Trang chủ    Thực tiễn    Pháp luật về nền hành chính số ở Việt Nam - thực trạng và giải pháp
Thứ hai, 03 Tháng 4 2023 15:36
2001 Lượt xem

Pháp luật về nền hành chính số ở Việt Nam - thực trạng và giải pháp

(LLCT) - Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của nền hành chính nhà nước ở Việt Nam. Theo đó, việc áp dụng các tiến bộ của công nghệ thông tin và truyền thông vào sự vận hành của nền hành chính nhà nước là yêu cầu cấp thiết để xây dựng nền hành chính số. Bài viết làm rõ thực trạng pháp luật về nền hành chính số ở Việt Nam hiện nay, từ đó đề xuất giải pháp hoàn thiện pháp luật về lĩnh vực này trong thời gian tới.

Cán bộ, công chức Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Quảng Ninh hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 - Ảnh: baoquangninh.com.vn

Những năm qua, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động nội bộ và trao đổi giữa các cơ quan hành chính nhà nước thông qua hình thức văn bản điện tử, chia sẻ dữ liệu, cơ sở dữ liệu quốc gia; trao đổi giữa cơ quan nhà nước và người dân, doanh nghiệp thông qua hệ thống một cửa điện tử, dịch vụ công trực tuyến đã được đẩy mạnh.

Cung ứng dịch vụ công trực tuyến ngày càng hoàn thiện đã góp phần bảo đảm sự minh bạch, trách nhiệm giải trình của các chủ thể quản lý hành chính nhà nước trong quá trình vận hành nền hành chính. Sự ra đời kịp thời của Nghị định số 45/2020/NĐ-CP ngày 08-4-2020 của Chính phủ về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử đã tạo điều kiện phát triển các dịch vụ công trực tuyến, đặc biệt trong thời gian một số tỉnh, thành thực hiện giãn cách xã hội (phòng, chống dịch Covid-19).

1. Thực trạng pháp luật về nền hành chính số ở Việt Nam

Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, việc ứng dụng công nghệ số vào hoạt động quản lý nhà nước trong đời sống xã hội ngày một phát triển với nhiều thành tựu đáng kể. Đại hội XIII của Đảng đã xác định, một trong những giải pháp nhằm “xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ nhân dân, dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, trong sạch, vững mạnh, công khai, minh bạch”(1), đó là “đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, xây dựng và thực hiện chính phủ điện tử, hướng tới chính phủ số”(2). Xây dựng Chính phủ số, trong đó thể chế, cơ sở hạ tầng số dùng chung là những nền tảng cơ bản nhằm tạo ra các giải pháp số cho Chính phủ, doanh nghiệp và người dân. Qua đó, tận dụng được các lợi ích số dựa trên tăng trưởng, việc làm và dịch vụ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, chính phủ phục vụ, đáp ứng tốt hơn nguyện vọng của người dân.

Do vậy, có thể hiểu, pháp luật về nền hành chính số là tổng thể các quy phạm pháp luật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành theo trình tự, thủ tục luật định nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước thông qua ứng dụng công nghệ thông tin và các nền tảng công nghệ số, nhằm bảo đảm xây dựng một nền hành chính nhà nước phục vụ nhân dân, dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, trong sạch, vững mạnh, công khai, minh bạch.

Giai đoạn 2011-2020, công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về ứng dụng công nghệ thông tin và các nền tảng công nghệ số trong cơ quan hành chính nhà nước đã đạt được những kết quả nhất định. Cụ thể:

Thứ nhất, về xây dựng, ban hành chính sách, pháp luật về phát triển ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước, xây dựng khung kiến trúc Chính phủ điện tử và Cổng dịch vụ công quốc gia đã từng bước hoàn thiện. Có thể kể đến các luật, văn bản dưới luật, như: Luật Công nghệ thông tin năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2017); Luật Giao dịch điện tử năm 2005; Luật An toàn thông tin mạng năm 2015; Luật An ninh mạng năm 2018; Luật Lưu trữ năm 2011;... Chính phủ đã triển khai các chương trình, dự án hạ tầng và ứng dụng công nghệ vào quản lý, như: Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14-10-2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử; Quyết định số 1819/QĐ-TTg ngày 26-10-2015 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2016 - 2020; Quyết định số 877/QĐ-TTg ngày 18-7-2018 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành danh mục dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 để các bộ, ngành, địa phương thực hiện trong các năm 2018-2019; Quyết định số 274/QĐ-TTg ngày 12-3-2019 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án Cổng Dịch vụ công Quốc gia;...

Thứ hai, quy định của pháp luật về hạ tầng kỹ thuật ứng dụng công nghệ thông tin ở các bộ, ngành, địa phương ngày càng hoàn thiện. Ngày 05-9-2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 73/2019/NĐ-CP về quy định quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, qua đó đã tháo gỡ nhiều vướng mắc, tạo điều kiện triển khai đầu tư các dự án công nghệ thông tin, các quy trình thủ tục giảm khoảng 30%; góp phần phát triển ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các bộ, ngành, địa phương.

Bên cạnh những kết quả đạt được, còn một số hạn chế:

Một là, Nghị định số 64/2007/NĐ-CP ngày 10-4-2007 của Chính phủ về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước đến nay đã không còn phù hợp với thực tiễn phát triển công nghệ thông tin và chưa bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các văn bản pháp luật mới ban hành có liên quan. Chẳng hạn như, các quy định về công khai, minh bạch thông tin trên môi trường mạng, quy định về bảo vệ thông tin cá nhân hiện nay tham chiếu thực hiện theo các quy định tại Luật Công nghệ thông tin năm 2006. Tuy nhiên, đến nay, khi Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 và Luật An toàn thông tin mạng năm 2015 đã có hiệu lực thì những quy định tại Luật Công nghệ thông tin năm 2006 không còn phù hợp.

Quy định về an toàn thông tin mạng hiện không chỉ được quy định tại Luật An toàn thông tin mạng và quy định về an ninh mạng không chỉ được quy định tại Luật An ninh mạng mà đã được quy định tại Luật Giao dịch điện tử. Theo đó, khi hai luật này có hiệu lực thi hành với nhiều quy định cụ thể về an toàn thông tin mạng và an ninh mạng đối với các giao dịch điện tử thì các quy định về an ninh, an toàn, bảo vệ, bảo mật trong Luật Giao dịch điện tử không còn giá trị áp dụng thực tế. Do đó, cần nghiên cứu, rà soát sửa đổi Luật Giao dịch điện tử để bảo đảm thống nhất, đồng bộ với các luật khác có liên quan.

Hai là, một số quy định của pháp luật về ứng dụng công nghệ thông tin trong các giao dịch nội bộ của cơ quan hành chính nhà nước; giao dịch giữa các cơ quan hành chính nhà nước thiếu tính thống nhất, đồng bộ và toàn diện. Chẳng hạn, trong Quyết định 28/2018/QĐ-TTg ngày 12-7-2018 của Thủ tướng Chính phủ về gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước, có quy định về việc các bộ, ngành, địa phương thực hiện kết nối, liên thông hệ thống quản lý văn bản và điều hành với Trục liên thông văn bản quốc gia, bảo đảm hoàn thành việc kết nối, liên thông, gửi, nhận văn bản điện tử theo quy định trước ngày 30-6-2019, đồng thời quy định mỗi cơ quan chỉ có một chứng thư số. Trên thực tế, tại nhiều cơ quan có từ hai cán bộ phụ trách văn thư, do đó, cần bổ sung quy định cho phép mỗi cơ quan có thể đăng ký hai chứng thư số (đơn vị đến và đi).

Bên cạnh đó, quy định về lưu trữ điện tử tại Luật Lưu trữ và Nghị định số 01/2013/NĐ-CP ngày 03-01-2013 của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lưu trữ quy định về quản lý tài liệu lưu trữ điện tử chưa tạo cơ sở pháp lý đầy đủ về quản lý tài liệu điện tử bảo đảm chủ động thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư theo tinh thần Nghị quyết 52 NQ/TW của Bộ Chính trị.

Mặt khác, quản lý tài liệu điện tử có những vấn đề liên quan đến nghiệp vụ chuyên sâu, đến nhiều lĩnh vực, ngành nên cần có các quy định của các cơ quan quản lý chuyên ngành.

Ngoài ra, để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa các quy định tại Nghị định số 47/2020/NĐ-CP ngày 09-4-2020 của Chính phủ về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước và Quyết định số 458/QĐ-TTg ngày 03-4-2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Lưu trữ tài liệu điện tử của các cơ quan nhà nước giai đoạn 2020-2025” thì Luật Lưu trữ cần sớm sửa đổi, bổ sung các quy định về quản lý dữ liệu tài liệu lưu trữ điện tử.

Ba là, hạn chế từ quy định pháp luật về cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân và doanh nghiệp; thiếu quy định về chữ ký điện tử và chứng thực chữ ký điện tử. Ví dụ: Điều 22 Luật Giao dịch điện tử đã quy định điều kiện để bảo đảm an toàn cho chữ ký điện tử, tuy nhiên chưa rõ ràng về yêu cầu đối với tính toàn vẹn, xác thực, dẫn đến quá trình triển khai thực hiện gặp nhiều khó khăn. Hiện còn thiếu quy định về công nhận giá trị pháp lý của chữ ký điện tử theo cấp độ để phù hợp với từng loại giao dịch.

Bên cạnh đó, dịch vụ công trực tuyến được thiết kế riêng lẻ, rời rạc, chưa thân thiện, chưa lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, do đó, chưa bảo đảm áp dụng thống nhất nền tảng công nghệ trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến.

Bốn là, chưa có quy định về áp dụng cơ chế thử nghiệm (Regulatory Sandbox) trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước. Cơ chế quản lý thử nghiệm là một trong nhiều hướng tiếp cận công cụ quản lý đối với ngành, lĩnh vực trong đời sống xã hội, nhằm bảo đảm hài hòa mục tiêu quản lý nhà nước và thúc đẩy phát triển các sản phẩm, dịch vụ mới an toàn, hiệu quả. Theo đó, việc xây dựng khung khổ thử nghiệm trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước được áp dụng trên nền tảng công nghệ thông tin, cho phép một số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thử nghiệm các công nghệ mới, mô hình quản lý (kinh doanh) mới trong môi trường thực tiễn nhưng có phạm vi và thời gian xác định, dưới sự giám sát của các cơ quan quản lý.

Nguyên nhân là do vẫn còn tình trạng lãnh đạo một số cơ quan chưa quan tâm, chỉ đạo sát sao đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ, chưa tiên phong, gương mẫu sử dụng các phần mềm và chữ ký số chuyên dùng trên môi trường mạng; một số ít đơn vị chưa tích cực, chủ động khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu trên môi trường mạng; một số cán bộ, công chức chậm thay đổi lề lối làm việc, chưa ứng dụng công nghệ thông tin vào công việc. Nguồn lực tài chính cho triển khai Chính phủ điện tử vẫn còn hạn chế; công tác truyền thông về phát triển Chính phủ điện tử chưa được chú trọng. Mặt khác, sự phát triển đột phá của khoa học và công nghệ, đặc biệt là sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn, sinh trắc học, blockchain v.v.. đã tạo điều kiện thuận lợi cho ứng dụng và phát triển giao dịch điện tử sâu rộng nên đã phát sinh những vấn đề mới mà Luật Giao dịch điện tử, Luật Công nghệ thông tin, hay các luật khác có liên quan chưa quy định.

Một số thể chế quan trọng tạo hành lang pháp lý cho triển khai Chính phủ điện tử chưa được ban hành, cơ sở dữ liệu quốc gia tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử chưa được triển khai, hoặc mức độ hoàn thành còn chậm; giải pháp thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu chậm triển khai, chưa được các bộ, ngành chú trọng, quan tâm.

2. Giải pháp hoàn thiện pháp luật về nền hành chính số ở Việt Nam

Thứ nhất, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về lưu trữ (sửa đổi, bổ sung Luật Lưu trữ năm 2011), bổ sung các quy định về lưu trữ tài liệu điện tử, bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật về an ninh mạng (tại Điều 10 Luật An ninh mạng năm 2018), như: khái niệm tài liệu lưu trữ điện tử; hình thức, cách thức bảo đảm tính xác thực của tài liệu lưu trữ điện tử; nguyên tắc giao nộp tài liệu điện tử vào lưu trữ; yêu cầu bảo toàn thông tin tài liệu lưu trữ điện tử; yêu cầu bảo quản tài liệu lưu trữ điện tử; cách thức, trình tự, thủ tục khai thác, sử dụng tài liệu lưu trữ điện tử,...

Bổ sung quy định về việc số hóa tài liệu tại lưu trữ cơ quan, lưu trữ lịch sử; quy định về việc quản lý tập trung, thống nhất dữ liệu, tài liệu lưu trữ điện tử, đáp ứng yêu cầu về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của các cơ quan nhà nước. Đây cũng là nội dung quan trọng khi chưa có quy định về chia sẻ, kết nối thông tin giữa các kho lưu trữ lịch sử, chưa có quy định cho phép thành lập cơ quan lưu trữ để tích hợp, chia sẻ, bảo hiểm dữ liệu tài liệu lưu trữ.

Thứ hai, nghiên cứu bổ sung các quy định pháp luật về chữ ký số, chữ ký điện tử, định danh và xác thực điện tử để bảo đảm giá trị pháp lý của các giao dịch điện tử. Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) cần quy định rõ, phân biệt các khái niệm thông điệp dữ liệu, thông điệp dữ liệu an toàn, chữ ký điện tử, chữ ký điện tử an toàn. Đồng thời, cần quy định rõ các điều kiện, tiêu chuẩn để xác định là chữ ký điện tử an toàn và xác định là thông điệp dữ liệu an toàn; bổ sung quy định đối với dịch vụ tin cậy và nhà cung cấp dịch vụ tin cậy (cấp dấu thời gian, con dấu điện tử, chuyển phát dữ liệu ủy thác, xác thực trang web, v.v..).

Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định về giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước, đặc biệt là các quy định về an ninh, an toàn, bảo vệ, bảo mật trong giao dịch điện tử phù hợp với thực tế phát triển, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước. Cần rà soát, cập nhật, chỉnh sửa, bổ sung các quy định về an ninh, an toàn, bảo vệ, bảo mật trong giao dịch điện tử để bảo đảm đồng bộ, thống nhất với các quy định của Luật An toàn thông tin mạng và Luật An ninh mạng.

Thứ ba, nghiên cứu xây dựng Luật Chính phủ số, áp dụng cơ chế thử nghiệm trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã xác định “đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”. Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 đã xác định nhiệm vụ hoàn thiện khung pháp lý là bảo đảm môi trường pháp lý cho phép thử nghiệm, chấp nhận cái mới và chấp nhận thay đổi. Hình thành không gian thí điểm dịch vụ số và xây dựng khung pháp lý cho phép thử nghiệm các dịch vụ số chưa được quy định bởi pháp luật. Để thực hiện được chủ trương trên cần nghiên cứu áp dụng cơ chế thử nghiệm “Regulatory Sandbox”.

Bên cạnh đó, việc nghiên cứu xây dựng Luật Chính phủ số sẽ tạo khung pháp lý tổng thể về ứng dụng công nghệ thông tin, nền tảng công nghệ số để tạo môi trường thuận lợi cho xây dựng Chính phủ số theo định hướng của Đảng. Theo đó, dự thảo quy định mới, cập nhật, thống nhất với các quy định pháp luật hiện hành nhằm tạo các điều kiện tốt nhất cho phát triển các nền tảng công nghệ số vào hoạt động quản lý nhà nước, quản lý hành chính nhà nước.

Dự án Luật Chính phủ số được xây dựng gồm các quy định về nguyên tắc, trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong hoạt động của Chính phủ (vận hành nền hành chính số), như: quy định về xây dựng hạ tầng số, hạ tầng mạng, nền tảng điện toán đám mây, hạ tầng internet vạn vật; về phát triển dữ liệu số, như: dữ liệu số quốc gia, dữ liệu số của các bộ, ngành, địa phương; về kết nối, chia sẻ dữ liệu số, như: nguyên tắc kết nối, chia sẻ dữ liệu; mô hình kết nối, chia sẻ dữ liệu; về định danh và xác thực trong Chính phủ số, như: hình thức định danh và xác thực, cung cấp định danh, xác thực điện tử; về bảo đảm an toàn, an ninh mạng, như: nguyên tắc bảo đảm an toàn, an ninh mạng; trách nhiệm của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong phát hiện, giải quyết và khắc phục sự cố an toàn, an ninh mạng; về xây dựng khung kiến trúc Chính phủ số (khung kiến trúc tổng thể Chính phủ số quốc gia, cấp bộ; kiến trúc chính quyền số cấp tỉnh); về đầu tư phát triển Chính phủ số, như: ngân sách đầu tư dự án, quyền sở hữu trí tuệ đối với các giải pháp, cơ sở dữ liệu số; về hoạt động của các bộ, ngành, địa phương trên môi trường số nhằm điều chỉnh các quan hệ nội bộ giữa các bộ, ngành, địa phương, qua đó làm thay đổi tư duy thực thi công vụ, đổi mới quy trình làm việc trên môi trường số, cung cấp dịch vụ trên nền tảng công nghệ số và dữ liệu số.

Dự thảo Luật Chính phủ số được xây dựng và thông qua sẽ trực tiếp sửa đổi, bổ sung một số quy định tại Luật Giao dịch điện tử, Luật Công nghệ thông tin, Luật An toàn thông tin mạng, theo đúng quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) theo hướng một luật sửa nhiều luật, nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và toàn diện của hệ thống pháp luật.

_________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 540 (tháng 02-2023)

Ngày nhận bài: 06-6-2022; Ngày bình duyệt: 15-02-2022; Ngày duyệt đăng: 21-02-2023.

 

(1), (2) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.176, 132.

TS DƯƠNG THỊ TƯƠI

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền