Trang chủ    Thực tiễn    Một số giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của các văn phòng quận ủy ở Thành phố Hồ Chí Minh
Thứ tư, 24 Tháng 2 2016 14:50
9436 Lượt xem

Một số giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của các văn phòng quận ủy ở Thành phố Hồ Chí Minh

(LLCT) - Thành phố Hồ Chí Minh có 19 quận.Kết quả Đại hội nhiệm kỳ 2015- 2020, các quận ủy thuộc Đảng bộ thành phố có từ 39-45 người; ban thường vụ quận ủy có từ 13-15 ủy viên;với tổng số 801quận ủy viên.

Chất lượng đội ngũ cấp quận ủy viên đã nâng lên rõ rệt và được trẻ hóa mạnh mẽ: tuổi đời bình quân của các quận ủy viên là 46,6; số dưới 35 tuổi là 165 đồng chí, chiếm 20,6%; nữ là 196 đồng chí, chiếm 24,47%. Các quận ủy viên được bố trí công tác chủ yếu ở khối đảng - đoàn thể, hội đồng nhân dân, ủy viên ban nhân dân và khối phường với các tỷ lệ tương ứng là 32,33% - 28,71% - 27,21%. Các quận ủy viên đều đã được đào tạo cơ bản về chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị, cụ thể là: 677 đồng chí người có trình độ đại học, chiếm 84,51%; 122 đồng chí có trình độ trên đại học, chiếm 15,23%; 669 đồng chí có trình độ cao cấp lý luận hoặc cử nhân chính trị, chiếm 83,52%. Nhiều đồng chí đã qua các lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước, quản lý kinh tế, nghiệp vụ công tác đảng, công tác vận động quần chúng và ngoại ngữ, tin học, các lớp bồi dưỡng chức danh. Đội ngũ quận ủy viên đều trưởng thành qua nhiều chức vụ, có nhiều kinh nghiệm thực tiễn, am hiểu nhiều lĩnh vực, có lập trường, bản lĩnh chính trị vững vàng, ý thức trách nhiệm, gương mẫu về đạo đức, lối sống và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Văn phòng quận uỷ là một cơ quan trong hệ thống các ban tham mưu của cấp ủy, đặt dưới sự quản lý, chỉ đạo trực tiếp của thường trực, ban thường vụ quận ủy. Văn phòng quận ủy có vai trò quan trọng đôi với hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy. Qua các thời kỳ cách mạng, văn phòng cấp ủy nói chung và văn phòng quận ủy ở Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, tuy chức năng, nhiệm vụ có khác nhau, song trong bất cứ hoàn cảnh, điều kiện nào, đội ngũ cán bộ, công chức văn phòng quận ủy cũng nỗ lực phấn đấu, đóng góp tích cực, phục vụ đắc lực các hoạt động của quận ủy, hoàn thành tốt nhiệm vụ, đóng góp quan trọng vào kết quả chung của các đảng bộ quận.

Trong những năm qua, nhất là sau Đại hội IX của Đảng, Thành ủy và các quận ủy ở Thành phố Hồ Chí Minh đã quan tâm việc củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của văn phòng quận ủy. Được sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, các văn phòng quận ủy đã nỗ lực khẳng định vị trí, vai trò của mình trong công cuộc đổi mới ở địa phương. Nhờ đó, chất lượng hoạt động của văn phòng quận ủy được nâng lên một bước, ngày càng đáp ứng yêu cầu tham mưu, giúp việc cho quận ủy trong hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo, góp phần quan trọng vào thành tựu đạt được của quận. Cụ thể là:

Thứ nhất, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá X về đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan đảng, định hướng về đổi mới tổ chức bộ máy nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, các cơ quan tham mưu giúp việc, đơn vị sự nghiệp của cấp ủy giữ ổn định về tổ chức bộ máy và biên chế. Bộ máy tổ chức của các văn phòng quận ủy ở Thành phố Hồ Chí Minh được củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động.

Ban thường vụ các quận đã cụ thể hóa các tiêu chí của từng chức danh cán bộ, xây dựng đề án chức năng nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và biên chế của các cơ quan đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội quận trình Ban Thường vụ Thành ủy phê duyệt. Sau khi được phê duyệt, các quận ủy đã sắp xếp lại tổ chức, bố trí, đào tạo cán bộ cán bộ, công chức theo tiêu chuẩn chức danh, quy định chế độ làm việc, quan hệ công tác của văn phòng quận ủy phù hợp với đặc điểm, tình hình thực hiện nhiệm vụ chính trị của mỗi ban đảng, văn phòng quận ủy ở địa phương. Các quy định của ban thường vụ quận ủy là điều kiện bảo đảm cho các văn phòng quận ủy xác định lại cơ cấu tổ chức cho phù hợp theo hướng tinh gọn, hiệu quả.

Theo thống kê, từ năm 2010 đến nay, số cán bộ các văn phòng quận ủy luân chuyển dọc (tức từ văn phòng quận ủy xuống phường hoặc từ phường lên văn phòng quận ủy) là 190 đồng chí. Số cán bộ luân chuyển ngang là 884 người (tập trung chủ yếu là luân chuyển từ vác ban đảng quận ủy về văn phòng quận ủy; từ văn phòng quận ủy này sang các cơ quan đơn vị khác; từ các các đơn vị khác về văn phòng quận ủy; từ văn phòng quận ủy sang các ban đảng quận ủy).

Thứ hai, về đội ngũ cán bộ, công chức.

Cùng với việc hiện tốt Nghị quyết Trung ương 3 khóa VIII về Chiến lược công tác cán bộ và tiêu chuẩn cụ thể của từng chức danh cán bộ và Nghị quyết số 42-NQ/TW, ngày 30-11-2004 của Bộ Chính trị về công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước, các văn phòng quận ủy đã tiến hành rà soát, đánh giá đội ngũ cán bộ, công chức, nhân viên để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng về trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ theo tiêu chuẩn quy định. Từ năm 2010 đến 2015, các văn phòng quận ủy đã cử đi đào tạo trình độ đại học là 160 người, trình độ thạc sĩ là 23; đào tạo cử nhân chính trị 113, cao cấp 17 và trung cấp 132; bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước là 100 người, tin học 206 người và ngoại ngữ 104 người.

Đội ngũ cán bộ, công chức, nhân viên các văn phòng quận ủy có cơ cấu độ tuổi tương đối hợp lý: độ tuổi dưới 30 là 105 người, chiếm 24,65%; độ tuổi 31- 40 là 47,41 tuổi từ 41-50 và  51-60 tuổi chiếm tỷ lệ thấp, với số tương ứng là 13,32% - 13,62% [Phụ lục 5].

Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và lý luận chính trị được nâng lên, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. So sánh thời điểm 31-6-2006 với thời điểm 31-6-2014, cho thấy: Về trình độ chuyên môn nghiệp vụ của đội cán bộ, công chức, nhân viên: trên đại học 3 người (năm 2014 tăng lên 36 người), đại học: 80 người (năm 2014 tăng lên 238 người), cao đẳng: 15 (năm 2014 tăng lên 51 người), trung cấp: 100 người (năm 2014 giảm xuống còn 69 người). 

Về trình độ lý luận chính trị: Cao cấp, cử nhân: năm 2006 là 30 người (năm 2014 tăng lên 126 người), trung cấp: 95 người(năm 2014 tăng lên 132 người), phổ thông: 9 người(năm 2014 là 0 người). Nhờ vậy, khả năng nghiên cứu, chất lượng công tác tham mưu và thực hiện nhiệm vụ cấp ủy giao cho văn phòng quận ủy ngày càng đạt chất lượng, hiệu quả đáp ứng yêu cầu sự lãnh đạo toàn diện của quận ủy.

Chất lượng cán bộ lãnh đạo, chuyên viên văn phòng quận ủy tương đối đồng đều, tính chủ động ngày càng được nâng lên. Lãnh đạo văn phòng từng bước được trẻ hóa, kết hợp yếu tố kinh nghiệm và kiến thức lý luận, tạo nên phong cách năng động, sáng tạo trong công tác.

Thứ ba, về mức độ hoàn thành chức năng, nhiệm vụ

Với hai chức năng cơ bản là tham mưu, giúp việc quận ủy mà trực tiếp, thường xuyên là ban thường vụ và thường trực quận ủy trong tổ chức, điều hành công việc lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp hoạt động các cơ quan tham mưu, giúp việc quận ủy; là trung tâm thông tin tổng hợp phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo của quận ủy và trực tiếp quản lý tài sản, tài chính của quận ủy và bảo đảm cơ sở vật chất cho các hoạt động của quận ủy, ban thường vụ, thường trực quận ủy và các cơ quan tham mưu, giúp việc quận ủy luôn bám sát và thực hiện nghiêm túc các quy định, hướng dẫn của Trung ương, các văn bản pháp luật về lĩnh vực quản lý tài sản, tài chính ngân sách.

Trong những năm qua, các văn phòng quận ủy ở thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, tích cực, chủ động tham mưu giúp quận ủy, ban thường vụ, thường trực quận ủy lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện các nhiệm vụ chính trị của địa phương; đã phối hợp với các ban xây dựng Đảng tham mưu giúp quận ủy triển khai, tổ chức thực hiện thắng lợi nghị quyết của đảng bộ.

Đã kịp thời văn bản hóa ý kiến chỉ đạo của ban thường vụ, thường trực quận ủy đối với các tổ chức cơ sở đảng, chính quyền, đoàn thể trong quận.

Các lĩnh vực như: Công nghệ thông tin, hành chính, lưu trữ, tài chính Đảng tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực. Văn phòng quận ủy đã chủ động, tích cực trong công tác phục vụ, bảo đảm chu đáo, đầy đủ về tài liệu, cơ sở vật chất, điều kiện làm việc cho quận uỷ, các ban xây dựng Đảng, cho các hoạt động của quận uỷ.

Việc áp dụng công nghệ thông tin trong xử lý và gửi nhận văn bản được triển khai đến tất cả các chi, đảng bộ cơ sở, qua đó đẩy mạnh cải cách hành chính, cung cấp thông tin kịp thời và tiết kiệm chi.  

Tuy vậy, trước yêu cầu nhiệm vụ thời kỳ mới, tổ chức thực hiện Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức Chính quyền địa phương (được Quốc hội thông qua ngày 19-6-2015), thực hiện Quy định số 220-QĐ/TW ngày 27-12-2013 của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc cấp quận huyện ủy, chất lượng văn phòng quận ủy của Thành phố còn những hạn chế, bất cập và chưa đáp ứng tốt yêu cầu thực tiễn đặt ra, như: tổ chức bộ máy và hoạt động của văn phòng quận ủy còn những hạn chế, bất cập, chưa thật gọn nhẹ, khoa học; trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức, nhân viên có mặt còn hạn chế, yếu kém; phong cách làm việc còn chưa thật khoa học, ảnh hưởng đến chất lượng tham mưu, đề xuất…

Nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế, yếu kém là nhận thức của một số cấp ủy về vị trí, vai trò của văn phòng quận ủy còn chưa đầy đủ; sự chỉ đạo củng cố tổ chức bộ máy văn phòng của một số quận còn chưa kịp thời; việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ có nơi còn gặp khó khăn; việc quy hoạch, luân chuyển, quản lý, đánh giá và thực hiện chính sách cán bộ còn một số điểm yếu kém; trang thiết bị còn thiếu thốn. Sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của một số cán bộ, công chức văn phòng quận ủy chưa thường xuyên…

Yêu cầu nhiệm vụ ngày càng nặng nề, đòi hỏi phải đẩy mạnh công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các quận ủy. Để phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm, yếu kém của cac văn phòng huyện ủy trong thời gian tới, cần thực hiện tốt các giải pháp chủ yếu sau:

Thứ nhất, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng và lãnh đạo văn phòng quận ủy về vai trò của văn phòng quận ủy và yêu cầu nâng cao chất lượng văn phòng quận ủy, trong đó, tập trung nâng cao nhận thức của các cấp ủy về vị trí, vai trò của văn phòng quận ủy;lãnh đạo hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội và các cấp ủy trực thuộc quận ủy trong phối hợp công tác với văn phòng quận ủy

Thứ hai, kiện toàn tổ chức, bộ máy văn phòng quận ủy, theo hướng tinh gọn, chuyển nghiệp, cải tiến lối làm việc khoa học, xây dựng, hoàn thiện và thực hiện nghiêm quy chế làm việc. Cải tiến sinh hoạt cơ quan, sinh hoạt đảng của văn phòng quận ủy. Thực hiện nghiêm chế độ làm việc của văn phòng quận ủy.

Thứ ba, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức văn phòng quận ủy. Cụ thể hóa tiêu chuẩn cán bộ, công chức văn phòng quận ủy về phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, năng lực và trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Đổi mới cơ chế tuyển chọn cán bộ, công chức văn phòng quận ủy trên cơ sở từ đặc điểm tình hình thực tiễn, cơ cấu tổ chức bộ máy văn phòng quận ủy, bảo đảm yêu cầu, tiêu chuẩn ngạch công chức, chú ý đến tính đa dạng về chuyên môn và nguồn tuyển cán bộ, công chức. Đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ mọi mặt của cán bộ, công chức văn phòng quận ủy về lý luận chính trị, phẩm chất đạo đức, trình độ văn hóa, chuyên môn, ngoại ngữ, tin học và chuyên sâu về nhiệm vụ công tác văn phòng, năng lực thực tiễn công tác tham mưu, phục vụ cấp ủy. Thực hiện tốt công tác quy hoạch, đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo văn phòng quận ủy.  Tăng cường công tác quản lý cán bộ, công chức, nhân viên văn phòng quận ủy

Thứ tư, tăng cường sự phối hợp giữa văn phòng với các ban tham mưu, giúp việc của quận ủy, các phòng, ban của chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội quận trong việc nâng cao chất lượng văn phòng quận ủy. Văn phòng cấp ủy quận ủy chủ động kiến nghị với ban chấp hành, ban thường vụ, thường trực quận ủy để bổ sung, sửa đổi hoặc ban hành văn bản mới về mối quan hệ và lề lối làm việc giữa văn phòng cấp ủy quận ủy với các ban, ngành, đoàn thể của Trung ương, trước hết là quy chế về quan hệ công tác giữa văn phòng quận ủy với các ban đảng, các đảng đoàn, ban cán sự đảng, đảng ủy trực thuộc của thành phố, các quy định của Ban Bí thư về chế độ báo các của các tỉnh, thành, quy chế về phối hợp công tác giữa văn phòng quận ủy, văn phòng ủy ban nhân dân tỉnh, văn phòng hội đồng nhân dân thành phố …Tăng cường mối quan hệ giữa các quận với nhau. Thông qua đó, để tạo mối quan hệ gắn bó, thân thiện giữa lãnh đạo văn phòng quận ủy với văn phòng các quận, theo phương châm bám sát cơ sở, nhạy bén nắm tình hình, trao đổi, góp ý với địa phương và báo cáo kịp thời tình hình địa phương với ban chấp hành, ban thường vụ, thường trực quận ủy.

Thứ năm, bảo đảm cơ sở vật chất, phương tiện, điều kiện làm việc; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho cán bộ, công chức, nhân viên của văn phòng quận ủy. Cải tạo, nâng cấp trụ sở làm việc của quận ủy, các cơ quan chuyên trách tham mưu giúp việc  quận ủy, trong đó có văn phòng quận ủy bảo đảm khang trang, hiện đại, đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Nghiên cứu trang bị phương tiện làm việc đồng bộ cho cán bộ, công chức trong cơ quan bảo đảm tiết kiệm, có hiệu quả, văn minh, hiện đại, đặc biệt tiếp tục trang bị các phương tiện tin học để thực hiện nhiệm vụ tin học hóa công tác văn phòng. Có chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức văn phòng quận ủy nói riêng và các cơ quan chuyên trách tham mưu giúp việc quận ủy nói chung trong việc được học tập ngắn hạn, dài hạn, bổ sung kiến thức ở các trường trong và ngoài nước. Thực hiện chính sách tiền lương và hỗ trợ phù hợp. Chính sách đãi ngộ cán bộ, công chức bao gồm cả đãi ngộ về vật chất và khuyến khích về tinh thần: tiền lương, thưởng; phụ cấp chức vụ, khu vực, làm thêm giờ, trợ cấp khó khăn; phúc lợi, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, nhà công vụ và các dịch vụ xã hội được bao cấp một phần hoặc toàn bộ; lương hưu, nghỉ ốm, nghỉ đẻ, nghỉ phép hàng năm, tham quan du lịch; sự tôn vinh qua các danh hiệu của cơ quan, ngành và Nhà nước trao tặng.

Thứ sáu, phát huy vai trò, trách nhiệm của quận ủy, sự hướng dẫn, kiểm tra, giám sát của Văn phòng Thành ủy đối với hoạt động của văn phòng quận ủy. Các đồng chí thường trực quận ủy định kỳ nghe lãnh đạo văn phòng quận ủy báo cáo và chỉ đạo, định hướng những trọng tâm công tác lớn của thành ủy thành phố, của quận ủy trong từng thời kỳ, tạo điều kiện để văn phòng quận ủy nắm bắt được sớm các chủ trương, đường lối, từ đó chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch để phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo của  quận ủy, ban thường vụ và thường trực quận ủy. Đại diện thường trực quận ủy cần tổ chức và duy trì thường xuyên việc trực báo đầu tuần với lãnh đạo văn phòng quận ủy và cán bộ tham mưu, tổng hợp để nghe báo cáo về trọng tâm công tác lớn trong tuần qua, nội dung công tác tuần đến, các thông tin báo chí phản ánh trong tuần, các vấn đề phức tạp, nảy sinh, các thông tin tổng hợp mà văn phòng quận ủy tổng hợp trong tuần... để có ý kiến lãnh đạo, chỉ đạo phù hợp. Tăng cường sự kiểm tra, giám sát, hướng dẫn nghiệp vụ và hỗ trợ những điều kiện cần thiết của văn phòng Thành ủy đối với hoạt động của văn phòng quận ủy.

_____________

TÀI LIỆU THAM KHẢO      

1. Lê Tuấn Anh (2010), Chất lượng công tác tham mưu của văn phòng cấp ủy ở các quận, thị, thành ủy ở Thành phố Phú Thọ trong giai đoạn hiện nay, Luận văn thạc sĩ khoa học chính trị, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội.

2. Nguyễn Thị Mai Anh (2015), Yêu cầu và giải pháp xây dựng đội ngũ cán bộ thời kỳ hội nhập quốc tế, Tạp chí Cộng sản điện tử.

3. Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (1980), Quyết định số 76-QĐ/TW, ngày 21/6/1980 về nhiệm vụ và tổ chức của văn phòng cấp ủy cấp quận, Hà Nội.

4. Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (2009), Quy định số 222-QĐ/TW, ngày 08/5/2009 về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy cơ quan chuyên trách tham mưu giúp việc Thành ủy, thành ủy, Hà Nội.

5. Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (2013), Quy định số 220-QĐ/TW, ngày 27/12/2013 về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc quận ủy, quận ủy, thị ủy, thành ủy trực thuộc Thành ủy, thành ủy.

6. Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh (2015), Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020.

7. Ban Chấp hành Trung ương Đảng (2013), Kết luận số 64-KL/TW ngày 28/5/2013 một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở, Hà Nội.

8. Đặng Văn Bảng (2008), Văn phòng cấp ủy 60 năm xây dựng và trưởng thành, Hà Nội.

9. Bộ Chính trị (2014), Chỉ thị số 36-CT/TW, ngày 30/5/2014 về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Hà Nội.

10. Ngô Văn Dụ (2001), về công tác văn phòng cấp ủy, bài phát biểu tại Hội nghị toàn quốc chánh văn phòng các thành phố, thành ủy tại Hà Nội.

11. Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh (2010), Văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ IX, Hồ Chí Minh.

Đảng Cộng sản Việt Nam (2011), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội.

12. Báo cáo tổng kết công tác các năm 2010 -2-15, củaVăn phòng Quận ủy quận 1, 3, 6, 7, 10, 12, quận Bình Thạnh, Tân Phú, Thủ Đức, Gò Vấp

13. Văn phòng Trung ương Đảng (2000), Văn bản chỉ đạo, hướng dẫn công tác văn phòng cấp ủy đại phương, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

 

                                                                       Vũ Khánh Hoàn

                                                   Ban Nội chính Thành ủy TP Hồ Chí Minh

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền