Trang chủ    Từ điển mở    Hệ thống chính trị
Thứ tư, 12 Tháng 2 2014 09:13
13111 Lượt xem

Hệ thống chính trị

(LLCT) - Hệ thống chính trị, tổng thể các tổ chức thực hiện quyền lãnh đạo, quản lý, thực hiện quyền lực chính trị được xã hội và pháp luật thừa nhận.

Hệ thống chính trị của một quốc gia, một chế độ có chức năng, nhiệm vụ thực hiện mục tiêu chính trị, lợi ích của quốc gia, dân tộc, của giai cấp và đảng chính trị cầm quyền và thể hiện nền dân chủ tương ứng. Hệ thống chính trị tư sản hiện đại bao gồm nhà nước tư sản với các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp, các đảng chính trị và các tổ chức chính trị - xã hội tham gia hoạt động chính trị, thể hiện nền dân chủ tư sản.

Ở Việt Nam, thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã xóa bỏ nhà nước phong kiến và chính quyền thuộc địa thiết lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước cách mạng kiểu mới. Hệ thống chính trị từ năm 1945 bao gồm Đảng Cộng sản cầm quyền, Nhà nước cộng hòa dân chủ, tổ chức Mặt trận dân tộc thống nhất (Việt Minh, Liên Việt) và các đoàn thể quần chúng, thể hiện nền dân chủ nhân dân và thực hiện mục tiêu chính trị: kháng chiến và kiến quốc. Trong thời kỳ miền Bắc quá độ lên chủ nghĩa xã hội (1954-1975) và cả nước xây dựng chủ nghĩa xã hội (1975-1986) với vai trò cầm quyền của Đảng Cộng sản và Nhà nước thực hiện chức năng, nhiệm vụ của chuyên chính vô sản, đó là hệ thống chuyên chính vô sản.

Công cuộc đổi mới toàn diện đất nước được thực hiện từ Đại hội VI Đảng Cộng sản Việt Nam (12-1986) trong đó có đổi mới sự lãnh đạo của Đảng, vai trò quản lý của Nhà nước và chức năng của các tổ chức chính trị-xã hội. Thuật ngữ hệ thống chính trị được chính thức sử dụng từ Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VI (3-1989) và cơ cấu tổ chức hệ thống chính trị được ghi trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (6-1991) và Cương lĩnh (Bổ sung, phát triển năm 2011) và được hiến định trong Hiến pháp 1992. Hiện nay, hệ thống chính trị bao gồm Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội; Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị-xã hội. Hệ thống chính trị đó được xây dựng từ cấp Trung ương đến cấp cơ sở. Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI (5-2013) chủ trương tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở. Thực hiện sự đổi mới đồng bộ giữa các tổ chức trong hệ thống (Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị-xã hội). Hệ thống chính trị vận hành theo cơ chế: Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ và không ngừng hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa.

_____________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 11-2013

GS, TS Nguyễn Trọng Phúc

 

Thông tin tuyên truyền