Trang chủ    Từ điển mở    IPU và Đại Hội đồng IPU-132
Thứ ba, 26 Tháng 1 2016 10:40
3416 Lượt xem

IPU và Đại Hội đồng IPU-132

(LLCT) - Liên minh nghị viện thế giới (IPU)được thành lập năm 1889,  tại Paris, xuất phát từ ý tưởng của hai nghị sỹ Pháp và Anh yêu chuộng hoà bình mong muốn xây dựng một thể chế hợp tác liên nghị viện quốc tế. Khi mới thành lập, IPU có hai nhiệm vụ trọng tâm: Một là, diễn đàn bày tỏ chính kiến của các nghị sĩ về các vấn đề quốc tế, qua đó thúc đẩy việc tìm kiếm các giải pháp bằng con đường nghị viện; Hai là, phấn đấu nhằm củng cố các thể chế dân chủ và đề ra các chính sách, sáng kiến và khuyến nghị nhằm phát triển thể chế nghị viện cũng như cải thiện các chức năng hoạt động và nâng cao uy tín của thể chế này.

Tính đến hiện nay, IPU có 166 nghị viện quốc gia thành viên và 10 tổ chức thành viên liên kết; đã có 8 cá nhân tích cực của IPU được trao tặng giải thưởng Nobel vì hòa bình.

Trải qua hơn 125 năm xây dựng và phát triển, IPU đã không ngừng lớn mạnh, trở thành tổ chức hợp tác liên nghị viện toàn cầu lớn nhất, có tiếng nói ngày càng quan trọng trong nhiều lĩnh vực của đời sống quốc tế. Trong quá trình hoạt động, IPU luôn tạo ra cơ hội đưa ra những đề xuất, sáng kiến thúc đẩy sự nghiệp vì hòa bình và hợp tác quốc tế.

Ngay từ năm 1956, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã gửi thư tới Đại hội đồng IPU đề nghị được gia nhập làm thành viên chính thức. Kể từ khi chính thức là thành viên IPU (ngày 21-4-1979) đến nay, Quốc hội Việt Nam luôn nêu cao tinh thần chủ động, tích cực, có trách nhiệm trong các hoạt động của IPU, Việt Nam tích cực giao lưu, hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm với các nước trên toàn thế giới, cùng phấn đấu vì hòa bình, hợp tác và phát triển. Trong 36 năm kể từ khi tham gia IPU, Việt Nam luôn sát cánh cùng các thành viên IPU nỗ lực phấn đấu cho các mục tiêu chung về phát triển bền vững, tăng cường dân chủ, bảo vệ quyền con người, bình đẳng giới, quyền của trẻ em và các quyền cơ bản khác. Từ một đất nước bị tàn phá bởi chiến tranh, đi lên từ điểm xuất phát thấp, Việt Nam ngày nay đang từng bước trở thành đối tác phát triển với nền kinh tế năng động, quan hệ đối ngoại rộng mở và là điểm đến đầy triển vọng của các nhà đầu tư nước ngoài.

Các thành tựu quan trọng về tiến bộ xã hội của Việt Nam, trong đó có nhiều nội dung của “Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ” đã tạo ra được ấn tượng mạnh như xóa đói, giảm nghèo, phổ cập giáo dục, sử dụng nước sạch, phòng trừ dịch bệnh, phòng chống HIV/AIDS và bình đẳng giới,... đã được Liên Hợp quốc cũng như cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.

Qua diễn đàn IPU, Việt Nam mong muốn giới thiệu, quảng bá tới bạn bè quốc tế về đất nước, con người và văn hóa của Việt Nam, về chính sách đối nội và đối ngoại của Việt Nam. Với uy tín của mình, Quốc hội Việt Nam rất vinh dự được chọn là chủ nhà của Đại hội đồng IPU lần thứ 132 diễn ra từ ngày 28-3-2015 đến hết ngày 01-4-2015 tại Thủ đô Hà Nội. Đây là sự kiện chính trị, đối ngoại rất quan trọng của Việt Nam trong năm 2015. Tham dự Đại hội đồng IPU-132 có 1600 đại biểu.

Chủ đề và nội dung của Đại hội đồng IPU-132 là “Các mục tiêu phát triển bền vững: Biến lời nói thành hành động”. Các thành viên tham gia Đại hội đồng IPU-132 cùng nhau trao đổi, chia sẻ các ý tưởng và hành động nhằm góp phần thúc đẩy thực hiện các mục tiêu chung của nhân loại. Một trong những ưu tiên của chương trình nghị sự Đại hội đồng IPU-132 là “biến lời nói thành hành động” để luật pháp và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế được tôn trọng; các thỏa thuận, các quy tắc ứng xử trong quan hệ giữa các quốc gia được thực hiện nghiêm túc; các tranh chấp, bất đồng được giải quyết bằng biện pháp hòa bình và các dân tộc đều có quyền bình đẳng.

Tại các phiên họp của các Ủy ban Thường trực Đại hội đồng IPU-132, nhiều nghị quyết quan trọng đã được thông qua tập trung vào những vấn đề quan trọng mang tính toàn cầu, không chỉ cho trước mắt mà còn lâu dài như Nghị quyết về vấn đề chiến tranh mạng, Nghị quyết về vấn đề nước và vai trò của Quốc hội, luật pháp quốc tế trong mối quan hệ với chủ quyền quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau và quyền con người.Thành công của Đại hội đồng IPU-132 và của Việt Nam là Đại hội đồng IPU-132 đã ra được Tuyên bố Hà Nội. Đây là sáng kiến của Việt Nam ngay từ khi Việt Nam đề nghị đăng cai tổ chức Đại hội đồng IPU-132. Tuyên bố Hà Nội khẳng định, các nghị viện thành viên sẽ góp phần hỗ trợ chính phủ nước mình thực hiện tốt các mục tiêu Thiên niên kỷ, đáp ứng quan tâm và kỳ vọng của người dân về một thế giới hòa bình, ổn định và thịnh vượng. Tuyên bố khẳng định sự phát triển bền vững lấy con người làm trung tâm phải dựa trên việc thực hiện các quyền của con người, xóa đói, giảm nghèo dưới mọi hình thức, xóa bỏ bất bình đẳng, thực hiện bình đẳng giới... Điều này đòi hỏi thế giới phải có hòa bình và an ninh quốc tế được đảm bảo dựa trên sự tôn trọng đầy đủ Hiến chương Liên Hợp quốc và Luật pháp quốc tế. Trong bối cảnh tình hình quốc tế gần đây có nhiều diễn biến phức tạp ảnh hưởng tới an ninh quốc tế và khu vực, Tuyên bố Hà Nội khẳng định lại việc tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hợp quốc và Luật pháp quốc tế có một ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Tuyên bố Hà Nội là dấu mốc lịch sử có ý nghĩa hết sức quan trọng của IPU, tạo nên giá trị cao hơn của IPU, khi tháng 9 năm nay, Liên Hợp quốc kỷ niệm 70 năm thành lập và thông qua Chương trình nghị sự phát triển sau năm 2015 và các Mục tiêu Phát triển bền vững. Đây sẽ là một tài liệu quan trọng chính thức của IPU được gửi tới Hội nghị “Những người đứng đầu cơ quan lập pháp” (dự kiến tổ chức tại New York, Mỹ vào cuối tháng 8, đầu tháng 9 năm 2015), và sau đó chuyển tới Hội nghị Thượng đỉnh của Liên Hợp quốc về “Các mục tiêu phát triển bền vững” được tổ chức ngay trước thềm Đại hội đồng Liên Hợp quốc khóa 70.

Trong thời gian tới, cùng với các thành viên IPU, Việt Nam sẽ nỗ lực hết sức mình để thực hiện các mục tiêu Phát triển bền vững giai đoạn sau năm 2015 và coi đây là trọng tâm ưu tiên thực hiện mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Theo đó, Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới toàn diện, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, tăng cường cải cách hành chính và cải cách tư pháp, đổi mới lập pháp, kết hợp hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với giải quyết các vấn đề xã hội, bảo vệ môi trường, đi đôi với việc giữ vững ổn định chính trị - xã hội.

Đại hội đồng IPU-132 đã thành công tốt đẹp, hình ảnh Việt Nam chu đáo, thân thiện, năng động và phát triển đã được khắc ghi trong lòng bạn bè quốc tế; vị thế và uy tín của Việt Nam trong quan hệ quốc tế được nâng cao thêm một bước. Đây là dấu mốc quan trọng, rất đáng tự hào của dân tộc Việt Nam trong tiến trình hội nhập quốc tế và phát triển đất nước.

___________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 4-2015

TS Nguyễn Mậu Tuân

Tạp chí Lý luận chính trị,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Thông tin tuyên truyền