Trang chủ    Thực tiễn    Nâng cao năng lực nghiên cứu, phát triển lý luận chính trị của Tạp chí Lý luận chính trị
Thứ ba, 28 Tháng 11 2023 09:05
3421 Lượt xem

Nâng cao năng lực nghiên cứu, phát triển lý luận chính trị của Tạp chí Lý luận chính trị

TS NGUYỄN THỊ LAN
ThS TRẦN THU HƯƠNG

Tạp chí Lý luận chính trị

(LLCT) - Tạp chí Lý luận chính trị thời gian qua đã phản ánh khá sinh động, kịp thời các kết quả công tác lý luận của Đảng, phục vụ nghiên cứu khoa học, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Học viện. Tuy vậy, yêu cầu ngày càng cao từ công tác lý luận đòi hỏi Tạp chí cần tiếp tục nâng cao hơn nữa năng lực nghiên cứu, phát triển lý luận chính trị. Bài viết là kết quả nghiên cứu của đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở năm 2023 “Nâng cao năng lực nghiên cứu, phát triển lý luận chính trị của Tạp chí Lý luận chính trị”, do Tạp chí Lý luận chính trị là cơ quan chủ trì.
 

Ảnh minh họa: LLCT

1. Năng lực và năng lực nghiên cứu, phát triển lý luận chính trị của Tạp chí Lý luận chính trị

Hiện nay, có nhiều khái niệm về năng lực. Tựu trung lại, năng lực của chủ thể là khả năng thực hiện (performance), làm việc dựa trên hiểu biết chắc chắn, kỹ năng thuần thục và thái độ phù hợp của chủ thể trong thực hiện công việc/hoạt động. Năng lực là những kiến thức (knowledge), kỹ năng (skills) và các giá trị (values) được phản ánh trong thói quen, suy nghĩ và hành động của mỗi cá nhân(1). Năng lực bao gồm kiến thức, kỹ năng và thái độ; kỹ năng, phẩm chất mang tính bản lĩnh, chuyên nghiệp của chủ thể trong thực hiện một công việc nào đó(2).

Đối với hoạt động nghiên cứu khoa học, năng lực nghiên cứu khoa học là một hệ thống mở và không ngừng phát triển, bao gồm các “kiến thức tuyên bố” và các kiến thức quy trình trong lĩnh vực nghiên cứu, các thái độ và sự sẵn sàng của cá nhân cho phép người ta thực hiện một nghiên cứu trong khuôn khổ hoạt động nghề nghiệp của họ(3).

Năng lực nghiên cứu khoa học bao gồm các kiến thức, kỹ năng, thái độ với vai trò là những nguồn lực (đầu vào) và sản phẩm (đầu ra) của quá trình nghiên cứu khoa học. Trong đó, nguồn lực đầu vào là : (1) Kiến thức và sự hiểu biết: kiến thức về chuyên ngành; kiến thức về phương pháp nghiên cứu khoa học; (2) Kỹ năng: xây dựng đề tài nghiên cứu; thu thập và phân tích dữ liệu nghiên cứu; phản biện khoa học; lập luận khoa học; viết báo cáo khoa học…; (3) Thái độ: sự nhiệt tình, say mê, tích cực nghiên cứu; sự khách quan, trung thực, nghiêm túc trong nghiên cứu; sự kiên trì, cẩn thận trong nghiên cứu; tinh thần hợp tác, chia sẻ các kiến thức khoa học trong quá trình nghiên cứu. Sản phẩm đầu ra là các sản phẩm nghiên cứu khoa học.

Theo cách hiểu chung, lý luận chính trị là hệ thống tri thức về lĩnh vực chính trị, là hệ thống những quan điểm, nguyên tắc, tri thức về mối quan hệ chính trị và các quá trình chính trị - xã hội, phản ánh tư tưởng chính trị của một giai cấp trong xã hội cụ thể. Ở Việt Nam hiện nay, “khoa học lý luận chính trị là khoa học nghiên cứu về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, về đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; nghiên cứu, tổng kết thực tiễn trên các phương diện của đời sống xã hội; có vai trò bổ sung, phát triển sáng tạo những nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; góp phần hoạch định đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước”(4).

Tham chiếu với nội hàm của khái niệm “năng lực” và “năng lực nghiên cứu khoa học” nhận thấy, năng lực nghiên cứu, phát triển lý luận chính trị của Tạp chí Lý luận chính trị là một quá trình phản ánh việc các chủ thể của Tạp chí (gồm: Hội đồng Biên tập, Ban Biên tập, cán bộ, phóng viên, biên tập viên, đội ngũ cộng tác viên và độc giả) vận dụng các kiến thức về chuyên môn, phương pháp nghiên cứu lý luận chính trị, các kỹ năng nghiên cứu lý luận chính trị và tinh thần, thái độ nghiên cứu lý luận chính trị của các chủ thể để tạo ra sản phẩm nghiên cứu khoa học lý luận chính trị mà các tri thức lý luận trong đó có tính vận động, bổ sung, hoàn thiện hơn và có thể áp dụng giải quyết các vấn đề trong thực tiễn.

Tạp chí Lý luận chính trị  - cơ quan nghiên cứu và ngôn luận khoa học của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, có nhiệm vụ nghiên cứu và tuyên truyền lý luận chính trị với chủ đề chủ yếu về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; tuyên truyền, phổ biến góp phần bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tuyên truyền về quá trình tổng kết các hoạt động thực tiễn của đất nước.

Năng lực nghiên cứu, phát triển lý luận chính trị của Tạp chí Lý luận chính trị biểu hiện trong quá trình thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, truyền thông các nội dung trên và là một quá trình phản ánh có cấu trúc gồm các thành phần: (1) các yếu tố đầu vào của quá trình phản ánh năng lực nghiên cứu, phát triển lý luận chính trị của Tạp chí là nhận thức (những kiến thức, kỹ năng) và thái độ của các chủ thể của Tạp chí trong nghiên cứu, phát triển lý luận chính trị; và (2) sản phẩm đầu ra của quá trình phản ánh năng lực nghiên cứu, phát triển lý luân chính trị của Tạp chí là các bài viết nghiên cứu lý luận chính trị đăng tải trên Tạp chí.

Về kiến thức, kỹ năng và thái độ của các chủ thể của Tạp chí trong nghiên cứu, phát triển lý luận chính trị

Hoạt động nâng cao kiến thức, kỹ năng, thái độ trong nghiên cứu, phát triển lý luận chính trị của các chủ thể của Tạp chí thời gian qua biểu hiện phong phú, đa dạng trong các hoạt động thực hiện trách nhiệm, công việc chuyên môn đặc thù của mỗi chủ thể. Các chủ thể của Tạp chí có kiến thức, trình độ lý luận chính trị cao; có phương pháp nghiên cứu khoa học, bài bản, đáp ứng yêu cầu nghiên cứu lý luận chính trị; có các kỹ năng nghiệp vụ báo chí và các kỹ năng nghiên cứu khoa học; có phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, bản lĩnh chính trị và có tinh thần nhiệt huyết trong nghiên cứu, phát triển lý luận chính trị. Cụ thể:

Một là, Hội đồng Biên tập gồm các nhà khoa học uy tín, đầu ngành của nhiều ngành khoa học lý luận; uyên thâm về lý luận, giàu kinh nghiệm trong công tác thực tiễn báo chí, do đó có nhiều đóng góp quan trọng trong định hướng công tác đặt bài, biên tập, xuất bản các bài viết nghiên cứu, phát triển lý luận chính trị của Tạp chí.

Hai là, Tạp chí có Ban Biên tập có trình độ lý luận chính trị; có trình độ kiến thức chuyên môn cao; có kiến thức nghiệp vụ trong công tác báo chí; có kinh nghiệm, uy tín trong khoa học lý luận chính trị; có tinh thần dám nghĩ; dám làm; dám chịu trách nhiệm trong mọi hoạt động của Tạp chí; có bản lĩnh chính trị, bản lĩnh nghề nghiệp vững vàng.

Ba là, Tạp chí có đội ngũ cán bộ, biên tập viên có kiến thức, tri thức, thông tin lý luận chính trị và kỹ năng, nghiệp vụ báo chí; có phẩm chất, bản lĩnh chính trị, bản lĩnh nghề nghiệp.

Bốn là, Tạp chí đã xây dựng được đội ngũ cộng tác viên lớn, có trình độ lý luận chính trị, chuyên môn cao, có kinh nghiệm thực tiễn, tâm huyết với sự nghiệp nghiên cứu khoa học, gắn bó mật thiết với tạp chí.

Năm là, Tạp chí Lý luận chính trị có đa dạng các đối tượng độc giả, có trình độ lý luận chính trị cao, ở đa dạng ngành nghề, chuyên môn nghiên cứu, độ tuổi, thâm niên làm việc và cơ quan công tác trải rộng khắp cả nước.

Sáu là, các chủ thể của Tạp chí có phương pháp nhận thức, phương pháp tư duy và phương pháp nghiên cứu lý luận chính trị khoa học. Qua các hoạt động nâng cao kiến thức, kỹ năng nghiên cứu khoa học, nghiên cứu lý luận chính trị nói riêng, các chủ thể của Tạp chí có phương pháp nhận thức, phương pháp tư duy duy vật biện chứng, phương pháp nghiên cứu lý luận chính trị.

Bảy là, các chủ thể tạo ra ấn phẩm của Tạp chí có phương pháp làm việc khoa học, nghiêm cẩn, góp phần hình thành phong cách nghiên cứu khoa học nói chung, nghiên cứu lý luận chính trị nói riêng bảo đảm các yêu cầu. Do khối lượng và tính chất công việc, về cơ bản họ phải cần cù, chịu khó, làm chủ được kế hoạch, làm chủ được công việc và thời gian của mình với phương pháp làm việc khoa học.

Tám là, các chủ thể tạo ra ấn phẩm Tạp chí có lập trường tư tưởng vững vàng, luôn đặt trách nhiệm, vai trò của cán bộ báo chí với nhiệm vụ tuyên truyền, vì lợi ích của nhân dân, của quốc gia, dân tộc; có chính kiến và ý thức về trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp; trong quá trình hoạt động nghề nghiệp, luôn thực hiện, tuân thủ Luật Báo chí, các quy định về thông tin, truyền thông, về xuất bản báo chí.

Năng lực nghiên cứu, phát triển lý luận chính trị của Tạp chí Lý luận chính trị biểu hiện trong quá trình thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, truyền thông các nội dung trên và là một quá trình phản ánh có cấu trúc gồm các thành phần: (1) các yếu tố đầu vào của quá trình phản ánh năng lực nghiên cứu, phát triển lý luận chính trị của Tạp chí là nhận thức (những kiến thức, kỹ năng) và thái độ của các chủ thể của Tạp chí trong nghiên cứu, phát triển lý luận chính trị; và (2) sản phẩm đầu ra của quá trình phản ánh năng lực nghiên cứu, phát triển lý luân chính trị của Tạp chí là các bài viết nghiên cứu lý luận chính trị đăng tải trên Tạp chí.

Về các bài viết đăng tải trên Tạp chí

Các hoạt động nâng cao chất lượng đăng tải các bài viết nghiên cứu, phát triển lý luận chính trị của Tạp chí thể hiện thông qua công tác đặt bài, thẩm định, phản biện, biên tập, xuất bản các bài viết.

Tạp chí đã xây dựng hệ thống chuyên mục phong phú gắn với các nội dung, chủ đề bài viết nghiên cứu, phát triển lý luận chính trị. Hằng năm, Tạp chí xác định kế hoạch và nội dung đặt bài cộng tác viên đối với các nội dung lý luận, trong đó có đa dạng chủ đề nghiên cứu, phát triển lý luận chính trị.

Những nội dung này được xây dựng trên cơ sở chương trình làm việc của BCH Trung ương Đảng, nhiệm vụ công tác tư tưởng lý luận của Đảng; công tác đào tạo bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp và công tác nghiên cứu khoa học. Công tác thẩm định, biên tập không ngừng đổi mới. Đã áp dựng thực hiện quy trình bình duyệt, phản biện, biên tập các bài viết, bảo đảm các điều kiện về: sự phù hợp của bài viết với tôn chỉ, mục đích và lĩnh vực của Tạp chí; tính mới, bảo đảm tính logic, nhất quán; tính chính trị, pháp lý; tính khoa học (luận điểm khoa học và thực tiễn); số liệu, bối cảnh tình hình có liên quan; dự báo, giải pháp, kiến nghị phù hợp; bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật trình bày, trích dẫn, chú thích, tài liệu tham khảo… Quy trình biên tập, xuất bản được thực hiện bài bản, nghiêm cẩn với các khâu thẩm định, biên tập, đọc soát, chế bản, xuất bản qua các vòng duyệt, từ Ban Biên tập tới biên tập viên. Do đó các bài viết được đăng tải trên Tạp chí nói chung bảo đảm chặt chẽ về tính khoa học, về tính lý luận, hình thức trình bày đáp ứng tiêu chuẩn của tạp chí khoa học.

Năng lực nghiên cứu, phát triển lý luận chính trị của Tạp chí trong đăng tải các bài viết về nội dung này thể hiện trên các phương diện sau:

Một là, các bài viết nghiên cứu, phát triển lý luận chính trị đăng tải trên Tạp chí bảo đảm đúng định hướng nghiên cứu, phát triển lý luận chính trị của Đảng, Học viện và tôn chỉ, mục đích của Tạp chí Lý luận chính trị; phản ánh phong phú các nội dung nghiên cứu, phát triển lý luận chính trị.

Khảo sát bài viết đăng tải trên Tạp chí Lý luận chính trị giai đoạn 2001- 2022 cho thấy, trong 21 năm, Tạp chí đã đăng tải được 5.420 bài trên các ấn phẩm tạp chí in tiếng Việt và tạp chí điện tử. Trong đó, từ năm 2001 đến năm 2011, Tạp chí đã đăng tải 2.310 bài viết(5), từ năm 2012 đến 2022 (là giai đoạn Tạp chí có thêm ấn phẩm điện tử và tăng số lượng trang trên một cuốn Tạp chí in Tiếng Việt 40, 60 trang so với trước), Tạp chí đã đăng tải được 3.110 bài viết. Trong đó, các bài viết nghiên cứu, phát triển lý luận chính trị được Tạp chí đăng tải tập trung trong nhiều chuyên mục và được đổi tên qua các thời kỳ để phù hợp với thực tiễn đất nước, tiêu biểu hiện nay là các chuyên mục: “Nghiên cứu lý luận”; “Thực tiễn”; “Diễn đàn”; “Đưa Nghị quyết Đại hội của Đảng vào cuộc sống” “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng”; … chiếm 1/2 tổng số các bài được đăng tải. Trong 21 năm, Tạp chí đã đăng tải khoảng 2.700 bài viết nghiên cứu, phát triển lý luận chính trị.

Các bài viết nghiên cứu, phát triển lý luận chính trị được đăng tải trên Tạp chí Lý luận chính trị thời gian qua đã phản ánh phong phú các nội dung nghiên cứu, phát triển lý luận chính trị. Đó là các nội dung về: Chủ nghĩa Mác - Lênin và quá trình vận dụng trong nghiên cứu, phát triển khoa học lý luận chính trị và các ngành khoa học xã hội; trong hình thành hệ thống quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng ta trong lãnh đạo cách mạng và phát triển đất nước. ; Tư tưởng Hồ Chí Minh và quá trình vận dụng, phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh vào đấu tranh giải phóng dân tộc, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc; Phổ biến, tuyên truyền quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ; Tổng kết thực tiễn phát triển đất nước trên nhiều phương diện.

Hai là, các bài viết nghiên cứu, phát triển lý luận chính trị đăng tải trên Tạp chí Lý luận chính trị đã đáp ứng tốt nhu cầu tiếp nhận thông tin lý luận chính trị của độc giả. Kết quả khảo sát độc giả của Tạp chí (năm 2020)(6) cho thấy,  các bài viết đăng trên Tạp chí nhận được nhiều ý kiến đánh giá tích cực của độc giả, như: Độc giả nhận định, các bài viết đăng tải trên ấn phẩm Tạp chí đã phản ánh rõ quá trình nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh (71,1%); Thông tin rõ, cập nhật kịp thời các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước (70,9%);  Phản ánh rõ các nghiên cứu lý luận trong nước (63,8%).

Qua đó cho thấy, các bài viết về nghiên cứu, phát triển lý luận chính trị trên Tạp chí đã góp phần quan trọng trong công tác phổ biến, tuyên truyền lý luận chính trị tới đông đảo công chúng; góp phần bổ sung, hoàn thiện và phát triển lý luận chính trị của Đảng ta.

Ba là, Tạp chí đã có nhiều đổi mới trong hình thức đăng tải các bài viết nghiên cứu, phát triển lý luận chính trị. Hiện nay, các bài viết trên Tạp chí đã trình bày theo yêu cầu tiêu chuẩn tạp chí khoa học, có tóm tắt, từ khóa tiếng Việt, rút box, một số bài được tóm tắt bằng tiếng Anh.

Bốn là, các bài viết nghiên cứu, phát triển lý luận chính trị đăng tải trên Tạp chí được Hội đồng Giáo sư Nhà nước đánh giá cao và cho điểm cao đối với các bài viết ở nhiều chuyên ngành. Qua đó khẳng định, uy tín khoa học của Tạp chí nói chung, trong nghiên cứu, phát triển lý luận chính trị nói riêng.

Đó là kết quả của sự quan tâm chú trọng nâng cao năng lực phản ánh, năng lực truyền thông lý luận chính trị, góp phần bổ sung, phát triển hệ thống tri thức lý luận chính trị; đồng thời góp phần vào hoàn thiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tổng kết thực tiễn phát triển của đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

Bên cạnh những kết quả đạt được, năng lực nghiên cứu, phát triển lý luận chính trị của các chủ thể Tạp chí Lý luận chính trị còn một số mặt hạn chế về năng lực cũng như năng lực truyền thông về lý luận chính trị, đòi hỏi cần có các giải pháp khả thi và hiệu quả, nâng năng lực nghiên cứu, phát triển lý luận chính trị đáp ứng yêu cầu trong công tác tư tưởng, lý luận thời kỳ mới.

2. Giải pháp nâng cao năng lực nghiên cứu, phát triển lý luận chính trị của Tạp chí Lý luận chính trị

Nhóm giải pháp nâng cao năng lực nghiên cứu, phát triển lý luận chính trị của các chủ thể tạo ra ấn phẩm của Tạp chí Lý luận chính trị

Một là, cần sớm xây dựng và thực hiện quy chế hoạt động của Hội đồng biên tập, trong đó có các cơ chế, chế độ đối với các hoạt động xây dựng, định hướng nội dung lý luận chính trị, thẩm định, phản biện bài viết…, góp phần khuyến khích sự tham gia đóng góp trí tuệ, thời gian và công sức của các thành viên Hội đồng Biên tập trong công tác xuất bản của Tạp chí nói chung, trong nghiên cứu, phát triển lý luận chính trị của Tạp chí nói riêng. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng các phần mềm tương tác trực tuyến để tăng khả năng tham gia của các thành viên Hội đồng biên tập vào quá trình xuất bản nói chung, các bài viết nghiên cứu, phát triển lý luận chính trị nói riêng.  

Hai là, xây dựng, phát triển đội ngũ biên tập viên chuyên về nghiên cứu, phát triển lý luận chính trị chuyên nghiệp, hiện đại.

Nâng cao kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ

Quan tâm, coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn của đội ngũ cán bộ biên tập viên để đội ngũ này nắm vững hệ thống lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định lập trường, quan điểm; có kiến thức chuyên môn, chuyên ngành sâu rộng, bao quát những khoa học liên ngành, có khả năng tiếp thu những thành tựu khoa học - công nghệ tiên tiến, nhất là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang đặt ra những vấn đề về chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số… đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ ngày càng cao trong tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận.

Đồng thời, nâng cao nhận thức về vai trò quan trọng của lý luận chính trị; phát huy tính chủ động, tích cực trong học tập và tự học qua công tác biên tập, nghiên cứu khoa học theo phương châm “học đi đôi với hành”, “lý luận gắn với thực tiễn”.

Có cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện để đội ngũ cán bộ biên tập viên đi nghiên cứu thực tế, cơ sở, thâm nhập vào đời sống thực tiễn của địa phương/ngành/lĩnh vực, gắn nhận thức chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước với hiện thực cuộc sống, qua đó tích lũy kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn, góp phần bổ trợ cho công tác nghiên cứu, phát triển lý luận của mỗi cán bộ biên tập viên nói riêng và của Tạp chí nói chung.

Tạo điều kiện để cán bộ biên tập viên có cơ hội tham gia hoạt động khoa học nhằm góp phần làm sáng tỏ những vấn đề lý luận và thực tiễn đang đặt ra, qua đó nâng cao trình độ, nhận thức.

Xây dựng và triển khai các cơ chế thiết lập, thúc đẩy, duy trì tốt mối quan hệ giữa cán bộ biên tập viên và đội ngũ cộng tác viên, không ngừng củng cố, mở rộng đội ngũ cộng tác viên, nhất là đội ngũ cộng tác viên nòng cốt. Đội ngũ cộng tác viên của Tạp chí gồm cán bộ lãnh đạo trên cả nước, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu. Do đó đội ngũ cán bộ, biên tập của Tạp chí cũng phải có đủ trình độ để có thể trao đổi, tương tác với cộng tác viên.

Cần xây dựng, triển khai kế hoạch đặt bài có trọng tâm, trọng điểm, có sự tương tác giữa biên tập viên và cộng tác viên. Trong quá trình đó cần định hướng, gợi mở cho cộng tác viên những đề tài phù hợp với lĩnh vực tuyên truyền trên các ấn phẩm của Tạp chí, đồng thời bám sát vấn đề đang được quan tâm để phát hiện, lựa chọn những chuyên gia lý luận, để đặt hàng. Xây dựng đội ngũ cộng tác viên chú trọng tính kế thừa và phát triển để bảo đảm không “đứt gẫy”, hẫng hụt về nghiên cứu, phát triển lý luận chính trị.

Tạo điều kiện cho cán bộ biên tập viên đi học tập, nâng cao trình độ, tham dự các lớp bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng biên tập, đặc biệt là các kỹ năng công nghệ, đáp ứng yêu cầu trong công tác chuyển đổi số báo chí nói chung, trong thực hiện các quy trình biên tập, xuất bản nói riêng.

Nâng cao phẩm chất, bản lĩnh chính trị trong nghiên cứu, phát triển lý luận chính trị

Tạp chí quan tâm chú trọng đến việc rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ biên tập viên.

Giáo dục, nâng cao đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ biên tập viên cần bám sát thực hiện Luật Báo chí năm 2016, các nghị quyết, chỉ thị của Đảng và của Hội Nhà báo Việt Nam;10 điều quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo. Tăng cường các biện pháp và hình thức mới trong công tác giáo dục, bồi dưỡng, nâng cao bản lĩnh cách mạng, nhận thức chính trị - xã hội. Bên cạnh đó, cán bộ biên tập viên nâng cao ý thức trau dồi đạo đức, phẩm chất, danh dự, uy tín nghề nghiệp; không lạm dụng vị trí công tác, nhiệm vụ được phân công để trục lợi; tinh thần cầu thị, lắng nghe, tiếp thu, học hỏi cái mới.

Nhóm giải pháp nâng cao chất lượng các bài viết nghiên cứu, phát triển lý luận chính trị của Tạp chí Lý luận chính trị

Một là, thực hiện tốt tôn chỉ, mục đích, có kế hoạch xây dựng cơ cấu chuyên mục, đặt bài phù hợp; tích cực đổi mới hệ thống chuyên mục theo hướng gắn với các sự kiện chính trị trong nước và quốc tế; duy trì các chuyên mục nghiên cứu về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Hai là, nghiên cứu, phát triển lý luận chính trị của Tạp chí bám sát các nghị quyết của Trung ương, chương trình của Hội đồng Lý luận Trung ương, các nhiệm vụ chính trị, yêu cầu của Học viện, tạo nguồn bài phong phú, chất lượng, đúng chủ trương, quan điểm của Đảng trong nghiên cứu, phát triển lý luận chính trị.

Ba là, nghiên cứu, phát triển lý luận chính trị gắn với đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch

Trong đấu tranh, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm thù địch, cần tăng cường các bài viết đấu tranh trực diện với các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị. Đăng tải các bài giới thiệu sách, những cách tiếp cận mới trên thế giới: như xã hội 5.0, chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa nước lớn với những biểu hiện mới hiện nay. Tăng cường thông tin, tuyên truyền về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; về vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Tích cực phản ánh quá trình nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, đặc biệt tổng kết những vấn đề lý luận - thực tiễn 40 năm đổi mới; cùng các cơ quan nghiên cứu khoa học, cơ quan lý luận khác xây dựng, xác lập những luận cứ khoa học cho việc điều chỉnh, bổ sung, hoạch định và hoàn thiện đường lối đổi mới của Đảng.

Đối với việc nghiên cứu, phát triển lý luận của Đảng về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Tạp chí có thể xây dựng một chuyên mục riêng để phản ánh phong phú, sinh động, sắc rõ các nghiên cứu về nội dung này.

Bốn là, tiếp tục đổi mới theo hướng chuẩn tạp chí khoa học quốc tế, từng bước áp dụng thể thức, cấu trúc bài viết có các thành phần của bài tạp chí khoa học theo chuẩn quốc tế. Theo đó, Tạp chí cần nâng cao chất lượng nội dung và đổi mới hình thức, hoàn thiện quy trình biên tập, xuất bản theo chuẩn quốc tế; ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động biên tập, xuất bản qua việc áp dụng phần mềm xuất bản trực tuyến.

_________________

(1) Bùi Minh Đức: “Năng lực” và vấn đề phân loại “năng lực” trong các nghiên cứu hiện nay,Tạp chí Giáo dục, (2013), số 306, tr.28-31.

 (2) UNESCO: Quality Assurance and Accreditation : A Glossary of Basic Terms and Definition,  “Competence”, 2007, pp.45-46.

(3)Trần Thanh Ái: “Cần phải làm gì để phát triển năng lực nghiên cứu khoa học giáo dục”, Tạp chí Dạy và học ngày nay, số 1- 2014, tr.61.

(4) Dẫn theo Nguyễn Duy Bắc: “Khoa học lý luận chính trị, khoa học xã hội và nhân văn góp phần bảo vệ, phát triển nền tảng tư tưởng của Đảng”, Tạp chí Lý luận chính trị số 535 (tháng 9-2022).

(5) “Kỷ yếu 35 năm xây dựng và phát triển Tạp chí Lý luận chính trị”, Nxb Lao động, 2011.

(6) Nguyễn Thị Lan: Báo cáo tổng quan kết quả khảo sát nhiệm vụ khoa học Giám đốc giao “Khảo sát thực trạng tiếp nhận, đánh giá và nhu cầu của độc giả đối với các ấn phẩm Tạp chí Lý luận chính trị”, Nhiệm vụ khoa học năm 2020, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh là cơ quan chủ trì.

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền