Trang chủ    Tin tức    Hội thảo khoa học “Đội ngũ doanh nhân với xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc”
Thứ ba, 19 Tháng 12 2023 09:44
1409 Lượt xem

Hội thảo khoa học “Đội ngũ doanh nhân với xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc”

THÙY LINH

(LLCT) - Nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp nêu trong Nghị quyết 41-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 10-10-2023 về xây dựng và phát triển đội ngũ doanh nhân thời kỳ mới, sáng 17-12-2023, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội thảo “Đội ngũ doanh nhân với xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc”. GS, TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; đồng chí Nguyễn Quang Vinh, Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ tịch VCCI; PGS, TS Đinh Ngọc Giang, Vụ trưởng Vụ Quản lý khoa học đồng chủ trì Hội thảo.
 

Toàn cảnh Hội thảo: Ảnh: HCMA

Tham dự Hội thảo có: Thượng tướng, PGS, TS Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; PGS, TS Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương;  PGS,TS Nguyễn Viết Thảo, nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và VCCI, cùng các doanh nhân, các chuyên gia và nhà khoa học.

Phát biểu Đề dẫn Hội thảo, GS, TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định: Đại hội VI năm 1986 mở đầu công cuộc Đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo được coi là dấu mốc “hồi sinh” đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới. Năm 1990, với sự ra đời của Luật Doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân Việt Nam chính thức là một chủ thể trong sự nghiệp xây dựng, phát triển của đất nước.

Đồng hành cùng sự phát triển của đất nước, đội ngũ doanh nhân đóng vai trò quan trọng, tạo đòn bẩy, thúc đẩy đổi mới, phát triển nhiều ngành nghề, lĩnh vực kinh tế của Việt Nam, qua đó đưa nền kinh tế Việt Nam tự chủ, hướng tới phát triển bền vững. Tại Đại hội XIII, Đảng ta đã khẳng định: “Phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh về số lượng và chất lượng, có tinh thần cống hiến cho dân tộc, có chuẩn mực văn hóa, đạo đức tiến bộ và trình độ quản trị, kinh doanh giỏi”.

Thế giới ngày nay đã và đang diễn biến theo những xu hướng lớn có ảnh hưởng sâu sắc và toàn diện đến tình hình kinh tế, chính trị, xã hội của các quốc gia và Việt Nam không là ngoại lệ. Những xu hướng này đang làm biến đổi căn bản các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp theo nhiều phương diện, ví như: thay đổi nền tảng kinh doanh, thay đổi phương thức kinh doanh, thay đổi phương thức giao dịch giữa doanh nghiệp với khách hàng...

Trong bối cảnh mới và để thực hiện mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 là nước phát triển, thu nhập cao, thì một trong những yêu cầu, đòi hỏi quan trọng là phải xây dựng được đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh, có năng lực cạnh tranh tầm khu vực và thế giới.

GS,TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu đề dẫn hội thảo

Tại hội thảo, GS,TS Lê Văn Lợi đề nghị các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý và các doanh nhân cùng trao đổi, thảo luận, đề xuất giải pháp để xây dựng đội ngũ doanh nhân Việt Nam thực sự lớn mạnh về số lượng, chất lượng, có trình độ, có trách nhiệm xã hội và tinh thần dân tộc mạnh mẽ, có bản lĩnh vững vàng, khả năng hội nhập cao. Giải pháp để xây dựng được các tập đoàn kinh tế lớn, có tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh ở khu vực và quốc tế, sở hữu các công nghệ tiên tiến, công nghệ lõi, hoạt động ở tầm đa quốc gia. Bên cạnh đó, phát triển bền vững cả về kinh tế, xã hội và môi trường, đáp ứng được nhu cầu của hiện tại mà không làm tổn hại đến tương lai.

Hội thảo diễn ra trong hai phiên, tập trung nghiên cứu những vấn đề cơ bản sau:

Thứ nhất, Hội thảo làm sâu sắc hơn những vấn đề lý luận căn cốt liên quan trực tiếp đến sự phát triển của đội ngũ doanh nhân như: hiện thực hơn vai trò của đội ngũ doanh nhân với xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, đặc biệt là vai trò của doanh nhân trong phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN; luận bàn về thể chế hỗ trợ thúc đẩy đội ngũ doanh nhân phát triểnvà các điều kiệncần thiết để độingũ doanh nhân tự tin, tự chủ phát triển trong tình hình mới.

Thứ hai, phác thảo một cách sinh động “bức tranh”thực trạng đội ngũ doanh nhân Việt Nam hiện nay dưới góc nhìnđa chiều của sự vận động phát triển, hàm chứa cả những cơ hội, thách thức,những thuận lợi, khó khăn và những thăng trầm khó đoán định mà đội ngũ doanh nhân đã và đang phảiđối diện. Qua đó, chỉ rõ những thành quả mà đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp ViệtNam đã đóng góp cho đất nước. Đồng thời, thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, yếu kém, những tiêu cực…hiện hữu của đội ngũ doanh nhân trong quá trình xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc.

Thứ ba, Hội thảo đã chỉra những nguy cơ tiềm ẩn nếu đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam không sớm nhận thức đầy đủ về sự “nguy hại” và “hệ lụy” của những hành vi lợi dụng kẽ hở của pháp luật, “lách luật” để làm giàu bất chính; vì mục tiêu lợi nhuận mà xem nhẹ trách nhiệm đối với xã hội, với người lao động, với khách hàng, với nhà đầu tư.

Thứ tư, đề xuất các gợi mở góp phần thúc đẩy sự lớn mạnh của đội ngũ doanh nhân Việt Nam, để đội ngũ này gia tăng sự đóng góp vàocông cuộc xây dựng, phát triển và bào vệ đất nước trong tình hình mới.

Tại Hội thảo, Phó Chủ tịch VCCI Nguyễn Quang Vinh cho biết: việcxây dựng, phát triển và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam đã được Đảng và Nhà nước ta quan tâm từ sớm. Năm 2004, Chính phủ đã quyết định lấy ngày 13-10 hằng năm là Ngày Doanh nhân Việt Nam (Quyết định số 990/QĐ-TTg ngày 20-9-2004).

Nghị quyết 41-NQ/TW có những nội dung mới về quan điểm, định hướng và giải pháp thực hiện rất đúng, rất trúng với mong đợi của doanh nhân Việt Nam. Nghị quyết đã khẳng định đội ngũ doanh nhân là “một trong những lực lượng nòng cốt” không chỉ góp phần “đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; xây dựng và phát triển nền kinh tế độc lập” mà còn cả “bảo đảm quốc phòng, an ninh”. Như vậy, vai trò và vị trí của đội ngũ doanh nhân đã được nâng tầm và mở rộng hơn nhiều so với Nghị quyết 09. Điều này cho thấy sự thay đổi nhận thức của Đảng về vai trò và vị trí của đội ngũ doanh nhân, nhất là trong thời kỳ mới, thời kỳ thực hiện các mục tiêu phát triển đất nước.

Các tham luận tại Hội thảo khẳng định, sau gần 40 năm đổi mới đất nước, đội ngũ doanh nhân Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc cả về số lượng và chất lượng, đã có những đóng góp to lớn, quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong giai đoạn 2011-2022, tổng số có 1.300.659 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, chiếm 69,11% tổng số doanh nghiệp thành lập kể từ khi có Luật Doanh nghiệp đến nay.

Hiện nay, Việt Nam có trên 900 nghìn doanh nghiệp, hơn 5 triệu hộ kinh doanh, gần 30 nghìn hợp tác xã. Đội ngũ doanh nhân cả nước đến nay đã lên đến hàng triệu người, giữ vai trò là lực lượng chủ lực trong quản lý, tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo ra hàng hoá, dịch vụ đáp ứng nhu cầu quốc dân và xuất khẩu, tạo tiềm lực, vị thế mới cho đất nước. Từ một quốc gia lạc hậu, thuộc nhóm nghèo nhất thế giới, hiện nay kinh tế Việt Nam đứng trong TOP40 thế giới về GDP, TOP20 về quy mô thương mại quốc tế.

Thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam đã góp phần giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội.

Việt Nam đã có nhiều doanh nghiệp tiềm lực như: Viettel, T&T, Geleximco, Vietnam Airlines, Vinamilk, FPT, Thaco, TH Group, Sunhouse… đang ngày một lớn mạnh về cả về quy mô, năng lực cạnh tranh, sản phẩm dịch vụ, quản trị điều hành, công nghệ. Đã có nhiều doanh nhân, doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài và lọt vào danh sách “tỷ phú USD” toàn cầu nhờ môi trường, chính sách phù hợp và triển khai kịp thời.

Trong thời gian tới, để xây dựng đội ngũ doanh nhân Việt Nam chuyên nghiệp, thành thạo các kỹ năng hoạt động trong môi trường kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế, có phẩm chất chính trị, năng lực quản trị doanh nghiệp theo hướng hiện đại, cần thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nhằm tăng cường, củng cố kỹ năng cần thiết cho đội ngũ doanh nhân Việt Nam; đổi mới phương pháp đánh giá doanh nhân nhằm tôn vinh xứng đáng những đóng góp của doanh nhân; tăng cường trách nhiệm của Đảng, Nhà nước đối với việc xây dựng đội ngũ doanh nhân Việt Nam.

Kết luận Hội thảo, GS, TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện khẳng định: Hội thảo khoa học “Đội ngũ doanh nhân với xây dựng phát triển và bảo vệ Tổ quốc” với gần 50 tham luận của các đồng chí lãnh đạo, các nhà khoa học đến từ Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, các viện nghiên cứu, các cơ quan trung ương và các doanh nhân, cùng nhiều ý kiến phát biểu trao đổi, thảo luận, Hội thảo đã làm rõ hơn, sâu sắc hơn các vấn đề: (i) vai trò của đội ngũ doanh nhân với xây dựng, phát triển kinh tế trong tình hình mới; (ii) đội ngũ doanh nhân trong giải quyết các vấn đề xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng; (iii) thực trạng đội ngũ doanh nhân Việt Nam: những thuận lợi, khó khăn và những thách thức khó đoán định mà đội ngũ doanh nhân đang phải đối diện; (iv) đề xuất giải pháp thúc đẩy đội ngũ doanh nhân ngày càng vững mạnh và các điều kiện cần thiết để đội ngũ doanh nhân tự tin, tự chủ phát triển trong tình hình mới.

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền