Trang chủ    Thực tiễn    Phát huy giá trị của di sản văn hóa trong phát triển du lịch ở Thái Nguyên hiện nay
Thứ hai, 23 Tháng 10 2023 14:07
944 Lượt xem

Phát huy giá trị của di sản văn hóa trong phát triển du lịch ở Thái Nguyên hiện nay

ThS NGUYỄN THỊ HOÀI THANH
Trường Ngoại ngữ, Đại học Thái Nguyên

(LLCT) - Thái Nguyên có nhiều tiềm năng, lợi thế về tự nhiên và nhân văn, vị trí địa lý, danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử… để phát triển kinh tế du lịch với các loại hình như: du lịch về nguồn, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng, du lịch làng nghề gắn với các vùng chè... Bài viết làm rõ tiềm năng, thực trạng và đề xuất một số giải pháp phát huy giá trị của di sản văn hóa trong phát triển du lịch ở tỉnh Thái Nguyên.
 

Hát then - di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của tỉnh Thái Nguyên - Ảnh: vov.vn

1. Tiềm năng di sản văn hóa trong phát triển du lịch Thái Nguyên

Tỉnh Thái Nguyên thuộc khu vực trung du và miền núi phía Bắc với diện tích tự nhiên 3.526,64km², là vùng đất được hình thành từ lâu đời, nơi hội tụ, giao lưu, sinh sống của 46 dân tộc, trong đó có 8 dân tộc có dân số đông trên 2.000 người là: Kinh, Tày, Dao, Nùng, Sán Dìu, Sán Chay, Mông, Hoa(1). Do là nơi sinh sống của nhiều dân tộc thiểu số nên văn hóa tộc người biểu hiện rất đa dạng và độc đáo, tạo nên dấu ấn riêng trong văn hóa của địa phương.

Thái Nguyên có một kho tàng di sản văn hóa lớn, với trên 1.000 di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh được đưa vào danh mục kiểm kê. Trong đó có 01 di tích được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt với 13 điểm di tích; 52 di tích được xếp hạng cấp quốc gia và 221 di tích xếp hạng cấp tỉnh; 19 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia(2).

Là “Thủ đô gió ngàn” gắn với nhiều sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc, có nhiều khu di tích lịch sử, cách mạng như: ATK (Định Hóa), có các di tích địa điểm công bố Ngày Thương binh liệt sĩ toàn quốc 27-7, nơi thành lập cơ sở đảng đầu tiên của tỉnh Thái Nguyên; khu di tích đền thờ Lý Nam Đế (Đền Mục) xã Tiên phong; khu di tích Mai Sơn (Kha Sơn); di tích lịch sử thanh niên xung phong đại đội 915 (Gia Sàng); quần thể di tích núi Văn - núi Võ; cụm di tích khởi nghĩa Thái Nguyên 1917;…

Thái Nguyên có nhiều danh thắng nổi tiếng như: hồ Núi Cốc; hồ Suối Lạnh; hồ Vai Miếu; hồ Ghềnh Chè… với cảnh quan đẹp, không khí trong lành, thu hút được nhiều khách tham quan du lịch.

Thái Nguyên có hệ thống hang động tự nhiên, hoang sơ, được che phủ bởi những tán rừng xanh tạo nên cảnh quan hấp dẫn, kỳ thú. Một số hang động mới được khai thác trong thời gian gần đây để phục vụ phát triển du lịch như chùa Hang (huyện Định Hóa), hang Phượng Hoàng - suối Mỏ Gà (huyện Võ Nhai) và nhiều hang động khác có tiềm năng lớn cho phát triển du lịch khám phá thiên nhiên, như: hang Sa Khao (huyện Võ Nhai), hang Chùa (huyện Đồng Hỷ),…

Về di tích lịch sử văn hóa tâm linh, trên địa bàn tỉnh có khu di tích khảo cổ học Thần Sa, chùa Phủ Liễn, chùa Đán, chùa Ha, chùa Thiên Tây Trúc, đình Hộ Lệnh, đình Phương Độ, đền Lục Giác, đền Đuổm,...

Cùng với các di tích lịch sử, các di sản văn hóa truyền thống, đậm đà bản sắc như múa, hát, nghi lễ dân gian, cũng được lưu giữ, phát huy giá trị, như: lễ hội Lồng Tồng, lễ hội Đình - Đền - Chùa Cầu Muối; lễ hội đền Đuổm, lễ hội đình Phương Độ, lễ hội Chùa Hang, lễ hội múa rối Tày Thẩm Rộc - Định Hóa, Lễ hội Đền Giá,...

Di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu gồm: văn hóa trà Thái Nguyên, múa Tắc Xình - Sinh Ca, hát Then, Soọng Cô, Pả Dung, hát ví Bên Sông Cầu,...

Làng nghề truyền thống của tỉnh Thái Nguyên gồm: vùng chè Tân Cương, vùng chè Minh Lập (Đồng Hỷ), vùng chè Trại Cài, vùng chè Tức Tranh, Vô Tranh, Phú Đô (Phú Lương), vùng chè La Bằng (Đại Từ),...

Sản phẩm văn hóa ẩm thực đặc sắc như gạo bao thai Định Hóa, nấm hương, măng, trám, miến Việt Cường, nếp Thầu Dầu Phú Bình, nếp Vải Ôn Lương,...

Phong cảnh hữu tình, núi non hùng vĩ, nhiều di tích lịch sử, văn hóa… là tiềm năng, lợi thế để tỉnh Thái Nguyên phát triển các sản phẩm du lịch độc đáo, đặc trưng, tạo điểm nhấn thu hút du khách.

2. Thực trạng phát huy giá trị các di sản văn hóa trong phát triển du lịch ở tỉnh Thái Nguyên hiện nay

 Nhận thức rõ những tiềm năng và lợi thế về du lịch, trong những năm qua, Chính phủ, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết, quyết định, đề án…để đẩy mạnh phát triển kinh tế du lịch.

Ngày 18-11-2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2228/QĐ-TTg về việc “Quy hoạch phát triển tổng thể khu du lịch quốc gia Hồ Núi Cốc tỉnh Thái Nguyên đến năm 2025, định hướng đến 2030”; Tỉnh ủy Thái Nguyên đã ban hành Nghị quyết số 08/NQ-TU ngày 8-8-2018 về định hướng phát triển du lịch tỉnh Thái Nguyên đến năm 2030; năm 2015, Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên ban hành Kế hoạch số 30/KH - UBND thực hiện Đề án “Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020”; năm 2021, Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Nguyên ban hành Nghị quyết số 25/2021/NQ - HĐND Quy định chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2022 - 2025.

 Ngày 14-04 -2021, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Nguyên ra Quyết định số 1114/QĐ-UBND về việc ban hành Đề án Phát triển du lịch tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu đưa Thái Nguyên trở thành trung tâm du lịch của khu Việt Bắc với việc phát huy các di sản văn hóa đặc sắc nổi tiếng. Thực hiện các chủ trương, kế hoạch trên, du lịch Thái Nguyên đã và đang trở thành ngành kinh tế quan trọng của địa phương với sản phẩm du lịch đa dạng, chất lượng ngày càng được nâng cao, góp phần hiện thực hóa các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thúc đẩy Thái Nguyên thành điểm đến du lịch đặc sắc, tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của tỉnh.

Việc phát huy giá trị các di sản văn hóa trong phát triển kinh tế du lịch ở tỉnh Thái Nguyên được thể hiện rõ ở các loại hình:

Du lịch cộng đồng

Du lịch cộng đồng là loại hình du lịch có sự tham gia của cộng đồng dân cư vào chuỗi cung ứng và quản lý du lịch. Mô hình du lịch cộng đồng được hình thành và phát triển dựa trên cơ sở văn hóa do cộng đồng dân cư ở khu vực bản địa quản lý, tổ chức và hưởng lợi. Trải nghiệm du lịch cộng đồng, du khách được tham gia cùng cuộc sống của người dân, được tham gia các hoạt động, sinh hoạt thường ngày cùng cộng đồng dân cư bản địa. Đây là cơ hội để du khách khám phá, tìm hiểu về văn hóa, giá trị truyền thống của địa phương. Du lịch cộng đồng phát huy hiệu quả, giúp người dân tạo sinh kế, tăng thu nhập và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống. Thái Nguyên là địa phương có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch cộng đồng. Trong thời gian qua, hoạt động du lịch cộng đồng gắn với khai thác các di sản văn hóa đã từng bước được đầu tư, khai thác và đã đạt được một số kết quả nhất định, bước đầu hình thành một số sản phẩm du lịch tiêu biểu như: Khu bảo tồn làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải, Không gian văn hóa Trà - vùng chè Tân Cương, Làng văn hóa dân tộc Bản Quyên,… Gắn với chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP  giai đoạn 2018 - 2020, khu bảo tồn làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải là điểm đầu tiên ở Thái Nguyên được xếp hạng 4 sao trong nhóm dịch vụ du lịch nông thôn và điểm du lịch. Ngoài ra, một số hộ gia đình bước đầu phát triển dịch vụ homestay, thu hút du khách.

Du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh

Thái Nguyên có nhiều điều kiện để phát triển du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh dựa trên lợi thế về văn hóa của địa phương. Khu di tích lịch sử sinh thái ATK Định Hóa được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt năm 2012 với 13 điểm di tích và là địa chỉ đỏ trong chương trình du lịch về nguồn của tỉnh Thái Nguyên. Hằng năm, khu di tích đón hơn 600 nghìn lượt khách(3). Các điểm đến trong chương trình du lịch văn hóa, tâm linh, về nguồn tiêu biểu như: Khu di tích lịch sử quốc gia Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái; khu di tích Lý Nam Đế; địa điểm công bố Ngày Thương binh, liệt sỹ 27-7; quần thể núi Văn - núi Võ; Bảo tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam; đền Đuổm; chùa Hang; chùa Phủ Liễn; đình - đền - chùa Cầu Muối,...

Sản phẩm du lịch văn hóa, tâm linh, lịch sử, về nguồn có nhiều điểm đến đặc sắc của Thái Nguyên, nhưng việc khai thác phát triển du lịch chưa thật sự hiệu quả, khách du lịch chủ yếu đi trong ngày, chưa có các dịch vụ du lịch bổ trợ giữ khách lưu lại dài ngày.

Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch kết hợp sự kiện, hội nghị, hội thảo (MICE)

Sản phẩm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng trọng điểm ở Thái Nguyên hiện nay là Khu du lịch quốc gia Hồ Núi Cốc (đã được Thủ tướng phê duyệt theo Quyết định số 2228/QĐ-TTg) với các loại hình du lịch như tham quan, nghỉ dưỡng, mua sắm, vui chơi giải trí, phù hợp với nhiều đối tượng khách, chủ yếu từ Thành phố Hà Nội và các tỉnh lân cận như: Lạng Sơn, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Bắc Ninh,... Hằng năm khu du lịch này đón khoảng 300 nghìn lượt khách. Bên cạnh đó, một số điểm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng được đầu tư, đưa vào đón khách như: khu du lịch hang Phượng Hoàng - suối Mỏ Gà (đón khoảng 150 nghìn lượt khách/năm)(4); khu vực sườn Đông Tam Đảo với các điểm nổi bật như Khe Lánh - Khe Đù, hồ Vai Miếu, hồ Ghềnh Chè, hồ Suối Lạnh, thác Cửa Tử, suối Kẹm,…

Mặc dù có nhiều tài nguyên du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng đa dạng, hấp dẫn nhưng hiện loại hình du lịch này chưa được đầu tư tương xứng với tiềm năng, chưa thu hút được các nhà đầu tư lớn; các doanh nghiệp khai thác du lịch với quy mô còn hạn chế, chưa xây dựng được các sản phẩm dịch vụ bổ trợ, vui chơi giải trí thu hút khách du lịch lưu lại.

Du lịch thể thao, khám phá hang động

Với lợi thế là tỉnh trung tâm về kinh tế, văn hóa, giáo dục của khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc, có các khu công nghiệp công nghệ cao quy mô lớn, gần Thủ đô Hà Nội, hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, cơ sở vật chất kỹ thuật đang được hoàn thiện tương đối tốt, sản phẩm MICE, thể thao, khám phá hang động mạo hiểm đang được tạo điều kiện thuận lợi phát triển tại một số điểm như: Khu du lịch quốc gia Hồ Núi Cốc, khu vực sườn Tây, sườn Đông dãy Tam Đảo, khu bảo tồn làng nhà sàn sinh thái Thái Hải, khu vực Đồng Hỷ - Võ Nhai…

Bên cạnh đó, tỉnh Thái Nguyên đang kêu gọi đầu tư xây dựng 3 sân golf nhằm tạo sản phẩm du lịch phong phú, có chất lượng, đầu tư xây dựng các trung tâm tổ hợp thể thao liên hoàn tại thành phố Thái Nguyên phục vụ tổ chức các giải thể thao quốc gia, khu vực nhằm thu hút khách du lịch đến Thái Nguyên như: giải golf, giải chạy marathon, leo núi, khám phá hang động mạo hiểm…

Trong những năm qua, sản phẩm du lịch khám phá hang động mạo hiểm của Thái Nguyên chưa được đầu tư khai thác nhiều. Đến nay, chỉ có một số hang động mới đi vào hoạt động phục vụ khách du lịch như: chùa Hang (huyện Định Hóa), Hang Phượng Hoàng - suối Mỏ Gà (huyện Võ Nhai).

Nhờ khai thác tốt các di sản văn hóa phục vụ du lịch nên kinh tế du lịch Thái Nguyên dần khẳng định thương hiệu và đang trên đà phát triển. Một số khu du lịch đã phát triển được các sản phẩm du lịch đặc thù bằng cách khai thác các di sản văn hóa để phát triển. Hệ thống hạ tầng giao thông, cơ sở vật chất kỹ thuật đã được đầu tư nâng cấp, trước mắt đáp ứng được nhu cầu cơ bản cho khai thác các di sản văn hóa để phát triển du lịch; công tác quảng bá các di sản văn hóa được chú ý đầu tư và mở rộng; công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ khai thác các di sản văn hóa cho du lịch từng bước được nâng cao. Công tác quản lý nhà nước về khai thác các di sản văn hóa cho phát triển du lịch được quan tâm. Chính vì vậy, ngành du lịch đã từng bước khẳng định vị trí và vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh.

Tuy nhiên, việc khai thác các di sản văn hóa phục vụ phát triển kinh tế du lịch ở Thái Nguyên vẫn còn một số hạn chế nhất định. Sản phẩm du lịch của tỉnh chưa có sự khác biệt rõ rệt so với các tỉnh trong vùng, khả năng cạnh tranh chưa cao. Công tác quảng bá di sản văn hóa, xúc tiến du lịch còn hạn chế; nội dung chưa phong phú, thiếu tính chuyên nghiệp; nguồn lực đầu tư cho xúc tiến quáng bá di sản văn hóa nói riêng, du lịch nói chung còn hạn hẹp, nhất là đối với công tác khảo sát, nghiên cứu các di sản văn hóa, thị trường du lịch.

Tốc độ tăng trưởng chung của ngành du lịch, đặc biệt là tốc độ tăng trưởng khách du lịch từ năm 2020 giảm mạnh do ảnh hưởng của đại dịch Covid -19. Số lượt khách du lịch đến Thái Nguyên năm 2020 là 1.183.000 lượt khách (thấp nhất tính từ năm 2010 cho đến nay)(5). Hạ tầng phục vụ khai thác di sản văn hóa cho phát triển du lịch chưa đáp ứng được nhu cầu; các khu, điểm du lịch phát triển chậm, thiếu những khu du lịch cao cấp (năm 2020 trong tổng số 450 cơ sở lưu trú du lịch chỉ có 50 cơ sở lưu trú đạt chuẩn khách sạn)(6).

Nguồn nhân lực trong ngành du lịch, đặc biệt là đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên, nhân viên kỹ thuật chưa đáp ứng yêu cầu về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng, thái độ phục vụ, ngoại ngữ, các đơn vị kinh doanh du lịch chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ, vốn, nhân lực và kinh nghiệm quản lý còn hạn chế. Nhận thức của một bộ phận không nhỏ dân cư về khai thác di sản văn hóa cho phát triển du lịch còn hạn chế.

3. Một số giải pháp phát huy giá trị di sản văn hóa trong phát triển du lịch Thái Nguyên hiện nay

Thứ nhất, tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân dân địa phương về việc phát huy giá trị di sản văn hóa trong phát triển du lịch

Để nâng cao hiệu quả khai thác các di sản văn hóa trong phát triển du lịch ở Thái Nguyên hiện nay, trước hết cần đổi mới nhận thức của cán bộ và nhân dân địa phương về vai trò của các di sản văn hóa trong phát triển du lịch. Tổ chức các hoạt động tuyên truyền bằng nhiều hình thức, để từ đó hình thành văn hóa du lịch, kỹ năng làm du lịch cho các tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng; thường xuyên phối hợp với các tổ chức, cá nhân mở các lớp bồi dưỡng nhằm tuyên truyền những nội dung về bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn di sản văn hóa, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên.

Muốn bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa cho phát triển du lịch, cần nâng cao nhận thức của cộng đồng, từ đó giúp họ điều chỉnh hành vi. Khi nhận thức của người dân về vấn đề này được nâng cao thì vai trò của họ trong việc tham gia vào quan lý, tôn tạo, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích ngày càng cao. Vì vậy, cộng đồng dân cư địa phương phải tham gia vào hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích cho phát triển kinh tế - xã hội. Sự ủng hộ của cộng đồng, phát huy vai trò của nhân dân là yếu tố quan trọng, bởi vì chính cộng đồng tạo ra di tích và cũng chính cộng đồng là người sử dụng di tích, tham gia quản lý, bảo vệ di tích.

Thứ hai, làm tốt công tác quản lý nhằm khai thác các sản phẩm du lịch gắn với văn hóa trà trong phát triển kinh tế du lịch. Cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường đầu tư, đơn giản hóa các thủ tục cấp chứng nhận đầu tư du lịch và các thủ tục liên quan đến hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch; ưu tiên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là các tuyến đường giao thông liên kết các khu, điểm du lịch. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để quản lý tốt các hoạt động khai thác di sản văn hóa cho phát triển du lịch; xây dựng quy chế phối hợp quản lý du lịch giữa ngành du lịch, chính quyền địa phương và các ngành, lĩnh vực liên quan. Đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trong quản lý nhà nước về khai thác di sản văn hóa cho phát triển du lịch cũng như quảng bá các di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch.

Thứ ba, xây dựng, quảng bá thương hiệu du lịch và hợp tác, hội nhập quốc tế về du lịch. Để thu hút khách du lịch tại các điểm đến du lịch cần xây dựng chiến lược, kế hoạch quảng bá các di sản văn hóa với tâm điểm là du lịch kết hợp với các dịch vụ địa phương có thể cung ứng như di chuyển, lưu trú, ăn uống... trong từng giai đoạn và hằng năm. Chú trọng các phương thức quảng bá di sản văn hóa, sản phẩm du lịch thông qua công nghệ truyền thông như: Các kênh review du lịch trên mạng xã hội (facebook, youtube), cổng thông tin du lịch thông minh,... Có cơ chế khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng hệ thống quầy hàng trưng bày và bán sản phẩm hàng lưu niệm, quà tặng du lịch đặc thù của địa phương; thiết kế bộ sản phẩm hàng lưu niệm, quà tặng có liên quan đến văn hóa Trà Thái Nguyên. Ngoài ra, cần tiếp tục tăng cường công tác xúc tiến quảng bá ở nước ngoài bằng nhiều hình thức và thông qua các chương trình hợp tác của tỉnh.

Thứ tư, phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch gắn với khai thác các di sản văn hóa. Trong thời gian tới, cần tận dụng những tiềm năng, lợi thế về du lịch của tỉnh để khai thác đa dạng các sản phẩm du lịch. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, thể thao, vui chơi giải trí và du lịch MICE. Tập trung xây dựng mô hình du lịch cộng đồng nông nghiệp gắn với khai thác các di sản văn hóa, trong đó có văn trà, nhằm tạo ra sản phẩm du lịch hấp dẫn, hỗ trợ các sản phẩm du lịch khác như du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm, khám phá thiên nhiên…

Căn cứ vào lợi thế về du lịch, theo Kế hoạch triển khai Đề án du lịch của tỉnh, đến năm 2025, tỉnh Thái Nguyên dự kiến công nhận ít nhất 5 điểm du lịch cấp tỉnh, xây dựng ít nhất 05 điểm du lịch cộng đồng gắn với văn hóa trà, du lịch về nguồn; đến năm 2030 đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt công nhận Khu du lịch quốc gia Hồ Núi Cốc; thu hút đầu tư sản phẩm hang động mạo hiểm – thể thao trở thành sản phẩm độc lập, có sức hấp dẫn cao; phấn đấu trở thành điểm đến về du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, cộng đồng - sinh thái, du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh, về nguồn(7).

Thứ năm, phát triển nguồn nhân lực du lịch. Trong thời gian qua, chất lượng nguồn nhân lực du lịch của tỉnh chưa đáp ứng được yêu cầu. Vì vậy, ngành du lịch cần tập trung nâng cao chất lượng đào tạo, kỹ năng thực hành nhằm chuyển tải tối đa hàm lượng văn hóa vào trong các sản phẩm du lịch. Để phát triển nguồn nhân lực du lịch có chất lượng, cần đa dạng các hình thức đào tạo, đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích doanh nghiệp tham gia đào tạo nhân lực du lịch; chú trọng đào tạo kỹ năng nghề và kỹ năng mềm cho lực lượng lao động trực tiếp phục vụ du lịch, đặc biệt là đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên du lịch tại khu, điểm du lịch; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho cộng đồng dân cư tham gia kinh doanh du lịch, góp phần quảng bá điểm đến, hình ảnh du lịch của địa phương. Phát huy lợi thế các cơ sở đào tạo, trường đào tạo nghề du lịch trên địa bàn để nâng cao chất lượng lao động chuyên nghiệp cho các doanh nghiệp du lịch trong tỉnh; khuyến khích hình thành đội ngũ tình nguyện viên hướng dẫn, hỗ trợ khách du lịch.

Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, Đề án phát triển du lịch tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 đề ra lộ trình đào tạo dự kiến bao gồm hai giai đoạn:

Giai đoạn 2021-2025, đào tạo, bồi dưỡng 3.500 lao động trực tiếp (số lao động du lịch trực tiếp năm 2020 khoảng 3.500 lao động). Trung bình một năm đào tạo, bồi dưỡng 700 lao động (tương đương 7-14 lớp/năm; quy mô lớp trung bình từ 50-100 học viên);

Giai đoạn 2026-2030, đào tạo, bồi dưỡng 3.000 lao động trực tiếp (số lao động du lịch trực tiếp dự kiến đã qua đào tạo đến đến năm 2025 đạt 7.000 lao động). Trung bình một năm đào tạo, bồi dưỡng 600 lao động (tương đương 6 -12 lớp/năm; quy mô lớp trung bình từ 50-100 học viên)(8). Dự kiến đến năm 2030 tạo việc làm cho 24 nghìn lao động, trong đó lao động trực tiếp là 10 nghìn người, 75% số lao động trực tiếp đã qua đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ(9).

Thứ sáu, huy động vốn đầu tư phát triển du lịch. Để nâng cao hiệu quả khai thác các di sản văn hóa trong phát triển kinh tế du lịch ở Thái Nguyên cần huy động mọi nguồn lực, trong đó ưu tiên nguồn vốn ngân sách đầu tư cơ sở hạ tầng. Phối hợp, liên kết với các chương trình, đề án, dự án của các ngành lĩnh vực khác để cùng phát triển như: chương trình xây dựng nông thôn mới; chương trình Mỗi xã, phường một sản phẩm, sản phẩm (OCOP) gắn với du lịch cộng đồng, nông nghiệp, nông thôn. Tại kỳ họp thứ tư Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Nguyên khóa XIV đã  ban hành Nghị quyết Quy định chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng giai đoạn 2022- 2025, trong đó quy định chính sách hỗ trợ phát triển 05 điểm du lịch cộng đồng và hỗ trợ tối đa 5 tỷ đồng đối với 01 điểm du lịch cộng đồng)(10).

Bên cạnh đó, cần huy động nguồn vốn xã hội hóa từ các doanh nghiệp du lịch và các tổ chức kinh tế cho công tác đào tạo, phát triển các sản phẩm dịch vụ du lịch, phát triển nguồn nhân lực du lịch, quảng bá du lịch, bảo tồn, tôn tạo và phát huy các di tích lịch sử văn hóa và các giá trị văn hóa truyền thống, lễ hội dân gian phục vụ du lịch, phát triển du lịch và bảo vệ mội trường.

Thứ bảy, ứng dụng khoa học và công nghệ. Việc ứng dụng các giải pháp khoa học công nghệ trong việc khai thác di sản văn hóa cho phát triển du lịch mang đến cho du khách nhiều tiện ích, cơ quan quản lý thuận lợi hơn trong việc nắm bắt thông tin và doanh nghiệp du lịch dễ dàng thiết kế các sản phẩm theo hướng gia tăng giá trị trải nghiệm cũng như quảng bá sản phẩm tới du khách. Đây là một ưu điểm nổi bật mà du lịch thông minh đem lại. Trong thời gian tới, cần tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án phát triển du lịch thông minh tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2019 - 2025. Xây dựng cổng thông tin du lịch điện tử Thái Nguyên, đáp ứng yêu cầu trong công tác quản lý nhà nước về du lịch, phục vụ hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp và đáp ứng kịp thời nhu cầu phục vụ khách du lịch; ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển kênh truyền thông chia sẻ thông tin và đánh giá về các di tích, các điểm đến du lịch. Khuyến khích sử dụng năng lượng sạch, tái tạo; áp dụng mô hình “3R” trong các cơ sở dịch vụ du lịch; hỗ trợ người dân tại các điểm du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và tổ chức trải nghiệm du lịch cho du khách.

Thực hiện hiệu quả các giải pháp trên sẽ giúp nâng tầm và khai thác hiệu quả các di sản văn hóa cho phát triển ngành du lịch Thái Nguyên; để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, từng bước khẳng định vị trí và vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh và đất nước.

_________________

Ngày nhận bài: 28-9-2023; Ngày bình duyệt: 01-10-2023; Ngày duyệt đăng: 21-10-2023.

(1) Cục thống kê tỉnh Thái Nguyên: Niên giám thống kê năm 2020, tr.51.

(2) Huy Lê: “Đánh thức” tiềm năng du lịch Thái Nguyên, https://dangcongsan.vn/, ngày 13-4-2021.

(3) Nguồn: Tổng hợp từ Báo cáo hàng năm của Sở Văn hóa Thể thao Du lịch Thái Nguyên.

(4) Tổng hợp từ Báo cáo hàng năm của Sở Văn hóa Thể thao Du lịch Thái Nguyên.

(5) Tổng hợp từ Báo cáo hàng năm của Sở Văn hóa Thể thao Du lịch Thái Nguyên.

(6) Cục Thống kê tỉnh Thái Nguyên năm 2020.

(7) Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên: Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án phát triển du lịch tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, số 200/KH-UBND, 2021.

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền