Trang chủ    Từ điển mở    An ninh văn hóa
Thứ sáu, 30 Tháng 10 2015 17:43
8154 Lượt xem

An ninh văn hóa

(LLCT) - Trong điều kiện giao lưu và hội nhập quốc tế, các dòng văn hóa với vai trò là “sức mạnh mềm” đang tác động mạnh mẽ đến mọi phương diện của đời sống xã hội. Trong những dòng chảy văn hóa đó vừa có những yếu tố tích cực, tiến bộ nhưng cũng có những yếu tố tiêu cực, nguy hại đối với các giá trị văn hóa dân tộc, những luồng tư tưởng phản động, chia rẽ, kích động làm ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.

1. Một số quan niệm về an ninh văn hóa

Vấn đề an ninh văn hóa đã được phản ánh trong một số tác phẩm của C.Mác và Ph.Ăngghen. Mặc dù lúc đó, thuật ngữ “an ninh văn hóa” chưa được sử dụng, song nội dung tư tưởng của các tác phẩm có đề cập đến vấn đề an ninh văn hóa. Trong tác phẩm Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản (1848), C.Mác và Ph.Ăngghen đã dự báo xu hướng quốc tế hóa đời sống văn hóa và chính trị với cả những mặt tích cực và tiêu cực. Tuyên ngôn nêu rõ: “Thay cho tình trạng cô lập trước kia của các địa phương và dân tộc vẫn tự cung tự cấp, ta thấy phát triển những quan hệ phổ biến, sự phụ thuộc phổ biến giữa các dân tộc. Mà sản xuất vật chất đã như thế thì sản xuất tinh thần cũng không kém như thế. Những thành quả của hoạt động tinh thần của một dân tộc trở thành tài sản chung của tất cả các dân tộc. Tính chất đơn phương và phiến diện dân tộc ngày càng không thể tồn tại được nữa; và từ những nền văn học dân tộc và địa phương, muôn hình muôn vẻ, đang nảy nở ra một nền văn học toàn thế giới”(1). Xu hướng quốc tế hóa cái gọi là văn minh tư sản, như C.Mác nói, đẩy các dân tộc đứng trước nguy cơ đánh mất bản sắc văn hóa dân tộc, nguy cơ bị các giá trị văn hóa tư sản xâm nhập. Chính sự cảnh báo đó là sự gợi mở cho các Đảng Cộng sản trong việc bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc.

Đầu thế kỷ XX, trong một số tác phẩm, V.I.Lênin cũng đề cập đến vấn đề này. Trong bài “Tổ chức Đảng và văn học Đảng”,Người đã chỉ ra phương thức lãnh đạo của Đảng đối với văn hóa, văn nghệ. Đảng lãnh đạo bằng việc định hướng cho sự phát triển của nền văn hóa và kiểm soát hướng đi đó. Người viết: “Giai cấp vô sản xã hội chủ nghĩa có tổ chức phải theo dõi tất cả những công tác đó, mang nguồn nhựa sống của sự nghiệp đầy sức sống của giai cấp vô sản trong toàn bộ công tác đó”(2). Phương thức lãnh đạo của Đảng đối với văn hóa, văn nghệ bảo đảm cho công tác văn hóa văn nghệ đi đúng hướng, phục vụ cho sự nghiệp của giai cấp vô sản. Qua phương thức kiểm soát, Đảng sẽ tẩy sạch những phần tử lợi dụng chiêu bài Đảng để chống Đảng. Cùng với sự định hướng, theo dõi, kiểm soát toàn bộ công tác văn hóa, văn nghệ, Đảng còn phải bảo đảm tự do dân chủ, tự do sáng tác. Đó cũng là điều mang tính nguyên tắc, không thể thiếu trong phương thức lãnh đạo của Đảng.

Như vậy, tuy không sử dụng thuật ngữ an ninh văn hóa, nhưng trong tư tưởng của V.I.Lênin đã phản ánh quan điểm về an ninh văn hóa. Theo đó, có thể hiểu rằng, an ninh văn hóa là bảo đảm sự an toàn cho phát triển văn hóa đúng hướng vì lợi ích của dân tộc, của cộng đồng xã hội. Đồng thời, an ninh văn hóa còn là sự bảo đảm các quyền sáng tạo và hưởng thụ các giá trị văn hóa của con người, bảo đảm cho các giá trị văn hóa của nhân loại được bảo tồn và phát huy.

Trong diễn văn khai mạc Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ nhất ngày 24-1-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Văn hóa Việt Nam là ảnh hưởng lẫn nhau của văn hóa Đông phương và Tây phương chung đúc lại…Tây phương hay Đông phương có cái gì tốt ta học lấy để tạo ra một nền văn hóa Việt Nam. Nghĩa là kinh nghiệm tốt của văn hóa xưa và văn hóa nay, trau dồi cho văn hóa thật có tinh thần thuần túy Việt Namđể hợp với tinh thần dân chủ”(3).

Hồ Chí Minh cho rằng, điều kiện cần thiết để có thể tiếp thu được tinh hoa văn hóa nhân loại là những người làm công tác văn hóa, văn nghệ phải có kiến thức, phải chịu khó học hỏi, nâng cao trình độ hiểu biết của mình. Người nói: “Phải mở rộng kiến thức của mình về văn hóa thế giới... Phải nghiên cứu toàn diện văn hóa của các dân tộc khác, chỉ trong trường hợp đó mới có thể tiếp thu được nhiều hơn cho văn hóa của chính mình”(4).

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, yêu cầu để bảo đảm an ninh văn hóa được khái quát ở những điểm sau: cố gắng học tập chính trị, đứng vững trên lập trường giai cấp vô sản; nâng cao trình độ văn hóa và chuyên môn nghiệp vụ, hiểu biết về văn hóa các nước trên thế giới; học hỏi kinh nghiệm của các nước anh em; thực hiện tốt đạo đức công dân, tức là yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu lao động, yêu khoa học, bảo vệ của công; triệt để tẩy trừ mọi ảnh hưởng nô dịch của văn hóa đế quốc, đồng thời, phát triển những giá trị tốt đẹp của văn hóa dân tộc và hấp thụ những tinh hoa văn hóa tiến bộ thế giới; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về văn hóa.

Như vậy, tiếp cận theo quan niệm của Hồ Chí Minh, an ninh văn hóa là bảo đảm các điều kiện an toàn cho sự phát triển văn hóa dân tộc và tiếp thu các giá trị văn hóa thế giới.

Một số nhà nghiên cứu người Nga coi văn hóa là một nhân tố của an ninh quốc gia.
A.I. Flier trong công trình Văn hóa với tính chất là nhân tố của an ninh quốc gia (1998), đã coi văn hóa là đối tượng của an ninh, cần phải được bảo đảm sự an toàn trong phát triển, đồng thời thấy rõ mối quan hệ khăng khít lẫn nhau giữa an ninh văn hóa và an ninh quốc gia. V.P Bonsakov, trong nghiên cứu Những giá trị văn hóa và thời đại (2002) đã đề cập việc giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa trong bối cảnh toàn cầu hóa. Ngoài ra, còn có một số công trình như: “Nhìn sang phương Tây: Toàn cầu hóa và văn hóa thanh niên Nga” (Xanhpetecpua, 2004); “Những vấn đề hiện nay của giao tiếp liên văn hóa” (Tuyển tập các bài báo, Xanhpetecpua, 2007),... đề cập đến vai trò của an ninh văn hóa, từ ảnh hưởng của văn hóa phương Tây đến văn hóa Nga...

Ở Trung Quốc, vấn đề an ninh văn hóa cũng được quan tâm nghiên cứu. Trong công trình “Assimilation or revitalization: The preservation of chinese culture in the internet era” (2011), Liu Hu cho rằng trong kỷ nguyên internet, sự ảnh hưởng của các nền văn hóa khác đến văn hóa Trung Quốc là không thể tránh khỏi. Toàn cầu hóa văn hóa đang làm cho văn hóa Trung Quốc yếu đi, những giá trị văn hóa dân tộc có thể biến mất, thay vào đó là những cái xấu, nguy hại. Chính vì vậy, vấn đề đặt ra là cần bảo đảm an ninh văn hóa. An ninh văn hóa được coi như một sức mạnh mềm, có vai trò quan trọng đối với an ninh quốc gia, bảo đảm sự phát triển an toàn của dân tộc. An ninh văn hóa là bảo vệ các giá trị văn hóa dân tộc trước sự xâm lấn của văn hóa thế giới, đồng thời làm tăng sức ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc đối với các dân tộc khác.

Ở châu Âu, an ninh văn hóa được hiểu là bảo vệ các di sản văn hóa và bảo đảm các quyền về văn hóa, cải thiện đời sống tinh thần của con người, quan điểm này thể hiện ở các công trình: “Protection of cultural herritage contents on the Web”của Cappelinni V. (2004); “Investigation of cultural aspects within information systems security research”của Connolly L. và Lang.M. (2012); Nghiên cứu về bản chất của an ninh văn hóa, như: “The nature of safty culture: A review of theory”của F.W. Guldenmund (1992). An ninh văn hóa ở đây được coi là sự bảo đảm an toàn cho các quyền văn hóa, các quan điểm và các giá trị văn hóa. An ninh văn hóa cũng đưa ra những cảnh báo, răn đe đối với những hành vi xâm phạm các quyền, các giá trị văn hóa. Đồng thời, an ninh văn hóa cũng là chiến lược quốc gia, nhằm bảo đảm an ninh quốc gia.

Từ các quan niệm trên, có thể rút ra một số nhận xét như sau:

Về bản chất, an ninh văn hóa là bảo đảm an toàn cho phát triển văn hóa, trong đó có các giá trị văn hóa, các quyền tham gia sáng tạo và hưởng thụ các giá trị văn hóa của con người. Do đó, an ninh văn hóa cũng bao gồm cả những biện pháp cảnh báo, phòng ngừa, răn đe đối với những hành vi xâm phạm các giá trị văn hóa và các quyền văn hóa, nhằm bảo đảm lợi ích của cộng đồng, quốc gia và dân tộc.

An ninh văn hóa có vai trò vô cùng quan trọng đối với mỗi quốc gia, dân tộc. Nó là một bộ phận không tách rời của an ninh quốc gia, an ninh cộng đồng. Trong điều kiện hội nhập quốc tế hiện nay, an ninh văn hóa có thể được coi là “sức mạnh mềm” trong quan hệ đối ngoại. Dựa vào chiến lược phát triển văn hóa, các quốc gia, dân tộc có thể mở rộng phạm vi ảnh hưởng của mình trên các phương diện chính trị, kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng.

Trong điều kiện giao lưu và hội nhập quốc tế, các dòng văn hóa với vai trò là “sức mạnh mềm” đang tác động mạnh mẽ đến mọi phương diện của đời sống xã hội. Trong những dòng chảy văn hóa đó vừa có những yếu tố tích cực, tiến bộ nhưng cũng có những yếu tố tiêu cực, nguy hại đối với các giá trị văn hóa dân tộc, những luồng tư tưởng phản động, chia rẽ, kích động làm ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.

2. Yêu cầu để bảo đảm an ninh văn hóa trong điều kiện hiện nay

Một là, bảo đảm các quyền tham gia hoạt động sáng tạo và hưởng thụ các giá trị văn hóa

Quyền hưởng thụ các giá trị văn hóa chính là một trong những yếu tố cơ bản để góp phần xây dựng, bồi đắp, hoàn thiện những phẩm chất, nhân cách cao đẹp của con người, làm cho con người ngày càng nhân văn hơn, tiến bộ hơn. Đó là tất cả những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc đã được kết tinh, trao truyền từ đời này sang đời khác. Đồng thời, mọi người cũng được tạo cơ hội ngang nhau trong tiếp cận các giá trị văn hóa của nhân loại và được quyền sử dụng các thiết chế văn hóa để thỏa mãn các nhu cầu hưởng thụ văn hóa của mình.

Quyền tham gia sáng tạo các giá trị văn hóa không chỉ là quyền riêng của đội ngũ văn nghệ sĩ và những người làm công tác văn hóa - văn nghệ, mà còn là quyền của mọi công dân. Việc mọi người được tham gia các hoạt động sáng tạo ra các giá trị văn hóa sẽ góp phần làm phong phú đời sống tinh thần của mỗi cá nhân và toàn xã hội, góp phần bồi đắp thêm những tinh hoa văn hóa dân tộc và phát triển nền văn hóa Việt Nam.

Quyền này đã được ghi nhận tại Điều 41 Hiến pháp năm 2013 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: “Mọi người có quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa, tham gia vào đời sống văn hóa, sử dụng các cơ sở văn hóa”. Mặt khác, mọi hành vi ngăn cấm, cản trở, hạn chế hay xâm hại đến quyền cơ bản đó đều là vi hiến, cần phải xử lý.

Hai là, thực hiện hữu hiệu các giải pháp bảo tồn, giữ gìn các giá trị, di sản văn hóa của dân tộc

Vấn đề bảo vệ giá trị và di sản văn hóa đang đặt ra cấp thiết. Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI đã nêu rõ định hướng, giải pháp đối với vấn đề này, trong đó nhấn mạnh những nội dung sau: Huy động sức mạnh của toàn xã hội nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, khích lệ sáng tạo các giá trị văn hóa mới, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, làm giàu văn hóa dân tộc. Xây dựng cơ chế để giải quyết hợp lý, hài hòa giữa bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội. Bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa tiêu biểu, phục vụ giáo dục truyền thống và phát triển kinh tế; gắn kết bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với phát triển du lịch, quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam.

Phát triển đi đôi với giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt; giữ gìn và phát huy di sản văn hóa các dân tộc thiểu số; các giá trị văn hóa trong tôn giáo, tín ngưỡng. Phát triển sự nghiệp văn học, nghệ thuật, tạo mọi điều kiện cho sự tìm tòi, sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ để có nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật. Đẩy mạnh sáng tác, quảng bá tác phẩm, công trình về đề tài cách mạng, kháng chiến, lịch sử dân tộc, công cuộc đổi mới đất nước. Từng bước xây dựng hệ thống lý luận văn học, nghệ thuật Việt Nam. Khuyến khích nhân dân sáng tạo, trao truyền và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc.

Chú trọng công tác quản lý các loại hình thông tin trên mạng Internet để định hướng tư tưởng và thẩm mỹ cho nhân dân. Các cơ quan truyền thông phải nâng cao tính tư tưởng, nhân văn và khoa học, góp phần xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam.

________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 12-2014

(1) C.Mác và Ph.Ăng-ghen: Toàn tập, t.4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.602.

(2) V.I.Lênin: Toàn tập, t.12, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr.124.

(3) Hồ Chí Minh: Về công tác văn hóa văn nghệ, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1977, tr.89-90.

(4) Hồ Chí Minh: Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận, Nxb Văn hóa, Hà Nội, 1981, tr.5, 16, 21.

 

ThS Trần Kim Cúc

Viện Văn hóa và Phát triển,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Thông tin tuyên truyền