Trang chủ    Từ điển mở    Các cơ chế và cơ quan tài phán quốc tế giải quyết những vấn đề liên quan đến tranh chấp chủ quyền lãnh hải
Thứ hai, 17 Tháng 8 2015 10:50
7368 Lượt xem

Các cơ chế và cơ quan tài phán quốc tế giải quyết những vấn đề liên quan đến tranh chấp chủ quyền lãnh hải

(LLCT) - Hiện có 4 cơ chế và cơ quan tài phán quốc tế giải quyết những vấn đề liên quan đến tranh chấp chủ quyền lãnh hải, các nước có tranh chấp chủ quyền lãnh hải có thể lựa chọn một trong 4 cơ quan tài phán này để kiện. Tùy từng trường hợp và tình huống cụ thể, bối cảnh, có thể lựa chọn một hay kết hợp nhiều biện pháp, cơ chế tài phán này nhằm đạt được mục tiêu.

 

Theo những quy định của Hiến chương Liên Hợp quốc (LHQ), Công ước về Luật Biển của LHQ (UNCLOS), hiện có 4 cơ chế và cơ quan tài phán quốc tế giải quyết những vấn đề liên quan đến tranh chấp chủ quyền lãnh hải, đó là:

-Toà án Công Lý quốc tế (được thành lập theo Hiến chương Liên Hợp quốc);

-Toà án quốc tế về Luật Biển được thành lập theo Phụ lục VI của UNCLOS;

-Toà  Trọng tài (An Arbitral Tribunal) được thành lập theo phụ lục VII của UNCLOS; 

-Toà Trọng tài đặc biệt (A Special Arbitral Tribunal) được thành lập theo phụ lục VIII của UNCLOS.

Có thể lựa chọn một trong 4 cơ quan tài phán này để kiện và tùy từng trường hợp và tình huống cụ thể, bối cảnh, có thể lựa chọn một hay kết hợp nhiều biện pháp, cơ chế tài phán này nhằm đạt được mục tiêu của mình.

Cơ chế Tòa án Công lý Quốc tế của Liên Hợp quốc

Thẩm quyền giải quyết các tranh chấp giữa các quốc gia về chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải hay bất cứ tranh chấp nào giữa các quốc gia có chủ quyền thuộc LHQ, được xác lập tại Chương I (Điều 1,2), cũng như tại Chương VI (Điều 32-38) về việc giải quyết hòa bình các cuộc tranh chấp, và theo thẩm quyền của Tòa án Công lý Quốc tế được quy định tại Chương XIV (Điều 92-96) của Hiến chương LHQ, cũng như các điều ước quốc tế có liên quan (trong trường hợp về biển Đông, sẽ tuân theo Luật Biển của LHQ - UNCLOS).

Điều 92 (Chương XIV) của Hiến chương quy định về Tòa án Công lý Quốc tế (The International Court of Justice), theo đó “Tòa án Quốc tế là cơ quan tư pháp chính của Liên Hợp quốc. Nó hoạt động theo Đạo luật được đính kèm, dựa trên Đạo luật Tòa án Lâu dài Công lý Quốc tế và là một bộ phận không thể tách rời của Hiến chương này” và Điều 93 khẳng định “Tất cả Thành viên Liên Hợp quốc đương nhiên là các bên tham gia vào Đạo luật Tòa án Quốc tế”(1).

Điều 33 của Hiến chương khẳng định các quốc gia trong các cuộc tranh chấp cần phải sử dụng các biện pháp hòa bình và không phương hại hay đe dọa đến hòa bình, an ninh quốc tế: “Các bên đương sự trong các cuộc tranh chấp, mà việc kéo dài các cuộc tranh chấp ấy có thể đe dọa đến hòa bình và an ninh quốc tế, trước hết, phải cố gắng tìm cách giải quyết tranh chấp bằng con đường đàm phán, điều tra, trung gian, hòa giải, trọng tài, tòa án, sử dụng những tổ chức hoặc những hiệp định khu vực, hoặc bằng các biện pháp hòa bình khác tùy theo sự lựa chọn của mình”(2).

Cơ chế Tòa án quốc tế theo UNCLOS

UNCLOS quy định chi tiết về thẩm quyền, quyền và nghĩa vụ pháp lý quốc tế của các bên tham gia Công ước. Các quốc gia thành viên đầy đủ của Công ước phải có trách nhiệm, nghĩa vụ pháp lý quốc tế tôn trọng và thực thi các cam kết quốc tế - những ràng buộc pháp lý quốc tế được xác lập trong Công ước, bao gồm việc giải quyết tranh chấp thông qua cơ chế Tòa án quốc tế về Luật Biển.

Điều 279 của UNCLOS  quy  định:  “Các  quốc  gia  thành  viên  phải  có  nghĩa  vụ  giải quyết mọi tranh chấp xảy ra giữa họ về việc giải thích hay áp dụng Công ước 1982 bằng phương pháp hoà bình theo đúng điều 2 khoản 3 của Hiến chương Liên Hợp quốc và vì mục đích này, cần phải tìm ra các giải pháp bằng phương pháp hoà bình đã được nêu ở Điều 33, khoản 1 của Hiến chương”(3).

Công ước cũng quy định cơ chế giải quyết tranh chấp ngoài đàm phán, đối thoại hòa bình, đó là các cơ chế tư pháp chính thức. Trong trường hợp khi tranh chấp không thể giải quyết được bằng đàm phán, đối thoại hòa bình, các quốc gia được quyền lựa chọn một hay 4 cơ quan tài phán (nêu ở trên) được xác lập theo thẩm quyền nêu tại Điều 287 của UNCLOS để giải quyết các tranh chấp có liên quan đến việc giải thích hay áp dụng Công ước nói chung hay việc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải nói riêng. Cùng với việc lựa chọn cơ quan tài phán theo cơ chế Tòa án Công lý Quốc tế (theo Hiến chương LHQ), cơ quan tài phán theo cơ chế Tòa án quốc tế về Luật Biển (được thành lập theo Phụ lục VI của UNCLOS), đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc giải quyết tranh chấp về lãnh hải hiện nay trên Biển Đông.

Cơ chế Trọng tài và Tòa Trọng tài

Giải quyết tranh chấp bằng thương lượng hay bằng các biện pháp hoà bình khác là nguyên tắc nền tảng của luật pháp quốc tế nói chung và luật quốc tế về biển nói riêng. Phương thức giải quyết đó là thông qua đối thoại, đàm phán, thương lượng, hòa giải,… Các biện pháp hòa bình khác, bao gồm việc đề nghị hoặc yêu cầu quốc gia khác hoặc các bên khác đưa vụ tranh chấp ra hoà giải thông qua cơ chế Trọng tài quốc tế.

Cơ chế Trọng tài (Arbitration) và Tòa Trọng tài được quy định chi tiết tại Phụ lục VII của UNCLOS. Điều 3 (mục g), Phụ lục VII của
UNCLOS, quy định về thẩm quyền và chức năng của Trọng tài trong việc giải quyết tranh chấp theo quy định của UNCLOS, theo đó “Các bên cùng một phía cùng nhau cử một thành viên của Toà qua thoả thuận chung. Khi có nhiều bên đối lập nhau hay trong trường hợp không thống nhất về điểm liệu các bên có đứng vào cùng một phía không, thì mỗi bên trong số họ cử một thành viên của Toà. Số lượng thành viên của Toà do các bên cử riêng rẽ bao giờ cũng phải ít hơn một người so với số lượng các thành viên của Toà được các bên hữu quan cùng cử”(4). Thành phần của Tòa Trọng tài gồm 5 thành viên (theo mục (a) của Điều 3, Bên nguyên cử một thành viên mà mình tuỳ ý lựa chọn và có thể là công dân của mình; Bên bị trong vụ tranh chấp cử (trong thời hạn 30 ngày, tính từ khi nhận được thông báo nói ở Điều 1 của Phụ lục này) một thành viên mà mình tuỳ ý lựa chọn và có thể là công dân của mình (mục b, c của Điều 3); còn lại 3 thành viên khác được các bên thoả thuận cử ra. Họ được các  bên tuỳ ý chọn trên bản danh sách và là công dân của các quốc gia thứ ba, trừ khi các bên có thoả thuận khác. Các bên cử Chánh toà của Toà trọng tài trong số ba thành viên đó.

Chức năng của Tòa Trọng tài được quy định tại Điều 3 và Điều 4, theo đó, thực thi các nhiệm vụ được nêu tại Phụ lục này và các quy định khác của UNCLOS, bao gồm việc tham gia giải quyết tranh chấp giữa các chủ thể có liên quan về những vấn đề thuộc thẩm quyền, phạm vi điều chỉnh của UNCLOS.

Cơ chế Tòa Trọng tài đặc biệt

Tòa Trọng tài đặc biệt được thành lập theo phụ lục VIII của UNCLOS, có chức năng giải quyết tranh chấp theo các quy định của UNCLOS. Thành phần cơ cấu của Tòa gồm 5 thành viên, được quy định tại Điều 3 của phụ lục VIII của UNCLOS, bao gồm mỗi bên (bên nguyên và bên bị) cử ra 2 thành viên tùy ý và có thể là công dân của nước mình, và hai bên cử ra một thành viên sẽ là Chánh tòa thuộc nước thứ ba (trừ khi các bên có thỏa thuận khác).

___________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 9-2014

(1), (2) United Nations Charter 1945, http://www.un.org/en/documents/charter/index.shtml

(3) Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS)

(4) UNCLOS,   http://www.un.org/depts/los/convention_agreements/texts/unclos/unclos_e.pdf

 

TS Hoàng Văn Nghĩa

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Thông tin tuyên truyền