Trang chủ    Từ điển mở    Chủ nghĩa xã hội hiện thực
Thứ hai, 30 Tháng 11 2015 17:10
23372 Lượt xem

Chủ nghĩa xã hội hiện thực

(LLCT) - Quan niệm về chủ nghĩa xã hội (CNXH) hiện thực liên quan tới một quan điểm lý luận cơ bản của chủ nghĩa Mác, rằng CNXH, chủ nghĩa cộng sản (CNCS) là kết quả của những sự vận động - phong trào hiện thực: “Đối với chúng ta, chủ nghĩa cộng sản không phải là một trạng thái cần phải sáng tạo ra, không phải là một lý tưởng mà hiện thực phải khuôn theo. Chúng ta gọi chủ nghĩa cộng sản là một phong trào hiện thực, nó xóa bỏ trạng thái hiện nay. Những điều kiện của phong trào ấy là do những tiền đề hiện đang tồn tại đẻ ra”(1).

Với ý nghĩa trên, CNXH,  trong quan niệm của chủ nghĩa Mác - Lênin là một phong trào hiện thực. Nó có hai tiền đề cơ bản. Theo Mác và Ăngghen, tiền đề hiện thực đầu tiên cho CNXH là đại công nghiệp (công nghiệp hóa) với phương thức sản xuất công nghiệp mang tính xã hội hóa và sự phát triển của giai cấp công nhân. Những tiền đề khách quan đó được hình thành ngay trong lòng xã hội TBCN. Theo Lênin, đối với những nước chưa qua giai đoạn phát triển TBCN, tiền đề đó chưa đầy đủ, thì phải thông qua quá trình công nghiệp hóa XHCN để xây dựng cơ sở vật chất cho CNXH.      

Tiền đề thứ hai là những kinh nghiệm và lý luận phản ánh các cuộc đấu tranh giai cấp trong lịch sử của các xã hội có đối kháng giai cấp, nhằm xoá bỏ ách áp bức, bất công, xây dựng một xã hội công bằng, bình đẳng, dân chủ. Những cuộc nổi dậy của các giai cấp nô lệ và nông dân chống giai cấp chủ nô và phong kiến thời cổ - trung đại, những thử nghiệm XHCN trong các công xưởng của Robert Oen (1871 - 1858) hay Công xã Pari ở thời cận đại(2)… đều là sự phản ánh, ở nhiều mức độ, sự vận động nhận thức về hiện thực và cung cấp tư liệu cho lý luận để khái quát quy luật của hiện thực. Tuy chưa thành công nhưng những phong trào ấy có thể được xem là những tiệm tiến để có CNXH hiện thực sau này. Theo quan niệm này, lý luận về CNXH cũng được xem là một cơ sở cho CNXH hiện thực với vai trò đúc kết kinh nghiệm, dẫn hướng cho hoạt động thực tiễn.       

Từ năm 1848, khi bản Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản và các tổ chức Đảng Cộng sản ra đời, phong trào thực tiễn này đã có thêm nhiều bước tiến lớn cả về thực tiễn và lý luận. CNXH khoa học là thành tựu lý luận tiêu biểu. Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 đã mở đầu cho thời đại quá độ lên CNXH và là sự mở đầu cho thời kỳ CNXH hiện thực.

CNXH hiện thực còn là khái niệm để phân biệt với CNXH với tư cách là lý luận tức là CNXH khoa học - lý luận do C.Mác và Ph.Ăngghen và V.I.Lê nin sáng lập, phát triển. Với sự ra đời của chế độ XHCN ở nước Nga sau Cách mạng Tháng Mười năm 1917, lần đầu tiên CNXH đã từ lý luận trở thành hiện thực, chứ không chỉ là khát vọng, tư tưởng, phong trào xã hội hay lý luận như trước đó. Xét theo ý nghĩa triết học, thì CNXH hiện thực là đối tượng phản ánh còn lý luận về CNXH hiện thực là cái phản ánh. 

CNXH hiện thực thể hiện tập trung nhất ở chế độ xã hội XHCN và theo đó, nó phân biệt với chế độ TBCN. Đặc điểm nổi bật của chế độ mới là được bắt đầu từ khi giai cấp công nhân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản giành được chính quyền và bắt đầu cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội XHCN. Sự tồn tại, phát triển của chế độ XHCN có thể được coi là đồng nghĩa với CNXH hiện thực.  

Quá trình xây dựng chế độ XHCN lại đặt ra một đòi hỏi tự nhiên, khách quan là những đúc kết kinh nghiệm, tổng kết lý luận về CNXH hiện thực từ những thành công và cả từ những thất bại của nó. Lý luận về CNXH hiện thực, từ góc độ này không chỉ đơn thuần là cái phản ánh mà còn là cái định hướng, dẫn dắt, điều chỉnh... để quá trình này đúng quy luật và có hiệu quả. Nó đóng vai trò tích cực, chủ động trong quá trình phát triển xã hội. Xét theo lịch sử vấn đề, thì C.Mác và Ph.Ăngghen là những nhà lý luận đặt nền móng và V.I.Lênin là người có những tổng kết lý luận đầu tiên về xây dựng CNXH hiện thực.    

Tóm lại, chủ nghĩa xã hội hiện thực là một chế độ chính trị - kinh tế - xã hội được thiết lập sau khi giai cấp công nhân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, giành được chính quyền, từ đó xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật với kiến trúc thượng tầng về chính trị, tư tưởng, văn hoá  tương ứng, theo những nguyên lý, quy luật của chủ nghĩa xã hội khoa học.

_____________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 3-2015

(1) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.3, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.51.

(2)  Về Công xã Pari, có ý kiến cho rằng đây là “mô hình CNXH hiện thực đầu tiên”. Chúng tôi cho rằng, Công xã chưa chịu ảnh hưởng sâu sắc và trực tiếp của lý luận CNXH khoa học, thiếu sự lãnh đạo của chính đảng của giai cấp công nhân (đây là một trong những bài học kinh nghiệm chính trị hàng đầu mà Mác đã rút ra từ nguyên nhân thất bại của Công xã trong tác phẩm Nội chiến ở Pháp); Sự kiện này lại mới chỉ diễn ra trong một thành phố và khá ngắn ngủi, v.v.. Công xã, trong bối cảnh nội chiến, mới dừng lại ở những thử nghiệm đầu tiên của quần chúng về một xã hội mới. Nó mới là một phác thảo chứ chưa đủ điều kiện vật chất (về không gian, thời gian để hành động và kiểm chứng) để định tính như là một mô hình của CNXH. 

 

GS, TS Nguyễn An Ninh

Viện Chủ nghĩa xã hội khoa học,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Thông tin tuyên truyền