Trang chủ    Thực tiễn    Kinh nghiệm phát huy sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam qua thực tiễn ứng phó với đại dịch Covid-19
Thứ sáu, 05 Tháng 8 2022 10:47
1389 Lượt xem

Kinh nghiệm phát huy sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam qua thực tiễn ứng phó với đại dịch Covid-19

(LLCT) - Phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam chính là phát huy nguồn lực từ các giá trị văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần Việt Nam. Phát huy các giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam làm nên sức mạnh nội sinh, tạo động lực cho sự phát triển đất nước. Bài viết bước đầu đúc kết kinh nghiệm phát huy sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam qua ứng phó đại dịch Covid-19, từ đó đề xuất các giải pháp nhằm ứng phó với những khủng hoảng trong tương lai.

Trong khó khăn của đại dịch Covid-19, đã xuất hiện nhiều nghĩa cử cao đẹp, thấm đậm tình đồng chí, nghĩa đồng bào, lay động lòng người, phát huy được tinh thần nhân nghĩa - Ảnh: nhandan.vn

Đại dịch Covid-19 bùng phát trên thế giới vào cuối năm 2019 và tác động tiêu cực đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, nhất là trong năm 2021. Với tốc độ lây nhiễm nhanh chóng, đòi hỏi các nước phải có những giải pháp thích ứng đồng bộ để chung sống với dịch bệnh một cách an toàn nhất, đồng thời bảo đảm duy trì ổn định trên mọi lĩnh vực.

Nhìn từ thực tiễn, Việt Nam đã duy trì tăng trưởng suốt ba thập kỷ, đứng vững qua cuộc khủng hoảng tài chính châu  Á và cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, tiến tới mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập trung bình. Cuộc suy thoái toàn cầu trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn ra nghiêm trọng, song cũng không thể cản những kỳ tích của Việt Nam. Thành tích trên mặt trận chống đại dịch Covid-19 là cộng hưởng của nhiều yếu tố, trong đó có việc phát huy giá trị, sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam.

1. Sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam

Trong tuyên bố về chính sách văn hóa tại Hội nghị quốc tế về chính sách văn hóa của UNESCO, các nhà khoa học đã định nghĩa: “Văn hóa là tổng thể những nét đặc thù về tinh thần và vật chất, về trí tuệ và xúc cảm quy định tính cách của một xã hội hay của một nhóm xã hội. Văn hóa bao gồm nghệ thuật và văn chương, những lối sống, những quyền cơ bản của con người, những hệ thống giá trị, truyền thống và tín ngưỡng… Văn hóa đem lại cho con người khả năng suy xét về bản thân. Chính văn hóa làm cho chúng ta trở thành những sinh vật đặc biệt - con người, có lý tính, có óc phê phán và dấn thân một cách đạo lý. Chính nhờ văn hóa mà con người tự thể hiện, tự ý thức được bản thân, tự biết mình là một phương án chưa hoàn thành đặt ra để xem xét những thành tựu của bản thân, tìm kiếm không mệt mỏi những ý nghĩa mới mẻ và sáng tạo nên những công trình vượt qua cả giới hạn của bản thân”(1).

Như vậy, bản chất của văn hóa là nhân văn, sáng tạo, thể hiện vẻ đẹp phẩm chất người, sức mạnh người của con người trong quá trình phát triển lịch sử. Một sự phát triển chân chính đòi hỏi phải sử dụng một cách tối ưu nhân lực và vật lực của mỗi cộng đồng. Vì vậy, suy đến cùng, động lực và mục đích của phát triển phải được tìm trong văn hóa.

“Sức mạnh mềm” là khái niệm do giáo sư người Mỹ Giôxép Nai (Joseph Nye), nguyên Hiệu trưởng Trường Quản trị công J.F. Kennedy, thuộc Đại học Harvard (Mỹ), nguyên trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đưa ra vào đầu thập niên 90 thế kỷ XX. Theo đó, “sức mạnh mềm” là khả năng tạo sức hấp dẫn, lôi cuốn, thu hút để các nước khác “tự nguyện” thay đổi hành vi, chính sách phù hợp với điều mà mình muốn, thay vì cưỡng bức thông qua sức mạnh kinh tế và quân sự.

Khác với “sức mạnh cứng” là áp đặt, cưỡng bức, sức mạnh mềm là khơi gợi, thu hút, là tự giác đi theo. Sức mạnh mềm và sức mạnh cứng củng cố, bổ sung, tăng cường cho nhau và khi được kết hợp một cách hiệu quả sẽ tạo nên sức mạnh tổng hợp của quốc gia. Do vậy, khi bàn về sức mạnh mềm, cần đặt khái niệm này trong tổng thể sức mạnh quốc gia và trong mối quan hệ với sức mạnh cứng.

Có thể thấy, “sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam” là khả năng huy động, phát huy những giá trị văn hóa vật chất, tinh thần của dân tộc đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam; lan tỏa các giá trị văn hóa dân tộc Việt Nam đến các quốc gia trên thế giới, đồng thời tăng cường uy tín, vị thế của Việt Nam trong các quan hệ quốc tế.

Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: Để thực hiện thành công phát triển nhanh và bền vững, cần phải xử lý tốt mối quan hệ biện chứng giữa văn hóa, con người và phát triển; cần phải “... Phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam; khơi dậy mạnh mẽ khát vọng phát triển của dân tộc, tinh thần yêu nước, tự hào, ý chí tự cường và lòng nhân ái, tinh thần đoàn kết, đồng thuận xã hội; xây dựng môi trường và đời sống văn hóa phong phú, đa dạng, văn minh, lành mạnh, hội nhập quốc tế; đề cao ý thức, trách nhiệm, đạo đức xã hội, sống và làm việc theo pháp luật”(2).

Sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam là một trong những sức mạnh nội tại đặc biệt. Lần đầu tiên thuật ngữ “sức mạnh mềm”, “phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam” xuất hiện trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng: “…xác định và phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam”.

Trong bài phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc (tháng 11-2021), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: Đứng trước những thời cơ và thách thức mới, yêu cầu khách quan của sự nghiệp cách mạng nước ta là phải tiếp tục xây dựng, giữ gìn và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự là “nền tảng tinh thần”, “động lực phát triển”, và “soi đường cho quốc dân đi”; phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, thịnh vượng, tạo ra sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc để tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, thực hiện thành công mục tiêu đưa nước ta trở thành quốc gia phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ XXI.

Như vậy, vai trò nền tảng tinh thần của văn hóa ở nước ta hiện nay được biểu hiện qua “sức mạnh mềm” của văn hóa Việt Nam đang tác động to lớn đến sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước. Ý nghĩa sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam được xác định là toàn bộ ý chí, khát vọng phấn đấu vì chủ quyền đất nước, vì sự sinh tồn và phát triển của dân tộc, vì một Việt Nam thịnh vượng, nêu cao truyền thống độc lập, tự chủ, tự cường, đoàn kết, gắn bó keo sơn, muôn người như một, gắn kết gia đình - làng xã.

Có thể khẳng định, nguồn gốc của sự giàu có không chỉ là tài nguyên thiên nhiên, vốn, kỹ thuật và công nghệ mà yếu tố ngày càng có ý nghĩa quan trọng và quyết định là nguồn lực văn hóa, con người, cụ thể là tiềm năng sáng tạo của con người. Tiềm lực sáng tạo này nằm trong văn hóa, trí tuệ, đạo đức, tâm hồn, nhân cách, lối sống, thị hiếu thẩm mỹ, ý chí, nghị lực và sự thành thạo kỹ năng, phát triển tài năng của cá nhân và cả cộng đồng.

Trong thời kỳ đổi mới, Đảng ta xác định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là sức mạnh mềm, sức mạnh nội sinh chính là đề cao vai trò nguồn lực văn hóa trong phát triển đất nước. Vì vậy, hệ thống di sản văn hóa, các giá trị văn hóa Việt Nam truyền thống và hiện đại luôn được quan tâm và được coi là nguồn vốn quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Như vậy, nói đến sức mạnh mềm của văn hóa là nói đến sức mạnh văn hóa con người Việt Nam, bởi con người là nhân tố quyết định, luôn phát huy và tạo ra các giá trị, làm nên sức mạnh, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển và các thành quả của sự phát triển luôn hướng đến con người, vì hạnh phúc của con người.

2. Phát huy sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam trong đại dịch Covid-19

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, cả hệ thống chính trị đã đoàn kết, thống nhất triển khai quyết liệt nhiều biện pháp đồng bộ, vừa ngăn chặn, hạn chế tốc độ lây lan của dịch bệnh Covid-19, vừa bảo đảm thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh, an toàn xã hội. Do kịp thời ứng phó với đại dịch, luôn lắng nghe ý kiến đóng góp của nhân dân và không ngừng đổi mới, chúng ta đã thu được nhiều kết quả tích cực, thể hiện sức mạnh đoàn kết dân tộc. Các thành quả của công cuộc phòng chống dịch bệnh, phát triển đất nước trong lúc khó khăn đã được nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.

Trước hết là lòng yêu nước, đức hy sinh cao cả, tinh thần đoàn kết, lối sống nhân nghĩa. Khi xác định chống dịch Covid-19 như chống giặc, mỗi người dân trở thành một chiến sĩ, mỗi nhà, mỗi thôn xóm là một pháo đài. Lực lượng tuyến đầu đã không quản ngày đêm đối diện với bao khó khăn gian khổ, nguy cơ lây nhiễm bệnh, gác lại lợi ích bản thân, sẵn sàng dấn thân vào trận chiến chống Covid-19 để bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân. Thực hiện lời hiệu triệu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cán bộ, chiến sỹ và nhân dân cả nước không phân biệt thành phần, tuổi tác, giới tính, dân tộc, tôn giáo đã đoàn kết một lòng, chung một ý chí “chống dịch như chống giặc”. 

Trong khó khăn ấy, đã xuất hiện nhiều nghĩa cử cao đẹp, thấm đậm tình đồng chí, nghĩa đồng bào, lay động lòng người, phát huy được tinh thần nhân nghĩa. Hàng triệu “phần quà đại đoàn kết”, “túi an sinh”, hàng vạn tấn lương thực, thực phẩm, hàng nghìn tấn trang thiết bị y tế của đồng bào, chiến sỹ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài đã được vận chuyển vào vùng dịch, chia sẻ khó khăn với nhân dân những vùng gặp khó khăn do đại dịch. Cộng đồng doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, cán bộ, chiến sỹ và nhân dân cả nước đã ủng hộ hàng chục nghìn tỷ đồng để mua vắcxin và tiêm miễn phí cho người dân.

Do dịch bệnh chưa có tiền lệ, lây lan nhanh, cực kỳ nguy hiểm, tính đến thời điểm đỉnh dịch tại làn sóng dịch lần thứ tư, đã có hàng triệu người nhiễm Covid-19, dịch bệnh đã cướp đi sinh mạng của hàng vạn người dân Việt Nam. Thấu cảm những đau thương, mất mát to lớn ấy, nhân dân ta càng gắn kết, sẻ chia và thấm thía hơn, biến nỗi đau thành ý chí quyết tâm vượt qua mọi khó khăn của đại dịch để vừa xây dựng phát triển đất nước, vừa ngăn chặn đẩy lùi dịch bệnh.

Là một thành viên tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã quan tâm, chia sẻ, bày tỏ cảm thông sâu sắc với cộng đồng quốc tế đang phải hứng chịu tổn thất nặng nề của dịch bệnh. Việt Nam đã hỗ trợ, ủng hộ nhiều nước các trang thiết bị, vật tư y tế, góp phần phòng, chống đại dịch.

Thứ hai là tinh thần sáng tạo, luôn đổi mới thích ứng linh hoạt. Để kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, vừa nỗ lực khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội và giải quyết hậu quả nặng nề của dịch bệnh, trong làn sóng dịch lần thứ hai, thứ ba, chúng ta tuân thủ các quy tắc 5K và lối sống lành mạnh, khoanh vùng, dập dịch. Đến làn sóng dịch lần thứ tư, nhất là vào đầu tháng 5-2021 khi xuất hiện biến thể mới làm dịch lây lan nhanh trên diện rộng và khó kiểm soát, chúng ta áp dụng phương châm 5K và vắcxin, chuyển từ truy vết bị động sang chủ động xét nghiệm, xét nghiệm diện rộng để phát hiện F0 trong cộng đồng; từng bước chuyển đổi phương thức điều trị, cách ly F1 và F0 không triệu chứng tại nhà có điều kiện; áp dụng mô hình bệnh viện 3 tầng, 4 tầng, 5 tầng tùy theo tình hình và điều kiện thực tế; phát huy vai trò của y tế cơ sở, y tế cộng đồng để giảm tải cho tuyến trên cũng như giảm tỷ lệ tử vong cho bệnh nhân.

Việc chăm sóc, tư vấn sức khỏe cộng đồng không quản ngày đêm của đội ngũ cán bộ chuyên trách, mô hình khám chữa bệnh trực tuyến đã phát huy hiệu quả. Trong thời gian giãn cách, để khoanh vùng dập dịch, mỗi người dân, mỗi gia đình, doanh nghiệp, thậm chí cả đất nước phải chịu những tổn thất về kinh tế, về lợi ích và nhịp độ phát triển. Nhưng nhờ có sự đồng lòng nhất trí, coi trọng sức khỏe của nhân dân lên trên hết mà chúng ta đã thành công khi không để dịch bùng phát diện rộng. Việt Nam đã trải qua đỉnh dịch, tiêm phủ vắcxin trên diện rộng, bắt đầu tạo được miễn dịch cộng đồng để trở lại trạng thái bình thường mới, cùng sống chung với đại dịch.

Trong quản lý hành chính, điều hành hệ thống, nhờ chuyển đổi số và áp dụng hiệu quả các phần mềm trực tuyến chuyên dụng mà các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội vẫn diễn ra nhịp nhàng. Đã có nhiều đổi mới sáng tạo trong sản xuất để thích ứng với đại dịch như thực hiện “3 tại chỗ”, mô hình “một cung đường hai điểm đến”, duy trì chuỗi cung ứng trong nước cũng như hệ thống mắt xích cung ứng của khu vực và thế giới.

Nhờ các biện pháp an sinh phù hợp mà giá cả các mặt hàng thiết yếu được kiểm soát, chất lượng và số lượng bảo đảm để nhân dân cả nước an tâm cùng chính quyền kiểm soát dịch bệnh. Áp dụng hiệu quả thành quả của công nghệ thông tin trong giáo dục, đào tạo cũng giúp hệ thống giáo dục hoạt động thông suốt trong thời gian dài v.v..

Thứ ba là triển khai đồng bộ các phương tiện, biện pháp để ngăn chặn, đẩy lùi các nguy cơ, thách thức đe dọa an ninh quốc gia, an ninh con người. Trong đại dịch Covid-19, khi các thế lực thù địch, phản động ráo riết thực hiện hàng loạt các hoạt động chống phá, Đảng, Nhà nước ta đã kịp thời chỉ đạo Bộ Công an thực hiện các biện pháp cần thiết để ngăn chặn, đẩy lùi các hoạt động chống phá. Từ phản ánh của người dân cùng với tinh thần cảnh giác của cả hệ thống chính trị, chúng ta đã phát hiện các hành vi tham nhũng, tiêu cực, trục lợi trong thực hiện chính sách phòng, chống dịch Covid-19, triệt phá được nhiều vụ án lớn, nhỏ, khắc phục kịp thời những hệ lụy to lớn cả về vật chất, tinh thần, thậm chí liên quan đến an nguy của nhiều cá nhân, tổ chức.

Sau khi đại dịch trong nước được kiểm soát, tác động của hậu Covid-19 cũng để lại không ít hệ lụy, lực lượng tuyến đầu vẫn xung phong lên đường tới hỗ trợ nhân dân những nơi cần khắc phục tình hình hậu Covid-19, nền kinh tế chịu nhiều ảnh hưởng, lạm phát gia tăng ảnh hưởng đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội, nhưng mỗi người dân cùng chính quyền các cấp vẫn miệt mài sáng tạo, không ngừng cống hiến, đoàn kết đồng lòng để phục hồi nền kinh tế, phát triển xã hội.

Có thể thấy, việc phát huy truyền thống nhân văn, sức sáng tạo, truyền thống tốt đẹp với các giá trị văn hóa, sức mạnh con người của con người Việt Nam trong bối cảnh đại dịch đã giúp chúng ta lần lượt trải qua và thích ứng tốt với các tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19.

3. Kinh nghiệm phát huy hiệu quả sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam trong ứng phó với khủng hoảng trong tương lai

Nâng cao nhận thức của mỗi người dân về vai trò sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam

Việc nâng cao nhận thức của người dân về các giá trị văn hóa Việt Nam bao gồm cả các giá trị vật chất và tinh thần, trong đó chỉ ra một cách dễ hiểu nhất về sức mạnh mềm, sức mạnh nội sinh có vai trò tạo động lực cho sự phát triển của cá nhân và cộng đồng. Có nhiều phương thức khác nhau nhưng thông qua các chương trình giáo dục, truyền thông, các lễ hội, các sản phẩm văn hóa, văn nghệ là những phương thức phổ biến. Nhất là trong chuyển đổi số, những sản phẩm văn hóa được giới thiệu trên truyền thanh, truyền hình, báo điện tử, được đầu tư công phu, có chất lượng sẽ tạo sức mạnh lan tỏa rất nhanh, hiệu quả. Khi tất cả các giá trị văn hóa được thấm sâu vào mỗi con người, mỗi hoạt động, mỗi không gian, môi trường văn hóa sẽ tạo ra sự tự giác, thói quen hành vi tích cực cho các hoạt động cải tạo xã hội nói chung, trong đẩy lùi dịch bệnh nói riêng cũng như tạo sức mạnh nội lực ứng phó với khủng hoảng tương tự Covid-19.

Đổi mới công tác lãnh đạo, quản lý

Tiếp tục cải tiến công tác dự báo, nắm tình hình dịch bệnh, thiên tai, diễn biến của các vấn đề nguy cơ. Chủ động xây dựng chương trình tổng thể, có tính dài lâu về phòng chống tình huống khủng hoảng, có kịch bản, phương án, chuẩn bị nguồn lực con người, cơ sở vật chất, cách vận hành, tổ chức diễn tập chủ động, làm tốt công tác bảo đảm an sinh xã hội, không để sót người cần hỗ trợ, kết hợp vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế, thích ứng với tình hình mới. Giữ vững ổn định chính trị - xã hội, trật tự an toàn  xã hội.

Để làm được những điều đó, cần gần dân, lắng nghe, tiếp thu ý kiến của nhân dân nhất là các thông tin liên quan đến sức khỏe, an nguy của người dân, qua đó phát huy hiệu quả sức mạnh tổng hợp của cộng đồng. Việc ứng xử với người dân bên cạnh việc áp dụng các quy tắc phòng chống dịch bệnh hay các vấn đề mới nảy sinh khác cũng cần được chú ý, nhất là phong tục, tập quán, thói quen… để các nghị quyết, chỉ thị, chính sách về phòng chống dịch bệnh, an sinh xã hội trước các vấn đề mới nảy sinh được dân hiểu đúng, hiểu thấu, để dân tin và làm theo, khi đó hiệu quả công tác lãnh đạo, quản lý trong phòng chống dịch cũng như ứng phó với khủng hoảng tương tự Covid-19 sẽ được nâng cao.

Thực hiện tốt chiến lược truyền thông có chọn lọc

Trên cơ sở nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trên nhiều lĩnh vực truyền thông tích cực, đa diện trong bối cảnh đại dịch đã góp phần nâng cao hiểu biết, tăng cường nhận thức đúng đắn của cộng đồng, cơ quan, tổ chức về dịch bệnh để từ đó ý thức phòng chống dịch, bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình, cộng đồng ngày càng được nâng cao. Đây cũng là kênh giáo dục cộng đồng kịp thời và phát huy hiệu quả hơn cả trong bối cảnh giãn cách phòng chống dịch. Vấn đề là cần chọn lựa nội dung phù hợp, ngôn từ dễ nhớ, dễ thuộc, gây chú ý, có tác dụng khơi dậy tinh thần dân tộc, ý chí, nghị lực, tình cảm yêu thương và khát vọng cống hiến, tạo động lực để mọi người ngày càng đồng lòng, quyết chí, không ngừng sáng tạo, cùng đẩy lùi dịch bệnh, khắc phục các tác động tiêu cực, khủng hoảng.

Phát huy mạnh mẽ sức mạnh tổng hợp của các chủ thể

Tinh thần yêu nước, tính tích cực xã hội, trách nhiệm với cộng đồng, không ngừng sáng tạo và thích ứng là những giá trị văn hóa có vai trò như sức mạnh mềm cần được phát huy, chỉ có như vậy mỗi người dân mới trở thành một chiến sĩ trong cuộc chiến đẩy lùi dịch bệnh, ứng phó với các khủng hoảng tương tự Covid-19. Dẫu có thiệt thòi, dù có thể phải đánh đổi sự an nguy tính mạng, hy sinh lợi ích riêng nhưng vì một xã hội an toàn, phát triển bền vững, mỗi người dân sẽ đều tự nguyện, đồng lòng, quyết chí, đoàn kết tạo sức mạnh đồng bộ để thích ứng và chiến thắng mọi khủng hoảng tương tự Covid-19. Tinh thần tương thân tương ái, yêu thương cộng đồng sẽ giúp mỗi người hành động trách nhiệm hơn, tuân thủ các quy tắc ứng phó với những khó khăn mới nảy sinh.

Để có thể phát huy được các giá trị tốt đẹp đó, bên cạnh sự định hướng của Đảng, quản lý của Nhà nước, thì việc nêu gương bằng những hành động, việc làm của đội ngũ cán bộ, đảng viên làm công tác văn hóa, của những cán bộ nơi tuyến đầu phòng chống dịch sẽ là nguồn cảm hứng, có tác dụng lan tỏa đến tình cảm, nhận thức người dân.

Cần kiên quyết lên án, loại bỏ ra khỏi cộng đồng tư tưởng lợi ích nhóm, trục lợi trong lúc cả nước đang phải gồng mình chống dịch. Vì vậy, tinh thần cảnh giác, đấu tranh không khoan nhượng với những tư tưởng xấu, tiêu cực, cản trở sự phát triển cần được tiếp tục để phát huy những giá trị tốt đẹp trong mỗi con người Việt Nam trong mọi hoàn cảnh, nhất là khi đất nước gặp khó khăn.

Chúng ta khẳng định tính đúng đắn về quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Văn hóa là bản sắc của dân tộc, văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất”. Cụ thể hơn, trong đại dịch Covid-19, các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, sức mạnh con người Việt Nam đều được phát huy: tinh thần yêu nước, đoàn kết, hy sinh, trách nhiệm, nhân nghĩa, tương thân tương ái, dũng cảm đấu tranh với những biểu hiện sai trái, khát vọng vì một đất nước bình yên, phát triển bền vững… đã tạo nên sức mạnh tổng hợp, sức mạnh mềm giúp chúng ta khắc phục những ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch để thích ứng với tình hình mới.

__________________

(1) Dương Phú Hiệp (Chủ biên): Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu văn hóa và con người Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2012, tr.35-36.

(2) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.221-222.

ThS TÔ THỊ THANH THỦY

Viện Văn hóa và Phát triển,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền