Trang chủ    Diễn đàn    Giảng dạy khoa học xã hội và nhân văn tại các nhà trường quân đội trong bối cảnh chuyển đổi số - Thời cơ và thách thức
Thứ sáu, 18 Tháng 8 2023 15:43
4566 Lượt xem

Giảng dạy khoa học xã hội và nhân văn tại các nhà trường quân đội trong bối cảnh chuyển đổi số - Thời cơ và thách thức

(LLCT) - Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã mở ra nhiều cơ hội và thách thức đối với Việt Nam trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có giáo dục - đào tạo. Nhà trường quân đội là bộ phận quan trọng trong hệ thống giáo dục quốc dân, mang tính đặc thù của hoạt động quân sự. Việc bồi dưỡng mục tiêu, lý tưởng chiến đấu; định hướng chính trị, tư tưởng cho học viên tại các nhà trường quân đội không thể thiếu vai trò quan trọng của các môn khoa học xã hội và nhân văn. Bài viết đề cập đến tác động của chuyển đổi số, thời cơ và thách thức đối với các nhà trường quân đội trong nâng cao chất lượng giảng dạy các môn khoa học xã hội và nhân văn.

Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và làn sóng chuyển đổi số đã đưa giáo dục trực tuyến trở thành xu thế giảng dạy mới - Ảnh: tapchigiaoduc.moet.gov.vn

1. Tác động của chuyển đổi số trong hoạt động giảng dạy các môn khoa học xã hội và nhân văn tại các nhà trường quân đội

Chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên công nghệ số(1). Theo Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 tại Việt Nam, giáo dục, đào tạo là một trong 8 lĩnh vực được ưu tiên hàng đầu trong triển khai thực hiện chuyển đổi số. Chuyển đổi số trong giáo dục, đào tạo là việc ứng dụng công nghệ số trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập; số hóa tài liệu, giáo trình; xây dựng nền tảng chia sẻ tài nguyên giảng dạy và học tập theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến; cá nhân hóa nội dung học tập bằng việc ứng dụng các công nghệ số, công nghệ thông minh(2).

Trong hệ thống giáo dục Việt Nam, các môn khoa học xã hội và nhân văn (KHXH&NV) có vị trí, vai trò quan trọng. Thông qua những môn học này, người học được trang bị kiến thức, góp phần hình thành thế giới quan, phương pháp luận khoa học, nhân sinh quan cộng sản; xây dựng niềm tin, lý tưởng cách mạng, bản lĩnh chính trị, lập trường tư tưởng, đạo đức, lối sống, nhân cách. Trên cơ sở đó, góp phần tích cực vào đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng - lý luận, bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Điều này càng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với nguồn nhân lực được đào tạo từ hệ thống nhà trường quân đội, thực hiện nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, hướng tới mục tiêu xây dựng Quân đội “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ”(3).

Các môn KHXH&NV hiện nay chưa được xem là môn học hấp dẫn, kích thích hứng thú học tập, nghiên cứu đối với đa số người học. Có nhiều nguyên nhân nhưng trước hết là trách nhiệm của những người trực tiếp giảng dạy. Chuyển đổi số trong giảng dạy các môn KHXH&NV không chỉ là số hóa bài giảng, ứng dụng thành tựu công nghệ thông tin trở thành công cụ soạn giáo án mà là sự thay đổi toàn bộ cách thức, phương pháp giảng bài, khai thác công nghệ thông tin để tổ chức dạy học, thực hiện kỹ thuật quản lý lớp học và tương tác với người học trên không gian số. Trước làn sóng mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, việc ứng dụng thành tựu công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số trong giảng dạy các môn học KHXH&NV tạo ra những bước đột phá mới, có ý nghĩa thiết thực nâng cao chất lượng giảng dạy trong giai đoạn hiện nay.

2. Thời cơ và thách thức trong giảng dạy các môn khoa học xã hội và nhân văn dưới tác động của chuyển đổi số

Chuyển đổi số tạo thời cơ

Thứ nhất, phá vỡ giới hạn về không gian và thời gian, đa dạng hình thức giảng dạy

Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và làn sóng chuyển đổi số đã đưa giáo dục trực tuyến trở thành xu thế giảng dạy mới. Đào tạo trực tuyến có ở tất cả các cấp bậc học của hệ thống giáo dục Việt Nam. Với môi trường giáo dục linh hoạt trên nền tảng công nghệ số, giảng viên có thể truyền thụ kiến thức một cách thuận tiện và dễ dàng trên mọi thiết bị (máy tính, laptop, smartphone...), ở bất cứ thời điểm nào, tại bất cứ đâu và có cơ hội tiếp cận các tri thức, cập nhật thông tin một cách đa chiều.

Hiện nay, hầu hết các nhà trường quân đội đều đã xây dựng cổng thông tin điện tử trên mạng truyền số liệu quân sự (QS net) và mạng internet, đáp ứng được chức năng, nhiệm vụ trên các mặt công tác như quản lý, chỉ huy, điều hành; giới thiệu, quảng bá; phục vụ hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khoa học của giảng viên. Để bảo đảm yếu tố bảo mật quân sự, phương pháp giảng dạy trực tiếp kết hợp trực tuyến qua mạng QS net đã được các giảng viên thực hiện tại hầu hết các nhà trường quân đội. Các lớp học truyền thống mang tính vật lý với giảng đường, thư viện và thời khóa biểu cố định được thay bằng các phần mềm chuyên dụng để phát triển không gian giáo dục, đào tạo trên mạng. Các ứng dụng học tập online, tạo phòng học ảo phát triển mạnh mẽ và được sử dụng nhiều hơn trong quá trình giảng dạy, cho phép giảng viên và học viên trao đổi trực tiếp mà không bị giới hạn về không gian. Bằng cách sử dụng các thiết bị kết nối mạng, giảng viên và học viên giao tiếp với nhau qua nhiều hình thức như: email, thảo luận trực tuyến (chat), diễn đàn (forum), hội thảo, video… Sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống QS net trong các nhà trường quân đội là nền tảng quan trọng để phục vụ cho huấn luyện, đào tạo; các phần mềm dạy học, trang thiết bị công nghệ thông tin của từng đơn vị cho phép tổ chức các khóa học, lớp học trực tuyến, chia sẻ tài nguyên số, trao đổi kinh nghiệm, tài liệu học tập, tự học tập, kiểm tra, đánh giá kết quả… góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy các môn KHXH&NV. Thời gian qua, việc triển khai thực hiện giảng dạy các môn học KHXH&NV dưới hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến qua mạng QS net đã mang lại kết quả tích cực, bảo đảm thực hiện nhiệm vụ huấn luyện thường xuyên, liên tục; công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho học viên các nhà trường quân đội đạt kết quả tốt.  

Thứ hai, xây dựng kho học liệu mở để tăng cường khả năng tiếp cận, khai thác phục vụ quá trình giảng dạy

Các nhà trường quân đội đã đẩy mạnh triển khai số hóa học liệu, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung. Học liệu được số hóa dưới dạng văn bản, video, phim tư liệu với âm thanh, hình ảnh sống động. Thực hiện số hóa, xây dựng, cập nhật, chia sẻ học liệu số đã tạo nên kho dữ liệu số tương đối cơ bản như sách điện tử, thư viện điện tử, ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm, bài giảng điện tử, phần mềm học điện tử...(4). Hệ thống học liệu sau khi được số hóa tại các thư viện nhà trường quân đội là nguồn tài nguyên quý giá phục vụ quá trình giảng dạy và nghiên cứu của giảng viên cũng như hỗ trợ tích cực cho học viên nghiên cứu, học tập.

Nếu như trước đây, việc tìm kiếm, sử dụng tài liệu phục vụ giảng dạy các môn KHXH&NV phần lớn phụ thuộc vào thư viện tại trường thì nay giảng viên, học viên đã có thể tiếp cận với thư viện số, truy cập nhiều trang web để có tài liệu cần thiết một cách dễ dàng. Với hệ thống tài liệu phong phú, đa dạng trên không gian số, giảng viên có cơ hội tiếp cận với kho tàng tri thức khổng lồ của nhân loại qua các thời kỳ lịch sử, nâng cao tính thực tiễn, trực quan, sinh động cho hệ thống giáo án, bài giảng; nâng cao năng lực nghiên cứu, tiếp cận với những tiêu chuẩn nghiên cứu khoa học thế giới, công bố kết quả nghiên cứu khoa học trên các tạp chí quốc tế.

Thứ ba, chuẩn hóa nội dung chương trình, đổi mới phương pháp giảng dạy các môn KHXH&NV 

Phát huy lợi thế của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các nhà trường quân đội chú trọng cập nhật, tiếp thu thành tựu, tri thức mới để biên soạn, tái bản giáo trình, tài liệu theo hướng bám sát xu hướng vận động thực tiễn, yêu cầu, nhiệm vụ của Quân đội thời kỳ mới. Việc xây dựng nội dung chương trình KHXH&NV chuẩn hóa cho các đối tượng đào tạo tại các nhà trường giúp cho người dạy và người học phát huy trí tuệ, năng lực sáng tạo, khả năng lĩnh hội và làm chủ khối lượng kiến thức theo mục tiêu, yêu cầu đào tạo, huấn luyện. Bám sát các quy định về chương trình đào tạo của Tổng cục Chính trị, quy định dạy học các môn KHXH&NV trong nhà trường quân đội của Bộ Quốc phòng, việc chuẩn hóa nội dung chương trình giảng dạy và học tập các môn KHXH&NV góp phần đồng bộ hóa chương trình đào tạo giữa các nhà trường trong và ngoài quân đội.

Cùng với việc chuẩn hóa nội dung chương trình, giảng viên KHXH&NV tận dụng tối đa thành tựu khoa học công nghệ, tiến hành đổi mới phương pháp giảng dạy các môn KHXH&NV theo hướng chuyển đổi số. Những lớp học với phương pháp giảng dạy truyền thống, khuôn mẫu, nặng về truyền đạt lý thuyết, thông tin một chiều khiến người học dễ nhàm chán, thụ động đã được khoác lên “chiếc áo chuyển đổi số”.

Để tối ưu hóa thời gian giảng dạy trên lớp, giảng viên áp dụng khoa học công nghệ mới trong phân chia nội dung (giảng lý thuyết, thảo luận, tự học), quản lý lớp học và kiểm soát các hoạt động học tập của học viên thông qua nhiều ứng dụng như: kahoot.it, pollev.com, google classroom… Giảng viên sử dụng thực tế ảo, điện toán đám mây, liên kết đến nhiều nội dung khoa học chuyên ngành, liên ngành, gắn kết với tình hình chính trị - quân sự thế giới, khu vực và trong nước có liên quan đến môn học để nội dung giảng dạy các môn học KHXH&NV sinh động hơn, kích thích hứng thú của người học. Các ứng dụng hiện đại như Prezi, Google drive, Top hat, Pandora, Ispring… cho phép giảng viên soạn giáo án điện tử kết hợp được nhiều cách tương tác với người học, kích thích tối đa các giác quan (nghe, nhìn, ...), tiếp cận kiến thức mang tính trực quan, sinh động. Từ đó, học viên phát huy tối đa khả năng ghi nhớ, hiểu, vận dụng, phân tích, đánh giá, sáng tạo (tư duy trừu tượng), cũng như tính tích cực, chủ động khi vận dụng linh hoạt kiến thức đã học vào thực tiễn.

Sự xuất hiện của nhiều công cụ với những tính năng cao cấp là giải pháp hữu hiệu nâng cao chất lượng giảng dạy các môn KHXH&NV. Ứng dụng BlockChain cho phép lưu trữ, giám sát hoạt động học tập, kết quả học tập của học viên mà người quản trị không thể can thiệp vào hệ thống Database để chỉnh sửa kết quả học tập của học viên. BlockChain cùng với Bigdata và trí tuệ nhân tạo giúp giảng viên tích hợp kết quả học tập với chuẩn đầu ra để phân tích, đánh giá kết quả học tập, từ đó đưa ra những gợi ý phù hợp. Trên cơ sở đánh giá khả năng, điểm mạnh - yếu của người học, giảng viên điều chỉnh nội dung, tốc độ giảng dạy hoặc có những tư vấn hữu ích cải thiện chất lượng học tập cho học viên. Hệ thống định kỳ chụp ảnh, phân tích đánh giá mức độ chuyên cần của người học, chống gian lận khi xác định người đang học hoặc đang làm bài thi; phân tích hình ảnh để đánh giá sự tập trung của học viên hỗ trợ giảng viên sát sao hơn khi “cá nhân hóa” người học.

Chuyển đổi số và những thách thức, trở ngại

Một là, sự phụ thuộc vào công nghệ

Nền tảng cơ bản của chuyển đổi số trong giảng dạy là dựa vào cơ sở vật chất, hạ tầng thông tin, cơ sở dữ liệu số chuyên ngành của nhà trường, giảng viên và học viên. Cùng với thiết bị phần cứng là các ứng dụng phần mềm, các nền tảng số để hoạt động giảng dạy diễn ra trên đó. Chuyển đổi số yêu cầu các chương trình, phần mềm riêng lẻ tương thích và kết nối với nhau, tích hợp và tiếp cận được trên cùng một nền tảng, cho phép các hoạt động giảng dạy, học tập, kiểm tra, đánh giá, thi, quản lý người học, cũng như toàn bộ hoạt động tương tác giữa người học với giáo viên và nhà trường cùng diễn ra. Tuy nhiên, hạ tầng mạng, trang thiết bị công nghệ thông tin, đường truyền, dịch vụ internet ở nhiều đơn vị chưa đồng bộ, hạn chế về chất lượng, chưa đáp ứng được yêu cầu cho chuyển đổi số trong giảng dạy và học tập. Với tính chất đặc thù về mặt quân sự, hiện nay các nhà trường quân đội chủ yếu triển khai thực hiện chuyển đổi số trong giảng dạy trên nền tảng mạng QS net. Việc sử dụng các ứng dụng hiện đại, tích hợp và đồng bộ bảo đảm phục vụ tốt cho giáo dục, đào tạo, nâng cao chất lượng giảng dạy đang là một thách thức đối với hệ thống các nhà trường quân đội.

Hai là, an toàn thông tin và hành lang pháp lý liên quan

Hội thảo và triển lãm quốc tế về an toàn, an ninh mạng năm 2020 được tổ chức ngày 10-11-2020 tại Hà Nội dưới sự bảo trợ và chỉ đạo của Ban Kinh tế Trung ương cùng Bộ Thông tin và Truyền thông với chủ đề “An toàn bảo mật thông tin trong kỷ nguyên Trí tuệ nhân tạo và Dữ liệu lớn” đã cung cấp số liệu thống kê đáng báo động: Việt Nam đứng thứ 2 thế giới về nhiễm mã độc, đứng thứ 2 khu vực Đông Nam Á về tấn công email và thứ 3 thế giới về tấn công botnet(5). Khi tiến hành chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy tại các nhà trường quân đội có nguy cơ mất an toàn an ninh thông tin mạng, bị tấn công phá hoại dữ liệu, phá lớp học trực tuyến, chiếm quyền quản trị đăng tin thất thiệt, sửa sổ điểm điện tử, thay đổi học liệu số… Để bảo đảm an toàn lớp học cũng như tạo môi trường lớp học điện tử an toàn, cần có sự hỗ trợ tối đa của các cơ quan quản lý an toàn thông tin, an ninh mạng, đặc biệt là vai trò nòng cốt của Bộ Tư lệnh Tác chiến không gian mạng, có các chế tài răn đe đủ mạnh, xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi xấu đối với việc dạy học online, hướng đến xây dựng không gian an toàn cho các lớp học trực tuyến. Trong bối cảnh các nguy cơ và hiểm họa mất an toàn thông tin ngày càng phổ biến với mức độ sử dụng kỹ thuật ngày càng tinh vi và đứng trước yêu cầu cao về bảo đảm yếu tố bí mật quân sự trong quá trình giảng dạy các môn KHXH&NV, các nhà trường quân đội cần tăng cường triển khai đồng bộ, tổng thể các giải pháp bảo đảm an toàn thông tin trên không gian mạng.

Để tiến hành chuyển đổi số một cách có hệ thống, đồng bộ tại các nhà trường quân đội, việc thu thập, chia sẻ, khai thác dữ liệu và học liệu số các môn KHXH&NV cần hành lang pháp lý chung phù hợp với các quy định về bản quyền tác giả, sở hữu trí tuệ, an ninh thông tin và đặc biệt là quy định của Bộ Quốc phòng về tổ chức dạy học các môn KHXH&NV trong nhà trường quân đội. Tuy nhiên, hiện chưa có hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất trong toàn quân, các quy định liên quan đến chuyển đổi số trong giảng dạy hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng giảng dạy các môn KHXH&NV.

Ba là, guồn nhân lực

Chuyển đổi số không chỉ giới hạn trong tài liệu số, giảng dạy trực tuyến, mà là sự chuyển đổi toàn bộ cách thức, phương pháp giảng dạy, kỹ thuật quản lý lớp học, tương tác với người học sang không gian số, khai thác công nghệ thông tin để tổ chức giảng dạy thành công. Tại các nhà trường quân đội, bên cạnh bộ phận chuyên trách về công nghệ thông tin, để phục vụ cho quá trình chuyển đổi số trong giảng dạy cần có sự đầu tư lớn về nhân lực, gồm nhân lực quản lý và nhân lực triển khai để số hóa, xây dựng, cập nhật học liệu số, thẩm định, chia sẻ học liệu số...

Nhằm đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số trong giảng dạy,đội ngũ giảng viên KHXH&NV cần học tập, nâng cao trình độ ngoại ngữ, công nghệ thông tin. Trong khi phần lớn giảng viên KHXH&NV có trình độ kỹ thuật số thấp, đặc biệt là đội ngũ trung niên thường gặp nhiều khó khăn khi sử dụng các nền tảng số. Khoảng cách thế hệ giữa các giảng viên (các đối tượng học viên) được coi là thành thạo công nghệ số và các giảng viên (các đối tượng học viên) phải thích ứng và học cách sử dụng công nghệ đang tạo ra những rào cản đáng kể về tâm lý trong truyền tải và tiếp nhận kiến thức. Bên cạnh việc nỗ lực học tập, nghiên cứu nâng cao trình độ chuyên môn, việc giảng viên KHXH&NV thành thạo ít nhất một ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh cũng sẽ giúp cho giảng viên rút ngắn thời gian và khoảng cách tiếp cận những thành tựu mới về khoa học công nghệ, kịp thời ứng dụng những công cụ hữu ích vào công tác giảng dạy, tiếp cận đa dạng các loại tài liệu, sách báo, cập nhật tình hình chính trị - quân sự thế giới đa chiều. Đây là một thách thức không nhỏ đối với đội ngũ giảng viên KHXH&NV trong kỷ nguyên số.    

_________________

Ngày nhận bài 21-7-2023; Ngày bình duyệt: 26-7-2023; Ngày duyệt đăng: 18-8-2023.

 

1. Bộ Thông tin và Truyền thông: Cẩm nang chuyển đổi số, Nxb Thông tin và Truyền thông, Hà Nội, 2021.

2. Thủ tướng Chính phủ: Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3-6-2020 về phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, Hà Nội, 2020.

3. ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, 2021.

4. Cục Nhà trường (Bộ Tổng tham mưu Quân đội): Kỷ yếu hội thảo Tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và chuyển đổi số đến giảng dạy các môn khoa học xã hội và nhân văn trong nhà trường quân đội, Hà Nội, 2022.

5. Hà Hồng Hà: Hội thảo và triển lãm quốc tế về an toàn, an ninh mạng Việt 2020https://nhandan.vn/hoi-thao-va-trien-lam-quoc-te-ve-an-toan-an-ninh-mang-viet-2020-post623966.html, ngày 10-11-2020.

                                             ThS NGUYỄN THỊ NƯƠNG

TS NGUYỄN TRỌNG LUẬT

                               Trường Đại học Kỹ thuật Lê Quý Đôn

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền