Trang chủ    Thực tiễn    Truyền thông về giá trị con cái trong bối cảnh mức sinh suy giảm ở Việt Nam
Thứ hai, 27 Tháng 6 2022 15:55
2074 Lượt xem

Truyền thông về giá trị con cái trong bối cảnh mức sinh suy giảm ở Việt Nam

(LLCT) - Nhận thức về giá trị của con cái hình thành nên động cơ sinh đẻ của cha mẹ(1). Do đó, truyền thông, lan tỏa các giá trị con cái mang lại cho cha mẹ là một trong những giải pháp quan trọng góp phần khuyến khích người dân sinh con trong bối cảnh mức sinh đang suy giảm mạnh ở nước ta, đặc biệt ở những khu vực có mức sinh dưới mức sinh thay thế. 

Quá trình tư duy liên tục của cha mẹ khi có con cái chính là yếu tố gián tiếp hình thành nên địa vị, lòng tự trọng, khẳng định sự trưởng thành của các bậc cha mẹ trong gia đình và xã hội - Ảnh: qdnd.vn

Mức sinh là một nhân tố quan trọng tác động đến tăng trưởng dân số. Các chỉ tiêu liên quan đến mức sinh luôn thu hút sự quan tâm của các nhà quản lý và các nhà nghiên cứu. Tổng tỷ suất sinh (TFR) là một trong những thước đo chính phản ánh mức sinh và được hiểu là số con sinh sống bình quân của một người phụ nữ trong suốt cuộc đời họ(2). Nhiều nghiên cứu cho thấy, mức sinh của cá nhân có liên quan với những quan điểm, nhận thức của họ về giá trị của con cái. Giá trị con cái đề cập đến các chức năng mà chúng phục vụ hoặc những nhu cầu mà chúng đáp ứng đối với cha mẹ(3). Giá trị con cái liên quan đến bản chất và mức độ giá trị (tiềm năng) của con cái đối với cha mẹ, tạo động lực cho quyết định sinh con của cha mẹ(4). Do đó, những quan điểm, nhận thức về giá trị con cái chính là yếu tố trực tiếp, có vai trò chi phối động cơ và quyết định sinh con (số lượng con và thời điểm sinh con) của cha mẹ(5).

Giá trị con cái biểu hiện thông qua các lợi ích mà cha mẹ có được từ con cái. Những lợi ích này được xem là những biến số có ba chiều cạnh - kinh tế, cảm xúc (tâm lý) và xã hội(6).

Lợi ích kinh tế của con cái thể hiện trong việc chúng cung cấp lao động cho gia đình, đặc biệt ở các gia đình mà việc tạo ra của cải vật chất hoàn toàn là các công việc về nông nghiệp, cần nhiều lao động thủ công(7) và là nguồn an sinh tuổi già của cha mẹ(8).

Lợi ích cảm xúc của con cái thể hiện trong việc con cái mang lại các cảm xúc tích cực cho cha mẹ khi họ có con cái. Đó là tình yêu thương, niềm vui, sự hạnh phúc, sự kích thích, phấn khích trong các hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng, dạy bảo con cái khôn lớn, trưởng thành, từ đó mang đến cho cha mẹ những trải nghiệm làm cha, làm mẹ(9).

Lợi ích xã hội của con cái thể hiện thông qua sự chấp thuận của xã hội (phù hợp với pháp luật và chuẩn mực xã hội); của cộng đồng xã hội (dòng họ, gia đình) đối với việc có con của các bậc cha mẹ và nổi bật trong các xã hội có chế độ huyết thống và dòng dõi(10). Lợi ích này của con cái biểu hiện trong việc con cái giúp duy trì hôn nhân của cha mẹ,duy trì nòi giống và tôn thống gia đình, khẳng định sự trưởng thành của cá nhân các bậc cha mẹ.

1. Giá trị của con cái trong quan niệm của các bậc cha mẹ

Qua khảo sát ý kiến của 660 các bậc cha mẹ (bao gồm cha mẹ tiềm năng) ở Hà Nội (năm 2021)(11) nhận thấy, họ có nhiều cảm nhận, quan điểm về lợi ích của con cái, trong đó những cảm nhận về các lợi ích cảm xúc của con cái ở họ là nhiều nhất.

Quan điểm về lợi ích của con cái trong mang lại niềm vui, hạnh phúc cho gia đình nhận được mức độ “rất đồng ý” của các bậc cha mẹ với mức điểm cao nhất (3,62 điểm/4). Lợi ích con cái tạo thêm động lực cho cha mẹ trong cuộc sống nhận được mức độ đồng ý của các bậc cha mẹ cao thứ 2 trong tất cả quan niệm với số điểm rất đồng ý là 3,6 điểm/4. Lợi ích của con cái trong việc sẽ là chỗ dựa tinh thần cho cha mẹ khi chúng lớn lên nhận được sự đồng ý của các bậc cha mẹ với số điểm là 3,39 điểm/4 (Biểu đồ 1). Điều này phản ánh nhu cầu thỏa mãn tâm lý, tình cảm từ con cái của các bậc cha mẹ là nhu cầu lớn nhất trong các nhu cầu từ con cái của họ; đồng thời cho thấy không có nguồn lực nào có thể thay thế được con cái trong việc mang lại niềm vui, sự hạnh phúc cho cha mẹ.

Biểu đồ 1: Quan niệm của các bậc cha mẹ về những lợi ích của con cái mang lại cho họ

Nguồn: Số liệu điều tra, khảo sát của tác giả

Trong quan niệm của các bậc cha mẹ, con cái mang lại lợi ích xã hội cho họ ở nhiều góc độ như: duy trì hôn nhân, nối dõi tông đường, duy trì dòng giống, tôn thống gia đình, mang đến trải nghiệm làm cha, mẹ cho họ, đồng thời giúp họ có địa vị tốt hơn trong gia đình và cộng đồng xã hội. Trong đó, lợi ích gắn kết vợ, chồng, duy trì hôn nhân của con cái trong cảm nhận, quan điểm của các bậc cha mẹ là lớn nhất (3,37 điểm/4) (Biểu đồ 1). Lợi ích của con cái trong gắn kết hôn nhân là một giá trị phổ biến, hiện diện trong mọi xã hội và được các bậc cha mẹ quan tâm.

Trong bối cảnh xã hội phát triển khá hiện đại ở Việt Nam hiện nay (cụ thể là trong bối cảnh của đô thị Thành phố Hà Nội), lợi ích của con cái trong duy trì hôn nhân của cha mẹ vẫn là giá trị xã hội được các cặp vợ chồng đề cao. Lợi ích mang đến cho các cặp vợ chồng những trải nghiệm làm cha, làm mẹ của con cái được các bậc cha mẹ đánh giá có vị trí lớn thứ hai trong các lợi ích xã hội của con cái mang lại cho họ (3,3 điểm/4) (Biểu đồ 1).

Các trải nghiệm mà cha mẹ có được từ con cái chính là sự tư duy liên tục của cha mẹ nhằm đáp ứng các nhu cầu của con cái trong suốt quá trình nuôi dạy chúng khôn lớn, trưởng thành. Khi có con cái, các bậc cha mẹ phải thích nghi với cuộc sống mới ban đầu, nhất là hình thành các phản xạ chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ nhỏ, từ đó mà hàng loạt các hoạt động của cha mẹ như: hiểu đặc trưng về thể chất và tính cách của trẻ nhỏ để chăm sóc, nuôi dưỡng phù hợp; tìm hiểu và đồng thời mở rộng các mạng lưới xã hội để đáp ứng các nhu cầu trong toàn bộ quá trình sinh nở, chăm sóc, nuôi dưỡng, dạy bảo trẻ khôn lớn... diễn ra. Tất cả những hoạt động này là những sự kích thích nối tiếp trong suy nghĩ, hành động và tâm lý của các bậc cha mẹ.

Ở ý nghĩa rộng lớn hơn, quá trình tư duy liên tục của cha mẹ khi có con cái chính là yếu tố gián tiếp hình thành nên địa vị, lòng tự trọng, khẳng định sự trưởng thành của các bậc cha mẹ trong gia đình và xã hội(12).

Lợi ích của con cái trong nối dõi tông đường, duy trì nòi giống được các bậc cha mẹ đánh giá đứng vị trí thứ 3 trong các lợi ích xã hội mà con cái mang lại cho họ, với số điểm đồng ý là 3,02 điểm/4 (Biều đồ 1). Trong bối cảnh xã hội truyền thống của Việt Nam, sinh con để nối dõi tông đường luôn là một trong những giá trị quan trọng nhất của con cái đối với cha mẹ. Trong những năm đầu đổi mới, lợi ích nối dõi tông đường của con cái, trong đó nhấn mạnh vai trò duy nhất của con trai được các gia đình rất đề cao do sự mở rộng về lao động của gia đình dưới ảnh hưởng của sự chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường(13).

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện đại hóa, công nghiệp hóa, lợi ích này của con cái trong nhiều gia đình đã suy giảm(14). Lợi ích nối dõi tông đường của con cái vẫn được các bậc cha mẹ quan tâm nhưng không phải là lợi ích xã hội của con cái được quan tâm nhất như trước đây. Vai trò của con trai trong duy trì nòi giống, lưu truyền tôn thống gia đình trong xã hội hiện đại cũng không còn là duy nhất.

Xem xét giá trị trung bình mức độ “đồng ý” của các bậc cha mẹ đối với các quan niệm về lợi ích kinh tế của con cái cho thấy, số điểm mức độ “đồng ý” của của cha mẹ với các quan niệm về lợi ích kinh tế của con cái đều thấp hơn các quan niệm về lợi ích khác của con cái. Điều này cho thấy, trong xã hội hiện đại, các bậc cha mẹ đã không còn đề cao, quan tâm nhiều nhất tới các lợi ích vật chất của con cái như trước đây, ngược lại đây là những lợi ích của con cái mà các bậc cha mẹ ít quan tâm nhất. Qua đó phản ánh nhu cầu thỏa mãn các lợi ích kinh tế từ con cái của các bậc cha mẹ rất ít, là nhu cầu thấp nhất trong tháp nhu cầu về các giá trị mà cha mẹ mong muốn nhận từ con cái.

Tuy nhiên, trong các lợi ích kinh tế của con cái, ở mỗi quan niệm có những mức độ đồng ý của các bậc cha mẹ khác nhau, trong đó quan niệm về lợi ích của con cái trong việc an sinh, bảo đảm cuộc sống cho cha mẹ khi về già nhận được sự lựa chọn đồng ý của các bậc cha mẹ lớn nhất (3,15 điểm/4, (Biểu đồ 1). Qua đó cho thấy, trong bối cảnh xã hội hiện đại ở Việt Nam, lợi ích của con cái trong chăm sóc tuổi già cho cha mẹ (giá trị an sinh của con cái) vẫn được các bậc cha mẹ ở nhiều gia đình (Hà Nội) quan tâm đề cao. Lý giải theo các nghiên cứu về giá trị con cái ở quốc gia đang phát triển như Việt Nam nhận thấy, khi hệ thống an sinh xã hội, hệ thống chăm sóc cho người cao tuổi còn chưa hoàn thiện, vai trò chăm sóc của gia đình cũng như giá trị an sinh của con cái vẫn có ý nghĩa quan trọng. Tuy nhiên, khía cạnh an sinh từ con cái mà cha mẹ mong muốn nhận được có xu hướng chuyển từ an sinh về vật chất sang an sinh về tinh thần, tình cảm(15).

Trong các lợi ích kinh tế của con cái được đưa vào đo lường, quan niệm “Khi lớn lên con cái sẽ hỗ trợ kinh tế cho gia đình” nhận được các mức độ đồng tình của các bậc cha mẹ ít nhất (2,9 điểm/4). Điều đó cho thấy, nhu cầu thỏa mãn các lợi ích vật chất từ con cái của các bậc cha mẹ trong xã hội hiện đại là rất ít. Mặc dù sự đóng góp sức lao động của con cái cho gia đình đã thể hiện qua mức đóng góp về thu nhập hoặc các điều kiện vật chất khác, song đây vẫn là lợi ích không còn được các bậc cha mẹ quá coi trọng cũng như mong đợi con cái sẽ mang lại nguồn lợi vật chất cho gia đình không còn lớn. Ở quan niệm “con cái sẽ là người thừa kế, giữ gìn tài sản cho gia đình”, số điểm mức độ “đồng ý” của các bậc cha mẹ cũng không cao (3,05 điểm/4).

Như vậy,trong bối cảnh hiện nay, trong quan điểm, nhận thức của các bậc cha mẹ, con cái mang lại cho họ lợi ích trên các phương diện cảm xúc, xã hội và kinh tế, qua đóphản ánh các nhu cầu mong muốn được thỏa mãn từ con cái của họ. Trong đó, mong muốn được con cái đáp ứng về mặt cảm xúc là nhu cầu lớn nhất từ con cái của các bậc cha mẹ, đó chính là niềm vui, sự hạnh phúc, những kích thích cảm xúc mang đến trải nghiệm làm cha, mẹ khi có con cái.

Những nhu cầu con cái đáp ứng về phương diện xã hội có vị trí lớn thứ 2 trong tháp nhu cầu về con cái của các bậc cha mẹ, và thể hiện nổi bật trong việc con cái giúp gắn kết, duy trì hôn nhân của các cặp vợ, chồng; khẳng định sự trưởng thành của cha mẹ, vị thế của họ trong gia đình, họ hàng và cộng đồng xã hội.

Những nhu cầu được con cái đáp ứng về kinh tế vẫn còn hiện diện trong bối cảnh xã hội hiện đại nhưng là những nhu cầu thấp nhất mà cha mẹ mong muốn có được từ con cái và thể hiện nổi bật trong việc chúng giúp an sinh tuổi già cho cha mẹ và hỗ trợ kinh tế cho gia đình.

Qua đó cho thấy, tăng cường truyền thông nhằm gia tăng sinh sản trong dân số là cần làm cho các bậc cha mẹ, đặc biệt là những người trong độ tuổi kết hôn, sinh con cảm nhận được sâu sắc về một cuộc sống gia đình hạnh phúc trọn vẹn, có tình yêu thương, các thành viên được quan tâm, chăm sóc, chia sẻ tình cảm khi họ có con cái; những cảm xúc làm cha, làm mẹ khi họ có con cái, những lợi ích của con cái trong duy trì hôn nhân bền vững và khẳng định sự trưởng thành của cha mẹ.

2. Giải pháp truyền thông về giá trị con cái, góp phần khuyến khích sinh con trong dân số

Trong 30 năm qua, mức sinh của Việt Nam đã giảm gần một nửa. Theo đó, tổng tỷ suất sinh (TFR) giảm từ 3,80 con/phụ nữ năm 1989 xuống còn 2,09 con/phụ nữ vào năm 2019, trong đó TFR ở khu vực thành thị là 1,83 con/phụ nữ(16). Mức sinh thấp gây ra tình trạng suy giảm quy mô dân số. Khi mức sinh thấp kéo dài không đủ sản sinh ra những đoàn hệ dân số (con cái) thay thế cha mẹ trong một thời gian dài sẽ tác động trực tiếp đến tỷ lệ gia tăng dân số tự nhiên và làm cho quy mô dân số suy giảm. Bên cạnh đó, với những khu vực có mức sinh thấp sẽ dẫn đến việc thiếu hụt lực lượng lao động. Bởi khi đó, số người được sinh ra ngày càng ít đi và với việc chuyển đoàn hệ (các thế hệ dân số với những độ tuổi khác nhau) trong dân số sẽ làm cho dân số trong độ tuổi lao động - lực lượng chính tạo ra của cải vật chất và sự phát triển của xã hội - sẽ ngày càng bị thu hẹp. Mức sinh thấp góp phần đẩy nhanh tốc độ già hóa dân số; gia tăng các dòng di cư (do mức sinh thấp, lực lượng lao động thiếu hụt tác động đến các chính sách di cư làm tăng các dòng di cư, thu hút lao động nhập cư) và gây những áp lực lớn đối với tăng trưởng kinh tế cũng như hệ thống an sinh xã hội của quốc gia.  

Trong bối cảnh mức sinh suy giảm mạnh ở nước ta hiện nay, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định số 588/QĐ-TTg với mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, tăng 10% tổng tỷ suất sinh ở các tỉnh, thành phố có mức sinh thấp và bảo đảm mục tiêu duy trì vững chắc mức sinh thay thế (mỗi phụ nữ sinh 2,1 con) trên toàn quốc. Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 cũng xác định đây là 1 trong 8 mục tiêu quan trọng (đến năm 2030) Việt Nam cần đạt được. Do đó, “đổi mới truyền thông, vận động về dân số” là một trong những giải pháp ngành dân số quan tâm với mục tiêu vận động "mỗi cặp vợ chồng nên có 2 con", bảo đảm quyền và trách nhiệm của cha mẹ trong việc sinh và nuôi dạy con tốt.

Để góp phần thực hiện thành công mục tiêu trên, trên cơ sở những lợi ích của con cái đối với gia đình và các bậc cha mẹ, đề xuất một số giải pháp truyền thông về giá trị của con cái nhằm khuyến khích sinh con trong cộng đồng dân số như sau:

Một là, phổ biến, tuyên truyền những lợi ích của con cái với những nội dung cụ thể trên đa dạng các loại hình truyền thông. Nội dung truyền thông cần tập trung phản ánh các lợi ích của con cái trong việc mang lại niềm vui, sự hạnh phúc, tình yêu thương, sự quan tâm, chăm sóc của chúng đối với gia đình và cha mẹ; trong việc mang lại trải nghiệm làm cha, làm mẹ cho cá nhân và khẳng định sự trưởng thành của cá nhân khi có con cái. Việc tuyên truyền cần thực hiện đa dạng hình thức, phương pháp, sử dụng linh hoạt, hiệu quả các phương tiện truyền thông, thông tin hiện đại, các thiết chế văn hoá, các loại hình văn hoá - nghệ thuật để tuyên truyền, giáo dục giá trị của con cái với gia đình, phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý của từng lứa tuổi, từng đối tượng, đặc biệt là vị thành niên, thanh niên, người chưa kết hôn, các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ. Đối với giới trẻ, các hoạt động truyền thông nên sử dụng các kênh sáng tạo, tiếp cận được gần hơn, như qua mạng xã hội, youtube, tik tok…

Hai là, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị, tổ chức với nhà trường, gia đình, cộng đồng và xã hội trong tuyên truyền, phổ biến các giá trị của con cái đối với gia đình, các mô hình gia đình văn hoá, các gia đình tiêu biểu, điển hình. Đặc biệt, chú trọng phương thức trao truyền kinh nghiệm sống, kinh nghiệm của các bậc cha mẹ trong nuôi dạy và giáo dục con cái trưởng thành, những giá trị về hôn nhân, hạnh phúc gia đình, hạnh phúc cá nhân khi họ có con cái.

Ba là, thực hiện lồng ghép các nội dung tuyên truyền về các giá trị của con cái đối với gia đình và các bậc cha mẹ trong các chiến lược, đề án truyền thông về dân số, hôn nhân - gia đình, trong các chương trình giáo dục giới tính, chăm sóc sức khỏe sinh sản, giáo dục phổ cập kiến thức sinh sản tiền hôn nhân.  

Bốn là, tăng cường tổ chức các chiến dịch, sự kiện truyền thông tại nơi đông dân cư, tập trung nhiều thanh niên; các hoạt động tuyên truyền, quảng bá hình ảnh cá nhân, gia đình có ảnh hưởng đến công chúng về gia đình hạnh phúc, sinh đủ hai con.

Năm là, đưa các nội dung tuyên truyền về giá trị của con cái vào nội dung, chương trình, phương pháp giáo dục dân số, sức khoẻ sinh sản trong và ngoài nhà trường. Các nội dung tuyên truyền cần phù hợp với từng cấp học, lứa tuổi và bảo đảm yêu cầu hình thành tri thức và kỹ năng về dân số, sức khoẻ sinh sản đúng đắn, có hệ thống ở thế hệ trẻ.

Sáu là, các tổ chức chính trị - xã hội, đặc biệt là Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam cần tăng cường tổ chức các hoạt động truyền thông về giá trị con cái đối với gia đình, cha mẹ; lồng ghép các nội dung truyền thông về giá trị của con cái, vận động các cặp vợ chồng nên sinh đủ 2 con trong các chương trình giáo dục tiền hôn nhân, phổ biến kiến thức về hôn nhân - gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản.

__________________

(1) Hashemi, F. et al: Study of Women's Attitude toward Value of Children (Case Study: Women 15-49 Years Old of Shiraz City)Journal volume & issue, Vol. 28, No. 3, 2017, pp. 61-78.

(2) http://www.cucthongke.vn/dtdsno/2009/pages/chuong_III.htm#:~:text=M%E1%BB%A9c%20sinh%20l%C3%A0%20m%E1%BB%99t%20nh%C3%A2n,v%C3%A0%20c%C3%A1c%20nh%C3%A0%20nghi%C3%AAn%20c%E1%BB%A9uhttp://www.cucthongke.vn, truy cập ngày 1-6-2022.

(3) Hoffman, L., and Hoffman, M.,: The value of children to parent, in J. Faweett (Ed),Psychological Perspectives on Population, Basic Books, New York, 1973.

(4) Dẫn theo Nauck, B., Klaus, D.,: The varying value of children: empirical results from eleven societies in Asia, Africa and Europe, Current Sociology 55, 2007, pp. 487–503.

(5) Trommsdorfl G.,: Introduction to special Section for Journal of Cross-Cultural Psychology: Value of Children: A concept for better understanding cross-cultural variations in fertility behavior and intergeneration ralationships,  Jounal of Cross-Cultural Psychology, 41(5-6), 2010, pp. 637-651.

(6) Kagitcibasi C.,: The changing value of children in Turkey, Paper of the East - West population institute, 6-1982.

(7) Hellen Wave.,: The economic value of children in Asia and Africa: comparative perspective, Paper of the East-West polulation institute, number 50, April, 1978.

(8) Nauck, B.,: Value of children and fertility: Results from a cross-cultural comparative survey in eighteen areas in Asia, Africa, Europe and America, Adv Life Course Res, 2014, pp. 135-48

(9) Fazeli, Nahid Golmakani, Ali Taghipour, Mohammad Taghi Shakeri: Intergenerational Comparison of Value of Children among Urban Women Population in Mashhad, J Midwifery Reprod Health, Iran, 2016; pp. 732-740

(10) Mayer, B., Trommsdorff, G.,:, Adolescents' Value of Children and Their Intentions to Have Children: A Cross-Cultural and Multilevel AnalysisJournal of Cross-Cultural Psychology 41(5-6), 2010, pp. 671-689.

(11) Số liệu điều tra khảo sát của tác giả.

(12) Xem Nauck. B,: Value of Children and the Framing of Fertility: Results from a Cross-cultural Comparative Survey  in 10 Societies,European Sociological Review, Volume 23, Issue 5, December 2007, pp. 615-629. và Nauck, B.,: Value of children and fertility: Results from a cross-cultural comparative survey in eighteen areas in Asia, Africa, Europe and America. Adv Life Course Res, 2014, pp.135-48.

(13) Nguyễn Lan Phương: Nhận xét về sự chuyển đổi giá trị của đứa con sau 10 năm ở một xã, Tạp chí Xã hội học số 2-1995, tr.45-50.

(14) Lê Ngọc Văn : Gia đình và biến đổi gia đình ở Việt Nam, Sách chuyên khảo, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2011.

(15) Dẫn theo Trần Thị Minh Thi: Các giá trị của gia đình Việt Nam đương đại, Nxb Khoa học xã hội, 2021, tr.338.

(16) https://baochinhphu.vn/buc-tranh-tong-the-ve-thuc-trang-muc-sinh-o-viet-nam-102273967.htm, truy cập ngày 1-6-2022.

ThS NGUYỄN THỊ LAN

Tạp chí Lý luận chính trị

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền