Trang chủ    Thực tiễn    Thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi - nhìn từ thực tiễn Nghệ An
Thứ năm, 02 Tháng 3 2023 10:45
1487 Lượt xem

Thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi - nhìn từ thực tiễn Nghệ An

(LLCT) - Trong những năm qua, công tác xóa đói giảm nghèo luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm và đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Giảm nghèo bền vững đã trở thành chương trình xuyên suốt, luôn được cập nhật, bổ sung trong hệ thống chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số là đối tượng được đặc biệt quan tâm. Nghệ An là tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn miền núi nên việc thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững được đặt trong tổng thể chính sách dân tộc và miền núi, đã được thực hiện đồng bộ và khá hiệu quả trong thời gian qua. Từ thực tiễn ở Nghệ An, bài viết đề xuất một số giải pháp góp phần thực hiện hiệu quả chương trình giảm nghèo bền vững.

Người dân bản Bộng, xã Thành Sơn, huyện Anh Sơn học nghề dệt thổ cẩm truyền thống - Ảnh: baonghean.vn

“Dân tộc thiểu số” là những dân tộc có số dân ít hơn so với dân tộc đa số trên phạm vi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam(1). Đa số các dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống ở những khu vực miền núi, biên giới, vùng sâu, vùng xa; điều kiện kinh tế khó khăn; điều kiện về giáo dục, chăm sóc sức khỏe người dân còn nhiều hạn chế. Cộng đồng các DTTS thường khó hòa nhập do phần lớn nhận thức còn hạn chế, họ sử dụng ngôn ngữ riêng, chịu nhiều ảnh hưởng từ phong tục, tập quán lạc hậu.  Điều này đặt ra yêu cầu đặc biệt quan trọng trong xây dựng thực hiện chính sách phát triển, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội, thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo giữa các vùng, miền, dân tộc.

Những năm qua, các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi được triển khai hiệu quả; đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào DTTS từng bước được nâng lên. Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách phát triển kinh tế - xã hội gắn với công tác giảm nghèo bền vững vùng DTTS và miền núi đang đặt ra rất nhiều khó khăn, thách thức do các yếu tố bất lợi từ bên ngoài và sự suy giảm nguồn lực ở bên trong. Thực tiễn ở tỉnh Nghệ An là một minh chứng cho điều này.

1. Đặc điểm vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Nghệ An

Nghệ An là tỉnh có diện tích tự nhiên lớn nhất cả nước với 16.487 km2,trong đó diện tích địa bàn miền núi là 13.745 km2, chiếm 83% diện tích tự nhiên toàn tỉnh. Năm 2021, dân số của tỉnh là 3.327.791 người, đồng bào dân tộc thiểu số là 491.267 người chiếm 14,76% dân số toàn tỉnh với 47 dân tộc, trong đó dân số có dân số đông là: Thái (338.559 người), Thổ (71.420 người), Khơ Mú (43.139 người), Mông (33.957 người). Đồng bào DTTS ở Nghệ An sinh sống khá tập trung ở 252 xã, 1.339 thôn, bản thuộc 10 huyện miền núi phía Tây (trong đó có 106 xã thuộc khu vực III, 100 xã khu vực II và 46 xã khu vực I; 1.182 thôn bản đặc biệt khó khăn)(2). Nhìn chung, vùng đồng bào DTTS ở Nghệ An có những đặc điểm sau:

Một là, vùng DTTS ở hai khu vực tương đối khác nhau. Do những biến động lịch sử nên vùng đồng bào DTTS và miền núi ở Nghệ An đã hình thành hai khu vực khá rõ nét là miền núi Tây Bắc (gồm các huyện dọc theo Quốc lộ 48: Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong) và miền núi Tây Nam (gồm các huyện dọc theo Quốc lộ 7: Thanh Chương, Anh Sơn, Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn). Giữa hai khu vực có những yếu tố tự nhiên, kinh tế, văn hóa, xã hội tương đối khác nhau. Sự khác nhau đó hình thành nên các vùng dân cư đặc trưng như: Kim Sơn (Quế Phong), Chiềng Ngam (Quỳ Châu), Khủn Tinh (Quỳ Hợp) ở Tây Bắc, Mường Quạ (Con Cuông), Mường Lăm (Tương Dương), Mường Lống (Kỳ Sơn)… ở Tây Nam đã tạo nên sự phong phú, đa dạng, nhiều màu sắc trong đời sống văn hóa vùng DTTS và miền núi ở Nghệ An.

Hai là, đồng bào DTTS ở Nghệ An chung sống hòa hợp. Một số dân tộc có thể có nhiều nhóm cư dân khác nhau nhưng họ luôn chung sống hòa hợp. Quan hệ giữa các dân tộc hình thành tự nhiên và vững bền, tạo nên sự gắn bó, đoàn kết chặt chẽ giữa cộng đồng dân cư ở địa phương miền núi.

Ba là, trình độ phát triển, nhận thức giữa các DTTS có sự chênh lệch khá rõDo điều kiện tự nhiên - xã hội, nhất là các yếu tố tác động đến sản xuất và đời sống nên trình độ phát triển, trình độ dân trí giữa các dân tộc, giữa các nhóm trong một dân tộc và giữa các vùng, miền có khoảng cách chênh lệch khá lớn, thể hiện ở: trình độ sản xuất, nhận thức về tự nhiên và xã hội; các phong tục tập quán như nghi lễ cưới hỏi, ma chay, làm nhà… cũng rất khác nhau.

Bốn là, các DTTS ở Nghệ An có mối quan hệ gắn bó mật thiết với nhân dân các bộ tộc Lào. Mối quan hệ này được hình thành trong quá trình hình thành tộc người và đấu tranh chống kẻ thù chung. Các dân tộc như Thái, Mông, Khơ Mú, Ơ Đu ở phía Tây Nghệ An có quan hệ anh em, dòng tộc với một số bộ tộc ở nước bạn Lào. Trên tuyến biên giới 27 xã, đồng bào DTTS đã từng là hậu cứ của lực lượng cách mạng Lào và hiện nay họ vẫn tiếp tục giúp nhau trong sản xuất và đời sống. Từ mối quan hệ dòng tộc và dân tộc, đồng bào qua lại thăm thân, “dựng vợ gả chồng” cho nhau đã góp phần xây dựng, bảo vệ đường biên giới Việt - Lào trên địa bàn Nghệ An.

Những đặc điểm và đặc trưng về điều kiện tự nhiên, lịch sử, văn hóa - xã hội nói trên có ý nghĩa quan trọng đối với việc đề ra mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội gắn với công tác giảm nghèo bền vững ở vùng đồng bào DTTS và miền núi ở Nghệ An. Tuy nhiên, vấn đề này cũng đặt ra nhiều khó khăn, thách thức trong mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững của địa phương.

2. Thực trạng thực hiện chính sách phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ở Nghệ An

Công tác giảm nghèo là nội dung quan trọng trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và các huyện miền núi phía Tây Nghệ An. Bằng cách lồng ghép các cơ chế, chính sách, chính quyền và nhân dân các địa phương khu vực miền Tây Nghệ An không ngừng nỗ lực để công cuộc xóa đói, giảm nghèo đạt hiệu quả thiết thực nhất. Hiệu quả từ các chính sách giảm nghèo là ngoài việc khơi dậy sức mạnh nội lực như huy động nguồn lao động tại chỗ, nâng cao ý thức xóa đói, giảm nghèo trong đồng bào thì công cuộc xóa đói, giảm nghèo cũng đã huy động được sức mạnh tổng hợp từ cộng đồng xã hội đối với người nghèo.

Hằng năm, thông qua chương trình “Quỹ hỗ trợ vì người nghèo” đã có hàng trăm doanh nghiệp chung tay cùng chính quyền các cấp, đóng góp hàng trăm tỷ đồng  chuyển đến người nghèo một cách thiết thực nhất. Do đó, việc thực hiện chương trình xóa đói giảm nghèo bền vững ở vùng đồng bào DTTS và miền núi ở Nghệ An bước đầu đạt được những kết quả:

Các chính sách được tập trung vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào DTTS gắn với ổn định đời sống chính trị, giữ vững quốc phòng, an ninh vùng DTTS và miền núi. Giai đoạn 2015-2020, kinh tế - xã hội các huyện miền núi phía Tây Nghệ An đã có bước phát triển. Quy mô, tiềm lực kinh tế ngày càng được nâng lên, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực(3).

Điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội ở địa bàn phía Tây Nghệ An là đã hình thành được một số vùng sản xuất cây nguyên liệu, chăn nuôi tập trung quy mô lớn gắn với phát triển công nghiệp chế biến như: vùng trồng mía nguyên liệu ở Tân Kỳ, Anh Sơn…; vùng chăn nuôi bò sữa ở Nghĩa Đàn. Nhiều vùng đã chú trọng khai thác hợp lý tiềm năng mặt nước hồ thủy điện, khoáng sản, đất đai để nâng cao hiệu quả kinh tế; thương mại, dịch vụ được mở rộng. Mô hình trồng cây ăn quả ở các vùng biên, vùng sâu vùng xa cho hiệu quả cao như: chanh leo ở huyện Quế Phong; cam, quýt ở huyện Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp; mô hình trồng cây dược liệu để chế biến thực phẩm chức năng ở huyện Con Cuông… từng bước nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần ổn định đời sống, bảo đảm ổn định chính trị và quốc phòng, an ninh vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Thực hiện tốt các chương trình, chính sách đầu tư, hỗ trợ đặc thù để phát triển kinh tế - xã hội các huyện nghèo, xã, thôn đặc biệt khó khăn. Thu hút đầu tư cho vùng dân tộc và miền núi từ nhiều nguồn vốn và các nguồn tài trợ hợp pháp trong và ngoài nước. Phát triển chợ đầu mối, nâng cấp, cải tạo các chợ biên giới, chợ trong vùng kinh tế cửa khẩu; mở rộng giao lưu, trao đổi, quảng bá hàng hóa nông sản tại các vùng sản xuất tập trung, chợ dân sinh; quy hoạch, sắp xếp, ổn định dân cư gắn với đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và xây dựng nông thôn mới.

Các chính sách hỗ trợ đất sản xuất, vốn tín dụng đối với hộ đồng bào DTTS  vùng đặc biệt khó khăn được thực hiện tốt. Xây dựng chính sách ưu đãi đầu tư phát triển sản xuất hàng hóa, dịch vụ, chuyển đổi ngành nghề, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Xây dựng chính sách hỗ trợ, đầu tư phát triển công nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm, đồng thời tạo môi trường thuận lợi để thu hút các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi; chính sách hỗ trợ ổn định lương thực và các mặt hàng thiết yếu cho người dân ở địa bàn đặc biệt khó khăn vùng biên giới để đồng bào yên tâm định cư, giữ vững thế trận an ninh biên giới.

Đặc biệt, qua 10 năm (2012-2022) thực hiện chủ trương “mỗi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhận giúp đỡ một xã nghèo” do UBND tỉnh Nghệ An phát động, đã đem lại hiệu quả thiết thực cho người nghèo, xã nghèo của tỉnh. Các cơ quan, đơn vị,  doanh nghiệp, nhà hảo tâm đã giúp đỡ, ủng hộ các xã nghèo miền Tây với số tiền 310 tỷ đồng. Theo đó, tỷ lệ hộ nghèo các huyện miền núi phía Tây giảm từ 24,04% đầu năm 2016 xuống còn gần 8,18% cuối năm 2021 (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016-2020), trong đó, các huyện nghèo 30a giảm bình quân 5,97%/năm(4).

Bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện chính sách phát triển kinh tế - xã hội gắn với vấn đề bảo đảm quốc phòng, an ninh ở Nghệ An hiện nay vẫn còn những hạn chế, bất cập:

Cuối năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh còn 2,74%; tỷ lệ hộ cận nghèo là 5,09%, cao hơn mức bình quân cả nước. Đến tháng 6 - 2022, tỷ lệ hộ nghèo khu vực miền núi còn 21,20%, hộ cận nghèo 11,66%. Kết quả giảm nghèo chưa thật sự bền vững, nguy cơ tái nghèo còn cao. Nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn; chưa khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh, nội lực của toàn dân. Mặc dù có nhiều chính sách đầu tư trọng điểm cho vùng DTTS và miền núi với nguồn vốn lớn từ Trung ương và địa phương cùng nhiều chương trình hỗ trợ, lồng ghép nhưng vẫn thiếu mô hình sinh kế mang tính đột phá dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo ở vùng này giảm chậm, tỷ lệ tái nghèo còn cao. Đây là một thách thức lớn của tỉnh Nghệ An.

Mô hình giảm nghèo quy mô còn nhỏ, nguồn vốn đầu tư cho huyện nghèo, xã nghèo đặc biệt khó khăn còn thấp, việc lồng ghép các nguồn lực còn khó khăn, thiếu bền vững. Một bộ phận người nghèo còn có tư tưởng không muốn thoát nghèo, có tình trạng tách hộ là người già, người khuyết tật... thành hộ riêng để được thụ hưởng chính sách ưu đãi.

Nguyên nhân xuất phát từ thực tế phần lớn hộ nghèo lại đông con, thiếu vốn sản xuất kinh doanh, thiếu việc làm, trong gia đình thường có người mắc tệ nạn xã hội như nghiện ma túy, nghiện rượu, cờ bạc, mại dâm và một số ít còn lười lao động.

Tình trạng du canh du cư, di cư tự do trái phép của một số hộ đồng bào dân tộc thiểu số và công tác di dời dân tái định cư của một số dự án đầu tư thủy điện chưa bảo đảm làm hạn chế kết quả thực hiện chính sách của Nhà nước và mục tiêu giảm nghèo trên địa bàn.

Cấp ủy, chính quyền một số địa phương chưa dành sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên đối với công tác giảm nghèo. Việc lập hồ sơ đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng trên địa bàn các huyện nghèo, xã nghèo đặc biệt khó khăn, xã biên giới vẫn còn một số vướng mắc, chậm trễ. Việc chậm ban hành hướng dẫn một số chính sách dẫn tới gây khó khăn cho các địa phương trong việc triển khai, tổ chức thực hiện. Có chính sách được nhiều cơ quan đề xuất, ban hành nhưng nhiều đầu mối quản lý, thiếu sự phối hợp trong quá trình thực hiện. Một số chính sách không còn phù hợp nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung.

Những hạn chế, vướng mắc trên cần được nhìn nhận kịp thời và cần có các giải pháp đồng bộ để thực hiện tốt hơn công tác giảm nghèo bền vững tại địa phương.

3. Một số giải pháp cơ bản nhằm thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững đối với đồng bào dân tộc thiểu số - nhìn từ thực tế Nghệ An

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ đói nghèo là một trong ba thứ giặc (giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm). Tại cuộc họp đầu tiên của Ủy ban Nghiên cứu kế hoạch kiến quốc ngày 10-01-1946, Người nói: "Chúng ta tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét, thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ"(5).

Thấm nhuần tư tưởng của Người, công tác xóa đói, giảm nghèo luôn được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm, coi đây là yêu cầu cấp bách, là một nhiệm vụ trọng tâm, chiến lược của quá trình phát triển đất nước nhanh và bền vững.

Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14-10-2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025. Trong đó, đặt ra mục tiêu tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS mỗi năm giảm trên 3%. Để thực hiện mục tiêu đó, cần tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp cơ bản:

Một là, nâng cao trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và nhận thức của toàn xã hội về công tác xóa đói, giảm nghèo trong tình hình mới. Tuyên truyền, phổ biến rộng rãi đến cán bộ, đảng viên và nhân dân các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Tiến hành rà soát, đánh giá lại hiệu quả một số chương trình, dự án đã thực hiện trên vùng đồng bào DTTS và miền núi; làm rõ thuận lợi, thời cơ và  khó khăn, thách thức để giúp đồng bào cùng nỗ lực, phấn đấu vươn lên với tinh thần tự lực, tự cường, chủ động, sáng tạo, quyết tâm hơn trong công tác xóa đói, giảm nghèo.

Hai là, tiếp tục bổ sung, sửa đổi, ban hành và thực hiện các chính sách đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi trong giai đoạn mới. Cụ thể hóa các chính sách cho sát với thực tế để thu hút nhiều nguồn lực tham gia đầu tư, hỗ trợ phát triển. Đồng thời, cần thực hiện xã hội hóa, công khai hóa các chủ trương, chính sách, các chế độ, các chương trình, dự án nhằm sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư, tài trợ và chống thất thoát lãng phí.

Đẩy mạnh chương trình, dự án gắn với giảm nghèo bền vững theo Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 của Chính phủ. Xác định cơ chế, giải pháp huy động và lồng ghép vốn thực hiện chương trình theo Nghị định 27/2022/NĐ-CP ngày 19-04-2022 của Chính phủ. Việc lồng ghép phải được xác định khi phê duyệt quyết định đầu tư dự án. Trong đó, phân định rõ tỷ lệ huy động, cơ cấu từng nguồn vốn được lồng ghép, tránh chồng chéo, trùng lắp.

Ba là, đẩy mạnh xây dựng, phổ biến, hướng dẫn và nhân rộng các mô hình, điển hình; xây dựng phong trào phát triển kinh tế - xã hội gắn với công tác giảm nghèo bền vững vùng đồng bào DTTS và miền núi, đặc biệt là vùng biên giới; khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư ở miền núi, chú trọng khuyến khích các hộ gia đình đồng bào các dân tộc phát triển kinh tế hộ, kinh tế trang trại theo mô hình nông - lâm kết hợp; trồng rừng với chăn nuôi; phát triển nuôi trồng thủy sản nơi có điều kiện; phát triển các ngành nghề thủ công sử dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ như: mộc dân dụng, mộc mỹ nghệ, dệt thổ cẩm, mây tre đan xuất khẩu và các loại hình sản xuất thủ công khác.

Bốn là, coi trọng phát triển kinh tế du lịch dựa trên lợi thế về điều kiện tự nhiên, văn hóa của vùng đồng bào DTTS và miền núi. Các địa phương cần nhân rộng mô hình du lịch cộng đồng từ các thôn bản DTTS để xây dựng các sản phẩm du lịch bền vững.

Phát huy hiệu quả mối quan hệ giữa kinh tế và văn hóa. Những dự án đã được thí điểm, kiểm nghiệm trong thực tế, được thực tế chứng minh có hiệu quả thì tiếp tục phát triển, nhân rộng; các dự án đang được nghiên cứu, khảo sát để triển khai cần xây dựng chiến lược phát triển lâu dài và khả thi, trong đó, đặc biệt khai thác nguồn lực xã hội hóa, sự đầu tư của doanh nghiệp để phát triển; biến các sản phẩm của nghề thủ công truyền thống, sản phẩm văn hóa, ẩm thực truyền thống của đồng bào DTTS trở thành những sản phẩm du lịch nhằm tạo thêm công ăn việc làm và thu nhập cho người dân.

Năm là, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát thực hiện các chủ trương, chính sách, các chương trình, dự án ở vùng đồng bào DTTS và miền núi. Cấp ủy, chính quyền các cấp cần có nghị quyết, chương trình hành động cụ thể về phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, có sự phân công cụ thể cho các cấp, các ngành và cá nhân chịu trách nhiệm từng lĩnh vực gắn với địa bàn và từng dân tộc; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ cán bộ cơ sở, nhất là vùng cao, biên giới, vùng đặc biệt khó khăn; nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở trong lãnh đạo, quản lý, điều hành thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với quốc phòng, an ninh ở các địa phương miền núi, nhất là vùng biên giới.

_________________

Ngày nhận bài: 14-2-2022; Ngày bình duyêt: 22-12-2022; Ngày duyệt đăng: 25-02-2023.

 

(1) Dẫn theo: Khoản 2 Điều 4 Nghị định 05/2011/NĐ-CP, ngày 14-1-2011.

(2) UBND tỉnh Nghệ An - Ban Dân tộc (2021): Báo cáo kết quả thực hiện chính sách dân tộc năm 2020, phương hướng năm 2021.

(3) Tỉnh ủy Nghệ An: Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVIII trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Nxb Nghệ An, 2020, tr.4.

(4) UBND Tỉnh Nghệ An - Cục Thống kê Tỉnh.

(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.4, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.175.

                                                           ThS NGUYỄN VĂN ĐIỀU

                                                           Trường Chính trị tỉnh Nghệ An

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền