Trang chủ    Đào tạo - Bồi dưỡng    Một số yêu cầu cơ bản nhằm nâng cao hiệu quả nghiên cứu, học tập các tác phẩm kinh điển Mác - Lênin
Thứ năm, 14 Tháng 5 2020 09:50
3734 Lượt xem

Một số yêu cầu cơ bản nhằm nâng cao hiệu quả nghiên cứu, học tập các tác phẩm kinh điển Mác - Lênin

(LLCT) - Một trong những hạn chế trong công tác lý luận của chúng ta hiện nay, đó là “tri thức kinh điển chưa được coi trọng đúng mức”, hiệu quả nghiên cứu, học tập các tác phẩm kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin chưa cao. Để góp phần khắc phục tình trạng trên, trước mắt cần phải thực hiện tốt một số yêu cầu cơ bản sau: Thứ nhất, phải có lòng đam mê và niềm tin khoa học; Thứ hai, phải có phương pháp tốt; Thứ ba, quán triệt các nguyên tắc phương pháp luận của phép biện chứng duy vật; Thứ tư, xêmina - thảo luận. Trên cơ sở đó khẳng định sức sống của chủ nghĩa Mác-Lênin, đồng thời chỉ ra những luận điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin đã bị thực tiễn vượt qua.

Từ khóa: tác phẩm kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin.

Một trong những hạn chế trong công tác lý luận được Chỉ thị số 23-CT/TW, ngày 9-2-2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới chỉ ra, đó là: “chất lượng, hiệu quả học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh chưa cao; tri thức kinh điển chưa được coi trọng đúng mức; một số quan điểm, học thuyết của các nhà kinh điển chậm được nghiên cứu, nhận thức một cách đầy đủ và chậm được bổ sung, phát triển để đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới”.

Để việc nghiên cứu, học tập các tác phẩm kinh điển mác-xít một cách có hiệu quả, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới, theo chúng tôi cần phải “Tiếp tục khẳng định và cụ thể hóa những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, các giá trị bền vững phù hợp với thực tiễn của Việt Nam; chỉ rõ vấn đề cần bổ sung, phát triển. Tiếp tục nghiên cứu có hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh, làm rõ sự bổ sung, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin của Hồ Chí Minh. Tập trung đi sâu nghiên cứu những giá trị văn hóa truyền thống, những bài học kinh nghiệm lịch sử xây dựng và bảo vệ đất nước của dân tộc Việt Nam” theo đúng tinh thần Nghị quyết 37-NQ/TW, ngày 9-10-2014 của Bộ Chính trị về công tác lý luận và định hướng nghiên cứu đến năm 2030. Muốn vậy đòi hỏi chúng ta phải tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, rút ra những bài học kinh nghiệm, chỉ ra những yêu cầu cơ bản nhằm nâng cao hiệu quả nghiên cứu, học tập các tác phẩm kinh điển của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh phù hợp với từng đối tượng.

Một số yêu cầu cơ bản nhằm nâng cao hiệu quả nghiên cứu, học tập các tác phẩm kinh điển của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay là:

Thứ nhất, phải có lòng đam mê và niềm tin khoa học.

Đam mê khoa học là một trong những phẩm chất quan trọng của người làm khoa học. Không có đam mê khoa học thì khó có thể đạt được những thành tích, kết quả cao trong nghiên cứu và sáng tạo tri thức khoa học cũng như việc vận dụng tri thức khoa học vào cuộc sống.

 C.Mác đã từng viết rằng: “Không có con đường cái quan nào ở trong khoa học cả, và chỉ những người nào không sợ chồn chân mỏi gối trèo lên những con đường nhỏ bé gập ghềnh của nó thì mới hy vọng đạt tới đỉnh cao xán lạn của khoa học mà thôi”(1) và chính C.Mác là hiện thân của sự đam mê khoa học đó. Trong Điếu văn đọc tại Lễ an táng C. Mác, Ph.Ăngghen nêu rõ: “Khoa học đối với Mác là một động lực lịch sử, một lực lượng cách mạng. Mỗi phát minh mới trong bất cứ một khoa học lý luận nào mà thậm chí, đôi khi việc ứng dụng nó vào thực tế người ta chưa thể nhìn thấy ngay được thì đã có thể đem lại cho Mác một niềm vui thực sự như thế nào rồi”(2).

Hiện nay, một trong những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị được Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII chỉ ra là: “Nhận thức sai lệch về ý nghĩa, tầm quan trọng của lý luận và học tập lý luận chính trị; lười học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”(3). Biểu hiện rõ nét nhất của việc “lười học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh” đó là việc thiếu nghiêm túc trong nghiên cứu các tác phẩm kinh điển của chủ nghĩa Mác-Lênin, của Chủ tịch Hồ Chí Minh - nhất là đối với những người chuyên làm công tác lý luận. Hiện tại có không ít học viên cao học, nghiên cứu sinh khi tốt nghiệp ra trường, vẫn chưa đọc hết trọn vẹn một tác phẩm kinh điển nào đó của C.Mác, của Ph.Ăngghen, hay của V.Lênin. Đây là thực trạng đáng báo động, cần phải sớm được khắc phục, nếu không sẽ gặp khó khăn trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Cùng với lòng đam mê khoa học thì niềm tin khoa học - nhất là đối với khoa học chính trị - cũng là một trong những phẩm chất cần có ở người làm khoa học. Trong nghiên cứu khoa học cũng như trong cuộc sống, niềm tin sẽ là động lực, là sức mạnh để con người vượt qua mọi khó khăn, trở ngại, mở ra cánh cửa để đi đến tương lai.

Trong bối cảnh hiện nay, khi CNXH đang lâm vào thoái trào, chủ nghĩa Mác-Lênin đang đứng trước những thử thách to lớn, niềm tin của một bộ phận nhân dân đối với Đảng ít nhiều bị suy giảm; không ít cán bộ, đảng viên có những biểu hiện dao động, mất phương hướng, hoài nghi về vai trò lãnh đạo của Đảng, về mục tiêu, lý tưởng và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam v.v. thì việc củng cố niềm tin khoa học, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch thông qua việc khẳng định các giá trị bền vững của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; bổ sung, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh thông qua nghiên cứu, học tập các tác phẩm kinh điển là hết sức cần thiết, nhất là đối với đội ngũ trí thức, với những người làm công tác tư tưởng lý luận.

Thứ hai, phải có phương pháp nghiên cứu tốt. Phương pháp được hiểu là lối, cách thức, biện pháp mà con người dùng để nhận thức và hoạt động nhằm biến đổi hiện thực.

Kế thừa những quan niệm tiến bộ trong lịch sử tư tưởng nhân loại về ý nghĩa, tầm quan trọng của “phương pháp” trong nhận thức khoa học và cải tạo hiện thực, C.Mác rất coi trọng “phương pháp”. Trong thư Gửi Véc-néc Dôm-bác-tơ ở Béc-Lin (Luân Đôn, 11-3-1895), Ph.Ăngghen viết: “Nhưng toàn bộ thế giới quan [Auffassungsweise] của Mác không phải là một học thuyết, mà là một phương pháp. Nó không đem lại những giáo điều có sẵn, mà đem lại những điểm xuất phát cho việc tiếp tục nghiên cứu và phương pháp cho sự nghiên cứu đó”(4).

V.I. Lênin cũng chỉ ra rằng: “Chính vì chủ nghĩa Mác không phải là một giáo điều chết cứng, một học thuyết nào đó đã hoàn thành hẳn, có sẵn đâu vào đấy, bất di bất dịch, mà là một kim chỉ nam sinh động cho hành động, chính vì thế nó không thể không phản ánh sự biến đổi mạnh mẽ của điều kiện sinh hoạt xã hội”(5). Đồng thời, Người nhấn mạnh: “những người mác-xít chắc chắn là chỉ mượn của học thuyết Mác những phương pháp quý báu mà nếu không có thì không thể hiểu được những quan hệ xã hội”(6). Phương pháp nghiên cứu  như C.Mác chỉ ra là: “phải nắm lấy vật liệu với tất cả những chi tiết của nó, phải phân tích các hình thái phát triển khác nhau của nó và phải tìm ra được mối liên hệ bên trong của những hình thái đó. Chỉ sau khi hoàn thành công việc đó rồi mới có thể mô tả sự vận động thực tế một cách thích đáng được”(7).

Phương pháp nghiên cứu đang bàn đến ở đây là “phương pháp đọc” và “phương pháp ghi chép” các tác phẩm kinh điển mác-xít. Phương pháp đọc tác phẩm kinh điển một mặt đòi hỏi chúng ta phải bám sát tác phẩm, đọc từng chữ, từng dòng, từng câu, không được bỏ sót dù chỉ là các dấu ngắt câu, có như vậy khi trích dẫn mới đảm bảo tính chính xác cao; mặt khác lại đòi hỏi chúng ta phải “đọc ý nghĩa” của các câu, các mệnh đề đó, hay như Chủ tịch Hồ Chí Minh nói là phải học “tinh thần Mác - Lênin”. Người viết: “Học tập chủ nghĩa Mác - Lênin là học tập cái tinh thần xử trí mọi việc, đối với mọi người và đối với bản thân mình; là học tập những chân lý phổ biến của chủ nghĩa Mác - Lênin để áp dụng một cách sáng tạo vào hoàn cảnh thực tế của nước ta. Học để mà làm. Lý luận đi đôi với thực tiễn”(8). Để làm được điều này đòi hỏi phải có sự đam mê khoa học, nếu không sẽ khó có thể thực hiện phương pháp đọc này.

Cùng với phương pháp đọc là phương pháp ghi chép, phải bút ký, phải biết làm tư liệu. C.Mác, Ph.Ăngghen, V.Lênin là những bậc thầy trong lĩnh vực này. Để có được những tác phẩm như bộ Tư bản, Chống Đuy rinh hay Chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán v.v. C.Mác, Ph.Ăngghen, V.Lênin đã phải đọc không biết bao nhiêu tác phẩm, sử dụng không biết bao nhiêu tư liệu khoa học đã được công bố. Riêng các tác phẩm chưa hoàn chỉnh, mới chỉ dừng lại ở các “xấp bản thảo” như : Bản thảo kinh tế-triết học năm 1844; Biện chứng của tự nhiên hay Bút ký triết học cho thấy việc ghi chép, phương pháp làm tư liệu có ý nghĩa quan trọng như thế nào trong nghiên cứu khoa học. Do đó, để nâng cao hiệu quả nghiên cứu, học tập các tác phẩm kinh điển mác-xít, nhất thiết người nghiên cứu, người học phải ghi chép và phải biết cách ghi chép, làm tư liệu để sử dụng sau này.

Thứ ba, phải quán triệt các nguyên tắc phương pháp luận của phép biện chứng duy vật (khách quan, toàn diện, phát triển, lịch sử - cụ thể và thực tiễn) trong nghiên cứu và học tập các tác phẩm kinh điển mác-xít. Nói cách khác, muốn nghiên cứu, học tập các tác phẩm kinh điển mác-xít có hiệu quả, nhất thiết chúng ta phải quán triệt các nguyên tắc phương pháp luận của phép biện chứng duy vật.

Nguyên tắc khách quan đòi hỏi chúng ta khi nghiên cứu, học tập các tác phẩm kinh điển mác-xít phải xuất phát từ bản thân tác phẩm, từ những tư tưởng, quan điểm, quan niệm có trong tác phẩm. Không được áp đặt ý muốn chủ quan của người học tập, nghiên cứu ngày nay thay thế cho những tư tưởng, quan điểm, quan niệm đã được các nhà kinh điển trình bày trong các tác phẩm của các ông vào thời điểm đó.

Nắm vững và vận dụng nguyên tắc khách quan là cơ sở để chúng ta vận dụng quan điểm phát triển khi nghiên cứu, học tập các tác phẩm kinh điển mác-xít. Nguyên tắc khách quan sẽ giúp cho chúng ta tránh được suy nghĩ chủ quan, cảm tính, hiểu rõ hơn về quá trình hình thành và phát triển của học thuyết Mác; thấy được quá trình chuyển biến thế giới quan triết học, quá trình chuyển biến lập trường chính trị của C.Mác và Ph.Ăngghen diễn ra như thế nào, từ đó khẳng định bản chất cách mạng, khoa học và nhân văn của học thuyết Mác.

Nguyên tắc lịch sử - cụ thể và thực tiễn đòi hỏi chúng ta khi nghiên cứu, học tập các tác phẩm kinh điển mác-xít phải bám sát “hoàn cảnh ra đời” của tác phẩm, nắm chắc không gian và thời gian ra đời tác phẩm, trên cơ sở đó hiểu đúng nội dung, thực chất các khái niệm, phạm trù, các luận điểm được các nhà kinh điển mác-xít trình bày trong các tác phẩm của mình, có như vậy mới đảm bảo tính trung thực khoa học khi nghiên cứu, học tập các tác phẩm kinh điển.

Nhờ nắm vững và vận dụng nguyên tắc này mà tư duy chúng ta mới có thể quán triệt được cái cụ thể và tái tạo ra nó với tư cách là một cái cụ thể trong tư duy, trên cơ sở đó mới nắm được bản chất của sự vật, của vấn đề. Bởi lẽ, “Cái cụ thể sở dĩ là cụ thể vì nó là sự tổng hợp của nhiều tính quy định, do đó, nó là sự thống nhất của cái đa dạng. Cho nên trong tư duy, nó biểu hiện ra là một quá trình tổng hợp, là kết quả, chứ không phải là điểm xuất phát mặc dù nó là điểm xuất phát thực sự và do đó cũng là điểm xuất phát của trực quan và của biểu tượng”(9).

Chẳng hạn, tác phẩm Hệ tư tưởng Đức (được C.Mác và Ph.Ăngghen viết vào cuối năm 1845 và giữa năm 1846 thì hoàn thành về cơ bản, phần bổ sung được viết trong khoảng một năm sau đó) là một trong những tác phẩm kinh điển thuộc giai đoạn C.Mác và Ph.Ăngghen đề xuất những nguyên lý của chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử, hai ông cho rằng phương thức sản xuất được hợp thành bởi hai yếu tố “những lực lượng sản xuất và hình thức giao tiếp”. Khái niệm hình thức giao tiếp (tr.51,102,103,104) sau đó được hai ông gọi là quan hệ sản xuất ( tr.101, 578). Có nắm được “hoàn cảnh ra đời” của tác phẩm chúng ta mới hiểu được vì sao có lúc các ông sử dụng khái niệm hình thức giao tiếp, có lúc sử dụng khái niệm quan hệ sản xuất.

Hoặc khi nghiên cứu tác phẩm Luận cương về Phoi-ơ-bắc, nhất thiết chúng ta phải hiểu hoàn cảnh ra đời của tác phẩm, có như vậy mới hiểu rõ được ý nghĩa, giá trị khoa học của bản luận cương này. Mặc dù đây chỉ “là những bút ký ghi vội vàng để còn nghiên cứu thêm, chứ tuyệt nhiên không phải để in, nhưng đó là những luận cương vô cùng quý giá, vì đó là văn kiện đầu tiên chứa đựng mầm mống thiên tài của một thế giới quan mới”(10) - quan niệm duy vật về lịch sử.

Trong luận đề thứ 6, C.Mác viết: “Phoi-ơ-bắc hòa tan bản chất tôn giáo vào bản chất con người. Nhưng bản chất con người không phải là một cái trừu tượng cố hữu của cá nhân riêng biệt. Trong tính hiện thực của nó, bản chất con người là tổng hòa những quan hệ xã hội”(11). Thực chất của luận đề này không phải ở vế: “Trong tính hiện thực của nó, bản chất con người là tổng hòa những quan hệ xã hội” mà là ở câu trước đó: “bản chất con người không phải là một cái trừu tượng cố hữu của cá nhân riêng biệt”. Bởi lẽ, C.Mác đang phê phán Phoi-ơ-bắc đã “hòa tan bản chất tôn giáo vào bản chất con người”. Nói cách khác, con người trong triết học Phoi-ơ-bắc là con người chung chung, trừu tượng, phi lịch sử, phi giai cấp; con người ấy không ra đời từ trong “bụng mẹ” mà ra đời từ một tôn giáo độc thần, đó là “tôn giáo tình yêu”. Khác với Phoi-ơ-bắc, con người trong triết học Mác là con người hiện thực, con người sống động, con người với tất cả - “tổng hòa”- các mối quan hệ đan xen chằng chịt vào nhau.

Hoặc như trong Lời tựa (viết cho bản tiếng Đức xuất bản năm 1872) của Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, Ph.Ăngghen có viết rằng:  Mặc dù hoàn cảnh đã thay đổi nhiều trong hai mươi lăm năm qua, nhưng cho đến nay, xét về đại thể, những nguyên lý tổng quát trình bày trong “Tuyên ngôn” này vẫn còn hoàn toàn đúng. Ở đôi chỗ, có một vài chi tiết cần phải xem lại [...]. Đoạn này ngày nay mà viết lại thì về nhiều mặt, cũng phải viết khác đi [...] Tuy nhiên, “Tuyên ngôn” là một tài liệu lịch sử mà chúng tôi không có quyền sửa lại.

Điều này cho thấy, Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản nói riêng, học thuyết Mác nói chung không phải là nhất thành bất biến, là “chân lý vĩnh cửu”. Lý luận đó là sự phản ánh chân thật thực tiễn, mỗi khi thực tiễn thay đổi, học thuyết Mác cũng cần được bổ sung, phát triển để nó trở nên sâu sắc, phong phú, khoa học hơn theo đúng bản chất, linh hồn sống của phép biện chứng duy vật: Phân tích cụ thể một tình hình cụ thể.

Vào thời C.Mác và Ph.Ăngghen, các ông cho rằng, cách mạng vô sản muốn giành được thắng lợi thì nó phải nổ ra ở hàng loạt nước châu Âu, ít ra cũng phải ở một số nước tư bản phát triển. Trong Những nguyên lý của chủ nghĩa cộng sản, Ph.Ăngghen viết rằng: “cuộc cách mạng cộng sản chủ nghĩa không những sẽ có tính chất dân tộc mà sẽ đồng thời xảy ra ở tất cả các nước văn minh, tức là ít nhất, ở Anh, Mỹ, Pháp và Đức. Trong mỗi nước đó, cách mạng cộng sản chủ nghĩa sẽ phát triển nhanh hay chậm, là tùy ở chỗ nước nào trong những nước đó có công nghiệp phát triển hơn, tích lũy được nhiều của cải hơn và có nhiều lực lượng sản xuất hơn”(12). Nhưng khi chủ nghĩa tư bản chuyển từ tự do cạnh tranh sang độc quyền, nghĩa là thực tiễn đã có sự thay đổi, lúc đó V.I.Lênin nhận định rằng, cách mạng vô sản có thể nổ ra và giành được thắng lợi ở ngay một nước tư bản, nhưng đó phải là mắt xích yếu nhất của sợi dây chuyền của chủ nghĩa đế quốc. Với nhận định này, V.I.Lênin đã lãnh đạo giai cấp vô sản Nga tiến hành thắng lợi cuộc cách mạng Tháng Mười (năm 1917), mở đầu cho thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa cộng sản trên phạm vi toàn thế giới và coi “Chủ nghĩa đế quốc là đêm trước của cuộc cách mạng xã hội của giai cấp vô sản. Điều này đã được xác nhận từ năm 1917, trên quy mô toàn thế giới”(13).

Thứ tư, xêmina - thảo luận. Phương pháp này không chỉ quan trọng đối với dạy học theo hướng tích cực mà còn có ý nghĩa to lớn trong nghiên cứu khoa học.

Trong lịch sử hình thành và phát triển triết học, Xôcrát (469-399) là một trong những người rất coi trọng phương pháp thảo luận -Xêmina. Với ông, việc phát hiện chân lý phải được thực hiện bằng con đường tranh luận, chính vì vậy mà người ta vẫn coi ông là một trong những người khởi xướng ra phép biện chứng theo cách hiểu là “nghệ thuật tranh luận”. Xôcrát thường chia bài giảng triết học của mình ra thành hai phần dựa trên sự đối thoại. Trong đó, phần thứ nhất chủ yếu là hỏi và đáp và phần thứ hai là phần lập luận. Thông qua các hội thoại này, người học tìm ra tri thức đúng, tìm ra chân lý. Phương pháp này của Xôcrát về sau được Platon (427-347) kế thừa và phát triển theo hướng duy tâm khách quan.

Trong các hình thức xêmina (xêmina báo cáo; xêmina thông báo-tái hiện; xêmina thảo luận-tranh luận tự do v.v.) thì xêmina tìm kiếm bộ phận và xêmina nghiên cứu đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc hệ thống hóa tri thức, khai thác các khía cạnh của một vấn đề. Qua xêmina, tính tích cực xã hội của người nghiên cứu, học tập được nâng lên, năng lực khái quát hóa cũng ngày càng hoàn thiện và phát triển; khả năng tương tác trong nghiên cứu, học tập được gia tăng, được tối ưu hóa.

Ưu điểm lớn nhất của thảo luận-xêmina là giải quyết các vấn đề “cho bản thân” mỗi một khi bản thân không tự giải quyết được. Chẳng hạn, qua tác phẩm luận chiến Hệ tư tưởng Đức (thực chất là xêmina khoa học), C.Mác và Ph.Ăngghen đã phê phán tính chất duy tâm chủ nghĩa trong triết học Đức hiện đại và phê phán trào lưu những người xã hội chủ nghĩa chân chính, hai ông đã “làm sáng tỏ vấn đề cho bản thân”(14), mặc dù tác phẩm này không được xuất bản một cách trọn vẹn và bản thảo của tác phẩm phải chịu “sự phê phán gậm nhấm của chuột”. Ngoài ra, thông qua thảo luận-xêmina, chúng ta có thể tự rút ra được những kiến giải mới từ các ý kiến khác nhau, khẳng định cái đúng, bác bỏ nhận thức sai trong quá trình nghiên cứu, học tập các tác phẩm kinh điển mác-xít.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 2-2020

(1) C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, t.23, Nxb chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr.39.

(2) C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, t.19, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr.500.

(3) ĐCSVN: Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Văn phòng Trung ương, Hà Nội, 2016, tr.28.

(4) C.Mác - Ph.Ăngghen, Toàn tập, t.39, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr.545.

(5) V.I.Lênin: Toàn tập, t.20, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1980, tr.103.

(6) V.I.Lênin: Toàn tập, t.1, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1974, tr.239.

(7) C.Mác - Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.23, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr.34.

(8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.11, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.611.

(9) C.Mác - Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.12, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr.877.

(10) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.21, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.527-528.

(11) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.3, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.11.

(12) C. Mác - Ph. Ăngghen: Toàn tập, t.4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.472.

(13) V.I.Lênin: Toàn tập, t.27, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1980, tr.394.

(14) C.Mác - Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.13, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội,1995, tr.16.

PGS, TS Trần Sỹ Phán

Viện Triết học,

 Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền