Trang chủ    Cùng bạn đọc    Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát huy vai trò Trường Đảng Trung ương lãnh đạo, chỉ đạo hướng dẫn chuyên môn, tăng cường quản lý hệ thống đối với các trường chính trị cấp tỉnh; trường bộ, ngành trong giai đoạn hiện nay
Thứ năm, 03 Tháng 9 2020 15:10
1470 Lượt xem

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát huy vai trò Trường Đảng Trung ương lãnh đạo, chỉ đạo hướng dẫn chuyên môn, tăng cường quản lý hệ thống đối với các trường chính trị cấp tỉnh; trường bộ, ngành trong giai đoạn hiện nay

 

Trước yêu cầu và đòi hỏi của thực tiễn công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp từ Trung ương đến các địa phương, ngày 01-3-1990, Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa VI đã giao cho Học viện Nguyễn Ái Quốc (nay là Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) nhiệm vụ mới, đó là xây dựng chương trình, nội dung, phương pháp đào tạo; tổ chức biên soạn tài liệu giảng dạy lý luận cơ bản; đào tạo và bồi dưỡng nâng cao trình độ giảng viên các trường, tổ chức nghiên cứu khoa học; hướng dẫn chương trình, nội dung và phương pháp đào tạo cho các Trường Đảng tỉnh (nay là các trường chính trị cấp tỉnh). Từ đó tới nay, Bộ Chính trị, Ban Bí thư nhiều lần điều chỉnh việc giao nhiệm vụ cho Học viện theo hướng mở rộng nhiệm vụ công tác trường chính trị. Gần đây nhất, ngày 8-8-2018, Bộ Chính trị đã ban hành Quyết định số
145-QĐ/TW về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; ngày 13-11-2018, Ban Bí thư ban hành Quy định số 09-QĐi/TW về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Quy định số 208-QĐ/TW ngày 08-11-2019 của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trung tâm chính trị cấp huyện. Theo đó, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng, hướng dẫn và thống nhất quản lý việc thực hiện chương trình, nội dung đào tạo và bồi dưỡng; phương pháp giảng dạy và học tập; nghiên cứu khoa học; quy chế quản lý đào tạo; đào tạo, bồi dưỡng giảng viên của các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các trường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương liên quan đến lĩnh vực thuộc chức năng của Học viện; hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ cho các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; tham gia ý kiến về việc xây dựng tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo chủ chốt của các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương xây dựng khung chương trình sơ cấp lý luận chính trị cho các trung tâm chính trị cấp huyện.

1. Những kết quả chủ yếu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo hướng dẫn chuyên môn, quản lý hệ thống đối với các trường chính trị cấp tỉnh; trường bộ, ngành nhiệm kỳ 2015-2020

Tiếp nối những thành tựu nhiều năm qua, trong nhiệm kỳ 2015-2020, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, ngày càng thể hiện rõ vai trò của Trường Đảng Trung ương trong công tác trường chính trị. Chúng ta có thể thấy điều đó qua các hoạt động chủ yếu sau của Học viện:

a. Trong xây dựng thể chế, chính sách

Học viện chủ trì hoặc phối hợp với các Ban Đảng Trung ương, các bộ, ngành từng bước hoàn thiện thể chế, chính sách về công tác trường chính trị, bao gồm các văn bản của Ban Bí thư, Chính phủ, các ban, bộ ngành Trung ương. Đáng chú ý là tham mưu để Ban Bí thư ban hành Kết luận số 117 ngày 20-11-2015 về công tác đào tạo, bồi dưỡng tại các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Quy định số 09-QĐi/TW ngày 13-11-2018 về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đề xuất Ban Bí thư xem xét, phê duyệt Quy định tiêu chí trường chính trị chuẩn.

Bên cạnh đó,Học viện đặc biệt quan tâm hoàn thiện quy chế quản lý đào tạo, bồi dưỡng và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn chuyên môn đối với hệ thống trường chính trị cấp tỉnh, trường bộ, ngành. Đây được xác định là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, là điều kiện tiên quyết nâng cao chất lượng công tác trường chính trị. Trong đó, có nhiều văn bản quan trọng như: Quy chế đào tạo Trung cấp lý luận chính trị - hành chính; Quy chế giảng viên trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Quy chế nghiên cứu khoa học của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Quy chế thanh tra đào tạo, bồi dưỡng của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (ban hành kèm theo Quyết định số 2252-QĐ/HVCTQG ngày 02-5-2019); Quy chế quản lý hoạt động bồi dưỡng của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (ban hành kèm theo Quyết định số 4874-QĐ/HVCTQG ngày 30-9-2019); Quy chế hội thi giảng viên dạy giỏi toàn quốc các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (ban hành kèm theo Quyết định số 1269-QĐ/HVCTQG ngày 13-3-2018); Quy chế hội thi học viên học giỏi lý luận chính trị (ban hành kèm theo Quyết định số 2356-QĐ/HVCTQG ngày 30-5-2017); Quy định về ứng xử văn hóa của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (ban hành kèm theo Quyết định số 5029/QĐ-HVCTQG ngày 26-10-2017)... Đồng thời,ban hành bộ quy chế quản lý đào tạo và quản lý hoạt động bồi dưỡng của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương... Ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, trong đó đáng chú ý có hướng dẫn hoạt động nghiên cứu thực tế của học viên và cán bộ, giảng viên trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; hướng dẫn mẫu giáo án; sổ theo dõi giảng dạy và học tập, lấy ý kiến phản hồi từ người học...

Những đóng góp của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trong công tác xây dựng thể chế,một mặt, giúp hệ thống trường chính trị cấp tỉnh, trường bộ, ngành thực hiện nhiệm vụ chuyên môn và những nhiệm vụ khác có liên quan một cách thuận lợi, bảo đảm đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Mặt khác, góp phầnquan trọng nâng cao vị thế, vai trò của hệ thống trường chính trị cấp tỉnh trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn. Phạm vi thẩm quyền của trường chính trị cấp tỉnh không ngừng được mở rộng; nhiều nhiệm vụ mới và khó được giao cho trường chính trị đảm nhiệm, tương xứng với vị trí là cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ duy nhất ở cấp tỉnh; là cơ quan tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ở địa phương. Công tác cán bộ của các trường chính trị được chăm lo hơn, nhiều đồng chí ủy viên Ban Thường vụ tỉnh ủy đồng thời là hiệu trưởng trường chính trị cấp tỉnh, nhiều cán bộ, giảng viên được cử đi đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, được luân chuyển, đề bạt, bổ nhiệm; cơ sở vật chất - kỹ thuật của nhiều trường được đầu tư, nâng cấp, nhiều trường được xây mới hiện đại.

b. Trong xây dựng và hướng dẫn thực hiện chương trình, giáo trình

Xây dựng chương trình, biên soạn giáo trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng là một trong những khâu quan trọng, là một trong những nhân tố quyết định chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và sự phát triển của hệ thống trường chính trị cấp tỉnh. Học viện đã ban hành, chỉnh sửa, bổ sung Chương trình Trung cấp lý luận chính trị - hành chính; Chương trình bồi dưỡng cán bộ thuộc diện ban thường vụ cấp ủy cấp huyện quản lý (đối tượng 4); hướng dẫn thống nhất trong cả nước việc biên soạn, giảng dạy phần học “Tình hình, nhiệm vụ của địa phương hoặc ngành”. Hiện nay, Học viện đang triển khai xây dựng 3 chương trình: Chương trình đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cơ sở (hệ Trung cấp lý luận chính trị); chương trình, tài liệu bồi dưỡng cấp ủy cơ sở; chương trình bồi dưỡng chức danh đứng đầu Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cấp cơ sở.

Việc đổi mớichương trình, nội dung đào tạo, bồi dưỡng luôn được thực hiện theo phương châm “cơ bản, hiện đại, thiết thực, gắn với thực tiễn”; chú trọng hơn về phương pháp luận, tính định hướng, kinh nghiệm hoạt động thực tiễn, kỹ năng công tác và phong cách lãnh đạo, quản lý;gắn đào tạo cơ bản với bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo, quản lý, bồi dưỡng chức danh, tăng cường trách nhiệm của cả người dạy và người học, hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng toàn diện, giữ vững bản chất Trường Đảng của địa phương, đáp ứng chiến lược cán bộ của từng giai đoạn cách mạng.Qua đó đã giúp các trường chính trị, trường bộ, ngành đạt được mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đồng thời giữ vững bản chất là Trường Đảng của địa phương, của bộ, ngành, đáp ứng chiến lược cán bộ của từng giai đoạn cách mạng.

c.Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, giảng viên các trường chính trị, trường bộ, ngành

Học viện triển khai công tác tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, giảng viêncủa hệ thống trường chính trị cấp tỉnh, trường bộ, ngànhthông qua tổ chức các lớp tập huấn giáo trình, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ, phương pháp giảng dạy;tổ chức đi học tập, nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm ở nước ngoài; tổ chức các kỳ Hội thi giảng viên dạy giỏi toàn quốc các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trường bộ, ngành. Nhiệm kỳ vừa qua, Học viện đã tổ chức trên 50 lớp bồi dưỡng về công tác lãnh đạo, quản lý, nghiệp vụ, phương pháp giảng dạy tích cực, phương pháp quản lý đào tạo với 2.088 lượt cán bộ lãnh đạo, quản lý, giảng viên các trường chính trị, trường bộ, ngành. Tổ chức cho hơn 40 cán bộ, giảng viên các trường chính trị đi nước ngoài học tập theo chương trình 165 hoặc chương trình hợp tác với JICA, tổ chức 2 đoàn với 32 cán bộ, giảng viên của các trường đi nghiên cứu, trao đổi, học tập tại Hàn Quốc và Nhật Bản bằng kinh phí tự túc.

Việc tổ chức mở lớp có nhiều đổi mới theo hướng tăng cường kết nối với các trường trước, trong và sau tập huấn; chú trọng mời giảng viên, báo cáo viên là các đồng chí lãnh đạo Học viện, lãnh đạo các viện chuyên ngành, các chuyên gia thực tiễn tâm huyết, giàu kinh nghiệm trong và ngoài Học viện; chú trọng chấp hành kỷ luật, kỷ cương, ý thức, thái độ học tập. Nội dung chương trình được thiết kế theo hướng chú trọng tính cập nhật và kỹ năng, phương pháp; chú trọng nghiên cứu mô hình thực tiễn..., do vậy đáp ứng được yêu cầu đặt ra và được cán bộ, giảng viên các trường đánh giá cao.Học viện đã tổ chức thành công Hội thi giảng viên dạy giỏi toàn quốc các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trường bộ, ngành lần thứ 5, thứ 6. Mỗi hội thi đều có những nét mới cả về nội dung và hình thức, tạo hình mẫu cho các trường tổ chức hội thi cấp khoa, cấp trường, tạo ra khí thế thi đua sôi nổi trong hệ thống trường chính trị cấp tỉnh, trường bộ, ngành.

d.Trong công tác hướng dẫn, tư vấn nghiên cứu khoa học

Học viện đã chỉ đạo, hướng dẫn các trường, các cụm trường tổ chức nghiên cứu nhiều đề tài cấp tỉnh, tổ chức các hội thảo khoa học, triển khai các vấn đề tổng kết thực tiễn của địa phương. Học viện và các đơn vị trực thuộc Học viện đã phối hợp với các địa phương, trường chính trị tổ chức hàng chục các cuộc hội thảo, tọa đàm khoa học tại các trường, cụm trườngvề chương trình, giáo trình; về đổi mới công tác quản lý đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; về tổ chức nghiên cứu khoa học, v.v., trong đó có hội thảo khoa học cấp quốc gia về xây dựng trường chính trị chuẩn.Hằng năm, Học viện hướng dẫn các trường tổ chức hàng trăm lượt cán bộ, giảng viên đi nghiên cứu thực tế ở các địa phương, cơ sở.

Qua đó, Học viện góp phần quan trọng thúc đẩy công tác nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn của các trường chính trị ngày càng có nhiều đổi mới và đạt được mục đích chính là phục vụ trực tiếp nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của các trường chính trị, cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng, tham gia xây dựng chính sách, cơ chế của địa phương; tuyên truyền, cổ vũ, động viên cán bộ, đảng viên và nhân dân trong phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh. Đồng thời, việc hướng dẫn, tư vấn, tham gia với các trường chính trị tổ chức và đẩy mạnh nghiên cứu khoa học không chỉ góp phần tạo điều kiện cho đội ngũ giảng viên các trường nâng cao trình độ, rèn luyện khả năng tư duy, phương pháp, phong cách nghiên cứu khoa học, mà còn giúp đội ngũ này có điều kiện bổ sung thêm các tài liệu thực tế phong phú, mới mẻ phục vụ cho giảng dạy, học tập, góp phần tổng kết thực tiễn các địa phương, cơ sở.

đ.Trong phối hợp và kết nối với các tỉnh ủy, thành ủyvề công tác trường chính trị

Học viện chủ động kết nối với các tỉnh ủy, thành ủy về công tác trường chính trị. Lãnh đạo Học viện thường xuyên trao đổi, làm việc với các tỉnh ủy, thành ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố, lãnh đạo một số bộ, ngành, đoàn thể Trung ương về công tác trường chính trị, trường bộ, ngành. Đây là hoạt động có tính đột phá mới, thể hiện rõ nét sự chỉ đạo, quản lý hệ thống sâu sát, hiệu quả của Học viện đối với các trường chính trị, trường bộ, ngành được lãnh đạo các địa phương, các ngành, các trường đánh giá rất cao; nội dung các cuộc làm việc đã tháo gỡ cho các địa phương và các trường nhiều vấn đề liên quan đến công tác đào tạo, bồi dưỡng, cơ chế chính sách, cơ sở vật chất - kỹ thuật... Sau các cuộc làm việc đều có Thông báo Kết luận của đồng chí Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện gửi tỉnh ủy, thành ủy, Ủy ban nhân dân và trường chính trị các tỉnh, đề cập nhiều vấn đề cụ thể; kiến nghị các tỉnh, thành ủy phối hợp chỉ đạo công tác đào tạo, bồi dưỡng, công tác trường chính trị, công tác lịch sử Đảng và những mặt công tác khác có liên quan. Ngày 09-9-2016, lần đầu tiên Giám đốc Học viện ban hành Công văn số 1123/HVCTQG về việc phối hợp chỉ đạo công tác trường chính trị và đề nghị thường trực các tỉnh ủy, thành ủy, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố phân công lãnh đạo phụ trách trường chính trị. Đến nay, nhiều tỉnh ủy, thành ủy đã phân công các đồng chí lãnh đạo tỉnh ủy, thành ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố phụ trách trường chính trị, tổ chức định kỳ làm việc với trường chính trị, trực tiếp tháo gỡ những khó khăn,vướng mắc, kịp thời chỉ đạo và giải quyết các đề xuất, kiến nghị theo thẩm quyền. Trong đó, có những địa phương mà bí thư tỉnh ủy, thành ủy trực tiếp phụ trách trường chính trị. Nhờ vậy, công tác lãnh đạo của tỉnh ủy, thành ủy đối với các trường cũng kịp thời hơn, hiệu quả hơn, việc xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý và giảng viên của các trường được chăm lo hơn, hàng chục trường được đầu tư xây mới hoặc nâng cấp cơ sở vật chất - kỹ thuật theo hướng hiện đại, vị thế của các trường chính trị cấp tỉnh được nâng cao.

e. Trong công tác thi đua -khen thưởng

Học viện chủ động phối hợp với các đơn vị chức năng có liên quan triển khai có hiệu quả công tác thi đua - khen thưởng đối với hệ thống trường chính trị cấp tỉnh, trường bộ, ngành.Nhiệm kỳ này ghi dấu với đổi mới đột phá trong công tác thi đua - khen thưởng của Học viện đối với các trường chính trị. Học viện đã tổ chức chia cụm thi đua hệ thống các trường chính trị, trường bộ ngành thành 10 cụm thi đua, hằng năm đều có hướng dẫn hoạt động và tổ chức phong trào thi đua của các cụm gắn với nhiệm vụ chính trị trong từng năm, tổ chức chấm điểm, đánh giá kết quả triển khai các phong trào thi đua. Giám đốc Học viện tặng Cờ Thi đua cấp bộ cho 21 tập thể; tặng Bằng khen cho 49 lượt trường có thành tích trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ vào các dịp đại hội thi đua yêu nước, tổng kết công tác năm, kỷ niệm thành lập trường. Tổ chức gặp mặt và tặng Bằng khen cho 64 đồng chí nguyên hiệu trưởng, phó hiệu trưởng khi nghỉ hưu. Tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị” cho 1.868 cán bộ, giảng viên trường chính trị và tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Lịch sử Đảng” cho 51 cán bộ, giảng viên trường chính trị. Học viện trình Chủ tịch nước, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ hiệp y khen thưởng bậc cao cho 41 tập thể và 23 cá nhân có thành tích xuất sắc của các trường chính trị.

Các phong trào thi đua trong các trường chính trị thực sự có ý nghĩa thiết thực, lan tỏa, tạo động lực để các trường hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị, gắn kết ngày một sâu sắc hơn với Học viện.

2. Một số kinh nghiệm trong công tác trường chính trị từ thực tiễn nhiệm kỳ 2015-2020

Vụ Các trường chính trị với chức năng, nhiệm vụ là đơn vị tham mưu công tác trường chính trị; qua thực hiện, theo dõi và đánh giá kết quả triển khai công tác trường chính trị 5 năm qua, chúng tôi rút ra một số kinh nghiệm như sau:

Thứ nhất, trong triển khai nhiệm vụ, Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện đánh giá đúng về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác trường chính trị. Công tác trường chính trị luôn được Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao; phân công tất cả các đồng chí trong Ban Giám đốc Học viện đều tham gia phụ trách các công việc, hoạt động liên quan đến công tác trường chính trị.

Thứ hai, để thực hiện công tác trường chính trị có hiệu quả rất cần sự cộng tác, phối hợp chặt chẽ của Học viện với các ban, bộ, ngành Trung ương, các trường chính trị, trường bộ, ngành; sự phối hợp thường xuyên, có chiều sâu của các đơn vị trực thuộc Học viện, trong đó đơn vị thường trực, chủ trì là Vụ Các trường chính trị.

Thứ ba, Học viện cần bám sát thực tiễn, nắm chắc tình hình các trường để làm tốt công tác tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác trường chính trị, bảo đảm tham mưu đúng, trúng.

Thứ tư, thường xuyên quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên trách công tác trường chính trị vững vàng về chính trị, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, am hiểu thực tiễn công tác trường chính trị, có phong cách làm việc khoa học, chuyên nghiệp, mang bản sắc văn hóa Trường Đảng.

3. Tiếp tục phát huy vai trò Trường Đảng Trung ương lãnh đạo, chỉ đạo hướng dẫn chuyên môn, tăng cường quản lý hệ thống đối với các trường chính trị cấp tỉnh; trường bộ, ngành đáp ứng yêu cầu của tình hình mới

Trong giai đoạn hiện nay, trước những yêu cầu mới đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ các cấp, công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn của địa phương và bộ, ngành, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cần phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn chuyên môn, tăng cường quản lý hệ thống góp phần nâng cao chất lượng toàn diện các mặt công tác của các trường chính trị, các trường bộ, ngành, đồng thời góp phần thống nhất thành hệ thống nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cũng như việc thực hiện các nội dung, chương trình đó trong các trường chính trị, trường bộ, ngành và trung tâm chính trị cấp huyện.

Để thực hiện được những mục tiêu đó, với phương châm: chủ động trong tham mưu, chặt chẽ trong phối hợp, sáng tạo, mềm dẻo, linh hoạt nhưng quyết liệt trong tổ chức thực hiện, sát sao trong kiểm tra, đánh giá, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cần làm tốt một số công việc trọng tâm sau:

Một là,tập trung tham mưu để Ban Bí thư Trung ương Đảng sớm ban hành Quy định về trường chính trị chuẩn.Hướng dẫn các trườnghoàn thiện đề án xây dựng trường chính trị chuẩn từ nay đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035, trọng tâm là xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, đội ngũ giảng viên và hiện đại hóa cơ sở vật chất - kỹ thuật phục vụ việc nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở cơ sở.

Hai là,tăng cường và chủ động phối hợp chặt chẽ với các ban Đảng Trung ương, các bộ, ngành có liên quan hướng dẫn, đôn đốc các tỉnh ủy, thành ủy, các trường chính trị thực hiện đúng và có hiệu quả các quy định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác trường chính trị.

Ba là,tiếp tục hoàn thiện quy chế, quy định về quản lý đào tạo, bồi dưỡng.Hướng dẫn các trường chính trị, trường bộ, ngành thực hiện nghiêm túc bộ quy chế quản lý đào tạo, quy chế quản lý hoạt động bồi dưỡng,quy chế hoạt động khoa học của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cùng các quy chế và hướng dẫn khác, tạo bước chuyển biến cơ bản kỷ cương, nền nếp trong giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn của các trường làm tiền đề nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ hiện nay.

Bốn là,tập trung xây dựng, ban hành mới chương trình, giáo trình Trung cấp lý luận chính trị - hành chính và một số chương trình bồi dưỡng chức danh, chương trình cập nhật kiến thức theo Quy định số
164-QĐ/TW của Bộ Chính trị bảo đảm tính khoa học, cập nhật, hiện đại, phù hợp các đối tượng, đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong giai đoạn mới.

Năm là,triển khai thực hiện có chất lượng, hiệu quả các nhiệm vụ về xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên các trường chính trị cấp tỉnh theo Đề án nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giai đoạn 2019-2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (Đề án 587). Trong đó, đặc biệt chú trọng bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, phương pháp giảng dạy cho cán bộ lãnh đạo, quản lý và giảng viên của các trường chính trị cấp tỉnh.

Sáu là, đẩy mạnh kết nối hệ thống Học viện Chính trị quốc gia
Hồ Chí Minh và các trường chính trị cấp tỉnh, trường bộ, ngành, trung tâm chính trị cấp huyện; chỉ đạo có hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nghiên cứu khoa học, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các trường chính trị. Hoàn thành việc triển khai cầu truyền hình trực tuyến giữa Học viện và các trường chính trị cấp tỉnh.

TS Nguyễn Thị Thanh Nhàn
Bí thư Chi bộ, Vụ trưởng Vụ Các trường chính trị

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền