Trang chủ    Đào tạo - Bồi dưỡng    Hợp tác quốc tế về đào tạo cán bộ trong giai đoạn mới của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Thứ hai, 26 Tháng 10 2020 14:54
2304 Lượt xem

Hợp tác quốc tế về đào tạo cán bộ trong giai đoạn mới của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

(LLCT) - Trong những năm qua, công tác hợp tác quốc tế nói chung và hợp tác quốc tế về đào tạo cán bộ của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã góp phần quan trọng vào việc đẩy mạnh đổi mới nội dung chương trình, kỹ năng và phương pháp quản lý đào tạo, nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học, tư vấn chính sách, năng lực hội nhập và  làm việc trong môi trường quốc tế của đội ngũ cán bộ giảng dạy, nghiên cứu của Học viện... Qua đó nâng tầm vị thế của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trên trường quốc tế. Trong thời gian tới, Học viện sẽ tiếp tục khai thác tốt các mối quan hệ hợp tác đã có, tăng cường tìm kiếm các đối tác mới, với các hình thức hợp tác đa dạng, thiết thực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của Học viện trong thời kỳ mới.

Từ khóa: hợp tác quốc tế về đào tạo cán bộ, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

1. Tầm quan trọng của hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo

Một là, từ kinh nghiệm thành công của các nước trên thế giới cho thấy, coi trọng giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực, thông qua hợp tác quốc tế là nhân tố quan trọng đối với sự phát triển bền vững đất nước.

Nước Mỹ là cường quốc kinh tế, khoa học, kỹ thuật của thế giới, song việc tận dụng trí tuệ của nhân loại là một chiến lược của nước này. Trong các trường đại học danh tiếng của Mỹ có 1/3 công trình sư của chương trình nghiên cứu Mặt trăng là người gốc Hoa. Tại Mỹ cứ 10 viện sĩ có 4 người gốc không phải người Mỹ.

Bước đột phá có tính thần kỳ của Nhật Bản là sự kiện thiên Hoàng Minh Trị tuyên bố cải cách (4-1868), trong đó nhấn mạnh tư tưởng “học tập nước ngoài để xây dựng đất nước”. Từ năm 1872, Nhật Bản đã cử học giả và học sinh đi nghiên cứu và học tập ở nước ngoài; năm 1875, Nhật Bản đã thuê 527 người nước ngoài trong đó có 205 người cố vấn kỹ thuật, 144 người là giáo viên, 69 người là chuyên gia quản lý hành chính, 36 người là thợ lành nghề, trả lương cao bằng lương Bộ trưởng của Chính phủ. Đến năm 1890, Nhật Bản đã có 3 nghìn chuyên gia nước ngoài làm cố vấn cho Chính phủ. Thời Minh Trị (1976 - 1911) đã thu hút 1.700 chuyên gia giáo dục từ các nước phát triển đến Nhật Bản giảng dạy. Từ đó đến nay họ luôn coi trọng hợp tác, tận dụng chất xám của thế giới để phát triển đất nước.

Trung Quốc sau cách mạng văn hóa, thực hiện mở cửa, mỗi năm gửi từ 3 nghìn - 4 nghìn người sang học tại Mỹ, Nhật, Đức, Australia... Từ năm 1978 - 1995, Trung Quốc đã gửi 250 nghìn người đến 300 nghìn người đi học ở nước ngoài. Năm 1999, Trung Quốc cử 2.300 người đi du học. Hơn 20 năm qua, số lượng người Trung Quốc đến học tập tại các nước phát triển ngày càng nhiều. Hiện nay, Trung Quốc chiếm hơn 40% số lượng sinh viên quốc tế đang học tại Nhật Bản và tiếp tục là quốc gia dẫn đầu về số sinh viên theo học tại Mỹ.

Như vậy kinh nghiệm thực tiễn của thế giới chỉ ra rằng hợp tác quốc tế về giáo dục, đào tạo là nhân tố quan trọng để phát triển đất nước.

Hai là, trước tác động của tình hình quốc tế và xu thế hội nhập đòi hỏi Việt Nam phải mở rộng hợp tác quốc tế, với tinh thần đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế trong giáo dục và đào tạo.

Sau sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và các nước Đông Âu đã làm thay đổi cục diện thế giới, tác động sâu sắc đến cách mạng Việt Nam. Việt Nam mất chỗ dựa về vật chất và tinh thần, nguồn lực quan trọng đối với ngành giáo dục và đào tạo. Tính đến năm 1990, Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu đã đào tạo cho Việt Nam 6.500 phó tiến sĩ, 243 tiến sĩ, 34 nghìn sinh viên đại học, 72 nghìn công nhân học nghề, 9 nghìn thực tập sinh. Từ sau năm 1991, quy mô, tính chất trong hợp tác giáo dục, đào tạo của Việt Nam với các đối tác trên đã giảm đi rất nhiều so với trước đây, buộc chúng ta phải tìm kiếm các đối tác mới.

Cách mạng khoa học, kỹ thuật và công nghệ trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, thúc đẩy tiến trình toàn cầu hóa, quốc tế hóa trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Mọi quốc gia đều phải phụ thuộc lẫn nhau cùng phát triển. Hợp tác cùng phát triển trở thành xu thế của thời đại. Trong nền kinh tế tri thức hiện nay, vai trò của tri thức, khoa học kỹ thuật, công nghệ có ý nghĩa quyết định. Để tiếp cận với nền khoa học, kỹ thuật, công nghệ hiện đại của thế giới tất yếu phải đẩy mạnh hợp tác quốc tế về giáo dục, đào tạo. Tranh thủ và tận dụng thành tựu khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới sẽ phát triển, nếu không sẽ đứng trước nguy cơ tụt hậu, trong đó tụt hậu về tri thức là hết sức nguy hại. Để tránh được tụt hậu và chớp thời cơ phát triển chỉ có con đường mở rộng hợp tác quốc tế.

Ba là, dân tộc Việt Nam có truyền thống tôn sư trọng đạo và tư tưởng trọng nhân tài “chiêu hiền đãi sĩ” đã trở thành nhân tố quan trọng đưa đất nước hưng thịnh. Đặc biệt, Hồ Chí Minh đã bôn ba ra nước ngoài để tìm đường cứu nước và đúc kết thành chân lý: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Chính vì vậy, ngay sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, trong bối cảnh thù trong giặc ngoài câu kết với nhau chống phá cách mạng, Hồ Chí Minh đã rất coi trọng việc mở rộng hợp tác quốc tế về kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật với tất cả các nước nhằm tiếp thu những thành tựu khoa học của nhân loại để xây dựng và phát triển đất nước. Ngày 1-11-1945, nhân danh Hội Văn hóa Việt Nam, Người đã gửi thư cho Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ, đề nghị “gửi một phái đoàn khoảng 50 thanh niên Việt Nam sang Mỹ với với ý định, một mặt thiết lập những mối quan hệ văn hóa thân thiết với thanh niên Mỹ, và mặt khác để xúc tiến việc tiếp tục nghiên cứu về kỹ thuật, nông nghiệp cũng như các lĩnh vực chuyên môn khác”... Quán triệt tư tưởng của Người, trong sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho sự nghiệp đổi mới.

Bốn là, đường lối đối ngoại nhất quán của Đảng ta là: “độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế” nhằm tạo điều kiện quốc tế thuận lợi phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Đảng xác định rõ, mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo là nhu cầu cần thiết, là nhân tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nghị quyết 29 của Hội nghị Trung ương 8 khóa XI đã khẳng định: “Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế để phát triển giáo dục và đào tạo, đồng thời giáo dục và đào tạo phải đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế để phát triển đất nước”. Thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện đất nước còn nghèo nàn, lạc hậu, thiếu vốn, thiếu kỹ thuật và kinh nghiệm quản lý, nhất là nguồn nhân lực trí tuệ của chúng ta chưa bắt kịp được với các nước phát triển. Do vậy, chúng ta cần tiếp tục “Chủ động hội nhập quốc tế về giáo dục, đào tạo trên cơ sở giữ vững độc lập, tự chủ, bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa và thành tựu khoa học, công nghệ của nhân loại”; tận dụng sự giúp đỡ về vật chất, tiếp cận tri thức mới, học tập kinh nghiệm, trao đổi giao lưu tri thức nhằm nâng cao trí tuệ Việt Nam, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

2. Thành tựu và giải pháp nâng cao hiệu hợp tác quốc tế về đào tạo cán bộ của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh là Trung tâm quốc gia về đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý trung cao cấp cho toàn bộ hệ thống chính trị và các tập đoàn doanh nghiệp nhà nước Việt Nam, đồng thời là trung tâm nghiên cứu lý luận chính trị, khoa học lãnh đạo và quản lý của Việt Nam.

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã có những đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển và hội nhập quốc tế của Việt Nam thông qua việc đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cấp cao cho đất nước. Hiện nay, Học viện có quan hệ hợp tác với gần 200 đối tác quốc tế thuộc hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ. 

Từ đầu những năm 80 của thế kỷ XX, hợp tác quốc tế đã góp phần quan trọng vào việc đào tạo đội ngũ cán bộ nghiên cứu và giảng dạy chủ chốt của Học viện, các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương. Học viện là đầu mối quản lý hàng trăm cán bộ được cử đi nghiên cứu sinh làm luận án phó tiến sỹ, tiến sỹ, hoặc bồi dưỡng ngắn hạn tại Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu. Phần lớn số cán bộ này đã và đang giữ những cương vị quan trọng trong các cơ quan Đảng, Nhà nước ở Trung ương, địa phương và ở Học viện. Từ giữa những năm 90 đến nay, với sự tài trợ của các đối tác quốc tế mới, đã có gần 200 cán bộ của Học viện hoàn thành chương trình thạc sỹ và bảo vệ thành công luận án tiến sỹ ở Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Australia, Thụy Điển, Đan Mạch, Philippines, Thái Lan, Hồng Kông (Trung Quốc)... trở về công tác tại hệ thống Học viện.

Nhờ sự hỗ trợ của bạn bè quốc tế, nhiều bộ môn khoa học mới đã được xây dựng và đưa vào giảng dạy ở Học viện như: Chính trị học so sánh, Phương pháp xử lý tình huống chính trị, Triết học Đông - Tây, Địa chính trị, Xã hội học lãnh đạo quản lý, Dân số và phát triển, Quyền con người, Giới và phát triển,... Đặc biệt, Học viện đã xây dựng 5 chương trình và nội dung đào tạo, bồi dưỡng dành riêng cho cán bộ lãnh đạo, quản lý của Đảng và Nhà nước Lào, góp phần quan trọng trong việc thắt chặt hơn nữa quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào. Học viện đã đón nhiều lượt chuyên gia, học giả, đại sứ các nước Mỹ, Pháp, Anh, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc... sang giảng dạy cho Lớp Bồi dưỡng dự nguồn cán bộ cao cấp của Đại hội XII, XIII  và tổ chức các đoàn cán bộ cao cấp đi đào tạo, bồi dưỡng tại tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh, Singapore, Israel...

Công tác hợp tác quốc tế đã đóng góp tích cực trong việc nâng cao trình độ ngoại ngữ cho cán bộ nghiên cứu, giảng dạy của Học viện. Thông qua hợp tác quốc tế, Học viện đã mở gần 30 lớp Tiếng Anh, Pháp, Trung do giảng viên nước ngoài giảng dạy với khoảng 600 lượt người theo học, đã cử hàng chục cán bộ trẻ đi học tiếng Anh theo chương trình học bổng du học do chính phủ Mỹ, Úc, Anh... đài thọ đi nâng cao trình độ ngoại ngữ ở nước ngoài; tạo điều kiện cho nhiều cán bộ trẻ có đủ trình độ ngoại ngữ đi học cao học hoặc làm nghiên cứu sinh ở trong nước và ngoài nước.

Công tác hợp tác quốc tế của Học viện đã thu được những thành tựu đáng khích lệ, có ý nghĩa quan trọng, góp phần giữ vững sự ổn định và phát triển bền vững của Học viện. Để tiếp tục tăng cường hợp tác quốc tế về  đào tạo cán bộ trong giai đoạn mới, thiết nghĩ Học viện tập trung thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Thứ nhất, Học viện cần xây dựng chiến lược mở rộng hợp tác, hội nhập với khu vực và thế giới theo đường lối đối ngoại của Đảng ta, trong đó có những bước đi vững chắc, bền vững.

Trước hết, cần xác định một trong những mục tiêu quan trọng của hợp tác quốc tế là nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ lãnh đạo. Trong đó vấn đề mấu chốt là nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ giảng dạy về mặt khoa học cũng như tiếp cận phong cách giảng dạy hiện đại, kinh nghiệm quản lý đào tạo của các nước phát triển.

Tiếp tục khai thác tốt nhất những đối tác đã có, đồng thời tìm kiếm các đối tác mới với các hình thức hợp tác đa dạng, thiết thực. Cần tăng cường trao đổi về đào tạo cán bộ, đào tạo ngoại ngữ, trao đổi giảng viên, mời báo cáo viên nước ngoài thường xuyên và định kỳ giảng dạy cho các hệ lớp tại Học viện.

Xây dựng chiến lược hợp tác, hội nhập, vấn đề có ý nghĩa quan trọng đó là công tác chuẩn bị đội ngũ cán bộ. Từng bước chuẩn hóa đội ngũ cán bộ nghiên cứu, giảng dạy, trong đó đặc biệt là về trình độ ngoại ngữ. Cần động viên và giành ưu tiên về ngân sách, mở nhiều lớp ngoại ngữ hơn và tạo điều kiện cán bộ đi học ngoại ngữ ở nước ngoài. Thực tiễn của Học viện, cũng như các cơ quan khác cho thấy vấn đề bất cập về ngoại ngữ cản trở nhiều đến mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế. Trong rất nhiều trường hợp thừa chỉ tiêu đi đào tạo nước ngoài vì không có cán bộ có đủ trình độ ngoại ngữ.

Để hoạt động hợp tác quốc tế mang lại hiệu quả thiết thực, Học viện cần sớm Ban hành Quy chế Quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại mới và chỉnh sửa Quy chế Chi tiêu nội bộ để phù hợp với tình hình thực tiễn. Trong đó xây dựng cơ chế, chế độ hoạt động, nhất là về kinh phí, phương tiện, cơ sở vật chất phục vụ hoạt động phù hợp với cơ chế thị trường và tình hình thực tiễn đất nước.

Thứ hai, chủ động, tích cực phát huy nội lực trong hợp tác quốc tế. Trước hết, công tác hợp tác quốc tế phải được nhận thức là nhân tố, động lực quan trọng cho phát triển, tránh tụt hậu của Học viện với bên ngoài. Do vậy, Đảng ủy, Ban Giám đốc cần tiếp tục quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sát sao từ việc tìm đối tác, đến tổ chức bố trí lực lượng để thực hiện. Mặt khác các đơn vị, tập thể, cá nhân cũng cần thấy rõ vai trò chủ động sáng tạo của mình, phát huy nội lực: từ việc chuẩn bị cán bộ về chuyên môn, ngoại ngữ đến việc tìm đối tác hợp tác quốc tế. Mở rộng hợp tác quốc tế trách nhiệm chính là của Vụ Hợp tác quốc tế nhưng cũng rất cần sự hỗ trợ, phối hợp của tất cả các đơn vị trong Học viện, đặc biệt là các viện chuyên ngành. Trong hợp tác, vấn đề lòng tin là hết sức quan trọng, do vậy phát huy nội lực để phát triển, trở thành đối tác tin cậy có ý nghĩa cực kỳ quan trọng.

Thứ ba, đội ngũ cán bộ làm công tác hợp tác quốc tế cần có đủ số lượng và chất lượng, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ ngoại giao, ngoại ngữ, tâm huyết với công việc. Cán bộ làm hợp tác quốc tế là người kết nối các mối quan hệ giữa Học viện với bên ngoài; do vậy, cần tích cực, chủ động, linh hoạt trong việc tìm kiếm đối tác. Mặt khác, khi đã kết nối đối tác với Học viện, cán bộ làm hợp tác quốc tế có nhiệm vụ tổ chức, quản lý, thực thi hợp tác có hiệu quả. Trong tình hình hiện nay, cơ hội mở rộng hợp tác quốc tế là rất lớn, thì vấn đề có ý nghĩa hàng đầu đó là vấn đề tổ chức và đặc biệt là sự tâm huyết, tính năng động, sáng tạo của cán bộ làm công tác hợp tác quốc tế. Đây là khâu quan trọng góp phần thực hiện có hiệu quả công tác hợp tác quốc tế của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 7-2020

TS Nguyễn Thị Hồng Vân

Vụ Hợp tác quốc tế,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền