Trang chủ    Cùng bạn đọc    Các tạp chí, bản tin đã và sẽ tiếp tục đổi mới cùng Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh bước vào giai đoạn phát triển mới
Thứ năm, 03 Tháng 9 2020 15:23
1120 Lượt xem

Các tạp chí, bản tin đã và sẽ tiếp tục đổi mới cùng Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh bước vào giai đoạn phát triển mới

 

1. Các tạp chí, bản tin đã nỗ lực đổi mới, được xã hội và giới lý luận đánh giá cao

Tính đến thời điểm hiện tại,toàn Học viện có 12 tạp chí, 10 bản tin. Trong số các tạp chí có 1 tạp chí cấp vụ thuộc Học viện, 5 tạp chí thuộc các Học viện trực thuộc, 6 tạp chí chuyên ngành mang tính đặc thù của Học viện, trong đó có một số được nâng cấp từ bản tin. Có 1 tạp chí tuổi đời trên 40 năm, 4 tạp chí tuổi đời trên 30 năm, 2 tạp chí 10 năm tuổi, 1 tạp chí chưa đầy 5 năm tuổi. Tổng số cán bộ, nhân viên làm tạp chí, bản tin trong toàn Học viện khoảng 80 người.

Trong 5 năm qua, mặc dù còn không ít khó khăn khách quan và chủ quan, các tạp chí, bản tin đã nỗ lực đổi mới để phục vụ tốt công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, đấu tranh tư tưởng của Đảng.

Về mặt đổi mới, hầu hết các tạp chí bản tin đều có ý thức và tìm tòi sự cải tiến, đem lại sự mới mẻ cho người đọc. Các tạp chí Lý luận chính trị, Lịch sử Đảng, Lý luận chính trị và truyền thông, Thông tin khoa học lý luận chính trị, Giáo dục lý luận (của Học viện khu vực I) tiếp tục có bước cải tiến cả về hình thức trình bày, hệ thống chuyên mục, quy trình biên tập và đặc biệt là cố gắng tiến tới xuất bản điện tử và tiếng Anh. Tạp chí Lịch sử Đảng đã được phê duyệt Đề án xuất bản điện tử, đã in được số đầu tiên tiếng Anh. Tạp chí Giáo dục lý luận cũng xuất bản được 1 số tiếng Anh. Tạp chí Lý luận chính trị và truyền thông (thuộc Học viện Báo chívà Tuyên truyền) đã dành nhiều thời gian nghiên cứu, chuẩn bị xuất bản điện tử.

Về thực hiện nhiệm vụ chính trịtheo chức năng, tôn chỉ, mục đích, các tạp chí và bản tin của Học viện đã phục vụ khá tốt các công tác sau của Học viện:

- Phục vụ công tác đào tạo: Các tạp chí của Học viện đăng tải kịp thời các phát biểu chỉ đạo công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo Học viện; là diễn đàn tổng kết và chia sẻ kinh nghiệm trong công tác quản lý, xây dựng giáo trình, phương pháp giảng dạy ở Học viện, Học viện trực thuộc, các trường chính trị tỉnh, thành phố, có khi đề cập cả những vấn đề đào tạo, giáo dục chung của đất nước.

 Các tạp chí đã đáp ứng nguyện vọng và nhu cầu của nghiên cứu sinh, cao học được đăng tải kết quả nghiên cứu. Dựa trên chất lượng, các tạp chí hằng năm đã đăng hàng trăm bài viết tạo điều kiện cho các em đủ tiêu chuẩn “đầu vào”, “đầu ra” của nghiên cứu sinh. Bên cạnh đó, các tạp chí cũng đăng hàng trăm bài nghiên cứu của các ứng viên phó giáo sư, giáo sư,góp phần xây dựng đội ngũ giáo sư, phó giáo sư của Học viện.

- Phục vụ công tác nghiên cứu khoa học: Các tạp chí đều đã bám sát và đăng tải kết quả của các chương trình, đề tài nghiên cứu các cấp hằng năm (từ cấp nhà nước tới cấp bộ trọng điểm, cấp bộ, cấp cơ sở) của các nhà khoa học trong Học viện. Hầu như không chủ nhiệm đề tài cấp nhà nước hay cấp bộ nào của Học viện không đăng một hoặc nhiều bài, ở các mức độ khác nhau, kết quả nghiên cứu của mình. Hầu hết các đề tài Nafosted mà các nhà khoa học của Học viện làm chủ nhiệm hoặc tham gia đều được đăng trên các tạp chí của Học viện. Chính vì vậy, các tạp chí của Học viện đều được lọt vào danh sách của Hội đồng chức danh nhà nước chuyên ngành chính trị và cho điểm cao nhất có thể. Có tạp chí được 2, 3, 4 Hội đồng chuyên ngành cho điểm (Tạp chí Lý luận chính trị được 7 hội đồng cho điểm, và là một trong số rất ít tạp chí trong cả nước được hội đồng triết học-chính trị học- xã hội học cho điểm cao nhất).

- Tích cực tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái: Các tạp chí có ý thức thường xuyên về nhiệm vụ này (nhất là Tạp chí Lý luận chính trị) và từ khi thực hiện Nghị quyết số
35-NQ/TWcủa Bộ Chính trị thì lại càng ý thức rõ và tích cực, chủ động hơn trong việc tổ chức, khai thác và biên tập, xuất bản các bài viết theo hướng này. Nhiều bài nghiên cứu đã được chọn lọc, đăng thành sách, được xã hội đánh giá chất lượng tốt.

- Tham gia công tác thông tin đối ngoại của Đảng và hợp tác quốc tế của Học viện: Mặc dù đây chưa phải là nhiệm vụ đặt ra cho tất cả các tạp chí của Học viện, nhưng riêng với Tạp chí Lý luận chính trị, do vị thế và điều kiện có ấn phẩm tiếng Anh thường kỳ và trang tiếng Anh của tạp chí điện tử, đã có ý thức và thực hiện khá tốt vai trò này, bước đầu được bạn bè quốc tế của Học viện và cơ quan tham mưu, chỉ đạo báo chí của Đảng ghi nhận, đánh giá tích cực.

Có được những kết quả trên các mặt phục vụ đó trước hết là do có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, sự chia sẻ, động viên kịp thời của Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện và Đảng ủy, Ban Giám đốc các Học viện khu vực; sự cộng tác tích cực,nhiệt tình của đội ngũ các nhà khoa học. Sau nữa là lương tâm và trách nhiệm nghề nghiệp, là ý thức chính trị của các cấp ủy, ban lãnh đạo đội và ngũ biên tập viên, nhân viên các tạp chí, bản tin toàn Học viện.

Tuy nhiên, phải thừa nhận,bên cạnh mặt tích cực như trên, các tạp chí, bản tin còn nhiều điều chưa đáp ứng mong mỏi, sự chờ đợi của các nhà khoa học và cả xã hội.

Một trong những hạn chế rõ nhất của các tạp chí là số lượng in thấp, phát hành mang tính bao cấp, theo phương thức truyền thống, do vậy tính quảng bá, sự ảnh hưởng trong giới nghiên cứu và giảng dạy lý luận còn hẹp. Do quy trình biên tập, xuất bản, chất lượng khoa học, tầm ảnh hưởng... nên một số tạp chí, nhất là tạp chí chuyên ngành mới được thành lập chưa được Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước cho điểm cao (chỉ đạt từ 0,25 hoặc 0,5).

Các bản tin hoạt động càng khó khăn, vì người làm chủ yếu là kiêm nhiệm, kinh phí rất hạn hẹp và chưa đạt được mục đích phục vụ, đồng hành cùng công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học của đơn vị chủ quản.

Những hạn chế đó có nguyên nhân khách quan và chủ quan. Về mặt khách quan là những khó khăn chung của khối tạp chí khoa học xã hội, nhất là trong điều kiện ấn phẩm giấy ngày càng khó tiếp cận với người đọc; công nghệ áp dụng trong quy trình biên tập, trình bày, xuất bản phần lớn còn cũ kỹ. Về mặt chủ quan trước hết là hạn chế về trình độ chuyên nghiệp của người làm tạp chí, nhất là trình độ tiếp cận và vận dụng kỹ năng làm tạp chí thời kỹ thuật số. Và quan trọng hơn cả là hạn chế về trình độ lý luận và khoa học của đội ngũ những người làm tạp chí, bao gồm từ lãnh đạo tới biên tập viên,trong khi đây lại là yếu tố quyết định nhất ảnh hưởng tới chất lượng, uy tín, sức hấp dẫn của các tạp chí, bản tin lĩnh vực lý luận chính trị.

Cũng phải thẳng thắn thừa nhận, trong nhiệm kỳ vừa qua, bên cạnh đa số tạp chí, bản tin hoàn thành tốt hoặc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, tập thể đơn vị đoàn kết, nhất trí, cá biệt còn có đơn vị có lúc chưa thực sự đoàn kết, nên ảnh hưởng tới kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị. Bên cạnh tuyệt đại đa số những người làm tạp chí, bản tin của Học viện có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, tận tụy với công việc, đáng tiếc một vài cá nhân, kể cả ở cấp lãnh đạo tạp chí, còn có những sai phạm không đáng có, làm ảnh hưởng tới uy tín của đội ngũ người làm tạp chí, bản tin, danh dự, uy tín của đơn vị và tổ chức đảng cơ sở.

Từ kinh nghiệm của những đơn vị có thành tích, cũng như của đơn vị còn khuyết, nhược điểm càng khẳng định vai trò của tổ chức đảng trong các cơ quan tạp chí, bản tin là quan trọng. Ở đâu coi thường hoặc buông lỏng công tác đảng thì ở đó dễ nảy sinh vấn đề tư tưởng và hiện tượng mất đoàn kết.

Thực tiễn hoạt động của các tạp chí, bản tin cũng chứng tỏ công tác cán bộ là then chốt, vì nếu lựa chọn, bổ nhiệm đúng cán bộ lãnh đạo, nhất là người đứng đầu có đủ tiêu chuẩn, phẩm chất chính trị, đạo đức, chuyên môn thì đơn vị đi đúng hướng, tránh được sai sót và ngược lại. Điều này lại càng đúng vì làm tạp chí lý luận nói chung, tạp chí tại Học viện nói riêng rất dễ bị sai sót về chính trị, cũng dễ phạm khuyết điểm vì những cám dỗ ngoài chuyên môn.

2. Tiếp tục đổi mới, hiện đại hóa, cùng Học viện phát triển lên tầm cao mới

Đây là yêu cầu đặt ra đối với các tạp chí, bản tin của Học viện, là sự mong đợi, hy vọng của các cấp lãnh đạo, đội ngũ giảng viên, nhà khoa học của Học viện, các trường chính trị, các ban tuyên giáo, của các thế hệ học viên và cộng đồng nghiên cứu lý luận trong toàn quốc.

Đổi mới, hiện đại hóa nghĩa là: về mặt nội dung luôn nâng cao chất lượng khoa học và chính trị; về mặt hình thức là sự chuẩn mực, phù hợp với tính chất, mục đích của từng tạp chí; về mặt quy trình xuất bản và quản lý là áp dụng công nghệ hiện đại để tương tác dễ dàng, thuận lợi với các nhà khoa học, tiếp cận nhanh chóng và rộng rãi với người đọc bất kể thời gian, địa điểm trong hay ngoài nước, đô thị hay nông thôn, miền núi hay hải đảo...

Về mặt khoa học phải bảo đảm chính xác về khái niệm chuyên ngành, sự tin cậy về phương pháp nghiên cứu và số liệu, sự kiện. Về mặt chính trị là giữ vững lập trường, quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng thời nhạy bén và sắc sảo trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm thù địch, sai trái.

Đổi mới, hiện đại hóa không chỉ để nâng tầm các tạp chí của Học viện ở trong nước mà về mặt chính trị còn làm tốt hơn nữa vai trò quảng bá hình ảnh, uy tín của Học viện, của đất nước Việt Nam. Về mặt khoa học,để đạt được sự ghi nhận nhất định của cộng đồng khoa học quốc tế trong bối cảnh hội nhập thế giới ngày càng sâu rộng của nước ta và quan hệ quốc tế ngày càng rộng rãi của Học viện.

Để đạt được sự đổi mới và hiện đại hóa như trên là rất khó, cả về khách quan và chủ quan, đòi hỏi nỗ lực và trách nhiệm của các tạp chí và cơ quan chủ quản. Đương nhiên,trách nhiệm trước hết thuộc về các cấp ủy, ban lãnh đạo và cán bộ, nhân viên các tạp chí, bản tin. Các tạp chí phải nắm chắc tôn chỉ, mục đích của tạp chí, công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học của Học viện, định hướng công tác tư tưởng của Đảng; nắm chắc các quy định của pháp luật và quy định của Học viện trong hoạt động báo chí, nhất là trong quản lý và sử dụng tài chính. Đồng thời chủ động, sáng tạo trong kế hoạch, chương trình biên tập, xuất bản và điều hành, tác nghiệp thường xuyên.

Như đã nêu ở trên, điều cốt yếu là các cấp ủy và lãnh đạo các tạp chí phải thực sự coi trọng công tác đảng, công tác tổ chức - cán bộ trong đơn vị. Phải làm tốt công tác tư tưởng, giáo dục chính trị cho cán bộ, nhân viên của cơ quan, kể cả đảng viên và người ngoài đảng; làm tốt công tác kiểm tra, giám sát đảng viên. Phải phát huy tập trung, dân chủ trong công tác cán bộ. Một mặt chủ động phát hiện và đề nghị cấp có thẩm quyền quy hoạch, bổ nhiệm người đứng đầu có đủ điều kiện, tiêu chuẩn, phát hiện và đề nghị cấp có thẩm quyền cho phép tuyển dụng người có nhiệt tình, say mê, đủ trình độ, năng lực làm tạp chí, mặt khác phải thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ khoa học, lý luận, kỹ năng nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ đã có, mạnh dạn sàng lọc người không đáp ứng yêu cầu công việc. Một khi chi bộ và cấp ủy đơn vị thực sự trong sáng, công tâm trong công tác cán bộ thì đơn vị sẽ đoàn kết, vững mạnh, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, dễ dàng thực hiện đổi mới không ngừng.

Về phía Học viện, các Học viện trực thuộc, các viện chuyên ngành, phải đổi mới mạnh mẽ công tác tổ chức và cán bộ, trước hết là công tác tuyển chọn, bồi dưỡng, đề bạt cán bộ, đặc biệt là người đứng đầu cơ quan báo chí có đủ phẩm chất chính trị, năng lực chuyên môn và đạo đức, tác phong phù hợp. Trong công tác lãnh đạo và quản lý, Giám đốc, Đảng ủy, Ban Thường vụ Học viện và các Học viện trực thuộc cần thường xuyên giám sát, kiểm tra để kịp thời uốn nắn, chấn chỉnh các tạp chí, bản tin nếu có sai sót, khuyết điểm;khen thưởng, động viên xứng đángnếu có thành tích tốt.

Để có nguồn lực con người và vật chất cần thiết nhằmphát triển hệ thống tạp chí của Học viện, Giám đốc, Đảng ủy Học viện lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương nghiên cứu xây dựng và thực hiện Đề án Quy hoạch báo chí của Học viện. Thực hiện tốt quy hoạch báo chí là phải phát huy tối đa vai trò, hiệu quả của các cơ quan báo chí đã có, mạnh dạn sáp nhập, giải thể các cơ quan không thực hiện nghiêm tôn chỉ, mục đích, không có bản sắc riêng, trùng lặp, giẫm chân nhau, không đáp ứng nhu cầu thực sự của xã hội; chặt chẽ hơn trong việc cho phép lập mới các cơ quan báo chí, không để các đơn vị cấp dưới chạy theo phong trào xây dựng bản tin, tạp chí, trong khi nguồn lực con người và thời gian không cho phép, dẫn đến đầu tư dàn trải nhưng kém hiệu quả.

Đối với các cơ quan báo chí đã có, Giám đốc, Đảng ủy lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chức năng bảo đảm tốt nhất điều kiện làm việc về cơ sở vật chất, trang thiết bị, tài chính theo hướng ngày càng chuyên nghiệp, chuyên sâu. Xây dựng,cải tiến các định mức kinh tế, kỹ thuật, xây dựng kế hoạch tài chính và thủ tục thanh quyết toán kinh phí kịp thời,thuận lợi cho hoạt động của các tạp chí, bản tin, vừa giúp công tác quản lý chặt chẽ, vừa giúp cán bộ, nhân viên có thu nhập hợp pháp xứng đáng, tránh được sức ép và cám dỗ bên ngoài có thể dẫn đến sai phạm không đáng có.

__________________

 

Tham luận tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh lần thứ III, nhiệm kỳ 2020-2025

PGS, TS Vũ Hoàng Công
Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ,
Tổng Biên tậpTạp chí Lý luận chính trị

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền