Trang chủ    Đào tạo - Bồi dưỡng    Nghiên cứu, giảng dạy theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ở Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Thứ năm, 23 Tháng 1 2020 22:49
3074 Lượt xem

Nghiên cứu, giảng dạy theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ở Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

(LLCT) -  Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là hệ thống giá trị khoa học, đạo đức, thẩm mỹ, có ý nghĩa soi đường, chỉ lối cho cách mạng Việt Nam trong đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng xã hội mới. Giá trị tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh còn có ý nghĩa định hướng cho đội ngũ cán bộ, giảng viên trong công tác nghiên cứu, giảng dạy ở Trường Đảng nói chung và nghiên cứu, giảng dạy về văn hóa, con người nói riêng.

 

1. Nhiệm vụ và những yêu cầu đối với giảng viên của Trường Đảng trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Đảng theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc - nay là Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, là nhà trường đặc biệt, có vai trò quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định rõ vị trí, vai trò của trường Đảng: “Xây dựng Đảng là quy luật tồn tại và phát triển của Đảng”. Người chỉ rõ: “huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”(1) và “Trường Đảng là một trường học để đào tạo những chiến sĩ tiên tiến phấn đấu cho sự nghiệp của giai cấp vô sản”(2); những học viên của nhà trường phải ghi nhớ: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự Đoàn thể, phụng sự giai cấp và nhân dân, phụng sự Tổ quốc và nhân loại”(3).

Tư tưởng của Người thể hiện nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của giáo dục lý luận chính trị và vai trò của Trường Đảng đối với xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ cách mạng.

Quán triệt tư tưởng của Người, trong các thời kỳ cách mạng, nhất là thời kỳ đổi mới, Đảng ta đặc biệt quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ của hệ thống chính trị, nhất là cán bộ cấp chiến lược. Theo đó, vị thế, vai trò của Học viện ngày càng được nâng lên tầm cao mới. Quyết định số 145/QĐ/TW ngày 8-8-2018 của Bộ Chính trị Về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh xác định: “Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh là trung tâm quốc gia đào tạo, bồi dưỡng các cán bộ lãnh đạo, quản lý trung, cao cấp, cán bộ khoa học lý luận chính trị của Đảng; Nhà nước và các đoàn thể chính trị - xã hội; là trung tâm quốc gia nghiên cứu khoa học lý luận Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, nghiên cứu đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, nghiên cứu khoa học chính trị, khoa học lãnh đạo, quản lý phục vụ giảng dạy, học tập, góp phần cung cấp luận cứ khoa học trong việc hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước”.

Học viện còn có nhiệm vụ hợp tác quốc tế trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nghiên cứu khoa học; thực hiện xuất bản các ấn phẩm phục vụ nhiệm vụ chính trị; thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn được Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Chính phủ giao, như: Đào tạo đại học và sau đại học thuộc lĩnh vực đào tạo của Học viện, quản lý, cấp văn bằng, chứng chỉ thuộc lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng của Học viện theo quy định của Đảng và Nhà nước, thực hiện các nhiệm vụ khác do Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Chính phủ giao.

Để hoàn thành tốt trọng trách được giao, đội ngũ cán bộ, giảng viên Học viện trước hết, phải có phẩm chất, đạo đức cách mạng. Theo tư tưởng của Người, “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”(4). Không những nói đi đôi với làm, mà người cán bộ, đảng viên phải nêu gương về đạo đức; xây đi đôi với chống; phải tu dưỡng đạo đức suốt đời. Đây là ba nguyên tắc cơ bản của xây dựng đạo đức mới trong xã hội.

Đội ngũ cán bộ, đảng viên, giảng viên Trường Đảng phải là những người có phẩm chất cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư. Người đã cảnh báo: “Những người trong các công sở đều có nhiều hoặc ít quyền hành. Nếu không giữ đúng Cần, Kiệm, Liêm, Chính thì dễ trở nên hủ bại, biến thành sâu mọt của dân”(5). Giữ được Cần, Kiệm, Liêm, Chính là người chí công, vô tư, tức là chính tâm, thân dân. Hơn ai hết, “Cán bộ, công chức phải thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư trong hoạt động công vụ”(6).

Hai là, đội ngũ cán bộ, đảng viên, giảng viên của Học viện phải có trình độ và năng lực, hiểu biết sâu về chuyên môn, những kiến thức liên quan đến nghiệp vụ lãnh đạo, quản lý, điều hành, vận động quần chúng; có khả năng nắm bắt và xử lý được các thông tin...

Cán bộ, giảng viên của trường Đảng có phong cách làm việc khoa học, trung thực; phong cách sống thanh cao, giản dị. Phong cách làm việc khoa học, trung thực không những phải có kế hoạch, mà còn phải luôn đổi mới nhận thức. Đó là một phong cách không cố chấp, bảo thủ, luôn đổi mới. Người nói: “Tư tưởng bảo thủ như là sợi dây cột chân, cột tay người ta... Muốn tiến bộ thì phải có tinh thần mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm”(7). Đánh giá phong cách làm việc khoa học, trung thực phải trên cơ sở ở hiệu quả thiết thực của công tác quản lý, nghiên cứu, giảng dạy, coi đây là cơ sở để đánh giá tác phong cán bộ và chất lượng công việc.

Ba là, đội ngũ cán bộ, giảng viên phải có văn hóa ứng xử theo những chuẩn mực, giá trị văn hóa Trường Đảng. Những chuẩn mực này dựa trên nền tảng văn hóa dân tộc, những quy định ứng xử giao tiếp nơi công sở và đặc thù của Trường Đảng. Hồ Chí Minh yêu cầu rất cao ở đội ngũ giáo viên nói chung, giảng viên Trường Đảng nói riêng. Người giảng viên Trường Đảng không chỉ giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, về trình độ sư phạm mà còn phải mẫu mực về phẩm chất đạo đức, có uy tín.

2. Giá trị định hướng của tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh trong nhiệm vụ nghiên cứu, giảng dạy ở Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Định hướng trong nghiên cứu, giảng dạy, giáo dục chính trị tư tưởng

Đối với ngũ cán bộ, giảng viên: Trước hết, người giảng viên phải có ý thức trang bị lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, quan điểm, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, nhằm trau dồi lập trường giai cấp, phẩm chất chính trị, đạo đức, để có thể thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục lý luận chính trị. Nhận thức về con đường, nhiệm vụ phát triển đất nước thời kỳ quá độ; nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới; về đại đoàn kết dân tộc; xây dựng nhà nước nước pháp quyền XHCN; xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; phát triển văn hóa và con người; chủ động hội nhập quốc tế.

Đối với nội dung nghiên cứu, giảng dạy: Giáo dục chính trị tư tưởng là một trong những nội dung quan trọng của trường Đảng. Hồ Chí Minh quan niệm chính trị tư tưởng có vai trò quyết định sự thành công của sự nghiệp cách mạng. Người cho rằng: Phải có chính trị trước rồi có chuyên môn. Thống nhất chính trị tư tưởng sẽ thống nhất hành động. Không có chính trị tư tưởng thì dễ “tả” khuynh, hoặc hữu khuynh. Điều này càng hết sức đúng đắn với học viên Trường Đảng. Có chuyên môn mà không có chính trị thì chỉ còn cái xác không hồn. Chính trị tư tưởng làm cho người học tin tưởng vào Đảng, vào nhân dân, vào tương lai tươi sáng của cách mạng. Giáo dục chính trị tư tưởng sẽ giúp khắc phục tư tưởng lạc hậu, nâng cao tinh thần tự giác, tính tích cực của người học. Đào tạo con người XHCN thì trước hết phải có tư tưởng XHCN.

Nhiệm vụ nghiên cứu, giảng dạy, giáo dục chính trị tư tưởng là truyền bá lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin - “khoa học về các quy luật phát triển của tự nhiên và xã hội; khoa học về cách mạng ở quần chúng bị áp bức và bị bóc lột; khoa học về thắng lợi của chủ nghĩa xã hội ở tất cả các nước; khoa học về xây dựng chủ nghĩa cộng sản”(8). Người chỉ rõ vai trò của lý luận: “Lý luận như cái kim chỉ nam, nó chỉ phương hướng cho chúng ta trong công việc thực tế. Không có lý luận thì lúng túng như nhắm mắt mà đi”(9).

Hồ Chí Minh nêu rõ sự cần thiết phải học tập lý luận Mác - Lênin: “Chúng ta phải nâng cao sự tu dưỡng về chủ nghĩa Mác - Lênin để dùng lập trường, quan điểm, phương pháp chủ nghĩa Mác - Lênin mà tổng kết những kinh nghiệm của Đảng ta, phân tích một cách đúng đắn những đặc điểm của nước ta. Có như thế, chúng ta mới có thể dần dần hiểu được quy luật phát triển của cách mạng Việt Nam, định ra được những đường lối, phương châm, bước đi cụ thể của cách mạng xã hội chủ nghĩa thích hợp với tình hình nước ta”(10). Người phê phán những nhận thức không đúng, xem nhẹ việc học tập lý luận, chỉ thấy những công việc sự vụ hằng ngày. 

Đối với mục đích của bài giảng: Lý luận phải được vận dụng vào thực tế. Theo Hồ Chí Minh, giảng dạy hay học tập lý luận chính trị đều phải tuân thủ nguyên tắc lý luận thống nhất với thực tiễn. Do vậy, giảng viên cần không ngừng học hỏi, cập nhật được những kiến thức mới cả về lý luận và thực tiễn để truyền thụ cho học viên, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng đang đặt ra. Bằng tấm gương của mình, mỗi giáo viên phải góp phần nâng cao và hướng dẫn việc tự học của học viên. Bởi tự học là điều căn bản nhất đối với mỗi người học, là yếu tố quyết định tạo nên chất lượng của quá trình giáo dục.

Bài giảng phải bám sát thực tiễn đổi mới, chủ động hội nhập quốc tế của đất nước trong giai đoạn mới. Thực tế cho thấy, trình độ của học viên Trường Đảng ngày càng được nâng cao, một số có trình độ chuyên môn, học hàm, học vị cao. Vì thế, giảng viên phải thường xuyên cập nhật kiến thức mới, nâng cao trình độ chuyên môn, để bài giảng không bị lạc hậu, đáp ứng yêu cầu của người học.

Đổi mới nội dung nghiên cứu, giảng dạy còn góp phần tạo môi trường để thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII nhằm khắc phục căn bệnh ngại học, lười học tập lý luận chính trị của cán bộ, đảng viên.

Định hướng trong nghiên cứu, giảng dạy, giáo dục đạo đức, lối sống

Đối với đội ngũ cán bộ, giảng viên: Trước hết là vai trò nêu gương. Người cán bộ, giảng viên của Trường Đảng không chỉ giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ mà còn phải là tấm gương về tư tưởng, đạo đức, tác phong để học viên học tập, làm theo. Hồ Chí Minh chỉ ra: “muốn huấn luyện thợ rèn, thợ nguội thì người huấn luyện phải thạo nghề rèn, nghề nguội. Người huấn luyện của Đoàn thể phải làm kiểu mẫu về mọi mặt: tư tưởng, đạo đức, lối làm việc”(11).

Đối với nội dung nghiên cứu, giảng dạy: Hồ Chí Minh rất coi trọng giáo dục đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ cách mạng của Đảng và Nhà nước. Người nói: “Dưới chế độ thực dân phong kiến, mục đích đi học là cốt được mảnh bằng để làm ông thông, ông phán, lĩnh lương nhiều, ăn ngon, mặc đẹp. Thế thôi, số phận dân tộc thế nào, tình hình thế giới biến đổi thế nào, không hay, không biết gì hết”(12). Dưới chế độ mới, Người đòi hỏi mỗi học viên trong nhà trường Việt Nam XHCN nói chung, trong hệ thống Trường Đảng nói riêng phải là người có cả đức và tài, trong đó đức là gốc, là nền tảng cho sự phát triển lành mạnh và toàn diện. Bởi lẽ, “Giải phóng cho dân tộc, giải phóng cho loài người là một công việc to tát mà tự mình không có đạo đức, không có căn bản, tự mình đã hủ hóa, xấu xa thì còn làm nổi việc gì”(13). Đạo đức cách mạng không phải là cái sẵn có trong mỗi con người, cũng không phải từ trên trời sa xuống, mà do đấu tranh rèn luyện bền bỉ hàng ngày mới có.

Việc giáo dục đạo đức phải được dành ưu tiên trong nội dung chương trình, kết hợp giáo dục đạo đức trong các môn học, trong cuộc sống sinh hoạt và công tác hàng ngày để hoàn thiện nhân cách con người. Giáo dục đạo đức theo tư tưởng của Người, trước hết và quan trọng nhất là giáo dục cho mỗi người và toàn dân tộc phẩm chất “trung với nước, hiếu với dân”, tức là phải trung thành với sự nghiệp cách mạng, phấn đấu vì sự nghiệp đấu tranh cho độc lập dân tộc, hạnh phúc của nhân dân. Bên cạnh đó, cần phải giáo dục đức tính cơ bản cần có là Cần, Kiệm, Liêm, Chính. Cùng với việc xây dựng đạo đức mới, phải kiên quyết chống lại biểu hiện sai trái của chủ nghĩa cá nhân.

3. Nghiên cứu, giảng dạy văn hóa, con người theo tư tưởng Hồ Chí Minh ở Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Về giáo trình

Hiện tại, Giáo trình Văn hóa và phát triển là một trong 19 giáo trình các môn học của Bộ giáo trình đang được đưa vào sử dụng đồng bộ trong toàn hệ thống Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các cơ sở đào tạo cao cấp lý luận chính trị thuộc Bộ Quốc phòng và Bộ Công an. Nghiên cứu, giảng dạy văn hóa, con người theo tư tưởng Hồ Chí Minh ở Học viện nhìn từ phương diện nội dung của giáo trình:

Giáo trình được biên soạn gồm 6 chuyên đề của môn học: Khái quát về văn hóa và phát triển; Phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong thời kỳ đổi mới; Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc trong giao lưu, hội nhập quốc tế hiện nay; Phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam hiện nay; Văn hóa công vụ ở Việt Nam hiện nay; Nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước trên lĩnh vực văn hóa. Sáu chuyên đề được trình bày có sự kết hợp chặt chẽ, phản ánh quan điểm lý luận, đường lối văn hóa của Đảng Cộng sản Việt Nam với những vấn đề thực tiễn có tính thời sự đang nảy sinh trong đời sống văn hóa dân tộc hiện nay.

Thông qua hệ thống tri thức được trình bày trong các bài giảng, giáo trình hướng tới mục đích nâng cao nhận thức về những vấn đề cơ bản của sự nghiệp xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam, thực hiện chiến lược phát triển bền vững đất nước giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và chủ động hội nhập quốc tế trong tình hình mới(14).

Yêu cầu về nhiệm vụ nghiên cứu, giảng dạy

Đội ngũ cán bộ, giảng viên phải nhận thức đúng và truyền tải được những giá trị khoa học của thời đại, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm của Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, con người - sức mạnh nội sinh của phát triển.

Thứ nhất, nhận thức đúng và truyền tải lý luận văn hóa, bản chất và các lĩnh vực của văn hóa. Theo Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII, văn hóa bao gồm các lĩnh vực: tư tưởng, đạo đức, lối sống; đời sống văn hóa; môi trường văn hóa; văn học nghệ thuật; khoa học và giáo dục; thông tin báo chí - thông tin đại chúng; văn hóa các dân tộc; văn hóa đối ngoại - giao lưu văn hóa, tiếp biến văn hóa... Tư tưởng trong mối quan hệ với đạo đức, lối sống liên quan đến con người với tư cách vừa là sản phẩm, vừa là chủ thể của văn hóa. Tư tưởng, đạo đức, lối sống là vấn đề cốt lõi của văn hóa.

Thứ hai, nhận thức đúng và truyền tải được lý luận về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam để phát triển bền vững đất nước. Văn hóa phải được nhìn nhận ở chiều sâu nhất của nó, đó là hệ giá trị, có vai trò  nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực của phát triển.

Quan điểm gắn xây dựng và phát triển văn hóa, con người, đặc biệt nhấn mạnh cốt lõi của xây dựng nền văn hóa là xây dựng con người với nhân cách và lối sống tốt đẹp. Mặt khác, còn khắc phục tình trạng hiểu sai lệch, coi văn hóa chỉ là những hoạt động của lĩnh vực văn hóa, mà không tập trung cho mục tiêu trọng tâm, cốt lõi là xây dựng con người, xây dựng văn hóa chính là xây dựng con người(15). Trong xây dựng con người, phải đặc biệt chú trọng đội ngũ lãnh đạo, quản lý các lĩnh vực, các ngành, bởi đây là đội ngũ có vai trò quyết định đối với sự phát triển đất nước (chú ý công tác đào tạo và tạo điều kiện cho họ phát huy được năng lực, đóng góp vì sự phát triển).

Thứ ba, tiếp tục nghiên cứu phát triển nhận thức lý luận và thực tiễn về phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong giai đoạn mới:

-Tiếp tục nghiên cứu làm rõ hơn hệ giá trị văn hóa Việt Nam - là một trong những nội dung cơ bản, quan trọng của định hướng phát triển văn hóa và con người. Phải có sự thống nhất trong quan niệm về nội dung giá trị, phẩm chất trong nội dung nhiệm vụ xây dựng con người Việt Nam. Phát triển lý luận và thực tiễn về các giá trị văn hóa đô thị và văn hóa làng xã nông thôn trong xây dựng nông thôn mới.

- Phát triển lý luận và thực tiễn về các lĩnh vực văn hóa: Phát triển giáo dục đào tạo, liên quan đến nguồn nhân lực chất lượng cao; phát triển văn học nghệ thuật với vai trò không chỉ “định hướng”, mà còn “đáp ứng nhu cầu” đa dạng, lành mạnh của nhân dân, giáo dục con người; phát triển thông tin đại chúng đi đôi với quản lý tốt; phát triển ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, đi đôi với xây dựng hoàn thiện thị trường văn hóa phẩm.

- Phát triển lý luận và thực tiễn về văn hóa, con người trong mối quan hệ giữa văn hóa với chính trị và kinh tế. Về văn hóa chính trị, chú trọng xây dựng hệ giá trị văn hóa Đảng: tư tưởng, đạo đức; năng lực lãnh đạo, văn hóa tổ chức Đảng. Về văn hóa trong kinh tế, văn hóa phải thực sự định hướng cho phát triển kinh tế, xây dựng văn hóa doanh nhân, doanh nghiệp; chú trọng tỷ lệ chất xám, trí tuệ trong sản phẩm kinh tế...

- Về vai trò lãnh đạo của Đảng. Đảng lãnh đạo phát triển nền văn hóa dân tộc là sự đòi hỏi khách quan của một đảng cầm quyền, chứ không phải là đòi hỏi chủ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với văn hóa. Đảng lãnh đạo văn hóa là tất yếu khách quan, song đây là quy luật đặc thù, cho nên phải không ngừng đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng trên lĩnh vực văn hóa văn nghệ. Cùng với đó là đưa giá trị văn hóa vào trong các hoạt động chính trị, xây dựng văn hóa trong Đảng, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với chỉnh đốn Đảng. Văn hóa là mặt trận quan trọng, bởi là nơi tổ chức, đoàn kết lực lượng, để chống lại cái ác, cái xấu và ủng hộ những khát vọng, cái đúng, cái tốt, cái đẹp cho nhân dân.

Với phương châm “Dân chủ, Kỷ cương, Gương mẫu, Sáng tạo, Hiệu quả”, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã và đang tiếp tục thực hiện đổi mới mạnh mẽ công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; nâng cao chất lượng nghiên cứu, giảng dạy theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của thời kỳ mới.

______________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 1-2019

(1), (4), (9), (13) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5,

Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr .309, 292, 273, 292.

(2) Sđd, t.11, tr.95.

(3), (11) Sđd, t.6, tr. 208, 356.

(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.104.

(6) Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Luật Cán bộ, công chức, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009.

(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.115.

(8), (10) Sđd, t.11, tr.96, 92.

(12) Sđd, t.9, tr.178.

(14) Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: Giáo trình Cao cấp lý luận chính trị Văn hóa

và phát triển, Nxb Lý luận chính trị, Hà Nội, 2018, tr.7.

(15) ĐCSVN: Văn kiện Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2014, tr.23-24.

PGS, TS Nguyễn Thị Hương

Viện Văn hóa và Phát triển,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền