Trang chủ    Diễn đàn    Kỹ trị và vận dụng kỹ trị trong mở rộng dân chủ ở Việt Nam
Thứ hai, 20 Tháng 2 2023 15:23
2678 Lượt xem

Kỹ trị và vận dụng kỹ trị trong mở rộng dân chủ ở Việt Nam

(LLCT) - Kỹ trị là khái niệm được tiếp cận từ nhiều phương diện khác nhau: như một loại quyền lực, như một phương pháp ra quyết định, hay như một loại chính phủ. Kỹ trị có mối quan hệ với dân chủ vốn được tiếp cận như một giá trị hay một phương thức quản lý và điều hành xã hội. Trong tiến trình mở rộng dân chủ ở Việt Nam hiện nay, nhận diện đúng bản chất của kỹ trị là cơ sở để vận dụng vào quá trình phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa và góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị và phát huy sức mạnh toàn dân tộc ở nước ta.

Việt Nam sẽ không xây dựng một “chế độ kỹ trị” kiểu phương Tây. Trong chế độ dân chủ XHCN, Nhà nước phải thật sự là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân - Ảnh: baothainguyen.vn

1. Nguồn gốc và bản chất của khái niệm “kỹ trị”

Thuật ngữ kỹ trị (technocracy) có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp τέχνη, tekhne có nghĩa là kỹ năng và κράτος, kratos có nghĩa là quyền lực. William Henry Smyth là người đã nêu ra từ “kỹ trị” vào năm 1919 khi mô tả “sự cai trị của người dân được thực hiện hiệu quả thông qua cơ quan của những công chức, các nhà khoa học và kỹ sư” trong bài báo Kỹ trị - Những cách thức và phương tiện để đạt được nền dân chủ công nghiệp đăng trên tạp chí Industrial Management(1). Bằng từ “kỹ trị”, W.H.Smyth đề cập đến nền dân chủ công nghiệp - một phong trào huy động các kỹ sư và nhà khoa học vào quá trình ra quyết định trong các công ty.

Trong cuộc đại suy thoái kinh tế đầu những năm 1930, kỹ trị là một chủ đề được công chúng quan tâm, vì nó đóng vai trò quan trọng trong việc chữa lành cho nền kinh tế sau khủng hoảng. Vào những năm 1930, Howard Scott đã gây dựng Phong trào kỹ trị(2) và khi đó, thuật ngữ “kỹ trị” được hiểu là “chính phủ ra quyết định mang tính kỹ thuật”. Thuật ngữ “technocrat” (nhà kỹ trị) được dùng để chỉ người thực thi quyền lực chính phủ dựa trên sự hiểu biết của họ(3), “một thành viên của tầng lớp tinh hoa kỹ thuật quyền lực”(4), hoặc “người ủng hộ quyền tối cao của các chuyên gia kỹ thuật”(5).

Ngày nay, kỹ trị là một khái niệm có thể được tiếp cận từ nhiều phương diện khác nhau: như một loại quyền lực, như một phương pháp ra quyết định, hay như một loại chính phủ.

Nếu chính trị được định nghĩa là xung đột về quyền lực trong phân chia giá trị (tức xung đột trong quyết định về mục tiêu của các chính sách), thì kỹ trị là một dạng quyền lực, trong đó các chuyên gia quyết định việc phân bổ các giá trị một cách độc lập, dựa trên kiến thức chuyên môn của họ và vì lợi ích lâu dài của toàn xã hội. Kiến thức và chuyên môn vượt trội chính là cơ sở của kỹ trị, là cái tạo nên tính chính đáng của quyền lực kỹ trị. Tuy nhiên, kỹ trị không thể phi chính trị hoặc trung lập mà quyền lực kỹ trị bắt nguồn chính từ việc từ bỏ tính trung lập chính trị.

Cách tiếp cận kỹ trị như một phương pháp ra quyết định liên quan đến bản chất của kỹ trị: các chuyên gia tuân thủ các quy tắc chuyên môn trong những lĩnh vực nhất định. Kỹ trị được mô tả như một phương pháp ra quyết định dựa trên ý tưởng về “phương án tốt nhất” được đưa ra bởi các chuyên gia, những người biết rõ nhất các phương tiện và cách thức để đạt được mục tiêu(6).

Do không bị chi phối bởi mức độ ủng hộ của cử tri qua các cuộc bầu cử, cũng như không chịu áp lực từ các nhóm lợi ích, các nhà kỹ trị có thể hành động có trách nhiệm với tầm nhìn dài hạn vì sự phát triển chung, đưa ra kết luận trong các lĩnh vực hoặc các ngành dựa trên chuyên môn, tức là khách quan và đáng tin cậy.

McDonnell và Valbruzzi xác định: một thủ tướng hoặc bộ trưởng là một nhà kỹ trị nếu “tại thời điểm được bổ nhiệm vào chính phủ, ông/bà ấy: chưa bao giờ nắm giữ chức vụ công dưới ngọn cờ của một đảng chính trị; không phải là thành viên chính thức của bất kỳ đảng phái nào; và được cho là có kiến thức chuyên môn chính trị phi đảng phái được công nhận có liên quan trực tiếp đến vai trò đảm nhiệm trong chính phủ”(7).

Kỹ trị cũng được coi như một loại chính phủ (chế độ kỹ trị). Chế độ kỹ trị là một hệ thống tư tưởng về quản trị, trong đó người ra quyết định hoặc những người thực thi được dân chúng bầu chọn hoặc bổ nhiệm trên cơ sở chuyên môn của họ trong một lĩnh vực trách nhiệm nhất định, đặc biệt là về kiến thức khoa học hoặc kỹ thuật; do đó, các quyết định mà họ đưa ra dựa trên dữ liệu khoa học hoặc phương pháp luận khách quan được hỗ trợ bởi khoa học. Những người ra quyết định được lựa chọn dựa trên kiến thức chuyên môn và hiệu quả hoạt động thay cho các kỹ năng của đảng phái chính trị hoặc nghị viện. Hệ thống này được cho là hoàn toàn trái ngược với dân chủ đại diện - nơi người ra quyết định trong chính phủ là các đại diện được bầu ra.

Kỹ trị đã được dùng để chỉ các chính phủ gồm các chính trị gia chuyên nghiệp được lãnh đạo bởi một thủ tướng không được bầu, chẳng hạn Chính phủ Hy Lạp trong những năm 2011 - 2012 do nhà kinh tế Lucas Papademos lãnh đạo, Chính phủ Cộng hòa Séc trong những năm 2009 - 2010 do Jan Fischer lãnh đạo hay chính phủ do các đảng chính trị đồng thuận thành lập ở Tunisia do Mehdi Jomaa lãnh đạo.

Bất kỳ hệ thống nào trong đó quyền lực (hoặc các bộ phận quan trọng nhất của nó) nằm trong tay của những người được lựa chọn trên cơ sở chuyên môn và năng lực, thay vì thông qua các cuộc bầu cử tự do và công bằng, đều có những đặc điểm của một chế độ kỹ trị.

Về bản chất, kỹ trị xác định một tầng lớp tinh hoa dựa trên kiến thức, chuyên môn, bằng cấp và kinh nghiệm, tách biệt với những người dân bình thường. Đó là những người ưu tú nhất, vì vậy họ có thể và nên dẫn dắt xã hội dựa trên phán đoán của mình mà không cần quan tâm đến sở thích hay lợi ích của những người bình thường vốn ít được trang bị về kỹ năng, tri thức, thông tin và thời gian, hoặc dễ bị ảnh hưởng bởi những động cơ, mục đích tư lợi khác.

2. Quan hệ giữa kỹ trị và dân chủ

Từ thế kỷ XIX, hàng loạt các cuộc cách mạng xã hội và cách mạng công nghiệp đã diễn ra trên khắp phương Tây, đặt nền móng cho nền dân chủ hiện đại. Các cuộc cách mạng này đã đưa đến hai sự thay đổi quan trọng: một là, nhà nước trở thành hình thức cơ bản của tổ chức chính trị, với nền dân chủ thay thế cho chế độ chuyên quyền; hai là, xác lập chủ nghĩa tư bản là phương thức sản xuất cơ bản, với kinh tế công nghiệp thay thế nông nghiệp.

Hai quá trình lớn này đã tạo ra hai cộng đồng bao trùm: một cộng đồng (quốc gia) văn hóa và một cộng đồng (giai cấp) kinh tế. Kỹ trị ra đời chính từ nhu cầu quản lý các xã hội đang thay đổi và ngày càng phức tạp do sự phát triển của các cuộc cách mạng đó. Nhưng, do sự ưu việt về tri thức, kỹ năng và các yếu tố khác, kỹ trị có ảnh hưởng ngày càng lớn và từng bước thách thức nền dân chủ theo nhiều cách khác nhau.

Thứ nhất, theo Pier Domenico Tortola, chế độ kỹ trị có thể tạo thành một sự vi phạm rõ ràng đối với các nguyên tắc dân chủ, vì nó tước bỏ quyền lực chính trị tối cao khỏi các thể chế và vị trí được hợp pháp hóa thông qua bầu cử(8). Khi đạt đến trình độ một chế độ kỹ trị, quyền lực nằm trong tay của những người không có bất kỳ sự ủy quyền phổ thông trực tiếp hoặc gián tiếp nào; họ cũng không chịu trách nhiệm giải trình đối với các quyết định chính sách của mình. Trong các chế độ kỹ trị, dân chủ chỉ còn là một nghi thức bầu cử diễn ra định kỳ, nhưng không tạo ra sự ủy quyền thật sự.

Khi các tập đoàn công nghệ đa quốc gia lớn tăng giới hạn thị trường và số lượng khách hàng, những lời chỉ trích về chính phủ kỹ trị cũng ngày càng tăng.

Ngay từ năm 1982, John G.Gunnell cho rằng, chính trị ngày càng chịu ảnh hưởng của sự thay đổi công nghệ và trình bày ba cấp độ phân tích để phân định ảnh hưởng chính trị của công nghệ: quyền lực chính trị có xu hướng thu hút giới tinh hoa công nghệ; công nghệ đã mang tính tự trị và do đó không thể bị xâm phạm bởi các cấu trúc chính trị và công nghệ (và khoa học) tạo thành một hệ tư tưởng hợp pháp hóa mới. Ông cũng dự báo sự xâm nhập của công nghệ vào các quá trình chính trị và cho rằng, sự liên đới của công nghệ và chính trị chắc chắn sẽ tạo ra sự tập trung quyền lực chung quanh những người được đào tạo công nghệ tiên tiến, cụ thể là các nhà kỹ trị(9).

Thứ hai, chế độ kỹ trị có thể che giấu bản chất chính trị của nó, từ đó mưu cầu lợi ích riêng vượt khỏi tầm kiểm soát của người dân. Kỹ trị tập trung vào tính hiệu quả của các phương tiện đối với những mục đích nhất định, nhưng nó loại bỏ người dân khỏi cuộc thảo luận về những mục tiêu đó. Khi thực thi quyền lực chính trị, các nhà kỹ trị tỏ ra khách quan và độc lập với hệ tư tưởng. Nhưng, chuyên môn khoa học và kỹ thuật không thể tách rời khỏi các vấn đề xã hội và kinh tế, không thể tách khỏi chính trị. Việc lạm dụng kỹ trị có thể dẫn đến việc sụt giảm vốn xã hội và lòng tin. Các cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính toàn cầu hoặc khủng hoảng nợ công trong khu vực đồng Euro có một điểm chung là gây ra và làm trầm trọng hơn sự thiếu lòng tin của người dân. 

Thứ ba, các nhà kỹ trị được coi là phục vụ cho thể chế, điều này giúp họ tránh được việc bị phơi bày động cơ thực sự và chịu trách nhiệm chính trị. Tuy nhiên, trong bất cứ nền chính trị nào, việc ra quyết định phi chính trị là phi thực tế. Việc áp dụng kỹ trị trong giải quyết các vấn đề cụ thể luôn đòi hỏi những đánh giá và lựa chọn giữa các giá trị, lợi ích và sở thích cạnh tranh. Mặc dù việc ủy quyền quyết định cho các chuyên gia là cần thiết để giải quyết sự phức tạp ngày càng tăng trong điều hành xã hội, hạn chế sự can thiệp và thao túng của các chính trị gia vào các chính sách, hạn chế ảnh hưởng của các biện pháp bầu cử ngắn hạn đối với hoạch định chính sách, nâng cao chất lượng và uy tín của quản trị công, nhưng một chế độ kỹ trị lại thiếu tranh luận và trách nhiệm giải trình trong khi bản thân chế độ kỹ trị cũng có thể sai lầm hoặc bị chính trị hóa.

J.Habermas cho rằng, chế độ kỹ trị nảy sinh từ nhu cầu sử dụng chính sách công để giải quyết những vấn đề kinh tế và xã hội. Các nhà kỹ trị đã đáp ứng thành công nhu cầu này, cung cấp cho công chúng mức phúc lợi tối thiểu được bảo đảm, việc làm bảo đảm, thu nhập ổn định, an sinh xã hội và cơ hội thăng tiến của cá nhân. Để đổi lại, chế độ kỹ trị đã phi chính trị hóa những người nhận, ràng buộc sự trung thành của họ với chủ nghĩa kỹ trị. Bằng cách giảm thiểu rủi ro kinh tế cho dân chúng, chế độ kỹ trị đã chuyển chính trị sang hướng giải quyết các vấn đề kỹ thuật và tách khỏi hành động giao tiếp hay cuộc thảo luận dân chủ không ép buộc về mục đích. Nhưng, chỉ những cuộc thảo luận như vậy mới có thể hợp thức hóa những mục đích mà chế độ kỹ trị cung cấp các phương tiện để đạt được. Thiếu tính hợp pháp của dân chủ, kỹ trị là phi lý tính về giá trị, mặc dù có tính hợp lý về mặt công cụ(10).

Tuy bị phê phán như vậy, nhưng gần một thế kỷ qua, chế độ kỹ trị vẫn tồn tại song hành trong bối cảnh dân chủ phát triển mạnh mẽ. 

Thứ nhất, trong quan hệ với dân chủ với tư cách là mục tiêu, kỹ trị chính là công cụ. Năm 1958, Isaiah Berlin đã phân biệt giữa các mục đích của chính trị và các phương tiện để đạt được những mục đích đó: Khi các mục đích đã được thỏa thuận, câu hỏi duy nhất còn lại là phương tiện. Phương tiện không giống với mục đích, vì chúng mang tính “kỹ thuật” và vì vậy, “có khả năng được giải quyết bởi các chuyên gia hoặc máy móc”(11).

Mục đích của kỹ trị là thúc đẩy phúc lợi xã hội và kinh tế bằng cách giải quyết các vấn đề như thất nghiệp, lạm phát, chất lượng giáo dục kém, hệ thống chăm sóc sức khỏe rối loạn... Trong cuốn Khoa học về chính trị và ý kiến công chúng, J.Habermas lập luận rằng, kiến thức khoa học mà các nhà kỹ trị sở hữu cho phép họ tạo ra các phương tiện chính sách hiệu quả để phục vụ cho mục đích chính trị nhất định(12); rằng, việc lựa chọn phương tiện của các nhà kỹ trị được hướng dẫn bởi khoa học là hợp lý về mặt công cụ.

Để bảo vệ nền dân chủ, một mặt, các nhà kỹ trị phải có kiến thức đáng tin cậy về cách giải quyết, giảm thiểu hoặc ngăn ngừa các vấn đề kinh tế và xã hội; mặt khác, “các chuyên gia khoa học tư vấn cho những người ra quyết định và các chính trị gia tham khảo ý kiến các nhà khoa học phù hợp với nhu cầu thực tiễn” - các nhu cầu được xác định một cách dân chủ(13). Khi đó, các chính trị gia có thể tận dụng kiến thức của các chuyên gia về các phương tiện chính sách tốt nhất cho những mục đích đó một cách hợp pháp. Khi đó, “khối lượng lớn thông tin khoa học xã hội khác nhau chảy vào hệ thống chính trị cho phép cả việc xác định sớm các vùng rủi ro và xử lý các mối nguy hiểm thực tế”(14).

Thứ hai, dân chủ chính là để bảo vệ một nền kỹ trị hiệu quả. Dân chủ được coi trọng không phải vì nhân dân sẽ trở thành những nhà kỹ trị có năng lực, mà bởi vì quy tắc đa số cho phép kiểm soát sự lạm quyền và cả những sai lầm của giới kỹ trị. Dù các nhà lập pháp và công chúng thường nhường quyền cho các chuyên gia trong giải quyết một số loại vấn đề xã hội, nhưng sự nghi ngờ rằng những công dân bình thường ít được trang bị để cân nhắc chi phí và lợi ích của chính sách hay sự chú ý chính trị của công dân là rời rạc, kiến thức chính trị rất ít và thái độ chính trị không rõ ràng... lại không có cơ sở. Mặc dù không thể chắc hầu hết mọi người đều có những quan điểm chính sách mạnh mẽ dựa trên bằng chứng thực nghiệm, nhưng họ vẫn cân nhắc giữa chi phí cảm nhận với lợi ích được nhận thức.

3. Tiếp cận kỹ trị trong quá trình mở rộng dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam

Quan hệ giữa kỹ trị và dân chủ trong đời sống chính trị Việt Nam

Thực hiện dân chủ nhân dân và dân chủ XHCN là chủ trương nhất quán của Đảng Cộng sản Việt Nam từ ngày thành lập tới nay. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) viết: “Dân chủ xã hội chủ nghĩa là bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước”(15). Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam, thì nhân dân làm chủ là bản chất của chế độ dân chủ XHCN. Nội dung cơ bản của thực hành dân chủ là Đảng lãnh đạo Nhà nước và toàn bộ xã hội phát triển theo định hướng XHCN; Nhà nước là tổ chức quyền lực của nhân dân, thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng thành chính sách, pháp luật, tổ chức quản lý, điều hành xã hội để thực hiện đường lối của Đảng và bảo đảm lợi ích của nhân dân; Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội hoạt động theo đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước và bảo đảm quyền làm chủ của các tầng lớp nhân dân. Nhân dân có quyền và trách nhiệm trực tiếp tham gia vào việc xây dựng, hoàn thiện và thi hành các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Chủ trương “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” được nêu trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đang trở thành phương châm hành động cụ thể để thực hiện dân chủ trong toàn xã hội.

Với việc xác định vị thế của dân chủ XHCN như vậy - rõ ràng - Việt Nam sẽ không xây dựng một “chế độ kỹ trị” kiểu phương Tây. Trong chế độ dân chủ XHCN, Nhà nước phải thật sự là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, các thể chế kỹ trị lấn át trong việc hoạch định chính sách quốc gia quan trọng. Trong khi đó, trong “chế độ kỹ trị”, các nội dung quan trọng của dân chủ như: dân chủ trực tiếp, ủy quyền, dân chủ tham gia... hầu như bị hủy bỏ. Có thể thấy, trong các “chế độ kỹ trị”, chính phủ nhân danh “vì nhân dân” lại không phải là chính phủ “do nhân dân”.

Việt Nam có cần xây dựng một “chế độ kỹ trị” với các nhà lãnh đạo cấp cao có chuyên môn cao về khoa học và công nghệ?

Nếu chính trị là quá trình các lực lượng chính trị cạnh tranh cho các ưu tiên và các chính sách của mình, việc đạt đến một quyết định chung ở tầm quốc gia đòi hỏi một sự thỏa hiệp giữa nhiều đảng phái, thì, về nguyên tắc, kỹ trị bỏ qua sự đấu tranh lợi ích giữa các đảng phái. Vì vậy, chế độ kỹ trị chỉ có ưu thế trong các nền chính trị đa đảng cạnh trạnh.

Ở Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng duy nhất cầm quyền. Đảng Cộng sản Việt Nam đã vượt qua mọi khó khăn trong suốt các chặng đường lịch sử đã qua không phải nhờ “chế độ kỹ trị” với các lãnh đạo cấp cao nhất được đào tạo ở trình độ cao về khoa học - công nghệ hay kỹ thuật, mà nhờ vào việc các quyết sách chính trị đều dựa trên ý chí tập thể, thông qua đối thoại, tranh luận, phản biện một cách cầu thị, khoa học và trách nhiệm với vận mệnh của quốc gia - dân tộc.

Bên cạnh đó, cần nhìn nhận các nhà lãnh đạo cấp cao là các chính trị gia. Giữa chính trị gia và nhà kỹ trị có những khác biệt rõ ràng: Trong khi chính trị gia có mối liên hệ trực tiếp với đảng chính trị và cử tri, thì nhà kỹ trị được tuyển dụng chủ yếu dựa trên chuyên môn. Các lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước ở Việt Nam cần có tầm nhìn chiến lược đúng đắn trong việc xây dựng, hoạch định chiến lược, chính sách phát triển của đất nước, của ngành, lĩnh vực mà mình phụ trách. Việc lãnh đạo chính trị và hoạt động ra quyết định không đơn thuần chỉ là các quy tắc và thủ tục máy móc, trong đó kiến thức khoa học là yếu tố duy nhất.

Có nhiều yếu tố quyết định sự thành bại của một quốc gia, bao gồm cả các yếu tố như lịch sử, địa chính trị hay văn hóa. Nhiều quốc gia đạt được thành tựu trong phát triển không phải chỉ bởi một nhóm nào đó cho rằng họ là tinh hoa và hoàn hảo hơn những người dân bình thường, mà vì những người lãnh đạo của họ đã không làm cho người dân thất vọng.

Việt Nam có cần kỹ trị hay không?

Trong tất cả các chế độ chính trị, sự vắng mặt hoàn toàn của quyền lực kỹ trị là điều không thực tế, nhưng chỉ từ một ngưỡng nhất định thì một chế độ mới được coi là kỹ trị. Ở hầu hết các chính phủ trên toàn thế giới, các nhà kỹ trị được lựa chọn để đứng đầu các bộ phận quan trọng đòi hỏi các kỹ năng và chuyên gia chuyên biệt.

Một số nhà nghiên cứu cho rằng, việc nâng tầm của các nhà kỹ trị lên mức độ độc lập chính trị chính thức sẽ vượt ra khỏi giới hạn của dân chủ. Khi các chính sách không phải là kết quả của sự tổng hợp các ý kiến hay lợi ích đa số thì rõ ràng đời sống chính trị không còn là công việc của dân chúng - những người luôn được khẳng định là chủ thể của quyền lực trong các hiến pháp dân chủ.

Việt Nam không xây dựng “chế độ kỹ trị” kiểu phương Tây, nhưng đương nhiên, vẫn cần quyền lực kỹ trị. Quyền lực kỹ trị được thể hiện ở nhiều cấp độ khác nhau, bao gồm quyền lực của các chuyên gia trong các vị trí cố vấn, các bộ trưởng và người đứng đầu cơ quan thực hiện quyền hành pháp hoặc cơ quan điều hành.

Việt Nam đang xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, có năng lực kiến tạo phát triển, vì vậy rất cần các nhà kỹ trị. Nhưng, điều này không hàm ý những người đứng đầu quốc gia phải được đào tạo chuyên sâu về khoa học - công nghệ hay kỹ thuật; cũng không hàm ý người đứng đầu các cơ quan, tổ chức phải có chuyên môn sâu về lĩnh vực mà mình lãnh đạo.

Kỹ trị sẽ chung sống như thế nào với dân chủ?

Quá trình xây dựng “chế độ kỹ trị” trong hệ thống quản lý nhà nước ở phương Tây cũng chứng kiến sự suy giảm dân chủ ngày càng gia tăng, kể cả ở những quốc gia có nền dân chủ lâu đời. Nhưng, kỹ trị lại là cần thiết cho một chế độ dân chủ ở Việt Nam - nơi mà do những nguyên nhân mang tính lịch sử, tinh thần duy lý chưa hình thành rõ nét trong cách nghĩ, cách sống, tâm lý, thói quen của người dân.

Nói chung, người dân phải đối mặt với sự hữu hạn của lý tính và chịu sự chi phối của những mong muốn, lợi ích cá nhân, nên có thể đưa ra những lựa chọn sai lầm. Vì vậy, các chính sách không nhất thiết lúc nào cũng chỉ là kết quả của sự tổng hợp các ý kiến hay lợi ích đa số. Trong những trường hợp đó, việc trao quyền cho giới chuyên gia sẽ làm cho các lợi ích xã hội được thiết lập một cách hợp lý và khoa học, tức khách quan và dài hạn. Việc lựa chọn mức độ kỹ trị trong quản lý quốc gia phụ thuộc vào sự nhìn nhận điểm cân bằng giữa dân chủ và kỹ trị, gắn với những mục tiêu chính trị được xác định rõ ràng.

_________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 538 (tháng 12-2022)

Ngày nhận bài: 31-10-2022; Ngày bình duyệt: 12-12-2022; Ngày duyệt đăng: 19-12-2022.

 

(1) https://encyclopedia.pub/entry/29497#ref_1.

(2) Phong trào kỹ trị bắt đầu ở Hoa Kỳ, do Howard Scott và Marion King Hubbert khởi xướng vào đầu những năm 1930, đề xuất thay thế chính phủ bằng các nhà kỹ trị như các nhà khoa học và kỹ sư sở hữu các kỹ năng và kinh nghiệm cần thiết để quản lý nền kinh tế. Phong trào kỹ trị cũng cam kết từ bỏ chính trị đảng phái và cách mạng.

(3) “Technocracy facts, information, pictures | Encyclopedia.com articles about Technocracy”. http://www.encyclopedia.com/topic/Technocracy.aspx.

(4) Wickman, Forrest (11-2011). “What’s a Technocrat?”. The Slate Group. http://www.slate.com/articles/news_and_politics/explainer/2011/11/technocrats_and_the_european_debt_crisis_what_s_a_technocrat_.html.

(5) “Technocrats: Minds like machines”. The Economist. 19 November 2011. http://www.economist.com/node/21538698. Retrieved 21 February 2012.

(6) Xem: Eri Bertsou và Daniel Caramani (Chủ biên) (2020), The Technocratic Challenge to Democracy”, Routledge, tr.62.

(7) McDonnell, Duncan; Valbruzzi, Marco, “Defining and classifying technocrat-led and technocratic governments”. European Journal of Political Research 53 (4) 2014: 654-671. doi:10.1111/1475-6765.12054. https://www.researchgate.net/publication/

261568742.

(8) Xem Eri Bertsou và Daniel Caramani (Chủ biên), The Technocratic Challenge to Democracy” - Technocracy and depoliticization, Routledge, 2020, tr.69.

(9) Gunnell, John G. “The Technocratic Image and the Theory of Technocracy”. Technology and Culture 23 (3), July 1982, p.392-416. doi:10.2307/3104485.

PMID 11611029.  https://dx.doi.org/10.2307%2F3104485.

(10), (14) Xem Jeffrey Friedman, Power without Knowledge: A Critique of Technocracy, Oxford University Press, 2019, tr.3, 3.

(11) Isaiah Berlin, Four Essays on Liberty, Oxford University Press, 1969, tr.118.

(12), (13) Jürgen Habermas, Toward a Rational Society, 1968, tr.62, 65, 66-67.

(15) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.84-85.

TS BÙI VIỆT HƯƠNG

Viện Chính trị học,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền