Trang chủ    Thực tiễn    Hoạt động hỗ trợ kiến thức, kỹ năng phát triển kinh tế của tổ chức phi lợi nhuận tại cộng đồng ở nông thôn Việt Nam
Thứ tư, 26 Tháng 7 2023 10:23
938 Lượt xem

Hoạt động hỗ trợ kiến thức, kỹ năng phát triển kinh tế của tổ chức phi lợi nhuận tại cộng đồng ở nông thôn Việt Nam

(LLCT) - Cùng với quá trình đổi mới và hội nhập của Việt Nam hơn 35 năm qua, các tổ chức phi lợi nhuận đã phát triển và có những đóng góp nhất định cho công cuộc phát triển đất nước. Ở khu vực nông thôn, nhiều tổ chức phi lợi nhuận có xu hướng chuyển từ hình thức hoạt động mang tính nhân đạo, từ thiện, tài trợ sang hình thức hỗ trợ các chương trình/dự án phát triển bền vững, dài hạn, đặc biệt là các chương trình/dự án hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo năng lực, kỹ năng phát triển kinh tế cho người dân. Bài viết đánh giá vai trò của các tổ chức phi lợi nhuận trong phát triển cộng đồng ở nông thôn, những kết quả đã đạt được, những hạn chế và nguyên nhân. Từ đó, đề xuất giải pháp góp phần nâng cao vai trò của tổ chức phi lợi nhuận trong phát triển cộng đồng ở nông thôn.

Mô hình sản xuất dưa Kim Hoàng hậu tại xã Định Hòa, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa - Ảnh: vca.org.vn

Cùng với sự gia tăng số lượng, hoạt động của các tổ chức phi lợi nhuận ở Việt Nam ngày càng đa dạng, phủ khắp các lĩnh vực. Ở khu vực nông thôn, các hoạt động hỗ trợ kiến thức, kỹ năng phát triển kinh tế cho người dân nhằm phát triển cộng đồng đang ngày càng được các tổ chức phi lợi nhuận đẩy mạnh. Điều này góp phần giúp người nông dân thay đổi tư duy từ sản xuất theo tập quán sang sản xuất theo quy trình, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng; sản xuất những hàng hóa thị trường cần thay cho cung ứng thị trường những gì mình có; cung cấp thông tin, kiến thức cho người nông dân về thông tin thị trường, vùng nguyên liệu sạch.

Cùng với hỗ trợ kỹ năng sản xuất, là hỗ trợ về vấn đề kinh tế hợp tác, nâng cao kỹ năng, khả năng tìm kiếm, xúc tiến liên kết, hợp tác thương mại, giới thiệu, quảng bá nông sản làm tăng giá trị, chất lượng và cải thiện thu nhập của người nông dân trên chính thửa đất, mảnh ruộng của mình; giúp người nông dân hiểu được quy luật vận hành của cơ chế thị trường; điều chỉnh sản xuất, đa dạng hóa nông sản cũng như các hình thức sản xuất thích hợp, khắc phục tình trạng cung vượt cầu. Đồng thời, các chương trình hỗ trợ kiến thức, kỹ năng phát triển kinh tế của các tổ chức phi lợi nhuận cũng giúp họ sản xuất theo hướng an toàn, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, giúp người nông dân có thêm cơ hội tiếp cận thị trường.

Tuy nhiên, trên thực tế, việc thực hiện các chương trình, dự án hỗ trợ kiến thức, kỹ năng phát triển kinh tế của các tổ chức phi lợi nhuận ở các vùng nông thôn Việt Nam chưa thực sự đạt được những kết quả như mục tiêu đề ra, còn có nhiều khó khăn, hạn chế do những nguyên nhân khác nhau.

1. Khái niệm, phương pháp nghiên cứu

Khái niệm tổ chức phi lợi nhuận

Thuật ngữ “tổ chức phi lợi nhuận” được hiểu là “các tổ chức tự nguyện”, “các tổ chức phi chính phủ” hay “các tổ chức xã hội” và nhiều tên gọi khác nhau liên quan tới nhân đạo, tôn giáo, hòa bình hoặc môi trường là nhiều cách gọi khác nhau với loại tổ chức có tính tự nguyện, từ thiện, phi lợi nhuận(1). Bên cạnh đó, cũng có một số nghiên cứu coi “các tổ chức phi lợi nhuận” chỉ là một bộ phận của “các tổ chức xã hội dân sự”(2).

Theo Hansmann, “tổ chức phi lợi nhuận, về thực chất, là tổ chức bị cấm phân bổ thu nhập ròng của mình, nếu có, cho các cá nhân có quyền kiểm soát nó, như các thành viên, quan chức, các giám đốc, hay nhà tài trợ”(3). Phi lợi nhuận được hiểu là toàn bộ lợi nhuận thu được đều được sử dụng cho mục tiêu của tổ chức chứ không dành để chia cho thành viên của tổ chức. Tất cả các nguồn lực được phân cho chương trình và/hoặc dịch vụ đã hướng tới, tuyệt đối tập trung vào nhu cầu và lợi ích của người hưởng lợi. Hoạt động “phi lợi nhuận” không có nghĩa là hoạt động không có lợi nhuận hay không thu phí. Trên thực tế, có nhiều tổ chức phi lợi nhuận, nhưng lợi nhuận hàng năm thu được rất lớn, tuy nhiên tất cả lợi nhuận thu được đều được dùng cho các mục đích của tổ chức chứ không chia cho thành viên của tổ chức. Do đó, một tổ chức được xác định là tổ chức phi lợi nhuận hay không phụ thuộc vào cách họ sử dụng số lợi nhuận thu được, chứ không phải tổ chức đó có tạo ra lợi nhuận hay không.

Theo quy định của pháp luật Việt Nam, tổ chức phi lợi nhuận “là pháp nhân hoặc tổ chức có hoạt động chính là huy động hoặc phân bổ vốn cho các mục đích từ thiện, tôn giáo, văn hóa, giáo dục, xã hội hoặc mục đích tương tự, không vì mục đích lợi nhuận, bao gồm: Tổ chức phi chính phủ nước ngoài, quỹ xã hội, quỹ từ thiện thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam”(4).

Phương pháp nghiên cứu

Bài viết chủ yếu sử dụng phương pháp phân tích định lượng, trong đó tập trung phân tích mô tả và sử dụng tương quan 2 biến, 3 biến từ dữ liệu điều traxã hội học thuộc Đề tài khoa học cấp quốc gia năm 2020 “Tổ chức phi lợi nhuận trong phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội ở Việt Nam” do PGS, TS Nguyễn Đức Chiện làm chủ nhiệm và đề tài Luận án “Vai trò của tổ chức phi lợi nhuận trong phát triển cộng đồng ở nông thôn hiện nay” của tác giả thực hiện tại địa bàn nông thôn 6 tỉnh Tuyên Quang, Nam Định, Thanh Hóa, Lâm Đồng, Bình Phước và Cần Thơ. Ngoài ra, phương pháp phân tích, tổng quan tài liệu, thống kê và tổng hợp cũng được sử dụng đan xen trong bài viết để đánh giá vai trò của các tổ chức phi lợi nhuận trong phát triển cộng đồng tại các địa bàn tiến hành nghiên cứu. Số lượng và sự phân bố mẫu điều tra như sau:

Bảng 1. Phân bố mẫu điều tra ở khu vực nông thôn 6 tỉnh thành và địa bàn khảo sát

Đơn vị tính: Người

Tuyên Quang

Nam Định

Thanh Hóa

Lâm Đồng

Bình Phước

Cần Thơ

Tổng số

151

200

155

142

150

153

951

Nguồn: Đề tài cấp quốc gia “Tổ chức phi lợi nhuận trong phát triển xã hội

và quản lý xã hội ở Việt Nam” mã số KX01.23/16-20.

2. Kết quả nghiên cứu

Theo nghiên cứu của tác giả Nguyễn Đức Chiện, Việt Nam có khoảng 7.000 tổ chức phi lợi nhuận(5). Loại hình hoạt động đa dạng, song tập trung vào một số lĩnh vực chính như: cứu trợ thiên tai, từ thiện, tình thương, giáo dục, phát triển, hỗ trợ cộng đồng, giảm nghèo, phát triển giáo dục, hỗ trợ cộng đồng, bảo vệ môi trường, phòng chống HIV/AIDS, biến đổi khí hậu..., giúp nâng cao nhận thức, năng lực của địa phương và người dân trong việc lập kế hoạch và thực hiện một số chương trình, dự án phát triển tại nông thôn. Hoạt động của các tổ chức phi lợi nhuận thường tập trung vào bảo vệ quyền cho các đối tượng ở tầng thấp trong tháp phân tầng xã hội. Đó là những người nghèo, những gia đình gặp rủi ro, người thất nghiệp, có bệnh tật, hoàn cảnh sống khó khăn, có những thương tật hoặc khuyết tật bẩm sinh, phụ nữ nghèo khổ... Hoạt động của các tổ chức phi lợi nhuận giúp cho họ có kiến thức, kỹ năng quản lý, biết cách làm kinh tế trong nền kinh tế thị trường, nâng cao thu nhập cho bản thân và gia đình.

Kết quả đạt được

Các tổ chức phi lợi nhuận hỗ trợ người dân nông thôn  bằng nhiều cách thức, trên nhiều phương diện như: tiền mặt, hiện vật, vay vốn; hỗ trợ điện, nước sạch; kiến thức, kỹ năng phát triển kinh tế; giới thiệu việc làm; hỗ trợ bảo hiểm y tế/khám chữa bệnh... Việc hỗ trợ kiến thức, kỹ năng phát triển kinh tế cho người dân nông thôn thông qua các hoạt động: tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, đào tạo nghề và hỗ trợ đào tạo nghề. Tại 6 tỉnh thuộc địa bàn nghiên cứu, tình hình người dân tiếp nhận sự hỗ trợ kiến thức, kỹ năng phát triển kinh tế từ các tổ chức phi lợi nhuận như sau:   Theo quy định của pháp luật Việt Nam, tổ chức phi lợi nhuận “là pháp nhân hoặc tổ chức có hoạt động chính là huy động hoặc phân bổ vốn cho các mục đích từ thiện, tôn giáo, văn hóa, giáo dục, xã hội hoặc mục đích tương tự, không vì mục đích lợi nhuận, bao gồm: Tổ chức phi chính phủ nước ngoài, quỹ xã hội, quỹ từ thiện thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam”.

 

Bảng 2. Tình hình người dân tiếp nhận hỗ trợ kiến thức, 

kỹ năng phát triển kinh tế từ các tổ chức phi lợi nhuận

Đơn vị: %

Tỉnh thành

Loại hình hỗ trợ đã tiếp nhận

Tập huấn

Bồi dưỡng

kiến thức

Đào tạo nghề

Hỗ trợ

đào tạo nghề

Tuyên Quang

17

11,5

1,6

14

Nam Định

65,9

27,6

3,4

1,4

Thanh Hóa

63,6

42,8

7,1

30,7

Lâm Đồng

22,1

13,6

9,7

6,7

Cần Thơ

5,3

25,3

20

11,5

Bình Phước

39,2

22,2

12,6

18,2

 

Nguồn: Đề tài cấp quốc gia “Tổ chức phi lợi nhuận trong phát triển xã hội

và quản lý xã hội ở Việt Nam” mã số KX01.23/16-20.

Số liệu trên cho thấy, trong hỗ trợ về kiến thức, kỹ năng phát triển kinh tế, loại hình tập huấn và bồi dưỡng kiến thức phổ biến hơn loại hình đào tạo nghề và hỗ trợ đào tạo nghề. Việc tổ chức các buổi tập huấn, bồi dưỡng kiến thức từ đó chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, trồng trọt và chăn nuôi phù hợp với diện rộng người dân nông thôn đang thiếu kiến thức, kỹ năng sản xuất, trồng trọt và chăn nuôi nói chung. Việc đào tạo nghề mang tính chất chuyên sâu và không phải người dân nào cũng mong muốn hoặc yêu thích một số ngành nghề được đào tạo hoặc hỗ trợ đào tạo. Bên cạnh đó, thời gian tập huấn và bồi dưỡng kiến thức thường ngắn hơn so với đào tạo nghề nên dễ được người dân tiếp nhận hơn.

Trong số những người dân tiếp nhận các hỗ trợ kiến thức, kỹ năng phát triển kinh tế, sự phân chia tỷ lệ theo thu nhập của hộ gia đình như sau:

Bảng 3. Tình hình người dân tiếp nhận hỗ trợ kiến thức, 

kỹ năng phát triển kinh tế từ các tổ chức phi lợi nhuận phân chia theo thu nhập

Đơn vị: %

Tỉnh,

 thành phố

 

Thu nhập

của hộ gia đình trong 12 tháng

 

Loại hỗ trợ

Dưới 50 triệu

50-100 triệu

Trên 100 triệu

Tổng

Tuyên Quang

Tập huấn

6,8

6,8

2,4

17

Bồi dưỡng

kiến thức

10,2

1,3

0

11,5

Đào tạo nghề

1,6

0

0

1,6

Hỗ trợ đào tạo nghề

8,6

3,5

1,8

14

Nam Định

Tập huấn

30,9

23,4

11,6

65,9

Bồi dưỡng

 kiến thức

13,8

9,2

4,6

27,6

Đào tạo nghề

1,1

1,7

0,6

3,4

Hỗ trợ đào tạo nghề

1,4

0

0

1,4

Thanh Hóa

Tập huấn

26,1

23,7

13,8

63,6

 

Bồi dưỡng

kiến thức

15,8

17,2

9,8

42,8

 

Đào tạo nghề

4,5

1,5

1,1

7,1

 

Hỗ trợ đào tạo nghề

19,8

5,7

5,2

30,7

Lâm Đồng

Tập huấn

10,5

5,5

6,1

22,1

 

Bồi dưỡng

 kiến thức

7,4

3,8

2,4

13,6

 

Đào tạo nghề

5,1

3,4

1,2

9,7

 

Hỗ trợ đào tạo nghề

4

2

0,7

6,7

Cần Thơ

Tập huấn

2,7

2,4

0,2

5,3

 

Bồi dưỡng

kiến thức

11

10

4,3

25,3

 

Đào tạo nghề

6,9

8,6

4,5

20

 

Hỗ trợ đào tạo nghề

6,8

4,2

0,5

11,5

Bình Phước

Tập huấn

22

10,8

6,4

39,2

 

Bồi dưỡng

 kiến thức

8,8

7,3

6,1

22,2

 

Đào tạo nghề

5,1

4,1

3,4

12,6

 

Hỗ trợ đào tạo nghề

9,8

8

0,4

18,2

 

Nguồn: Đề tài cấp quốc gia “Tổ chức phi lợi nhuận trong phát triển xã hội

và quản lý xã hội ở Việt Nam” mã số KX01.23/16-20.

Số liệu trên cho thấy, trong các loại hình hỗ trợ kiến thức, kỹ năng phát triển kinh tế, tỷ lệ người dân trong hộ gia đình có thu nhập thấp (dưới 50 triệu đồng/năm) nhận được hỗ trợ kiến thức, kỹ năng phát triển kinh tế cao hơn so với người trong hộ gia đình có thu nhập cao (trên 100 triệu đồng/năm). Điều này là phù hợp với mục tiêu hướng đến của các tổ chức phi lợi nhuận trong phát triển cộng đồng nông thôn.

Khi được hỏi những hỗ trợ mà người dân được tiếp nhận có đúng với mong muốn hay nhu cầu của ông/bà không, có 82% ý kiến cho rằng sự hỗ trợ là đúng với mong muốn và 18% cho rằng sự hỗ trợ chưa đúng với mong muốn.

Đánh giá hiệu quả, có 79% ý kiến cho rằng có hiệu quả và 21% ý kiến cho rằng sự hỗ trợ là không hiệu quả. Điều này thống nhất với tỷ lệ tương ứng 79% ý kiến cho rằng sau khi kết thúc các dự án hoặc sau khi các tổ chức hỗ trợ rút đi thì cuộc sống của nhân dân địa phương tốt lên, và 21% ý kiến cho rằng cuộc sống của người dân địa phương không tốt lên. Kết quả kiểm định Chi-square cho giá trị 0,000 < 0.05. Do đó, mô hình hồi quy là phù hợp. Đồng thời, biến thu nhập có giá trị sig kiểm định Wald bằng 0,106 > 0,05, do đó biến này không có ý nghĩa trong mô hình hồi quy, hay thu nhập không có tác động đến đánh giá về hiệu quả của các tổ chức phi lợi nhuận trong hỗ trợ kiến thức, kỹ năng phát triển kinh tế cho người dân.

Hạn chế

Khi được hỏi về sự khó khăn, thuận lợi trong tiếp nhận các hỗ trợ kiến thức, kỹ năng phát triển kinh tế từ các tổ chức phi lợi nhuận, có 81,4% ý kiến cho rằng không có khó khăn trở ngại và 18,6% ý kiến cho là có khó khăn trở ngại. Như vậy, việc hỗ trợ kiến thức, kỹ năng phát triển kinh tế của các tổ chức phi lợi nhuận chưa thực sự đến được với người dân nông thôn một cách thuận lợi. Đồng thời, khi phỏng vấn sâu người dân nhận xét về hạn chế của các tổ chức phi lợi nhuận trong hỗ trợ kiến thức, kỹ năng phát triển kinh tế cho người dân, nông thôn, các ý kiến đã chỉ ra một số vấn đề còn hạn chế, bất cập:

- Chất lượng, hiệu quả các chương trình, dự án hỗ trợ kiến thực, kỹ năng phát triển kinh tế chưa đạt mục tiêu đềra;

- Nội dung tập huấn, bồi dưỡng kiến thức chưa sát thực tế, không áp dụng ngay được vào sản xuất của người dân ở địa phương, thời gian tập huấn, bồi dưỡng kiến thức còn ngắn;

- Ngành nghề đào tạo còn chưa phù hợp với địa phương, chủ yếu là các nghề phi nông nghiệp;

- Từng tổ chức phi lợi nhuận hoạt động riêng lẻ, dẫn đến trường hợp có kiến thức, kỹ năng được hỗ trợ trùng lặp bởi nhiều tổ chức khác nhau, trong khi, có những kiến thức, kỹ năng lại không được hỗ trợ đào tạo.

Đối với các tổ chức phi lợi nhuận, khi được hỏi về khó khăn, hạn chế khi thực hiện hỗ trợ kiến thức, kỹ năng phát triển kinh tế cho người dân nông thôn, một số ý kiến cho rằng gặp khó khăn vì phải xin phép địa phương và đôi khi không nhận được sự hợp tác từ lãnh đạo địa phương. Khi triển khai hoạt động tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, đào tạo nghề và hỗ trợ đào tạo nghề gặp khó khăn trong bố trí địa điểm tập huấn, bố trí lớp học và thời gian học cho phù hợp với các đối tượng người dân khác nhau. Nhiều người dân chưa thực sự quan tâm đến các chương trình, dự án hỗ trợ kiến thức, kỹ năng phát triển kinh tế mà chỉ mong muốn được hỗ trợ tài chính.

Nguyên nhân

Khi được hỏi về yếu tố nào tạo thuận lợi cho hoạt động của các dự án/tổ chức phát triển hiện nay, kết quả trả lời như sau:

Bảng 4. Những yếu tố tạo thuận lợi

cho hoạt động của các tổ chức phi lợi nhuận

Đơn vị:%

Yếu tố

Ý kiến người dân

Ý kiến của tổ chức phi lợi nhuận

Bộ máy chính quyền

30

20

Chính sách, thể chế

36

25

Nguồn lực tài chính

86

85

Nguồn nhân lực

81

80

Thay đổi trong nhận thức

39

21

Phối hợp tốt

29

19

Nguồn: Đề tài cấp quốc gia “Tổ chức phi lợi nhuận trong phát triển xã hội và quản lý xã hội ở Việt Nam” mã số KX01.23/16-20.

Số liệu thống kê cho thấy, ý kiến đánh giá của người dân và của bản thân các tổ chức phi lợi nhuận là tương đồng về các yếu tố tạo thuận lợi cho hoạt động của tổ chức phi lợi nhuận, trong đó nguồn lực tài chính và nguồn nhân lực của tổ chức phi lợi nhuận là hai yếu tố căn bản.

Khi được hỏi về yếu tố nào hạn chế hoạt động của các dự án/tổ chức phát triển hiện nay, kết quả trả lời như sau:

 Bảng 5. Những yếu tổ đang hạn chế hoạt động của các tổ chức phi lợi nhuận

Đơn vị :%

Yếu tố

Ý kiến người dân

Ý kiến của tổ chức phi lợi nhuận

Bộ máy chính quyền

70

80

Chính sách, thể chế

64

75

Thiếu nguồn lực tài chính

14

15

Thiếu nguồn nhân lực

19

20

Hạn chế trong nhận thức

61

79

Phối hợp kém

71

81

Nguồn: Đề tài cấp quốc gia “Tổ chức phi lợi nhuận trong phát triển xã hội

và quản lý xã hội ở Việt Nam” mã số KX01.23/16-20.

Người dân nông thôn và các tổ chức phi lợi nhuận cũng thống nhất quan điểm về các yếu tố đang hạn chế hoạt động của tổ chức phi lợi nhuận. Đó là những hạn chế trong hoạt động hỗ trợ kiến thức, kỹ năng phát triển kinh tế cho người dân nông thôn, gồm: chưa có khuôn khổ pháp lý cho tổ chức phi lợi nhuận; sự phối hợp của chính quyền với các tổ chức phi lợi nhuận chưa được tốt; nhận thức về tổ chức phi lợi nhuận còn hạn chế; chưa có sự liên kết giữa các tổ chức phi lợi nhuận hoạt động trong cùng một địa phương hoặc trong cùng một lĩnh vực. Đây là những vấn đề mà cả Nhà nước, các tổ chức phi lợi nhuận và người dân phải chung tay tháo gỡ.

3. Thảo luận

Để nâng cao vai trò của tổ chức phi lợi nhuận trong phát triển cộng đồng nông thôn nói chung, tại địa bàn nghiên cứu nói riêng, cần thực hiện một số giải pháp sau:

Về phía Nhà nước

Nhà nước cần đối xử bình đẳng giữa tổ chức công và các tổ chức phi lợi nhuận trong cùng một lĩnh vực hoạt động bằng cách tạo lập môi trường pháp lý minh bạch, đồng bộ và nhất quán cho tất cả các tổ chức.

Cần hoàn thiện cơ chế tài chính đối với các tổ chức phi lợi nhuận, bảo đảm hoạt động của các đơn vị này công khai, minh bạch, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư, nhà hảo tâm trong xã hội, đáp ứng được mục tiêu của các tổ chức này khi thành lập là hoạt động vì cộng đồng, xã hội, không vì lợi nhuận. Hoạt động của tổ chức nào nếu đã đăng ký là phi lợi nhuận thì phải được công khai, kiểm toán định kỳ. Chênh lệch thu - chi phải được dùng để đầu tư phát triển cơ sở và các hoạt động của tổ chức.

Các cấp chính quyền cần tiếp tục đổi mới công tác quản lý, kiểm tra, giám sát các hoạt động của tổ chức phi lợi nhuận theo quy định pháp luật; đồng thời, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, mặt khác, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, bảo đảm khoa học, chặt chẽ; không để tình trạng bị động, bất ngờ, nhất là ở những địa bàn nhạy cảm.

Về phía các tổ chức phi lợi nhuận

Các tổ chức phi lợi nhuận cần nâng cao chất lượng hoạt động các chương trình/dự án hỗ trợ kiến thức, kỹ năng phát triển kinh tế cho người dân nông thôn, trong đó, nội dung tập huẩn, bồi dưỡng kiến thức cần sát thực tế sản xuất của địa phương để người dân có thể áp dụng ngay vào sản xuất. Cần xây dựng các khung nội dung và thời gian tập huấn, bồi dưỡng kiến thức phù hợp, bảo đảm cho người dân không chỉ nắm được lý thuyết mà còn có thể thực hành, giải đáp các vướng mắc của người dân. Các chương trình đào tạo nghề và hỗ trợ đào tạo nghề cần sát với năng lực và tình hình sản xuất nông nghiệp là chủ yếu của người dân địa phương.

Các tổ chức phi lợi nhuận nên liên kết với nhau trong hoạt động triển khai để vừa nâng cao chất lượng hỗ trợ, vừa tránh lãng phí, tránh trùng lặp chương trình ở cùng một địa phương.

Các tổ chức phi lợi nhuận cần mở rộng số lượng người dân được tiếp nhận hoặc tham gia vào các chương trình/dự án và cần công khai, minh bạch trong hỗ trợ. Đồng thời, cần có chiến lược thu hút sự tham gia của người dân và cộng đồng trong các hoạt động của mình.

Về phía người dân

Người dân nâng cao nhận thức về sự cần thiết của việc nâng cao kiến thức, kỹ năng phát triển kinh tế đối với bản thân và gia đình nhằm nâng cao đời sống gia đình, không nên chỉ chú trọng mong muốn tiếp nhận hỗ trợ tài chính trực tiếp. Để tăng thêm vốn tri thức trong sản xuất góp phần nâng cao hiệu quả lao động sản xuất, người dân cần chủ động tìm hiểu, tiếp cận thông tin về các chương trình, dự án của các tổ chức phi lợi nhuận trong hỗ trợ kiến thức, kỹ năng phát triển kinh tế để từ đó, tích cực tham gia và tiếp nhận những hỗ trợ của các tổ chức phi lợi nhuận theo đúng nhu cầu của bản thân và gia đình.

_________________

Ngày nhận bài: 1-7-2023; Ngày bình duyệt: 6-7-2023; Ngày duyệt đăng: 25-7-2023.

 

(1), (2) B. Đ. Dũng: “Kinh nghiệm khuyến khích các tổ chức phi lợi nhuận tham gia cung cấp hàng hóa, dịch vụ công ở một số nước trên thế giới”. Tạp chí Tổ chức nhà nước, 2005.

(3) Hansmann, Henry B.: "The Role of Nonprofit Enterprise". The Yale Law Journal 89 (5): 835-902, 1980.

(4) Chính phủ: Nghị định số 116/2013/NĐ-CP ngày 4-10-2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống rửa tiền, 2013.

(5) Nguyễn Đức Chiện: Tổ chức phi lợi nhuận trong phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội ở Việt Nam. Nhiệm vụ Khoa học và Công nghệ cấp quốc gia, Mã số: KX.01.23/16-20, 2020.

ThS TRẦN THỊ VIỆT HOÀI

Trường Đại học Nha Trang

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền