Trang chủ    Quốc tế    Quan hệ Ấn Độ - Nga từ năm 2014 đến nay
Thứ sáu, 03 Tháng 2 2023 11:28
1751 Lượt xem

Quan hệ Ấn Độ - Nga từ năm 2014 đến nay

(LLCT) - Quan hệ Ấn Độ - Nga là mối quan hệ truyền thống tốt đẹp. Bài viết phân tích thực trạng quan hệ đối tác chiến lược đặc biệt và ưu tiên Ấn Độ - Nga trên các trụ cột: chính trị, ngoại giao; quốc phòng; khoa học - công nghệ; kinh tế, văn hóa, hợp tác trong các vấn đề khu vực và quốc tế.

Tổng thống Nga Putin (trái) và Thủ tướng Ấn Độ Modi - Ảnh: EPA

Quan hệ Ấn Độ - Nga là mối quan hệ truyền thống tốt đẹp được vun đắp bởi nhiều thế hệ lãnh đạo hai nước. Mối quan hệ cá nhân giữa Thủ tướng Ấn Độ và Tổng thống Nga và giữa các quan chức hai nước đều rất tốt đẹp. Thủ tướng Ấn Độ là một trong bốn nhà lãnh đạo nước ngoài được tặng thưởng Huân chương cao quý nhất của Nhà nước Nga(1). Những người dân Nga đều coi Ấn Độ là người bạn đáng tin cậy và phần lớn người dân Ấn Độ đều coi Nga là người bạn thủy chung, luôn đồng hành cùng Ấn Độ trong suốt hơn 75 năm độc lập. Trong Chiến lược An ninh quốc gia của Nga công bố vào tháng 7-2021, Ấn Độ được coi là Đối tác chiến lược ưu tiên (2).

Quan hệ đối tác chiến lược đặc biệt và ưu tiên Ấn Độ - Nga được xây dựng trên những trụ cột: chính trị, ngoại giao; quốc phòng; khoa học công nghệ; kinh tế, văn hóa, hợp tác trong các vấn đề khu vực và quốc tế.

1. Về chính trị - ngoại giao

Quan hệ chính trị - ngoại giao Ấn Độ - Nga luôn là trụ cột quan trọng. Đến nay, hai nước đã tổ chức 21 Hội nghị Thượng đỉnh kể từ khi cơ chế này được thiết lập năm 2000. Ngoài ra, hai nước còn có cơ chế họp thường niên của Ủy ban Liên chính phủ về hợp tác thương mại, kinh tế, khoa học, kỹ thuật và văn hóa do Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Ấn Độ và Phó Thủ tướng Nga chủ trì (đã tổ chức 25 cuộc họp); cơ chế Hợp tác kỹ thuật quân sự và cơ chế Liên chính phủ về hợp tác quân sự và kỹ thuật quân sự do hai Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chủ trì (đã tổ chức 20 cuộc họp). Các cuộc gặp cấp bộ trưởng các bộ, ngành cũng diễn ra thường xuyên nhằm bảo đảm duy trì tiếp xúc cấp cao giữa hai nước.

Thủ tướng Ấn Độ Modi lên nắm quyền trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều thay đổi, buộc Ấn Độ phải có những điều chỉnh. Trong giai đoạn trước, Ấn Độ và Nga gắn chặt với nhau và luôn thận trọng trong việc tăng cường quan hệ với các cường quốc khác nhằm bảo đảm quan hệ giữa hai nước phát triển lâu dài và bền vững. Trong giai đoạn này, Nga có xu hướng tăng cường hơn với Trung Quốc sau khi bị Mỹ và phương Tây cấm vận khi sáp nhập Crimea. Trong khi đó, với nỗ lực cải cách trong nước, thu hút nguồn vốn và công nghệ từ Mỹ và phương Tây, đưa Ấn Độ có một vị trí xứng đáng trong nền chính trị quốc tế,Thủ tướng Modi đã chú trọng nhiều hơn đến đa dạng hóa quan hệ với các cường quốc, trong đó có Mỹ và phương Tây. 

Những vấn đề trong quan hệ song phương từ đó xuất hiện và ngày càng gia tăng trong các lĩnh vực, tạo ra nhiều nghi ngờ trong quan hệ hai nước. Vấn đề lớn nhất là Ấn Độ đang ngày càng gắn kết với Mỹ là đối thủ của Nga và Nga ngày càng gắn kết với Trung Quốc là đối thủ của Ấn Độ. Quan hệ Ấn Độ - Trung Quốc sau xung đột biên giới trên đỉnh Himalaya và quan hệ Nga - Mỹ sau khủng hoảng Ucraina (năm 2014) là những mối quan hệ mang tính đối đầu. 

Hai nước nhận thấy, cần phải giải quyết tất cả những khúc mắc và hiểu lầm về chiến lược. Thủ tướng Ấn Độ và Tổng thống Nga đã tiến hành cuộc điện đàm vào tháng 8-2021 nhằm giải quyết những hiểu lầm trước đó và kích hoạt cơ chế nhóm công tác chung giữa Nga và Ấn Độ vốn đã được hình thành từ những năm 2000 để trao đổi về tình hình Afghanistan(3). Phó Cố vấn An ninh quốc gia Nga Nikolay Patrushev đã tới Ấn Độ hai lần vào tháng 9 và tháng 10-2021. Trong cuộc gặp vào tháng 10-2021, Ấn Độ cùng với Nga, Iran, Uzbekistan, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Turkmenistan đã ra Tuyên bố Delhi về Afghanistan(4).

Tại Hội nghị lần thứ 21, hai nhà lãnh đạo bày tỏ sự hài lòng về những bước phát triển của quan hệ đối tác chiến lược đặc biệt và ưu tiên giữa hai nước. Hai nhà lãnh đạo đã ra Tuyên bố chung Ấn Độ - Nga về hợp tác vì hòa bình, tiến bộ và thịnh vượng, bao quát toàn bộ các lĩnh vực của hợp tác song phương giữa hai nước. Hai bên đã ký 28 thỏa thuận ở cấp nhà nước và cấp tổ chức và doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại, năng lượng, khoa học - kỹ thuật, sở hữu trí tuệ, hàng khôngvũ trụ, thăm dò địa chất, trao đổi văn hóa, giáo dục và nâng cấp cơ chế tham vấn song phương lên cơ chế 2+2, cơ chế mà hiện Ấn Độ đang duy trì với các nước trong QUAD(5).

2. Hợp tác quốc phòng, an ninh

Hợp tác quốc phòng, an ninh là trụ cột quan trọng của quan hệ đối tác chiến lược đặc biệt và ưu tiên Ấn Độ - Nga. Cơ chế Hợp tác kỹ thuật quân sự và Cơ chế Liên chính phủ về hợp tác quân sự và kỹ thuật quân sự được chủ trì bởi Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hai nước là hai cơ chế quan trọng, định hướng hợp tác quốc phòng giữa hai nước bao gồm hợp tác giữa các quân binh chủng, các kế hoạch tập trận chung, kế hoạch đào tạo, mua sắm vũ khí và chuyển giao công nghệ. 

Về hợp tác quân binh chủng, hai bên duy trì thường xuyên các chuyến thăm cấp cao của lãnh đạo giữa các quân binh chủng nhằm tăng cường sự tin cậy chính trị và chia sẻ kinh nghiệm; duy trì thường xuyên cơ chế tập trận INDRA (hình thành năm 2003), cuộc tập trận INDRA lần thứ 12 được tổ chức tại Volgograd Nga vào tháng 8-2021; duy trì cơ chế tập trận Avia - Indra (hình thành năm 2014), hai năm một lần; duy trì cơ chế tập trận INDRA Navy (hình thành năm 2003), hai năm một lần. Nga cũng tham gia cơ chế tập trận PASSEX - International Passage Exercise, tập trận duy trì tự do hàng hải.

Về công nghiệp quốc phòng, Nga hiện đang cung cấp 70% nhu cầu quốc phòng cho Ấn Độ bao gồm những hệ thống và công nghệ khí tài hiện đại. Mua sắm quốc phòng của Ấn Độ từ Nga bao gồm máy bay chiến đấu (thế hệ MiG và Sukhoi), xe tăng (T-72MI và T-90s), trực thăng, hệ thống tên lửa chống tăng, hệ thống tên lửa chống hạm, tàu ngầm, tàu ngầm hạt nhân (lớp Akula-2) và tàu sân bay. Liên Xô và Nga đã đóng tổng cộng 67 tàu hải quân, cung cấp 130 xe tăng T-90s và nhiều máy bay Su-30MKI cho quân đội Ấn Độ. Hơn 10.000 sỹ quan Ấn Độ đã được đào tạo tại Liên Xô và Nga(6).

Về hợp tác nghiên cứu phát triển, Ấn Độ và Nga đã tăng cường nhiều dự án nghiên cứu, phát triển và cùng sản xuất, tiêu biểu là Dự án sản xuất tên lửa hành trình BrahMos và Dự án sản xuất máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm. Ấn Độ là nước duy nhất Nga đã hợp tác để cùng phát triển các hệ thống vũ khí tiên tiến. Tuy nhiên, Nga cũng sẽ dần phải nhượng khách hàng truyền thống và tiềm năng cho Ấn Độ vì những chương trình hợp tác này. Minh chứng rõ nhất là đầu năm 2022, Philíppin đã ký thỏa thuận mua 3 hệ thống tên lửa Brahmos từ Ấn Độ. 3. Hợp tác kinh tế

Hợp tác kinh tế thương mại là một trong những trụ cột và là lĩnh vực ưu tiên của quan hệ đối tác chiến lược đặc biệt và ưu tiên Ấn Độ - Nga. Tuy nhiên, quan hệ hợp tác thương mại của hai nước rất nhỏ và dưới mức tiềm năng. Thương mại song phương của Ấn Độ với Mỹ và với Trung Quốc đều đạt trên 100 tỷ USD trong khi tổng kim ngạch thương mại với Nga chỉ đạt 10 tỷ USD, do nền kinh tế Ấn Độ phụ thuộc vào các doanh nghiệp tư nhân trong khi quan hệ kinh tế Ấn Độ - Nga vẫn dựa vào các thỏa thuận giữa hai Chính phủ. Sau khi mô hình kinh tế của Liên Xô sụp đổ năm 1991, thương mại song phương giữa hai nước đã giảm hẳn. Liên Xô từng là một trong ba đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ, song Nga hiện chỉ là đối tác thương mại lớn thứ 25 của Ấn Độ(7).

Hai nước đã đặt mục tiêu đưa kim ngạch thương mại song phương lên 30 tỷ USD và giá trị đầu tư lên 50 tỷ USD vào năm 2025. Tuyên bố chung Ấn Độ - Nga năm 2014 xác định năng lượng, công nghệ và đổi mới sáng tạo và hợp tác kinh tế là những lĩnh vực then chốt, tăng cường quan hệ kinh tế thương mại song phương bao gồm việc doanh nghiệp hai bên tham gia vào các dự án dầu khí, hóa dầu và sản xuất điện tại hai nước, hợp tác cùng phát triển công nghệ trong lĩnh vực vũ trụ, quốc phòng, hàng không, công nghệ thông tin, vật liệu mới và công nghệ cao. 

Hợp tác dầu khí là lĩnh vực quan trọng. Tính đến năm 2016, các doanh nghiệp Ấn Độ đã đầu tư gần 5,5 tỷ USD vào lĩnh vực dầu khí của Nga. Đầu tư của doanh nghiệp Ấn Độ gồm dự án mua 23,9% cổ phần của Công ty Vankorneft và 29,9% cổ phần của Công ty Taas-Yuryakh bởi Tổ hợp ba tập đoàn Ấn Độ gồm IOCL, OIL và BPRL, dự án mua 15% cổ phần của công ty Vankorneft và 11% cổ phần của Rosneft bởi Tập đoàn dầu khí Quốc gia Ấn Độ (ONGC). Tại Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 17, các thỏa thuận được ký kết gồm thỏa thuận giữa Công ty Engineers India Ltd và Gazprom về nghiên cứu thiết lập đường ống dẫn khí tới Ấn Độ, thỏa thuận đào tạo giữa ONGC và Rosneft và Thỏa thuận mua 98% cổ phần của Công ty Dầu Essar bởi Công ty Rosneft. Rosneft, đứng đầu tổ hợp các doanh nghiệp, đã đầu tư gần 13 tỷ USD cho thỏa thuận này. Hai nước đang hợp tác để hiện thực hóa Dự án “Cầu nối Năng lượng” giữa Ấn Độ và Nga, bao gồm hợp tác trong lĩnh vực dầu khí và trong lĩnh vực năng lượng tái tạo(8).  

Về hợp tác đầu tư, hai nước đặt mục tiêu đưa tổng giá trị đầu tư song phương lên 30 tỷ USD vào năm 2025. Mục tiêu đầu tư mà hai nước đề ra đã sớm đạt được, năm 2017, đầu tư của Nga sang Ấn Độ đã đạt 18 tỷ USD và đầu tư của Ấn Độ sang Nga đạt 13 tỷ USD. 

4. Hợp tác khoa học công nghệ

Hợp tác hạt nhân dân sự giữa Ấn Độ và Nga là một trụ cột của quan hệ đối tác chiến lược đặc biệt và ưu tiên. Hợp tác hạt nhân giữa hai nước có lịch sử từ những năm 1960 khi Ấn Độ và Liên Xô ký hàng loạt thỏa thuận. 

Ấn Độ và Nga cũng đã nhất trí hợp tác sử dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình tại nước thứ ba. Thỏa thuận ba bên giữa Ấn Độ - Nga - Bangladesh vào tháng 3-2018 là hợp tác ba nước, xây dựng Nhà máy Điện hạt nhân Rooppur(9), Công ty NPCIL Ấn Độ là tổng thầu xây dựng, lắp đặt và đào tạo nguồn nhân lực, công ty của Nga sẽ là tổng thầu thiết kế, sản xuất, cung cấp thiết bị và xây dựng hạ tầng lắp máy. Dự án này áp dụng tiêu chuẩn “hậu Fukushima” về an toàn điện hạt nhân. Thỏa thuận này mang tính lịch sử bởi nó chứng tỏ Ấn Độ đã được cộng đồng quốc tế công nhận là cường quốc hạt nhân có trách nhiệm. Hợp tác hạt nhân dân sự với Nga đóng góp lớn vào việc hiện thực hóa mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng và giúp Ấn Độ có vị thế trong các tổ chức quốc tế như Tổ chức Cung cấp hạt nhân. 

Về hợp tác trong lĩnh vực vũ trụ. Hiện nay, Ấn Độ và Nga đang hợp tác trong các lĩnh vực như phát triển hệ thống phóng vệ tinh, hệ thống định vị toàn cầu GLONASS, công nghệ viễn thám và các ứng dụng phục vụ phát triển sử dụng công nghệ vũ trụ. Để triển khai chương trình hợp tác này, Tổ chức Nghiên cứu vũ trụ của Ấn Độ (ISRO) và Tổ chức ROSCOSMOS của Nga ký Bản ghi nhớ về các hoạt động nghiên cứu chung trong phát triển nguồn nhân lực tại Hội nghị Thượng đỉnh Ấn Độ - Nga lần thứ 19(10)

Về hợp tác phát triển hệ thống phóng vệ tinh, năm 1993, Nga đã đồng ý chuyển giao công nghệ động cơ Cryo KVD-1 cho Ấn Độ, động cơ này được sử dụng trong hệ thống phóng vệ tinh đồng bộ địa tĩnh của Ấn Độ. Với sự giúp đỡ của Nga, Ấn Độ đã phát triển được động cơ Cryo và sử dụng trong Hệ thống phóng vệ tinh đồng bộ địa tĩnh Mark III năm 2008. Ấn Độ và Nga hiện đang tiếp tục hợp tác về các hệ thống phóng khi Ấn Độ bắt đầu cung cấp dịch vụ phóng vệ tinh cho các nước từ năm 1999.

Ấn Độ và Nga cũng hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực định vị toàn cầu với nhiều thỏa thuận về Hệ thống vệ tinh định vị toàn cầu - Glonass năm 2005, bao gồm việc Ấn Độ phóng vệ tinh định vị toàn cầu GLONASS-M bằng hệ thống phóng vệ tinh đồng bộ địa tĩnh. Ấn Độ là đối tác nước ngoài duy nhất của Nga trong Hệ thống vệ tinh định vị toàn cầu Glonass. Đối với Nga, hợp tác trong Glonass thể hiện sự cởi mở và sự quan tâm tới thị trường Ấn Độ. Ấn Độ cũng đã phát triển hệ thống định vị của riêng mình với việc phát triển Hệ thống định vị vệ tinh khu vực Ấn Độ (IRNSS) năm 2006. Với việc phóng thành công 7 vệ tinh vào năm 2020, Ấn Độ đã trở thành quốc gia thứ tư trên thế giới có hệ thống định vị khu vực riêng của mình, giúp Ấn Độ cung cấp dịch vụ định vị chính xác trong nhiều hoạt động, trong đó có hoạt động hàng hải trên biển Ấn Độ Dương. Hệ thống IRNSS đã được Hệ thống Định vị vô tuyến toàn cầu (WWRNS), Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) và Ủy ban An toàn quốc tế (MSO) công nhận vào tháng 11-2020.

Trong lĩnh vực viễn thám, năm 2015, Ấn Độ và Nga đã ký thỏa thuận giữa Tổ chức Nghiên cứu vũ trụ Ấn Độ (ISRO) và Cơ quan Vũ trụ Liên bang Nga: hai bên tăng cường hợp tác trong đào tạo nguồn nhân lực, phát triển hệ thống đẩy và hệ thống phóng, phát triển công nghệ định vị vệ tinh, viễn thám trái đất từ vũ trụ, khoa học trái đất và thám hiểm các chòm sao, v.v..

Với sự giúp đỡ của Liên Xô trong quá khứ và sự hợp tác với Nga hiện nay trong lĩnh vực vũ trụ, Ấn Độ đã nổi lên trở thành quốc gia mạnh về công nghệ vũ trụ với nhiều thành tựu trong lĩnh vực phóng vệ tinh, phát triển vệ tinh nhân tạo, ứng dụng vũ trụ và thám hiểm vũ trụ, đứng ngang hàng với các cường quốc trong một số lĩnh vực của công nghệ vũ trụ.

5. Hợp tác văn hóa và giao lưu nhân dân

Quan hệ văn hóa Ấn Độ - Nga có truyền thống lâu đời. Trong những năm gần đây, Ấn Độ đã thành lập Trung tâm Văn hóa Jawaharlal Nehru (JNCC) tại Thủ đô Mátxcơva của Nga và Nga cũng đã thành lập 5 Trung tâm Văn hóaNga tại Delhi, Mumbai, Kolkata, Chennai và Trivandrum của Ấn Độ. Trung tâm văn hóa Ấn Độ đã ký nhiều thỏa thuận với nhiều viện văn hóa tại Nga để tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa giữa hai nước. JNCC thường xuyên tổ chức các lớp học Yoga, múa Ấn Độ và dạy tiếng Hindi cho học viên của Nga. Khoảng 20 học viện, trường đại học và trường phổ thông tại Nga thường xuyên dạy tiếng Hindi cho người Nga. Bên cạnh tiếng Hindi, các học viện của Nga cũng đào tạo tiếng Tamil, Marathi, Gujarati, Bengali, Urdu, Sanskrit và Pali. Nhạc Ấn Độ, múa Ấn Độ, Yoga và y dược cổ truyền Ấn Độ đã trở nên phổ biến tại Nga(11)

Theo thỏa thuận giữa hai nước, hai bên thường xuyên tổ chức các chương trình giao lưu văn hóa từ năm 2015. Từ tháng 9-2018 đến tháng 3-2019, Đại sứ quán Ấn Độ tại Nga đã tổ chức Lễ hội văn hóa Ấn Độ tại Nga trong vòng 6 tháng tại 22 thành phố của Nga với 34 chương trình và 10 nhóm văn hóa Ấn Độ, biểu diễn những chương trình ca nhạc, múa và ẩm thực Ấn Độ. Từ tháng 9-2019, bốn nhóm của Ấn Độ đã sang Nga trong vòng 4 tháng để tổ chức Lễ hội Văn hóa Ấn Độ tại Nga theo chương trình Xin chào Nước Nga - Namaste Russia. Lễ hội Yoga quốc tế cũng thường xuyên được tổ chức tại Nga với sự tham gia đông đảo của người tập Yoga tại Nga. Nga cũng là nước tham gia tích cực vào Chương trình hợp tác kinh tế kỹ thuật của Ấn Độ, số lượng học viên Nga tham dự chương trình này tăng theo từng năm.

6. Hợp tác trong các vấn đề khu vực và quốc tế

Hiện nay, với thế và lực của mình, Ấn Độ là thành viên của 2.000 trong số 6.000 tổ chức quốc tế. Tuy nhiên, Ấn Độ không phải là thành viên của bất kỳ hiệp ước an ninh nào. Chủ trương thúc đẩy trật tự thế giới đa cực là chiến lược xuyên suốt của Ấn Độ. Ấn Độ luôn là nước phản đối Chiến tranh lạnh giữa Mỹ và Liên Xô bằng việc theo đuổi chính sách đối ngoại không liên kết. Sau khi Liên Xô sụp đổ và trật tự thế giới “đơn cực” do Mỹ lãnh đạo hình thành, Ấn Độ cũng luôn nhấn mạnh về tầm quan trọng của một thế giới đa cực. Với sự nổi lên của Trung Quốc trong những năm gần đây và sự hình thành dần chiến tranh lạnh kiểu mới giữa Trung Quốc và Mỹ, Ấn Độ tiếp tục thúc đẩy vai trò của một thế giới đa cực. 

Với quá trình toàn cầu hóa, số lượng các tổ chức khu vực tăng lên đáng kể, bởi các quốc gia nhận thấy cần phải tạo ra sự phụ thuộc lẫn nhau vì sự thịnh vượng và an ninh. Nhận thấy tầm quan trọng của các tổ chức khu vực trong việc giúp Ấn Độ phát triển và bảo đảm an ninh trong khu vực xung quanh, Ấn Độ đã chú trọng hơn đến việc tham gia và gắn kết với các tổ chức khu vực,thể hiện rõ nhất là việc tham gia Tổ chức Hiệp hội hợp tác khu vực Nam Á (SAARC), Sáng kiến vùng Vịnh Bengal về hợp tác kinh tế và kỹ thuật đa lĩnh vực (BIMSTEC), Cơ chế Ấn-Nga-Trung (RIC), Tổ chức Thượng Hải (SCO), BRICS, QUAD, Hội nghị về trao đổi và xây dựng lòng tin tại châu Á (CICA), v.v.. Mục tiêu của Ấn Độ là một trật tự thế giới đa cực với Liên hợp quốc đóng vai trò trung tâm và mang tính đại diện cao hơn. Ấn Độ mong muốn trở thành thành viên của Hội đồng Bảo an khi cơ quan này được mở rộng.

Nga và Ấn Độ tham vấn thường xuyên về các vấn đề của Liên hợp quốc. Hai nước luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cải tổ lại các thể chế đa phương với Liên hiệp quốc có vai trò điều phối trung tâm trong các vấn đề thế giới. Tuyên bố chung Ấn Độ - Nga được thông qua sau Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 19 thể hiện rõ, hainước ủng hộ cải tổ toàn diện Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc để cơ quan này giải quyết được những vấn đề toàn cầu đương đại và mang tính đại diện, hiệu quả hơn trong việc giải quyết các vấn đề hòa bình và an ninh quốc tế.

Trong hợp tác chống khủng bố, Ấn Độ và Nga đều nhấn mạnh, cả hai nước đều là nạn nhân của chủ nghĩa khủng bố và có trách nhiệm phải đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố. Lập trường của hai nước về chủ nghĩa khủng bố được định hình qua các nguyên tắc cơ bản của hợp tác Ấn Độ - Nga trong Tuyên bố Mátxcơva về chủ nghĩa khủng bố quốc tế vào ngày 6-11-2001. Những biện pháp cụ thể được điều phối qua Nhóm Công tác chung về chống khủng bố quốc tế, thành lập vào tháng 12-2002. Ấn Độ và Nga luôn có lập trường tương đồng về chống khủng bố và kêu gọi cộng đồng quốc tế có những hành động kiên quyết chống lại bất kỳ ai giúp đỡ và dung dưỡng khủng bố qua biên giới và cung cấp nơi ở cho những kẻ khủng bố, cung cấp tài chính, đào tạo và bảo trợ cho chúng. 

Các chương trình hợp tác và những gì Liên Xô (cũ) và Nga giúp Ấn Độ thể hiện chiều sâu của mối quan hệ này, Ấn Độ đã làm được nhiều hơn như thế và đã vươn lên trở thành cường quốc hàng đầu trong nhiều lĩnh vực như: vũ trụ, hạt nhân dân sự và công nghiệp quốc phòng, giữ gìn và củng cố mối quan hệ đó là nhiệm vụ quan trọng của hai Chính phủ.

_________________

Ngày nhận: 6-12-2022; Ngày bình duyệt: 8-01-2023; Ngày duyệt đăng: 31-01-2023.

 

(1), (2), Dmitry Trenin: "Russia’s National Security Strategy: A Manifesto for a New Era", Carnegie Endownment for International Peace, 07.06.2021: https://carnegiemoscow.org/commentary/84893.

(3) Auyezov Olzhas: "Russia's Putin, India's Modi discuss Afghanistan in phone call",Reuters, 04.24.2021, https://www.reuters.com/world/russias-putin-indias-modi-discuss-afghanistan-phone-call-2021-08-24/.

(4) Bimalendu Ghosh: “India’s look North Policy to Connect Central Asia Policy: A Pragmatic”, Khazanah Sosial, 17.11.2021, https://journal.uinsgd.ac.id/index.php/ks/article/view/16771/6737.

(5) MEA: "21st India-Russia Annual Summit", Ministry of External Affairs of India, 12.06.2021, https://www.mea.gov.in/press-releases.htm?dtl/34608/21st_IndiaRussia_Annual_Summit.

(6) Rouben Azizian: "Russia-India Relations: Stability amidst Strategic Uncertainty",Asia Pacific Centre for Securities Studies, 2004, https://apps.dtic.mil/sti/pdfs/ADA591913.pdf.

(7), DOC: Ministry of Commerce and Industry, 2021, https://tradestat.commerce.gov.in/eidb/default.asp.

(8) MEA: Ministry of External Affairs of India,12.2021, https://mea.gov.in/Portal/ForeignRelation/Russia_-DEC_2012.pdf.

(9) PTI: Livemint.3.1.2018, https://www.livemint.com/Industry/QD5ex7YkwRkooAmYgWPVHK/India-Russia-Bangladesh-sign-pact-for-Rooppur-atomic-plant.html.

(10) PIB: “Agreement with ROSCOSMOS”,Press Information Bureau, Government of India, 12.12.2018, https://pib.gov.in/Pressreleaseshare.aspx?PRID=1555667.

(11) Divyabh Manchanda: "India-Russia relations-Then and Now", Rajiv Gandhi Institute for Contemporary Studies, 2020, https://www.rgics.org/wp-content/uploads/India-Russia-relations-then-and-now-Divyabh.pdf.

PHẠM QUYẾT THẮNG

Học viện Ngoại giao Việt Nam

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền