Trang chủ    Thực tiễn    Thực trạng công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa ở Nghệ An
Thứ hai, 29 Tháng 2 2016 11:06
7222 Lượt xem

Thực trạng công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa ở Nghệ An

(LLCT) - Di sản văn hóa là sức mạnh nội sinh tiềm tàng, thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước. Nhận thức rõ vị trí, tầm quan trọng của vấn đề bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa,Đại hội X của Đảng (6-2006) chỉ rõ: “Tiếp tục đầu tư cho việc bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử cách mạng, kháng chiến, các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của dân tộc, các giá trị văn hóa nghệ thuật, ngôn ngữ, thuần phong mỹ tục của cộng đồng các dân tộc. Bảo tồn và phát huy văn hóa, văn nghệ dân gian. Kết hợp hài hòa việc bảo vệ, phát huy các di sản văn hóa với các hoạt động phát triển kinh tế, du lịch”(1).

Nghệ An là vùng đất có bề dày lịch sử, văn hóa và giàu truyền thống cách mạng. Trải qua các chặng đường lịch sử, nhân dân Nghệ An đã tích lũy được một kho tàng di sản văn hóa vô cùng phong phú, đa dạng. Nơi đây in đậm dấu ấn văn hoá - lịch sử của đất nước trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước, là nơi sinh nhiều Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa.

Nhận thức sâu sắc giá trị của kho tàng di sản văn hóa truyền thống, trong quá trình đổi mới, tỉnh Nghệ An đặc biệt quan tâm công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa. Ngày 3-12- 2001, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra Thông báo kết luận về Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án tôn tạo khu di tích lịch sử, văn hóa Kim Liên gắn với phát triển du lịch Nam Đàn. Tiếp đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra Nghị quyết số 12 - NQ/TU về phát triển du lịch Nghệ An thời kỳ 2002 - 2010, trong đó xác định mục tiêu, giải pháp phát triển đa dạng các loại hình du lịch trên cơ sở khai thác tốt lợi thế và tiềm năng du lịch của tỉnh, đặc biệt là các di tích lịch sử, văn hóa. Ngày 29-1-2003, Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An ra Nghị quyết số 24 – NQ/UBND về việc ban hành Quy chế quản lý, bảo vệ, sử dụng di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng trên địa bàn tỉnh. Đại hội XVI Đảng bộ tỉnh Nghệ An (2005) xác định hai mục tiêu cơ bản của công tác này là bảo tồn văn hóa xứ Nghệ, chống xuống cấp một số di tích quan trọng; bước đầu có kế hoạch bảo tồn, nâng cấp, trùng tu các di tích lịch sử, văn hóa gắn với phát triển du lịch của tỉnh.

Cùng với chỉ đạo đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, tỉnh nghệ An chủ trương: “Đẩy mạnh xã hội hóa và tăng cường đầu tư xây dựng, bảo tồn, tôn tạo các công trình văn hóa, di tích lịch sử, tâm linh gắn với các lễ hội truyền thống”(2).

Thực hiện chủ trương của Đảng bộ, các cấp, các ngành đã đầu tư bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa.Ngành văn hóa tỉnh Nghệ An đã nỗ lực trong quản lý, hướng dẫn, tuyên truyền, vận động toàn dân tham gia bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa của quê hương. Ngành văn hóa Nghệ An đã tham mưu xây dựng các quy hoạch, kế hoạch phát triển văn hóa, trong đó có bảo vệ và phát huy các giá trị di sản văn hóa; tham mưu ban hành và tổ chức thực hiện các dự án về bảo tồn di sản văn hóa; tổ chức nghiên cứu; huy động các nguồn lực để bảo vệ và phát huy các di sản văn hóa...

Các đơn vị trong ngành văn hóa Nghệ An: 5 đơn vị bảo tàng - di tích, Nhà hát dân ca (nay là Trung tâm bảo tồn và phát huy di sản dân ca xứ Nghệ), Hội Văn nghệ dân gian, cùng với hệ thống nhà truyền thống huyện, phòng truyền thống cơ sở,... được củng cố, góp phần vào công tác bảo tồn di sản văn hóa. Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa của tỉnh Nghệ An những năm đổi mới đã có sự chuyển biến tích cực:

- Công tác bảo tồn các giá trị văn hóa vật thể đạt kết quả. Việc xây dựng hồ sơ, xếp hạng di tích được đẩy nhanh. Đến nay, toàn tỉnh đã có 210 di tích được xếp hạng cấp quốc gia và cấp tỉnh; trung bình mỗi năm xếp hạng 17 - 18 di tích. Hệ thống các di tích - danh thắng, các bảo tàng trong tỉnh là những địa chỉ du lịch văn hóa - lịch sử hấp dẫn. Hàng năm, đón tiếp hàng vạn lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan, nghiên cứu, sinh hoạt văn hóa tâm linh. Các di tích cách mạng và lưu niệm danh nhân được bảo tồn, tôn tạo. Tiêu biểu là các di tích gắn với danh nhân Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Kim Liên, danh nhân Phan Bội Châu ở Nam Đàn, Lê Hồng Phong ở Hưng Nguyên, Phan Đăng Lưu ở Yên Thành, Hồ Án Nam và Hồ Tùng Mậu ở Quỳnh Lưu…

- Năng lực bảo tồn và phát huy di sản của tỉnh ngày càng được nâng cao. Nhiều công trình kiến trúc nghệ thuật có giá trị được xây dựng, nhiều di tích được đầu tư lớn để tu bổ, tôn tạo. Hàng năm, đã sử dụng nguồn đầu tư lớn cho công tác bảo tồn, chống xuống cấp các di tích. Bên cạnh ngân sách nhà nước thường xuyên, một số di tích được triển khai lập dự án tôn tạo, nâng cấp như: Dự án trùng tu tôn tạo di tích đền Cuông (xã Diễn An, huyện Diễn Châu), di tích đình Võ Liệt (xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương), di tích đền Cờn (xã Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai), Bên cạnh những dự án hạng trung nêu trên, trong những năm qua, tỉnh Nghệ An đã triển khai một số dự án trùng tu, tôn tạo và nâng cấp di tích trọng điểm với nguồn đầu tư kinh phí lớn như: Dự án bảo tồn, tôn tạo Khu di tích lịch sử văn hóa Kim Liên gắn với phát triển du lịch,...

- Công tác bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể có sự chuyển biến tích cực. Nhiều lễ hội truyền thống, lễ hội mới gắn với di tích, danh thắng được phục hồi và phát triển, đáp ứng nhu cầu của nhân dân, như: Lễ hội vua Mai, đền Cờn, đền Quả, đền Cuông, đền Bạch Mã, lễ hội sông nước Cửa Lò...

Nhiều làng nghề truyền thống được khôi phục và phát huy giá trị, như: làng đan nứa trúc Xuân Nha (Hưng Nguyên), làng nồi đất Trù Sơn (Đô Lương), làng đóng thuyền Trung Kiên (Nghi Thiết), nghề làm tương (Nam Đàn), dệt thổ cẩm ở Con Cuông, Tương Dương, Quỳ Hợp…

Các giá trị di sản văn nghệ dân gian, các làn điệu dân ca, dân nhạc, dân vũ, nhất là ở miền núi và vùng dân tộc thiểu số được dày công sưu tầm, phục dựng và phát huy qua các chương trình như: Đưa dân ca vào trường học, sân khấu hóa dân ca Nghệ Tĩnh, xuất bản các công trình văn hóa nghệ thuật dân gian xứ Nghệ. Trung tâm Bảo tồn và Phát huy di sản dân ca xứ Nghệ đã được thành lập trên cơ sở Nhà hát dân ca Nghệ An, thực hiện nghiên cứu, sưu tầm, thể nghiệm, bảo tồn và phát huy vốn dân ca xứ Nghệ, phục hồi sinh hoạt văn hóa ví dặm, phổ cập và quảng bá dân ca xứ Nghệ trong đời sống nhân dân.

- Công tác xã hội hóa trong lĩnh vực di sản văn hóa đạt kết quả. Nhiều làng, xã, nhân dân tự lập ra các Ban quản lý để bảo vệ di tích, đóng góp trí tuệ, công sức, tiền của vào việc lập hồ sơ xếp hạng di tích, tu bổ, tôn tạo di tích, phục hồi và tổ chức lễ hội, thành lập các câu lạc bộ văn nghệ dân gian, hiến tặng tài liệu, hiện vật cho các bảo tàng... Hiện việc lập hồ sơ xếp hạng di tích, tỉnh chỉ hỗ trợ 50% kinh phí, số kinh phí còn lại do các dòng họ và nhân dân địa phương đóng góp. Nhiều doanh nghiệp, cá nhân ủng hộ hàng tỷ đồng để tu bổ di tích.

- Công tác bảo tồn, bảo tàng đã thực hiện tốt nhiệm vụ. Các đơn vị Bảo tàng Nghệ An, Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh, Ban Quản lý Di tích và Danh thắng, Khu di tích Kim Liên, Quảng trường Hồ Chí Minh và Tượng đài Bác Hồ… đã thực hiện khá tốt chức năng nghiên cứu, sưu tầm, lưu giữ, trưng bày, giới thiệu hiện vật.

Theo thống kê, đã có trên 30 vạn tài liệu, hiện vật được bảo quản, trưng bày tại các bảo tàng, di tích. Trong đó, có nhiều hiện vật có giá trị như: Bộ sưu tập vũ khí Tự vệ đỏ, trống Xô Viết, vật dụng nuôi giấu, bảo vệ Đảng, Bác Hồ với Xô viết Nghệ Tĩnh…

Không chỉ trưng bày tại chỗ, các bảo tàng đã phối hợp với các địa phương trong tỉnh tổ chức trưng bày lưu động, hội thảo khoa học, giao lưu văn hóa trong học sinh, sinh viên với các chứng nhân lịch sử, tổ chức thi tìm hiểu về các danh nhân, về lịch sử quê hương... góp phần giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh Nghệ An vẫn còn nhiều hạn chế, chưa tương xứng với bề dày lịch sử, nguồn di sản của tỉnh: Nhiều loại di sản văn hóa phi vật thể, nhất là của đồng bào miền núi, dân tộc thiểu số đang có nguy cơ bị mai một, thất truyền. Sự xuống cấp các di tích vẫn đang ở mức báo động. Nhiều di tích (nhất là các đình làng) không được quan tâm... Việc phát huy giá trị các lễ hội truyền thống còn nhiều hạn chế. Tình trạng lấn chiếm, vi phạm di tích - danh thắng chưa được khắc phục triệt để (di tích núi Lam Thành ở Hưng Nguyên là một ví dụ). Hiện tượng xây dựng trái phép, tu bổ sai nguyên tắc làm biến dạng di tích vẫn còn. Nạn đào tìm, trộm cắp cổ vật đó đây vẫn có. Điều kiện về cơ sở vật chất kỹ thuật, chất lượng cán bộ, các cơ chế chính sách trong lĩnh vực di sản chưa đáp ứng kịp thời; còn thiếu đội ngũ chuyên gia xây dựng mô hình bảo tồn di sản văn hóa lễ hội cộng đồng. Công tác quảng bá hình ảnh di sản và gắn kết các di sản văn hóa với hoạt động du lịch, tham quan còn hạn chế…

_______________________

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.107.

(2) Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nghệ An: Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XVII, Nxb Nghệ An, 2010, tr.48.

 

 

Nguyễn Anh Tài

                                                                  Trường Cao đẳng sư phạm Nghệ An

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền