Trang chủ    Từ điển mở    Phát triển xã hội
Thứ hai, 14 Tháng 3 2016 16:37
30181 Lượt xem

Phát triển xã hội

(LLCT) - Vấn đề phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội hiện nay đang thu hút sự quan tâm nghiên cứu của các nhà khoa học trong và ngoài nước.

Trên thế giới, các lý thuyết phát triển xã hội cố gắng giải thích những thay đổi về chất trong các cấu trúc và cơ cấu xã hội, để xã hội thực hiện tốt hơn mục đích và mục tiêu của nó. Phát triển có thể được định nghĩa để áp dụng cho tất cả các xã hội ở tất cả các giai đoạn lịch sử như một chuyển động tăng dần lên đến cấp độ cao hơn của hiệu quả, chất lượng, năng suất; gia tăng tính phức tạp, sự hiểu biết, sự sáng tạo, năng lực làm chủ, những nhu cầu và thành tựu(1). Phát triển là một quá trình thay đổi xã hội, không chỉ đơn thuần là một tập hợp các chính sách và các chương trình lập ra nhằm đạt được một số kết quả cụ thể(2).

Đặc tính của phát triển xã hội là tính khuynh hướng của quá trình phát triển. Các nghiên cứu về phát triển, không chỉ ghi nhận các sự kiện mà là cần phải tính tới sự chi phí thời gian cụ thể, trình độ, tình trạng và nhịp độ phát triển.

Nhiều tác giả đã đưa ra quan niệm về phát triển xã hội. “Phát triển xã hội là thúc đẩy một cách bền vững xã hội xứng đáng với phẩm giá con người bằng cách trao quyền cho các nhóm yếu thế, phụ nữ và nam giới, để họ có thể tìm được cách thức riêng cải thiện cộng đồng của họ về địa vị kinh tế và để họ có được vị trí xứng đáng trong xã hội...” (Bilance, 1997). “Phát triển xã hội là bình đẳng về cơ hội xã hội” (Amartya Sen, 1995).

Trong khi chưa có một định nghĩa cụ thể, nhiều tổ chức quốc tế chỉ đưa ra các lĩnh vực, các tiêu chí cho phát triển xã hội. Hội nghị thượng đỉnh về Phát triển xã hội tại Copenhagen (Đan Mạch) năm 1995, xác định phát triển xã hội gồm ba tiêu chí cơ bản: Xoá đói giảm nghèo; Việc làm; Công bằng xã hội

Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) đưa ra ba chỉ số phát triển xã hội: Chỉ số phát triển con người (HDI); Chỉ số người nghèo (HPI); Chỉ số phát triển giới (GDI).

Bilance, Cơ quan phát triển Hà Lan đưa ra ba thành phần của phát triển xã hội: Cuộc chiến chống nghèo đói; Phát triển bởi những người cùng chia sẻ (nhóm, tổ chức, cộng đồng); Một vị trí xứng đáng trong xã hội.

Ba lĩnh vực của hoạt động (trong phát triển xã hội): Dịch vụ cơ bản; Sự tồn tại của phương tiện; Nhân quyền và Dân chủ vùng.

Ba điểm đo cố định cho phát triển xã hội:Giới; Phát triển bền vững; Sự gắn kết xã hội.

Quan điểm của World Bank(3) về  phát triển xã hội

World Bank đặt trọng tâm chú ý trong nội hàm phát triển xã hội là các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ và cho rằng: “Phát triển là kết quả của năng lực của xã hội trong tổ chức các nguồn lực để đáp ứng những thách thức và cơ hội”. Hoặc “Phát triển xã hội là đáp ứng những nhu cầu xã hội”, là “Đổi mới tư duy về các chính sách và đầu tư công nhằm đạt được các kết quả phát triển công bằng và bền vững hơn về mặt xã hội”.

World Bank đã đề xuất một “khung phát triển toàn diện” về phát triển xã hội, trong đó xác định rõ nội hàm phát triển xã hội, gồm: Giảm nghèo; đầu tư vào con người, y tế, giáo dục; tăng trưởng kinh tế; di sản văn hóa và phát triển xã hội; minh bạch và chống tham nhũng; bình đẳng và phát triển; công lý và phát triển; tiếng nói và tri thức trong phát triển xã hội; quyền tiếp cận tài sản; bảo vệ phụ nữ và những người dễ bị tổn thương; xung đột và phát triển...

Trên cơ sở nhận thức về phát triển xã hội như đã nêu trên, WB và IMF đã đề xuất các nguyên lý phát triển xã hội, như sau:

(1) Phát triển xã hội được xem xét trong phạm vi xã hội rộng lớn nhất. Chính là sự vận động đi lên của xã hội từ cấp độ nhỏ đến lớn hơn của những năng lượng, hiệu quả, chất lượng, sản lượng, tính phức tạp, mức độ hoàn thiện, tính sáng tạo, sự lựa chọn, quyền làm chủ, mức độ hưởng thụ và mức độ hoàn thiện. Phát triển của các cá nhân và các xã hội làm tăng thêm mức độ tự do lựa chọn và tăng năng lực hoàn thiện các lựa chọn bằng năng lực và sáng kiến riêng.

(2) Tăng trưởng và phát triển thường song hành với nhau, nhưng chúng là những hiện tượng khác nhau, phụ thuộc vào quy luật riêng. Phát triển liên quan đến sự chuyển hóa chất lượng theo chiều dọc của cấp độ tổ chức.

(3) Phát triển xã hội được điều khiển bởi ý chí, khát vọng từ trong tiềm thức đến kinh nghiệm đến ý thức của xã hội. Quá trình phát triển xã hội diễn ra nơi ý chí đủ mạnh, đủ chín muồi, đã tích lũy đủ năng lượng và tìm cách thể hiện. Quá trình phát triển xã hội sẽ thành công trước hết ở các lĩnh vực mà xã hội đã nhận thức rõ ràng các cơ hội, các thách thức, có ý chí tận dụng cơ hội và vượt qua các thách thức.

(4) Bản chất của quá trình phát triển là các thể chế và các tổ chức xã hội phát triển theo hướng tiến bộ, nhằm khai thác và hướng các nguồn lực xã hội cho sự hoàn thiện xã hội ở cấp độ cao hơn với các hệ thống thể chế và các giá trị văn hóa tạo thành một mạng lưới cấu trúc xã hội.

(5) Phát triển là một quá trình chứ không phải là một chương trình, và là một quá trình không giới hạn.

(6) Con người là nguồn lực quyết định và nhân tố quyết định cuối cùng của phát triển. Phát triển là quá trình, trong đó con người ngày càng nhận thức rõ các tiềm năng, các sáng kiến sáng tạo của mình và tận dụng các cơ hội để hiện thực hóa các tiềm năng, các sáng kiến đó. Tiềm năng của con người là vô tận, tiềm năng phát triển cũng vô tận. Các chiến lược phát triển cần hướng đến giải phóng tiềm năng và sáng kiến sáng tạo của con người, chứ không phải thay thế cho các tiềm năng và sáng kiến sáng tạo đó.

Trong khi chưa có sự đồng thuận về định nghĩa sự phát triển xã hội, mà chủ yếu được hiểu là bao gồm một tập hợp các mục tiêu, World Bank đồng tình với nội hàm phát triển xã hội mà Hội nghị Thượng đỉnh Thế giới về Phát triển Xã hội (WSSD) năm 1995 nêu ra, coi bản chất của phát triển xã hội là quá trình tăng lên: Tài sản và khả năng của cá nhân để cải thiện phúc lợi của họ; Năng lực của các nhóm xã hội trong thay đổi các mối quan hệ của họ với các nhóm khác và tham gia vào quá trình phát triển; Khả năng của xã hội trong việc hài hòa lợi ích của các yếu tố cấu thành cơ cấu xã hội, quản lý hòa bình các quá trình xung đột và sự thay đổi.

Ba vấn đề mà World Bank coi là “bản chất của phát triển xã hội” có thể được diễn giải cụ thể hơn, thành một loạt các vấn đề nhỏ. Thí dụ, để tăng lên tài sản và phúc lợi của con người (cá nhân và cộng đồng) không thể thiếu các nội dung về phát triển kinh tế, quản lý các quá trình sản xuất, phân phối và giải quyết vấn đề xóa đói giảm nghèo và an sinh xã hội... Vấn đề thứ hai đã bao hàm những những nội dung như: cơ cấu xã hội, phân tầng xã hội, sự hình thành các tổ chức xã hội và mạng lưới của các tổ chức ấy (xã hội công dân), các cơ chế trao quyền và tăng tính hợp pháp của các tổ chức công dân trong quá trình phát triển xã hội. Vấn đề thứ ba đã chứa đựng những nội dung như: công bằng, bình đẳng, quản lý xã hội và quản lý xung đột xã hội.

GS, TS Hoàng Chí Bảo(4) đưa ra các hướng tiếp cận về phát triển xã hội, như sau:

- Mục đích phát triển xã hội: Là vấn đề nâng cao mức sống và chất lượng sống của con người (cá nhân và cộng đồng), thúc đẩy tiến bộ xã hội.

- Phương tiện phát triển xã hội: Phát triển về số lượng và chất lượng các nguồn lực, các điều kiện, nhằm đáp ứng tốt hơn các vấn đề xã hội.

- Phương thức phát triển: Là sự giải quyết kịp thời, đúng đắn, hợp lý các vấn đề nảy sinh trong đời sống của cộng đồng dân cư, từ chính trị, kinh tế, văn hóa đến môi trường.

Cuốn sách Một số vấn đề cấp thiết trong phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội ở nông thôn nước ta hiện naydo PGS TS Nguyễn Chí Dũng (chủ biên) cho rằng phát triển xã hội là tạo điều kiện, đảm bảo, đáp ứng để giải quyết và thực hiện sáu nội dung trong khái niệm xã hội ấy(5).

PGS TS Lưu Văn An - tác giả cuốn Lý thuyết và mô hình phát triển xã hội, định nghĩa: “Phát triển xã hội là kết quả mà xã hội đạt được khi tạo dựng được đầy đủ khả năng cần thiết trong tổ chức các nguồn nhân lực, tài lực và vật lực để khắc phục các thách thức và tranh thủ các cơ hội mà cuộc sống đem lại trong suốt tiến trình lịch sử”(6).

Như vậy, có sự tương đồng giữa quan niệm của nhiều nhà khoa học Việt Nam với Hội nghị Thượng đỉnh thế giới về phát triển xã hội năm 1995 và quan điểm của Ngân hàng thế giới. Các tiêu chí mà các tổ chức quốc tế đưa ra một mặt phản ánh quan niệm của các tổ chức về phát triển xã hội, mặt khác có thể đo lường được sự phát triển xã hội. Tuy nhiên, cho đến nay, các tiêu chí chỉ đo được một số lĩnh vực nhất định, trong khi phát triển xã hội là tổng hợp của nhiều lĩnh vực.

Từ các quan niệm trên cho thấy, các nhà khoa học, các tổ chức quốc tế có cách tiếp cận về xã hội và phát triển xã hội khá đồng nhất với nhau. “Phát triển xã hội” là một phạm trù bao hàm các nội dung sau:

(1) Sự biến đổi về chất trên lĩnh vực kinh tế, tạo ra các điều kiện vật chất để giải quyết các vấn đề xã hội.

(2) Trên cơ sở các tiền đề phát triển kinh tế, phát triển xã hội là cải thiện chất lượng dân số, giải quyết một cách cơ bản vấn đề lao động, việc làm; tăng phúc lợi xã hội, tăng cơ hội cho toàn dân đối với chữa bệnh, giáo dục phổ thông, giáo dục đại học; tạo ra nguồn vốn con người cho phát triển. 

(3) Sự biến đổi về chất các thể chế xã hội (cơ cấu xã hội, liên kết xã hội - xã hội công dân và phân tầng xã hội...), nâng cao địa vị pháp lý, vai trò các tổ chức, các nhóm xã hội chính thức và không chính thức để họ có đủ các quyền tham gia tích cực, bình đẳng và hiệu quả trong giải quyết những vấn đề xã hội, phát huy vốn xã hội.

(4) Thiết lập sự công bằng, bình đẳng và bình đẳng giới trong đời sống xã hội.

(5) Bảo đảm xã hội, bảo trợ xã hội, thực hiện an sinh xã hội (trong đó có bảo trợ văn hóa, nghệ thuật, khoa học - công nghệ, xóa đói giảm nghèo, khắc phục thất bại của thị trường...).

(6) Ổn định xã hội, giữ vững an toàn, trật tự xã hội; tạo dựng khả năng của xã hội trong việc quản lý hòa bình các quá trình xung đột và sự thay đổi; đảm bảo quyền công dân, quyền con người.

(7) Môi trường sinh thái được bảo vệ, việc khai thác tài nguyên được thực hiện một cách bền vững.

Theo đó, chúng ta có thể định nghĩa: Phát triển xã hội là quá trình phát triển con người xã hội, con người cộng đồng, con người trong sự liên hiệp tự do và bình đẳng về quyền và cơ hội; là làm cho con người được sống trong những điều kiện ngày càng đầy đủ về vật chất và tinh thần trong một môi trường tự nhiên và xã hội trong sạch, lành mạnh, an toàn; làm cho con người có đủ sức khỏe, tri thức, kỹ năng và thái độ cần thiết để sống, lao động và hoàn thiện mình, xứng đáng là Con người, trong các quá trình lịch sử của một quốc gia dân tộc và của toàn nhân loại.

_________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 5-2015

(1) http://en.wikipedia.org/wiki/Social_development_theory 

(2) http://www.sml.zhaw.ch/en/management/institutes centers/dib/continuing-education/cas-corporate-responsibility-social-management.html

(3) web.worldbank.org

(4) GS, TS Hoàng Chí Bảo (chủ biên): Luận cứ và giải pháp phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội ở nước ta thời kỳ đổi mới, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010, tr.35.

(5) PGS, TS Nguyễn Chí Dũng (chủ biên): Một số vấn đề cấp thiết trong phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội ở nông thôn nước ta hiện nay, Nxb  Chính trị - Hành chính, Hà Nội, 2010, tr.27.

(6) PGS TS Lưu Văn An: Lý thuyết và mô hình phát triển xã hội,Nxb Lý luận chính trị, Hà Nội, 2014, tr.14.

 

GS, TSKH Phan xuân Sơn

Viện Chính trị học,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Thông tin tuyên truyền