Trang chủ    Quốc tế    Mô hình kinh tế thị trường xã hội Đức và các giá trị tham khảo
Thứ tư, 22 Tháng 9 2021 17:12
12484 Lượt xem

Mô hình kinh tế thị trường xã hội Đức và các giá trị tham khảo

(LLCT) - Thế giới đã chứng kiến sự tồn tại của nhiều mô hình kinh tế thị trường (KTTT), một trong số đó là mô hình KTTT xã hội Đức. Bài viết phân tích mô hình KTTT xã hội Đức và rút ra những giá trị tham khảo đối với quá trình phát triển nền KTTT định hướng XHCN ở Việt Nam.

Ảnh: Ludwig Erhard - người đưa lý luận KTTT xã hội trở thành mô hình thực tiễn.

1. Sự hình thành, phát triển của mô hình kinh tế thị trường xã hội Đức

Sau Chiến tranh thế giới thứ II (1939-1945), Đức là nước bại trận, nước Đức đã gánh chịu những thiệt hại to lớn: khoảng 8 triệu người Đức tử vong; nền kinh tế bị tàn phá nặng nề; phần lớn kết cấu hạ tầng, nhà cửa, nhà máy, đường sá, cầu cống, đường sắt, các cơ sở công nghiệp nặng bị bom đạn phá hủy; thực phẩm khan hiếm và đói rét triền miên, nạn trộm cắp xảy ra khắp nơi. Trong những năm 1945-1947, hơn 1 triệu người Đức chết vì đói, rét; hơn 300 nghìn trẻ em mồ côi cha mẹ lang thang, hàng chục nghìn người ra đi, tìm đến các nước châu Mỹ(1)... Năm 1949, nước Đức chính thức chia tách làm hai: nửa Tây Đức tuyên bố thành lập Cộng hòa Liên bang Đức và đi theo con đường phát triển tư bản chủ nghĩa; nửa Đông Đức thành lập nước Cộng hòa Dân chủ Đức và áp dụng mô hình Nhà nước xôviết. Kể từ đó, hai nửa nước Đức, với hai chính thể riêng biệt, đã thực hành những đường lối, chính sách khác nhau nhằm tái thiết đất nước sau chiến tranh.

Ở Tây Đức, một mô hình kinh tế mới được xây dựng dựa trên nền tảng lý luận KTTT xã hội (Social Market Economy) của Alfred Muller-Amack được phát triển trên cơ sở kế thừa lý thuyết “tự do trong trật tự” (Ordoliberalism) do các học giả thuộc trường phái kinh tế Freiburg(2) khởi xướng từ cuối thập niên 1930. Tinh thần của lý luận KTTT xã hội là: “Kinh tế thị trường phải trở thành đầy tớ của loài người và các giá trị phi kinh tế khác. Những giá trị xã hội, đạo đức, văn hóa và nhân học còn quan trọng hơn giá trị kinh tế, nhưng chính nền kinh tế phải chuẩn bị nền tảng cho sự phát triển đầy đủ nhất của các giá trị trên. Vì lý do đó, nền kinh tế không được khoác lên mình những dạng thức không phù hợp với các giá trị trên... Chỉ có một nền kinh tế thị trường xã hội mới đem lại tự do cá nhân và cơ hội để hiện thực hóa các giá trị siêu việt trên. Thể chế của nền kinh tế thị trường không được phép coi nhẹ các giá trị nhân bản vì thực tế là con người mới chính là trung tâm của vạn vật trên thế gian”(3). Trên tinh thần đó, mô hình KTTT xã hội ủng hộ nền KTTT tự do và được điều phối bởi hệ thống thể chế, pháp luật của nhà nước nhằm bảo đảm cân bằng giữa mục tiêu kinh tế và mục tiêu xã hội. Nét nổi bật trong mô hình KTTT xã hội Đức là xử lý khéo léo mối quan hệ giữa thị trường tự do và công bằng xã hội. Chìa khóa để làm điều ấy là xây dựng một nhà nước “mạnh”, có khả năng thiết lập và duy trì “trật tự cạnh tranh” và một “chế độ xã hội” vận hành hiệu quả trong toàn bộ nền kinh tế. Lý luận về nền KTTT xã hội không loại bỏ hoàn toàn sự can thiệp của nhà nước vào quá trình vận hành của nền kinh tế, nhưng yêu cầu sự can thiệp ấy là “tối thiểu” và nhất thiết phải theo nguyên tắc phù hợp và hỗ trợ thị trường.

Người đưa lý luận KTTT xã hội trở thành mô hình thực tiễn là Ludwig Erhard - Bộ trưởng Kinh tế, sau này trở thành Thủ tướng Cộng hòa Liên bang Đức trong những năm 1963-1966. Kể từ khi Cộng hòa Liên bang Đức được thành lập chính thức (tính từ ngày 23-5-1949 khi Hiến pháp được công bố), mô hình KTTT xã hội được Ludwig Erhard cùng các đồng sự, vượt qua nhiều rào cản, quyết tâm triển khai từng bước trong thực tiễn. Sự hồi phục và phát triển nhanh chóng của nền kinh tế Tây Đức sau chiến tranh thế giới thứ hai và trong suốt nửa sau thế kỷ XX đã phần nào minh chứng cho tính phù hợp và sự thành công của mô hình KTTT xã hội. Trải qua hơn 70 năm hình thành và phát triển, mặc dù mô hình KTTT xã hội luôn được điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện thực tiễn thay đổi của nước Đức, nhưng những nguyên tắc căn bản trên vẫn được tôn trọng. Mục tiêu cao nhất của mô hình này - như Ludwig Erhard từng khẳng định là tôn trọng phẩm giá con người, đem lại hạnh phúc, thịnh vượng cho tất cả thành viên trong xã hội và duy trì một cách hợp lý sự cân bằng giữa tự do cho thị trường và công bằng xã hội.

2. Giá trị tham khảo đối với phát triển KTTT định hướng XHCN ở Việt Nam

Có thể nói, mô hình KTTT xã hội Đức với nhiều đặc trưng ưu việt là một thành tựu trong sự phát triển của KTTT nói chung. Nó trở thành hình mẫu tham khảo cho nhiều quốc gia đi theo con đường phát triển KTTT.

Trong thời kỳ quá độ lên CNXH, Việt Nam xác định mô hình kinh tế tổng quát xuyên suốt thời kỳ này là mô hình KTTT định hướng XHCN, hướng tới mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Việc nghiên cứu mô hình KTTT xã hội Đức có thể rút ra những giá trị tham khảo trong phát triển nền KTTT định hướng XHCN ở Việt Nam hiện nay.

Một là, muốn khôi phục và phát triển thành công nền kinh tế cần có một hệ thống lý luận phù hợp dẫn dắt.

Đối với nước Đức, mô hình kinh tế được triển khai dựa trên hệ thống lý luận KTTT xã hội. Trên thực tế, hệ thống lý luận KTTT xã hội ra đời là một quá trình lịch sử lâu dài. Ngay từ chiến tranh thế giới thứ hai, đối lập với dòng nghiên cứu chính thống về kinh tế kế hoạch hóa và chủ nghĩa can thiệp của nhà nước dưới thời Hitler, một số nhà kinh tế học và luật gia người Đức, với các đại biểu nổi bật như Alexander Rüstow (1885-1963), Walter Eucken (1891-1950), Franz Böhm (1895-1977) và Wilhelm Röpke (1899-1966) đã âm thầm nghiên cứu về một mô hình KTTT tự do quan tâm nhiều đến các yếu tố xã hội. Từ sau năm 1938, họ đã bí mật tập hợp tại Freiburg, biến nơi này thành trung tâm nghiên cứu các vấn đề kinh tế - xã hội mà Đức sẽ đối mặt sau sự sụp đổ không thể tránh khỏi của chế độ độc tài Đức Quốc xã, hình thành nên trường phái Freiburg với tư tưởng về “chủ nghĩa tự do trong trật tự” (Ordoliberalism), sau này được Alfred Muller-Amack kế thừa, phát triển thành lý luận nền KTTT xã hội. Ngay sau khi chiến tranh kết thúc, vào tháng 6-1946, lãnh đạo các tiểu bang cùng với các trí thức với nhiều xu hướng, học thuyết, quan điểm khác nhau đã họp tại thành phố Hamburg nhằm xác định mô hình kinh tế phù hợp với nước Đức. Mỗi trường phái đều có những giáo sư đầu ngành với hệ thống lý thuyết được nghiên cứu nhiều năm trước đó. Họ cùng tranh luận để đi đến một sự thống nhất chung rằng mô hình kinh tế mà nước Đức khi ấy sẽ đi theo là mô hình KTTT tự do, nhưng được điều phối bởi hệ thống thể chế, pháp luật của nhà nước nhằm bảo đảm cân bằng lợi ích xã hội. Có thể nói, một nhân tố góp phần quan trọng trong thành công của nền kinh tế Đức chính là những nhân sĩ, trí thức có đầu óc khoa học hiện đại, tư duy phê phán sắc bén, bản lĩnh và ý thức trách nhiệm lớn lao với vận mệnh đất nước. Họ đã nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn để vạch ra con đường phát triển đúng đắn cho đất nước.

Ở Việt Nam, lý luận về nền KTTT định hướng XHCN đã trở thành chủ đạo, trung tâm trong tư duy lý luận phát triển kinh tế - xã hội của nước ta. Qua các kỳ Đại hội Đảng, lý luận về nền KTTT định hướng XHCN đã được bổ sung và hoàn thiện, “hình hài” của nền KTTT định hướng XHCN ở Việt Nam đã hiện rõ những nét phác thảo căn bản. Tuy nhiên, còn nhiều vấn đề lý luận cần tiếp tục được làm rõ để tạo động lực cho nền kinh tế phát triển vượt bậc. Để tiếp tục hoàn thiện lý luận KTTT định hướng XHCN, cần thu hút, huy động được trí tuệ của đội ngũ trí thức và các tầng lớp nhân dân; mở rộng dân chủ, tôn trọng các ý kiến mang tính xây dựng.

Hai là, cần kiên định, cụ thể hóa và vận dụng đúng đắn lý luận trong thực tiễn.

Mô hình KTTT xã hội Đức từ lý thuyết trở thành mô hình hiện thực không thể không kể đến vai trò dẫn dắt, lãnh đạo của Ludwig Erhard - Bộ trưởng kinh tế, sau này là Thủ tướng Cộng hòa Liên bang Đức(4). Ludwig Erhard cùng các đồng sự đã vấp phải sự bất đồng chính kiến, hoài nghi không chỉ từ các đối thủ chính trị, mà còn từ các tầng lớp dân cư trong xã hội. Nhưng, bằng quyết tâm và niềm tin vào con đường mà dân tộc Đức phải đi, vào mục tiêu tốt đẹp là đem lại “hạnh phúc, thịnh vượng cho tất cả”, Erhard đã kiên trì vượt qua các trở ngại và từng bước triển khai mô hình KTTT xã hội trong thực tiễn. Sự hồi phục nhanh chóng và phát triển như vũ bão của nền kinh tế Đức nửa sau thế kỷ XX đã phần nào minh chứng cho tính phù hợp và sự thành công của mô hình kinh tế mà Erhard và các đồng sự đã lựa chọn. Chính Erhard là người đã tạo tiền đề, góp phần xây dựng nên hình hài của một nước Đức phát triển hiện đại và nhân văn như ngày nay, dẫu rằng mô hình ấy đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức.

Ba là, một số nội dung lý luận về nền KTTT xã hội Đức có thể tham khảo vận dụng vào phát triển nền KTTT định hướng XHCN ở Việt Nam.

Thiết lập một trật tự cạnh tranh trong nền KTTT.

Ý tưởng về trật tự cạnh tranh của các nhà KTTT xã hội Đức được hiểu là một khung khổ thể chế về cạnh tranh (mà bộ phận tiêu biểu nhất của nó là hệ thống chính sách, quy định pháp lý) bao trùm lên mọi hoạt động của các chủ thể trong nền kinh tế. Lý luận nền KTTT xã hội khẳng định “trật tự cạnh tranh” được xây dựng nhằm hướng tới “cạnh tranh đầy đủ” trong nền kinh tế. Việc vận dụng ý tưởng về hình thành một “trật tự cạnh tranh” trong nền KTTT định hướng XHCN ở Việt Nam là hoàn toàn phù hợp, bởi lẽ cạnh tranh trong nền KTTT định hướng XHCN không thể diễn ra theo cách tự do “vô tổ chức”; trái lại, cạnh tranh dù tự do, nhưng phải lành mạnh, phải diễn ra trong khung khổ thể chế được thiết lập nhằm ngăn chặn các hiện tượng tiêu cực trên thị trường như độc quyền, “cá lớn nuốt cá bé”, thủ đoạn cạnh tranh không lành mạnh.

Xây dựng “trật tự cạnh tranh” trong nền KTTT định hướng XHCN hàm ý Nhà nước phải thiết lập khung khổ thể chế, pháp luật thừa nhận và bảo hộ ở mức cao nhất:

Các quyền tự do cá nhân (bao gồm cả tự do kinh tế) là nền tảng cho hoạt động tự do cạnh tranh trong nền kinh tế.

Quyền sở hữu tư nhân và quyền thừa kế của công dân; quyền sở hữu hợp pháp đối với cung cấp vốn, tài sản cho các nhà đầu tư.

Quyền tự do gia nhập hoặc rút lui khỏi thị trường theo ý muốn; được phép kinh doanh ở những ngành nghề, lĩnh vực không bị pháp luật ngăn cấm của các chủ thể trong nền kinh tế. Không ai hoặc không cơ quan, tổ chức nào có quyền can thiệp hoặc cản trở bất hợp pháp đến công việc kinh doanh của một chủ thể khác.

Mọi doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác nhau đều phải hoạt động theo cơ chế thị trường, cạnh tranh trên cơ sở bình đẳng, tự do và tôn trọng lẫn nhau. Các doanh nghiệp cạnh tranh lành mạnh sẽ làm lợi cho người tiêu dùng, khiến cho người tiêu dùng có đa dạng sự lựa chọn về hàng hóa, dịch vụ; chất lượng sản phẩm cũng luôn được nâng cấp, cải thiện để theo kịp đối thủ, từ đó nhu cầu của người tiêu dùng cũng được thỏa mãn nhiều hơn.

Minh bạch độc quyền nhà nước, có chế tài xử lý phù hợp nhằm ngăn chặn các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, độc quyền trên thị trường dưới mọi hình thức.

Với ý nghĩa như vậy, thể chế cạnh tranh phải bảo đảm tối đa tự do của mỗi cá nhân, là cơ sở để hình thành sự cạnh tranh đầy đủ trên thị trường.

Bảo đảm công bằng xã hội với tư cách vừa là động lực, vừa là mục tiêu của nền KTTT định hướng XHCN ở Việt Nam.

Mô hình KTTT xã hội Đức hướng tới mục tiêu bảo đảm công bằng xã hội và coi đây là một phương thức nhằm duy trì sự cân bằng, ổn định của toàn bộ nền kinh tế, giúp thị trường vận hành hiệu quả và tránh được các hạn chế tự thân của nó. Do đó, Chính phủ Đức luôn dành sự quan tâm và nguồn lực cho vấn đề an sinh và phúc lợi xã hội.

Hệ thống bảo đảm công bằng xã hội trong mô hình KTTT xã hội Đức vận hành trôi chảy và hiệu quả là nhờ các điều kiện mang tính chất nền tảng sau: 1) Một trật tự kinh tế cạnh tranh vận hành có hiệu quả, ở đó các chủ thể kinh tế tự do phát huy năng lực, sở trường và sự năng động của mình để hướng tới mục tiêu lợi nhuận cao nhất trong khuôn khổ thể chế được nhà nước định sẵn; thực hiện phân phối lần đầu theo cơ chế thị trường; 2) Một nhà nước làm tốt chức năng xây dựng “luật chơi” và đóng vai trò “trọng tài” điều chỉnh các quan hệ kinh tế vận hành tự do, nhưng tuân thủ “luật chơi” đã định; 3) Một hệ thống thuế minh bạch với các quy định pháp luật có hiệu lực mạnh về thực thi nghĩa vụ thuế đối với mọi công dân; thực hiện phân phối lại thông qua hệ thống phúc lợi xã hội, cung cấp các dịch vụ công miễn phí (giáo dục, y tế...) chất lượng cao; 4) Hệ thống quỹ an sinh xã hội hoạt động theo nguyên tắc “đóng - hưởng” minh bạch, ổn định, tự quản và độc lập; 5) Bộ máy hành chính công quyền hoạt động minh bạch, hiệu quả, bài trừ tham nhũng và nhận được sự tin tưởng của người dân; 6) Nền tảng đạo đức xã hội giáo dục cho công dân tính tự chủ, trách nhiệm, kỷ luật, gắn kết xã hội và lan tỏa tinh thần “mình vì mọi người và mọi người vì mình”. Có như vậy, người lao động mới hăng say lao động, chấp nhận và tự giác nộp thuế theo quy định và được hưởng tiện ích từ “hàng hóa công cộng” có chất lượng cao từ nguồn thuế đầu tư, vì họ biết rằng tiền thuế do họ đóng góp đang được sử dụng như thế nào. Trẻ em, người yếu thế, người già vẫn được bảo đảm cuộc sống.

Xác lập nguyên tắc và phạm vi can thiệp của Nhà nước trong sự vận hành của nền KTTT định hướng XHCN ở Việt Nam.

Khi hình dung về một nền KTTT mới, các nhà kinh tế khởi xướng lý luận KTTT xã hội đã đề xuất nguyên tắc “hỗ trợ” và “phù hợp” thị trường khi bàn đến vai trò của nhà nước trong sự vận hành chung của nền kinh tế. Nguyên tắc “hỗ trợ” nghĩa là nhà nước phải tạo ra tiền đề, điều kiện bảo đảm quá trình cạnh tranh kinh tế giữa các chủ thể diễn ra hiệu quả, hoặc sự can thiệp của nhà nước sẽ được kích hoạt khi cơ chế thị trường thất bại và nền kinh tế vận hành tự do theo cơ chế thị trường dẫn đến mâu thuẫn với lợi ích xã hội cơ bản; còn nguyên tắc “phù hợp” là các chính sách của nhà nước đưa ra nhằm điều tiết kinh tế - xã hội phải phù hợp với sự vận động khách quan của các quy luật thị trường... Xuất phát từ nguyên tắc “hỗ trợ”, nhiệm vụ của nhà nước gồm: duy trì cạnh tranh hiệu quả, ổn định thị trường tiền tệ, bảo đảm sở hữu tư nhân, phát triển mạng lưới an sinh và công bằng xã hội; xuất phát từ nguyên tắc “phù hợp”, các chính sách của nhà nước nhằm hỗ trợ hoạt động của nền kinh tế bao gồm: chính sách toàn dụng nhân lực thông qua khuyến khích phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, chính sách tăng trưởng kinh tế, chính sách chống biến động chu kỳ, chính sách thương mại, chính sách khu vực và các vùng lãnh thổ. Dù vậy, các nhà lý luận KTTT xã hội cũng thừa nhận rằng, các nguyên tắc “phù hợp” và “hỗ trợ” chỉ đóng vai trò như bộ khung chỉ dẫn đối với nhà nước chứ hoàn toàn không phải là tiêu chí cụ thể giúp xác định xem sự can thiệp của nhà nước đã ở mức độ phù hợp hay chưa.

Về cơ bản, trong nền KTTT định hướng XHCN Việt Nam, Nhà nước chỉ nên đóng vai trò kiến tạo thể chế, tạo ra “luật chơi” và các thể chế thừa hành nhằm giám sát, bảo đảm “luật chơi” đó được thực hiện nghiêm minh bởi các chủ thể trong nền KTTT, qua đó thúc đẩy thị trường vận hành hiệu quả, chứ không được phép gây trở ngại hay làm thay vai trò thị trường. Các chủ trương, chính sách kinh tế và quá trình tổ chức thực hiện chính sách của Nhà nước một mặt phải phù hợp với cơ chế thị trường, mặt khác dẫn dắt nền kinh tế phát triển theo mục tiêu XHCN nhằm mang lại ổn định, phát triển kinh tế và công bằng xã hội.

Xây dựng xã hội kỷ cương, đạo đức với tư cách là động lực thúc đẩy sự phát triển của nền KTTT định hướng XHCN Việt Nam.

Trong mô hình KTTT xã hội Đức, ngoài các nhân tố cốt lõi như trật tự cạnh tranh và trật tự xã hội, những nhân tố góp phần quan trọng vào thành công của mô hình phải kể đến: xã hội pháp quyền với tinh thần thượng tôn pháp luật, ở đó công dân đều tự nguyện tuân thủ các quy định của pháp luật trên mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội và nhà nước thực thi pháp luật nghiêm minh; xã hội đạo đức, đề cao trách nhiệm và tính cộng đồng, ở đó mỗi người lao động có tinh thần kỷ luật, trách nhiệm và tính sáng tạo cao; mỗi doanh nghiệp không chỉ hoạt động vì mục tiêu lợi nhuận, mà còn luôn tuân thủ đạo đức nghề nghiệp và không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, coi đó là thiên chức của nhà doanh nghiệp...

Quá trình phát triển nền KTTT định hướng XHCN ở Việt Nam muốn thành công không thể thiếu những nhân tố trên. Muốn có được những nhân tố này, Nhà nước cần tiến hành quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, xây dựng nền văn hóa và đạo đức xã hội cùng với xây dựng và phát triển nền KTTT định hướng XHCN. Quá trình này vừa là điều kiện, vừa là động lực thúc đẩy cải tạo về mặt cấu trúc của xã hội nhằm đạt được một trật tự mà ở đó không có chỗ cho đặc quyền, đặc lợi, tất cả các thành viên trong xã hội cùng có cơ hội phát triển như nhau, vượt qua mọi rào cản về mặt xã hội; cho phép thiết lập một khung khổ pháp luật nghiêm minh, chặt chẽ nhằm điều tiết hành vi của mọi chủ thể trong xã hội; thiết lập nguyên tắc thành công của mỗi người có được trên cơ sở năng lực và nỗ lực thay vì tiền bạc hay địa vị; xây dựng con người mới của tính kỷ luật, trách nhiệm, tuân thủ pháp luật, sáng tạo cá nhân. Đó là điều kiện quan trọng không thể thiếu đối với sự thành công của nền KTTT định hướng XHCN ở Việt Nam, như Wilhelm Röpke - một đại biểu của chủ nghĩa “tự do trong trật tự” (Ordoliberalism) từng khẳng định: “Tính kỷ luật, công bằng, trung thực, tinh thần hào hiệp, vì cộng đồng và tôn trọng phẩm giá con người chính là những tiêu chuẩn đạo đức mà mỗi người cần phải có khi bước vào thị trường và cạnh tranh cùng những người khác”(5).

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 6-2021

(1) Xem Tôn Thất Thông: Vươn lên từ vực thẳm: Thần kỳ kinh tế Tây Đức sau 1945 (giai đoạn: 1945-1950), Nxb Hồng Đức, Hà Nội, 2015.

(2) Các đại biểu của trường phái kinh tế Freigburg gồm: Alexander Rüstow (1885-1963), Walter Eucken (1891-1950), Franz Böhm (1895-1977) và Wilhelm Röpke (1899-1966).

(3) Konrad Zweig: The origin of the German social market economy: The leading ideas and their intellectual roots, Adam Smith Institute, London and Virginia, 1980, ISBN 0–906517–06–0, tr.9.

(4) Ludwig Erhard giữ vị trí Bộ trưởng Kinh tế từ khi nước Cộng hòa Liên bang Đức được thành lập chính thức năm 1949. Từ năm 1963-1966, ông trở thành Thủ tướng nước Cộng hòa Liên bang Đức.

(5) Nguyên văn lời của Wilhelm Röpke: “Self-discipline, a sense of justice, honesty, fairness, chivalry, moderation, public spirit, respect for human dignity of others, firm moral standards - all these things people must internalise when entering the market and competing with each other”.

ThS NGUYỄN THỊ MINH THU

Viện Kinh tế chính trị học,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền