Trang chủ    Quốc tế    Những điểm mới về lý luận của Đại hội XX Đảng Cộng sản Trung Quốc
Thứ bảy, 27 Tháng 4 2024 17:29
811 Lượt xem

Những điểm mới về lý luận của Đại hội XX Đảng Cộng sản Trung Quốc

TS ĐÀO NGỌC BÁU
 
Viện Quan hệ quốc tế,
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
 

(LLCT) - Lý luận về chủ nghĩa Mác ở Trung Quốc không ngừng được củng cố và phát triển qua các kỳ đại hội, trong đó tư tưởng về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời đại mới là một minh chứng rõ ràng. Bài viết phân tích một số điểm mới về lý luận của Đại hội XX Đảng Cộng sản Trung Quốc, từ đó rút ra bài học và một số gợi mở cho Việt Nam.
 

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình trình bày Báo cáo chính trị tại Phiên khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XX Đảng Cộng sản Trung Quốc ở Bắc Kinh, ngày 16-10-2022_Ảnh: THX/TTXVN.

Nhiều học giả phương Tây cho rằng từ sau năm 1978 Trung Quốc đã trở thành quốc gia phi ý thức hệ, nhận định như vậy không chính xác. Trung Quốc đương đại luôn có một hệ tư tưởng rõ ràng gắn với vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, với sự thịnh vượng quốc gia, sự phục hưng mang tính lịch sử và việc thực hiện các mục tiêu mang tính chính trị mà Đảng đã cam kết từ khi thành lập.

1. Trung Quốc hóa, thời đại hóa chủ nghĩa Mác để làm cho chủ nghĩa Mác luôn sống động, không giáo điều, xơ cứng

Chủ nghĩa Mác ở Trung Quốc được hiểu theo hai nghĩa, nghĩa hẹp và nghĩa rộng. Theo nghĩa hẹp, chủ nghĩa Mác là hệ thống những lý luận cơ bản, những quan điểm, học thuyết cơ bản do C.Mác và Ph.Ăngghen sáng lập. Về lý do tại sao lý thuyết này được đặt theo tên của C.Mác thì đã được Ph.Ăngghen giải thích vào năm 1886: “Tôi không thể phủ nhận rằng tôi đã làm việc cùng với Mác trong 40 năm, trước và trong giai đoạn này, và ở một mức độ nhất định đã tham gia độc lập vào việc tạo ra học thuyết này, đặc biệt là trong việc xây dựng nó. Tuy nhiên, tư tưởng chủ đạo (đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế và lịch sử) hoàn toàn thuộc về Mác. Những gì tôi đưa ra, Mác có thể đã làm được nếu không có tôi, nhiều nhất là ngoại trừ một vài lĩnh vực chuyên ngành. Còn những gì Mác đã làm được, tôi không thể làm được. Vì vậy, việc học thuyết này được đặt theo tên ông là điều đương nhiên”(1).

Theo nghĩa rộng, chủ nghĩa Mác không chỉ đề cập đến nguyên lý và quan điểm cơ bản do C.Mác và Ph.Ăngghen sáng lập mà còn bao gồm cả sự phát triển bởi những người kế tục nó cũng như sự phát triển không ngừng của chủ nghĩa Mác trong thực tiễn.

Với tư cách là hệ tư tưởng chỉ đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và sự nghiệp của CNXH, chủ nghĩa Mác được hiểu theo nghĩa rộng. Nó không chỉ bao gồm những lý luận, quan điểm, phương pháp cơ bản của chủ nghĩa Mác do C.Mác và Ph.Ăngghen sáng lập mà còn là sự kế thừa, phát triển của V.I.Lênin và những người khác để tiến lên một tầm cao mới.

V.I.Lênin đã đặt chủ nghĩa Mác vào giai đoạn mới của chủ nghĩa tư bản, phát triển học thuyết của C.Mác và Ph.Ăngghen thích ứng với thời đại của chủ nghĩa đế quốc. Đóng góp mới của V.I.Lênin đối với chủ nghĩa Mác hoàn toàn dựa trên những nguyên tắc mà C.Mác và Ph.Ăngghen đưa ra. Chính vì vậy, chủ nghĩa Lênin còn được gọi là chủ nghĩa Mác của thời đại chống đế quốc và cách mạng vô sản.

V.I.Lênin là một trong những người đã phát triển chủ nghĩa Mác lên tầm cao mới, với những đóng góp đặc biệt quan trọng liên quan đến lý luận về dân tộc, thuộc địa, xây dựng Đảng và cách mạng vô sản. Đây là những lý luận vẫn có giá trị to lớn cho đến ngày nay, vì vậy khi cần nhấn mạnh đồng thời chủ nghĩa Mác do chính C.Mác xây dựng và chủ nghĩa Mác do V.I.Lênin phát triển thì sử dụng thuật ngữ chủ nghĩa Mác - Lênin.

Thời gian qua, ở Trung Quốc ít dùng thuật ngữ “chủ nghĩa Mác - Lênin” so với “chủ nghĩa Mác” không có nghĩa là phủ nhận lý luận của chủ nghĩa Mác do V.I.Lênin phát triển mà dường như với tư tưởng nước lớn, với niềm tin rằng các nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng có thể đưa ra những học thuyết, lý luận mang tính thời đại thì việc dùng thuật ngữ “chủ nghĩa Mác” để nhấn mạnh rằng bên cạnh V.I.Lênin, Trung Quốc cũng có nhiều nhà lãnh đạo có tư tưởng xứng tầm, đóng góp không nhỏ để chủ nghĩa Mác sống mãi với thời gian.

Chủ nghĩa Mác còn do những người cộng sản Trung Quốc, đại diện chủ yếu là Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào, Tập Cận Bình..., trên cơ sở thực tiễn của Trung Quốc, làm phong phú và phát triển thêm, tức là Trung Quốc hóa chủ nghĩa Mác. Chủ nghĩa Mác cùng với việc Trung Quốc hóa, thời đại hóa là kim chỉ nam giúp Trung Quốc có được thành công ngày hôm nay. Điều đó cho thấy, Trung Quốc không từ bỏ chủ nghĩa Mác, mà ngược lại, những nhà lãnh đạo Trung Quốc luôn dựa vào thực tế Trung Quốc và thực tế thời đại để không ngừng bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác. Điều này hoàn toàn phù hợp với quan điểm của C.Mác và Ph.Ăngghen về hệ thống lý luận của hai ông.

Điểm đáng chú ý là, Trung Quốc đang có xu hướng trở lại những giá trị truyền thống văn hóa lâu đời và phong phú của họ. Trung Quốc luôn khẳng định CNXH khoa học rất phù hợp với sự kết tinh trí tuệ của nền văn minh Trung Quốc. Tập Cận Bình khẳng định: “Hàng nghìn năm trước đây, đất nước Trung Hoa đã đi một con đường khác với những dân tộc khác. Không phải ngẫu nhiên mà chúng ta bắt đầu chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc. Điều đó được xác định bởi sự kế thừa mang tính lịch sử của đất nước chúng ta”(2).

Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình luôn nhấn mạnh “tự tin lịch sử”, làm hồi sinh các tư tưởng cổ điển và những câu chuyện lịch sử của Trung Quốc. Điều đó cho thấy tư tưởng xuyên suốt của Tập Cận Bình là không đi theo con đường của phương Tây trên tất cả các lĩnh vực, ngược lại, với tư cách nước lớn, Trung Quốc sẽ tự lực, tự cường để phát triển, trở thành chủ thể định ra luật chơi thế giới, dẫn dắt thế giới, xây dựng hình mẫu cho các quốc gia khác noi theo.

2. Lý luận về dân chủ nhân dân toàn quá trình

Với tư cách là nước lớn, Trung Quốc không dễ dàng tiếp nhận mọi giá trị hay quan niệm của phương Tây, trong đó quan niệm về “dân chủ” là một trường hợp điển hình. Trung Quốc luôn khẳng định rằng quan niệm về “dân chủ” của họ không bị ảnh hưởng bởi những ý tưởng về hệ thống nghị viện lưỡng viện phương Tây, chế độ đa đảng cạnh tranh và sự phân chia quyền lực theo mô hình “tam quyền phân lập”. Bản chất và cốt lõi của nền dân chủ ở Trung Quốc là người dân làm chủ đất nước; Đảng, Chính phủ là đầy tớ của nhân dân, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân.

Khái niệm “toàn quá trình” là cách diễn đạt mới để mô tả mối quan hệ của nhân dân với vấn đề quản lý đất nước dưới chế độ XHCN đặc sắc Trung Quốc. Còn “dân chủ nhân dân” có nghĩa là ĐCSTQ và Nhà nước đại diện cho nhân dân điều hành công việc đất nước. “Dân chủ nhân dân toàn quá trình” là một phạm trù lý luận quan trọng được đưa vào Báo cáo chính trị Đại hội XX ĐCSTQ và Điều lệ Đảng sửa đổi, được Trung Quốc khẳng định là một hình thái mới của văn minh chính trị thế giới. Theo quan điểm chính thức của Trung Quốc, “dân chủ nhân dân toàn quá trình” là một nền dân chủ theo “định hướng quá trình”, “bao gồm tất cả các khía cạnh của quá trình dân chủ và tất cả các lĩnh vực của xã hội, thông qua bầu cử, hiệp thương, ra quyết định, quản lý và giám sát”(3).

Dân chủ nhân dân toàn quá trình là một đặc trưng của nền dân chủ XHCN, giúp phân biệt mô hình dân chủ của Trung Quốc với mô hình dân chủ của các nước tư bản, mà theo Tập Cận Bình thì đó là nền dân chủ theo nghĩa rộng nhất, chân chính nhất và hiệu quả nhất. Điều này ngụ ý rằng mô hình dân chủ của Trung Quốc được cho là tốt hơn so với mô hình dân chủ của phương Tây.

Nói cách khác, “dân chủ nhân dân toàn quá trình” là ý tưởng của Trung Quốc về một loại hình dân chủ đặc trưng của riêng nước này, một phiên bản “dân chủ” thực sự, bởi vì nó không chỉ thể hiện trong lúc bầu cử mà dân chủ thể hiện trong tất cả các khâu và toàn bộ quy trình hoạt động chính trị. “Dân chủ nhân dân toàn quá trình” là công cụ để lãnh đạo Trung Quốc thuyết phục người dân về sức mạnh của hệ thống chính trị Trung Quốc, đồng thời bác bỏ những lời chỉ trích của quốc tế nhằm vào Trung Quốc liên quan tới những vấn đề như dân chủ, nhân quyền(4).

Thực hành dân chủ nhân dân toàn quá trình ở Trung Quốc hướng đến mục tiêu mọi người đều được hưởng các quyền dân chủ rộng rãi nhất và đều được tham gia có hiệu quả vào quản trị nhà nước, không phân biệt dân tộc, chủng tộc, giới tính, nghề nghiệp, thành phần gia đình, tín ngưỡng tôn giáo, trình độ học vấn, tình trạng tài sản.

Để đạt được mục tiêu trên, Trung Quốc đã thiết lập một loạt các sắp xếp thể chế dân chủ, bao gồm hệ thống đại hội đại biểu nhân dân, hệ thống hiệp thương chính trị và hợp tác đa đảng do ĐCSTQ lãnh đạo, hệ thống mặt trận thống nhất yêu nước, hệ thống tự trị khu vực dân tộc, khối tự trị quần chúng cơ sở... Trong đó đáng chú ý là hệ thống đại biểu nhân dân, đây là thiết chế quan trọng mang tính dân chủ nhân dân toàn quá trình, luôn tuân thủ phương châm “lấy người dân làm trung tâm”, bảo đảm các cơ quan lập pháp, hành pháp, giám sát và tư pháp luôn lắng nghe tiếng nói của nhân dân. Trong việc thực hiện dân chủ nhân dân toàn quá trình, luôn bảo đảm giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản.

Đảng Cộng sản Trung Quốc là đảng cầm quyền, đại diện cho lợi ích của tất cả người dân Trung Quốc và luôn đặt lợi ích cơ bản của đa số người dân lên hàng đầu. Nền dân chủ XHCN dưới sự lãnh đạo của ĐCSTQ là một nền quản trị dân chủ hợp tác và cùng có lợi với tiền đề rằng: lợi ích cơ bản của tất cả mọi người là như nhau. Điều này được các nhà chính trị cũng như các học giả Trung Quốc mô tả là sự khác biệt về dân chủ ở các nước phương Tây, nơi các đảng chính trị chỉ đại diện cho một bộ phận cử tri, một nhóm lợi ích, nơi có kẻ thua người thắng, thực hiện theo lý thuyết trò chơi có tổng bằng không(5).

Lý luận dân chủ của Trung Quốc đề cao dân chủ nhân dân toàn quá trình gắn với dân chủ toàn diện. Tính toàn diện của nền dân chủ Trung Quốc thể hiện ở tất cả các khâu, các giai đoạn, từ bầu cử dân chủ đến hiệp thương dân chủ, ra quyết định dân chủ, quản lý dân chủ và giám sát dân chủ, bảo đảm cho nhân dân được hưởng đầy đủ quyền bầu cử, quyền được biết, quyền tham gia, quyền phát biểu, quyền giám sát, nhân dân được tham gia đầy đủ vào việc quản lý nhà nước, xã hội và đất nước.

Ngoài ra, tính toàn diện còn thể hiện ở phạm vi bao trùm của dân chủ, đó là bao trùm tất cả các lĩnh vực như kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, văn minh sinh thái... Hơn nữa, tính toàn diện còn thể hiện ở sự đa hướng của dân chủ. Theo nghĩa này, dân làm chủ không chỉ thể hiện ở các chính sách, biện pháp điều hành đất nước mà còn thể hiện ở sự ra đời của các cơ quan nhà nước các cấp và việc ra quyết định của các cơ quan này trong mọi lĩnh vực, mọi khía cạnh của công việc. Các đại biểu của 5 cấp đại hội đại biểu nhân dân, từ đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc đến đại hội đại biểu nhân dân cấp xã, thị trấn đều được bầu cử dân chủ.

Đại hội đại biểu nhân dân các cấp bầu ra người đứng đầu cơ quan nhà nước cùng cấp. Ở cấp cơ sở, thôn định kỳ bầu cử cấp ủy viên thôn; trực tiếp thực hiện các quyền dân chủ; quản lý các công việc của cơ sở và các công tác phúc lợi công cộng theo quy định của pháp luật. Các doanh nghiệp và tổ chức công thiết lập một hệ thống quản lý dân chủ dựa trên hội đồng đại diện của người lao động. Người lao động đóng vai trò tích cực trong việc ra quyết định của doanh nghiệp.

Trung Quốc thường cho rằng, dân chủ kiểu phương Tây coi trọng hình thức hơn thực chất, coi trọng thủ tục hơn kết quả. Nền dân chủ nhân dân toàn quá trình của Trung Quốc bảo đảm sự kết hợp dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện, đồng thời thực hiện tốt hơn sự thống nhất quyền dân chủ của công dân và hiệu quả quản lý nhà nước. Một trong những biểu hiện của việc thực hành dân chủ trên khía cạnh này là Trung Quốc thường tổ chức lấy ý kiến công chúng về các dự thảo luật và đã nhận được sự quan tâm, tham gia nhiệt tình của người dân.

Ví dụ, trong quá trình biên soạn Bộ luật Dân sự của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Ban soạn thảo đã 10 lần tiến hành trưng cầu công khai ý kiến người dân thông qua trang web của Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc, nhận được 1,02 triệu ý kiến​, trong đó có nhiều ý kiến ​​quan trọng đã được tiếp thu. Điều đó cho thấy tiếng nói của người dân Trung Quốc đã được chú ý đầy đủ, thực hiện đúng ý thức nhân dân làm chủ đất nước(6).

3. Lý luận về xây dựng Đảng

Kể từ khi Tập Cận Bình lên nắm quyền, ĐCSTQ rất chú trọng đến việc quản lý Đảng nghiêm minh toàn diện, trong đó cốt lõi là tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, đảng viên cần nắm rõ và thực hiện tốt yêu cầu tất cả dựa trên sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Trung ương Đảng, thể hiện ở nội dung toàn diện, đối tượng toàn diện và cơ chế thông suốt từ trung ương đến cơ sở.

Hơn nữa, cán bộ, đảng viên phải nắm bắt được công việc, làm việc nghiêm minh, bền bỉ ngăn chặn tác phong xấu, uốn nắn cố tật. Đối với các vi phạm, xử lý theo tinh thần thi hành kỷ luật đảng nghiêm hơn, đi trước pháp luật của Nhà nước, thực hiện nghiêm kỷ luật tổ chức, thực hiện nghiêm phòng, chống tham nhũng.

Trong xây dựng Đảng cần tăng cường năng lực phán đoán chính trị, bảo vệ vị trí “hạt nhân” của Tổng Bí thư Tập Cận Bình. Để thống nhất tư tưởng cần kiên trì chủ nghĩa Mác, kiên trì quản lý Đảng theo quy định, tăng cường chức năng chính trị của Đảng, đôn đốc thực hiện trách nhiệm chính trị, uốn nắn chủ nghĩa hình thức, quan liêu, đồng thời thúc đẩy “3 không”: không dám, không muốn, không thể tham nhũng; phòng ngừa từ sớm, từ xa, coi trọng củng cố nền tảng và xây dựng văn hóa liêm khiết.

Điểm nổi bật là Trung Quốc ghi nhận vai trò “hạt nhân lãnh đạo” của Tổng Bí thư Tập Cận Bình. Theo quan niệm này, Tổng Bí thư chỉ là chức danh lãnh đạo, còn vai trò “hạt nhân” là khái niệm để xác định vị thế chính trị người đứng đầu, là người quyết định mọi vấn đề cuối cùng. Điều này vẫn bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, đồng thời bảo đảm sự lãnh đạo cao nhất của Tổng Bí thư, tránh mâu thuẫn, xung đột trong nội bộ.

4. Lý luận về hiện đại hóa kiểu Trung Quốc

Hiện đại hóa kiểu Trung Quốc trước tiên là theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững và văn minh sinh thái. Trung Quốc cho rằng nếu theo đuổi xã hội tiêu dùng, đặt con người trên tự nhiên như kiểu Mỹ thì nhân loại cần 5 quả địa cầu mới có thể đáp ứng được. Trung Quốc không đặt con người lên trên tự nhiên như các nước phương Tây mà quan niệm phát triển hài hòa giữa con người và tự nhiên(7).

Vì đặt con người cao hơn tự nhiên nên đã dẫn đến phá hủy môi trường, tạo nhiều rác thải, tiêu hao nhiên liệu. Phương Tây có những thành công nhưng cũng đứng trước nhiều nguy cơ, vì vậy Trung Quốc chủ trương không đi theo mô hình phương Tây mà tiến hành hiện đại hóa kiểu Trung Quốc. Với quan điểm đó, từ Đại hội XVIII đến nay, Trung Quốc đã đạt được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế kết hợp với bảo vệ môi trường, là nước đầu tiên đưa văn minh sinh thái vào Hiến pháp và Điều lệ Đảng, làm cho vấn đề văn minh sinh thái có vị thế pháp lý cao hơn, được quan tâm hơn. Phát triển xanh không có nghĩa là từ bỏ công nghiệp hóa mà là công nghiệp hóa xanh, phát triển kinh tế nhưng giảm thiểu phát thải cácbon.

Hiện đại hóa kiểu Trung Quốc được thực hiện trên cơ sở giải quyết đồng bộ ba yếu tố “chính sách - hạ tầng - nhân lực”. Ví dụ sinh động nhất là đặc khu Thâm Quyến và khu kinh tế mới Tiền Hải (được coi là đặc khu trong đặc khu) cho thấy Trung Quốc đã giải quyết rất tốt 3 vấn đề: (i) chính sách, thể chế phát triển; (ii) cơ sở hạ tầng; (iii) nguồn nhân lực. Đây là những nội dung được Đảng Cộng sản Việt Nam xác định là ba đột phá chiến lược trong thời gian tới.

Mặc dù Trung Quốc không gọi là đột phá chiến lược nhưng kỳ thực họ đã giải quyết rất hiệu quả những vấn đề này. Tại Thâm Quyến và Tiền Hải, Trung Quốc cho phép thực hiện nhiều loại chính sách, bao gồm sự kết hợp giữa chính sách của Hồng Kông, các nước tư bản và Trung Quốc đại lục. Chính sách “một nước hai chế độ” không chỉ áp dụng ở Hồng Kông và Ma Cao mà nay chính sách này áp dụng ngay ở chính đại lục. Trung Quốc chủ trương lấy Hồng Kông phục vụ đại lục, dựa vào Hồng Kông để vươn ra thế giới, coi Hồng Kông là cánh cửa mở ra con đường phát triển cho Trung Quốc. Như vậy, Trung Quốc chấp nhận sự đa dạng về thể chế phát triển, nhờ đó mà Thâm Quyến và Tiền Hải đã phát triển nhanh chóng, Thâm Quyến trở thành một trong những thành phố có GDP lớn nhất thế giới hiện nay.

Về cơ sở hạ tầng, Thâm Quyến cũng như nhiều thành phố của Trung Quốc đã phát triển rất nhanh về hạ tầng giao thông, nhà cửa và các cơ sở vật chất khác, tạo điều kiện rất thuận lợi cho thu hút đầu tư phát triển.

Về phát triển nguồn nhân lực, tại khu kinh tế mới Tiền Hải thành lập “Cảng nhân tài quốc tế”, là nơi thu hút các công ty lớn, các nhân tài trên khắp thế giới về làm việc và sáng tạo. Muốn vậy, Trung Quốc đã cung cấp những chính sách rất tốt và cởi mở cho người nước ngoài đến và làm việc, thậm chí nhiều chính sách trái ngược với quy định của pháp luật đại lục, mang tính thử nghiệm để thực hiện mục tiêu thu hút nhân tài.

5. Một số gợi mở cho Việt Nam

Thứ nhất, CNXH đặc sắc Trung Quốc thời đại mới cung cấp cho chúng ta một số bài học đáng chú ý sau đây:

(i) Luôn đề cao tự tin lịch sử và tinh thần dân tộc;

(ii) Chú ý quản lý Đảng nghiêm minh và thực hiện nghiêm quy định về trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu.

(iii) Vai trò “hạt nhân” của Tổng Bí thư, theo đó Tổng Bí thư là “hạt nhân”, là người quyết định cuối cùng mọi vấn đề rất đáng để chúng ta học tập;

(iv) Luôn đổi mới sáng tạo, ủng hộ cái mới, dám nghĩ dám làm, nói là làm, làm quyết liệt;

(v) Thể chế và chính sách được giải quyết nhanh chóng, kịp thời.

Thứ hai, cần tiếp tục nâng cao hơn nữa công tác lý luận của Đảng, kiên trì lấy các nguyên lý của chủ nghĩa Mác làm kim chỉ nam để phát triển đất nước nhưng phải có sự vận dụng sáng tạo, phù hợp với thực tế đất nước và sự phát triển của thời đại, tuyệt đối không được giáo điều, xơ cứng. Muốn vậy cần tiếp tục nâng cao vị trí, vai trò của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trong đổi mới công tác đào tạo, nghiên cứu, thực hiện chế độ mời các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến giảng bài thường xuyên; đồng thời xây dựng những mô hình mẫu để chứng minh cho tính đúng đắn của CNXH, qua đó giúp lý luận có điều kiện kiểm nghiệm trên thực tế.

Thứ ba, Trung Quốc cho rằng trên thế giới không có một hệ thống chính trị nào giống hệt nhau, cũng như không có một mô hình hệ thống chính trị nào có thể áp dụng cho tất cả các quốc gia. Ngay cả ở các nước phương Tây, hệ thống dân chủ và hình thức dân chủ cũng không hoàn toàn giống nhau. Sẽ là phi dân chủ nếu sử dụng một thước đo duy nhất để đo lường các hệ thống chính trị phong phú và đầy màu sắc của thế giới, cũng như xem xét nền văn minh chính trị đầy màu sắc của nhân loại bằng con mắt đơn điệu.

Các quốc gia nên lựa chọn hình thức dân chủ phù hợp với đặc điểm dân tộc và trình độ phát triển của mình, thay vì sao chép. Sự can thiệp từ bên ngoài và cái gọi là “chuyển hóa dân chủ” đã gây ra rất nhiều tác hại. Trung Quốc không tìm cách xuất khẩu “mô hình dân chủ” của Trung Quốc, cũng như không chấp nhận bất kỳ nỗ lực nào của các thế lực bên ngoài nhằm thay đổi mô hình thể chế của Trung Quốc. Trung Quốc kiên quyết ủng hộ các quốc gia độc lập lựa chọn con đường phát triển dân chủ của mình và phản đối các thế lực bên ngoài can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia khác dưới cái cớ “dân chủ”(8).

Điều đó cho thấy, Trung Quốc có quan điểm riêng và cách thực hành dân chủ riêng của họ. Mặc dù chúng ta cần tiếp tục xem xét, kiểm nghiệm hiệu quả của dân chủ “mô hình Trung Quốc”, nhưng cách tiếp cận vấn đề của Trung Quốc cũng có giá trị tham khảo cho Việt Nam khi bàn về dân chủ.

Thứ tư, trong tiến trình thực hiện dân chủ phải luôn bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, qua đó giữ vững lập trường của việc thực hiện dân chủ XHCN, không dao động, cổ xúy cho dân chủ tự do phương Tây. Cần nhận thấy những giá trị tốt đẹp và sự phù hợp của dân chủ XHCN với xã hội phương Đông và với chế độ chính trị mà chúng ta xây dựng.

_________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 548 (tháng 10-2023)

Ngày nhận bài: 31-8-2023; Ngày bình duyệt: 08-10-2023; Ngày duyệt đăng: 18-10-2023.

(1) Chương trình nghiên cứu và xây dựng sách giáo khoa trọng điểm lý luận chủ nghĩa Mác, Giáo trình Nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác, Nxb Giáo dục Đại học, Bắc Kinh, 2021, tr.12-16.

(2) Bài phát biểu của Tổng Bí thư Tập Cận Bình tại Lớp học tập tập thể lần thứ 18 của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, https://www.gov.cn/xinwen/2014-10/13/content_2764226.htm?from=androidqq, truy cập ngày 31-8-2023.

(3) Wang, Xining: Whole-Process People’s Democracy is a High Quality Democracy, Ministry of Foreign Affairs of China, https://www.fmprc.gov.cn/eng/wjb_663304/zwjg_665342/zwbd_665378/202112/t20211213_10467431.html, truy cập ngày 31-8-2023.

(4) Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Hoàng Huệ Anh (chủ nhiệm): Chủ trương và lý luận mới của Đại hội XX Đảng Cộng sản Trung Quốc, Báo cáo tổng quan đề tài khoa học cấp Bộ, Hà Nội, 2022, tr.75-76.

(5) Trò chơi có tổng bằng không là một khái niệm trong lý thuyết trò chơi, mô tả tình huống trong đó cái mà một người kiếm được tương đương với cái mà người khác mất đi, dẫn đến sự thay đổi tài sản hoặc lợi ích của các bên là bằng không.

(6), (7), (8) Báo Tin tức Bắc Kinh, ngày 4-12-2021.

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền