Trang chủ    Tin tức    Hội thảo khoa học quốc gia “Giải pháp thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của Đại hội XIII từ nay đến hết nhiệm kỳ”
Thứ ba, 26 Tháng 12 2023 08:54
4128 Lượt xem

Hội thảo khoa học quốc gia “Giải pháp thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của Đại hội XIII từ nay đến hết nhiệm kỳ”

THÙY LINH

(LLCT) - Sáng 25-12-2023, tại Hà Nội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Báo Nhân Dân, Tạp chí Cộng sản, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Giải pháp thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của Đại hội XIII từ nay đến hết nhiệm kỳ”.
 

GS,TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu đề dẫn Hội thảo - Ảnh: HCMA

GS, TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương chủ trì Hội thảo. Đồng chủ trì Hội thảo có đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; đồng chí Phan Chí Hiếu, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; đồng chí Phạm Minh Tuấn, Phó Tổng Biên tập phụ trách Tạp chí Cộng sản; đồng chí Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Hội thảo có sự tham dự của lãnh đạo các ban, bộ, ngành, lãnh đạo các địa phương, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cơ quan trong hệ thống chính trị cùng các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu.

Phát biểu đề dẫn hội thảo, GS, TS Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh: Hội thảo là hoạt động hết sức có ý nghĩa, nhằm thảo luận, tổng kết những kết quả đạt được sau nửa nhiệm kỳ; đề ra những giải pháp, đặc biệt là trong tổ chức thực hiện để hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm của Đại hội XIII trong giai đoạn từ nay đến hết nhiệm kỳ. Đặc biệt, hội thảo còn góp phần vào công tác tổng kết 40 năm đổi mới và xây dựng dự thảo các Văn kiện trình Đại hội lần thứ XIV của Đảng.

Điểm nhấn nổi bật của nhiệm kỳ XIII là việc ban hành và tổ chức triển khai thực hiện các nghị quyết mới của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở 6 vùng kinh tế - xã hội của cả nước. Đây là nhân tố quan trọng góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ về phát triển vùng - một vấn đề có ý nghĩa chiến lược và mang tư duy đổi mới cả về lý luận và thực tiễn.

Từ nay đến hết nhiệm kỳ, bên cạnh những thuận lợi, thời cơ, tình hình thế giới và trong nước dự kiến sẽ có nhiều biến động khó lường. Để hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ được Đại hội XIII đề ra cho cả nhiệm kỳ, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng đề nghị các đại biểu thảo luận, phân tích làm sâu sắc hơn các nội dung: Tiếp tục đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ về bảo đảm ổn định vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; bảo đảm an sinh xã hội, chấn hưng văn hóa, phát triển con người Việt Nam; hoàn thiện thể chế phát triển bền vững, trọng tâm là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc; triển khai đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện.

Hội thảo diễn ra trong 2 phiên gồm: phiên tham luận, phát biểu và phiên thảo luận bàn tròn.

Các tham luận và ý kiến trình bày tại Hội thảo đã đánh giá khách quan, toàn diện, đa chiều về những kết quả đã đạt được trong nửa nhiệm kỳ, trong đó có minh chứng sinh động từ thực tiễn công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, đối ngoại và hội nhập quốc tế; phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tại các địa phương, các ngành; xây dựng, hoàn thiện pháp luật và nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; bảo đảm an sinh xã hội; phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam...

Các tham luận chỉ ra những nguyên nhân, hạn chế, điểm nghẽn trong thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm nửa nhiệm kỳ qua. Các quan điểm, chủ trương của Đảng vẫn chậm được cụ thể hóa và thể chế hóa đồng bộ thành các chương trình và kế hoạch hành động; công tác xây dựng, hoàn thiện luật pháp, chính sách chưa đáp ứng yêu cầu; chưa có đột phá trong khâu triển khai thực hiện. Các vấn đề bất cập trong công bằng xã hội chưa được khắc phục. Việc huy động và sử dụng các nguồn lực cho phát triển kinh tế và thực hiện các chính sách xã hội còn một số khó khăn vướng mắc; một số chính sách phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội chậm triển khai thực hiện …

Hội thảo đề xuất những giải pháp quan trọng để trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ, bảo đảm thực hiện thành công 6 nhiệm vụ trọng tâm mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra trong các lĩnh vực: (1) Xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, xây dựng đội ngũ cán bộ; (2) Thúc đẩy mạnh mẽ phát triển kinh tế; (3) Tăng cường đối ngoại, hội nhập quốc tế, bảo đảm quốc phòng, an ninh; (4) Phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam; tăng cường quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; (5) Phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; (6) Quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Trên cơ sở đánh giá vai trò quyết định của hệ thống chính trị trong thực hiện đường lối Đại hội XIII, gợi mở những yêu cầu đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, các đại biểu đề xuất các giải pháp thực hiện nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong sạch, vững mạnh giai đoạn mới; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tạo động lực phát triển nhanh, bền vững; kết quả thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của Đại hội XIII trên lĩnh vực xã hội và định hướng giải pháp trong giai đoạn tiếp theo; tiếp tục hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển phù hợp với nền kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại, hội nhập của Việt Nam.

Các đại biểu trao đổi tại phiên tham luận bàn tròn

Trong phiên 2, các đại biểu đã thảo luận bàn tròn về tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, “lợi ích nhóm”, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên; phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, mục tiêu phát triển bền vững; thúc đẩy phát triển kinh tế số; các chính sách thúc đẩy đổi mới sáng tạo; đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ; một số giải pháp kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với quốc phòng, an ninh…

Các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các nhà quản lý đề xuất các giải pháp khơi dậy mạnh mẽ khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; cơ chế, chính sách phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ của nhân dân; xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp nhất là người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ thông qua phương thức nêu gương; tăng cường thực hiện dân chủ ở cơ sở; đổi mới, nâng cao chất lượng học tập, quán triệt các nghị quyết của Đảng; tăng cường tuyên truyền phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; một số vấn đề đặt ra trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

Trong lĩnh vực kinh tế, Hội thảo đề xuất các chính sách thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài bảo đảm sự phát triển bền vững; xu hướng phát triển doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong nước; các giải pháp gia tăng năng suất lao động trong tình hình mới; xu hướng chuyên môn hóa sản xuất kinh doanh ở các vùng của Việt Nam; giải pháp đảm bảo sinh kế bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu …

Các tham luận phân tích sâu sắc, đồng thời gợi ý giải pháp thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của Đại hội XIII trên lĩnh vực xã hội; bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người; quản lý phát triển xã hội bền vững, đảm bảo tiến bộ công bằng xã hội; nâng cao chất lượng cuộc sống và chỉ số hạnh phúc của con người Việt Nam; phát triển văn hoá các dân tộc thiểu số trong chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam; phát huy tính tích cực, ý chí tự lực tự cường của đồng bào dân tộc thiểu số trong phát triển kinh tế - xã hội; sự biến đổi tôn giáo và công tác tôn giáo ở Việt Nam trong tình hình hiện nay.

Về đối ngoại, các tham luận đề cập xu hướng định hình trật tự thế giới đa cực và hàm ý chính sách cho Việt Nam; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế sâu, rộng trong bối cảnh mới; giữ vững độc lập, tự chủ, tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế…

Phát biểu kết luận Hội thảo, đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định: Thành công của Hội thảo khoa học quốc gia “Giải pháp thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của Đại hội XIII từ nay đến hết nhiệm kỳ” sẽ góp phần lan tỏa mạnh mẽ tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, từ đó tạo ra những đột phá quan trọng hơn nữa, phù hợp với tình hình thực tiễn đất nước, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ trọng tâm của Đại hội XIII đến hết nhiệm kỳ. Đồng thời, Hội thảo là hoạt động thiết thực, gợi mở một số vấn đề cho nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn, đóng góp cho việc xây dựng Dự thảo Văn kiện Đại hội XIV của Đảng.

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền