Trang chủ    Thực tiễn    Giải pháp nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ thuộc Đảng bộ Thành phố Hà Nội
Thứ bảy, 26 Tháng 8 2023 22:05
2159 Lượt xem

Giải pháp nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ thuộc Đảng bộ Thành phố Hà Nội

(LLCT) - Từ thực trạng chất lượng sinh hoạt của các chi bộ thuộc Đảng bộ Thành phố Hà Nội và yêu cầu của tình hình mới, căn cứ các chủ trương của Thành ủy Hà Nội, bài viết đề xuất một số giải pháp tiếp tục nâng cao chất lượng sinh hoạt của các chi bộ thuộc Đảng bộ Thành phố trong những năm tới.

Hội nghị Chi bộ Khu dân cư số 3, phường Kim Giang, quận Thanh Xuân - Ảnh: IT

Đảng bộ Thành phố Hà Nội là Đảng bộ địa phương lớn nhất cả nước. Tính đến ngày 30-9-2021, Đảng bộ Thành phố Hà Nội có 50 đảng bộ cấp trên cơ sở, trong đó có 30 đảng bộ quận, huyện, thị xã, 20 đảng ủy trực thuộc, với 2.351 tổ chức cơ sở đảng, 17.217 chi bộ, 459.307 đảng viên. Về loại hình chi bộ, có 2.351 chi bộ thôn, 2.816 chi bộ tổ dân phố; 3.106 chi bộ cơ quan hành chính, 4.109 chi bộ đơn vị sự nghiệp; 4.243 chi bộ doanh nghiệp; 592 chi bộ trong các loại hình khác. Về quy mô chi bộ, có 16.564 chi bộ dưới 100 đảng viên; 653 chi bộ có trên 100 đảng viên, trong đó có 06 chi bộ thôn, 13 chi bộ tổ dân phố có trên 200 đảng viên.

Trong những năm qua, thực hiện sự lãnh đạo của Thành ủy Hà Nội và sự chỉ đạo của các cấp ủy cấp trên, chất lượng sinh hoạt của các chi bộ thuộc Đảng bộ Thành phố đã có bước chuyển biến tích cực, nhưng vẫn còn có những hạn chế nhất định. Để thực hiện tốt chủ trương đã nêu trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt của các chi bộ và rút kinh nghiệm từ thực trạng sinh hoạt chi bộ, trong những năm tới, các chi bộ và các cấp ủy cấp trên của tổ chức cơ sở đảng cần thực hiện đồng bộ, có hiệu quả nhiều giải pháp.

Một là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, bí thư chi bộ và đảng viên về vị trí, vai trò của sinh hoạt chi bộ và việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ gắn với nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên

Cấp ủy các cấp tiếp tục quán triệt sâu sắc đến các tổ chức đảng và đảng viên để thực hiện tốt các nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Trung ương và các nghị quyết, đề án, hướng dẫn của Thành ủy Hà Nội: Kết luận số 01-KL/TW ngày 18-5-2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị khóa XII “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; Kết luận số 21-KL/TW của Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII “Về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến, “tự chuyển hóa”; Hướng dẫn số 12-HD/BTCTW ngày 06-7-2018 của Ban Tổ chức Trung ương “Một số vấn đề về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ”. Đề án số 11-ĐA/TU ngày 06-12-2021 của Ban Thường vụ Thành ủy về “Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ thuộc Đảng bộ Thành phố Hà Nội trong tình hình mới”; Hướng dẫn số 03-HD/TW ngày 27-12-2022 của Ban Bí thư về “thí điểm sinh hoạt trực tuyến ở đảng bộ cơ sở, chi bộ có tính chất đặc thù hoặc trong hoàn cảnh đặc biệt và sinh hoạt theo tổ đảng ở chi bộ đông đảng viên”; Hướng dẫn số 04-HD/TU của Thành ủy về thí điểm tổ chức sinh hoạt chi bộ thôn, tổ dân phố theo tổ đảng ở các khu dân cư, khu chung cư và đô thị mới có đông đảng viên; v.v..

Cung cấp đầy đủ thông tin, tài liệu, văn bản chỉ đạo để các chi ủy nghiên cứu, phổ biến, quán triệt, triển khai đến đảng viên nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chi bộ, cán bộ, đảng viên về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức cơ sở đảng, của chi bộ; ý nghĩa, tầm quan trọng của sinh hoạt chi bộ và yêu cầu cấp thiết phải nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; thấy rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong chi bộ để đảng viên đóng góp trí tuệ vào sinh hoạt chi bộ.

Nâng cao trách nhiệm của từng cấp ủy viên, ủy viên ban thường vụ cấp ủy cấp trên đối với địa bàn được phân công phụ trách, gắn với việc thực hiện nghiêm quy chế cấp ủy viên cấp huyện định kỳ dự sinh hoạt chi bộ thôn, tổ dân phố và đảng ủy xã, thị trấn, chú trọng những địa bàn có vụ việc phức tạp, hoặc chi bộ có vấn đề cần quan tâm. Đảng viên là cấp ủy viên, cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp phải gương mẫu thực hiện tốt việc sinh hoạt đảng, nêu gương sáng về đạo đức, lối sống, tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt chi bộ.

Thời gian qua, nội dung, hình thức sinh hoạt chi bộ ở Đảng bộ Thành phố Hà Nội đã có chuyển biến tích cực, chế độ sinh hoạt được duy trì nền nếp hơn, đã có những mô hình mới, cách làm hay, khắc phục tính đơn điệu, hình thức trong sinh hoạt chi bộ; sinh hoạt chuyên đề được quan tâm. Nội dung sinh hoạt chuyên đề được chuẩn bị kỹ, đề cập trực tiếp vào các nội dung còn bất cập trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ của chi bộ, thực hiện quyền và nghĩa vụ của tổ chức đảng, đảng viên.

Hai là, thực hiện đúng nguyên tắc, quy định tổ chức sinh hoạt đảng, bảo đảm tính lãnh đạo, tính giáo dục, tính chiến đấu trong sinh hoạt chi bộ

Để nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ cần thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ trong sinh hoạt chi bộ; thảo luận, bàn bạc có trọng tâm, trọng điểm những nội dung lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, xây dựng chi bộ, các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp vững mạnh. Đảng viên phải đề cao trách nhiệm trong việc tham gia phát biểu ý kiến, thảo luận tìm giải pháp khắc phục các khuyết điểm, hạn chế; phát huy tinh thần tự phê bình và phê bình, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của chi bộ và đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Việc điều hành sinh hoạt chi bộ phải bảo đảm đầy đủ nội dung, các bước theo quy trình, quy định. Diễn biến, nội dung sinh hoạt, ý kiến thảo luận, góp ý của đảng viên phải được ghi chép đầy đủ, chính xác trong sổ ghi biên bản theo mẫu thống nhất và được quản lý, lưu trữ theo quy định của Đảng. Mở rộng dân chủ, đề cao tinh thần tự phê bình và phê bình, tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong sinh hoạt chi bộ. Người chủ trì cần tạo bầu không khí cởi mở, dân chủ và lắng nghe, khuyến khích đảng viên phát biểu thể hiện chính kiến, tâm tư, nguyện vọng, làm cho đảng viên thấy được việc tham gia sinh hoạt, phát biểu ý kiến không chỉ là trách nhiệm, mà còn là quyền lợi, là dịp được thể hiện chính kiến, bộc lộ suy nghĩ của mình để cuộc sinh hoạt chi bộ thật sự là đợt sinh hoạt chính trị bổ ích; để đảng viên thấy được tôn trọng, được đóng góp, cống hiến trí tuệ của mình cho Đảng, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh từ cơ sở.

Trong quá trình điều hành sinh hoạt, dành nhiều thời gian cho thảo luận, tạo điều kiện để từng đảng viên được phát biểu ý kiến; đối với những nội dung quan trọng, mang tính thời sự, nổi cộm, các hạn chế, khó khăn, vướng mắc hay có ý kiến khác nhau, người chủ trì cần gợi ý, phân tích đa chiều để đảng viên tập trung thảo luận, thống nhất trước khi kết luận.

Ba là, tập trung đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt chi bộ

Thời gian qua, nội dung, hình thức sinh hoạt chi bộ ở Đảng bộ Thành phố Hà Nội đã có chuyển biến tích cực, chế độ sinh hoạt được duy trì nền nếp hơn, đã có những mô hình mới, cách làm hay, khắc phục tính đơn điệu, hình thức trong sinh hoạt chi bộ; sinh hoạt chuyên đề được quan tâm. Nội dung sinh hoạt chuyên đề được chuẩn bị kỹ, đề cập trực tiếp vào các nội dung còn bất cập trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ của chi bộ, thực hiện quyền và nghĩa vụ của tổ chức đảng, đảng viên. Tuy nhiên, sinh hoạt chi bộ ở một số nơi còn hình thức, hiệu quả thấp. Tính chiến đấu, tinh thần đấu tranh tự phê bình và phê bình ở một số nơi còn hạn chế; có cấp ủy có biểu hiện thiếu thống nhất, ảnh hưởng không tốt đến phong trào của địa phương. Do vậy, cần tập trung đổi mới cả nội dung và hình thức sinh hoạt chi bộ, cụ thể như sau:

Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát của cấp ủy cấp trên trực tiếp của chi bộ
Cần thực hiện tốt việc định hướng nội dung sinh hoạt cho từng loại hình chi bộ; cung cấp đầy đủ thông tin, tài liệu sinh hoạt phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, thôn, tổ dân phố. Hằng quý, thường trực cấp ủy cấp trên trực tiếp của chi bộ dự sinh hoạt luân phiên với ít nhất 01 chi bộ; thường trực cấp ủy cấp huyện mỗi quý dự sinh hoạt với ít nhất 01 chi bộ khó khăn, chi bộ có vấn đề cần quan tâm củng cố, chi bộ doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, chi bộ khu dân cư có đồng bào theo tôn giáo,...

Hằng năm, có kế hoạch kiểm tra, giám sát việc chấp hành nền nếp chế độ sinh hoạt; việc đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ của cấp ủy cấp dưới và chi bộ; tổ chức giám sát việc thực hiện Điều lệ Đảng, chế độ sinh hoạt đảng đối với đảng viên, kịp thời chấn chỉnh chi bộ còn hạn chế; xem xét, xử lý kỷ luật nghiêm những đảng viên, kể cả cấp ủy viên, không chấp hành việc sinh hoạt chi bộ mà không có lý do chính đáng.

Cụ thể hóa nội dung sinh hoạt chi bộ định kỳ

Nội dung sinh hoạt định kỳ cần cụ thể, thiết thực, sát với nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, đơn vị. Chi ủy (hoặc bí thư, phó bí thư ở những nơi không có chi ủy), trước hết là bí thư chi bộ, phải bám sát chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, thôn, tổ dân phố để lựa chọn đúng, trúng nội dung sinh hoạt, bảo đảm tính toàn diện, xác định đúng những vấn đề trọng tâm, trọng điểm cần lãnh đạo, chỉ đạo, tránh trùng lặp giữa nhiệm vụ công tác đảng và nhiệm vụ công tác chính quyền, chuyên môn. Trước mỗi kỳ sinh hoạt chi bộ, đảng viên được thông báo trước nội dung sinh hoạt, phân công chuẩn bị ý kiến phát biểu, đặt câu hỏi hoặc nêu vấn đề cần thảo luận trước cho đảng viên nghiên cứu.

Nâng cao chất lượng sinh hoạt chuyên đề

Các chi bộ cần lựa chọn chủ đề để sinh hoạt chuyên đề phù hợp, sát với tình hình thực tế của chi bộ, tập trung vào các chủ đề, như: Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; các giải pháp nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực công tác của cán bộ, đảng viên; việc triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước liên quan trực tiếp đến sự lãnh đạo, chỉ đạo của chi bộ; công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, thôn, tổ dân phố…; việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác chuyên môn; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; v.v..

Đảng viên trong chi bộ cần tập trung nghiên cứu kỹ các nội dung của chuyên đề, trong đó cần thảo luận kỹ những hạn chế, khuyết điểm và nguyên nhân, đề xuất những giải pháp cụ thể, thiết thực nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và khắc phục những hạn chế, đề ra các giải pháp thực hiện có hiệu quả.

Đa dạng hóa các nội dung sinh hoạt chi bộ

Tùy theo nội dung sinh hoạt, đặc điểm, tình hình địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và điều kiện cụ thể của đảng viên để áp dụng các hình thức sinh hoạt phù hợp trên cơ sở ba hình thức sinh hoạt cơ bản: sinh hoạt chính trị định kỳ, sinh hoạt học tập, sinh hoạt chuyên đề. Có thể sử dụng một hình thức cho một buổi sinh hoạt, nhưng cũng có thể kết hợp nhiều hình thức cho một buổi sinh hoạt. Việc thí điểm sinh hoạt chi bộ trực tuyến ở một số chi bộ đặc thù hoặc trong hoàn cảnh đặc biệt thực hiện theo hướng dẫn của Ban Bí thư và Thành ủy. Thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong một số buổi sinh hoạt học tập, sinh hoạt chuyên đề. Căn cứ điều kiện, nội dung sinh hoạt cụ thể, cấp ủy cấp huyện có thể chỉ đạo, hướng dẫn một số chi bộ thí điểm sinh hoạt định kỳ trực tuyến, nhưng phải bảo đảm quy định của Đảng về bảo mật, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện. Đối với chi bộ thôn, tổ dân phố có các khu dân cư, khu chung cư và đô thị mới có đông đảng viên, gồm nhiều tổ đảng thực hiện đúng theo hướng dẫn của Thành ủy.

Bốn là, quan tâm xây dựng, củng cố, nâng cao chất lượng đội ngũ chi ủy viên, trước hết là bí thư chi bộ
Thực tế cho thấy, một số bí thư chi bộ còn hạn chế về kỹ năng, nghiệp vụ công tác đảng, đặc biệt là khả năng chuẩn bị nội dung sinh hoạt chi bộ, kỹ năng điều hành, tổ chức sinh hoạt chi bộ. Việc ghi chép nội dung sinh hoạt chi bộ, ban hành nghị quyết, kết luận có nơi còn chưa khoa học. Nguyên nhân là do việc lựa chọn, bồi dưỡng đội ngũ cấp ủy viên, bí thư chi bộ chưa đáp ứng được yêu cầu; cấp ủy, bí thư chi bộ ở một số nơi chưa nhận thức đầy đủ, phát huy hết vai trò, chức trách, nhiệm vụ được giao, điều hành sinh hoạt chi bộ chưa linh hoạt, chưa khuyến khích được đảng viên tích cực phát biểu và thể hiện chính kiến của mình; một số chưa gương mẫu, thiếu trách nhiệm, uy tín thấp, thậm chí cá biệt có trường hợp vi phạm pháp luật.

Cấp ủy các cấp cần thường xuyên quan tâm tạo nguồn, củng cố cấp ủy, nâng cao chất lượng chi ủy viên, nhất là bí thư chi bộ, bảo đảm có phẩm chất chính trị và đạo đức tốt, có năng lực tổ chức thực hiện. Hằng năm, chủ động xây dựng kế hoạch mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, tập huấn kỹ năng về nghiệp vụ công tác đảng và tập huấn chuyên đề về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất; hỗ trợ kinh phí hoạt động cho chi bộ và bí thư, phó bí thư chi bộ; cung cấp đầy đủ, kịp thời tài liệu phục vụ sinh hoạt chi bộ; tăng cường, đổi mới nội dung, hình thức bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ công tác đảng cho đội ngũ bí thư chi bộ và cấp ủy viên cơ sở.

Năm là, nâng cao chất lượng ban hành và tổ chức thực hiện có hiệu quả nghị quyết, kết luận của chi bộ
Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội yêu cầu các tổ chức đảng phải cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XVII (nhiệm kỳ 2020 - 2025) của Đảng bộ Thành phố, trọng tâm là nâng cao chất lượng ban hành và tổ chức thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, kết luận; cần có những đổi mới cả về tư duy và hành động trong xây dựng, ban hành các nghị quyết, kết luận, đề án… thể hiện quyết tâm chính trị cao, đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Chú trọng công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện và kiểm tra thực hiện nghị quyết theo hướng tập trung, kiên quyết, dứt điểm và hiệu quả, kịp thời khắc phục những hạn chế, yếu kém trong công tác lãnh đạo. Các chi bộ cần đề ra các chương trình, kế hoạch công tác cụ thể, phân công rõ nhiệm vụ, lãnh đạo sâu sát, cụ thể, quyết liệt, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc thường xuyên; chủ động phân tích, đánh giá tổng thể và quyết định chọn hướng đột phá từ những việc còn khó khăn, vướng mắc để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghị quyết, bảo đảm đem lại kết quả cao.

Các nghị quyết, kết luận của chi bộ cần xác định đúng vấn đề cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, gắn với nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, đơn vị. Nghị quyết hoặc kết luận phải cụ thể, thiết thực, khả thi, nêu rõ nội dung, yêu cầu, biện pháp và phân công người thực hiện, định rõ thời gian hoàn thành. Chi ủy thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện; cuối tháng đánh giá kết quả thực hiện; kịp thời biểu dương, động viên đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; chấn chỉnh, giúp đỡ những đảng viên có mặt hạn chế, khuyết điểm.

Sáu là, tăng cường công tác chỉ đạo thí điểm và sơ kết việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ

Nghiên cứu ban hành văn bản hướng dẫn thí điểm tổ chức sinh hoạt chi bộ thôn, tổ dân phố theo tổ đảng ở các khu dân cư, khu chung cư và khu đô thị mới có đông đảng viên. Mỗi năm, mỗi đảng bộ cấp huyện chọn khoảng 5 - 10% số chi bộ sinh hoạt định kỳ và 3 - 5% số chi bộ sinh hoạt chuyên đề để làm điểm chỉ đạo; cấp ủy các cấp thành lập các tổ công tác để chỉ đạo, hướng dẫn các chi bộ sinh hoạt điểm. Khi tổ chức sinh hoạt chi bộ điểm, mời các bí thư chi bộ khác đến dự quan sát, theo dõi cách thức tổ chức, phương pháp điều hành sinh hoạt để rút kinh nghiệm tổ chức sinh hoạt ở chi bộ mình. Tổng kết hằng năm của các đảng bộ cần có nội dung kiểm điểm, đánh giá việc thực hiện các quy định, hướng dẫn của cấp trên về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Định kỳ tổ chức sơ kết việc thực hiện các mô hình thí diểm và kiểm điểm, đánh giá toàn diện việc thực hiện các nghị quyết, đề án, hướng dẫn của Thành ủy về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ trong các loại hình chi bộ thuộc Đảng bộ Thành phố.

_________________

Ngày nhận: 06-8-2023; Ngày bình duyệt: 10-8-2023; Ngày duyệt đăng: 26-8-2023. 

TS LÊ THỊ HÀ

Viện Xây dựng Đảng,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền