Trang chủ    Thực tiễn    Nội luật hóa Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em và một số thách thức trong bảo đảm quyền trẻ em tại Việt Nam
Thứ sáu, 27 Tháng 10 2023 22:44
1199 Lượt xem

Nội luật hóa Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em và một số thách thức trong bảo đảm quyền trẻ em tại Việt Nam

ThS NGUYỄN VĂN CHIẾN
Ủy ban nhân dân huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An

(LLCT) - Nội luật hóa Công ước quốc tế vào hệ thống pháp luật quốc gia là nghĩa vụ của quốc gia thành viên khi tham gia vào các công ước quốc tế. Việt Nam đã thể hiện nỗ lực rất lớn khi đã nội luật hóa hầu hết các quyền trẻ em được quy định trong Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em năm 1989 vào pháp luật quốc gia. Song, việc bảo đảm quyền trẻ em tại Việt Nam vẫn còn gặp không ít thách thức. Bài viết làm rõ thực trạng nội luật hoá Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em năm 1989 tại Việt Nam và những thách thức trong việc bảo đảm quyền trẻ em tại Việt Nam.
 

Quyền trẻ em tại Việt Nam không chỉ được ghi nhận một cách hình thức mà Nhà nước đã thể hiện đầy đủ các nghĩa vụ bảo đảm quyền trẻ em: Ảnh: vietnamnet.vn

1. Nội dung quyền trẻ em theo Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em năm 1989

Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em năm 1989 (CRC 1989) là văn kiện pháp lý quốc tế cơ bản và toàn diện nhất về quyền trẻ em. Việt Nam trở thành thành viên của CRC 1989 từ năm 1990, là thành viên đầu tiên của châu Á và là thành viên thứ hai trên thế giới phê duyệt CRC 1989. Vấn đề nội luật hoá CRC 1989 vào pháp luật quốc gia đã được đặt ra ngay từ Hiến pháp năm 1992, Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 1991 cho đến các văn bản pháp lý sau này.

Trẻ em được xem là một nhóm người dễ bị tổn thương do các đặc điểm về độ tuổi, sự phát triển chưa đầy đủ về thể chất và tinh thần. Trẻ em thường phải sống phụ thuộc vào sự chăm sóc của cha mẹ hoặc người giám hộ. Cuộc đấu tranh cho quyền trẻ em xuất hiện trên thế giới từ rất sớm. Song, phải đến đầu thế kỷ XX thì thuật ngữ “quyền trẻ em” mới chính thức xuất hiện sau một loạt các biến cố quốc tế lớn, đặc biệt là cuộc Chiến tranh thế giới thứ nhất (1914 - 1918).

Sự ra đời của Tuyên ngôn Giơnevơ về quyền trẻ em (năm 1924) đánh dấu bước phát triển mới trong cuộc đấu tranh vì quyền trẻ em. Theo đó, vấn đề quyền trẻ em đã được mở rộng cách tiếp cận, từ cách nhân đạo, tình thương đến cách tiếp cận pháp lý.

Đến năm 1959, sự ra đời của Tuyên bố của Liên hợp quốc về quyền trẻ em đã đặt nền móng cho sự ra đời của Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em năm 1989 (CRC 1989). Tuy nhiên, CRC 1989 không phải là văn kiện pháp lý quốc tế duy nhất về quyền trẻ em, ngoài CRC 1989 thì vẫn còn những văn kiện pháp lý quốc tế khác về quyền trẻ em, như: Công ước về sử dụng trẻ em trong các cuộc xung đột vũ trang và về buôn bán trẻ em, bóc lột và văn hoá phẩm khiêu dâm trẻ em (được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua năm 2000), Công ước số 138 về tuổi lao động tối thiểu và Công ước số 182 về xóa bỏ những hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất,…

Tuy vậy, phải khẳng định rằng CRC 1989 là văn kiện pháp lý quan trọng nhất, toàn diện nhất về quyền trẻ em được xây dựng trên cách tiếp cận dựa trên quyền. Cách tiếp cận dựa trên quyền coi trẻ em là chủ thể của quyền con người, song do đặc điểm còn non nớt về thể chất và tinh thần nên các quốc gia thành viên phải có nghĩa vụ tạo điều kiện để trẻ em có thể tiếp cận và thực hiện các quyền của mình trên thực tế.

Có bốn nguyên tắc cơ bản được coi là nguyên tắc mang tính chất nền tảng của CRC 1989, đó là: (i) Trẻ em cũng là con người; (ii) Không phân biệt đối xử; (iii) Lợi ích tốt nhất cho trẻ em; (iv) Tôn trọng ý kiến, quan điểm của trẻ em.

Nội dung chính của quyền trẻ em được quy định tại CRC 1989 bao gồm:

Định nghĩa trẻ em: Điều 1 định nghĩa trẻ em là người dưới 18 tuổi, trừ trường hợp pháp luật có thể được áp dụng với trẻ em có quy định tuổi thành niên sớm hơn. CRC định nghĩa trẻ em bằng cách đưa ra mức trần về độ tuổi, song cũng để ngỏ khả năng của quốc gia thành viên trong việc quy định độ tuổi trẻ em nhỏ hơn quy định của CRC. Quy định này nhằm mục đích tối đa hoá số lượng quốc gia tham gia phê chuẩn công ước.

CRC cũng quy định về trách nhiệm của quốc gia trong việc bảo đảm sức khoẻ thích hợp cho bà mẹ trước và sau sinh. Quy định này có thể hiểu, CRC 1989 mặc dù không trực tiếp quy định độ tuổi tối thiểu của trẻ em song đã gián tiếp quy định rằng quyền trẻ em được bảo đảm từ khi còn là bào thai trong bụng mẹ.

Nhóm các quyền bình đẳng, quyền sống, phát triển và tự do cá nhân: Nhóm quyền này bao gồm các quyền bình đẳng, không phân biệt đối xử dựa trên chủng tộc, màu da, giới tính, tôn giáo, quan điểm chính trị, nguồn gốc dân tộc,…; quyền được sống, bảo đảm sự sống còn và phát triển của trẻ em; quyền có họ tên, quốc tịch ngay từ khi chào đời và bảo đảm được giữ gìn bản sắc, bao gồm cả quốc tịch, họ tên và các quan hệ gia đình; quyền được bảo vệ trẻ em khỏi bị mang ra nước ngoài và mang từ nước ngoài trở về nước; quyền tự do tư tưởng, tự do tín ngưỡng và tự do tôn giáo của trẻ em; quyền tự do kết giao, hội họp hoà bình. Nhóm quyền này là nhóm quyền chính trị cơ bản của trẻ em. Quốc gia thành viên có nghĩa vụ phải bảo đảm thực hành các quyền này trên thực tế một cách thích hợp.

Nhóm các quyền được chăm sóc y tế, giáo dục: CRC 1989 kế thừa Tuyên bố của Liên hợp quốc về quyền trẻ em năm 1959 thừa nhận rằng trẻ em là nhóm người còn non nớt về thể chất và trí tuệ, cần được chăm sóc và giáo dục đặc biệt. Các quyền được chăm sóc y tế, giáo dục được quy định trong CRC 1989 gồm các quyền: Quyền được hưởng tiêu chuẩn sức khoẻ ở mức cao nhất có thể được và tiếp cận các cơ sở khám chữa bệnh và phục hồi sức khoẻ; quyền được chăm sóc, bảo vệ, điều trị sức khoẻ về thể chất và tinh thần. Quyền được học hành một cách bình đẳng, bao gồm cả giáo dục tiểu học, giáo dục phổ thông và giáo dục dạy nghề, trong đó giáo dục tiểu học là bắt buộc, sẵn có và miễn phí cho tất cả mọi người. Việc ghi nhận các quyền được chăm sóc y tế và quyền được giáo dục là để tạo điều kiện cho trẻ em có cơ hội được phát triển đầy đủ về thể chất, nhân cách và trí tuệ.

Nhóm các quyền sống chung với cha mẹ, được cách ly với cha mẹ và đoàn tụ gia đình.

Một thời gian dài trước đây, việc bảo vệ trẻ em về cơ bản xuất phát từ các góc độ tình thương, lòng nhân đạo hoặc/và sự che chở chứ không phải dưới góc độ bảo vệ quyền. Do đó, trẻ em được coi là đối tượng được che chở, phụ thuộc vào cha mẹ, hay là “tài sản” của cha mẹ.

Đến CRC 1989 thì cách tiếp cận dựa trên quyền trẻ em đã được thay thế cho cách tiếp cận nhân đạo. Nói như vậy không có nghĩa là trẻ em không cần đến sự chăm sóc của cha mẹ, mà do đặc điểm về độ tuổi, thể chất, tinh thần của mình, để trẻ em có sự phát triển tốt nhất thì trẻ cần được sống chung với cha mẹ, được sự chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục từ cha mẹ.

CRC 1989 ghi nhận quyền của trẻ em không bị tách khỏi cha, mẹ trái với ý muốn của trẻ; quyền được tách khỏi cha mẹ nếu cần thiết để bảo đảm lợi ích tốt nhất cho trẻ; quyền được đoàn tụ gia đình; quyền được cả cha và mẹ chăm sóc, nuôi dưỡng; quyền được nhận làm con nuôi như một biện pháp chăm sóc thay thế.

Nhóm các quyền biểu đạt, tôn trọng ý kiến, quan điểm của trẻ em và dành lợi ích tốt nhất cho trẻ em: Một trong những nguyên tắc nền tảng của CRC 1989 là tôn trọng ý kiến, quan điểm của trẻ em, bảo đảm cho trẻ em được bày tỏ quan điểm, ý kiến của mình.

Nhóm quyền biểu đạt, tôn trọng ý kiến, quan điểm của trẻ em được quy định trong CRC 1989 bao gồm quyền được bảo đảm cho trẻ em có đủ khả năng hình thành quan điểm riêng của mình, được tự do phát biểu quan điểm đó; Quyền tự do bày tỏ ý kiến, bao gồm cả quyền tự do tìm kiếm, tiếp nhận và phổ biến các loại thông tin, tư tưởng ở mọi lĩnh vực, mọi hình thức; Quyền được thể hiện quan điểm, ý kiến trong các phiên toà quyết định cách ly trẻ em khỏi cha, mẹ hoặc cả cha và mẹ.

Nhóm các quyền bảo đảm danh dự, nhân phẩm, sự riêng tư của trẻ em, gồm các quyền bảo đảm khỏi sự cam thiệp tuỳ tiện hay bất hợp pháp vào đời sống riêng tư, gia đình, nhà cửa hoặc thư tín, những sự công kích bất hợp pháp vào danh dự và thanh danh của trẻ em; quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm chống lại các hành vi lạm dụng, bóc lột.

Nhóm các quyền có mức sống thích đáng, an sinh xã hội và vui chơi, giải trí, sinh hoạt văn hóa, gồm quyền được bảo đảm mức sống thích đáng nhất để phát triển về thể chất, trí tuệ, tinh thần, đạo đức và xã hội; quyền được hưởng an sinh xã hội, kể cả bảo hiểm xã hội và các chế độ an sinh xã hội khác; quyền được thư giãn, nghỉ ngơi, được tham gia vui chơi, giải trí và được tự do tham gia các sinh hoạt văn hoá, nghệ thuật phù hợp với lứa tuổi.

Nhóm quyền được bảo vệ khi tham gia tố tụng và các quy trình tư pháp khác: Điều 40 CRC 1989 quy định “Các quốc gia thành viên công nhận quyền của mọi trẻ em bị tình nghi, bị cáo buộc hay bị xác nhận là đã vi phạm luật hình sự được đối xử theo cách thức phù hợp với việc thúc đẩy nhận thức của trẻ em về nhân cách và phẩm giá vốn có, một cách thức tăng cường sự tôn trọng của trẻ em đối với những quyền và tự do cơ bản của người khác và có tính đến độ tuổi của trẻ em cũng như mong muốn thúc đẩy sự tái hòa nhập của trẻ và giúp trẻ em đảm đương một vai trò có tính chất xây dựng trong xã hội”.

Đồng thời, CRC cũng quy định quyền được thể hiện ý kiến, quan điểm trong các phiên toà quyết định cách ly trẻ em khỏi cha, mẹ hoặc cả cha và mẹ; quy định các nguyên tắc trong việc áp dụng các thủ tục tư pháp đối với trẻ em, bao gồm nguyên tắc về quy trình tố tụng đặc biệt đối với trẻ em, khung hình phạt đặc biệt đối với trẻ em phạm tội.

Nhóm các quyền được bảo về khỏi sự lạm dụng, bóc lột, bị bắt cóc hoặc buôn bán và các hình thức bóc lột khác, gồm các quyền được bảo đảm khỏi mọi hình thức bạo lực về thể chất hoặc tinh thần, bị đánh đập hay lạm dụng, bị bỏ mặc hoặc sao nhãng chăm sóc, bị ngược đãi hoặc bóc lột; quyền được bảo vệ khỏi sự bóc lột về kinh tế; quyền được bảo vệ khỏi bị lôi kéo vào việc sử dụng bất hợp pháp chất ma tuý và các chất kích thích khác; quyền được bảo vệ trước mọi hình thức bóc lột và lạm dụng tình dục; …

Nhóm các quyền của trẻ em thiểu số, bản địa, trẻ em khuyết tật và trẻ em trong xung đột vũ trang: quy định quyền của nhóm trẻ em khuyết tật, trẻ em thiểu số, trẻ em bản địa và trẻ em là nạn nhân trong xung đột vũ trang.

Bên cạnh quy định các quyền của trẻ em thì CRC 1989 cũng quy định các nguyên tắc và nghĩa vụ quốc gia trong việc hành động bảo đảm quyền trẻ em. Trong đó, có các biện pháp lập pháp, hành pháp, tư pháp, xã hội và giáo dục nhằm phổ biến các quyền này đến người lớn và trẻ em bằng các phương thức thích hợp và tích cực và bảo đảm các quyền này được thực hành trên thực tế.

2. Nội luật hóa quyền trẻ em trong các văn vản pháp luật quốc gia tại Việt Nam

Nội luật hóa CRC 1989 vào pháp luật quốc gia đã được thể hiện tại Hiến pháp năm 1992, Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 1991, Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004, nay là Hiến pháp năm 2013, Luật trẻ em năm 2016, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, Bộ luật lao động năm 2019, Bộ luật dân sự năm 2015, Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, Bộ luật hình sự năm 2015, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Luật giáo dục năm 2019,…

Nghĩa vụ nội luật hóa các quyền trẻ em được xác định là nghĩa vụ của các quốc gia  thành viên khi Việt Nam gia nhập CRC 1989, được quy định ngay chính CRC 1989. Theo đó, Điều 4 CRC 1989 quy định “các quốc gia thành viên phải thi hành mọi biện pháp lập pháp, hành pháp thích hợp và các biện pháp khác để thực hiện những quyền của trẻ em được thừa nhận trong Công ước này”.

Một trong những thuận lợi trong việc nội luật hóa CRC 1989 là, hệ thống pháp luật Việt Nam từ sớm đã có nhiều quy định bảo vệ quyền trẻ em. Bảo đảm quyền trẻ em là một nguyên tắc cơ bản, xuyên suốt nhiều quy định của Hiến pháp. Phê chuẩn CRC 1989 từ năm 1990, ngày nay, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc nội luật hoá các quyền trẻ em vào hệ thống pháp luật quốc gia của mình.

Nội luật hóa trong Luật trẻ em năm 2016:

Luật trẻ em năm 2016 là văn bản pháp luật quốc gia quan trọng nhất ghi nhận và bảo vệ các quyền trẻ em. Điều 1 Luật trẻ em năm 2016 định nghĩa trẻ em là người dưới 16 tuổi. Quy định độ tuổi của trẻ em là dưới 16 tuổi, pháp luật Việt Nam đã giới hạn độ tuổi trẻ em nhỏ hơn so với CRC 1989. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là Việt Nam vi phạm CRC 1989 bởi CRC có quy định cho phép pháp luật quốc gia có thể quy định độ tuổi trẻ em nhỏ hơn.

Nội luật hoá CRC 1989, Luật trẻ em năm 2016 của Việt Nam đã quy định các nguyên tắc bảo đảm thực hiện quyền trẻ em, các hành vi bị nghiêm cấm nhằm bảo đảm quyền trẻ em. Đồng thời, ghi nhận hầu hết các quyền trẻ em được quy định bởi CRC 1989 tại Chương II về quyền và bổn phận của trẻ em. Theo đó, Luật trẻ em ghi nhận các quyền trẻ em bao gồm:

Nhóm quyền bình đẳng, quyền được sống và phát triển, các quyền tự do cá nhân, gồm: Quyền sống, quyền được khai sinh và có quốc tịch, quyền giữ gìn và phát huy bản sắc, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.

Nhóm các quyền được chăm sóc y tế, giáo dục, gồm các quyền được chăm sóc sức khoẻ, quyền được giáo dục, học tập và phát triển năng khiếu.

Nhóm quyền được sống chung với cha mẹ, cách ly cha mẹ và đoàn tụ gia đình, gồm các quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng, quyền được sống chung với cha, mẹ và được cách lý khỏi cha mẹ theo quy định của pháp luật hoặc vì lợi ích tốt nhất của trẻ em; quyền được đoàn tụ, liên hệ và tiếp xúc với cha mẹ; quyền được chăm sóc thay thế và nhận làm con nuôi.

Nhóm các quyền biểu đạt, tôn trọng ý kiến, quan điểm của trẻ em và dành lợi ích tốt nhất cho trẻ em, bao gồm các quyền: Quyền được tiếp cận thông tin và tham gia hoạt động xã hội, quyền được bày tỏ ý kiến.

Nhóm các quyền bảo đảm danh dự, nhân phẩm, sự riêng tư của trẻ em, bao gồm quyền bí mật đời sống riêng tư, được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín.

Nhóm các quyền có mức sống thích đáng, an sinh xã hội và vui chơi, giải trí, sinh hoạt văn hoá, gồm các quyền được bảo đảm an sinh xã hội, quyền được vui chơi, giải trí.

Nhóm quyền được bảo vệ khi tham gia tố tụng và các quy trình tư pháp khác, gồm các quyền được bảo vệ trong quá trình tố tụng và xử lý vi phạm hành chính; bảo đảm quyền được bào chữa và tự bào chữa, được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp; được trợ giúp pháp lý, được trình bày ý kiến, không bị tước quyền tự do trái pháp luật; không bị tra tấn, truy bức, nhục hình, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể, gây áp lực về tâm lý và các hình thức xâm hại khác.

Nhóm các quyền được bảo vệ khỏi sự lạm dụng, bóc lột, bị bắt cóc hoặc buôn bán và các hình thức bóc lột khác, gồm các quyền được bảo vệ để không bị xâm hại tình dục, không bị bóc lột sức lao động, không bị bạo lực, bỏ rơi, bỏ mặc, không bị mua bán, bắt cóc, đánh tráo, chiếm đoạt; quyền được bảo vệ khỏi chất ma tuý; quyền được bảo vệ khi gặp thiên tai, thảm hoạ, ô nhiễm môi trường, xung đột vũ trang.

Nhóm các quyền của trẻ em thiểu số, bản địa, trẻ em khuyết tật và trẻ em trong xung đột vũ trang được quy định tại Điều 35, Điều 36 Luật trẻ em năm 2016 bao gồm quyền của trẻ em khuyết tật; quyền của trẻ em không quốc tịch, trẻ em lánh nạn, trẻ em tị nạn.

Luật trẻ em năm 2016 đã nội luật hoá gần như đầy đủ các quyền trẻ em được ghi nhận trong CRC 1989, bằng cách ghi nhận quyền, đồng thời quy định nghĩa vụ của các chủ thể có liên quan trong việc tôn trọng quyền, tổ chức thực hiện quyền, bảo vệ quyền, thúc đẩy quyền của trẻ em nhằm bảo đảm các quyền trẻ em được ghi nhận, được thực thi trên thực tế, bằng các quy định về nghĩa vụ bảo đảm chăm sóc, giáo dục trẻ em (Chương III), bảo vệ trẻ em (Chương IV), tổ chức thực hiện cho trẻ em tham gia vào các vấn đề trẻ em (Chương V), trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em (Chương VI).

Quyền trẻ em tại Việt Nam không chỉ được ghi nhận một cách hình thức mà Nhà nước đã thể hiện đầy đủ các nghĩa vụ bảo đảm quyền trẻ em. Những quy định này đã tạo cơ chế pháp lý cho các quyền của trẻ em được tổ chức thực hiện trên thực tế.

Nội luật hoá trong các văn bản pháp luật khác

Cùng với Luật trẻ em năm 2016, pháp luật dân sự quy định các quyền trẻ em về nhân thân và về tài sản như một chủ thể của các quyền nhân thân và tài sản theo quy định của Bộ luật dân sự. Đồng thời, pháp luật dân sự cũng quy định quyền được giám hộ của trẻ em, quyền được tham gia vào các giao dịch dân sự với sự hỗ trợ của người đại diện theo pháp luật, quyền được xác lập quyền sở hữu tài sản, quyền nhận thừa kế và để lại di sản thừa kế cho người khác hưởng thừa kế. Đây là những cơ sở pháp lý để bảo đảm các quyền nhân thân, quyền tài sản của trẻ em.

Pháp luật lao động bảo đảm quyền trẻ em thông qua việc cụ thể hoá các quyền của CRC 1989 và các văn bản pháp lý quốc tế, quốc gia khác về quyền trẻ em bằng cách quy định độ tuổi lao động, các chế độ bảo hiểm, tiền lương, an sinh xã hội cho trẻ em tham gia lao động và các hành vi bị cấm trong việc sử dụng lao động trẻ em. Các quy định này là sự cụ thể hoá quyền trẻ em được bảo vệ khỏi sự lạm dụng, bóc lột, bị bắt cóc hoặc buôn bán và các hình thức bóc lột khác.

Pháp luật hôn nhân và gia đình nội luật hoá quyền trẻ em trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình bằng các quy định về quyền và nghĩa vụ của cha mẹ trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng con là trẻ em; quy định quyền của trẻ em được sống chung với cha mẹ, được chăm sóc thay thế, được bày tỏ ý kiến trong việc quyết định cách ly hay sống cùng với cha hoặc mẹ khi cha mẹ ly hôn.

Pháp luật hình sự nội luật hoá các quyền trẻ em bằng các quy định bảo vệ các quyền nhân thân và tài sản của trẻ em và quy định trách nhiệm hình sự đặc biệt của trẻ em trong trường hợp trẻ phạm tội so với người lớn. Trong đó, các tội xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm mà nạn nhân là trẻ em luôn được xem là tình tiết định khung tăng nặng. Đồng thời, pháp luật hình sự cũng quy định những tội phạm riêng về trẻ em. Những quy định này đã nội luật hoá cụ thể hơn các quyền của trẻ em về được bảo vệ khi tham gia tố tụng và các quy trình tư pháp khác và quyền được bảo đảm về tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm của trẻ em trong bối cảnh trẻ em được xác định là chủ thể dễ bị tổn thương cần pháp luật có cơ chế đặc thù để bảo vệ.

Pháp luật về tố tụng dân sự, tố tụng hình sự nội luật hoá các quyền của trẻ em được bảo vệ khi tham gia tố tụng và các quy trình tư pháp khác bằng các quy định trợ giúp pháp lý miễn phí, quy định về người đại diện khi tham gia tố tụng của trẻ em, quyền được bảo vệ về bí mật đời tư của trẻ em, …

3. Một số thách thức trong bảo đảm quyền trẻ em tại Việt Nam

Mặc dù Việt Nam đã có nhiều thành tựu to lớn trong việc ghi nhận và bảo đảm quyền con người. Song, trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, việc bảo đảm quyền trẻ em còn một số thách thức:

Thứ nhất, để bảo đảm quyền trẻ em, không chỉ cần ghi nhận quyền trẻ em bằng cơ chế pháp luật mà còn bằng cả cơ chế đạo đức. Do đó, hệ thống pháp luật cần ghi nhận một cách đầy đủ và có hệ thống các quyền trẻ em. Đồng thời, phải bảo đảm hệ thống pháp luật này đồng bộ, hợp lý và khả thi. Trong khi đó, hệ thống pháp luật của Việt Nam hiện nay được đánh giá là còn khá chồng chéo, tính ổn định chưa cao. Các văn bản pháp luật thường có tuổi thọ thấp. Đây là một thách thức không nhỏ trong việc bảo đảm quyền trẻ em tại Việt Nam.

Thứ hai, bảo đảm quyền trẻ em không chỉ bao gồm việc ghi nhận ngày càng đầy đủ về mặt pháp lý và đạo đức các quyền của trẻ em mà đồng thời nhà nước phải thực hiện cả nghĩa vụ thực hiện, nghĩa vụ tổ chức và nghĩa vụ đạt kết quả, đặc biệt là đối với các quyền kinh tế, văn hoá, xã hội. Điều này cần phải có cơ sở kinh tế để thực hiện. Trong khi nền kinh tế của Việt Nam còn hạn chế, nguồn kinh phí đầu tư cho việc bảo đảm các quyền trẻ em, như quyền được chăm sóc sức khoẻ, quyền học tập và phát triển năng khiếu, quyền vui chơi, giải trí,… còn chưa đáp ứng. Đây là rào cản trong việc bảo đảm trẻ em được tiếp cận một cách thuận lợi nhất và thực thi các quyền này trên thực tế.

Thứ ba, trẻ em và cha mẹ trẻ, đặc biệt là trẻ em ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, trẻ em đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện kinh tế còn khó khăn, nhận thức pháp luật còn hạn chế còn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ công, tiếp cận pháp luật. Họ chưa hoặc rất ít nhận thức được các quyền của trẻ em và cách thức tiếp cận, bảo đảm quyền trẻ em. Do đó, việc bảo đảm quyền trẻ em cho nhóm trẻ em này gặp không ít khó khăn, thách thức.

Thứ tư, nhận thức về quyền con người và trách nhiệm bảo đảm quyền con người của một bộ phận những người trong bộ máy công quyền còn hạn chế. Trong đó không chỉ hạn chế trong việc hiểu và vận dụng các quy định pháp luật quốc tế và quốc gia về nhân quyền mà còn chưa nhận thức đúng về sứ mệnh phục vụ nhân dân trong thực thi công vụ và vai trò của họ trong việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Những thách thức này chính là rào cản của Việt Nam trong việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân nói chung và quyền trẻ em nói riêng. Bởi trẻ em từ lâu được xem là một nhóm người dễ bị tổn thương, cần được bảo vệ và bảo đảm quyền con người.

Thời gian tới, để thực hiện tốt hơn mục tiêu bảo đảm quyền con người, thực hiện nội luật hoá quyền trẻ em và tiến hành các biện pháp nhằm bảo đảm quyền trẻ em, Việt Nam cần phải rà soát, bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật về quyền trẻ em, đẩy mạng phổ biến, giáo dục pháp luật về quyền trẻ em, đặc biệt là trẻ em nông thôn, trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đạo và cha mẹ trẻ.

Đồng thời, xã hội hóa, tạo cơ chế khuyến khích đầu tư dịch vụ công cho các khu vực khó khăn nhằm bảo đảm trẻ em ở đây có thể tiếp cận các quyền trẻ em về chăm sóc sức khoẻ, giáo dục, vui chơi giải trí và tham gia các hoạt động xã hội.

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền