Trang chủ    Thực tiễn    Thu hút, trọng dụng nhân tài, tạo động lực để phát triển nhanh và bền vững
Thứ tư, 27 Tháng 7 2022 13:59
1965 Lượt xem

Thu hút, trọng dụng nhân tài, tạo động lực để phát triển nhanh và bền vững

(LLCT) - Đại hội XIII của Đảng xác định “bồi dưỡng sức dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, có cơ chế đột phá để thu hút, trọng dụng nhân tài, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ… tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển nhanh và bền vững”(1). Đây là quan điểm đúng đắn, sáng tạo, kịp thời của Đảng ta nhằm khơi dậy mạnh mẽ ý chí, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc của mọi người Việt Nam ở trong và ngoài nước; đồng thời tạo hành lang pháp lý để thu hút, trọng dụng nhân tài vào tất cả các ngành, lĩnh vực, góp phần tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển đất nước. 

Văn miếu Quốc Tử Giám - Ảnh: vanmieu.gov.vn

1. Trọng dụng nhân tài, một giá trị truyền thống của dân tộc

Lịch sử dựng nước và giữ nước của ông cha ta cho thấy, trong mọi giai đoạn, đất nước luôn xuất hiện nhân tài đứng ra đảm đương, gánh vác sứ mệnh lịch sử. Trong Bình Ngô Đại cáo (năm 1428), một trong những bản Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam, Nguyễn Trãi - chiến lược gia chính trị, quân sự của dân tộc từng nói: Đất nước Đại Việt “tuy mạnh yếu có lúc khác nhau, song hào kiệt đời nào cũng có”. 

Trong lịch sử, các triều đại phong kiến rất quan tâm, chú trọng “chiêu hiền đãi sĩ”, tìm kiếm, chiêu mộ những người tài, giỏi, có phẩm chất vào làm việc trong triều đình, phò vua, giúp nước. Việc tuyển chọn, sử dụng nhân tài được thực hiện có hệ thống quy củ từ thời nhà Lý. Việc lựa chọn người hiền tài được tổ chức bài bản, chặt chẽ qua các khoa thi. Nhà vua trực tiếp ra đề và chấm thi. Những nhân tài dưới thời nhà Lý được gọi là tầng lớp tinh hoa (tầng lớp trí thức Nho học). Đến thời nhà Lê, việc lựa chọn nhân tài được tổ chức thành những kỳ thi, mỗi sĩ tử trải qua ba đến bốn kỳ thi. 

Trong văn bia “Đề danh tiến sĩ, khoa Nhâm Tuất niên hiệu Đại Bảo thứ 3 (năm 1442)”, Thân Nhân Trung viết: Hiền tài là nguyên khí của quốc gia. Nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn. Vì thế các bậc đế vương thánh minh không đời nào không coi việc giáo dục nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí quốc gia làm công việc cần thiết”... Thông điệp này được khắc trên bia tiến sĩ đầu tiên dựng tại Văn miếu Quốc Tử Giám và vẫn có tính thời sự hiện nay trong xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp đối với việc trọng dụng nhân tài.

Kế thừa tư tưởng về trọng dụng nhân tài của ông cha trong lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có nhiều quyết sách đúng đắn, hợp lý để chiêu dùng người tài vào sự nghiệp cách mạng. Ngay sau ngày Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, ngày 20-11-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài “Tìm người tài đức” đăng trên báo Cứu quốc số 411. Người nêu rõ “Nhà nước cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài. Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài, có đức”(2)

Với những chính sách, biện pháp trọng dụng nhân tài đúng đắn, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh đất nước, phải làm thường xuyên, liên tục như người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu; phải tùy tài mà dùng người, ai có năng lực việc gì, ta dùng vào việc ấy… Người đã thu hút được nhiều nhân tài cho đất nước, như: Phan Kế Toại, Bùi Bằng Đoàn, Phạm Khắc Hòe, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Anh, Tạ Quang Bửu, Phạm Ngọc Thạch, Tôn Thất Tùng… Qua đó cho thấy tài năng và nghệ thuật trọng dụng nhân tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thực tiễn xây dựng chính quyền cách mạng, kháng chiến, kiến quốc. Tư tưởng Hồ Chí Minh về trọng dụng nhân tài được Đảng ta vận dụng trong sự nghiệp đổi mới đất nước. 

2. Thu hút, trọng dụng nhân tài theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng

Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta thực hiện nhiều cơ chế, chính sách để khuyến khích, động viên, thu hút người tài vào làm việc ở mọi ngành, lĩnh vực. Những năm đầu đổi mới, Đảng ta đề ra chủ trương, biện pháp phát triển giáo dục, đào tạo với mục tiêu “nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài”. Nghị quyết Trung ương 3 khóa VIII (năm 1998) về “Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” nhấn mạnh: Đặc biệt chú trọng phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng nhân tài. 

Tại Đại hội X, Đảng ta chỉ rõ: Xây dựng và thực hiện chính sách phát triển và trọng dụng nhân tài, thu hút nhân tài vào những lĩnh vực quan trọng, không phân biệt người trong Đảng hay ngoài Đảng. 

Đại hội XI khẳng định: Có chính sách trọng dụng trí thức, đặc biệt đối với nhân tài của đất nước; hình thành đồng bộ cơ chế, chính sách khuyến khích sáng tạo, trọng dụng nhân tài; chú trọng phát hiện, bồi dưỡng, phát huy nhân tài. 

Đại hội XII của Đảng tiếp tục khẳng định: Phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng người có đức, có tài; tạo bước chuyển căn bản trong việc phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng nhân tài; xây dựng chiến lược quốc gia về nhân tài; coi đó là giải pháp quan trọng trong thực hiện chiến lược cán bộ, lựa chọn những người thực sự có đức, có tài giữ các vị trí lãnh đạo, đặc biệt là người đứng đầu, có cơ chế, chính sách phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài. 

Đảng ta đã ban hành nhiều nghị quyết, đề án về cán bộ, trong đó có nội dung về thu hút, trọng dụng nhân tài, như: Nghị quyết số 27-NQTW ngày 6-8-2008 Về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19-5-2018 của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Qua đó đã góp phần quan trọng vào việc khơi dậy những phẩm chất, truyền thống tốt đẹp của con người Việt Nam cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, mở rộng quan hệ đối ngoại, hợp tác với các nước trong khu vực và trên thế giới, nâng cao vị thế, uy tín, tiềm lực của đất nước. 

Đến Đại hội XIII, Đảng ta nhấn mạnh: “Tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài”(3). Quán triệt tinh thần Đại hội XIII về trọng dụng nhân tài, trên cơ sở kế thừa truyền thống của ông cha và vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác này, bài viết đề xuất một số phương hướng, biện pháp cơ bản sau. 

Một làcó cơ chế, chính sách đúng đắn, hợp lý để thu hút nhân tài phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước

Trong thời gian qua, Đảng, Nhà nước và các cơ quan, ban ngành đã có nhiều chính sách thiết thực, cụ thể về trọng dụng, thu hút nhân tài phục vụ phát triển đất nước như: thực hiện chế độ tiền lương, bổ nhiệm lãnh đạo, quản lý, xây dựng các trung tâm nghiên cứu, tổ chức hội nghị để lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học trong hiến kế, tháo gỡ những “nút thắt” còn vướng mắc về mặt cơ chế, chính sách… Tuy nhiên các hoạt động còn thiếu tính hệ thống và không mang tính chuyên ngành. Do đó, những cơ chế, chính sách trọng dụng nhân tài cần kịp thời, minh bạch, dân chủ; phát huy được năng lực, sở trường, thế mạnh của các đối tượng. 

Phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương trong thu hút, trọng dụng nhân tài, phù hợp với từng ngành, lĩnh vực, địa phương. Người đứng đầu cần có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức trong sáng, năng lực nổi bật, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám hành động vì lợi ích chung. Đó chính là cánh cửa mở ra để nhân tài cống hiến tài năng, sở trường, thế mạnh của mình cho ngành, lĩnh vực mà mình có đam mê, nhiệt huyết, theo đuổi.

Người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương công tâm, khách quan trong thu hút, sử dụng, đãi ngộ nhân tài. Cần cónhững tiêu chí cụ thể trong thực hiện tuyển chọn người tài. Trong đánh giá hiệu quả công việc của nhân tài, cần có sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân. Việc tôn vinh nhân tài (qua các giải thưởng, danh hiệu) cũng cần đúng thực chất, tránh những hiện tượng tiêu cực, bệnh hình thức.

Hai là, đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, nhất là ở bậc đại học

Đại hội XIII của Đảng đặc biệt nhấn mạnh việc đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo “Tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài”(4). Ở các bậc học, nhất là bậc học trung học phổ thông, giáo viên và phụ huynh học sinh phải định hướng tương lai cho con em mình trong việc chọn lựa ngành nghề phù hợp với năng lực, thế mạnh của bản thân, từ đó tập trung đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu về một ngành, lĩnh vực để có đầy đủ kiến thức, kỹ năng sau khi hoàn thành khóa học. Các trường cao đẳng, đại học cần làm tốt công tác xây dựng chương trình đào tạo phù hợp với trình độ nhận thức của người học, đáp ứng nhu cầu của xã hội, của quá trình hội nhập quốc tế, phát triển kinh tế tri thức. 

Theo đó, cần tiến hành rà soát chương trình đào tạo đại học để có những điều chỉnh, bổ sung phù hợp; tăng cường thời gian thực hành, giảm thời gian học lý thuyết; gắn quá trình đào tạo với hoạt động thực tập; đẩy mạnh các hoạt động hợp tác, liên doanh, liên kết giữa các trường, các chuyên ngành đào tạo với nhau và với doanh nghiệp; tuyển học sinh vào đào tạo phải bảo đảm chất lượng. Các cơ sở giáo dục cần phát triển hơn nữa vào các ngành nghề chất lượng cao, như: lĩnh vực kỹ thuật số, công nghệ thông tin, năng lượng, vật liệu mới, công nghệ sinh học... 

Ba là, tăng cường quản lý nhà nước đối với công tác tuyển chọn, sử dụng nhân tài

Nhà nước ban hành cơ chế, chính sách đãi ngộ, sử dụng nhân tài, do đó, Nhà nước cần phân cấp, giao nhiệm vụ cho các cơ quan, ban, ngành tiến hành quản lý, sử dụng một cách hiệu quả, không để xảy ra hiện tượng “chảy máu chất xám”; xây dựng cơ chế, ban hành quy định yêu cầu nhân tài phải đề cao lợi ích của quốc gia, dân tộc, toàn tâm, toàn ý phục vụ sự nghiệp xây dựng đất nước. Có cơ chế kiểm tra, giám sát việc thực thi chính sách trọng dụng nhân tài và hiệu quả làm việc của nhân tài, nếu không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thì sắp xếp, bố trí ở những vị trí khác. 

Nhà nước cần xây dựng cơ chế tạo sự liên kết giữa cơ sở đào tạo và các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị có nhu cầu sử dụng nguồn lao động chất lượng cao. Các cơ sở đào tạo cần tăng cường các biện pháp để thu nhận thông tin phản hồi về mức độ hài lòng của các tổ chức sử dụng lao động đối với “sản phẩm” đầu ra của các cơ sở đào tạo. 

__________________

(1), (4) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.II, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.324-325, 115.

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.4, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.115.

(3) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.115.

TS BÙI XUÂN DŨNG

Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền