Trang chủ    Cùng bạn đọc    Học viện Chính trị khu vực III đổi mới và phát triển xứng đáng là trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên
Thứ năm, 03 Tháng 9 2020 15:12
2149 Lượt xem

Học viện Chính trị khu vực III đổi mới và phát triển xứng đáng là trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên

 

Tính đến nay, Học viện Chính trị khu vực III thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã trải qua hơn 70 năm xây dựng và phát triển. Qua từng chặng đường cách mạng, Học viện Chính trị khu vực III (sau đây gọi tắt là Học viện III) đã từng bước đổi mới và phát triển để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được Ban Chấp hành Trung ương và Chính phủ, mà trực tiếp là Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh giao cho; từng bước khẳng định vị thế, bản sắc của một trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

1. Quan điểm đổi mới và phát triển của Học viện Chính trị khu vực III trong những năm qua

Trong những năm qua, Đảng ủy,Giám đốcHọc viện III tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các mặt công tác trên cơ sở thực hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, đồng thời có sự vận dụng sáng tạo,phù hợp với tình hình thực tế của một Học viện chính trị ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Công tác lãnh đạo, chỉ đạo các mặt công tác của Học viện III đều hướng tới thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị chung; đổi mới gắn liền với kế thừa và phát triển; phát huy dân chủ, tăng cường sự đoàn kết, đồng thuận gắn với giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương; nêu cao vai trò lãnh đạo, quản lý của Ban Giám đốc và thủ trưởng các đơn vị trực thuộc; khơi dậy tiềm năng,khuyến khích tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, năng động, sáng tạo phấn đấu vươn lên hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, giảng viên, viên chức và người lao động.

Quan hệ hợp tác, phối hợp giữa Học viện III với các đơn vị giảng dạy, đơn vị chức năng của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các Học viện trực thuộc trong công tác chuyên môn, nghiệp vụ ngày càng được chú trọng tăng cường; quan hệ công tác giữa Học viện với ban tổ chức tỉnh ủy, thành ủy, trường chính trị các tỉnh, thành miền Trung - Tây Nguyên trong việc phối hợp mở lớp, quản lý các lớp Cao cấp lý luận chính trị, lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Đảng, bồi dưỡng chức danh... được thực hiện thường xuyên và ngày càng hiệu quả; Học viện III cũng đã mời Ban chỉ huy quân sự các tỉnh, thành phố tham gia giảng dạy môn Giáo dục quốc phòng - an ninh cho các lớp Cao cấp lý luận chính trị do Học viện quản lý.

Học viện III đã thực hiện tốt việc sáp nhập các đơn vị trực thuộc theo tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII và Nghị quyết số 16 của Đảng ủy Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, trực tiếp là Quyết định số 6589 ngày 01-11-2018 của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Học viện Chính trị khu vực III. Cụ thể, Học viện III đã hợp nhất Khoa Kinh tế chính trị học với Khoa Kinh tế thành Khoa Kinh tế chính trị; Văn phòng Học viện, Văn phòng Đảng - Đoàn thể với Phòng Quản trị và Công nghệ thông tin thành Văn phòng; thành lập mới Khoa Lãnh đạo học và Chính sách công. Trước đó, Học viện III cũng đã thành lập Trung tâm Nghiên cứu Hoàng Sa, Trường Sa-một đơn vị có tính đặc thù, đặc trưng gắn với tình hình thực tiễn của khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Những kết quả nói trên đã tạo cho Học viện III diện mạo mới với cơ cấu tổ chức bộ máy tinh gọn, hợp lý, khá hiệu quả, cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay.

Thực hiện phong trào thi đua “3 tốt” -“Giảng dạy tốt, nghiên cứu tốt”đối với giảng viên; “Học tập tốt, rèn luyện tốt”đối học viên; Quản lý tốt, phục vụ tốt đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý và viên chức, người lao động, Học viện III đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ trong thời gian qua.

2. Những thành tựu nổi bật của Học viện Chính trị khu vực III

a. Từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị đặt ra

Trường Đảng Liên khu V trước đây và Học viện Chính trị khu vực III ngày nay luôn thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đào tạo, huấn luyện và sử dụng cán bộ. Đây được xem là khâu then chốt,có ý nghĩa quyết định đối với sự hình thành và phát triển của Học viện. Hơn 70 năm -một chặng đường vinh quang vượt qua mọi khó khăn, gian khổ,phấn đấu xây dựng và trưởng thành, các thế hệ công chức, viên chức, người lao độngcủa Học viện III đã đạt những thành tích rất đáng trân trọng và tự hào, góp phần viết nên những trang sử đẹp về truyền thống của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Sau ngày thống nhất đất nước, để thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, công tác tuyển dụng và đào tạo, bồi dưỡngcán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống Trường Đảng đã được đặc biệt chú trọng. Trong 10 năm, từ năm 1994 đến 2005, Phân viện Đà Nẵng (Học viện III ngày nay) đã tuyển dụng gần 70 viên chức có trình độ đại học. Nếu như thời điểm trước năm 2001, Phân viện Đà Nẵng chỉ có 3 phó giáo sư, 18 tiến sĩ, 27 thạc sĩ thì chỉ 4 năm sau, năm 2005, Phân viện đã có thêm 3 phó giáo sư, 5 tiến sĩ, 23 thạc sĩ; 27 công chức, viên chức theo học cao học và nghiên cứu sinh.

Để xây dựng nguồn lực cán bộ đảm bảovề cơ cấu,chất lượng, lãnh đạo Học viện qua các thời kỳ luônchú trọng công tác tuyển dụng, đào tạo và sử dụng công chức, viên chức. Việc tuyển chọn viên chức nói chung và đội ngũ giảng viênnói riêngngày càng chặt chẽ, khoa họcvà bài bản hơn. Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện III trong các giai đoạn, nhất là từ năm 1995 đến nay,luôn nhất quán định hướng và tầm nhìn: đội ngũ cán bộ, giảng viên phải được đào tạochuẩn hóa(tiến sĩ, thạc sĩ, Cao cấp lý luận chính trị...)và thường xuyên tham gia các lớp bồi dưỡng, tập huấn về nghiệp vụ chuyên môn, phương pháp, kỹ năng sư phạm,như: phươngpháp giảng dạy tích cực, phương pháp nghiên cứu khoa học, nâng cao trình độ ngoại ngữ, tin học...

Hiện nay, tổng số công chức, viên chức của Học viện là 196 người, trong đó có 9 phó giáo sư, 52 tiến sĩ, 75 thạc sĩ, 44 cử nhân. Nhiều cánbộ đang học thạc sĩ, nghiên cứu sinh trong nước và nước ngoài... So với yêu cầu đặt ra, nguồn nhân lực của Học viện III cơ bản đáp ứng yêu cầu, có khả năng đảm nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

b. Đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng

Đàotạo, bồi dưỡngđội ngũ cán bộlãnh đạo, quản lý cho các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên là nhiệm vụchủ yếu, hàng đầu của Học viện Chính trị khu vực III. Trong từng giai đoạn cách mạng cụ thể, dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chính phủ và của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện III đã đào tạo, bồi dưỡng lực lượng cán bộ đáp ứng tốt yêu cầu của cách mạng nước ta trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ,trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt là trong công cuộc đổi mới toàn diện đất nước hiện nay. Đasố cán bộ qua đào tạo, bồi dưỡngở Học viện III đãhoàn thành các trọng trách được giao, là những hạt nhân đi đầu trong phong trào đấu tranh cách mạng,phong trào thi đua yêu nước, góp phần xứng đáng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh, thànhphố ởkhu vực miền Trung - Tây Nguyên và cả nướcnhững năm qua.

Qua hơn 70 năm xây dựng và phát triển, Học viện III đã đào tạo và bồi dưỡng hơn 65.000 lượt cán bộ cho các tỉnh, thành phố khu vựcmiền Trung- Tây Nguyên. Đặc biệt, trong 5 năm,từ năm 2014 đến hết năm 2019, Học viện đã đào tạo, bồi dưỡng 182 lớp Cao cấp lý luận chính trị với 12.954 học viên; 5 lớp hoàn chỉnhchương trìnhCao cấp lý luận chính trị, với 335 học viên; 13 lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ dự nguồn và cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt cấp huyện, tỉnh với 1.573 học viên; 14 lớp bồi dưỡng công tác tổ chức, kiểm tra, dân vận, tuyên giáo với 1.161 học viên; phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh mở 4 lớp cao học với 110 học viên.

Có thể khẳng định rằng, thành tựu về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Học viện đã làm nên thương hiệu, tạo được uy tín đối với các cấp lãnh đạo Trung ương và địa phương. Tại Lễ kỷ niệm 70 năm truyền thống Học viện Chính trị khu vực III (1949-2019), GS, TS Nguyễn Xuân Thắng - Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương đãghi nhận sự nỗ lực phấn đấu và thành tích đạt được của các thế hệ cán bộ, thầy, cô giáo và học viên qua các thời kỳ,nhiệt liệt chúc mừng, biểu dương những đóng góp, cống hiến của Học viện Chính trị khu vực III trong 70 năm qua.

Để có được thành tích đó, đội ngũ giảng viêncủa Học việnđã luôn chútrọng nâng cao chất lượng bài giảng, quan tâm đổi mớiphương pháp giảng dạy với phương châmgiảm thời gian độc thoại, thuyết trình, ghi chép;tăng cường trao đổi, đối thoại, nêu vấn đề trực tiếp trên lớpđểhọc viên cùng tham gia thảo luận, góp phần biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo.Học viện III còn thường xuyên tổ chức các buổi dự giờ đánh giá chất lượng bài giảng của giảng viên để kịp thời góp ý, nâng cao chất lượng bài giảng, tổ chức cho giảng viên tham gia đầy đủ các hội thi Giảng viên giỏi do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát động. Trong 3lần tham gia Hội thi Giảng viên giỏi cấp bộ, Học viện III đều có giảng viên đạtdanh hiệugiảng viên giảng dạy xuất sắc, được Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tặng Bằng khen.

Công tác quản lý đào tạo không ngừng được đổi mới,như:triển khai điểm danh bằng vân tayđối với học viên các lớp tại Học viện; tăng cường vai trò trách nhiệm của chủ nhiệm lớp và giảng viên đứng lớp, nhất là ở các lớp hệ không tập trungtại địa phương; quántriệt học viên thực hiện nghiêm túc quy chế, nội quy của Học viện; thực hiện nghiêm quy định về việchọc bổ sung, học lạiđối với các học viên không đủ điều kiện dự thi hết môn, thi tốt nghiệp...Học viện III cũngmạnh dạnđưara và thực hiện sáng kiến tổ chức sơ kết giữa khóa học để kịp thời chấn chỉnh những thiếu sót cả đối với đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý lớp và học viên trong quá trình đào tạo.Đây là một trong những nội dung đổi mới quan trọng được Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đánh giá cao.

c. Đổi mới công tác nghiên cứu khoa học

Nghiên cứu khoa học nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được xác định là một nhiệm vụ rất cơ bản và hết sức quan trọng trong tiến trình xây dựng và phát triển Học viện. Bởi,không thể có một bài giảng tốt, đảm bảo cơsởlý luận và thực tiễn nếu như không được đầu tư nghiên cứu một cách có hệ thống, đảm bảo tính lý luận, tính khoa học và tính thực tiễn. Nghiên cứu khoa học nhằm làm sáng tỏ những vấn đề lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin,tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nhiều giảng viên đã viết bài đăng tải trên các tạp chí lý luận quốc gia, làmchủ nhiệm đề tài khoa học các cấp. Hoạt động nghiên cứu khoa học của Học viện III cũng đã góp phần trongviệc tổng kết thực tiễn và hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội của một số địa phương khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Từ năm 1993 đến nay, đội ngũ giảng viên, nghiên cứuviêncủa Học viện đã thực hiện 527 đề tài khoa học, trong đó có 8 đề tài độc lập cấp nhà nước, 9 đề tài nhánh cấp nhà nước, 129 đề tài cấp bộ, 2 đề tài thuộc quỹ Nafosted; 462 đề tài cấp cơ sở và đề tài cấp tỉnh, thành phốởkhu vực miền Trung-Tây Nguyên... Cán bộ nghiên cứu, giảng dạy của Học viện đã đăng tải hơn 2.000 bài báo khoa học trên các tạp chí của Trung ương, các kỷ yếu khoa học; xuất bản gần 200 đầu sách chuyên khảo và tham khảo...

Ngoài ra, Học viện còn phối hợp với một số cơ quan nghiêncứu khoa học của Trung ương, các viện chuyên ngành thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các địa phương tổ chức hơn 186 cuộc hội thảo, tọa đàm khoa học trên nhiều lĩnh vực khác nhau, thu hút đông đảo các nhà khoa học ở khu vực miền Trung - Tây Nguyênvà trên cả nước tham gia. Trên lĩnh vực hợp tác quốc tế, Học viện đã thiết lập quan hệ hợp tác với một số Trường Đảng cấp tỉnh của Trung Quốc, Trường Đại học Thượng Hải, Trung Quốc và Trường Chính trị - Hành chính tỉnh Savannakhet của nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào; tổ chức hàng trăm cuộc tọa đàm khoa học quốc tế giữa Học viện với các đối tác trên.

Học viện III cũng đã xây dựng các báo cáo kiến nghị từ kết quả nghiên cứu đề tài các cấp, gửi Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh thẩm định. Trongđó đãcó 3 báo cáo kiến nghị được phê duyệt và gửi lên Tiểu ban Văn kiện để xemxét bổ sung vào dự thảo Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Kết quả hoạt động nghiên cứu khoa học cũng được Học viện sử dụng như một trong những tiêu chí khi bình xét các danh hiệu thi đua hàng năm cho các tập thể và cá nhân, xét nâng lương trước thời hạn, nâng ngạch viên chức, bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo, quản lý và các chế độ chính sách ưu đãi khác...

d. Đổi mới trong công tác lãnh đạo, quản lý

Đảng ủy, Ban Giám đốc thường xuyên quán triệt cán bộ, giảng viên phải nâng cao lòng tự hào, ý thức giữ gìn, phát huy truyền thống, bản sắc văn hóa 70 năm Trường Đảngmang tên Bác: “Tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc; cống hiến trong thực thi công vụ; cầu thị, sáng tạo, chất lượng trong đào tạo, nghiên cứu khoa học; kỷ cương nơi công sở; văn minh trong ứng xử”.

Lãnh đạo Học viện III luôn chú trọng tạo môi trường dân chủ, đoàn kết trong Học viện. Trong quan hệ công tác luôn cầu thị, học hỏi và xử lý hài hòa các mối quan hệ; lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và tintưởng, tôn trọng đồng chí, đồng nghiệp; phối hợp, chia sẻ về chuyên môn, nghiệp vụ, kinh nghiệm lãnh đạo, quản lý và giải quyết hợp lý, hài hòa về mặt lợi ích. Trong ứng xử với cánbộ, người lao động,lãnh đạo Học viện luôn gương mẫu và tạo môi trường để mọi người bày tỏ ý kiến, nguyện vọng của mình-trên cơ sở đóđể bố trí, giao nhiệm vụ phù hợp,phát huy dân chủmột cách thực chất.Trong ứng xử với học viên, lãnhđạo, cán bộ và giảng viên Học viện luôn ý thức rõ trách nhiệmgiữgìn, phát huy phẩm chất người cán bộ Trường Đảng, đề cao việc nêu gương, tôn trọng, lắng nghe ý kiến của học viên để nhanh chóng giải quyết hợp lý, hợp tình những khó khăn, vướng mắc trong quá trình dạy và học.

Xác định côngtácquản lý học viên là một trong những khâu quan trọng trong hoạt động đào tạo, Học viện III đã chútrọng tăng cường ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần, thái độ học tập và sự tu dưỡng rèn luyện phẩm chất, đạo đứcchohọc viên,gópphần từng bước khắc phục tình trạng “ngại học, lười học” lý luậntrong một bộ phận cán bộ, đảng viên hiện nay.

đ.Đổi mới trong các mặt công tác khác

Bên cạnh công tác xây dựng nguồn nhân lực, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học, Học viện III còn thực hiện tốt các hoạt động khác như tăng cường xây dựng cơ sở vật chất, trang bị phươngtiệndạy và học theo hướng hiện đại. Quahơn 70 năm xây dựng và phát triển, từ việc tiếp quản cơ sở vật chất nghèo nàn, lạc hậu, đến nay, Học viện III đã có cơ sở vật chất tương đối khang trang, bướcđầu đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong giai đoạn mới. Hệ thống giảng đường, phòng làm việc, phòng ở ký túc xá học viên từng bước được nâng cấp, đặc biệt, khu nhà ở học viên 9 tầng sẽ được đưa vào sử dụng trong thờigian tới. Hạtầng công nghệ thông tin ngày càng đượcđầu tư, từng bướcphục vụtốt hơncông tác giảng dạy, làm việc, học tập của công chức, viên chức và học viên. 100% phòng học ở các giảng đường được trang bị hệthống âm thanh, máy vitính, máy chiếuvàcamera giám sát học đường. Hệ thống đườngtruyền, thiếtbị phục vụ hội nghị trực tuyếntại các phòng họp và Hội trường lớn đã đáp ứng yêu cầu kết nối hệ thống của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay.

Cáccông tác xã hội cũng được Họcviện quan tâmthực hiện. Hơn
10 năm qua, Học viện III nhận phụng dưỡng 5 Mẹ Việt Nam anh hùng, đóng góp xây dựng 13 căn nhà tình nghĩa cho các đối tượng chính sách. Học viện cũng tích cực ủng hộ các quỹ “Vì người nghèo”, “Hội khuyến học”, “Hội người mù”, “Nạn nhân chất độc da cam”, “Trẻ em đường phố”; quyên góp ủng hộ đồng bào vùng bị thiên tai; tổ chức hiến máu nhân đạo,v.v..

Với những thành tích đạt được trong quá trình xây dựng và phát triển, Học viện III đã được Đảng, Nhà nước, lãnh đạo Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh qua các thời kỳ ghi nhận và đánh giá bằng những phần thưởng cao quý: 1 Huân chương Hồ Chí Minh, 1 Huân chương  Độc lập hạng Nhất và nhiều phần thưởng cao quý khác. Chỉ tính trong 10 năm gần đây, từ năm 2009 đến nay, Học viện đã 2 lần được Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ thi đua Chính phủ (vào các năm 2014 và 2018) cho đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác, dẫn đầu phong trào thi đua yêu nước của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và 1 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 4 lần được Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tặng Cờ thi đua cấp bộ. Năm 2019 vừa qua, Học viện lại vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất.

e. Một số kinh nghiệm bước đầu

Trên cơ sở những việc đã làm được, Học viện Chính trị khu vực III rút ra một số kinh nghiệm bước đầu như sau:

Thứ nhất,để từng bước đổi mới và phát triển, khẳng định vị thế, bản sắc của một trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên, cần có sự đoàn kết, thống nhất cao, phối hợp hiệu quả giữa Đảng ủy, Ban giám đốc, Công đoàn và các tổ chức chính trị - xã hội trong toàn Học viện. Việc quản lý, giảng dạy cần chú trọng xây dựng dựa trên nền tảng một môi trường công tác minh bạch, công bằng và đáp ứng tốt nhu cầu của người dạy và người học. Quá trình ban hành và tổ chức thực hiện các quyết định lãnh đạo phải tuân thủ các quy định của Đảng và Nhà nước; phải bảo đảm quyền tiếp cận thông tin, quyền được biết, được trao đổi, bàn bạc của cán bộ, đảng viên, giảng viên và học viên. Trên cơ sở những nguyên tắc chung đó, cá nhân, tổ chức thực thi quyết định luôn đề cao sự sáng tạo, chủ động trong giải quyết công việc, nhiệm vụ được giao.

Thứ hai,các tổ chức, cá nhân giữ chức năng lãnh đạo, quản lý cần thể hiện rõ hơn, nhiều hơn nữa trách nhiệm nêu gương trong cách ứng xử với đồng chí, đồng nghiệp và với học viên. Tăng cường việc quản lý hệ thống trên cơ sở phân cấp, phân quyền. Mạnh dạn thực hiện việc trao quyền cho các bộ phận chức năng và tăng cường kiểm tra, giám sát, giúp đỡ các bộ phận thực hiện nhiệm vụ. Chính điều này sẽ tạo động lực, khơi dậy sự sáng tạo cho toàn thể cán bộ, giảng viên thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.

Thứ ba, cần tiếp tục chú trọng đổi mới mạnh mẽ phương pháp giảng dạy; tăng cường trao đổi, thảo luận và gắn việc giảng dạy lý luận với thực tiễn. Cần có cơ chế phối hợp quản lý học viên giữa địa phương và Học viện; kịp thời tổ chức việc sơ kết giữa khóa học, tổ chức hội nghị lấy ý kiến của các địa phương, các trường chính trị để nắm bắt, thông báo tình hình học tập, rèn luyện của học viên và kịp thời chấn chỉnh những biểu hiện, tinh thần, thái độ, hành vi chưa đúng, coi đây cũng là một cơ sở quan trọng trong đánh giá cán bộ của các địa phương, đơn vị.

Thứ tư, xác định rằng: Gia tài lớn nhất mà Học viện Chính trị khu vực III đã có và đang thụ hưởng đó chính là “Niềm tự hào của những cán bộ, giảng viên được sống và làm việc tại mái trường Trường Đảng”. Niềm tự hào đó đã được gieo trồng, vun đắp bằng sức lực, mồ hôi và cả máu của nhiều thế hệ cán bộ, giảng viên suốt hành trình 70 năm qua.

Đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, giảng viên, viên chức và người lao động của Học viện Chính trị khu vực III luôn ghi nhớ điều này để cùng nhau phấn đấu, toàn tâm toàn ý hoàn thành nhiệm vụ được giao. Để làm được điều đó thì việc tạo dựng sự đoàn kết, đồng thuận trong nội bộ là vô cùng cần thiết. Cần phải cùng nhau xây dựng và gìn giữ cho bằng được sự đoàn kết, thống nhất trong toàn Học viện để xứng đáng là một Học viện của toàn khu vực miền Trung - Tây Nguyên và là một hợp phần của Học viện Chính trị mang tên Bác Hồ kính yêu.

__________________

 

Tham luận tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh lần thứ III, nhiệm kỳ 2020-2025

PGS, TS Đoàn Triệu Long
Bí thư Đảng ủy, Quyền Giám đốc Học viện Chính trị khu vực III

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền