Trang chủ    Thực tiễn    Gia đình với việc giữ gìn và phát huy các giá trị đạo đức truyền thống
Thứ ba, 12 Tháng 9 2023 14:41
2104 Lượt xem

Gia đình với việc giữ gìn và phát huy các giá trị đạo đức truyền thống

PGS, TS NGUYỄN VĂN LÝ
Học viện Chính trị khu vực III

(LLCT) - Bài viết phân tích ảnh hưởng của đạo đức truyền thống đến gia đình và vai trò của gia đình đối với việc phát huy các giá trị đạo đức truyền thống. Từ đó, đưa ra các giải pháp chủ yếu để tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của gia đình trong việc giữ gìn, phát huy các giá trị đạo đức truyền thống dân tộc, góp phần xây dựng con người và văn hóa Việt Nam trong sự nghiệp đổi mới hiện nay.
 

Gia đình đoàn tụ chuẩn bị đón Tết nguyên đán - Ảnh: TL

1. Vai trò của gia đình trong việc giữ gìn và phát huy các giá trị đạo đức truyền thống

Gia đình là một thiết chế xã hội cơ bản, là tế bào hợp thành xã hội, là hình thức tổ chức đời sống của các cá nhân được hình thành, duy trì và phát triển trên cơ sở quan hệ hôn nhân và huyết thống. Gia đình là môi trường đầu tiên và cơ bản để hình thành nhân cách con người, là nơi thực hiện sự kế thừa đạo đức - văn hóa trong tiến trình phát triển.

Trong hệ giá trị văn hóa, tinh thần truyền thống Việt Nam, các giá trị đạo đức chiếm vị trí nổi bật, tạo nên cốt lõi của nó. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, các giá trị đạo đức truyền thống luôn là dòng chủ lưu, là bệ đỡ tinh thần cho từng cá nhân, gia đình và cả dân tộc trong quá trình đấu tranh dựng nước, giữ nước. Nói đến các giá trị đạo đức truyền thống là nói đến những phẩm chất đạo đức tốt đẹp của dân tộc đã hình thành, duy trì, phát triển đến nay. Đó là các giá trị nhân văn mang tính cộng đồng, tính ổn định tương đối, được duy trì từ thế hệ này sang thế hệ khác, thể hiện trong các chuẩn mực mang tính phổ biến, có tác dụng điều chỉnh hành vi giữa các cá nhân, giữa cá nhân và xã hội. Các giá trị cơ bản là: chủ nghĩa yêu nước, lòng thương người, tinh thần đoàn kết, đức tính cần kiệm, lối sống giản dị, thủy chung, lạc quan..., trong đó, yêu nước là “động lực tình cảm lớn nhất của đời sống dân tộc, đồng thời là bậc thang cao nhất trong hệ thống giá trị đạo đức của dân tộc ta”(1).

Với tính cách là giá trị chung, các giá trị đạo đức truyền thống tồn tại và phát huy vai trò thông qua đời sống đạo đức cá nhân, gia đình và cộng đồng xã hội, trong đó, gia đình là nơi thể hiện trực tiếp, thường xuyên và đậm nét nhất. Gia đình là nơi con người sinh ra và lớn lên. Vì vậy, gia đình có ảnh hưởng liên tục, lâu dài và sâu sắc đến cá nhân, ảnh hưởng to lớn đến sự phát triển xã hội. Gia đình ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh, góp phần vào sự phát triển hài hòa, bền vững của xã hội. Xã hội tiến bộ, văn minh tạo môi trường cho gia đình phát triển lành mạnh. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Rất quan tâm đến gia đình là đúng và nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, xã hội tốt thì gia đình càng tốt, gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Chính vì muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội mà phải chú ý hạt nhân cho tốt”(2).

Trong quá trình tồn tại và phát triển, dân tộc ta đã định hình bản sắc của mình với việc xác lập hệ thống các giá trị đạo đức - văn hóa truyền thống, góp phần tạo dựng nền tảng tinh thần vững chắc của dân tộc. Các giá trị đạo đức truyền thống được thể hiện và thực hiện trong các gia đình, từng cộng đồng và cả xã hội. Nó thẩm thấu vào các mối quan hệ đa dạng, phong phú giữa người và người, giữa cá nhân với gia đình và xã hội. Trong xã hội truyền thống, giáo dục gia đình trên nền tảng của các giá trị đạo đức là nhân tố có ý nghĩa quyết định củng cố nền tảng gia đình, góp phần hình thành, phát triển nhân cách con người Việt Nam. Giáo dục đạo đức trong gia đình truyền thống chú ý đến việc xây dựng con người có lối sống tình nghĩa; biết kính trên, nhường dưới, tôn trọng tổ tiên; chăm chỉ, tiết kiệm trong sản xuất và đời sống; đề cao trách nhiệm của cá nhân với nhà, làng, nước. Đó là các giá trị cao quý, phổ biến, vững bền, hợp thành nền tảng và sức mạnh tinh thần to lớn để dân tộc ta phát huy, vượt qua mọi gian khổ, hy sinh và tự khẳng định bản sắc của mình.

Tuy nhiên, truyền thống là sản phẩm của lịch sử dân tộc trải qua nhiều thời kỳ gắn với đặc điểm kinh tế - xã hội, chính trị, văn hóa nhất định, nên ngoài những mặt tích cực cơ bản, nó còn chứa đựng những hạn chế mang tính lịch sử.

Tinh thần đoàn kết thể hiện nổi bật trong những vấn đề lớn liên quan đến sự tồn vong của dân tộc, sự phát triển của cộng đồng (đấu tranh chống giặc ngoại xâm, chống thiên tai, xây dựng các công trình thủy lợi...), nhưng trong sinh hoạt hằng ngày, trong hoạt động nghề nghiệp còn hạn chế. Quan niệm đoàn kết một chiều, ngại đấu tranh, thái độ “dĩ hòa vi quý” là nét phổ biến trong cách hành xử của nhiều gia đình. Trong điều kiện đó, cá nhân khó tự khẳng định mình với tư cách là nhân cách độc lập.

Trong gia đình truyền thống, đức tính cần cù và tiết kiệm thể hiện nổi bật, nhưng trong tâm lý của nhiều người, cần cù được đề cao hơn sáng tạo, cần cù trong lao động chân tay hơn lao động trí óc, trong sản xuất hơn trong kinh doanh. Gia đình truyền thống chú ý tiết kiệm trong tiêu dùng hơn tiết kiệm trong sản xuất, tiết kiệm trong sinh hoạt cá nhân hơn tiết kiệm trong các sinh hoạt cộng đồng. Bệnh sĩ diện kích thích không ít gia đình “vung tay quá trán” trong các dịp cưới hỏi, ma chay, giỗ chạp. Các hoạt động sản xuất và đời sống gia đình chủ yếu dựa vào kinh nghiệm nên hiệu quả thấp, chậm được cải thiện...

Những hạn chế này có nguyên nhân chủ yếu từ nền sản xuất nhỏ tồn tại lâu dài trong xã hội Việt Nam, gắn với tâm lý của người tiểu nông. Mặt khác, trong xã hội truyền thống, ảnh hưởng tiêu cực của tư tưởng phong kiến đến đời sống tinh thần của xã hội nói chung, gia đình nói riêng rất mạnh mẽ.

Cùng với sự biến đổi của gia đình Việt Nam qua suốt chiều dài lịch sử dân tộc, các giá trị tốt đẹp trong đạo đức truyền thống luôn được chọn lọc kế thừa, đồng thời tiếp nhận và bổ sung những giá trị mới, nhất là khi có sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Có thể nói, “Chính cộng sản là những người có công phát kiến lại một cách có cơ sở khoa học và có hệ thống các giá trị đạo đức, giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc Việt Nam”(3). Từ đây, giáo dục đạo đức truyền thống trong gia đình, nhà trường và xã hội đã có những nội dung mới, từng bước phù hợp với yêu cầu phát triển của xã hội Việt Nam và xu thế của thời đại.

Chủ nghĩa yêu nước truyền thống của dân tộc được phát huy mạnh mẽ và trở thành chủ nghĩa yêu nước mới gắn độc lập dân tộc với CNXH và kết hợp chặt chẽ với chủ nghĩa quốc tế vô sản của giai cấp công nhân. Truyền thống nhân ái của dân tộc ta được đặt trên lập trường của chủ nghĩa Mác - Lênin. Nó không chỉ dừng lại ở khát vọng giải phóng người lao động bị áp bức mà gắn với hành động cách mạng cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới, phát huy tiềm năng to lớn của cá nhân, gia đình, cộng đồng trong cuộc đấu tranh vì hạnh phúc của chính mình.

Đức tính cần kiệm được gắn với yêu cầu nâng cao năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả trong sản xuất, đời sống, vì lợi ích của xã hội, tập thể, trong đó có lợi ích cá nhân. Tinh thần đoàn kết dân tộc, ý chí tự cường, niềm lạc quan cách mạng được cổ vũ bởi mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã trở thành nguồn sức mạnh to lớn của nhân dân ta trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng CNXH ở nước ta.

Truyền thống dân tộc thể hiện và thực hiện thông qua hoạt động của cá nhân trong những môi trường nhất định mà môi trường gần gũi nhất là gia đình. Trong gia đình, những sắc thái đa dạng của đạo đức truyền thống thể hiện trong gia phong, gia đạo, gia lễ. Chính “nếp nhà” đó là nơi con người sinh ra, lớn lên và phát triển dưới ảnh hưởng của gia phong trong suốt cuộc đời mình. Gia đình là môi trường quan trọng bậc nhất của giáo dục đạo đức, phát triển nhân cách, là nơi kế thừa và phát huy các giá trị đạo đức truyền thống. Tinh thần yêu nước, lòng thương người, tinh thần đoàn kết cộng đồng, đức tính cần kiệm... của mỗi người Việt Nam có cơ sở sâu xa từ sự gắn bó và trách nhiệm với gia đình, làng xóm, quê hương, đất nước. Một xã hội muốn vững mạnh, một dân tộc muốn giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của mình trước hết phải chăm lo xây dựng gia đình, trong đó các giá trị truyền thống được nuôi dưỡng và phát triển.

Cùng với tiến trình đổi mới đất nước theo định hướng XHCN trong hơn 35 năm qua, các giá trị đạo đức truyền thống dân tộc được tuyệt đại đa số gia đình Việt Nam duy trì, phát triển cùng với việc sàng lọc, loại bỏ những mặt hạn chế trong đạo đức truyền thống và bổ sung những giá trị mới theo yêu cầu của xã hội đương đại. Một số quan niệm cũ dần bị loại trừ khỏi đời sống gia đình, như quan niệm trọng nam, khinh nữ; gia tộc chủ nghĩa; tư tưởng thụ động, bình quân chủ nghĩa... Một số giá trị mới được nhiều gia đình tiếp thu, bổ sung, như: tôn trọng cá nhân, chú trọng lợi ích, nhất là lợi ích kinh tế, tư tưởng bình đẳng, dân chủ, năng động, sáng tạo, hiệu quả, quyền lợi gắn liền với nghĩa vụ, trách nhiệm của cá nhân với bản thân, gia đình và xã hội.

Những thành tựu to lớn, toàn diện của công cuộc đổi mới, tiếp tục đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước và sự quan tâm của hệ thống chính trị các cấp đến gia đình trong những năm qua đã tạo điều kiện thuận lợi để gia đình tiếp tục kế thừa và phát huy các giá trị đạo đức truyền thống dân tộc. Đảng ta khẳng định: “Trải qua nhiều thế hệ, gia đình Việt Nam được hình thành và phát triển với những chuẩn mực giá trị tốt đẹp, góp phần xây dựng bản sắc văn hóa dân tộc. Những giá trị truyền thống quý báu như lòng yêu nước, yêu quê hương, yêu thương đùm bọc lẫn nhau, thủy chung, hiếu nghĩa, hiếu học, cần cù và sáng tạo trong lao động, bất khuất, kiên cường vượt qua mọi khó khăn, thử thách đã được gia đình Việt Nam gìn giữ, vun đắp và phát huy trong suốt quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước”(4).

Mặt khác, quá trình xây dựng thể chế kinh tế thị trường, toàn cầu hóa, giao lưu, hội nhập quốc tế, sự phát triển mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhất là công nghệ số, ngoài tác động tích cực, cơ bản, còn có những hiệu ứng tiêu cực về mặt đạo đức khó tránh khỏi. Đó là sự xuất hiện của chủ nghĩa cá nhân; lối sống thực dụng, coi trọng lợi ích vật chất, xem nhẹ lợi ích tinh thần; đề cao lợi ích cá nhân, hạ thấp lợi ích cộng đồng; chú ý lợi ích trước mắt, coi nhẹ lợi ích cơ bản, lâu dài; mâu thuẫn, xung đột trong quan niệm giá trị giữa các thành viên, các thế hệ trong gia đình và tình trạng bạo lực gia đình... Ở một số gia đình, nhất là trong khu vực đô thị, xuất hiện kiểu gia đình càng giàu có về vật chất lại càng nghèo nàn về đời sống tinh thần, thừa tiền nhưng thiếu đạo đức, văn hóa.

Những hạn chế, tiêu cực nêu trên có điều kiện gia tăng khi giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình chưa được quan tâm đúng mức và sức đề kháng của các chủ thể với các phản giá trị chưa đủ mạnh.

2. Giải pháp nâng cao vai trò của gia đình trong việc giữ gìn và phát huy các giá trị đạo đức truyền thống

Giữ gìn và phát huy các giá trị đạo đức truyền thống là hai mặt của một quá trình có quan hệ biện chứng với nhau. Giữ gìn là cách thức, biện pháp để các giá trị đạo đức truyền thống được tồn tại lâu dài, bền vững và phát huy trong đời sống cộng đồng; phát huy là hành động hướng đích nhằm đưa các giá trị đạo đức truyền thống vào đời sống xã hội, làm cho các giá trị này được lan tỏa trong cộng đồng, qua đó tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện tốt hơn việc giữ gìn.

Quá trình chuyển đổi các giá trị trong đời sống xã hội đã và đang đòi hỏi việc khẳng định và nâng cao vai trò của gia đình trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị đạo đức truyền thống. Trên cơ sở đó, cần chú trọng thực hiện các giải pháp chủ yếu sau:

Một là, tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội theo hướng nhanh, bền vững để tạo tiền đề khách quan cho gia đình bảo tồn và phát huy các giá trị đạo đức truyền thống. Đạo đức có cơ sở sâu xa từ đời sống kinh tế - xã hội, là sự phản ánh quan hệ lợi ích của con người. Tính chất, mục đích, hiệu quả của nền kinh tế có ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống đạo đức, diện mạo tinh thần của gia đình và xã hội. Những thành tựu của sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước, xây dựng thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN trong hơn 35 năm qua đã tạo điều kiện thuận lợi để nâng cao chất lượng cuộc sống của gia đình và phát huy vai trò của gia đình trong việc giữ gìn và phát huy các giá trị đạo đức truyền thống, tiếp thu các giá trị nhân văn của thời đại, góp phần tạo dựng đời sống đạo đức tốt đẹp của xã hội.

Thực tế cho thấy, không phải cứ kinh tế phát triển thì đời sống đạo đức trong gia đình và xã hội tự động nâng cao, nhưng mặt khác, nếu đời sống kinh tế gặp nhiều khó khăn kéo dài thì cũng khó có điều kiện để phát triển đời sống tinh thần, giữ gìn và phát huy đạo đức truyền thống. Vì vậy, gắn với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, cần quan tâm phát triển kinh tế gia đình, khuyến khích làm giàu đi đôi với giảm nghèo bền vững, tạo việc làm cho người lao động, nhất là ở các vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới, hải đảo, gia đình có công với cách mạng, gia đình các nạn nhân chiến tranh. Việc chú ý đến phát triển kinh tế gia đình, thực hiện các chính sách, giải pháp nhằm khơi dậy tiềm năng kinh tế, lao động của gia đình là cơ sở để củng cố và phát triển gia đình - nơi mà các giá trị đạo đức truyền thống được lưu giữ, trao truyền, bổ sung và đổi mới theo yêu cầu phát triển gia đình và xã hội hiện nay.

Hai là, nâng cao nhận thức về vai trò, trách nhiệm của gia đình với việc giữ gìn và phát huy các giá trị đạo đức truyền thống dân tộc. Là một giá trị xã hội, mức độ hiệu quả của việc giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống nói chung, giá trị đạo đức truyền thống nói riêng, phụ thuộc trước hết vào nhận thức của các chủ thể, nhất là của gia đình về vai trò của các giá trị truyền thống và trách nhiệm của gia đình trong việc duy trì, phát triển các giá trị nền tảng đó.

Để làm tốt việc này, công tác truyền thông cần chú ý tuyên truyền, phổ biến quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về gia đình và giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, nhất là vào các dịp Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20-3, Ngày Gia đình Việt Nam 28-6 hằng năm. Nêu gương các mô hình gia đình tiêu biểu; phê phán các tư tưởng lạc hậu, các hủ tục, các hành vi vi phạm thuần phong, mỹ tục, vi phạm các chuẩn mực đạo đức, các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc.

Các bậc cha mẹ, người lớn tuổi trong gia đình phải là tấm gương về đạo đức, nhân cách cho con cháu. Tính gương mẫu đó được thể hiện trong ngôn ngữ, cử chỉ, việc làm, cách ứng xử với mọi người trong gia đình và ngoài xã hội theo những chuẩn mực đạo đức tiến bộ, trong đó hàm chứa những giá trị đạo đức truyền thống dân tộc.

Ba là, kết hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong giáo dục đạo đức truyền thống cho thế hệ trẻ. Là chủ nhân tương lai của đất nước, thế hệ trẻ là người nối tiếp thế hệ cha anh trong việc giữ gìn và phát huy các giá trị đạo đức truyền thống dân tộc. Gia đình, nhà trường, xã hội là các thiết chế có chức năng xã hội hóa cá nhân về các mặt thể chất và tinh thần để họ trở thành những công dân có ích cho xã hội.

Để có sự kết hợp chặt chẽ giữa các thiết chế trên trong việc giáo dục đạo đức truyền thống cho thế hệ trẻ, nhà trường cần phát huy tốt vai trò tổ chức, phối hợp thực hiện các nội dung, phương pháp giáo dục đạo đức của gia đình và các đoàn thể chính trị - xã hội khác. Nhà trường cần chú trọng đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống, nếp sống mang bản sắc văn hóa dân tộc, nâng cao trách nhiệm của thế hệ trẻ với bản thân, gia đình, quê hương, đất nước, trách nhiệm của tuổi trẻ trong việc giữ gìn và tiếp tục phát huy các giá trị đạo đức truyền thống dân tộc phù hợp với yêu cầu phát triển xã hội hiện nay. Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh - sự kết tinh ở tầm cao các giá trị đạo đức truyền thống dân tộc và nhân loại, tấm gương tiêu biểu nhất của tâm hồn, trí tuệ, đạo đức Việt Nam.

Bốn là, chú trọng nghiên cứu khoa học về gia đình, về giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình. Công tác nghiên cứu khoa học về gia đình cung cấp cơ sở khoa học và thực tiễn để Đảng, Nhà nước hoạch định chiến lược, chính sách phát triển toàn diện gia đình, giáo dục gia đình và là cơ sở cho việc phát huy vai trò, trách nhiệm của gia đình trong giáo dục đạo đức nói chung, đạo đức truyền thống nói riêng. Về mặt này, cần tiếp tục nghiên cứu các giá trị đạo đức - văn hóa dân tộc và giá trị văn hóa gia đình cần phát huy; những giá trị mới có ý nghĩa tích cực, tiến bộ đối với gia đình và xã hội cần tiếp thu, vận dụng. Nghiên cứu sự biến đổi về cấu trúc, quy mô, các mối quan hệ trong gia đình và dự báo sự phát triển của gia đình và văn hóa gia đình dưới tác động của các nhân tố khách quan và chủ quan, dân tộc và thời đại, truyền thống và hiện đại.

Trước mắt, cần “Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới”(5). Chú ý nghiên cứu đưa nội dung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục giá trị đạo đức truyền thống phù hợp với từng đối tượng, địa bàn, lĩnh vực trong quá trình triển khai Quyết định số 96/QĐ-TTg ngày 19-01-2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình đến năm 2030.

Thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp chủ yếu nêu trên không chỉ góp phần xây dựng nền tảng đạo đức của gia đình mà còn nâng cao vai trò, trách nhiệm của gia đình trong việc bảo vệ và phát huy các giá trị đạo đức truyền thống dân tộc trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước hiện nay.

_________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 544 (tháng 6-2023) 

Ngày nhận bài: 22-5-2023; Ngày bình duyệt: 17-6-2023; Ngày duyệt đăng: 26-6-2023.

(1) Vũ Khiêu (Chủ biên): Đạo đức mới, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1974, tr.74.

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.12, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.300.

(3) Trần Văn Giàu: Giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1980, tr.81.

(4) ĐCSVN: Các Nghị quyết của Trung ương Đảng 2005-2010, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2012, tr. 444.

(5) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.143.

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền