Nam - Malaixia cụ thể hóa hơn nữa nội hàm đối tác chiến lược và hướng tới chương mới trong quan hệ song phương.

_________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 543 (tháng 5-2023)

Ngày nhận bài: 7-4-2023; Ngày bình duyệt: 20-5-2023; Ngày duyệt đăng: 22-5-2023.

 

(1), (2) Trần Thị Vinh: “Quan hệ Việt Nam - Malaixia” trong sách chuyên khảo Việt Nam-ASEAN: quan hệ đa phương và song phương, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr.136-137.

(3) Phạm Thanh Bằng: Nhìn lại quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Malaixia từ góc độ lợi ích quốc gia - dân tộc, Tạp chí Lý luận chính trị, số 12- 2022.

(4) The Straits Time, ngày 23-7-1994, tr.2.

(5) Hằng Linh: Quan hệ hữu nghị Việt Nam - Malaixia phát triển toàn diện và sâu rộng, https://www.vietnamplus.vn/, ngày 3-3-2023.

(6) Thuy Dung: VN, Malaixia establishes strategic partnership, 2015, https://en.baochinhphu.vn/, tháng 7-2015.

(7) “Thỏa thuận hợp tác khai thác chung Việt Nam - Malaixia”, http://hcmup.edu.vn.

(8), (9) TTXVN:  Quan hệ thương mại Việt Nam - Malaixia, https://www.vietnamplus.vn, ngày 21-3-2022.

(10) Hong Van - Huong Tra: Vietnam - Malaixia: 50 years of cooperation, 2023, https://vovworld.vn/, ngày 29-3-2023.

(11) Hoàng Nhương: Việt Nam là một trong những đối tác gần gũi nhất của Malaixia, 2023, https://www.vietnamplus.vn/, ngày 28-3-2023.

(12) VNA: Vietnam, Malaixia enjoy flourishing bilateral ties: Diplomat, 2018, http://en.qdnd.vn/, ngày 31-3-2018.

(13) Việt Nam, Malaysia phát triển nhanh chóng mối quan hệ qua hơn 5 thập kỷ, https://special.vietnamplus.vn/, ngày 28-3-2023.

(14) Không ngừng thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Malaysia, https://mega.vietnamplus.vn.

TS NGÔ TUẤN THẮNG

Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn,

Đại học Quốc gia Hà Nội

THS QUÁCH THỊ HUỆ

Viện Quan hệ quốc tế,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền