Trang chủ    Thực tiễn    Ứng dụng công nghệ trong công tác truyền thông về chính trị ở Việt Nam hiện nay
Thứ hai, 01 Tháng 4 2024 12:40
583 Lượt xem

Ứng dụng công nghệ trong công tác truyền thông về chính trị ở Việt Nam hiện nay

ThS LÊ TUẤN ANH
 
NCS Học viện Báo chí và Tuyên truyền

 (LLCT) - Ứng dụng công nghệ trong truyền thông về chính trị là vấn đề mang tính thực tiễn, là một phần của Chiến lược chuyển đổi số quốc gia theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng. Dù vậy, ứng dụng công nghệ trong truyền thông về chính trị ở Việt Nam hiện nay đang đứng trước những khó khăn, thách thức, đòi hỏi các cơ quan báo chí - truyền thông phải có những chiến lược cụ thể, bài bản để ứng dụng công nghệ thành công. Bài viết làm rõ thực trạng và đề xuất các giải pháp ứng dụng công nghệ trong truyền thông chính trị ở Việt Nam hiện nay.

 

Phóng viên tác nghiệp tại buổi đón Đoàn lực lượng cứu hộ, cứu nạn Quân đội nhân dân Việt Nam tại sân bay Nội Bài sau khi kết thúc hoạt động hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ khắc phục hậu quả động đất_Ảnh: Phan Văn Giang

1. Truyền thông chính trị và những thách thức trong thời đại số

Thuật ngữ “chính trị” đã có từ thời Hy Lạp cổ đại, theo đó, chính trị là hệ thống nhỏ phức tạp gồm nhiều tầng lớp của xã hội loài người, trong đó chứa đựng những tổ chức, cơ quan, những mối quan hệ, những quá trình, tiêu chuẩn, luật lệ, ý tưởng, học thuyết(1).

Truyền thông chính trị được hiểu là quá trình tương tác, trao đổi giữa các nhà lãnh đạo chính quyền và người dân thông qua cầu nối là các cơ quan truyền thông về nội dung những thông tin có liên quan đến việc hình thành các chính sách công. Thông qua việc cung cấp thông tin, chính quyền, nhà nước hay các đảng phái giải thích, thuyết phục người dân ủng hộ, tán thành những tư tưởng, chủ trương, đường lối, chính sách được đưa ra bằng việc sử dụng nhiều hình thức, biện pháp khác nhau như: tuyên truyền miệng, qua các ấn phẩm in (sách, báo), qua phát thanh - truyền hình hoặc các phương tiện truyền thông số…

Truyền thông chính trị có vai trò vô cùng quan trọng, góp phần xây dựng môi trường dân chủ để người dân tìm hiểu, tham gia ý kiến, luận bàn nhằm đi đến sự đồng thuận, xây dựng lòng tin của người dân đối với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đóng góp tích cực vào quá trình hoạch định và thực thi chính sách.

Trước bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động mạnh mẽ và trực tiếp đến truyền thông chính trị, làm thay đổi cách công chúng tiếp nhận các thông tin tuyên truyền về chính trị, thời gian qua, nhiều cơ quan báo chí - truyền thông đã đẩy mạnh chuyển đổi số nhằm thực hiện các mục tiêu tuyên truyền chính trị. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số cũng phải đối mặt với những thách thức lớn:

Thứ nhất, quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực truyền thông nói chung đang diễn ra với tốc độ nhanh chóng, đòi hỏi sự nhanh nhạy và linh hoạt từ các cơ quan báo chí - truyền thông trong việc cập nhật, thích ứng với công nghệ số.

Thứ hai, việc tuyên truyền chính trị trên các phương tiện truyền thông mới như: podcast, truyền thông xã hội,… bước đầu có thể sẽ gặp những khó khăn nhất định do nhu cầu, thói quen sử dụng và tiếp nhận thông tin của công chúng trên các phương tiện truyền thông mới là khác nhau.

Thứ ba, trong thời đại công nghệ số, công chúng dễ dàng so sánh thông tin từ nhiều nguồn khác nhau. Điều này đặt ra yêu cầu cao cho chất lượng, tính thời sự và độ chính xác của thông tin tuyên truyền, đồng thời phải bảo đảm tính minh bạch và trung thực.

Thứ tư, trong bối cảnh công nghệ số, nguy cơ từ sự chống phá của các thế lực thù địch, phản động sử dụng các phương tiện mới để tung tin giả mạo và tạo ảnh hưởng xấu gia tăng. Thậm chí, âm mưu, thủ đoạn của chúng ngày càng trở nên tinh vi hơn, khi lập các trang, tài khoản giả mạo các cơ quan, tổ chức nhà nước, cơ quan báo chí - truyền thông để phát tán thông tin, gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội.

2. Thực trạng ứng dụng công nghệ trong truyền thông chính trị

Việc ứng dụng công nghệ trong truyền thông chính trị ở Việt Nam là thiết thực trong thực hiện Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3-6-2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Đến nay, đã có nhiều cơ quan báo chí - truyền thông truyền tải thông tin chính trị qua các nền tảng số, với nội dung đa dạng. Hầu hết các cơ quan báo chí - truyền thông đã có phiên bản điện tử. Nhiều cơ quan báo, đài trung ương, địa phương đã phát triển phiên bản trên mạng xã hội, bước đầu đạt được những hiệu quả tích cực, thu hút được sự quan tâm, theo dõi của công chúng, kịp thời phản ánh được những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước tới nhân dân.

Nổi bật như sự thành công của các trang (tính đến tháng 1-2024), như: trang Thông tin Chính phủ trên mạng xã hội Facebook với hơn 4,3 triệu người theo dõi, trang fanpage của báo điện tử VnExpress với 3,6 triệu lượt theo dõi; một số kênh Tiktok như: VTV24 của Đài Truyền hình Việt Nam với hơn 6,6 triệu lượt theo dõi và 233 triệu lượt thích, kênh Tiktok Truyền hình Quốc hội Việt Nam với hơn 1,6 triệu lượt theo dõi và gần 30 triệu lượt thích;…Trong đó, nhiều bài tuyên truyền về chính trị có lượt tương tác cao, đây là những hình mẫu thành công trong việc truyền thông về chính trị trên mạng xã hội.

Sự phổ biến của mạng xã hội ở Việt Nam đang tiếp tục gia tăng. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của việc truyền thông chính trị trên mạng xã hội đối với việc tiếp cận được đến nhiều đối tượng công chúng hơn, đặc biệt là công chúng trẻ tuổi - vốn nhạy bén với công nghệ và các phương tiện truyền thông mới dựa trên nền tảng công nghệ. Ví dụ: trên phương tiện podcast, đã có nhiều cơ quan báo chí sử dụng, tiêu biểu như podcast VOV - Sự kiện và Bàn luận của Đài Tiếng nói Việt Nam; podcast Quốc hội và của Báo Đại biểu nhân dân; podcast Dân tộc và Tôn giáo của Báo Nhân dân;… tập trung phản ánh những nội dung thuộc lĩnh vực chuyên sâu, được sự quan tâm của đông đảo công chúng.

Podcast là phương tiện có nhiều ưu điểm như: tính tiện dụng, khả năng nghe mọi lúc, mọi nơi, trên mọi thiết bị có kết nối Internet và kể cả khi không có kết nối Internet vẫn có thể nghe được các nội dung đã tải về thiết bị; dễ sản xuất, chi phí đầu tư ban đầu thấp và không thu phí đối với người nghe. Bên cạnh đó, podcast còn tạo điều kiện cho việc lắng nghe chuyên sâu của công chúng đối với nội dung tuyên truyền, thông qua các tính năng bỏ qua, nghe lại, tìm kiếm các nội dung phù hợp với mối quan tâm của người nghe; chất lượng âm thanh được bảo đảm nhờ âm thanh kỹ thuật số. Do đó, đây là phương tiện được nhiều cơ quan báo chí lựa chọn trong tiến trình chuyển đổi số.

Bên cạnh những thành công đã nêu, việc ứng dụng công nghệ tại một số cơ quan báo chí vẫn còn những hạn chế nhất định. Nhiều cơ quan báo, tạp chí vẫn chưa có phiên bản điện tử cho thiết bị di động, trong khi số người dùng điện thoại thông minh ở Việt Nam năm 2023 là khoảng 63,8 triệu người(2). Đây là lượng công chúng tiềm năng tiếp cận thông tin bằng thiết bị di động ở Việt Nam. Mặt khác, việc truyền thông qua các thiết bị di động hiện nay rất đa dạng, không chỉ có nền tảng web, mà còn có rất nhiều ứng dụng mạng xã hội với những lợi thế khác nhau. Việc sử dụng mạng xã hội trong truyền thông về chính trị ở một số cơ quan báo chí truyền thông vẫn còn mang nặng tính hình thức, chưa thực sự sáng tạo trong cách trình bày và thể hiện thông tin, chưa biết cách biến những thông tin chính trị trở nên hấp dẫn và phù hợp với nhiều đối tượng công chúng, dẫn đến sự tương tác ở những tin bài này còn hạn chế. Trang mạng xã hội của một số cơ quan báo chí chỉ đơn thuần dẫn link bài báo từ trang báo điện tử, không có sự điều chỉnh, sáng tạo khác, trong khi hình ảnh đại diện, ảnh bìa và giao diện chung của trang còn đơn điệu, thiếu tính hấp dẫn.

Ngày 6-4-2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 348/QĐ-TTg về phê duyệt Chiến lược Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Điều này thúc đẩy sự lan tỏa của chương trình chuyển đổi số quốc gia, cũng là cơ hội thuận lợi để các cơ quan báo chí chuyển mình mạnh mẽ để thích ứng với thời đại số.

Để chuyển đổi số thành công, cốt lõi vẫn là vấn đề nhân lực. Trong đó, người đứng đầu cơ quan báo chí - truyền thông đóng vai trò quyết định vào sự thành bại của tiến trình này. Sự thức thời, nhạy bén với công nghệ số là những yêu cầu quan trọng đối với mỗi phóng viên, biên tập viên,… làm công tác truyền thông về chính trị. Thực tế, hiện nay nhiều cơ quan báo chí - truyền thông khó đáp ứng được yêu cầu của tình hình mới, nhất là tại một số cơ quan báo chí còn tư duy theo lối mòn, rập khuôn, thiếu sáng tạo trong truyền thông về chính trị trên môi trường số. Do vậy, nếu chậm trễ triển khai số hóa ở bất kỳ khâu nào, cơ quan đó sẽ bị bỏ lại phía sau.

3. Thuận lợi và khó khăn khi ứng dụng công nghệ trong truyền thông về chính trị ở Việt Nam hiện nay

Theo Báo cáo Digital 2023 của We are social, Việt Nam có gần 78 triệu người dùng Internet, mỗi ngày công chúng thường dành 2 giờ 32 phút để sử dụng mạng xã hội(3). Điều đó cho thấy tầm quan trọng của Internet và các phương tiện truyền thông mới dựa trên nền tảng này. Ứng dụng công nghệ trong tuyên truyền về chính trị mang lại nhiều thuận lợi, đặc biệt là trong bối cảnh chuyển đổi số. Công nghệ giúp chuyển tải thông điệp nhanh chóng đến đối tượng mục tiêu một cách toàn diện và rộng rãi. Sự đa dạng trong các phương tiện truyền thông số như: video, podcast, đồ họa tương tác,… và các nền tảng truyền hình trực tuyến tạo ra cơ hội để các cơ quan báo chí - truyền thông sáng tạo nhiều nội dung hấp dẫn, thu hút công chúng. Đồng thời, công chúng có thể tiếp cận thông tin từ mọi nơi mà không bị ràng buộc về không gian hay thời gian.

Ứng dụng công nghệ trong truyền thông về chính trị giúp tăng cường tính minh bạch và trung thực của thông tin trên môi trường truyền thông số, vì thông tin luôn được cập nhật một cách kịp thời, nhanh chóng phản bác những thông tin sai lệch. Các công nghệ mới trong hoạt động truyền thông cũng mở ra cơ hội để chính quyền nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân một cách sâu rộng hơn thông qua việc tổ chức các diễn đàn trực tuyến, các hình thức tương tác trên mạng xã hội và các phương tiện truyền thông số khác. Từ đó, điều chỉnh kịp thời các chính sách, quyết định cho phù hợp, phát huy tinh thần dân chủ, thống nhất giữa “ý Đảng - lòng dân”.

Việc ứng dụng công nghệ trong truyền thông về chính trị ở Việt Nam đã dần được đẩy mạnh tại một số cơ quan báo chí - truyền thông, song phần lớn vẫn chỉ dừng ở việc đưa ra phiên bản điện tử; các tạp chí khoa học chưa chú ý đúng mức các kênh hoạt động trên mạng xã hội, nơi có lượng công chúng đông đảo, nhất là công chúng trẻ tham gia, tương tác. Chính vì vậy, việc đưa những thông tin tuyên truyền về luận chính trị đến công chúng, nhất là đối tượng công chúng trẻ vẫn còn nhiều hạn chế. Những khó khăn đối với các cơ quan báo chí - truyền thông khi triển khai ứng dụng công nghệ trong hoạt động truyền thông về chính trị, là:

Một là, một số công nghệ mới có chi phí triển khai và duy trì cao. Ví dụ: để xây dựng một phiên bản điện tử cho tờ báo/tạp chí, cần bỏ ra nhiều chi phí như thiết kế, mua tên miền, thuê hosting, bảo mật,… Điều này đặt ra thách thức về tài chính, đặc biệt là đối với các tổ chức truyền thông với nguồn lực hạn chế. Chưa kể những việc phụ thuộc vào các nhà cung cấp dịch vụ công nghệ khiến cơ quan báo chí - truyền thông trở nên bị động trong tình huống cấp bách.

Hai là, sự chuyển đổi từ mô hình truyền thống sang mô hình công nghệ mới đòi hỏi sự thay đổi lớn về công tác tổ chức. Sẽ có những phòng/ban bị giải thể, sáp nhập để phù hợp với tình hình mới; đội ngũ phóng viên, biên tập viên phải năng động hơn, hiểu về công nghệ và các phương tiện truyền thông mới để ứng dụng vào quá trình làm việc. Do đó, những nhân sự lớn tuổi là những người có kinh nghiệm và chuyên môn sâu thường gặp khó khăn trong việc thích ứng với công nghệ mới. Đồng thời, sự cạnh tranh và áp lực công việc đối với mỗi phóng viên, biên tập viên cũng sẽ tăng lên. Từ đó, xuất hiện khó khăn trong việc tìm kiếm và giữ chân nhân sự vừa có kỹ năng chuyên sâu về công nghệ, vừa giỏi chuyên môn, nghiệp vụ báo chí - truyền thông.

Ba là, với sự phát triển của công nghệ, nguy cơ an ninh thông tin cũng tăng cao. Các cơ quan báo chí - truyền thông phải đối mặt với rủi ro từ các hoạt động tấn công mạng nếu như không có những biện pháp bảo mật hiệu quả.

Bốn là, công nghệ giúp kết nối công chúng, nhưng cũng có thể khiến một số người không có khả năng tiếp cận hoặc chưa hiểu biết về công nghệ gặp khó khăn trong việc tiếp cận các thông tin.

4. Giải pháp ứng dụng công nghệ trong truyền thông chính trị ở Việt Nam hiện nay

Để nâng cao hơn nữa việc ứng dụng công nghệ trong truyền thông chính trị ở Việt Nam, cần thực hiện các giải pháp sau:

Một là, cần bảo đảm những người làm trong lĩnh vực truyền thông chính trị ở Việt Nam có kỹ năng nhất định về công nghệ. Để đạt được điều này, các cơ quan báo chí - truyền thông cần chú trọng việc đào tạo liên tục cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên. Đặc biệt, đối với từng phương tiện truyền thông mới, cần nắm được các kỹ năng cơ bản trong sáng tạo nội dung và tâm lý tiếp nhận thông tin của công chúng. Chẳng hạn đối với mạng xã hội, công chúng thường thiếu sự kiên nhẫn và sẵn sàng bỏ qua những gì không thu hút ở những giây đầu tiên khi tiếp cận với một video, một podcast, một hình ảnh, hay một đoạn văn bản,… Do đó, cần sử dụng nghệ thuật đưa những chi tiết đáng chú ý hoặc gây sự tò mò để thu hút công chúng. Tuy vậy, điều này không đồng nghĩa với những kỹ xảo gây giật gân, câu view, không nhằm mục đích truyền tải thông tin chính thống.

Hai là, các cơ quan báo chí - truyền thông cần được đầu tư xây dựng nền tảng kỹ thuật số mạnh để chia sẻ thông tin, ý kiến, và tương tác với công chúng. Khi tạo được một môi trường truyền thông hai chiều, cơ quan báo chí - truyền thông sẽ bảo đảm được tính dân chủ của thông tin. Đồng thời, tạo được niềm tin, sự trung thành của công chúng. Tuy nhiên, cần đặc biệt chú trọng đến an toàn thông tin và quyền riêng tư của người dùng. Cơ quan báo chí - truyền thông cần có các biện pháp bảo mật mạnh mẽ để ngăn chặn các mối đe dọa an ninh mạng.

Ba là, cần nghiên cứu, đầu tư, phát triển ứng dụng di động và nền tảng trực tuyến để tạo ra môi trường và nội dung đa dạng, dễ tiếp cận hơn với công chúng. Điều này giúp mở rộng đối tượng công chúng và tăng cường khả năng tương tác. Để tiết kiệm chi phí, cơ quan báo chí - truyền thông cần đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp công nghệ và cộng đồng để chia sẻ tài nguyên và kinh nghiệm.

Đối với các cơ quan báo chí - truyền thông có tiềm lực, cần nghiên cứu phát triển chiến lược truyền thông tích hợp và đa kênh để có sự hiện diện mạnh mẽ trên nhiều nền tảng, từ phát thanh, truyền hình, đến các nền tảng trực tuyến và di động. Đồng thời, cần liên tục đánh giá và cập nhật chiến lược sử dụng công nghệ để bảo đảm cơ quan báo chí không bị “thụt lùi” trong kỷ nguyên số, khi công nghệ luôn có xu hướng vận động, thay đổi và phát triển không ngừng.

Bốn là, công nghệ chỉ là một công cụ hỗ trợ, nhưng nội dung là chìa khóa quan trọng. Cho nên, cần không ngừng đổi mới và nâng cao chất lượng nội dung và hình thức của thông tin lý luận chính trị để giữ chân công chúng. Tăng cường khả năng đối phó với tin giả và thông tin sai lệch bằng việc sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để kiểm tra và xác minh thông tin trước khi phổ biến đến công chúng.

Năm là, khuyến khích sự sáng tạo và đổi mới trong sử dụng công nghệ ở cơ quan báo chí - truyền thông trong lĩnh vực truyền thông chính trị thông qua tổ chức các cuộc thi, sự kiện, và kêu gọi tài trợ cho các dự án truyền thông chính trị để thúc đẩy sự sáng tạo của đội ngũ phóng viên, biên tập viên, nhằm tạo ra các sản phẩm báo chí - truyền thông ngày càng hấp dẫn hơn.

5. Kết luận

Việc ứng dụng công nghệ trong công tác truyền thông chính trị là phù hợp với tinh thần Đại hội XIII của Đảng và Chương trình Chuyển đổi số quốc gia. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra nhanh chóng, đem lại những cơ hội nhưng cũng có nhiều thách thức như: tốc độ chuyển đổi số nhanh chóng, đòi hỏi sự linh hoạt và nhanh nhạy từ cơ quan báo chí - truyền thông; sự khác biệt trong tiếp nhận thông tin trên các phương tiện truyền thông mới; nhu cầu so sánh thông tin từ nhiều nguồn khác nhau, đặt ra yêu cầu cao cho chất lượng và tính chính xác của thông tin; nguy cơ từ các thế lực thù địch sử dụng công nghệ để tung tin giả và tạo ảnh hưởng xấu.

Bên cạnh những khó khăn, việc ứng dụng công nghệ trong công tác truyền thông chính trị tại Việt Nam cũng sẵn có những thuận lợi do số lượng người dùng Internet tại Việt Nam lớn và có chiều hướng gia tăng, điều này càng khẳng định tầm quan trọng của công nghệ và các phương tiện truyền thông mới. Việc ứng dụng công nghệ giúp bảo đảm tính thời sự, nhanh chóng của thông tin, đa dạng hóa nội dung, tăng cường minh bạch và trung thực thông tin. Tuy nhiên, chi phí triển khai và duy trì công nghệ hiện còn khá cao, và quá trình chuyển đổi số đòi hỏi sự thay đổi, tái cơ cấu trong tổ chức và đặt ra những vấn đề trong việc đào tạo nhân sự.

Từ đó, đặt ra những yêu cầu mới đối với việc ứng dụng công nghệ trong công tác truyền thông chính trị tại Việt Nam. Các phương tiện truyền thông mới đã và đang có sự phát triển nhanh chóng, các cơ quan báo chí - truyền thông cần nhìn nhận đúng ưu thế của các phương tiện truyền thông mới để có chiến lược đầu tư đổi mới công nghệ, thích ứng với nhu cầu sản xuất nội dung tuyên truyền chính trị trên môi trường truyền thông số.

_________________

Ngày nhận bài: 31-1-2024; Ngày bình duyệt:; Ngày duyệt đăng: 31-2-2024

(1) Xem: Nguyễn Xuân Tế: Nhập môn Khoa học chính trị, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 2002, tr.14.

(2) Theo công bố báo cáo về thị trường người dùng smartphone tại khu vực Đông Nam Á giai đoạn 2021 - 2026 của Insider Intelligence.

(3) Xem: Digital 2023, https://datareportal.com/reports/digital-2023-vietnam, ngày truy cập 25-1-2024.

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền