Trang chủ    Thực tiễn    Công tác phát hành và sử dụng các tạp chí của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tại khu vực Bắc Trung Bộ
Thứ tư, 13 Tháng 12 2023 10:47
1683 Lượt xem

Công tác phát hành và sử dụng các tạp chí của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tại khu vực Bắc Trung Bộ

ThS NGUYỄN THỊ THÚY THẢO
Tạp chí Lý luận chính trị,
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

(LLCT) - Các tạp chí của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh là cơ quan ngôn luận, diễn đàn khoa học của Học viện và các đơn vị trực thuộc. Các ấn phẩm tạp chí đóng góp quan trọng vào việc nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Bài viết làm rõ thực trạng công tác phát hành và sử dụng các tạp chí Học viện tại khu vực Bắc Trung Bộ. Bài viết là kết quả của Nhiệm vụ nghiên cứu khảo sát năm 2023 “Thực trạng phát hành và sử dụng các tạp chí của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tại khu vực Bắc Trung Bộ”.
 

Hội nghị công tác báo chí Học viện Chính trị quốc gia năm 2023 - Ảnh: HCMA

Trải qua gần 75 năm xây dựng và phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh luôn quan tâm công tác báo chí và thông tin khoa học. Hiện nay, Học viện có 15 tạp chí, gồm 10 tạp chí tại Trung tâm Học viện và 05 tạp chí tại các Học viện trực thuộc. Trong đó, có các tạp chí đã hoạt động lâu năm, được các nhà khoa học trong và ngoài Học viện đánh giá cao, như: Tạp chí Lý luận chính trị, Tạp chí Lịch sử Đảng, Tạp chí Giáo dục lý luận, Tạp chí Khoa học chính trị, Tạp chí Sinh hoạt lý luận, Tạp chí Lý luận Chính trị và Truyền thông. Bên cạnh đó, một số tạp chí mới ra đời, thậm chí mới ra mắt nửa cuối năm 2023, như: Tạp chí Nghiên cứu văn hóa và phát triển; Tạp chí Lãnh đạo và chính sách; Tạp chí Triết học và đời sống.

Hiện nay, các tạp chí Học viện có đa dạng các ấn phẩm là: ấn phẩm giấy tiếng Việt, ấn phẩm điện tử và ấn phẩm giấy tiếng Anh. Trong đó, 05 tạp chí có ấn phẩm điện tử là các tạp chí: Lý luận chính trị, Lý luận chính trị và truyền thông, Giáo dục lý luận, Khoa học chính trị và Lịch sử Đảng. 05 tạp chí có ấn phẩm tiếng Anh là Tạp chí Lý luận chính trị, Tạp chí Lý luận chính trị và truyền thông, Tạp chí Giáo dục lý luận, Tạp chí Lịch sử Đảng và Tạp chí Pháp luật về quyền con người.

Năm 2023, 12 tạp chí của Học viện đã được Hội đồng Giáo sư Nhà nước tính điểm. Trong đó, Tạp chí Lý luận chính trị (cả 3 ấn phẩm tiếng Việt, tiếng Anh, điện tử) được 0-1,0 điểm chuyên ngành Triết học - Xã hội học - Chính trị học; 0-0,75 điểm chuyên ngành Báo chí - Truyền thông, Kinh tế, Sử học - Khảo cổ học - Dân tộc học… Tạp chí Lịch sử Đảng được 0-1,0 điểm chuyên ngành Sử học - Khảo cổ học - Dân tộc học; 0,5 điểm một số chuyên ngành khác. Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 0-0,75 điểm chuyên ngành Triết học - Xã hội học - Chính trị học và chuyên ngành Báo chí - Truyền thông. Các tạp chí khác được tính điểm chuyên ngành 0-0,5 điểm…

Các tạp chí của Học viện luôn bám sát đời sống chính trị của đất nước và định hướng công tác tư tưởng, lý luận của Đảng, nhiệm vụ chính trị của Học viện. Các tạp chí đã có những đóng góp quan trọng vào việc nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; góp phần thiết thực vào việc nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, cung cấp những luận cứ khoa học cho việc xây dựng, hoàn thiện đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, tham gia đắc lực vào đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Với vai trò là cơ quan ngôn luận, diễn đàn khoa học của Học viện, các đơn vị trực thuộc, các tạp chí đã phản ánh những kết quả hoạt động nghiên cứu khoa học và đào tạo của Học viện, đăng tải bài viết là kết quả nghiên cứu mới của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong và ngoài Học viện, các bài phát biểu chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các nhà lãnh đạo, quản lý về nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn, về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Nhiều bài viết góp phần làm sáng tỏ và khẳng định những giá trị to lớn của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ chí Minh; luận giải, làm rõ những quan điểm mới trong đường lối, chủ trương của Đảng; làm sáng tỏ nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn về CNXH, về nền kinh tế thị trường định hướng XHCN...

Các tạp chí đóng góp tích cực vào công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ khoa học lý luận chính trị. Các bài viết trên tạp chí đã trở thành tài liệu tham khảo bổ ích cho học viên các hệ lớp, nhất là nghiên cứu sinh và cao học. Các tạp chí đã đăng tải hàng nghìn bài viết từ các đề tài nghiên cứu cấp nhà nước, cấp bộ hoặc các hội thảo khoa học, các công trình nghiên cứu của các nhà khoa học là giảng viên, nghiên cứu viên của Học viện. Qua đó, đã góp phần xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ khoa học của Học viện, thúc đẩy công tác nghiên cứu và xã hội hóa các công trình nghiên cứu của đội ngũ cán bộ khoa học.

Các tạp chí Học viện là diễn đàn trao đổi của giới nghiên cứu cả nước. Không chỉ thu hút các nhà khoa học trong hệ thống Học viện, các tạp chí còn là địa chỉ tin cậy để các cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ khoa học, nhà nghiên cứu ở các cấp, các ngành, các cơ quan khoa học, giáo dục - đào tạo trên cả nước đăng tải những kết quả nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn Việt Nam và thế giới.

Với đặc điểm là tạp chí khoa học lý luận chính trị, độc giả của các tạp chí Học viện là đối tượng độc giả chuyên sâu, bao gồm cán bộ lãnh đạo quản lý, cán bộ lý luận, tuyên giáo của hệ thống chính trị, các nhà khoa học, giảng viên, học viên, sinh viên các cơ sở đào tạo, nghiên cứu và các đối tượng quan tâm.

Qua khảo sát hơn 500 mẫu nghiên cứu là các đối tượng độc giả của các tạp chí Học viện tại các tỉnh Bắc Trung Bộ về thực trạng phát hành và sử dụng 12 tạp chí (do tại thời điểm thực hiện khảo sát, Tạp chí Nghiên cứu văn hóa và phát triển, Tạp chí Lãnh đạo và chính sách, Tạp chí Triết học và đời sống chưa ra đời nên chưa đưa vào khảo sát), có thể khái quát một số kết quả sau:

1. Thực trạng phát hành các tạp chí của Học viện tại khu vực Bắc Trung Bộ

Hiện nay, các ấn phẩm tạp chí Học viện được sử dụng chủ yếu để cấp phát, biếu trong hệ thống chính trị, trong học viện, các trường chính trị, trường đại học. Việc phát hành được thực hiện qua các kênh như sau:

Tạp chí gửi biếu đến lãnh đạo các đơn vị trong Học viện trung tâm; lãnh đạo các Học viện trực thuộc; lãnh đạo các cơ quan Trung ương; ban tuyên giáo tỉnh ủy, các trường chính trị tỉnh thông qua Công ty Phát hành báo chí Trung ương;

Các tạp chí tự gửi biếu ấn phẩm đến các tác giả có bài đăng trên tạp chí;

Một số tạp chí được bán cho độc giả thông qua Công ty Phát hành báo chí Trung ương.

Số lượng phát hành của các tạp chí Học viện có sự chênh lệch. Các tạp chí có mức phát hành trên 1000 cuốn/kỳ như: Tạp chí Lý luận chính trị 2.800 cuốn/kỳ; Tạp chí Lịch sử Đảng 2.500 cuốn/kỳ; Tạp chí Lý luận chính trị và truyền thông 2.000 cuốn/kỳ; một số tạp chí có mức phát hành chưa cao, như: Tạp chí Thông tin khoa học chính trị 300 cuốn/kỳ, Tạp chí Sinh hoạt lý luận hơn 640 cuốn/kỳ… Trong đó, một số tạp chí hơn 60% số lượng phát hành là biếu, có những tạp chí 100% là báo biếu (Bảng 1).

Bên cạnh đó, các tạp chí còn phát hành theo đơn đặt hàng của một số đơn vị đối với những số có bài kỷ niệm gắn với sự kiện, như: kỷ niệm thành lập các viện, Học viện trực thuộc hoặc phát hành các số chuyên đề.

Mức phát hành của các tạp chí Học viện hiện nay còn rất khiêm tốn so với các tạp chí khối báo chí Trung ương của Đảng như Tạp chí Tuyên giáo 17.000 cuốn/kỳ, Tạp chí Cộng sản 65.000-70.000 cuốn/kỳ.

Về thời gian phát hành, các tạp chí Học viện thường phát hành từ ngày 15 đến ngày 25 hằng tháng. Phần lớn các tạp chí phát hành định kỳ, đúng thời gian. Tuy nhiên, đôi khi vẫn còn tình trạng một số tạp chí phát hành chậm, muộn.

Bảng 1: Sốlượng phát hành của các tạp chí của Học viện

TT

Tên tạp chí

Kỳ/năm

Số bản/kỳ

Số bản

đặt mua

  1.  

Lý luận chính trị

12

2.800

1.700

  1.  

Lịch sử Đảng

12

2.500

1.600

  1.  

Thông tin khoa học lý luận chính trị

12

1.000

0

  1.  

Pháp luật về quyền con người

4

1.500

0

  1.  

Nghiên cứu Hồ Chí Minh

6

1.100

0

  1.  

Kinh tế và Quản lý

12

900

0

  1.  

Chủ nghĩa xã hội - Lý luận và thực tiễn

6

600

0

  1.  

Lý luận chính trị và truyền thông

12

2.000

1.200

  1.  

Giáo dục lý luận

16

1.500

750

  1.  

Sinh hoạt lý luận

8

650

330

  1.  

Khoa học chính trị

10

900

530

  1.  

Thông tin Khoa học chính trị

4

300

0

Nguồn: Đề án sắp xếp, phát triển hệ thống báo chí Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đến năm 2025, hướng đến năm 2030.

Hiện nay, các ấn phẩm tạp chí Học viện được phát hành đến các tỉnh Bắc Trung Bộ chủ yếu thông qua hình thức báo biếu đến 2 cơ quan là: ban tuyên giáo tỉnh ủy và các trường chính trị tỉnh. Cụ thể là gửi đến lãnh đạo ban và phòng tư liệu của ban tuyên giáo tỉnh ủy; lãnh đạo và thư viện các trường chính trị tỉnh. Cùng với đó, các tòa soạn gửi báo biếu cho các tác giả tại các tỉnh Bắc Trung Bộ có bài viết trên tạp chí. Như vậy, số lượng phát hành các tạp chí của Học viện đến khu vực Bắc Trung Bộ còn khá khiêm tốn.

2. Về đối tượng độc giả của các tạp chí Học viện tại khu vực Bắc Trung Bộ

Độc giả tại khu vực Bắc Trung Bộ khá đa dạng về ngành nghề, chuyên môn nghiên cứu, trình độ học vấn, độ tuổi, thâm niên làm việc và đơn vị công tác.

Về nghề nghiệp của độc giả,với đặc trưng là các tạp chí khoa học lý luận chính trị, độc giả ở khu vực Bắc Trung Bộ của các tạp chí Học viện chủ yếu là các chuyên viên, nhân viên hành chính, văn phòng làm việc tại các cơ quan nhà nước (38,4%) và giảng viên (35,6%).

Về độ tuổi,theo kết quả khảo sát, độc giả của các tạp chí Học viện đa dạng từ 24 đến 60 tuổi, trong đó, tỷ lệ độc giả trong khoảng tuổi 24-35 chiếm nhiều nhất (54,34%), là độ tuổi khá trẻ. Thứ hai là độc giả trong khoảng tuổi từ 36-45 (35,16%). Số lượng độc giả trong độ tuổi 45-60 tuổi là 10,5%. Đây là dấu hiệu tích cực cho thấy các tạp chí Học viện đã thu hút được đa dạng đối tượng độc giả, đặc biệt là những độc giả trẻ tìm hiểu về lĩnh vực khoa học lý luận chính trị.

Về đặc điểm dân tộc,gần 90% số người tham gia khảo sát là dân tộc Kinh, số người tham gia khảo sát là đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khoảng 10%, trong đó nhiều nhất là dân tộc Thái (6,8%), dân tộc Mường (2%).

Nguồn: Nhiệm vụ nghiên cứu khảo sát năm 2023 “Thực trạng phát hành và sử dụng các tạp chí của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tại khu vực Bắc Trung Bộ”.

Về trình độ chuyên môn,47,5% độc giả có trình độ thạc sỹ, 45,7% có trình độ cử nhân và trình độ tiến sỹ là 5,5%. Về trình độ lý luận chính trị, 40,2%độc giảcó trình độ trung cấp, 32,9% có trình độ sơ cấp,20,5% có trình độ cao cấp,2,7% có trình độ cử nhân lý luận chính trị, chỉcó 3,7% chưa qua đào tạo lý luận chính trị.

Về chức vụ công tác,11% người tham gia khảo sát giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý và 89% không giữ chức vụ lãnh đạo quản lý.

3. Việc tiếp cận các tạp chí của Học viện tại khu vực Bắc Trung Bộ

Kết quả khảo sát cho thấy, có sự khác nhau trong mức độ tiếp cận các tạp chí của Học viện. Khi được hỏi về “Đồng chí biết đến tạp chí nào trong các tạp chí Học viện”, Tạp chí Lý luận chính trị được độc giả biết đến nhiều nhất (69,9%), thứ hai là Tạp chí Lịch sử Đảng (65,3%). Chỉ có 5% người được hỏi không biết đến tạp chí nào của Học viện.

Các tạp chí của các Học viện trực thuộc có mức độ lựa chọn khác biệt lớn. Trong các tạp chí của các Học viện khu vực, Tạp chí Khoa học chính trị của Học viện Chính trị khu vực II, Tạp chí Giáo dục lý luận của Học viện Chính trị khu vực I và Tạp chí Lý luận chính trị và truyền thông được biết đến nhiều, với tỷ lệ lần lượt là 30,6%, 29,7% và 27,9%. Đây đều là những tạp chí đã có ấn phẩm điện tử hoạt động ổn định, do đó, độc giả dễ dàng tiếp cận. Hai tạp chí của Học viện Chính trị khu vực III và IV có mức độ tiếp cận của độc giả thấp hơn là Tạp chí Thông tin khoa học chính trị (19,6%) và Tạp chí Sinh hoạt lý luận (17,8%).

Đối với tạp chí của các viện chuyên ngành, Tạp chí Lịch sử Đảng được biết đến nhiều nhất (65,3%), sau đó là Tạp chí Kinh tế và quản lý (34,7%) và Tạp chí Nghiên cứu Hồ Chí Minh (31,5%). Các tạp chí của các viện chuyên ngành khác có mức độ biết đến tương đương nhau, như: Tạp chí Chủ nghĩa xã hội - Lý luận và thực tiễn (27,4%), Tạp chí Pháp luật về quyền con người (25,6%), Tạp chí Thông tin khoa học lý luận chính trị (21,9%).

Về phương thức tiếp cận, các tạp chí của Học viện được độc giả đón đọc chủ yếu là thông qua truy cập internet (47%) và thông qua thư viện, phòng đọc, phòng tư liệu tại cơ quan (43,4%). Điều này tương thích với kết quả biết đến các tạp chí của Học viện, khi các tạp chí có ấn phẩm điện tử được biết đến nhiều nhất là Tạp chí Lý luận chính trị, Tạp chí Lịch sử Đảng. Bên cạnh đó, phần lớn các tạp chí Học viện được phát hành thông qua hình thức báo biếu, trong đó có phát hành đến thư viện, phòng đọc của trường chính trị, trường đại học, ban tuyên giáo tỉnh ủy. Tỷ lệ người tham gia khảo sát tiếp cận các tạp chí thông qua hình thức đặt mua chỉ chiếm 9,6%.

4. Nội dung được độc giả khu vực Bắc Trung Bộ quan tâm khi tiếp nhận các tạp chí của Học viện

Kết quả khảo sát cho thấy, các nội dung “Tuyên truyền, giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh”; “Phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”; “Phản ánh về các vấn đề mới trong các Văn kiện (dự thảo) Đại hội của Đảng”; “Phản ánh các nghiên cứu, phát triển lý luận trong nước”; “Đấu tranh, phê phán các quan điểm sai trái, chống lại Đảng và Nhà nước Việt Nam, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng”; “Thông tin các sự kiện chính trị, kinh tế, xã hội trong nước”; “Thông tin về khoa học các chuyên ngành”; “Phản ánh các kết quả tổng kết thực tiễn”; “Thông tin các vấn đề thời sự quốc tế”, là những nội dung chính của các tạp chí Học viện đều được bạn đọc quan tâm khá đồng đều, với mức độ lựa chọn “Rất quan tâm” từ 43-48%. Những nội dung này cũng thể hiện được nhiệm vụ trọng tâm của hệ thống tạp chí Học viện, bảo đảm thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích của các tạp chí.

Trong đó, những nội dung được độc giả quan tâm nhiều nhất là: Phản ánh về các vấn đề mới trong các Văn kiện (dự thảo) Đại hội của Đảng (48,9%); Đấu tranh, phê phán các quan điểm sai trái, chống lại Đảng và Nhà nước Việt Nam, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng (48,4%); Thông tin về khoa học các chuyên ngành (47,5%); Thông tin các vấn đề thời sự quốc tế (46,1%) và Phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước (45,7%). Đây là những nội dung gắn liền với thực tiễn, đòi hỏi sự nghiên cứu chuyên sâu, cập nhật thường xuyên. Điều này cũng cho thấy, các tạp chí của Học viện đã phản ánh kịp thời, sinh động các nội dung mới, gắn liền với thực tiễn chính trị trong nước, thu hút được sự quan tâm của bạn đọc.

Bảng 2: Mức độ quan tâm của độc giả khu vực Bắc Trung Bộ đối với các nội dung trên các tạp chí của Học viện

 

 

Nội dung

Mức độ quan tâm

Rất quan tâm

Khá quan tâm

Quan tâm

Ít quan tâm

Tuyên truyền, giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh

 

43,9%

 

35,2%

 

11,4%

 

9,6%

Phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước

45,7%

32,4%

16,4%

7,3%

Phản ánh về các vấn đề mới trong các Văn kiện (dự thảo) Đại hội của Đảng

48,9%

32,4%

12,8%

7,8%

Phản ánh các nghiên cứu, phát triển lý luận trong nước

43,4%

35,6%

11,9%

11,0%

Đấu tranh, phê phán các quan điểm sai trái, chống lại Đảng và Nhà nước Việt Nam, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng 

48,4%

31,1%

16,0%

6,8%

Thông tin các sự kiện chính trị, kinh tế, xã hội trong nước

44,3%

36,1%

16,0%

5,5%

Thông tin về khoa học các chuyên ngành

47,5%

34,2%

10,5%

9,6%

Phản ánh các kết quả tổng kết thực tiễn

43,8%

32,9%

15,1%

10,5%

Thông tin các vấn đề thời sự quốc tế

46,1%

34,7%

13,7%

7,3%

 

Nguồn: Nhiệm vụ nghiên cứu khảo sát năm 2023 “Thực trạng phát hành và sử dụng các tạp chí của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tại khu vực Bắc Trung Bộ”.

5. Hiệu quả sử dụng các tạp chí Học viện của độc giả khu vực Bắc Trung Bộ

Theo kết quả điều tra khảo sát, độc giả ở khu vực Bắc Trung Bộ có đa dạng mục đích khi tiếp nhận các tạp chí Học viện. Trong đó, mục đích “Cập nhật thông tin về các văn bản, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước” chiếm tỷ lệ lớn nhất (83,6%). Điều này cho thấy nhu cầu tiếp nhận các thông tin về chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước là rất lớn.

Các mục đích có trên 50% độc giả lựa chọn là: “Cập nhật thông tin về các sự kiện chính trị - xã hội trong nước và quốc tế” (59,3%); “Cập nhật thông tin về quá trình nghiên cứu, vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh” (55,3%); “Phục vụ nghiên cứu, học tập lý luận chính trị” (55,3%).

Hình 2: Mục đích sử dụng những thông tin trên các tạp chí Học viện của độc giả khu vực Bắc Trung Bộ

 

Nguồn: Nhiệm vụ nghiên cứu khảo sát năm 2023 “Thực trạng phát hành và sử dụng các tạp chí của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tại khu vực Bắc Trung Bộ”.

Với các cán bộ, giảng viên, nghiên cứu viên ở các trường chính trị, trường đại học, ban tuyên giáo và các cơ quan khác (đối tượng khảo sát), các ấn phẩm tạp chí của Học viện là nguồn tin cậy để tìm hiểu và cập nhật các thông tin về nghiên cứu, vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; cũng như những nghiên cứu về các sự kiện chính trị - xã hội nổi bật trong nước và quốc tế. Những mục đích này hoàn toàn phù hợp với tôn chỉ, mục đích của các tạp chí Học viện: “Là cơ quan ngôn luận, diễn đàn khoa học của Học viện, các viện chuyên ngành”; đóng góp tích cực vào việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Học viện “là trung tâm quốc gia đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý trung, cao cấp, cán bộ khoa học lý luận của hệ thống chính trị; trung tâm quốc gia nghiên cứu lý luận chính trị, tuyên truyền tư tưởng, lý luận của Đảng và Nhà nước, xây dựng hệ thống lý luận của quốc gia, trung tâm đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch…”.

Bên cạnh đó, độc giả tiếp nhận các tạp chí Học viện nhằm mục đích: cập nhật các nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn trong nước và quốc tế (41,6%); phục vụ công tác giảng dạy, nghiên cứu chuyên môn (39,7%); cập nhật thông tin các hoạt động chuyên môn khoa học (36,5%); cập nhật thông tin về các chương trình đào tạo, bồi dưỡng của Học viện (33,3%); tham khảo cách thức viết bài báo khoa học trong nước và quốc tế (31,1%).

Đánh giá về hiệu quả đáp ứng các mục đích khi tiếp nhận thông tin, nghiên cứu sử dụng thang đo Liker với 5 mức độ lựa chọn là: 5 - Rất hiệu quả, 4 - Khá hiệu quả, 3- Hiệu quả, 2 - Không hiệu quả, 1- Rất không/chưa thực sự hiệu quả. Kết quả phân tích cho thấy, giá trị trung bình các ý kiến của người tham gia khảo sát về mức độ hiệu quả đáp ứng mục đích của việc sử dụng thông tin đăng tải trên các tạp chí Học viện là 3.37. Giá trị này tương ứng với mức độ “Hiệu quả” của thang đo, cho thấy các thông tin đăng tải trên các tạp chí Học viện đã phục vụ hiệu quả mục đích tiếp nhận thông tin của độc giả.

Bên cạnh đó, xét theo chức vụ công tác, mức điểm trung bình về hiệu quả sử dụng của nhóm độc giả lãnh đạo, quản lý là 3,21 tương ứng với mức độ “Hiệu quả”, thấp hơn so với mức điểm trung bình của tất cả các đối tượng là 3,37.

Xét theo trình độ học vấn, nhóm đối tượng khảo sát có trình độ học vấn tiến sỹ đánh giá mức độ hiệu quả khi sử dụng các tạp chí Học viện là 3,92 - mức “Khá hiệu quả”. Nhóm đối tượng có trình độ học vấn cử nhân, thạc sỹ đánh giá là 3,22 - mức “Hiệu quả”.

Xét theo trình độ lý luận chính trị, nhóm đối tượng khảo sát có trình độ cao cấp lý luận chính trị có giá trị trung bình mức độ hiệu quả là 3,64 - mức “Khá hiệu quả”. Nhóm đối tượng có trình độ sơ cấp và chưa qua đào tạo lý luận chính trị có giá trị trung bình hiệu quả sử dụng các tạp chí ở mức “Hiệu quả”. Điều này có thể giải thích rằng, các tạp chí của Học viện là những tạp khoa học chuyên sâu về lĩnh vực lý luận chính trị, đòi hỏi người đọc phải có trình độ nhất định mới có thể hiểu và vận dụng hiệu quả các nội dung của bài viết trên tạp chí.

Trong thời gian tới, để đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu của độc giả, nâng cao hiệu quả sử dụng, các tạp chí của Học viện cần tiếp tục bám sát định hướng chính trị của đất nước và định hướng công tác tư tưởng, lý luận của Đảng cũng như nhiệm vụ chính trị của Học viện; nâng cao chất lượng các chuyên mục và chất lượng các bài viết. Trong công tác phát hành, cần đẩy nhanh việc xuất bản tạp chí điện tử; ứng dụng chuyển đổi số vào công tác xuất bản tạp chí. Đây cũng là những yêu cầu để thực hiện Quyết định số 10444-QĐ/HVCTQG của Giám đốc Học viện Phê duyệt Đề án sắp xếp, phát triển hệ thống báo chí Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đến năm 2025, hướng đến năm 2030.

_________________

Ngày nhận bài: 26-11-2023; Ngày bình duyệt: 12-12-2023; Ngày duyệt đăng: 12-12-2023.

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền