Trang chủ    Diễn đàn    Hội viên Chi hội luật gia Học viện với nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Thứ hai, 06 Tháng 2 2023 07:43
633 Lượt xem

Hội viên Chi hội luật gia Học viện với nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

(LLCT) - Bài viết làm rõ vai trò, trách nhiệm và đề xuất các giải pháp phát huy vai trò, trách nhiệm của hội viên Chi hội (HVCH) luật gia Học viện Chính trị quố gia Hồ Chí Minh (Học viện) trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng là bảo vệ Ðảng, bảo vệ Cương lĩnh chính trị, đường lối lãnh đạo của Ðảng; bảo vệ nhân dân, Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam; bảo vệ công cuộc đổi mới, CNH, HĐH đất nước và hội nhập quốc tế; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước - Ảnh: IT

1. Vai trò của hội viên Chi hội luật gia Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch

Hội viên Chi hội luật gia Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh gồm 6 tổ với trên 100 hội viên, công tác tại các đơn vị trực thuộc Học viện, ở các vị trí việc làm khác nhau như giảng dạy, nghiên cứu, lãnh đạo, quản lý,…(1). HVCH luật gia Học viện có vai trò kép, họ vừa là cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, công tác tại các đơn vị trực thuộc Học viện, vừa là thành viên, HVCH luật gia, Hội Luật gia Việt Nam. 

Do HVCH luật gia Học viện đang thực hiện những nhiệm vụ không giống nhau nên tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng bằng các cách thức khác nhau. Hội viên là giảng viên, lồng ghép nội dung thực hiện Nghị quyết 35 vào các bài giảng trong các chương trình giảng dạy; hội viên làm công tác nghiên cứu, lãnh đạo, quản lý thực hiện Nghị quyết 35 là nói (phát ngôn), làm theo đúng nền tảng tư tưởng của Đảng, tham gia công tác nghiên cứu cung cấp luận cứ khoa học,…

Nghị quyết số 35 của Ban Chấp hành Đảng ủy Học viện và Khoản 1, 2 Điều 9, Điều lệ Hội Luật gia đã nêu rõ: Hội viên Hội luật gia phải nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; chấp hành Điều lệ, quy định của Hội; tham gia các hoạt động và sinh hoạt của Hội; đoàn kết, hợp tác với các hội viên khác để xây dựng Hội phát triển vững mạnh. Theo đó, nhiệm vụ này gồm các hoạt động:

Thứ nhất, HVCH luật gia Học viện phải nhận thức đầy đủ, sâu sắc và tin tưởng vào nền tảng tư tưởng của Đảng, vào quá trình vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh ở Việt Nam; khẳng định những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng qua các thời kỳ cách mạng, đặc biệt thành tựu của hơn 35 năm thực hiện đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo.

Thứ hai, HVCH luật gia Học viện tiên phong trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, chống những quan điểm sai trái. Qua nghiên cứu và thực tiễn nghề nghiệp, họ nhận diện các quan điểm sai trái và bằng nội dung giảng dạy, viết bài đấu tranh phản bác các quan điểm đó.

Thứ baHVCH luật gia Học viện là người truyền cảm hứng cho các hội viên khác, cho nhân dân và những người học tập tại Học viện về lập trường, quan điểm và bản lĩnh chính trị vững vàng, góp phần hiện thực hóa quan điểm, đường lối của Đảng trong xây dựng và phát triển đất nước. Lan tỏa, khẳng định sự kiên định và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào điều kiện cụ thể của Việt Nam. Đồng thời, cung cấp luận cứ khoa học trong việc hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước, cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn, bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

2. Hội viên Chi hội luật gia Học viện phát huy vai trò trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch

Công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch được HVCH luật gia Học viện thực hiện hiệu quả, nhất là từ khi Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22-10-2018 của Bộ Chính trị được ban hành. Qua triển khai thực hiện Nghị quyết số 35 đã quán triệt sâu rộng quan điểm: Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng là bảo vệ Ðảng, bảo vệ Cương lĩnh chính trị, đường lối lãnh đạo của Ðảng; bảo vệ nhân dân, Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam; bảo vệ công cuộc đổi mới, CNH, HĐH đất nước và hội nhập quốc tế; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Ðó là nội dung cơ bản, hệ trọng, sống còn của công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng; là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn Ðảng, toàn quân và toàn dân, trong đó lực lượng tuyên giáo các cấp là nòng cốt; là công việc tự giác, thường xuyên của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đoàn thể chính trị - xã hội các cấp; của từng địa phương, cơ quan, đơn vị, của cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu. 

Quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đã nâng cao nhận thức về sự nguy hại nghiêm trọng của việc xa rời nền tảng tư tưởng và thống nhất, kiên định: “Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”(2).

Hội viên luật gia Học viện đã thực hiện nhiều hoạt động bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch thông qua công tác nghiên cứu khoa học, giảng dạy, viết bài, tọa đàm, hội thảo, hội thi, xuất bản sách về nội dung này. Cụ thể, tất cả các bài giảng trong chương trình cao cấp lý luận chính trị và các chương trình đào tạo, bồi dưỡng khác đều lồng ghép nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; 9 tháng đầu năm 2022 có khoảng 45 bài viết đăng trên các báo, tạp chí, trang vietnamthinhvuong có nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch(3);... 

Nhiều hội viên luật gia Học viện tham gia thực hiện các Chương trình khoa học công nghệ trọng điểm cấp nhà nước giai đoạn 2016-2020 (KX.02/16-20) về “Nghiên cứu tổng kết, đề xuất bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin - Cấu phần quan trọng của nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam trong bối cảnh mới”; Chương trình khoa học công nghệ trọng điểm cấp nhà nước giai đoạn 2021-2025 về “Nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ đổi mới (giai đoạn từ năm 1986 đến nay, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045)”(4)

Trong nghiên cứu, giảng dạy đã cập nhật kịp thời Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”. 

Bên cạnh những kết quả đạt được, còn có những vấn đề đặt ra trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch của đội ngũ hội viên Chi hội luật gia Học viện là:

Một là, thách thức và cơ hội đan xen từ bối cảnh trong nước và thế giới tác động tới nhận thức, tư tưởng của các hội viên trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch

Đại hội XIII đã nêu những dự báo về tình hình thế giới và trong nước: “Hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, song đang đứng trước nhiều trở ngại, khó khăn; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, xung đột cục bộ tiếp tục diễn ra dưới nhiều hình thức, phức tạp và gay gắt hơn, làm gia tăng rủi ro đối với môi trường kinh tế, chính trị, an ninh quốc tế. Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế tiếp tục tiến triển nhưng đang bị thách thức bởi sự cạnh tranh ảnh hưởng giữa các nước lớn và sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Luật pháp quốc tế và các thể chế đa phương toàn cầu đứng trước những thách thức lớn”(5), “Cục diện thế giới tiếp tục biến đổi theo xu hướng đa cực, đa trung tâm; các nước lớn vẫn hợp tác, thỏa hiệp, nhưng đấu tranh, kiềm chế lẫn nhau gay gắt hơn. Chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa cường quyền nước lớn, chủ nghĩa thực dụng trong quan hệ quốc tế gia tăng. Các nước đang phát triển, nhất là các nước nhỏ đứng trước nhiều khó khăn, thách thức mới”(6). “Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhất là công nghệ số phát triển mạnh mẽ, tạo đột phá trên nhiều lĩnh vực, tạo ra cả thời cơ và thách thức đối với mọi quốc gia, dân tộc”(7).

Về tình hình trong nước, Đại hội XIII đưa ra dự báo: “Sau 35 năm đổi mới, thế và lực, sức mạnh tổng hợp quốc gia, uy tín quốc tế, niềm tin của nhân dân ngày càng được nâng cao, tạo ra những tiền đề quan trọng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc,… Năm năm tới, Việt Nam hội nhập quốc tế sâu, rộng hơn và sẽ phải thực hiện đầy đủ, hiệu quả các cam kết khi tham gia các hiệp định thương mại  tự do thế hệ mới. Nền kinh tế phát triển chưa bền vững, còn nhiều hạn chế, yếu kém, đứng trước nhiều khó khăn, thách thức mới do tác động của đại dịch Covid-19 và khủng hoảng kinh tế toàn cầu gây ra. Xu hướng già hóa dân số nhanh; tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa tăng mạnh; biến đổi khí hậu gay gắt, phức tạp... ngày càng tác động mạnh đến sự phát triển của đất nước”(8).

Với những cơ hội và thách thức trong bối cảnh tình hình thế giới và các nước trong khu vực đang có những diễn biến phức tạp khó lường; các thế lực thù địch thực hiện âm mưu "Diễn biến hòa bình", với chiêu bài "dân chủ", "nhân quyền" và xúi giục thúc đẩy các hoạt động "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" gây mất ổn định an ninh chính trị. Chúng lợi dụng việc Đảng và Nhà nước ta phát huy nguyên tắc tập trung dân chủ, quyền làm chủ của nhân dân, công khai hóa ý kiến nguyện vọng của nhân dân để mượn danh góp ý cho Đảng; có lúc lại đổi giọng sang "kiến nghị với Đảng" phải “điều chỉnh” hay “chuyển hướng cách mạng” cho phù hợp với thời đại hiện nay. Thực tế đó đang đặt ra yêu cầu, đòi hỏi rất cao đối với đội ngũ cán bộ Học viện, trong đó có HVCH luật gia Học viện.

Hai là, hạn chế cần khắc phục trong công tác của hội viên và Chi hội luật gia Học viện 

Công tác kết nạp HVCH chưa thực sự được quan tâm. Hoạt động của Chi hội chưa phong phú, chưa thu hút được các hội viên tham gia; trình độ năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, kinh nghiệm thực tiễn còn hạn chế. Số hội viên có học hàm, học vị còn ít. Nhận thức về vai trò, trách nhiệm của từng HVCH trong các hoạt động của Chi Hội còn thấp. Chi hội chưa chú trọng công tác tổng kết, rút kinh nghiệm và đặc biệt chưa có biện pháp, hình thức phát động rộng rãi, các cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng đến từng hội viên.

Đặc biệt, nhận thức của từng HVCH về công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch chưa đầy đủ nên kỹ năng nhận diện những âm mưu, phương thức, thủ đoạn và những vấn đề mà các thế lực thù địch tập trung chống phá còn hạn chế và chưa chú trọng việc rèn kỹ năng bút chiến, cách viết bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

3. Giải pháp phát huy vai trò của hội viên Chi hội luật gia Học viện trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch 

Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện đối với Chi hội Luật gia Học viện trong triển khai thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch một cách toàn diện và đồng bộ tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, sức lan tỏa rộng rãi trong hệ thống chính trị và toàn xã hội. Trong đó, chỉ đạo lãnh đạo Chi hội tăng cường sự phối hợp giữa Chi Hội Luật gia Học viện với các đơn vị trong Học viện để tổ chức triển khai nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Đồng thời, phát huy vai trò của Chi hội luật gia Học viện cung cấp luận cứ khoa học, tham mưu, tư vấn lãnh đạo Học viện trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

Hai là, Chi hội luật gia Học viện quán triệt nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch tới từng hội viên. Trước hết, Chi hội luật gia Học viện quán triệt nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, giúp hội viên hiểu sâu sắc và ý thức được trách nhiệm của mình trong công tác này.

Từ đó, từng hội viên thực hiện nhiệm vụ phù hợp với điều kiện của từng đơn vị. Ví dụ: đối với hội viên làm công tác nghiên cứu thì tăng cường viết các bài viết cho hội thảo khoa học, tọa đàm, tạp chí; trang web,…; đối với hội viên trực tiếp giảng dạy, có ý thức trách nhiệm lồng ghép vào từng bài giảng, tiết giảng nội dung về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

Ba là, Chi hội luật gia Học viện thường xuyên tăng cường nội dung và hình thức triển khai công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Chú trọng hình thức đấu tranh mang tính trực diện với các quan điểm, luận điệu sai trái của các thế lực thù địch trong bối cảnh hiện nay, đặc biệt là đấu tranh, phản bác trên không gian mạng.

Bốn là, Chi hội luật gia Học viện phối hợp với các đơn vị, tổ chức,… tiến hành các hội thảo, tọa đàm hoặc các lớp tập huấn kỹ năng nhận diện các quan điểm sai trái, thù địch và kỹ năng “bút chiến” cho từng hội viên, nhất là hội viên trẻ của Chi hội, góp phần trau dồi bản lĩnh chính trị, chuyên môn, kỹ năng đấu tranh cho đội ngũ kế cận này.

Năm là, từng HVCH luật gia Học viện phát huy tính chủ động, tích cực, sáng tạo trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

HVCH luật gia Học viện là những người làm công tác lãnh đạo, quản lý, giảng dạy, nghiên cứu, hành chính, tham mưu. Ví dụ, trong công tác giảng dạy, Hội viên Chi hội luật gia Học viện là người trực tiếp chuyển tải nội dung trong từng chuyên đề bài giảng, cần phát huy vai trò “người truyền lửa” trong công tác này, coi đó là nhiệm vụ chính trị quan trọng phải được thực hiện một cách tự giác, thường xuyên, trong tất cả các bài giảng phải thiết kế lồng ghép nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

Sáu là, Chi hội luật gia Học viện cần xây dựng, tổ chức lực lượng nòng cốt, chủ công phụ trách công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

Căn cứ đặc điểm tình hình của Chi hội để xây dựng lực lượng tham gia công tác này; vận động và tập hợp đông đảo hội viên tham gia; đồng thời đề ra các phương án, cách thức tổ chức phù hợp để phát huy vai trò của từng hội viên; huy động nhân lực tham gia nhiệm vụ.

Bảy là, Chi hội luật gia Học viện cần chú trọng công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ của hội viên thông qua công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học (viết bài, biên soạn sách,…), phát hiện và uốn nắn kịp thời những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của các hội viên. Tham mưu với Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện trong việc chỉnh sửa, hoàn thiện các quy chế, quy định của Học viện liên quan nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch như quy chế thi đua khen thưởng,…

_________________

Ngày nhận bài: 27-10-2022; Ngày bình duyệt: 14-11-2022; Ngày duyệt đăng: 03-02-2023.

 

(1), (3) Chi hội luật gia Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: Báo cáo sơ kết 9 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ quý 4 năm 2022.

(2), (5), (6), (7), (8) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.109, 105, 106, 106, 107-108. 

(4) Chi hội luật gia Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: Báo cáo sơ kết công tác triển khai thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW trong 06 tháng đầu năm 2022, phương hướng, nhiệm vụ 06 tháng cuối năm 2022.

TS TĂNG THỊ THU TRANG

Viện Nhà nước và Pháp luật, 

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền