Trang chủ    Thực tiễn    Ứng dụng mô hình kinh tế chia sẻ vào hợp tác xã để kiến tạo cuộc sống thịnh vượng, hạnh phúc
Thứ sáu, 29 Tháng 7 2022 12:31
992 Lượt xem

Ứng dụng mô hình kinh tế chia sẻ vào hợp tác xã để kiến tạo cuộc sống thịnh vượng, hạnh phúc

(LLCT) - Mô hình kinh tế chia sẻ là một hình thức kinh tế mới, trong đó tài sản và dịch vụ được chia sẻ cho nhiều người sử dụng trên thị trường thông qua việc sử dụng các nền tảng số. Ứng dụng mô hình kinh tế chia sẻ có thể khắc phục những hạn chế của mô hình hợp tác xã ở nước ta hiện nay. Bài viết phân tích những đặc trưng của mô hình kinh tế chia sẻ, sự cần thiết và giải pháp để ứng dụng mô hình kinh tế chia sẻ vào hợp tác xã nông nghiệp ở nước ta nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh, nâng cao đời sống người dân. Bài viết là kết quả nghiên cứu của đề tài cấp quốc gia: “Đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp ứng dụng mô hình kinh tế chia sẻ vào hoạt động của hợp tác xã trong sản xuất nông nghiệp”, do PGS, TS Đỗ Minh Cương làm Chủ nhiệm.

Ứng dụng mô hình kinh tế chia sẻ vào hợp tác xã nông nghiệp để nâng cao năng lực kinh doanh và quản trị tổ chức là rất cần thiết - Ảnh: vnanet.vn

1. Kinh tế chia sẻ và mô hình kinh tế chia sẻ

Kinh tế chia sẻ (KTCS) truyền thống có từ cách đây hàng trăm năm, khi các cộng đồng người tổ chức hoạt động chung theo các nguyên tắc công bằng, hợp tác, san sẻ, giúp đỡ lẫn nhau trong lao động và đời sống. Tiêu biểu cho hình thức KTCS truyền thống là mô hình hợp tác xã (HTX) và công ty cổ phần ở các nước tư bản chủ nghĩa và XHCN trong thế kỷ XIX-XX. Nửa cuối thế kỷ XX, với sự phát triển mạnh mẽ của internet, xuất hiện nhiều doanh nghiệp cung cấp hạ tầng thông tin xã hội và nền tảng thương mại xuyên biên giới với giá rất rẻ, KTCS có sự phát triển mới với sự ra đời của sàn thương mại điện tử kinh doanh trực tuyến do các tập đoàn xuyên quốc gia sở hữu và quản lý như Ebay, Amazon (Mỹ), Flipkart (Ấn Độ), Alibaba (Trung Quốc)...

Mô hình KTCS là hình thức hiện đại của KTCS xuất hiện rõ nét vào đầu thế kỷ XXI với sự ra đời của các mạng xã hội như Facebook, Youtube, Tiktok, Zalo... Trên các nền tảng mạng xã hội này, nhiều doanh nghiệp đã tạo nên các nền tảng hoạt động kinh doanh, phát triển cộng đồng khách hàng lớn với chi phí thấp nhằm tối ưu hóa các nguồn lực và tài sản của xã hội. Mô hình KTCS ra đời và phát triển nhanh chóng bởi các doanh nghiệp cung cấp nền tảng kinh doanh trực tuyến, quản trị phi tập trung như Uber, Grab trong vận tải, Airbnb trong chia sẻ phòng ở, khách sạn, Wework - chia sẻ phòng làm việc, KickStarter - gọi vốn đầu tư từ cộng đồng, các doanh nghiệp chia sẻ tài chính phi tập trung (DeFi)... 

Hiện tại, KTCS được hiểu là một hình thức kinh tế mới, trong đó tài sản và dịch vụ được chia sẻ cho nhiều người sử dụng trên thị trường thông qua việc sử dụng các nền tảng số. Mô hình KTCS là một hệ thống quản trị kinh doanh mới và là một hình thức phát triển cao của nền KTCS.

Quy mô và tầm ảnh hưởng của kinh tế chia sẻ ngày càng lớn trên thế giới với nhiều hình thức hoạt động đa dạng. Theo nghiên cứu của Alex Stephany (2018), chỉ riêng ở Mỹ, nền kinh tế chia sẻ hoặc “tiêu dùng hợp tác” cho phép mọi người thu được hơn 15 tỷ USD mỗi năm bằng cách thuê và bán những gì họ sở hữu, như xe hơi, nhà cửa đến tiền bạc và thời gian. Theo hãng kiểm toán quốc tế PwC, nền kinh tế chia sẻ sẽ phát triển thành một thị trường trị giá 335 tỷ USD vào năm 2025 ở Mỹ. Tạp chí Time gọi đó là một trong 10 ý tưởng sẽ thay đổi thế giới.

Theo báo cáo của Chính phủ Trung Quốc, năm 2019, có khoảng 800 triệu người tham gia nền KTCS, có nghĩa là hơn một nửa dân số Trung Quốc. Khối lượng giao dịch trong nền KTCS của Trung Quốc năm 2020 khoảng 3,38 nghìn tỷ nhân dân tệ (522,47 tỷ USD), tăng 2,9% so với cùng kỳ năm 2019, chiếm 10% GDP(1). Nền KTCS tại Trung Quốc có mức độ phát triển nhanh, nóng và quy mô lớn nhất thế giới.

Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, hàng triệu doanh nghiệp bị dừng hoạt động hoặc phá sản, nhưng nhìn chung mô hình KTCS vẫn tăng trưởng, số doanh nghiệp mới trị giá hàng tỷ, chục tỷ USD vẫn tăng lên. Theo dữ liệu của CB Insights - công ty chuyên theo dõi startup, tính đến tháng 8-2021, thế giới có hơn 400 startup kỳ lân (doanh nghiệp khởi nghiệp dựa trên các nền tảng công nghệ được định giá từ 1 tỷ USD trở lên). Trong 10 doanh nghiệp lớn nhất, Bytedance (Trung Quốc) - chủ của dịch vụ chia sẻ video clip ngắn Tiktok đứng đầu, được định giá 140 tỷ USD; Didi Chuxing (Trung Quốc) phát triển ứng dụng chia sẻ vận tải xe công nghệ đứng thứ 2, được định giá 56 tỷ USD. Năm doanh nghiệp tiếp theo hoạt động theo mô hình KTCS được định giá từ 16 tỷ USD trở lên là Stripe (Mỹ) dịch vụ thanh toán trực tuyến, xếp thứ 4; Airbnb (Mỹ) - chia sẻ phòng ở, xếp thứ 6; thứ 7 là Kuaishou (Trung Quốc) - mạng xã hội chia sẻ video Kuaishou; thứ 9 là One97 Communications - doanh nghiệp cung cấp nền tảng thanh toán điện tử hàng đầu của Ấn Độ; thứ 10 là DoorDash (Mỹ) - một trong những công ty giao đồ ăn hàng đầu tại Mỹ trên nền tảng số(2)

Ở Việt Nam, các doanh nghiệp được tổ chức theo mô hình KTCS trong ngành vận tải, dịch vụ như: Grab, Gojek, Bee, Giao hàng nhanh...; trong lĩnh vực thương mại điện tử, hình thức bán hàng online, live stream trên các mạng xã hội như Youtube, Facebook, Tiktok... đã thích ứng, phát triển nhanh và đạt hiệu quả cao ngay trong điều kiện đại dịch... 

Thực tiễn cho thấy, mô hình KTCS có sức chống đỡ và thích nghi tốt với đại dịch Covid-19 và môi trường kinh doanh biến động mạnh. Nó là sản phẩm của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, của chuyển đổi số và đồng thời là một tác nhân, động lực thúc đẩy chuyển đổi số trong nền kinh tế.

2. Sự cần thiết ứng dụng mô hình kinh tế chia sẻ vào hợp tác xã nông nghiệp nước ta 

Theo Sách trắng HTX Việt Nam năm 2021 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số vốn đầu tư cho sản xuất kinh doanh của khu vực HTX năm 2019 là 225.783 tỷ đồng, đạt doanh thu thuần là 99.929 tỷ đồng, tổng số lợi nhuận trước thuế của 14.388 HTX đang hoạt động là 2.663 tỷ đồng, tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu thấp, chỉ đạt 2,7%/năm. Trong khi đó, khu vực doanh nghiệp sử dụng tổng vốn đầu tư là 43,3 triệu tỷ đồng, tạo ra doanh thu thuần 26,3 triệu tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 889,9 nghìn tỷ đồng, tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu là 3,4% năm(3).

Thu nhập bình quân đầu người/tháng của HTX giai đoạn 2016-2019 là 4,43 triệu đồng, chỉ bằng 47,3% so với mức bình quân của khu vực doanh nghiệp (9,3 triệu đồng). Phân theo khu vực kinh tế thì HTX nông, lâm nghiệp và thủy sản có thu nhập thấp nhất là 2,43 triệu đồng/tháng, chỉ bằng 43% thu nhập bình quân của lao động khu vực doanh nghiệp nông, lâm nghiệp và thủy sản (5,6 triệu đồng). 

Tuy nhiên, HTX có khả năng tạo việc làm, duy trì được sinh kế nhiều hơn so với doanh nghiệp, nhất là ở vùng kinh tế nông thôn khó khăn, vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo... Vì vậy, quan điểm của Đảng ta là phát triển kinh tế tập thể, HTX là tất yếu khách quan, có ý nghĩa chiến lược, lâu dài, là chủ trương xuyên suốt, nhất quán của Đảng và Nhà nước, là thành phần kinh tế quan trọng, phù hợp với cơ chế thị trường định hướng XHCN, cùng với kinh tế nhà nước giữ vai trò nền tảng trong nền kinh tế - xã hội ở nước ta, là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với các tầng lớp nhân dân(4)

Muốn kinh tế HTX phát triển cần nâng cao hiệu quả kinh doanh và mức thu nhập của người lao động trong HTX. Có thể thấy, nguyên nhân của thực trạng hiệu quả kinh doanh của HTX kém là phương thức sản xuất - kinh doanh lạc hậu, thiếu các công cụ và công nghệ tiên tiến, năng lực quản trị kinh doanh thấp và sự hỗ trợ chưa hiệu quả từ Nhà nước. Vì vậy, việc ứng dụng và phát triển công nghệ số và mô hình KTCS vào HTX nông nghiệp để nâng cao năng lực kinh doanh và quản trị tổ chức là rất cần thiết.

Mô hình KTCS hiện đại có các ưu điểm là: (1) giao kết giữa người dùng với người cung cấp dịch vụ bằng hợp đồng điện tử với ưu thế nhanh, tiện lợi, chi phí thấp, minh bạch; (2) KTCS hoạt động trên các nền tảng công nghệ số, yếu tố mà HTX chưa hoặc còn ít tiếp cận được; (3) khả năng phát triển quy mô tổ chức và thị trường kinh doanh của KTCS cao gấp nhiều lần HTX; (4) KTCS có tinh thần kinh doanh, tinh thần doanh nghiệp cao hơn nhiều so với mô hình HTX có mục tiêu là ổn định thu nhập và sinh kế trong nội bộ, ưu tiên bảo đảm việc làm và dịch vụ chung cho các thành viên; (5) mức thu nhập trung bình của người lao động trong mô hình KTCS cao hơn trong HTX.

Quyết định 749/QĐ-TTg năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đã xác định mục tiêu xây dựng nền kinh tế số, xã hội số, chính phủ số và một hệ thống các doanh nghiệp số, với các mục tiêu cụ thể: đến năm 2025, tỷ trọng của kinh tế số chiếm 20% và năm 2030 chiếm 30% GDP. Trong lĩnh vực kinh tế nông nghiệp và nông dân, nông thôn, Chương trình đã xác định nhiệm vụ: ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh và xem xét thử nghiệm triển khai sáng kiến “Mỗi nông dân là một thương nhân, mỗi hợp tác xã là một doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số”.

3. Định hướng, giải pháp ứng dụng mô hình kinh tế chia sẻ vào hợp tác xã nông nghiệp

Định hướng mục tiêu phát triển

Mô hình HTX có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của thế giới. Theo báo cáo năm 2021 của Liên đoàn HTX quốc tế (ICA), HTX liên tục phát triển ở các nước phát triển và đang phát triển; đã có hơn 3 triệu HTX, đóng góp hơn 10% GDP và bảo đảm đời sống cho hơn một nửa dân số thế giới. Thí dụ, ở Cộng hòa Liên bang Đức, hầu hết nông dân là thành viên HTX, sản xuất từ 30-90% sản lượng lương thực, thực phẩm, chiếm 35% thị phần tín dụng nông thôn; Hà Lan có 25,5 triệu thành viên HTX, gấp 1,5 lần dân số, đóng góp 18% GDP; Nhật Bản có 65 triệu thành viên HTX, gần 50% hộ gia đình ở Nhật Bản sử dụng dịch vụ của HTX; Thái Lan có 6.626 HTX nông nghiệp và phi nông nghiệp, đóng góp 13% GDP; Hoa Kỳ có 50.000 HTX, chiếm 25% thị phần nông sản chế biến và tiêu thụ...

Tổng thư ký Liên hợp quốc đánh giá: “HTX là một trào lưu có tổ chức lớn nhất của xã hội văn minh, đóng góp quan trọng trong việc đáp ứng nguyện vọng, nhu cầu của con người trong những nỗ lực phát triển kinh tế cân bằng sâu rộng ở các quốc gia nói riêng và thế giới nói chung”, “HTX là đối tác chính trong hệ thống của Liên hợp quốc, HTX là mô hình về tự trợ giúp và đoàn kết, đóng góp của HTX rất đặc biệt và vô giá”(5).

So với mô hình doanh nghiệp, lợi thế của HTX là mô hình tự quản, trợ giúp và đoàn kết một cách nhân ái trong kinh tế nông nghiệp với những cộng đồng nông thôn rộng lớn, ở những nơi có hoàn cảnh kinh tế khó khăn mà doanh nghiệp ít quan tâm. Điểm yếu của mô hình HTX sẽ được khắc phục khi nâng cao được tinh thần kinh doanh, ứng dụng công nghệ cao và các mô hình kinh doanh mới như mô hình KTCS. Tầm nhìn và mục tiêu chiến lược của kinh tế tập thể và HTX cần có sự kết hợp giữa các chỉ tiêu kinh tế với môi trường sinh thái và chất lượng sống ở vùng nông thôn. Quan điểm này cũng đã thể hiện trong Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó xác định mục tiêu phát triển nông nghiệp dựa trên ba trụ cột: nông nghiệp sinh thái, hiệu quả; nông thôn hiện đại; và nông dân văn minh.

Việt Nam có thể ứng dụng thành công mô hình KTCS vào HTX nông nghiệp với mục tiêu nâng cao mức độ hạnh phúc, theo 6 tiêu chí đang được sử dụng trong Báo cáo Hạnh phúc thế giới (World Happiness Report) của Liên hợp quốc: GDP bình quân đầu người, hỗ trợ xã hội, sự hào phóng, kỳ vọng sống lành mạnh, quyền tự do lựa chọn cuộc sống và nhận thức về tham nhũng(6). Đối với HTX, đó là các tiêu chí: (1) Thu nhập bình quân của thành viên HTX và người lao động thuê ngoài theo hợp đồng; (2) sự hỗ trợ và chia sẻ về nhận thức, tình cảm, kinh tế đối với xã viên; (3) sự hào phóng của các thành viên HTX qua các hoạt động chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau, các hoạt động từ thiện, vì cộng đồng; (4) khả năng sống lành mạnh, sức khỏe và tuổi thọ bình quân của thành viên HTX; (5) quyền tự do lựa chọn về đời sống và công việc của mỗi xã viên; (6) mức độ nhận thức và hành động vì sự trong sạch và chống tham nhũng, tiêu cực trong và liên quan tới HTX. 

Các giải pháp

Một là, củng cố nền tảng đạo đức trong HTX, phát huy sự chia sẻ giúp đỡ lẫn nhau, khuyến khích lối ứng xử và kinh doanh trung thực, tử tế, trọng tình nghĩa; tinh thần “tương thân, tương ái”, giúp đỡ người nghèo khó để “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Ứng dụng mô hình KTCS vào HTX nông nghiệp một cách khoa học và nhân văn, xây dựng nền tảng công nghệ 4.0 và năng lực quản trị theo tinh thần doanh nghiệp, góp phần nâng cao năng suất lao động và hiệu quả kinh doanh của HTX, tăng thu nhập của xã viên; người nông dân không phải ly hương, di dân ra các đô thị... Đến năm 2025, thu nhập của lao động trong HTX nông nghiệp cần nâng từ mức khoảng 45% hiện nay lên mức 55% so với doanh nghiệp cùng ngành và mức 65% năm 2030.  

Hai là, ứng dụng các nền tảng công nghệ 4.0 vào sản xuất - kinh doanh của HTX theo tinh thần KTCS để kết nối, xây dựng các chuỗi cung ứng - giá trị, nâng cao giá trị nông sản, tăng hiệu quả kinh doanh của HTX và thu nhập của người lao động. Theo nguyên tắc KTCS, các HTX nông nghiệp sẽ quản trị tài sản, nguồn lực của mình một cách thông minh, tăng cường mua chung, dùng chung, hạn chế mua sắm, sở hữu các phương tiện và công nghệ hiện đại đòi hỏi vốn đầu tư lớn; phát triển các hình thức kết nối, thuê, hợp tác kinh doanh với các tổ chức chuyên cho thuê tư liệu sản xuất và tổ chức cung cấp công nghệ theo nguyên tắc “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, cùng giải quyết các nhiệm vụ:

Ứng dụng công nghệ hợp đồng điện tử, hợp đồng thông minh để giúp các bên tham gia thực hiện các giao kèo, bảo đảm các kế hoạch được triển khai nhanh, có cơ sở pháp lý, bằng chứng vững chắc, thông tin minh bạch. Các HTX cho thuê máy móc, thiết bị như máy cày, máy gặt, máy thu hoạch rau củ... trên nền tảng ứng dụng KTCS sẽ hỗ trợ giảm nhẹ các hình thức lao động nặng nhọc trong nông nghiệp.

Ứng dụng internet vạn vật để thực hiện nông nghiệp chính xác, nông nghiệp thông minh, sản xuất sản phẩm sạch, chất lượng cao, hướng đến phân khúc thị trường sản phẩm hữu cơ, phục vụ trong nước và đủ điều kiện xuất khẩu.

Ứng dụng công nghệ thông tin và các nền tảng số xây dựng các chuỗi cung ứng - giá trị có tính chia sẻ và công bằng giữa các HTX và doanh nghiệp lõi, thay thế cho tình trạng bất bình đẳng, thua thiệt và thu nhập thấp của nông dân. Phát triển thương mại điện tử, bán hàng trực tuyến và tối ưu hóa kho bãi, vận chuyển để phân phối hiệu quả sản phẩm trực tiếp đến người tiêu dùng cuối, xóa bỏ tình trạng “được mùa mất giá”, thường xuyên phải “giải cứu nông sản”.

Ba là, Nhà nước cần tăng đầu tư và có chính sách khuyến khích đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho nông nghiệp, hỗ trợ nông dân và các HTX nâng cao tư duy, năng lực quản trị kinh doanh theo phương châm “Doanh nhân hóa nông dân” (trước hết là đối với cán bộ quản trị HTX) và “Doanh nghiệp hóa HTX” (theo mô hình doanh nghiệp xã hội, doanh nghiệp kinh doanh có văn hóa); chú trọng phát triển kỹ năng số để trở thành nông dân hiện đại để mở rộng khả năng chia sẻ, tự do lựa chọn và nâng cao nhận thức chính trị, xây dựng cộng đồng và xã hội dân chủ, trong sạch, phòng chống tham nhũng hiệu quả...

Bốn là, bảo đảm cuộc sống hạnh phúc của nông dân trước năm 2025 với đủ 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới theo Quyết định 1980/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, bao gồm các tiêu chí về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường... 

Cần phát triển kinh tế nông nghiệp với kinh tế du lịch và dịch vụ ở nông thôn, để nông thôn trở thành hình mẫu của lối sống xanh, tiêu dùng sinh thái. Khai thác hiệu quả và bền vững các hình thức du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, nơi thực hành giáo dục kỹ năng sống, trải nghiệm các đặc sản địa phương và món quà lưu niệm... để tăng nguồn thu cho các hộ gia đình và HTX, góp phần nâng cao chất lượng sống và mở rộng hạnh phúc cho xã hội. 

Muốn hoàn thành và vượt các tiêu chí xây dựng nông thôn mới thì công tác quản lý nhà nước cần quyết liệt trong việc xây dựng và thực hiện quy hoạch, kế hoạch phát triển khoa học, hỗ trợ bà con phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống. Các ngân hàng và tổ chức tài chính cần có chính sách hỗ trợ HTX nông nghiệp tiếp cận vốn vay, nhất là hình thức tín dụng bằng tín chấp. Các tổ chức khoa học, công nghệ cần tăng cường chia sẻ kiến thức, công nghệ, chuyển giao các kỹ năng và mô hình kinh doanh mới đạt hiệu quả cao cho các HTX. 

Bộ phận lãnh đạo, quản trị HTX cần nâng cao năng lực và đạo đức quản trị kinh doanh, đặt mục tiêu xây dựng thương hiệu HTX mạnh, quy mô lớn. Quản trị quốc gia và quản trị địa phương cần có sự thống nhất, chia sẻ về mục tiêu, kế hoạch đào tạo và xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản trị HTX có khát vọng làm giàu, quyết tâm phát triển HTX và nông nghiệp, nông thôn thịnh vượng và hạnh phúc. 

Năm là, tăng cường phòng chống tiêu cực, thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng giả danh hoặc lợi dụng mặt trái của chuyển đổi số và KTCS để làm giàu bất chính.

Phòng chống các thủ đoạn giả danh, lừa đảo trong mua bán trên mạng, tín dụng đen, tiền ảo, kinh doanh đa cấp, bán hàng giả, hàng nhái...; đồng thời là nạn đánh cắp và mua bán thông tin khách hàng, nạn mạo danh cơ quan công quyền... để tống tiền, lừa dối người dân, đặc biệt là nông dân. Cần chủ động tăng cường giáo dục, truyền thông, nâng cao nhận thức và cảnh báo kịp thời cho bà con nông dân, nhân dân các nguy cơ, tai họa tiềm ẩn. Có chế tài xử phạt nghiêm khắc các tội tham nhũng, lãnh phí của công, tội phạm công nghệ cao, tội phạm tài sản kỹ thuật số và an ninh phi truyền thống...

 

(1) https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/dau-tu/nen-kinh-te-chia-se-cua-trung-quoc-653135.html, truy cập ngày 26-6-2021.

(2) https://cafef.vn/10-startup-ky-lan-duoc-dinh-gia-lon-nhat-the-gioi-20200828160159747.chn.

(3) Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Sách trắng hợp tác xã Việt Nam năm 2021, Nxb Thống kê, Hà Nội 2021.

(4) Xem https://vca.org.vn/phat-trien-kttt-htx-thoi-ky-moi-phai-phu-hop-voi-duong-loi-chu-truong-boi-canh-moi-a26049.html, truy cập ngày 19-5-2022.

(5) Xem Liên minh HTX Việt Nam, https://vca.org.vn/kinh-te-tap-the-hop-tac-xa-gop-phan-tich-cuc-vao-tai-co-cau-nong-nghiep-a26048.html, truy cập ngày 19-5-2022.

(6) Xem https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/nghien-cuu-ve-bao-cao-hanh-phuc-bai-hoc-kinh-nghiem-tu-nhung-quoc-gia-tren-the-gioi-71245.htm.

PGS, TS ĐỖ MINH CƯƠNG

Đại học FPT

ThS ĐÀO THANH TÙNG

Công ty cổ phần Tư vấn và đào tạo ICT

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền